Lại Văn Hùng1 Lê Thanh Hà



tải về 0.57 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.57 Mb.
#9882
  1   2   3   4   5   6   7



HỘI THẢO KHOA HỌC "CHỮ QUỐC NGỮ TẠI BÌNH ĐỊNH" ­­­­­­­­­­­­­­­­­

VỀ CÁC KHÁI NIỆM QUỐC NGỮ - QUỐC ÂM

Lại Văn Hùng1  Lê Thanh Hà   

  1. Đặt vấn đề

Khi tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ dân tộc Việt Nam ta thường bắt gặp hai khái niệm Quốc ngữQuốc âm, hai khái niệm này thường đi song hành cùng nhau, các nhà nghiên cứu cũng đã tranh luận nhiều vấn đề khi tìm hiểu và giải thích trên các mặt diễn tiến lịch sử, mức ảnh hưởng, ý nghĩa lịch sử hai khái niệm này đối với văn hóa Việt Nam. Quốc ngữQuốc âm là hai khái niệm tưởng chừng quen thuộc nhưng khi đi sâu tìm hiểu về hai khái niệm này, cũng như diễn tiến hình thành, phát triển của nó thì cũng cho ta nhiều kết quả mới lạ, thú vị.

Bài viết sẽ tìm hiểu thêm về các khái niệm Quốc ngữ, Quốc âm thông qua các dữ liệu lịch sử để làm sáng tỏ thêm về các vấn đề này.



  1. Nội dung chính

  1. Cách hiểu về các khái niệm Quốc ngữQuốc âm

1.1. Thế nào gọi là Quốc ngữ ?

Như ta đã biết có hai đặc trưng biểu hiện cho sắc thái văn hóa của một dân tộc, thứ nhất là ngôn ngữ, thứ hai là chữ viết. Chữ viết có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ nhưng không thể đồng nhất ngôn ngữ và chữ viết. Người ta có thể không biết chữ nhưng vẫn có ngôn ngữ để diễn đạt lời nói. Về mặt lịch sử, ngôn ngữ xuất hiện cùng với xã hội loài người trong khi đó cho tới nay nhiều ngôn ngữ vẫn chưa có chữ viết. Con người có mặt trên trái đất hàng chục vạn năm, nhưng mãi tới giai đoạn cao của xã hội loài người mới có chữ viết. Về khái niệm Quốc ngữ có thể hiểu nghĩa là: ngôn ngữ chính thức của một quốc gia, và chữ Quốc ngữ là chữ viết của quốc gia đó, một loại chữ viết phổ biến, phổ thông được quốc gia đó công nhận chính thống.

Tuy nhiên hiện nay khi nhắc đến chữ Quốc ngữ phần lớn mọi người đều cho rằng chữ Quốc ngữ chỉ là tên gọi cho hệ thống chữ viết ghi âm tiếng Việt, dùng chữ cái La tinh, có thêm một số dấu phụ được các nhà truyền giáo phương Tây cộng tác với người Việt sáng chế từ thế kỉ XVII; và được hoàn thiện dần vào các thế kỉ tiếp theo, cuối cùng đạt tới hình thức ổn định như hiện nay ta đang dùng. Cách hiểu này là chưa hoàn toàn chính xác, và đầy đủ về khái niệm Quốc ngữ vì trước khi tiếng Việt được La tinh hóa thì chúng ta cũng đã có chữ viết dùng để ghi lại tiếng nói của người Việt vào những thời kỳ trước, đó chính là chữ Nôm.

Chữ Nôm chính là loại chữ Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Từ “Nôm” chính là đọc chệch của từ “Nam”, khẳng định đây là thứ chữ của người Nam, nước Nam sáng tạo thành một loại chữ riêng biệt chỉ người nước Nam mới viết được và đọc hiểu được. Chữ Nôm là chữ viết ghi âm tiếng Việt cổ, thuộc loại chữ khối vuông, được tạo ra trên cơ sở chất liệu và nguyên tắc cấu tạo của chữ Hán. Chữ Nôm có thể hình thành vào thế kỉ IX - X, và hoàn chỉnh dần vào các thế kỉ sau đó, chữ Nôm được dùng trong sáng tác văn học từ thế kỉ XIII – XV, đặc biệt phổ biến vào thế kỉ XVIII – XIX, và dần dần đến khoảng nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỉ XX, chữ Nôm, chữ Hán mới được thay thế bằng chữ Quốc ngữ dùng chữ cái La tinh.



1.2.  Thế nào gọi là Quốc âm?

Quốc âm nghĩa là tiếng nói âm đọc của một quốc gia, đó chính là tiếng mẹ đẻ của một quốc gia riêng biệt. Như vậy ta thấy các khái niệm Quốc ngữQuốc âm đều chỉ chung cho ngôn ngữ, tiếng nói của quốc gia, do đó mà ban đầu khi chữ Nôm xuất hiện, bên cạnh tên gọi Quốc ngữ được người ta dùng để chỉ chữ Nôm, ta cũng song hành một tên gọi khác là Quốc âm dùng để chỉ chữ Nôm như: tác phẩm Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi chẳng hạn, dùng để phân biệt với loại văn tự khác không phải là Quốc ngữ hay Quốc âm thời bấy giờ. Cách gọi này ngoài ý nghĩa như vừa nói ở trên còn có ý phân biệt chữ Nôm là thứ chữ của tiếng nói nước mình, khác với một loại chữ không phải của nước mình.

Tìm lại lịch sử chữ viết của người Việt để trả lời cho câu hỏi chữ Việt ra đời từ bao giờ là một câu hỏi chưa có được câu trả lời rõ ràng. Chỉ biết rằng, trên các đồ vật bằng đá và bằng đồng của thời kì văn minh Đông Sơn của dân tộc Lạc Việt, có những dấu hiệu cho phép ta đặt giả thuyết về dạng chữ viết cổ xưa của dân tộc trước khi bị thế lực bành trướng phương Bắc thủ tiêu trong mưu đồ đồng hoá dân tộc Lạc Việt. Hệ thống chữ viết của người Việt nay đã qua nhiều phen thay đổi do những biến thiên của lịch sử. Khi bị người phương Bắc xâm trị trong nhiều năm, người Việt đã trải qua một cuộc giao lưu văn hoá lớn, mà một trong số những thành tựu văn hoá mới chính là bộ chữ viết mới được hình thành: chữ Nôm. 

Theo các nhà nghiên cứu, chữ Nôm xuất hiện ở Việt Nam dựa trên cơ sở chất liệu của chữ Hán và khi âm Hán Việt đã hình thành một cách có hệ thống ở Việt Nam. Dần dần, có những chữ Hán không ghi được âm Hán Việt nên các chữ Nôm được sáng tạo ra để ghi âm tiếng Việt, tạo thành các văn tự Nôm. Về thời điểm chữ Nôm ra đời vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau: như Lê Dư và Nguyễn Đổng Chi đã căn cứ vào ý “Sĩ Vương bắt đầu lấy chữ Hán để dịch ra tiếng ta” trong Đại Nam quốc ngữ của Nguyễn Văn San để đưa ra nhận định cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp (thế kỉ thứ II). Trần Huy Bá dựa vào chữ “ông Hà” khắc trên quả chuông Vân Bản tự chung minh tìm được ở Đồ Sơn có niên đại năm 1076, để cho rằng chữ Nôm có từ thời Lý; GS. Nguyễn Tài Cẩn và GS Lê Văn Quán thì chứng minh chữ Nôm không thể có vào thời kỳ Sĩ Nhiếp mà phải xuất hiện thời Đường Tống. Đào Duy Anh thì cho rằng: do yêu cầu mới của xã hội từ sau khi giành độc lập tự chủ, đặc biệt dưới các triều Đinh, Lê và đầu thời Lý chữ Nôm đã xuất hiện. Cứ liệu sớm nhất về chữ Nôm là bài văn khắc trên quả chuông Vân Bản năm 1076, thời nhà Lý, thế kỷ XI, ngoài ra chúng ta cũng tìm được trong các văn bia thời Lý lưu giữ được các chữ Nôm ghi tên đất, tên người, như: Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí (niên đại 1173), Chúc Thánh Báo Ân tự bi (niên đại 1185-1214), Báo Ân thiền tự bi ký (niên đại 1210). Những tấm bia, bài minh trên chuông cổ xưa từ đời nhà Lý còn cho thấy những tên gọi các làng xóm hoặc tên người rất thuần Việt, không thể không có nhu cầu ghi lại bằng một kiểu chữ viết riêng trong khi mà chữ viết xưa cũ đã tiêu trầm sau hơn nghìn năm ngoại thuộc. Ban đầu, chữ Nôm đơn thuần để ghi tên người, tên đất, nhưng càng về sau, chữ Nôm được dùng để ghi chép các tác phẩm nên càng trở nên phổ biến và có ý nghĩa trong đời sống văn hóa của người Việt

Chữ Nôm ra đời đã thể hiện ý chí độc lập, tự chủ của tinh thần dân tộc về mặt ngôn ngữ văn tự; dùng chính những nét viết của chữ Hán để ghi lại tiếng nói của dân tộc, các người con đất Việt đã nói lên ý chí vươn lên độc lập ở cả phương diện chủ quyền lãnh thổ, lẫn các mặt tư tưởng, học thuật, văn tự, văn chương. Chữ Nôm đánh dấu bước phát triển của nền văn hóa dân tộc, đồng thời cũng khẳng định vai trò, địa vị của tiếng Việt.

Tuy nhiên, chữ Nôm chưa được các triều đại phong kiến coi là ngôn ngữ chính thống trên phương diện nhà nước, trừ nhà Hồ đầu thế kỷ XV (1400-1407), nhà Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII (1788-1802), với số năm ít ỏi, đã từng có sử dụng chữ Nôm trong các văn bản hành chính của triều đình. Mặc dù lịch sử hình thành chữ Nôm còn không ít vấn đề cần làm sáng tỏ, nhưng về ý nghĩa của sự ra đời của chữ Nôm, các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định rằng: Trong suốt quãng thời gian tồn tại, chữ Nôm là công cụ duy nhất, hoàn toàn Việt nam, ghi lại lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt. Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ ý thức tự chủ của dân tộc chống lại xu hướng Hán hóa của người phương Bắc, khẳng định tinh thần dân tộc của người Việt. Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm, dù nói gì chăng nữa, cũng mang đậm tính thuần Việt ở chỗ nó đi lên từ đòi hỏi của đời sống Việt, nó được cư dân Việt Nam chấp nhận trong nền văn hóa của mình mà không cần một sắc lệnh ban bố nào từ nhà nước quân chủ.


  1. Những lần xuất hiện danh xưng Quốc ngữ, Quốc âm  trong lịch sử

    2.2. Những lần xuất hiện trong sử học

Lần xuất hiện đầu tiên tên gọi Quốc ngữ trong sử sách được ghi chép như sau, theo Đại Việt sử kí tiền biên chép rằng: “Tháng 8, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4 (1282) đời vua Trần Nhân Tông, thời có con cá sấu đến sông Lô. Vua ra lệnh cho Nguyễn Thuyên là Hình bộ Thượng thư, làm văn rồi ném xuống sông, cá sấu tự bỏ đi. Qua việc này vua xem ông như Hàn Dũ, ban cho họ Hàn, Hàn Thuyên giỏi thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta, phần nhiều dùng quốc ngữ, thực là bắt đầu từ đây.” Tiếc rằng bài văn này của Hàn Thuyên đã bị thất truyền, và tập thơ của ông là Phi sa tập cũng đã thất truyền, theo Phan Huy Chú ghi trong Lịch triều hiến chương loại chí thì tập thơ này của Hàn Thuyên có nhiều thơ Quốc âm, Quốc ngữ (chữ Nôm). Như vậy theo các tư liệu lịch sử thì Hàn Thuyên là người giỏi về cả thơ, văn chữ Quốc ngữ, tức chữ Nôm.

Sự kiện thứ hai được ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư như sau: Vua Lê Thánh Tông phê bình Lương Như Hộc và Nguyễn Vĩnh Trinh: “Không học thể thơ quốc ngữ, làm thơ không đúng luật”, ta thấy được thơ quốc ngữ ở đây chính là thơ chữ Nôm. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên) viết: Nguyễn Sĩ Cố (thế kỉ XIV) cũng giỏi làm văn thơ quốc âm, để cho mọi người học theo”; và cũng theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên) có chép việc: “Hồ Quý Ly có làm thơ Quốc âm để tặng vua Trần Nghệ Tông và dịch thiên Vô dật trong Kinh thư ra Quốc ngữ để dạy cho các quan”. Trong Quốc sử di biên của Phan Thúc Trục (phần Thượng tờ 6a) có viết: “…Thế tổ lập đàn tế các tướng sĩ chết trận. Trong trận đánh ở Quy Nhơn, Thái tử Phò mã cùng Trấn Lễ đều tử tiết nên vua sai quan Từ làm bài điếu bằng quốc ngữ để tế”.

Như vậy ta thấy trong các ghi chép chính sử của các triều đại đã gọi chữ Nôm là Quốc ngữ, Quốc âm rồi, khẳng định chữ viết của dân tộc Việt, mang tinh thần và tâm hồn Việt vào thời kì đó chính là chữ Nôm.


2.2.  Những lần xuất hiện trong văn học

Căn cứ vào ghi chép của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thì Chu Văn An (?-1370) có Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập (đã bị thất truyền), sau này có nhiều nghiên cứu cho rằng đây là tập thơ chữ Nôm. Thời Lê sơ, văn học được sáng tác bằng chữ Nôm mang danh xưng Quốc âm, Quốc ngữ xuất hiện khá nhiều, tiêu biểu có: Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380-1442), với tập thơ quốc âm gồm 254 bài thơ Nôm. Tiếp đến là Hồng Đức quốc âm thi tập, trong đó vua Lê Thánh Tông sáng tác 128 bài thơ Nôm, và sau này người ta sưu tầm các bài thơ Nôm xướng họa của các tác giả khác trong hội Tao đàn tổng cộng được 328 bài thơ Nôm để tạo thành tập thơ quốc âm nổi tiếng, bên cạnh còn có tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn chép trong Thiên Nam dư hạ tập tương truyền là của Lê Thánh Tông cũng viết bằng chữ Nôm; Lương Như Hộc ( thế kỉ XV) có Hồng Châu quốc ngữ thi tập cũng là tập thơ bằng chữ Nôm.   

Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX, trải qua các triều đại phong kiến khác nhau: nhà Mạc – Lê Trung Hưng – Tây Sơn và triều Nguyễn, danh xưng Quốc ngữ cũng được dùng nhiều để chỉ các tác phẩm viết bằng chữ Nôm, tiêu biểu có: Bạch Vân Am quốc ngữ thi tập với khoảng 170 bài thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).

Đặc biệt giai đoạn này xuất hiện các tác phẩm Nôm lục bát diễn ca lịch sử nước Nam, điển hình có Thiên Nam ngữ lục, Thiên Nam quốc ngữ lục ký, Việt sử diễn âm (các tác phẩm này đều khuyết danh). Tiếp thể diễn ca lịch sử là các tác phẩm diễn ca truyện lịch sử phần lớn đều khuyết danh, có nhan đề mang tên gọi quốc ngữ như là: Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca, Chúa Thao quốc ngữ truyện .v.v…Khi đọc Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tùng thiện Vương Miên Thẩm có viết thơ cảm thán như sau:

Chiến trường hựu bả điếu văn khai

Táp đạp biên thanh nhất nhất lai

Quốc ngữ danh tề Manh Tả sử

Quỷ hùng cao đáo Khuất Bình ai…”

Ngô Linh Ngọc dịch:

Điếu văn chiến sĩ cầm xem lại

Từng tiếng ngoài biên vọng vọng gần

Quốc ngữ văn hay: tài Tả sử

Quỷ hùng khúc thảm: bút Linh Quân…”

Cũng cùng cảm xúc đó khi đọc bài Văn tế, Mai Am cũng có câu thơ cảm thán như sau:

“….Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ

Tuyệt thăng quảng hán yểm khô hài”

Ngô Linh Ngọc dịch:

“…Quốc ngữ một thiên truyền vạn thuở

Hơn bên sông đắp nắm khô hài.”

Như ta đều bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một trong những bài văn tế viết bằng chữ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, khi nhận xét về bài văn tế này Tùng Thiện Vương Miên Thẩm thì dùng “Quốc ngữ danh tề Manh Tả sử” còn Mai Am lại viết: “Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ”, rất rõ ràng đã khẳng định tài năng của Nguyễn Đình Chiểu và đánh giá rất cao tác phẩm viết bằng chữ Nôm này của ông; cũng đã chứng minh chữ Nôm chính là  loại chữ Quốc ngữ của dân tộc Việt ta khi đó.

Bên cạnh các tài liệu sử học, văn học, ta còn thấy danh xưng Quốc ngữ, Quốc âm dùng để chỉ chữ Nôm trong các bộ tự điển, từ điển, và các công trình tra cứu Hán Nôm. Tiêu biểu nhất có tác phẩm Đại Nam quốc ngữ do Nguyễn Văn San biên tập năm Tự Đức thứ 33 (1880), khắc in năm 1889. Đây được coi là cuốn từ điển giải nghĩa Hán Nôm theo 50 môn loại khác nhau từ: Thiên văn môn, Địa lý môn, Nhân luân môn….Mà ngay trong lời Đại Nam quốc ngữ phàm lệ, tác giả đã viết: “Liệt quốc ngôn ngữ bất đồng, nhất quốc hữu nhất quốc ngữ” (Các nước ngôn ngữ bất đồng, mỗi nước có một quốc ngữ riêng).

Những điều trình bày ở trên là những dẫn chứng khẳng định rằng cha ông ta từ xưa đã coi chữ Nôm là chữ Quốc ngữ, Quốc âm rồi. Chữ Nôm luôn đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử người Việt. Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm là bước ngoặt trong lịch sử ngôn ngữ văn tự của người Việt và cũng là một bước ngoặt trong lịch sử văn hóa Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt.

Mặc dù còn những khiếm khuyết, chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng văn hóa Việt, điều mà trước nó chữ Hán trên đất Việt không hề có được. Chữ Nôm thật sự đã trở thành loại chữ Quốc ngữ, Quốc âm đầu tiên của người Việt.


  1. Danh xưng Quốc ngữ chỉ chữ Việt theo chữ cái La tinh

3.1. Việc hình thành chữ Quốc ngữ theo chữ cái La tinh, công của các giáo sĩ Dòng Tên những năm đầu thế kỷ XVII

Chữ Quốc ngữ theo chữ cái La tinh mà hiện nay ta đang dùng được manh nha từ những năm đầu thế kỉ XVII, gắn với việc truyền giáo của người Phương Tây vào Việt Nam. Mục đích ban đầu của việc tạo ra thứ chữ này là để truyền giáo, truyền đạo công giáo cho người dân Việt Nam, khi nước ta có sự giao lưu văn hóa với các giáo sĩ phương Tây. Muốn truyền giáo đương nhiên phải dùng ngôn ngữ, chữ viết của người bản địa, đây chính là nhu cầu để các giáo sĩ phương Tây học tiếng Việt và cả chữ Hán, chữ Nôm là hai loại chữ được dùng vào thời kỳ đó, vì vậy ban đầu họ lấy chữ Hán, chữ Nôm để truyền đạo.

Tuy nhiên việc làm này không mang lại nhiều hiệu quả vì nho sĩ đương thời ở nước ta không mặn mà đón nhận Thiên Chúa giáo, cho nên việc truyền đạo hướng về tầng lớp nghèo khổ ở nông thôn, nhưng vì tầng lớp này lại không biết chữ Hán và chữ Nôm, nên các giáo sĩ buộc phải tìm ra một thứ chữ ghi âm tiếng Việt thời đó dựa trên bảng chữ cái Latinh để truyền đạo.

Cho đến nay có nhiều người nghĩ rằng Alexandre de Rhodes là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Có nhiều ý kiến gần đây cho rằng de Rhodes không phải là người duy nhất sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ. Việc phiên âm tiếng Việt theo chữ cái Latinh đã có trước khi de Rhodes đến Việt Nam...Nói như vậy không phải là chúng ta phủ nhận những công trình của de Rhodes đối với chữ Quốc ngữ, quyển tự điển do chính ông soạn và in ấn là quyển Từ điển Việt Bồ La, quyển Từ điển chữ Quốc ngữ lâu đời nhất (1651) mà chúng ta còn giữ lại được cho đến hôm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho công lao của Alexandre de Rhodes với sự hình thành và phát triển của việc phiên âm lại tiếng Việt theo chữ cái La tinh mà sau này ta gọi là chữ Quốc ngữ

Theo nghiên cứu của Roland Jaques trong tác phẩm Những người Bồ Đào Nha trong lĩnh vực Việt ngữ học cho đến 1650, thì tác giả đã dựa vào lời tiểu dẫn của chính Alexandre de Rhodes như sau: “ Trong công việc này, tôi học ở ngay chính người bản xứ gần 12 năm. Thêm vào đó tôi dự nghe ngay từ buổi đầu ở lớp học của thầy giáo ngôn ngữ Francisco de Pina. Ông là người Bồ Đào Nha, trong giáo đoàn Dòng Tên nhỏ bé của chúng tôi, người đầu tiên trong chúng tôi có sự hiểu biết đặc biệt sâu sắc về ngôn ngữ này, và là người đầu tiên có thể dùng nó để truyền giáo. Chủ yếu chúng tôi dùng các công trình của P.Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa. Mỗi ông soạn một cuốn tự vị, ông này bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông kia bằng tiếng Bồ Đào Nha…”

Dựa trên công trình này ta có thể nhận định trước de Rhodes đã có những giáo sĩ người Bồ Đào Nha như P.Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa, đã làm những quyển tự điển đầu tiên. Nhưng ngay cả hai giáo sĩ này cũng không phải là những người sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ, vì trước đó đã có nhiều giáo sĩ giỏi tiếng Việt như G. Luis, C. Borri, v.v. còn để lại nhiều tài liệu viết từ nhưng năm trước đó. Còn Francisco de Pina là thầy giáo dạy tiếng Việt mà Alexandre de Rhodes trực tiếp nghe giảng, và chắc chắn ông ảnh hưởng và tiếp thu nghiên cứu rất nhiều từ thầy mình. Như vậy, chữ Quốc ngữ được sáng chế ra bởi cả một số đông người Việt và các giáo sĩ trong quá trình ghi chép, phiên âm và sử dụng hàng chục năm, không xác định  được chính xác là năm nào, là cá nhân nào sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, và gọi thứ chữ ghi âm tiếng Việt theo chữ cái La tinh là chữ Quốc ngữ. Alexandre de Rhodes có thể coi như là người tổng hợp, kết tập lại các công trình Việt ngữ, latinh hóa tiếng Việt vào giữa thế kỷ XVII.



3.2. Sự phát triển của chữ Quốc ngữ theo chữ cái La tinh vào thế kỷ XVIII – XIX

Sau đóng góp của Alexandre de Rhodes đã có thêm nhiều công trình về chữ Quốc ngữ nổi tiếng khác. Các nhà nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ đã chỉ ra rằng người có công lập nên hệ thống dạng kí tự chữ Quốc ngữ giống như đang được dùng ngày nay là: Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu). Đây là tác giả đã soạn thảo bộ từ điển Tự vị Annam–La tinh từ tháng 09 năm 1772 đến tháng 06 năm 1773, làm cơ sở cho những cuốn từ điển tiếng Việt như Nam Việt dương hiệp tự vị (1838) của Taberd hay Từ điển Quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) và Tự vị Việt Pháp của Génibrel (1898) sau này. Nhận định về chữ Quốc ngữ trong từ điển của Pigneaux de Béhaine, Nguyễn Khắc Xuyên viết rằng: “Từ điển Việt La hay Từ điển Annam–La tinh (1772–1773) đánh dấu một giai đoạn chính yếu trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, kể từ những năm đầu thế kỉ 17 (1615–1621) cho tới 1651 với tác phẩm quan trọng của A. de Rhodes. Với Bỉ Nhu, đã hoàn chỉnh lối viết chữ Quốc ngữ như chúng ta có ngày nay, trừ một vài chi tiết không đáng kể”.  

Bên cạnh đó với việc hoàn thiện chữ Quốc ngữ còn có cả đóng góp của nhiều người Việt Nam; nổi bật hơn cả là công trình với sự hợp tác của Phan Văn Minh và nhiều người Việt Nam khác cùng Taberd đã sử dụng và bổ sung quyển tự điển của Béhaine để hoàn tất hai quyển tự điển: Annam-La tinh Latin-Annam. Tự điển này có nhiều từ hơn quyển những quyển tự điển đã làm trước đó. Tự điển Annam-La tinh của de Rhodes (1651) có 3772 từ, De Béhaine (1772) có 4843 từ, Taberd (1838) có 4959 từ. Nên biết rằng trong việc biên soạn quyển từ điển này, Taberd chỉ chủ trương và phối hợp, còn công việc biên soạn phần Nôm, phần Quốc ngữ và thích nghĩa là công việc của một số người Việt Nam. Việc này cho thấy từ một phương tiện công cụ để truyền giáo của người Phương Tây, trí thức người Việt theo công giáo đã nhận ra những ưu điểm của chữ Quốc ngữ theo tự dạng La tinh nên đã tự tay tham gia vào các công trình nghiên cứu nhằm bổ sung, hoàn thiện và chỉnh lý về chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ theo chữ cái Latinh trong tác phẩm đó và Việt văn hiện nay về cơ bản giống nhau, từ đây về sau không có thay đổi nào đáng kể. Từ giữa thế kỷ thứ 19 về sau, sách vở truyền giáo chữ Quốc ngữ của Thiên Chúa giáo đều thống nhất cách viết của sách Taberd.

Bên cạnh các tác phẩm sách vở phục vụ cho việc truyền giáo, cũng đã có nhiều trí thức Việt Nam dùng chữ Quốc ngữ để làm báo và in sách phục vụ dân chúng. Có thể kể đến như Trương Vĩnh Ký in ấn các tác phẩm: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Gia Huấn Ca, Đại Nam quốc sử diễn ca, v.v. Đặc biệt là quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895), quyển tự điển mà hiện nay còn lưu hành với 7537 từ đơn. Quyển này chứa nhiều từ ngữ xưa mà ngày nay không còn được sử dụng nữa. Vì vậy, nó là một kho tài liệu tiếng Việt vô cùng quí giá. Ngoài những tác phẩm trên, nhiều tờ báo bằng chữ Quốc ngữ cũng được lưu hành như: Gia Định báo (1865), Phan Yên báo (1868), Nam Kỳ Địa Phận (1883).v.v… Đánh dấu sự tiến triển nhiều mặt của chữ Quốc ngữ.

Ban đầu chữ Quốc ngữ chỉ được sử dụng trong việc truyền giáo truyền đạo nên chỉ được dùng trong các nhà thờ Công giáo. Sau đó người Pháp xâm lược Việt Nam, thấy rằng chữ quốc ngữ chính là một công cụ chính trị lợi hại của thực dân thống trị nên quyết định phổ biến rộng rãi việc dùng chữ quốc ngữ theo chữ cái latinh. Giới cầm quyền cho rằng “Chữ Quốc ngữ dễ học hơn chữ Hán nhiều. Nó khiến cho quan hệ giữa quan lại thống trị và người dân bản địa càng thêm trực tiếp”. Thế là, thực dân Pháp tích cực cổ vũ người Việt Nam học chữ Quốc ngữ. Đến khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, với quyết định do Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ký ngày 30/1/1882: “bãi bỏ chữ Hán ở Nam Kỳ, thay vào đó là chữ viết của tiếng Annam bằng chữ Latinh được gọi là Quocngu và chữ Pháp”. Việc làm này đã cho chữ Quốc ngữ đã trở nên phổ thông và phổ biến rộng rãi ở Nam Kỳ. Sau khi thực dân Pháp chiếm lĩnh Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Pháp cũng dùng cách tương tự, ban hành chính sách mở rộng dùng chữ Quốc ngữ. Có điều khác biệt là ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chữ Quốc ngữ có thể được dùng song song với chữ Hán. Cần sử dụng chữ Quốc ngữ làm phương tiện cai trị nên người Pháp đã ra sức phổ biến chữ Quốc ngữ và vì thứ chữ dễ dạy và học, cũng như tiên tiến hơn so với các chữ khối vuông chữ Nôm hoặc chữ Hán, điều này làm cho chữ Quốc ngữ được nhân dân ta tiếp nhận nhiều hơn và giúp nó trở nên thông dụng hơn.

3.3. Sự phát triển của chữ Quốc ngữ theo chữ cái La tinh những năm đầu thế XX

Việc phổ cập chữ Quốc ngữ với cách viết ghi âm mới của tiếng Việt đi cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta căm thù kẻ xâm lược, vì vậy mà ban đầu chữ Quốc ngữ theo chữ cái la tinh đã làm nhiều người Việt Nam theo Nho học khó chấp nhận thứ chữ mới này ngay được.

Vào các thời kì sau, các chí sĩ yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mặc dù hầu hết xuất thân Nho học và quyết liệt chống chủ nghĩa thực dân, đều sớm thấy rõ sự tiện lợi, dễ học và công dụng của chữ Quốc ngữ nên đã ủng hộ việc phổ biến loại chữ này. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục công bố Văn minh tân học sách (1904) nêu sáu chính sách lớn, mà chính sách đầu tiên là dùng văn tự nước nhà: “Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong vài tháng đàn bà trẻ con cũng đều biết chữ...”

Bên cạnh đó những người trí thức Việt Nam theo Tân học cũng sớm nhận ra những mặt tích cực của loại chữ mới này, chữ Quốc ngữ ghi âm theo bảng chữ cái La tinh nên dễ học, dễ nhớ hơn có thể giúp nâng cao dân khí, xóa nạn mù chữ trong nhân dân nên họ đã tích cực ủng hộ, phổ biến, học theo loại chữ trên nhằm quảng bá nó trong rộng rãi quần chúng nhân dân. Tiêu biểu cho những trí thức thời kì này có: Nguyễn Văn Vĩnh, ông đã nói một câu nổi tiếng, thường in ở các bìa sách do ông xuất bản: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Do đó, ông đã chủ bút các báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ dùng chữ Quốc ngữ như các tờ: Đăng cổ Tùng báo, Lục tỉnh Tân văn, Đông Dương Tạp chí, Trung Bắc Tân văn và tờ Học báo. Ông đã không ngừng dùng các phương tiện truyên thông này để cổ xúy cho việc dùng chữ Quốc ngữ. Ông đồng thời làm giám đốc nhà xuất bản Âu Tây Tư tưởng để in và phổ biến các sách viết bằng chữ Quốc ngữ.

Báo chí chữ Quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX đã làm người dân Việt Nam không thông thạo ngoại ngữ vẫn có thể nâng cao dân trí, trí thức văn minh bằng các bài viết về các nhà tư tưởng thế kỷ ánh sáng Pháp, các triết gia Đức, các nhà tân học Trung Hoa, các nhà duy tân Nhật Bản…

Không chỉ các thành phần trí thức tây học muốn dùng chữ Quốc ngữ để truyền bá tư tưởng phương Tây, giúp cho việc học Pháp văn nhằm nâng cao trí thức cho nhân dân, hay các chí sĩ yêu nước dùng chữ Quốc ngữ để nâng cao lòng yêu nước, mà cả các thành phần trí thức cách mạng, đi theo con đường giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân, xóa bỏ phong kiến cũng đã nhận thấy những lợi thế, ưu điểm của chữ Quốc ngữ trong việc xóa nạn mù chữ và tuyên truyền cách mạng trong dân chúng. Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời ngày 25-5-1938, tại Hà Nội, do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng, Bùi Kỷ - phó hội trưởng. Mục đích của hội là “Dạy cho đồng bào Việt Nam biết đọc, biết viết tiếng của mình để dễ đọc được những điều thường thức cần dùng cho sự sinh hoạt hằng ngày. Cốt cho mọi người viết chữ Quốc ngữ giống nhau”.



Ngay sau khi cách mạng thành công, nước nhà giành được độc lập, tự do Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã có sắc lệnh số 20 ngày 8-9-1945 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký: “Trong khi đợi lập được nên tiểu học cưỡng bách, việc học chữ Quốc ngữ từ năm nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người (khoản 1). Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ sẽ bị phạt tiền (khoản 2)”.

Qua những dẫn chứng trên ta thấy được chữ Quốc ngữ theo chữ cái La tinh với nhiều ưu điểm của nó đã vượt qua chữ Hán và chữ Nôm để trở thành chữ viết của toàn dân tộc Việt Nam.

Nếu so sánh chữ Nôm và chữ Quốc ngữ La tinh là hai thứ chữ viết của tiếng Việt thì về mặt văn tự thì chữ Nôm (chữ Quốc ngữ cổ truyền) là loại chữ khối vuông, biểu âm và biểu ý dựa trên chữ Hán, trên chữ Nôm quan hệ giữ chữ Nôm và cách đọc Hán Việt luôn được biểu thị, còn chữ Quốc ngữ La tinh là chữ viết phiên âm ABC theo văn minh Châu Âu, trong cách viết chữ Quốc ngữ thì tất cả dấu ấn từ ngữ Hán Việt đã bị xóa nhòa. Để đọc và viết được chữ Nôm phải bắt buộc thông hiểu chữ Hán, còn đối với chữ Quốc ngữ đang dùng ta hoàn toàn có thể đọc thông viết thạo mà không cần am hiểu chữ Pháp hay chữ La tinh, mà ta chỉ cần ghi nhớ các chữ cái ABC… và ghép nó vào với nhau là được. Về khả năng tương thích với các hệ thống chữ viết hiện có trên thế giới, thì chữ Quốc ngữ chiếm ưu thế hơn, vì các hệ chữ viết dựa theo chữ cái La tinh chiếm phần lớn số người sử dụng trên giới và trải trên diện tích rộng lớn hơn nhiều các cộng đồng người dùng loại văn tự khác.  



  1. Каталог: files
    files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
    files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
    files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
    files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
    files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
    files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
    files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
    files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

    tải về 0.57 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương