An Mai Đỗ O. Cist



tải về 0.63 Mb.
trang15/21
Chuyển đổi dữ liệu26.12.2017
Kích0.63 Mb.
#35092
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   21

9.CẦU NGUYỆN(46)


Có thể nói, cầu nguyện là yếu tố sống còn của con người trong hành trình tâm linh. C.Jung đã nói: linh hồn cần đến Thiên Chúa như thân xác cần đến của ăn. Khẳng định này cho thấy tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống thường ngày. Ở đây, chúng ta đí thêm bước nữa khi đề ra vai trò của cầu nguyện trong việc hình thành nhân cách.

9.1.Cầu nguyện với Thiên Chúa nào ?


Khi cầu nguyện, chúng ta thiết lập một mối tương quan với Thiên Chúa. Tuy nhiên, phẩm chất cuộc gặp gỡ này tùy thuộc việc chúng ta quan niệm về Thiên Chúa. Thật vậy, một Thiên Chúa của ông Pharisêu thì công bằng trả lại cho những gì ông đáng hưởng; còn Thiên Chúa của người thu thuế thì giàu lòng thương xót, Người thứ tha và thánh hóa bản thân ông. Như thế, tùy quan niệm của mỗi người mà có những tâm tình cân xứng.

Quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa thường chịu ảnh hưởng bởi mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ. Thật vậy, đọc hạnh thánh Têrêsa HĐGS, chúng ta thấy hình ảnh về cha mẹ của chị đã được chị ghi sâu vào trong ký ức. Từ những buổi người cha dắt chị đi dạo chơi, nhìn trời, đến việc thú tội và trao hôn bình an trước khi ngủ…Chúng tạo nơi chị một nhãn quan về Thiên Chúa luôn quan phòng, che chở và sẵn sàng thứ tha mọi tội lỗi hầu giúp chị nên thánh mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn như chị thánh được vui sống và hít thở trong bầu khí lành thánh từ thời ấu thơ. Bởi đó, dù sống trong bối cảnh bi đát nào, chúng ta cần ý thức tách bạch hình ảnh của cha mẹ với hình ảnh Thiên Chúa.

Môi trường cộng đoàn cũng tác động mạnh mẽ đến chất lượng của việc cầu nguyện. Nếu được sống trong cộng đoàn thông cảm và yêu thương nhau, chúng ta sẽ dễ dàng sống giờ cầu nguyện như ân ban đến từ Thiên Chúa. Còn nếu sống trong cộng đoàn mà lòng thù hận chưa được giải quyết thỏa đáng sẽ tạo nơi chúng ta một không gian ngột ngạt và việc đến với Người là một hành động chạy trốn thực tại. Thật vậy, một tâm hồn thù hận không thể mời Chúa ngự vào.

Ngoài ra, có những người quan niệm rằng Thiên Chúa là Đấng cản trở con người sống tự do. Điều này kéo theo việc họ xác tín: Người chẳng giúp gì cho tôi trong việc định hình nhân cách. Vì con người cũng không được quyền chọn cách sống cho mình.

Thiết tưởng, chúng ta cần tái lập lại hình ảnh tích cực về Thiên Chúa trong Tin Mừng. Mà theo thánh Luca, Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu, chạnh thương và giàu lòng thương xót; còn theo thánh Gioan, Người là tình yêu…những hình ảnh đẹp này sẽ giúp chúng ta dễ dàng thiết lập một tương quan với Thiên Chúa.

Ngoài ra, Cựu ước cũng gợi lên cho chúng ta một Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người. Rồi khi hình ảnh ấy bị méo mó vì tội lỗi, thì vào thời Tân Ước, Thiên Chúa vì yêu thương đã sai Con Một xuống trần, dùng giá máu mà tái tạo hoàn toàn hình ảnh ấy. Đó là một Thiên Chúa giúp chúng ta xây dựng nhân cách của mình dựa theo hình ảnh Người.


9.2.Cảm xúc an toàn


Có thể nói, cảm xúc an toàn là cảm xúc lành mạnh hơn cả. Vì thông thường mọi cảm xúc dù tiêu cực hay tích cực đều bộc lộ một sự biến động trong tâm thể lý cách nào đó. Cảm xúc còn lại sau những đợt sóng là sự an toàn. Điều này lại được đặt trong bối cảnh cầu nguyện, thế nên, nó mang một sắc thái đặc biệt hơn. Phải chăng việc cầu nguyện thực sự đem đến cho chúng ta một cảm xúc an toàn ?

Nếu chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện mà giúp cho thụ nhân cảm nhận sự an toàn thì nó chỉ mang tính thuần tâm lý, nghĩa là có một không gian tĩnh lặng, xa rời những bon chen khả dĩ giúp người ta cảm giác an toàn. Như thế, chỉ cần áp dụng phương pháp thiền thông thường cũng có thể mang lại cho tu sĩ cảm giác ấy. Nhưng cảm xúc an toàn hệ tại ở việc cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng đã xếp đặt tất cả và quan phòng mọi sự, ngay cả mọi cọng tóc trên đầu cũng được Người biết cả. Đấng ấy đáng chúng ta sống phó thác và tin yêu. Đấng ấy giúp ta đủ sức vượt qua mọi khó khăn để cảm nhận sự an toàn trong bàn tay Cha lành.

Có nhiều người đàn ông cho rằng khóc là yếu đuối, chuyện của đàn bà và con nít. Thế nên, đôi khi họ che giấu và dồn nén cảm xúc tự nhiên của mình. Điều này nếu không được nhìn nhận đúng đắn, có thể làm cho đương sự mất dần sự nhạy cảm mà trở nên những người vô cảm. Thật vậy, nếu cảm xúc tự nơi mình còn bị phủ nhận và khước từ thì họ không thể tỏ lòng trắc ẩn với một người đồng cảnh ngộ.

Tại sao tôi không được khóc khi người thân qua đời ? Tại sao tôi không được phép giãi bày mọi tâm tình trước Chúa ? Tôi có quen một nam tu sĩ nọ. Anh ta có một người em qua đời do một tai nạn ngoài ý muốn. Sau khi chôn cất người thân, anh trở về lại cộng đoàn trong một tâm tình hối tiếc vì sự ra đi bất ngờ của một người em. Thay vì chia sẻ với anh em đồng tu, anh tìm đến với Chúa trong nước mắt và lời kinh. Điều bất ngờ xảy ra, anh được ơn an ủi và nâng đỡ trong vòng một tháng, nghĩa là anh cảm nhận người em như thực sự bên cạnh mình. Sau một tháng ấy, anh ngộ ra một điều như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng khẳng định: ngườichết nối linh thiêng vào đời. Qua đó, chúng ta có thể xác tín rằng mọi cảm xúc trong cuộc đời đều được Chúa đón nhận. Mọi cảm xúc là chất liệu cho lời cầu của bạn thêm tha thiết và thống thiết trước tòa Chúa.

Chính khi trải qua những cảm xúc xem ra bi đát nhất của cuộc đời, con người lại có kinh nghiệm tái lập quân bình những cảm xúc và biết cách thăng hoa nó cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Nhờ những cảm xúc chân thật của bản thân mà mỗi ngày chúng ta cảm nhận sự hiện diện tràn đầy của Thiên Chúa. Tác giả Paul Claudel thật chí lý khi nói: “Đức Kitô đến không phải để hủy bỏ, cũng không phải để giải thích đau khổ, nhưng làm cho đau khổ đầy tràn hiện hữu của Ngài”.

Tựu trung, cảm xúc an toàn được giải thích nhờ mầu nhiệm Phục Sinh, Đấng chiến thắng sự chết. Như thế, chỉ trong Chúa, người ta mới có cảm xúc an toàn thật sự. Tuy nhiên, cảm xúc ấy không dừng lại trong những phút cầu nguyện gặp gỡ với Thiên Chúa mà cả khi tiếp xúc với tha nhân.


9.3.Chữa lành và giải thoát


Có hai tình trạng cần được chữa lành và giải thoát là: bóng tối và tội lỗi. Theo C.Jung bóng tối biểu thị cho việc cự tuyệt chính mình, còn theo Công Giáo, tội lỗi biểu thị cho việc cự tuyệt Thiên Chúa.(47)

Nếu xét ánh sáng là cái lý tưởng con người nhắm đến, mà con người bất toàn đang tiến trên con đường hoàn thiện thì luôn mang trong mình một phần bóng tối. Nếu đời tu nhắm đến việc nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô thì mọi mô phạm khác sẽ là bóng tối. Thực tế, chúng ta không thể nào lĩnh hội và thấu đạt mọi kích thước dài rộng cao sâu của nhân tính Chúa Kitô đâu ! Thế nên, những mô phạm khác có thể là “cầu nối” giúp chúng ta đến gần Người. Điều này cho thấy mặt tích cực của bóng tối. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa có vấn đề. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là con người thiếu sáng suốt để phân định nên dồn nén và che giấu những bóng tối ấy trong vô thức của mình. Chính trong khi cầu nguyện và nhận ánh sáng đến từ Thiên Chúa, chúng ta dễ nhận ra những bóng tối trong cuộc đời mình. Và khi nhận ra những giới hạn của phận người, chúng ta cần để Thiên Chúa “chạm vào”. Thật vậy, những gì được Người thánh hóa đều giúp chúng ta sống và sống dồi dào.

Tâm lý tự nhiên, chúng ta thường dùng những lời hoa mỹ để thưa chuyện với Chúa mà quên đi Người nhìn tận đáy lòng của ta. Những yếu đuối của con người so sánh sao được với lòng trắc ẩn của Người. Điều Chúa chờ đợi nơi ta là ước muốn thuộc về Người luôn luôn. Chính những ước muốn này giúp chúng ta dấn thân không mệt mỏi. Nếu vẫn luôn thành tâm thiện chí tìm Người thì cứ đến kỳ hạn, Người sẽ tỏ mình cho chúng ta. Kinh nghiệm ngã ngựa của thánh Phaolô là một bằng chứng xác thực. Khi bóng tối nào đó đã thúc bách chàng thanh niên Saolô tiến lên bách hại đạo thì Chúa đã dùng ánh sáng phục sinh quật ngã anh xuống đất và trong nhiều ngày, Người để anh chìm đắm trong bóng tối, đối diện với những giới hạn bản thân. Và anh đã nhận một sứ mạng mới với tên mới là Phaolô. Sau này, khi nói về những kinh nghiệm quá khứ, thánh nhân đã nhìn nhận: khi xưa bản thân hành động vì thiếu hiểu biết. Như thế, hiểu biết và ý thức là khởi đầu cho một cuộc biến đổi.

Trong hành trình tâm linh của mỗi chúng ta cũng vậy, cần hiểu biết những bóng tối, giới hạn bản thân đang bị dồn nén trong vô thức, rồi giúp nó trồi lên trên bề mặt ý thức; từ đó, bản thân sẽ dễ chủ động trong mọi tình huống. Và mỗi tình huống là mỗi cơ hội giúp bản thân hình thành nhân cách đời tu của mình.

Nếu như bóng tối chỉ hoạt động trong vô thức vì bị dồn nén và che giấu thì tình trạng tội lỗi là những hậu quả do hiểu biết nông cạn, nhận định sai lầm, và tự do bất chấp những giới hạn bản thân. Nếu ví bóng tối chỉ là hậu cảnh thì tội lỗi là mặt nổi của những lần khước từ Thiên Chúa của con người. Kể cả những tội luân lý mắc phạm trong các tương quan cũng đều qui về một mối là sự khước từ tình yêu Thiên Chúa.

Có một sự đảo lộn trật tự các bậc thang giá trị, đồng nghĩa với việc có sự thất bại, đổ vỡ và ngay cả tội lỗi trong đời sống thường ngày. Kinh nghiệm đau thương này muốn chuyển tải một sứ điệp rằng con người chưa thực sự hội nhập hoàn toàn vào đời sống tôn giáo. Chắc hẳn, không bao giờ có sự toàn hảo ở thế gian này, thế nên, tội lỗi luôn gắn liền với thân phận hữu hạn của con người. Hiểu như thế thì không có ai thánh thiện thực sự ở thế gian này, cũng không có ai hoàn thành nhân cách mỹ mãn nơi cuộc sống vốn vô thường.

Có thể nói, tội lỗi làm vương hại sâu xa đến nhân cách mỗi người. Thật vậy, tội lỗi cướp đi sự bình an đích thực đến từ Thiên Chúa. Nếu như sự bình an giúp con người tái lập mọi tương quan trong bầu khí hài hòa thì khi tội lỗi mắc phải, sự nhiễm uế sẽ không tránh khỏi. Điều này khó thể thấy bằng mắt thường nhưng không vì thế, không ảnh hưởng cách nào đó đến nhân cách đời tu.

Như thế, sự khác biệt giữa hai người đã sa phạm tội là lòng khiêm tốn nhìn nhận thực trạng bản thân. Chỉ có sự thống hối mới khả dĩ chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Chỉ người bệnh tật mới cần đến vị Lương Y Thần Linh. Sự chữa lành và giải thoát chỉ đến từ Thiên Chúa. Lòng thống hối chỉ được thực hiện nơi người biết suy phục Tình Yêu. Nếu như tội lỗi được hiểu như là thái độ khước từ tình yêu thì lòng thống hối chân thành lại là giá chuộc tình yêu. Điều này chỉ thực sự xảy ra trong bầu khí của lời cầu nguyện. Thật vậy, chính khi tiếp nhận Ánh Sáng Mặt Trời mà con người thấy rõ thực trạng u tối tội lỗi.

Mỗi kinh nghiệm được chữa lành là dịp giúp con người lượng giá lại hành trình mình đang đi. Thật ra, luôn có sự trúc trắc, trục trặc trên đường đi, vì con người là một huyền nhiệm mà bản thân không thể múc cạn và hoàn cảnh sống thì biến thiên vạn trạng. Thế nên, những dự phóng của tu sĩ một khi không phù hợp với những tiêu chuẩn và đòi hỏi của đời tu, nghĩa là xa rời ý muốn Thiên Chúa thì đương sự dễ sa phạm tội và khi ấy lại quay lại ngã ba đường để thực hiện tiếp tục một chọn lựa và một khởi điểm mới. Có thể nói, phạm tội và chữa lành là hai nhịp sống thông thường của phận người yếu đuối bất toàn. Điều quan trọng là chúng ta phải kiên trì sống trong nhà Chúa với tâm tình thống hối. Ân sủng luôn đồng hành trong mọi nơi mọi lúc. Ân sủng không hề cản trở sự tự do chọn lựa của ta, trái lại, nó chữa lành cho ai tự do quay về với Lòng Thương Xót.

Ngoài ra, trong đời sống tâm lý, trí tưởng tượng cũng đóng một vai trò khá quan trọng, nên nó cũng cần được chữa lành và giải thoát. Xin gợi ý cách thức tiếp cận vấn đề này theo thánh Inhaxiô. Trong tác phẩm Linh thao, thánh nhân trình bày một hình thức cầu nguyện theo Kinh Thánh giúp định hướng trí tưởng của mỗi người. Qua việc đồng hóa mình với một nhân vật trong Phúc Âm đã được Chúa Giêsu chữa lành mà chính mình cũng được giải thoát. Bước thứ nhất, đọc một đoạn Phúc Âm thật kỹ, chẳng hạn như Mc 10,46-52, đoạn thuật truyện việc Chúa chữa lành cho anh mù Bartimê. Bước hai, chúng ta có thể đồng hóa mình là một nhân vật chứng kiến cảnh ấy nhằm đưa ra một vài nhận định khách quan của biến cố này. Bước ba, tự đồng hóa mình với anh mù này hầu cảm nhận sức chữa lành đến từ Chúa. Điều này giúp khêu gợi cảm xúc và cảm nhận của một người được chữa lành và giải thoát. Từ đó, xác tín hơn vào tình yêu Chúa và đi vào kinh nghiệm chữa lành và giải thoát của Đấng yêu ta.48




tải về 0.63 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương