Lại Văn Hùng1 Lê Thanh Hà



tải về 0.57 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.57 Mb.
#9882
1   2   3   4   5   6   7

Kết luận

Qua những phần trình bày ở trên,chúng ta hoàn toàn có thể kết luận trong lịch sử văn hóa Việt Nam có hai loại chữ được coi là Quốc ngữ, Quốc âm của dân tộc. Thứ chữ Quốc âm, Quốc ngữ đầu tiên chính là chữ Nôm.  Chữ Nôm ra đời đã tạo điều kiện cho nền văn hoá thành văn của dân tộc hình thành và phát triển, đồng thời cũng giúp cho văn tự của người Việt có thêm một thành tựu mới. Chữ Nôm hình thành và phát triển trong các thời kỳ trước đã trở thành loại chữ không thể thiếu được cho nhiều thế hệ người Việt Nam diễn đạt tư tưởng và trí tuệ cũng như tình cảm người Việt. Chữ Nôm loại chữ chủ yếu được các tầng lớp nhà nho, các trí thức bình dân và nhân dân gìn giữ và sử dụng có hiệu quả qua nhiều triều đại, thậm chí đôi khi nó được nhà nước chấp nhận là loại chữ viết chính thức. Trong đời sống hiện đại ngày nay, chữ Nôm vẫn còn tồn tại trong một số sinh hoạt xã hội cộng đồng, trong đời sống văn hoá tinh thần, ngoài ra các tư liệu, văn bản chữ Nôm trải qua nhiều thời kỳ cũng đang được bảo tồn, gìn giữ, và ngày càng được tìm hiểu, nghiên cứu và  phát huy các giá trị lịch sử của các tư liệu chữ Nôm nhiều hơn…

Trải qua thời gian dài hình thành, tiếp biến và phát triển chữ Quốc ngữ La tinh với mục đích ban đầu chỉ để truyền giáo đã trở thành thứ chữ phổ biến, phổ thông được công nhận chính thức duy nhất của Việt Nam. Ngày nay chữ Quốc ngữ đã góp phần to lớn trong công việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa nước nhà. Do chữ Quốc ngữ La tinh dễ học, dễ nhớ, dễ viết nên đại đa số quần chúng có thể thưởng thức những tác phẩm Hán và Nôm đã được quốc ngữ hóa.

Song ta cũng cần phải ghi nhớ rằng danh xưng Quốc ngữ là để chỉ chữ Nôm – chữ ta, khác với chữ của người ta ( chữ Hán). Danh xưng đó tồn tại suốt từ thời Trần ( thế kỷ XIII) cho đến cuối thế kỷ XIX. Như vậy có một giai đoạn khá dài cùng song song tồn tại hai danh xưng Quốc ngữ, một để chỉ chữ Nôm, một để chỉ chữ Việt theo mẫu tự Latinh hóa. Tuy nhiên con đường đi từ chữ Hán sang chữ nôm, từ Nôm sang chữ Quốc ngữ La tinh hóa dường như là con đường tất yếu với những người mới đầu có ý thức La tinh hóa tiếng Việt, và trong số đó có cả những trí thức người Việt ta và các giáo sĩ tại Bình Định hồi khoảng ba thập niên đầu thế kỷ XVII.

TÀI LIỆU THAM KHẢO



  1. Đào Duy Anh (1975), Chữ Nôm: Nguồn gốc-  cấu tạo - diễn biến. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội.  

  2. Đỗ Quang Chính (1972), Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659). Tủ sách Ra khơi, Sài Gòn.

  3. Nguyễn Văn Chung (1974), Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, NXB Nam Sơn, Sài Gòn.

  4. Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

  5. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II (1971),  NXB Khoa học Xã hội, Hà  Nội

  6. Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt. Văn Việt. Người Việt, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

  7. Dương Quảng Hàm (1943). Việt Nam văn học sử yếu. NXB Hội Nhà văn tái bản năm 1996. Hà Nội.

  8. Nguyễn Quang Hồng (2008), Khái luận văn tự học chữ Nôm, NXB Giáo dục. Hà Nội.

  9. Trịnh Khắc Mạnh (2004), Chữ Nôm và văn học chữ Nôm, Hán Nôm, số 6.

  10. Lê Văn Quán (1982), Nghiên cứu về chữ Nôm, NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội.

  11. Lý Toàn Thắng (1996), Vai trò của A.de Rhodes đối với sự chế tác và hoàn thiện chữ quốc ngữ, Ngôn ngữ, số 1.

  12. Bùi Duy Tân, (2004),  Từ điển văn học ( bộ mới), NXB Thế giới. Hà Nội.

  13. Thơ văn Lý Trần, Tập I (1997), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

  14. Béhaine, P. de (1773). Từ vị Annam Latinh. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, 1999. Thành phố Hồ Chí Minh.

  15. Roland Jacques (2007), Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học cho đến 1650, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

---------------------------------------------------------------------------------
VÙNG ĐẤT BÌNH ĐỊNH

VỚI CÔNG CUỘC LA TINH HÓA TIẾNG VIỆT

Ở NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVII

            

        Trần Quốc Tuấn(1) -  Nguyễn Công Thành(2)
Đặt vấn đề

Đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất, chữ quốc ngữ được hình thành vào thế kỷ XVII, trải qua quá trình bổ sung chữ viết này ngày càng hoàn thiện. Sự ra đời của chữ quốc ngữ gắn liền với công lao của tập thể các giáo sĩ phương Tây và người Việt, có thể có sự giúp sức của người Hoa, người Nhật. Vấn đề đặt ra hiện nay là chữ quốc ngữ ra đời đầu tiên ở đâu? Quảng Nam (Hội An, Thanh Chiêm) hay Bình Định (Nước Mặn, Tuy Phước)? Mặc dù, chưa có lời giải đáp thỏa đáng, song có thể khẳng định, Bình Định là một trong những “cái nôi” của chữ quốc ngữ. Vậy ở nửa đầu thế kỷ XVII, những yếu tố nào giúp Bình Định có thể trở thành một trong những trung tâm “sản sinh” ra chữ quốc ngữ? Đó là những vấn được chúng tôi góp phần làm rõ trong bài viết này.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam, vùng đất Bình Định thuộc quyền quản lý của quốc gia Đại Việt. Kể từ thời điểm này, công cuộc di dân, khai hoang lập làng, phát triển sản xuất của người Việt trên vùng đất Bình Định được bắt đầu và ngày càng đẩy mạnh. So với nhiều địa phương khác ở Đàng Trong, Bình Định được khai phá muộn hơn, thế nhưng đến thế kỷ XVII, Bình Định (phủ Quy Nhơn xưa) trở thành vùng đất phát triển, giữ vai trò quan trọng của xứ Đàng Trong, hội đủ nhiều yếu tố quan trọng, trở thành “địa bàn lý tưởng” cho công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ và la tinh hóa tiếng Việt thể hiện ở các nhân tố sau đây.

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi

Ở thế kỷ XVII, phủ Quy Nhơn (Bình Định) là vùng đất có nhiều ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Đây là vùng đất mới bước đầu khai phá của người Việt, vì thế điều kiện tự nhiên còn nhiều thuận lợi, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp.

Là vùng đất mới khai phá, song phủ Quy Nhơn có hệ thống giao thông khá phát triển và thuận lợi. Về giao thông đường bộ, bên cạnh đường Thiên Lý, Quy Nhơn đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của khu vực Tây Nguyên rộng lớn, là phủ duy nhất ở Duyên hải Nam Trung Bộ có đường bộ tới Thái Lan, Cam-pu-chia. Keith W. Taylor thật không quá khi cho rằng: “Quy Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía bắc đến Thuận Quảng, và con đường phía nam đến đồng bằng sông Mêkông [5].

Bình Định là khu vực có nhiều sông ngòi, cửa biển, đầm phá… thuận lợi cho sự phát triển của giao thông đường thủy. Theo Lê Quý Đôn, phủ Quy Nhơn, có nhiều cửa biển thuận lợi cho giao thông đường thủy như: Tân Quan, Thời Phú, Nước Ngọt, Nước Mặn [6; tr. 54], Kim Bồng, Thị Nại [6; tr. 276]. Trong đó cửa Kẻ Thử có vai trò đặc biệt quan trọng. Cửa Thử xưa vốn rất rộng và sâu, tách hẳn dãy Triều Châu với đất liền, nên tàu thuyền ra vào cảng Thị Nại thời Cham-pa và cảng Nước Mặn thời các chúa Nguyễn rất thuận lợi. Do bồi đắp của tự nhiên, cửa Thử đã bị lấp hẳn cách đây khoảng 200 năm. Từ khoảng thế kỷ XVII - XVIII, cửa Thử là cửa khẩu giao lưu hàng hóa vào loại quan trọng nhất của phủ Quy Nhơn.

Nối liền với Cửa Thử về phía Tây là dòng sông Kôn với dòng chủ lưu sâu và rộng cùng nhiều chi lưu khác nhau ôm lấy vùng đồng bằng rộng lớn của khu vực Nam Bình Định. Sông Kôn thời bấy giờ trở thành mạch máu giao thông đường thủy quan trọng bậc nhất của khu vực Nam Bình Định. Trước đây, phù sa bồi đắp chưa nhiều, cho nên các cửa biển còn sâu, biển ăn sâu vào trong đất liền, tàu thuyền lớn có thể ra vào được. Mặt khác, nhờ hệ thống rừng bạt ngàn ở vùng cao giữ nước, mà lượng nước ở các con sông được bổ sung và duy trì thường xuyên, đảm bảo cho việc giao lưu bằng đường thủy diễn ra thuận lợi quanh năm.

Sông Kôn là nơi “sinh ra”, “nuôi dưỡng” nhiều thị tứ, song cũng chính sông Kôn cũng đã “cướp đi sức sống” của nhiều thị tứ ở Bình Định. Với lượng nước dồi dào và nhiều phụ lưu, Sông Kôn trở thành huyết mạch giao thông quan trọng, đúng như nhận định của Tiến sĩ Đinh Văn Liên: “Ở Bình Định có thể thấy vai trò của con sông Kôn, tạo thành những đợt chuyển cư tiến dần lên đầu nguồn từ Kẻ Thử, Nước Mặn, Gò Bồi, Cảnh Hàng, An Khê với các thương nhân Hoa tạo thành đời sống phồn thịnh giữa miền ngược và miền xuôi” [9; tr. 107]. Cùng với sông Kôn, nhiều dòng sông khác như Lại Giang, La Tinh, Hà Thanh... đều có vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương của Bình Định thế kỷ XVII.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi, giao thông phát triển không những là cơ sở quan trọng cho phủ Quy Nhơn đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương nghiệp, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ, góp phần la tinh hóa tiếng Việt. Các giáo sĩ phương Tây thông qua đường thủy để đến với vùng đất Bình Định góp phần khẳng định điều này.

2. Chính sách “cởi mở” của quan chức và chính quyền địa phương đối với công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây

Ở thế kỷ XVII, Bình Định còn chứa đựng nhiều yếu tố chính trị thuận lợi cho công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ và la tinh hóa tiếng Việt. Dưới thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên, cùng với quá trình khai hoang, lập làng, xây dựng và phát triển về mọi mặt, tổ chức hành chính và bộ máy quản lý nhà nước của phủ Quy Nhơn ngày càng được củng cố, phát triển, hoàn thiện. Trên cơ sở đó chính quyền phủ Quy Nhơn thực hiện nhiều chính sách để quản lý hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó đáng kể nhất là chính sách tạo điều kiện thuận lợi của nhà cầm quyền và quan chức địa phương đối với công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây.



Năm 1616, Đàng Trong xảy ra hạn hán, các thầy sãi tổ chức cầu đảo nhưng bất lực. Sẵn không mặn mà với các nhà truyền giáo, các thầy sãi đã vu tội cho các giáo sĩ phương Tây (Buzumi, Pina…) làm các thần giận không cho mưa và yêu cầu chúa Nguyễn trục xuất họ. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên một mặt muốn giữ các nhà truyền giáo ở lại để bảo đảm liên lạc thương mại với người Bồ, một mặt muốn lấy lòng dân để bảo vệ ngôi chúa vừa mới dựng xây. Trước tình hình đó chúa Nguyễn đã chọn giải pháp ra lệnh trục xuất các giáo sĩ khỏi Đàng Trong một thời gian.

Bị trục xuất khỏi Đàng Trong, lại không được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây ở Đàng Trong vừa đạt được những kết quả bước đầu đã rơi vào tình trạng khó khăn. Trong bối cảnh đó, Khám lý Trần Đức Hòa thể hiện thái độ khá tích cực, mở rộng cửa cho các giáo sĩ tiếp tục công cuộc truyền đạo.

Vượt lên trên lệnh của chúa Nguyễn, bằng uy tín năng lực và những đóng góp của mình, năm 1617, Khám lý Trần Đức Hòa đã mạnh dạn đưa các giáo sĩ Buzomi, Pina, Borri về Quy Nhơn. Linh mục Nguyên Hồng đã viết về sự kiện này như sau: Trong khu rừng hoang nước độc, bệnh tình cha Buzomi mỗi ngày một nặng, cha chỉ còn biết trông cậy ơn chúa giúp. Chúa đã dùng quan tri phủ Quy Nhơn để cứu các cha… Nghe tin các cha phải sống trốn tránh khổ sở, ông liền sau gia nhân đem 10 nén bạc giúp các cha và hứa sẽ ghé thuyền đón cha Buzomi về Quy Nhơn [2; tr. 63]. Borri cũng tường thuật lại cuộc hành trình từ Hội An vào Quy Nhơn khá chi tiết, theo đó quan Trấn thủ Quy Nhơn đối đãi với họ như những “thượng khách”: cha Buzomi, cha Pina và tôi bỏ Hội An để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ. Suốt cuộc hành trình ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông dành một chiếc thuyền riêng để phục dịch cho chúng tôi. Chúng tôi đi suốt 12 ngày với đầy đủ tiện nghi sáng chiều đậu bến [3; tr. 95-96].

Không chỉ đưa các giáo sĩ về Quy Nhơn, Khám lý Trần Đức Hòa còn xây dựng nơi ở, nhà thờ ở Nước Mặn, hỗ trợ về nhiều mặt cho các giáo sĩ trong thời gian sinh sống và truyền đạo ở Nước Mặn. Cuối năm 1617, nhà thờ ở Nước Mặn được xây dựng, đây là nhà thờ Thiên Chúa giáo đầu tiên ở phủ Quy Nhơn. Sự kiện này giáo sĩ Borri ghi lại trong bản tường tình khá tỉ mỉ và Linh mục Nguyên Hồng cũng thừa nhận: quan phủ Quy Nhơn làm cho các cha một ngôi nhà gỗ rộng rãi ở Nước Mặn. Ông dùng voi đưa các cha từ phủ xuống khu nhà mới. Các cha được yên ổn tự do hoạt động truyền giáo. Thỉnh thoảng ông lại sai các gia nhân đầy tớ đem lúa gạo, thức ăn xuống cho các cha, không để các cha phải thiếu thốn một thứ gì. Đôi khi ông còn đích thân đến thăm bàn chuyện tôn giáo với các cha. Một hôm ông còn sai một ngàn tráng đinh khiêng cột kèo đã làm sẵn, đến dựng cho các cha một ngôi nhà thờ, chỉ trong một ngày là nhà thờ đã cất xong, với sự bỡ ngỡ thán phục của các cha [2; tr. 64-65].

Nhờ thái độ của Trần Đức Hòa đối với các giáo sĩ, cũng như tầm ảnh hưởng, vai trò của ông đối với phủ Quy Nhơn, Trần Đức Hòa đã gián tiếp giúp các giáo sĩ lấy lòng các giáo dân, đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trên vùng đất Quy Nhơn. Giáo sĩ Borri đã chép lại lời của quan trấn thủ Quy Nhơn trong cuộc họp với các quan trong phủ, cho thấy thái độ nhìn nhận tích cực của ông đối với các giáo sĩ: “Thực ra các cha là con vua, con chúa, tức là các thiên sứ đến những vùng đất này, không phải vì thiếu thốn hay cần thiết thứ gì, vì ở nước các cha không thiếu gì, trái lại mọi của cải đều dư dật, nhưng chỉ vì các cha hăm hở sốt sắng cứu vớt các linh hồn” [3; tr. 98].

Như vậy, thông qua những việc làm của mình, Khám lý Trần Đức Hòa đã tạo ra điều kiện chính trị vô cùng thuận lợi cho các giáo sĩ phương Tây tiếp tục hoạt động truyền giáo trên địa bàn phủ Quy Nhơn. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của Khám lý Trần Đức Hòa trong công cuộc la tinh hóa tiếng Việt.



3. Kinh tế - xã hội phát triển, thương cảng Nước Mặn hình thành sớm và hoạt động nhộn nhịp ở vùng đất Đàng Trong - Nước Mặn trở thành “trung tâm” của công cuộc la tinh hóa tiếng Việt ở Bình Định

Khi nói đến phủ Quy Nhơn thế kỷ XVII, các thương nhân thường nhắc tới một vùng đất trù phú, giàu sản vật. Sản vật đó không chỉ có sẵn trong tự nhiên, mà còn là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp phát triển, gắn liền với quá trình khai hoang, lập làng.

Ở thời điểm lúc mới thành lập, phủ Hoài Nhơn có 3 huyện, 33 xã. Đến năm 1490, phủ Hoài Nhơn đã có 19 tổng và hơn 100 xã: Bồng Sơn 7 tổng, 32 xã; Phù Ly 6 tổng, 60 xã; Tuy Viễn 6 tổng [6; tr. 54]. Từ thế kỷ XVI trở đi, quá trình khai hoang, lập làng ở phủ Quy Nhơn ngày càng được đẩy mạnh. Kết quả đưa đến sự hình thành của nhiều làng xã mới trong các thế kỷ XVI, XVII. Vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XVI (tức khoảng một thế kỷ sau khi mở đất) người Việt đã vào lập làng ở hầu hết vùng đất phủ Quy Nhơn. Ruộng đất được mở rộng, làng mạc vì thế cũng trở nên trù phú hơn, dân cư ngày một đông đúc. Phủ Quy Nhơn lúc bấy giờ trở thành một trong những nơi cung cấp thóc gạo, thực phẩm quan trọng của chính quyền Đàng Trong.  

Đi đôi với sự phát triển kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, ngư nghiệp từng bước được hình thành và phát triển. Trong thời kỳ này, nhiều ngành nghề thủ công ra đời và phát triển như: nghề dệt vải, đúc đồng, dệt chiếu, làm võng, làm nón, nghề gốm, làm muối, đóng thuyền, đồ đan, chế biến dừa, nung vôi, nghề rèn…

Hoạt động kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, ngư nghiệp cùng với sự đa dạng về cây trồng, vật nuôi, sản vật… làm cho hàng hóa ở vùng đất Bình Định trở nên phong phú và đa dạng. Nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá rất cao tính vượt trội về các mặt hàng xứ Quy Nhơn: “Phủ này là một phủ của cải rất dồi dào…, sản vật đáng kể như trầm hương, tê giác, vàng bạc, ngọc quý, gấm hoa, sáp vàng, đường mật, sơn dầu, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ nha rất đẹp, thóc gạo thì không kể xiết…”[4; tr. 18]. Chính điều này, tạo cơ sở nền tảng cho sự phát triển của kinh tế thương nghiệp, đưa đến sự hình thành thương cảng Nước Mặn.

Những tư liệu hiện còn, cho phép khẳng định Nước Mặn hình thành vào khoảng thế kỷ XVI (cùng thời hoặc muộn hơn chút ít so với thương cảng Hội An (Quảng Nam) [10], là một trong những thương cảng hình thành sớm nhất Đàng Trong. Trải qua quá trình phát triển liên tục, đến nửa đầu thế kỷ XVII, Nước Mặn trở thành một trong ba thương cảng lớn nhất Đàng Trong. Xét về tầm vóc, Nước Mặn không thể đạt đến mức như đô thị Hội An, song ở một số mặt nào đó có thể sánh ngang với phố cảng Thanh Hà (Huế).

Vì thiếu mất phần “đô” nên thương cảng Nước Mặn không thể trở thành “đô thị” [10]. Nhưng phần “thị” của Nước Mặn không chỉ bó hẹp ở các khu vực trong nước mà còn vươn tới phạm vi thế giới. Những gì mà Borri ghi lại trong bản trường trình “Xứ Đàng Trong năm 1621” cho thấy, khi đoàn thừa sai tới thì Nước Mặn đã là một tụ điểm buôn bán đông đúc. Quy mô của Nước Mặn được Borri chép lại khá cụ thể: “một điểm dài chừng 2 dặm và rộng tới một dặm rưỡi” [3; tr. 100]. Mức độ tập trung của khu phố ở đây khá cao, gồm khu phố của người Hoa và người Việt, nhà cửa san sát. Vì vậy, vào mùa khô để chống hỏa hoạn, vị tổng trấn ra lệnh phải dỡ mái nhà xuống, để trống mái một khoảng rộng đến hai dặm Ý [3; tr. 104].

Ngoài các đường buôn từ cảng Nước Mặn đến Hội An, Cam Ranh, Gia Định… Nước Mặn trở thành trung tâm thu hút nhiều thương khách nước ngoài. Trong thời gian này, đã hình thành luồng buôn bán từ Nước Mặn và Hội An với nước ngoài, đó có thể là các con đường hàng hải quốc tế đến Vuconva (Phi-lip-pin), Ma-lai-xi-a, Ma Cao và có lẽ là cả Nhật Bản. Với một “thành phố đàng hoàng” (theo cách nói của Borri), khá lớn và sầm uất, cho nên ở thế kỷ XVII, phủ Quy Nhơn là phủ duy nhất ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có quan hệ giao thương bằng đường bộ với Thái Lan, Cam-pu-chia.

Nửa đầu thế kỷ XVII, Nước Mặn là trung tâm kinh tế - trung tâm thương nghiệp của phủ Quy Nhơn, có cảng biển thuận lợi, khu phố phát triển, dân cư đông đúc, hàng hóa phong phú... hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu trú ngụ và truyền giáo của các giáo sĩ. Nước Mặn đóng vai trò là trung tâm văn hóa, trung tâm truyền giáo và la tinh hóa tiếng Việt của vùng đất Bình Định lúc bấy giờ.

4. Nhân tố xã hội tác động thuận chiều

Bình Định lúc bấy giờ còn có nhân tố xã hội tác động thuận chiều công cuộc truyền đạo của các giáo sĩ và la tinh hóa tiếng Việt. Trong đó đáng kể nhất là sự có mặt của thương nhân người Hoa, sự hình thành nhiều tầng lớp xã hội. Thương nhân người Hoa sang buôn bán, định cư ở Nước Mặn (vào đầu thế kỷ XVII) đã mang lại một yếu tố mới cho sự phát triển của thương nghiệp phủ Quy Nhơn, họ trở thành một trong những lực lượng thương nhân cơ bản trong thương nghiệp Bình Định thời bấy giờ. Bên cạnh nông dân, giai cấp địa chủ phong kiến, cũng đã hình thành tầng lớp thương nhân người Việt, thợ thủ công, các nho sĩ, các giáo hữu thông nho… Không ngoại trừ khả năng thương nhân người Hoa, người Việt, nho sĩ trở thành những thông ngôn, nhà phiên dịch giúp các giáo sĩ phương Tây truyền giáo và học tiếng Việt.

Bên cạnh đó, còn có một yếu tố xã hội khác làm cho các giáo sĩ và thương nhân các nước dễ dàng hoạt động truyền giáo và buôn bán là sự hào hiệp, rộng rãi, mến khách của cư dân Bình Định. Giáo sĩ Borri sau khi đến Hội An và Quy Nhơn đã nhận xét như sau: Xứ Đàng Trong (Hội An và Nước Mặn) có rất nhiều thứ thuận lợi cho sinh hoạt của con người… họ dễ dàng cho người ngoại quốc vào cảng của họ và họ thích thú thấy người ta tới buôn bán trong lãnh thổ của họ, không những từ những nước và tỉnh lân cận mà từ cả những xứ rất xa [3; tr. 88-89].

Kết luận

Thế kỷ XV-XVI, Bình Định là vùng đất mới khai phá của người Việt, vùng biên viễn xa xôi, nơi đày ải của tội nhân, tù binh. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực ở thế kỷ XVII, trước yêu cầu của công cuộc xây dựng và mở rộng Đàng Trong của các chúa Nguyễn, Bình Định ngày càng phát triển, trở thành “vùng đất đệm” quan trọng của các chúa Nguyễn. Với điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, hàng hoá phong phú, chính sách cởi mở của nhà cầm quyền và quan chức địa phương, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển, thương cảng Nước Mặn sớm hình thành và hoạt động nhộn nhịp, lại thêm sự tác động thuận chiều của các yếu tố xã hội khác góp phần đưa vùng đất Bình Định trở thành trung tâm truyền giáo xứ Đàng Trong, một trong những “cái nôi” của chữ quốc ngữ.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trương Bá Cần (2008), Lịch sử phát triển công giáo ở Việt Nam, tập 1 - Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XVIII), NXB Tôn giáo, Hà Nội.

2. Linh mục Nguyên Hồng (2009), Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tập 1, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội

3. Cristophoro Borri (2014), Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Phan Huy Chú (1997), Hoàng việt dư địa chí, NXB Thuận Hóa, Huế.

5. KeithW.Taylor (2006), Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay, số 270, tr. 6-8.

6. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

7. Đỗ Bang (1996), Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, NXB Thuận Hóa, Huế.

8. Nguyễn Xuân Nhân (2002), Cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh, Đề tài nghiên cứu khoa học, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Định.

9. Đinh Văn Liên (2008), Bình Định đất võ trời văn, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

10. Nguyễn Công Thành, Thương cảng Nước Mặn tỉnh Bình Định - nhận thức một số vấn đề khoa học đang đặt ra, Tạp chí khoa học Trường Đại học Quy Nhơn, tập III, số 2, năm 2009, tr. 89-96.

1. Ts. Trần Quốc Tuấn- Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn; ĐT: 0914.100.855

2.ThS. Nguyễn Công Thành - Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Quy Nhơn; ĐT: 0989.229.291
----------------------------------------------------------

MẤY SUY NGHĨ VỀ QUÁ TRÌNH

HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ

VÀ VAI TRÒ CỦA BÌNH ĐỊNH
Tham luận của GS Hoàng Chương

Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu

Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc
Thưa Đoàn Chủ tịch Hội thảo!

Thưa các đồng chí và các bạn!

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc, một trong những đơn vị tích cực đề xuất và phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, gửi tới Đoàn Chủ tịch, các vị đại biểu những lời chúc tốt đẹp nhất nhân năm mới 2016. Chúc quý vị một năm mới sức khoẻ, may mắn và thành công. Chúc hội thảo nhiều ý nghĩa của chúng ta thành công tốt đẹp.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày đầu năm 2016, ngay trước thềm đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, chúng ta lại tập trung về TP Quy Nhơn để tham gia hội thảo quốc gia về chữ Quốc ngữ do tỉnh Bình Định đứng ra tổ chức. Bình Định là nơi có nhiều duyên nợ với cả hai Quốc ngữ của đất nước ta trong tiến trình lịch sử dân tộc là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ hiện nay. Đây quê hương của hoàng đế Quang Trung, vị vua với khát vọng mãnh liệt “người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, để gây thành cái tinh thần của nước nhà, không phải đi mượn tiếng muợn chữ của nước Tàu” (Nhận định của nhà sử học Trần Trọng Kim trong Việt sử lược), đã quyết định đưa chữ Nôm, thứ chữ ghi âm tiếng Việt, lên địa vị Quốc ngữ. Đây đồng thời cũng là một trung tâm lớn góp phần đưa Quốc ngữ chữ Nôm đến thời kỳ phát triển rực rỡ với các tác phẩm “Ngọa long cương vãn” và “Tư Dung vãn” của Đào Duy Từ cùng hàng trăm tác phẩm của hai soạn giả tuồng lớn nhất lịch sử sân khấu đất nước là Nguyễn Diêu, Đào Tấn. Bình Định còn được xác định là nơi phôi thai và là một trong những trung tâm lớn truyền bá phát triển chữ Quốc ngữ trong thế kỷ 17 cũng như trong thế kỷ 19 và 20. Những điều này đem đến cho Bình Định một niềm tự hào lớn và kèm theo đấy là một trách nhiệm lớn và chúng ta hiểu vì sao lãnh đạo Bình Định đã tự nguyện đứng ra tổ chức một hội thảo có tính quốc gia đầu tiên tìm hiểu một cách toàn diện về lịch sử hình thành phát triển và sự đóng góp của chữ Quốc ngữ hôm nay cho văn hoá dân tộc.

Thưa các đồng chí và các bạn!

Tuy còn một vài điểm trống và chưa thống nhất trong nghiên cứu về thời điểm hình thành chữ Nôm và lịch trình phát triển của nó, nhưng có lẽ chúng ta đều thống nhất rằng sự ra đời và phát triển của chữ Nôm đã thể hiện ý chí bất khuất của dân tộc ta về mặt ngôn ngữ văn tự; dùng chính những nét viết của chữ Hán để giữ gìn và phát triển tiếng nói của dân tộc trong suốt hàng ngàn năm Bắc thuộc. Chữ Nôm chính là Quốc ngữ đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đã góp phần quyết định đem lại cho dân tộc ta sự tự chủ văn hoá, nuôi dưỡng lòng yêu nước thương nòi, ý chí và quyết tâm dành lại độc lập chủ quyền của dân tộc trước dã tâm xâm lược và đồng hoá của ngoại bang. Chữ Nôm cũng đã xây dựng nên một nền văn chương nghệ thuật tiếng Việt đáng tự hào với các đỉnh cao là các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Diêu, Đào Tấn…

Nhưng với chữ Quốc ngừ thì tình hình phức tạp hơn nhiều. Dù đã có quá trình hình thành phát triển gần 400 năm, đã chứng minh lợi thế vô song và đã thực sự trở thành Quốc ngữ của đất nước, đã có những đóng góp lớn lao trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới, giao lưu hội nhập cũng như trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chữ Quốc ngữ la tinh hoá, cho đến nay, vẫn chưa nhận được sự đánh giá thống nhất, đặc biệt là ở vấn đề nguồn gốc, mục tiêu hình thành, lịch sử phát triển, vẫn còn nhiều câu hỏi lớn mà lời giải chưa thể thống nhất, đôi khi còn rất trái ngược nhau. Điều này lý giải vì sao hội thảo của chúng ta lại nhận được sự quan tâm lớn đến thế của các nhà khoa học lịch sử, ngôn ngữ, các nhà giáo, văn nghệ sĩ và công luận cả nước.

Để đóng góp với hội thảo, tôi xin mạnh dạn nêu một số suy nghĩ của mình trên 3 vấn đề lớn mà theo tôi hội thảo cần quan tâm thảo luận và kết luận:

1.Sự ra đời chữ Quốc ngữ la tinh hoá là một hoạt động giao lưu văn hoá tự nhiên, bình thường hay một hành động xâm lăng văn hoá, một sự cưỡng bức văn hoá?

2. Ai mới là tác giả thực sự của chữ Quốc ngữ?

3. Bình Định có vai trò như thế nào trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ.

Về vấn đề thứ nhất

Cho đến nay, đây là một vấn đề hiện vẫn tồn đọng hai luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau một cách gay gắt.

Luồng ý kiến thứ nhất là những ý kiến cho rằng hành động tìm cách la tinh hoá tiếng Việt tiến đến hình thành chữ Quốc ngữ do nhà truyền giáo người Pháp Alexandre de Rhodes đi đầu là hành động có tính chất mở đường cho công cuộc xâm lược đất nước ta của thực dân Pháp cũng như là một hành động cưỡng bức văn hoá của Thiên Chúa giáo khi muốn cắt đứt người Việt với cội nguồn văn hoá, tôn giáo truyền thống để đi đến độc quyền tôn giáo.

Luồng ý kiến thứ hai, là những ý kiến khẳng định: sự ra đời của chữ Việt la tinh hoá không phải được tạo ra do ý muốn chủ quan của một thế lực thực dân hay tôn giáo nào mà là kết quả tất yếu của cả một quá trình giao lưu văn hóa bình thường giữa Việt Nam và Phương Tây, bắt đầu từ hoạt động truyền giáo của các nhà truyền giáo phương Tây ở nước ta đầu thế kỷ 17, không liên quan gì đến cuộc xâm lược nước ta của thực dân Pháp tiến hành hơn 200 năm sau đó.

Thực tế nghiên cứu lịch sử hình thành của chữ Quốc ngữ trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 ở trong nước và trên thế giới, đã cho thấy luồng ý kiến thứ nhất mang nhiều ngộ nhận, suy diễn thiếu căn cứ. Nhiều tài liệu lịch sử và tôn giáo đã chứng minh việc học tiếng Việt, tìm hiểu văn hoá và chữ viết Việt Nam rồi sau đó tìm cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự la tinh, tìm hiểu ngữ pháp tiếng Việt, biên soạn các công trình từ điển Việt Nam - La tinh của các nhà truyền giáo Dòng Tên nhiều quốc tịch Bồ Đào Nha, Italia, Pháp,Tây Ban Nha…như Bozumi, Pina, Borri, Amaral, Barbosa, Rhodes…trong thời gian nửa đầu thế kỷ 17 ở Nước Mặn (Bình Định), Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Cửa Bạng (Thanh Hoá) là việc làm tự nhiên bình thường của họ trong hoạt động truyền giáo. Hơn nữa, trong các bức thư hay ghi chép của Pina, Borri, Rhodes và các nhà truyền giáo khác thời kỳ này hiện còn lưu giữ được, chúng ta có thể đọc thấy những tình cảm tốt đẹp chân thành của họ dành cho đất nước con người Việt Nam. Đó là sự ngưởng mộ trước thiên nhiên tươi đẹp của nước ta, đó là lòng biết ơn đối với những người Việt Nam cởi mở và giàu lòng nhân ái đã vô tư giúp đỡ họ, đó là sự say mê tiếng Việt, một thứ tiếng giàu nhạc tính kỳ lạ. Đó còn là sự khao khát, quyết tâm khám phá học hỏi văn hoá Việt, chữ Nôm, chữ Hán. Trong các tài liệu có tính chất nội bộ của Dòng Tên này, không thể tìm thấy bất cứ một biểu hiện nào của tâm lý kẻ cả, thực dân hay tự thị tôn giáo. Ý đồ cắt lìa người Việt với cội nguồn văn hoá để dễ bề cai trị hay tham vọng độc quyền tôn giáo chỉ là của những người đứng đầu chính quyền xâm lược Pháp hay hội thừa sai Paris hai thế kỷ sau này khi sử dụng chữ Việt la tinh hoá như một công cụ phục vụ cho mục đích của họ.

Bởi vậy, tôi tin rằng hội thảo của chúng ta sẽ là một hội thảo đi đến thống nhất dứt khoát: chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự la tinh hoá do các nhà truyền giáo Dòng Tên, phương Tây khởi tạo những năm đầu thế kỷ 17 là kết quả tất yếu của hoạt động giao lưu tự nhiên bình thường giữa họ với đất nước, con người, tiếng nói và chữ viết Việt Nam. Đó là sự giao lưu văn hoá vô tư, bất vụ lợi. Cần khẳng định việc làm này thật đáng cho dân tộc Việt Nam tri ân vì nó đã mở ra cho dân tộc ta con đường xây dựng một thứ chữ Quốc ngữ mới, độc lập, tiến bộ và tiện lợi hơn nhiều chữ Nôm mà chúng ta đang có, thứ chữ của khát vọng độc lập nhưng trên thực tế vẫn mang nhiều yếu tố phụ thuộc, bất tiện.

Về vấn đề thứ hai

Ai là tác giả thực sự của chữ Quốc ngữ?

Khẳng định công đầu của các nhà truyền giáo Phương Tây trong việc xây dựng một thứ chữ Việt la tinh hoá nhưng chúng ta cũng cần khẳng định rõ ràng rằng không phải các nhà truyền giáo này mà chính dân tộc Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam mới là tác giả thực sự của chữ Quốc ngữ.

Bởi trước hết chúng ta đều hiểu rằng Quốc ngữ là thứ chữ viết ghi âm tiếng nói của dân tộc, không có tiếng Việt thì sẽ không có chữ Việt dù là chữ Nôm trước kia hay chữ Quốc ngữ bây giờ. Mà tiếng Việt thì không là của riêng ai mà của cả dân tộc Việt Nam từ khi có tiếng nói đến nay.

Thứ nữa, công việc la tinh hóa tiếng Việt của các nhà truyền giáo phương Tây cũng không phải là việc gì quá mới mẻ sáng tạo của Pina, Borri, Amaral, Barbosa, Rhodes…Trước họ, nhiều nhà truyền giáo Phương Tây khác cũng đã thực hiện các công trình latinh hoá các ngôn ngữ châu Á như tiếng Nhật, tiếng Hoa. Và thực chất các công trình latinh hoá tiếng Nhật, tiếng Hoa…chỉ có chỗ trong sử sách, bào tàng. Các công trình la tinh hoá tiếng Việt cũng sẽ chỉ có số phận như thế nếu không có sự tiếp nhận cởi mở và lựa chọn quyết đoán, chủ động, mạnh mẽ của các thế hệ người Việt.

Trên thực tế chúng ta đều biết, trong gần 400 năm ra đời, có đến hơn 250 năm chữ Việt la tinh hoá đã tồn tại và phát triển rất chậm chạp trong các nhà thờ công giáo Việt Nam. Nhưng chỉ trong hơn 100 năm từ cuối thế kỷ 19 đến nay, nó đã có những bước phát triển nhanh chóng vượt bậc, những thay đổi kỳ diệu, trở thành loại chữ hoàn toàn độc lập của người Việt Nam, đến mức không còn nhận rõ nguồn gốc la tinh của nó khi người Việt không cần biết chữ Tàu đã đành, cũng không cần biết chữ Tây, vẫn có thể dễ dàng học hiểu chữ Quốc ngữ.

Từ chỗ kỳ thị, từ chối vì cho đó là chữ của “tà đạo” của “Phú lang sa” xâm lược, bị cưỡng bức sử dụng, các trí thức Việt Nam tiến bộ, cả tân học và cựu học, từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đã nhận ra những ích lợi to lớn của dân tộc trong việc sử dụng thứ chữ viết này. Đó là tính chất dễ học dễ nhớ. Đó là triển vọng kết nối trực tiếp với văn minh phương Tây, một nền văn minh của tiến bộ phát triển mà dân tộc càn hướng đến. Đó là khả năng cắt đứt sự phụ thuộc vào chữ viết của nước láng giềng phương Bắc và một nền học vấn giáo điều cổ hủ đã kìm hãm dân tộc trong vòng nô lệ lạc hậu. Thế là chữ Việt la tinh hoá từ chỗ là công cụ cai trị của chính quyền thực dân đã trở thành vũ khí khai dân trí, chấn dân khí, đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc và phát triển, canh tân đất nước của các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Và cộng đồng người Việt đã nắm giữ vai trò quyết định trong việc bồi đắp, phát triển, hoàn thiện và truyền bá sâu rộng thứ chữ này, thực sự biến nó trở thành Quốc ngữ Việt Nam. Nói đến công lao hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ, ta không thể không nhắc đến đóng góp to lớn của những trí thức tiền bối như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố…những người luôn đinh ninh một tâm niệm không gì lay chuyển: Tiếng Việt còn, chữ Việt còn, nước Việt còn. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ những năm trước cách mạng tháng Tám và phong trào Bình dân học vụ sau ngày đất nước giành được độc lập, hai hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, hai phong trào quần chúng to lớn có tính chất quyết định việc biến chữ Quốc ngữ thực sự trở thành Quốc ngữ của nước Việt Nam độc lập và mở ra chặng đường phát triển rực rỡ nhất của nó trong 70 năm qua.

Về vấn đề thứ ba

Vai trò của Bình Định trong quá trình hình thành phát triển chữ Quốc ngữ?.

Thật ra không có gì quá khó khăn để đi đến thống nhất rằng Nước Mặn, Bình Định và Thanh Chiêm, Quảng Nam là hai cái nôi của chữ Quốc ngữ và không thật cần thật cần thiết, cũng không thể phân định rõ ràng đâu là cái nôi đầu tiên bởi sự quá gắn bó của hai địa danh này trong những năm 1617 – 1625 với hoạt động của các nhà truyền giáo có công khởi tạo chữ Quốc ngữ như Pina, Bozumi, Borri, Rhodes…Điểu thú vị và rất có ý nghĩa là sự xuất hiện của một nhân vật Bình Định trong những bước đầu hình thành chữ Quốc ngữ. Đó là quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hoà. Không phải ngẫu nhiên mà trong 18 chương của sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Cristophoro Borri, được viết từ những năm 1618 – 1622, khi cư trú tại Nước Mặn (Bình Định) có đến 2 chương viết về Trần Đức Hòa với lòng thành kính biết ơn của các nhà truyền giáo với vị ân nhân đã mở rộng vòng tay che chở, trân trọng đón họ về Nước Mặn, tạo những điều kiện tốt nhất để Bozumi, Pina, Borri sinh sống và tự do truyền giáo sau khi họ bị truy đuổi gắt gao, phải trốn chui trốn lủi tại Hội An. Chính nhờ tấm lòng của Trần Đức Hoà mà các nhà truyền giáo này mới có thể yên tâm thực hiện công việc truyền giáo cũng như chuyên tâm học tiếng Việt và bắt đầu công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự la tinh ngay tại quê hương ông.

Không những là một trong hai cái nôi, Bình Định còn là một trung tâm lớn phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ trong suốt mấy thế kỷ. Ở thế kỷ 17, trong mấy chục năm ròng, Nước Mặn đã là trung tâm lớn nhất truyền dạy tiếng Việt và chữ Quốc ngữ và trong các thế kỷ tiếp theo, giáo phận Quy Nhơn vẫn tiếp tục là một căn cứ quan trọng lưu giữ, truyền dạy và phổ biến chữ Quốc ngữ trong giáo hội Việt Nam. Đến những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tại Bình Định đã tồn tại nhà in Tiểu chủng viện Làng Sông, một trong ba nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên trong cả nước, đã in phổ biến một số lượng rất lớn các sách báo chữ Quốc ngữ với hàng vạn ấn phẩm và hàng triệu trang in. Nếu Tự lực văn đoàn và phong trào thơ Mới được coi là đã có những đóng góp to lớn vào việc hiện đại hoá chữ Quốc ngữ thì trường thơ Bình Định với những đại diện xuất sắc nhất của phong trào thơ Mới như Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…chắc chắn có những cống hiến quan trọng trong những đóng góp này. Trong phong trào hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ những năm 1938-1945 và đặc biệt là trong phong trào Bình dân học vụ đưa chữ Quốc ngữ xoá mù chữ cho toàn dân do Bác Hồ và Đảng ta phát động và lãnh đạo, Bình Định luôn là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước.

Thưa các đồng chí và các bạn!

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà có một duyên nợ lớn như thế giữa mảnh đất Bình Định với Quốc ngữ Việt Nam, cả chữ Nôm hôm qua cũng như chữ Quốc ngữ hôm nay. Có kỳ lạ không khi ta biết nếu người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ những năm cuối thế kỷ 18 đã sáng suốt quyết định đưa chữ Nôm thay chữ Hán lên địa vị Quốc ngữ và Nguyễn Diêu Đào Tấn trong thế kỷ 19 đã có những đóng góp to lớn đưa Quốc ngữ này đến những đỉnh cao văn chương chói lọi, thì trước đó cả hơn một thế kỷ, những năm đầu thế kỷ 17, Trần Đức Hoà và những người dân Bình Định ở Nước Mặn, đã mở rộng vòng tay tin cậy chào đón những sứ giả đầu tiên của một nền văn mình còn xa lạ, để âm thầm chuẩn bị cho sự ra đời của một tuyệt phẩm của giao lưu văn hoá Đông Tây trên đất nước Việt Nam: chữ Quốc ngữ hôm nay.

Với người Bình Định, và chắc chắn không chỉ với người Bình Định, mà với tất cả người Việt Nam chúng ta, chữ Quốc ngữ nói riêng và văn hoá nói chung luôn là công cụ để bảo vệ thành công nền độc lập tự chủ của dân tộc và đồng thời cũng là công cụ giúp đất nước đổi mới phát triển, giao lưu hội nhập thắng lợi.

Bởi vậy, tôi tin rằng hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” của chúng ta, qua trao đổi về quá trình hình thành phát triển của chữ Quốc ngữ và vai trò của Bình Định, sẽ rút ra những bài học có ý nghĩa không chỉ riêng cho lịch sử ngôn ngữ mà cho cả sự nghiệp gìn giữ nền độc lập tự chủ của dân tộc và đổi mới phát triên giao lưu hội nhập của đất nước hôm nay và trong tương lai.

Với niềm tin đó, tôi xin chúc hội thoả của chúng ta thành công tốt đẹp.

----------------------------------------------


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương