Lại Văn Hùng1 Lê Thanh Hà


-------------------------------------------------------------------------------



tải về 0.57 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.57 Mb.
#9882
1   2   3   4   5   6   7

-------------------------------------------------------------------------------
CHỮ QUỐC NGỮ VÀ VẤN ĐỀ CHÍNH TẢ CỦA CHỮ I/Y
Đặng Thị Thanh Hòa - Khoa Ngữ văn, ĐH Quy Nhơn
1. Cách đây 4 thế kỉ, chữ Quốc ngữ ra đời (khoảng cuối thế kỉ XVI, đầu thế kỉ XVII) trước hết là công cụ truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây sau đó trở thành chữ viết chính thức của tiếng Việt.

Các nhà truyền giáo phương Tây là những người có công rất lớn trong việc xây dựng chữ Quốc ngữ. Để có diện mạo như ngày nay, chữ Quốc ngữ đã trải qua nhiều lần cải tiến, chỉnh lí và về cơ bản là một hệ thống chính tả thống nhất. Từ buổi đầu xuất hiện, chữ Quốc ngữ chưa có cách chữ, chưa có dấu : Cacham, nuocman, quignin, anam, doij, ondelimbay, bude, omgne, … Mặt khác, ở giai đoạn này cách phiên âm của các từ (chữ Quốc ngữ) giữa các nhà truyền giáo cũng khác nhau bởi các giáo sĩ phương Tây phiên âm theo ngôn ngữ của quốc gia mình (tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha) như với địa danh Nước mặn Joan Roiz (Bồ Đào Nha) và Gaspar Luis phiên âm Nuocman, Cristoforo Borri và Buzomi (Ý) phiên âm Nuoecman, Antonio de Fontes (Bồ Đào Nha) phiên âm Nuócmam.

Sau đó, chữ Quốc ngữ có một bước tiến mới. Đó là viết cách chữ, có dấu thanh và nhiều từ mới được sáng tạo : xán tí, ngoc huan, đằng ngoằy, sãy, chùa, bố chính, kẻ chợ, đinh hàng, lạy, … Tiếp đó, dưới sự góp sức của các nhà truyền giáo, các Thầy giảng Việt Nam và người Việt, chữ Quốc ngữ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chẳng hạn Quignin (Borris), Quinhin (Antonio de Fontes, Gaspar Luis), Qui nhin (Đắc Lộ), Qui Nhơn/ Quy Nhơn (ngày nay). Tuy nhiên trong tiến trình vận động, phát triển, chữ Quốc ngữ vẫn chưa nhất quán về chính tả, trong đó có chữ i/y. Đó cũng là lí do mà hiện nay cộng đồng sử dụng ngôn ngữ vẫn viết không phân biệt giữa i và y trong nhiều trường hợp như trường hợp quí trọng hay quý trọng, lí do hay lý do, Qui Nhơn hay Quy Nhơn,... Vậy đâu là cách viết đúng ?

2. Năm 1980, Bộ Giáo dục và Uỷ ban Khoa học xã hội đã ban hành Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục, trong đó có liên quan đến cách viết i/y như sau : “Riêng trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, trừ uy, như : duy, tuy, quy,…; thí dụ : kì dị, lí trí, mĩ vị. Chú ý : i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen như cũ, thí dụ : ý nghĩa, y tế, ỉ eo, ầm ĩ, im, yêu.” Năm 1984, Bộ Giáo dục ban hành Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt kèm theo QĐ số 240/QĐ vào ngày 05/03/1984 áp dụng cho sách giáo khoa, báo, văn bản của ngành giáo dục.

Những quy định này đều sử dụng trong các văn bản, ấn phẩm của nhà xuất bản Giáo dục chứ không phải thống nhất trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Điều này đã gây nên sự bất nhất về chính tả chữ Quốc ngữ, trong đó người sử dụng ngôn ngữ vẫn còn lúng túng trong việc viết i hay y trong một số trường hợp cụ thể.

Hiện nay, cách viết i/y đang được sử dụng theo chuẩn chính tả tiếng Việt như sau :

- Trường hợp i, y đứng một mình để làm thành một từ, y dùng cho từ Hán Việt (ý nghĩa, quân y, …), i dùng cho từ thuần Việt (ầm ĩ, ì ạch,…).

- Trường hợp i/y là nguyên âm viết liền sau phụ âm (phụ âm đơn, phụ âm kép) thì dùng i (không áp dụng cho những từ chỉ tên riêng) : học kì, thi đua, lí luận, …

- Tuy nhiên, với trường hợp viết tên riêng (địa danh, người,…) dùng i hay y tuỳ thuộc vào người sử dụng ngôn ngữ. Trong trường hợp này, người ta không nhất thiết phải tuân theo chuẩn chính tả tiếng Việt. Đó cũng là nguyên nhân xuất hiện những tên riêng như Thy, Vy, Lynh, Dzu Nhật, …

- Trường hợp i/y đứng sau một nguyên âm thì đọc như thế nào viết như thế ấy. Trường hợp này cần lưu ý đến ui ≠ uy.

Về chính tả chữ i/y đã có rất nhiều quan điểm, chẳng hạn quan điểm theo nguồn gốc Hán Việt, thuần Việt cho rằng y dùng trong từ Hán Việt, i dùng trong từ thuần Việt. Có nhà nghiên cứu lại theo quan điểm thẩm mĩ của từ ngữ khi cho rằng dùng y đẹp hơn i. Theo quan điểm lịch sử chữ viết, các nhà nghiên cứu quay trở về với cách sử dụng ban đầu của từ ngữ. Bên cạnh đó, có những người cho rằng không cần quy tắc thống nhất miễn có thể đọc hiểu là được,… Sự tồn tại của nhiều quan điểm khác nhau về cách viết i/y đã dẫn đến tình trạng không thống nhất của cách viết này tạo nên sự rối rắm, tiền hậu bất nhất trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Như về cách viết tên riêng chỉ địa danh Qui Nhơn hay Quy Nhơn ? Theo quy định chính tả của tiếng Việt, viết Quy Nhơn là đúng chuẩn. Nhưng theo nguồn gốc lịch sử, Qui Nhơn là một danh từ riêng chỉ địa danh và tên gọi địa danh này đã xuất hiện từ giai đoạn sơ khai hình thành chữ Quốc ngữ : Quignin, Quinhin, Qui nhin và đã tồn tại đến ngày nay như một bằng chứng cho sự phát triển của một vùng đất nên có ý kiến, quan điểm cho rằng viết Qui Nhơn mới đúng. Thiết nghĩ, cần sớm thống nhất cách viết Qui Nhơn hay Quy Nhơn để xoá bỏ tình trạng tên địa danh này đang được viết tuỳ tiện trên sách báo, phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trong tư duy của người sử dụng ngôn ngữ.

3. Việc dùng từ, đặc biệt là sử dụng chữ i/y hiện nay chưa có sự đồng thuận giữa các cấp có trách nhiệm và người sử dụng ngôn ngữ. Đó là lí do khiến cho chuẩn chính tả Quốc ngữ, chuẩn cách viết i/y trong nhà trường phổ thông và ở bậc đại học gặp rất nhiều khó khăn.

Khảo sát bước đầu việc viết i/y của sinh viên trường Đại học Quy Nhơn (từ năm thứ nhất đến năm thứ tư), chúng tôi đã thống kê được 65% viết i và 35% viết y tập trung chủ yếu ở trường hợp i/y đứng liền sau phụ âm : lí thú/ lý thú, nguyên lí/ nguyên lý, lí do/lý do, , tâm lí/ tâm lý, hi sinh/ hy sinh, hi vọng/ hy vọng, kỉ niệm/ kỷ niệm, quí trọng/ quý trọng, địa lí/ địa lý, thời kì/ thời kỳ, kĩ thuật/ kỹ thuật, kĩ càng/ kỹ càng, học kì/ học kỳ, quản lí/ quản lý, thế kỉ/ thế kỷ, Qui Nhơn/ Quy Nhơn …

Sự tồn tại của việc sử dụng chữ i/y ở sinh viên trường Đại học Quy Nhơn không phải là hiện tượng mang tính đơn lẻ, phạm vi nhỏ hẹp mà cũng là thực trạng hiện nay trên các sách báo, văn bản, trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Và kết quả khảo sát cũng là sự phản ánh về hiện trạng không thống nhất chuẩn chinh tả i/y trong trường học. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu ?

Trước hết, đó là sự không đồng bộ trong việc thực hiện chuẩn chính tả trong nhà trường.

Thứ hai, đó là sự chưa thống nhất trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến đối tượng học sinh, sinh viên.

Thứ ba, đó là chưa có chính sách ngôn ngữ hợp lí, hữu hiệu để thống nhất và hoàn thiện chính tả chữ Quốc ngữ.

Như vậy, trước thực trạng bất nhất như hiện nay, vấn đề chuẩn chính tả chữ Quốc ngữ, trong đó có chuẩn chính tả của chữ i/y đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Bởi càng kéo dài tình trạng lối viết tuỳ tiện trên các sách, báo, văn bản,… càng lâu dần người ta sẽ chấp nhận những lối viết không chuẩn đó. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngành hữu quan cần sớm có sự điều chỉnh và thống nhất chữ i/y nhằm góp phần gìn giữ, bảo vệ chữ Quốc ngữ trong xu thế hội nhập hiện nay.


Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục (1980) Một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục.

2. Bộ Giáo dục (1984) Quyết định 240/QĐ Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt.

3. Đỗ Quang Chính, SJ (1972), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Antôn & Đuốc sáng.

4. Cao Xuân Hạo (2006), Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Khoa học Xã hội.

5. Nguyễn Văn Khang (2009), “những vấn đề chuẩn hoá ngôn ngữ và chuẩn hoá tiếng Việt”, Tập chí Ngôn ngữ, số 1.

6. Hoàng Phê (1979), “Vấn đề cải tiến và chuẩn hoá chính tả”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3-4.



------------------------------------------------------------------------

VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ

ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỮ QUỐC NGỮ

TRONG GIAI ĐOẠN 1865-1915.

CN. Nguyễn Huỳnh Anh Đức,

Khoa Ngữ văn và Văn hóa học, Trường ĐH Đà Lạt

Tóm tắt: Sự ra đời của nền báo chí Việt Nam đã đưa chữ Quốc ngữ vào một giai đoạn phát triển mới, trong đó báo chí đóng vai trò là công cụ truyền bá, truyền tải và chỉnh lý. Bằng cách cung cấp cái nhìn tổng quan về báo chí Quốc ngữ trong giai đoạn 1865-1915, bài viết này là một khảo cứu điểm xuyết lại các vấn đề về : người làm báo, những tờ báo nổi bật, vài đặc điểm chữ Quốc ngữ trên báo chí trong giai đoạn sơ khởi của nền báo chí Việt Nam nhằm tìm ra những ảnh hưởng của báo chí đến sự phát triển của chữ Quốc ngữ trong cùng thời kỳ và cả các giai đoạn sau đó.

Báo chí Việt Nam tuy chỉ có hơn 150 năm hình thành và phát triển, ngắn hơn rất nhiều so với lịch sử gần 400 năm của chữ Quốc ngữ nhưng ảnh hưởng của báo chí đối với sự truyền bá và phát triển chữ Quốc ngữ là vô cùng quan trọng.

Là tiếng Việt phiên âm theo hệ chữ La tinh, chữ Quốc ngữ dễ  học hơn so với chữ Hán, chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ là phương tiện hữu hiệu giúp người Việt tiếp xúc với văn minh Tây phương vốn dùng chữ La tinh. Cụ thể, nhờ vào sự phát triển của báo chí mà chữ Quốc ngữ có nền tảng quảng bá tốt hơn so với các hình thức ký tự Tiếng Việt khác. Mặt khác, báo chí là một trong những tiền đề đưa chữ Quốc ngữ vào vị trí độc tôn với nền giáo dục quốc văn Việt Nam hiện nay. Những nhà báo lớn đầu tiên của Việt Nam cũng là những nhà văn hóa luôn đánh giá cao vai trò của chữ Quốc ngữ và tiếng Việt đối với sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”. Phạm Quỳnh có tuyên ngôn bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Có thể nói, báo chí có công đầu trong việc đưa chữ Quốc ngữ vào vị trí trang trọng trên lịch sử phát triển của tiếng Việt

Về giai đoạn 1865-1915

Sự hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam trong giai đoạn 50 năm này gắn liền với chữ Quốc ngữ. Tuy vẫn tồn tại những tờ báo Pháp ngữ và Hoa ngữ nhưng những tờ báo Quốc ngữ là đáng nói đến hơn cả. Vì báo chí Quốc ngữ có xu hướng phục vụ tầng lớp bình dân Nam Bộ nên dễ đọc, dễ đón nhận và nhanh chóng trở thành diễn đàn chung cho nhiều tầng lớp trong xã hội lúc đó. Về vấn đề này, Tôn Thọ Tường đã nhận định trên Gia Định báo ngày 15-4-1867: “…những quan lại có học thường hay học chữ này, vì với 24 chữ cái người ta có thể viết được muôn ngàn truyện. Thật khác xã với chữ Tàu mà người ta đôi khi phải học cả đời nếu không sẽ không biết gì cả. Tôi hiểu được tiếng Quốc ngữ, tôi có thể viết được và đọc được không có khó khăn gì hết và có thể học phương trong vài tháng.”

Thời kỳ này có thể chia thành 2 giai đoạn:


  1. 1865-1907, báo chí Quốc ngữ hình thành và phát triển ở Nam kỳ: Bắt đầu bằng sự ra đời của Gia Định báo và một số tờ báo Quốc ngữ khác ở Nam Kỳ (phạm vi ảnh hưởng chủ yếu là quanh Gia Định)

  2. 1907-1915, báo chí Quốc ngữ phát triển lan ra Bắc kỳ: Bắt đầu bằng chính sách cai trị và chủ thuyết về báo chí của toàn quyền Albert Sarraut, kết thúc bằng Sắc lệnh áp đặt mọi hoạt động báo chí phải phụ thuộc vào Bộ chiến tranh Pháp, lý do vì Thế chiến thứ nhất diễn ra.

Nhìn chung có thể thấy khá ít tờ báo Quốc ngữ ra đời trong thời kỳ này, trong đó cũng chỉ có vài tờ báo có đủ khả năng tồn tại tiếp sang các giai đoạn lịch sử sau. Nhưng các tờ báo này nhanh chóng cố định những đặc điểm chính yếu cho hoat động báo chí và đặc điểm chữ Quốc ngữ thể hiện trên mặt báo rồi tạo tiền đề phát triển cho cả hai trong các giai đoạn sau này.

Lượng người tiếp nhận và phát huy chữ Quốc ngữ trên báo chí trong thời kỳ sơ khởi tương tự cũng rất ít, vì người viết báo và độc giả của các tờ báo chủ yếu là viên chức chính phủ pháp, những thương gia, chủ điền sản và tiểu tư sản xuất thân tây học hoặc thiên chúa giáo. Hoạt động tham gia viết và phát hành báo chí cũng cho thấy xu hướng trục lợi từ chính sách tuyên truyền của chủ nghĩa thực dân đang cai trị. Rõ ràng, khi báo chí phục vụ mục đích tuyên truyền, cai trị và tồn tại dựa vào ngân sách cai trị thuộc địa của Pháp thì những tờ báo có khuynh hướng xa rời mục đích nêu trên đều chết yểu. Một thí dụ điển hình là tờ Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký, sau thành công của Gia Định báo, ông Ký muốn tiến thêm một bước nữa trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và nền Tây học bằng chính tờ báo tư nhân do ông và các đồng sự chủ trương thì chỉ sau 18 số tờ này phải đình bản vì thiếu kinh phí, ông Ký còn phải mang một số nợ lớn. Hay là như tờ Phan Yên báo, sau khi đăng tải bài viết “Đòn cân Archimede” của Cuồng Sĩ với nội dung đả kích chính sách cai trị của chính quyền thực dân thì lập tức bị cấm lưu hành và thu hồi, sau đó còn kéo theo cả hệ lụy cho nền báo chí Việt ngữ là sắc luật 30-12-1898 về việc hạn chế quyền ấn hành báo chí ngoài Pháp ngữ. (theo đó, chỉ còn báo chí Pháp ngữ có quyền tự do ra báo, còn các ngôn ngữ khác đều phải có sự cho phép của phủ khâm xứ hoặc toàn quyền)

Trong thời kỳ sơ khởi này, nội dung của các tờ báo Quốc ngữ cũng không nhiều nét đặc sắc. Lý do vì ngoài những thông tin về các văn bản pháp quy, thông báo, quyết định của giới chức sắc cầm quyền thì tờ báo chỉ còn lại một không gian nhỏ cho văn học và các tin tức thời sự. Mặt khác, cũng do những người viết báo đều không chuyên và chưa được đào tạo nghiệp vụ như các thời kỳ sau này. Văn học trên báo cũng vậy, hiếm tác phẩm tự viết mà phần nhiều là truyện dịch từ tiếng Pháp, truyện sưu tầm, văn nghệ dân gian hoặc tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc được đăng theo từng kỳ, những bài viết có giá trị nhất tựu chung chỉ có những khảo cứu, chú giải do chính Trương Vĩnh Ký sưu tầm và biên soạn.

Tuy các tờ báo chí trong giai đoạn 1865-1915 tuy đã đặt nền móng cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ nhưng khiến chữ Quốc ngữ có được vẻ đẹp đi vào lòng người thì phải nhờ vào các tờ báo trong giai đoạn sau như Đông Dương tạp chí hay Nam Phong tạp chí…



Tại sao phải là chữ Quốc ngữ? Tại sao ở Nam Kỳ?

Tại sao tờ báo khai sinh ra nền báo chí Việt Nam lại là tờ báo Quốc ngữ và những tờ báo tiếp theo cũng vậy? Tại sao những tờ báo này đều ra đời ở xứ Nam Kỳ? Hai câu hỏi này dễ dàng trả lời được khi xét đến những khía cạnh lợi ích mà chữ Quốc ngữ mang lại:



  1. Đối với người Pháp, họ cần một hệ thống ngôn ngữ thích hợp phục vụ công tác tuyên truyền và thông tin trên các xứ bảo hộ lẫn thuộc địa. Vốn dĩ người dân xứ An Nam lúc đó rất hiếm người nói và hiểu được tiếng Pháp và cũng ít người Pháp sử dụng được chữ Hoa và chữ Nôm. Sự bất đồng về ngôn ngữ làm việc cai trị trở nên rối rắm, thế nên chính quyền cai trị nhanh chóng nhận ra chữ Quốc ngữ là kim chỉ nam cho chính sách thông tin- tuyên truyền của mình. Nội dung văn thư của Thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ G. Roze gởi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp vào ngày 8-5-1865 có ghi rõ: “tờ báo này nhằm phổ biến trong giới dân bản xứ tất cả các tin tức đáng cho họ lưu ý và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hóa và những tiến bộ về ngành canh nông. Những viên thanh tra đặc trách về những công việc của người dân bản xứ đã cho tôi biết rằng tờ Gia Định báo đã được dân chúng ủng hộ một cách nông nhiệt và ở nhiều địa phương những em bé biết đọc chữ Quốc ngữ đã đọc báo cho cha mẹ chúng nghe. Như vậy tờ báo này xuất bản mỗi tháng một lần sẽ là một sự hữu ích không thể chối cãi được và nó sẽ góp phần vào việc thay thế chữ của chúng ta và chữ Hán, một thứ chữ mà chỉ có một thiểu số quan lại hiểu biết mà thôi”

  2. Nam Kỳ là xứ thuộc địa còn Bắc và Trung Kỳ là xứ bảo hộ nên chính sách báo chí của người Pháp đối với Nam Kỳ tích cực hơn, ít nhất là đối với quyền công dân Pháp và Đạo luật tự do báo chí. Ở xứ bảo hộ, muốn ra báo phải có sự cho phép của Viên khâm xứ còn ở xứ thuộc địa thì ai có quyền công dân thì cũng có quyền ra báo. Sau sự việc thu hồi Phan Yên báo thì quyền tự do báo chí này cũng bị Pháp hạn chế ở Nam Kỳ.

  3. Những tri thức Tây học gốc Việt lại nhận thấy chữ Quốc ngữ là một cơ hội để truyền bá nền Tây học và cũng như nâng cao tri thức cho người dân bản xứ, họ xem chữ Quốc ngữ là khả năng và lợi thế cho nền giáo dục mới, là một cơ hội phát triển tri thức dân tộc kết hợp văn minh phương Tây.

  4. Về mặt kỹ thuật, những máy in hoạt bản do người Pháp mang vào thuộc địa chưa được chuẩn bị tốt để in ấn những ấn phẩm chữ Hán, chữ Nôm thì lại càng không thể. Chữ Quốc ngữ với tiếng Việt được phiên âm La-tinh hoàn toàn phụ hợp với kỹ thuật in ấn của Pháp. Điều này tiết kiệm được nhiều thời gian và vật công.

  5. Sau cuộc xâm lược của người Pháp, Nam Kỳ trở thành xứ bảo hộ và người Pháp có chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với giáo dân thiên chúa giáo so với hai xứ còn lại. Điều này tạo ra làn sóng di dân và tạo ra những cộng đồng thiên chúa giáo tập trung tại Nam Kỳ. Vốn dĩ những cộng đồng này có sự chuẩn bị và tiếp thu từ tốt hơn đối với chữ Quốc ngữ. Vốn dĩ, chữ Quốc ngữ ra đời và phát triển với mục đich gắn liền với truyền đạo nên ít xa lạ với giáo dân.

Không thể bỏ qua công lao của Trương Vĩnh Ký đối với sự phát triển của chữ Quốc ngữ. Với tư cách là viên thông ngôn có ảnh hưởng đối với chính quyền cai trị Pháp, ông từ chối những chức trách quan trọng khác để vận động cho sự ra đời của Gia Định báo rồi trở thành chủ bút của tờ báo Quốc ngữ đầu tiên này, ông Ký đã đặt nền móng cho sự hình thành của báo chí nước Nam ta cũng như đưa chữ Quốc ngữ bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Có lẽ vì thấy được viễn cảnh tươi sáng của chữ Quốc ngữ và báo chí mà Trương Vĩnh Ký cùng những cộng sự thân cận như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường… đã dồn nhiều tâm huyết vào con đường phát triển chữ Quốc ngữ. Những nhà văn hóa lớn sau này như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi… đều chịu ảnh hưởng từ ông và không tiếc lời ca ngợi ông. Đáng tiếc, tinh thần của thầy trò Trương Vĩnh Ký không được người Nam Kỳ kế thừa và phải nhờ đến hoạt động của những nhà báo hậu bối kể trên thì chữ Quốc ngữ mới có những nét phát triển mới.



Một vài đặc điểm chính yếu của chữ Quốc ngữ trên mặt báo trong thời kỳ

Vì phục vụ chính sách tuyên truyền và cai trị của thực dân Pháp và hướng đến lớp độc giả bình dân Nam Kỳ nên nội dung, ngữ nghĩa thể hiện trên mặt báo vừa mang tính công vụ, vừa sơ sài, thiếu trau chuốt, lại chứa nhiều phương ngữ Nam Bộ . Các tờ báo xuất hiện trong thời kỳ sơ khởi đều không thoát khỏi cái khung của tờ công báo và thiếu đầu tư nội dung cho các chuyên mục khác. Các mục tin tức, quảng cáo chưa đạt được nghệ thuật diễn đạt cần thiết, văn phong thuộm thuộm, rối rắm và thường biểu đạt theo lối khẩu ngữ. Theo GS. Nguyễn Đức Dân thì sự giản dị và đời sống hóa chữ Quốc ngữ này trên mặt báo thể hiện văn hóa tiếp thu của người Nam Bộ: “…người Nam bộ rất sáng tạo khi nhập từ nước ngoài vào tiếng Việt. Trong khi người Bắc bộ vay mượn chủ yếu theo cách phiên âm thì người Nam bộ thời xưa trong nhiều trường hợp đã nhận thức bản chất của sự kiện để sáng tạo ra những từ ngữ mới. Khi chiếc xe đạp đưa vào Việt Nam, tất cả các bộ phận đều chưa có từ để gọi, ấy thế là người miền Bắc phải mượn các từ tiếng Pháp frein,  hamber, hamber à air, garde-boue,… rồi phiên âm ra  tiếng Việt: phanh, lốp, săm, gác-đờ-bu (mãi sau mới chuyển thành cái chắn bùn)… Nhưng người Nam bộ không thế. Họ dùng những từ có sẵn đặt tên cho các bộ phận: thắng, vỏ, ruột, vè… “ (trích từ bài viết: Nhìn lại một chặng đường phát triển chữ Quốc ngữ)

Chữ Quốc ngữ trên mặt báo trong thời kỳ này đã có hệ thống biểu đạt tương đối giống với chữ Quốc ngữ hiện nay. Công lao này là nhờ vào thầy trò Trương Vĩnh Ký, đặc biệt là Huỳnh Tịnh Của. Khi đóng vai trò chủ bút của tờ Gia Định báo (chịu trách nhiệm biên tập nội dung), Huỳnh Tịnh Của cũng chuẩn hóa luôn các phiên âm tiếng Việt đối với chữ Quốc ngữ. Bên cạnh hoạt động viết báo, Huỳnh Tịnh Của còn biên soạn cuốn Quấc âm vị tự, từ đó dùng vào tra cứu mà biểu diễn chữ Quốc ngữ theo chuẩn do ông đưa ra, các tờ báo ra đời sau đó đều theo lối này.

Vấn đề này vẫn có những tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng cuốn Tự vị Annam Latinh của Pierre Pigneaux de Béhaine mới là tác phẩm chuẩn hóa chữ Quốc ngữ, tạo cơ sở cho cuốn từ điển của Huỳnh Tịnh Của. Là công lao của ai quả là khó minh định, nhưng chắc chắn có thể khẳng định: hoạt động báo chí của Huỳnh Tịnh Của góp phần không nhỏ đối với việc chuẩn hóa chữ Quốc ngữ giống như hiện nay vì khá nhiều nhà văn, nhà báo đương thời và sau này đã dùng đến cuốn từ điển của Huỳnh Tịnh Của.



Vai trò của những tờ báo tiêu biểu.

  1. Gia Định báo là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên, chỉ nói vậy là đủ thấy vai trò của nó. Từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm trông nom, Gia Định báo ngoài vai trò của một tờ công báo lại có thêm nhiệm vụ:

  • Cổ động cho một lối học mới

  • Phát triển chữ Quốc ngữ

  • Khuyến khích dân chúng học chữ Quốc ngữ

Từ những nhiệm vụ trên, có thể thấy rõ được sự kỳ vọng của Trương Vĩnh Ký đối với chữ Quốc ngữ. Ông cũng đem tinh thần đó vào tờ Thông loại khóa trình, rất tiếc tờ báo này không tồn tại được lâu.

  1. Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn là hai tờ báo có ảnh hưởng đối với chữ Quốc ngữ. Cả hai tờ đều là những tờ tư nhân do người Pháp chủ trương nên thoát ra được phần nào cái khung của một tờ công báo, tuy nhiên nội dung, ngôn ngữ và phong cách lại càng kém trau chuốt so với Gia Định báo. Cả hai tờ này chú trọng đến các phần tin tức và văn nghệ, lại tồn tại trong một khoảng thời gian dài ở Nam Kỳ, nên tuy không đóng góp nhiều vào sự thay đổi của chữ Quốc ngữ nhưng lại có công trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ đến những tầng lớp trong xã hội.

  2. Đăng cổ tùng báo là tờ báo song ngữ Hán-Việt, tiền thân là Đại Nam đồng văn nhật báo (thuần chữ Hán) do Francoise H. Schneider ấn hành với Đào Nguyên Phổ lo phần chữ Hán và Nguyễn Văn Vĩnh lo phần chữ Quốc ngữ. Đây là tờ báo được phát hành đi khắp các làng, tổng và gắn liền với giai đoạn đầu làm báo của Nguyễn Văn Vĩnh. Cũng như những tờ báo Quốc ngữ khác, Đăng cổ tùng báo có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ đến những tầng lớp trong xã hội mà cụ thể ở đây là xứ Bắc Kỳ.

Một điểm chung giữa các tờ báo trong thời kỳ sơ khởi này đó là luôn dành ra một không gian sinh hoạt văn học trên mỗi số báo. TS. Huỳnh Văn Tòng trong cuốn Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945 đã nhận xét: “văn học hiện đại Việt Nam thoát thai từ báo chí.” Còn Thiếu Sơn trong cuốn Phê bình và Cảo luận đã nói: “trong những nước văn minh, văn học ra đời trước báo chí, nhưng ở Việt Nam, chính báo chí đã tạo nên nền văn học hiện đại.” Dễ dàng nhận thấy, văn học hiện đại, báo chí và chữ Quốc ngữ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng nhau phát triển, tương hỗ nhau mà tiền đề của chúng được đặt ra chính từ những tờ báo quốc ngữ đầu tiên này.

Vai trò của các nhân vật báo chí tiêu biểu

Vai trò của những nhà báo-nhà văn hóa đầu tiên như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh… như vậy là đã rõ. Những nhân vật báo chí tiêu biểu mà người viết muốn nêu ra sau đây tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của chữ quốc ngữ, nhưng hoạt động của họ đã gián tiếp đưa chữ quốc ngữ trên báo chí đi theo những quỹ đạo nhất định, bao gồm: chính trị gia Albert Sarraut, nhà tài phiệt báo chí F. H. Schneider và nhà cách mạng Trần Chánh Chiếu.

Albert Sarraut trước khi trở thành toàn quyền cũng là một nhà báo, bước vào con đường chính trị, ông ta nhanh chóng thể hiện tài năng của mình nhất là trong khâu tuyên truyền và mị dân. Sarraut vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp “Pháp Việt đề huề” và vai trò của Pháp trong công cuộc văn minh hóa các xứ Đông Dương, về sau cũng chính Sarraut đã cổ động cho việc thành lập Nghiệp đoàn báo chí thuộc địa vào năm 1917. Tuy chính sách cai trị của Sarraut ru ngủ nhiều trí thức Việt Nam lúc đó (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Quang Chiêu…) và tách được họ ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa trong thời gian dài nhưng nó cũng phần nào cổ súy cho sự phát triển của giới Tây học. Chính sách tổ chức hoạt động của viên toàn quyền này cũng kéo giãn sự kiểm soát đối với báo chí Quốc ngữ và giúp cho nhiều tờ báo có giá trị như Đông Dương tạp chí hay Nam Phong tạp chí ra đời và phát triển.

Francoise Henri Schneider có thể xem là tài phiệt báo chí đầu tiên ở Việt Nam, ông là người khôn khéo và đặc biệt có tài tổ chức. Schneider cho ra đời tờ Lục tỉnh tân văn, tờ Đại Nam đồng văn nhật báo và cả tờ Đông Dương tạp chí. Có quan hệ tốt với chính quyền, làm chủ những xưởng in quan trọng và đứng sau nhiều tờ báo nên Schneider trục lợi nhiều từ chính quyền Pháp. Schneider cũng là người có công đưa báo chí Quốc ngữ đến với xứ Bắc Kỳ, ông ta khôn khéo đưa vào xứ Bắc một vài tờ bào chữ Hán trước tiên, sau đó dần thay đổi thói quen bằng các tờ báo song ngữ và tam ngữ (Pháp-Việt-Hoa), cách làm này khiến cho sự phản kháng đối với báo chí ngoại lại bớt gay gắt và phần nào giúp cho chữ Quốc ngữ dễ dàng truyền bá. Quan hệ giữa Schneider và chính quyền vừa giúp ông ta kiếm được nhiều tiền vừa giúp các tờ báo Quốc ngữ mà ông ta đứng sau hỗ trợ được yên ổn, đặc biệt là các tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương.

Trần Chánh Chiếu vừa là nhà báo, nhà kinh tế và nhà chính trị. Từng là chủ bút cho tờ Lục tỉnh tân văn, ông định hướng cho tờ báo những nét tích cực, đặc biệt là trong các vấn đề văn hóa, chính trị và thương mại. Ông còn tổ chức được nhiều cơ sở kinh doanh làm ăn phát đạt, thành lập hội yêu nước Minh Tân và tài trợ chong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Hoạt động yêu nước khiến ông Chiếu vài lần bị bắt nhưng sau đó đều được thả tự do.

Kết luận: Báo chí Việt Nam trong giai đoạn 1865-1915 đóng vai trò như một kênh giáo dục quần chúng, những tờ báo trong giai đoạn này khiến chữ Quốc ngữ dần trở nên thông dụng trong giới bình dân. Báo chí trong thời kỳ là một phương tiện truyền thông đại chúng có khả năng giáo dục bất kỳ ai đọc được chữ quốc ngữ rồi dựa vào đó lại nhân rộng ra thêm lượng độc giả. Tuy chỉ trong thời kỳ sơ khởi nhưng báo chí đã kéo chữ Quốc ngữ vào một con đường rất khác so với trước, mà dựa vào sự hình thành và phát triển của báo chí, chữ Quốc ngữ dần trở thành loại hình hiệu quả và quan trọng nhất đối với nền quốc văn Việt Nam về sau.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Văn Khang – Ngôn ngữ học xã hội: những vấn đề cơ bản – NXB KHXH

Huỳnh Văn Tòng – Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1915 – NXB TPHCM 2000

Phan Ngọc, Phạm Đức Dương - Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á – Viện Đông Nam Á 1983

Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan – Báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh – NXB Văn hóa SG 2007

Nguyễn Ngọc San - Tìm hiểu Tiếng Việt lịch sử - NXB ĐHSP 2005

Đỗ Quang Chính - Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 - NXB Tôn giáo 2008

Nguyễn Đức Dân – Nhìn lại một chặng đường phát triển chữ Quốc ngữ

Nguyễn Thị Thanh Xuân - Chữ quốc ngữ, báo chí, công chúng và văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX

Hoàng Anh - Báo chí quốc ngữ ngày đầu và những chuyện ít người biết

Đinh Văn Đức - CHỮ QUỐC NGỮ: Từ dạy chữ, ngôn ngữ báo chí đến ngôn ngữ văn xuôi mới nửa đầu thế kỷ XX

Ảnh chụp nguyên bản một số tờ báo nêu trong tham luận.

Wikipedia và một số tài liệu khác trên Internet


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương