Lại Văn Hùng1 Lê Thanh Hà


-----------------------------------------------------------------------------



tải về 0.57 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.57 Mb.
#9882
1   2   3   4   5   6   7
    Điều hướng trang này:
  • Keyword

-----------------------------------------------------------------------------

KHỞI ĐẦU CÔNG TRÌNH SÁNG CHẾ CHỮ QUỐC NGỮ

TỪ BÌNH ĐỊNH ĐẾN QUẢNG NAM

TS. Nguyễn Thị Vân Anh
Summary: COMMENCING THE PROJECT OF THE NATIONAL

LANGUAGE INVENTION FROM BINH DINH TO QUANG NAM

A wide range of new information has been revealed by Roland Jacques owing to his access to unpublished hand writing do cuments, especially a variety of official reports and exchanging letters brtween the Jesuits, which are currently stored in Roma, Lissonme and Madrid. The discovery has shed light on the statements of Vietnamese antecedent priests on the project of the national language in vention, which was launched in Binh Dinh and continued in Quang Nam.  Roland Jacques appreciated the delication of Portuguese priests, however, he also claimed that it would be unfair if the contribution of the Italian ones was underestimated, especialhy that of Buzomi, Dang Trong father who took the initiative of the national language in the region of Nuoc Man.

Keyword: Latinize Vietnamese, script.


  1. Dẫn nhập

La-tinh hóa tiếng Việt sáng chế chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu của các thừa sai Phương Tây gắn liền với lịch sử truyền giáo ở Đàng Trong.

Tuy có người chủ trương và người thực hiện phần thiết yếu, nhưng công trình la-tinh hóa tiếng Việt sáng chế chữ Quốc ngữ không phải là công lao riêng của một hay vài ba người, mà là công lao của một tập thể nhiều người, nhiều đời nối tiếp nhau, bao gồm các nhà truyền giáo Phương Tây, các giáo hữu thông Nho,  các thông dịch viên và cả dân chúng địa phương. Trong bài viết “Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ: phải chăng cần viết lại lịch sử” của nhà ngôn ngữ học người Pháp Roland Jacques đã nhận định: “Mặt khác nỗ lực phân tích văn phạm và ngữ âm tiếng Việt được tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống để kiện toàn dần hồi lối viết bằng mẫu tự la-tinh gọi là Quốc ngữ, đây là một công trình tập thể, khó mà phân định được phần riêng nào của một ai”(10,119).



  1. Nội dung

    1. Công cuộc truyền giáo và la-tinh hóa tiếng Việt trong thế kỷ XVI

Với những tài liệu hiện có, chúng ta chỉ mới biết được việc la-tinh hóa tiếng Việt gắn liền với truyền giáo và việc buôn bán đã phôi thai từ thế kỷ XVI, khi nền Đại Thương Nghiệp thế giới ảnh hưởng tới nước ta.

Các linh mục Việt Nam tuy không phải là những nhà chuyên nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ học, nhưng khi viết về lịch sử truyền giáo ở Việt Nam cũng phải chú ý tới việc la-tinh hóa tiếng Việt của các thừa sai Phương Tây để trước mắt họ học tiếng Việt nhằm giao tiếp với dân chúng địa phương trong truyền giáo. Về sau, mới nhằm dịch các văn bản kinh điển của Kitô giáo ghi âm bằng tiếng Việt và để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến sau.

Linh mục Nguyễn Hồng là người rất tâm huyết với việc viết lịch sử truyền giáo ở nước ta. Khi tiến hành công việc, ông thấy rõ nếu chỉ căn cứ vào tài liệu hiện có ở trong nước thì rất khó mà hoàn thành, vì phần lớn các sử liệu được ghi chép lại về công cuộc truyền giáo ở nước ta đã đưa sang Roma hay Paris và đã bị mất. May sao, ông được đi du học ở hai nước Ý và Pháp, nên ông: “Bắt tay ngay vào việc bằng cách sưu tầm tài liệu khắp các bảo tàng thư viện của Thánh bộ truyền giáo Dòng Tên ở Roma, lại qua Ba-lê vào thư viện Hội các cha thừa sai Ba-lê để hoàn thành tác phẩm” (4, 2). Nhờ vậy, năm 1959, cuốn “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam” của ông, Quyển 1 - Các thừa sai Dòng Tên (1615 - 1665) đã được in ấn, phát hành lần thứ nhất tới 5000 cuốn tại nhà in Phước Sơn - Chợ Lớn. Ông đã làm một việc mà 35 năm sau (1994), Giáo sư Linh mục người Pháp khuyên chúng ta: “Nói chung, thì chúng ta nên lưu ý tới những tài liệu chưa xuất bản có giá trị nghiên cứu hơn những bản đã được xuất bản, nếu chúng có thể tìm được, vì thời đó việc xuất bản trước hết nhằm đào tạo những tâm hồn đạo đức của Âu Châu và do đó có thể được gọt giũa cho ăn khớp với mục đích nầy. Những bản viết tay, đặc biệt là những bản báo cáo chính thức và trao đổi thư từ riêng tư giữa các tu sĩ Dòng Tên, phần lớn được lưu trữ ở Lisbonne (Lít-bon), ở Madrid (Ma-đơ-rít) và nhất là ở Roma (Rô-ma); rải rác trong nhiều bộ sưu tập” (10,121).

Vì thế, chúng ta thấy nhiều sự kiện, nhiều nhận định về lịch sử truyền giáo và la-tinh hóa tiếng Việt sáng chế chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu (1615 - 1651) của hai ông có nhiều điểm thống nhất với nhau. Chỉ khác là Roland Jacques ngoài sưu tầm ở Roma và Paris, còn sưu tầm ở Lisbonne và Madrid cho chúng ta biết thêm hay biết rõ hơn những thông tin mới mà linh mục Nguyễn Hồng chưa biết đến hay chưa có dẫn chứng làm sáng tỏ hơn.

Công cuộc truyền giáo và la-tinh hóa tiếng Việt từ thế kỷ XVI đến khi các thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong năm 1615 để lại dấu tích quá ít ỏi.

-Về việc truyền giáo, cả hai linh mục Nguyễn Hồng và Roland Jacques đều cho rằng việc truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong diễn ra trong vài thập kỷ cuối thế kỷ XVI.

Linh mục Nguyễn Hồng cho biết, sau khi người Bồ lập trụ sở thương mại ở Áo Môn năm 1555, buôn bán giữa Áo Môn và Cửa Hàn, cửa Hội An tiến triển đều. Các thừa sai dòng thánh Augustinô người Bồ có tu viện ở Áo Môn theo tàu buôn tới truyền giáo ở khu cảng, nhưng vì thiếu tổ chức bền bỉ nên không đi đến kết quả khả quan. Năm 1595, khi hai cha Diego Aduarte và Alongo Jimenez dòng thánh Đa Minh tới cửa Hàn đã gặp hai cha con dòng thánh Augustinô. Hai cha này đến đây không phải để truyền giáo, mà để coi sóc các lái buôn người Bồ đến buôn bán trú ngụ ở đó. Việc truyền giáo của các cha đối với người Việt không thu lượm được gì đáng kể ngoài rửa tội cho hai tù nhân bị án trảm quyết.

Linh mục Roland Jacques cho biết rõ thêm. Năm 1883, có đoàn truyền giáo đầu tiên dòng Phanxicô người Tây Ban Nha đến Đàng Trong và đợt này hoàn toàn thất bại. Năm sau đó Bartolomé Ruiz đã từng thực hiện đợt truyền giáo năm trước trở lại, tuy sống một mình ở Đà Nẵng trong gần hai năm, nhưng không gặt hái được két quả gì hơn. Sau đó, hai tu sĩ dòng Phanxicô người Bồ Đào Nha nối tiếp đến nhưng chỉ lưu lại được sáu tháng. Vào cuối thế kỷ XVI, các ẩn sĩ dòng thánh Augustinô người Bồ Đào Nha cố gắng vào truyền giáo hai lần, nhưng kết quả rất khiêm tốn và bỏ cuộc vì lí do tiếp liệu.

Ông cho biết “Ký sự của các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Augustinô hé cho thấy rằng vào dịp nầy việc gặp gỡ giữa các nền văn hóa thực như là một đối thoại giữa những người điếc. Nó không đem lại những kết quả thấy được một cách cụ thể trong bối cảnh Việt Nam”(10,117).



-Về la-tinh hóa tiếng Việt, suốt thế kỷ XVI, công cuộc truyền giáo của các thừa sai Phương Tây tiến hành ở nước ta còn thưa thớt, lẻ tẻ. Cho nên việc la-tinh hóa tiếng Việt cũng chỉ mới nhằm mục đích nói tới một ít địa danh ở nước ta mà các sứ giả, các thương nhân và các nhà truyền giáo cần tường trình lên cấp trên những nơi họ đã đến mà thôi.

Tìm hiểu lịch sử truyền giáo ở nước ta của các linh mục nước ngoài thủa trước như Cristophoro Borri, Alexandre de Rhodes và Roland Jacques gần đây; của linh mục trong nước như Nguyễn Hồng, Trương Bá Cần nối tiếp nhau soạn vào nửa sau thế kỷ XX và cả luận án tiến sĩ “Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII  của Li Tana” chúng ta biết được một số địa danh ở nước ta sớm được la-tinh hóa trong thế kỷ XVI. Sớm nhất là các địa danh Cochinchina, Cauchy, Cauchychina có thể suy đoán ra để chỉ nước ta. Aurousseau và A. Lamb đã lưu ý: Cochinchina, từ giữa thế kỷ XIX trở về trước, chỉ miền Trung của Việt Nam hiện nay, và từ giữa thế kỷ XIX trở về sau chỉ miền Nam Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta bắt gặp tên gọi Cochinchina này có lẽ là trong Tom Pires vào năm 1515. Đất nước ông muốn nói đến dưới tên gọi Cauchy hay Cauchychina chính là Việt Nam. Aurousseau cho hiểu là người Bồ Đào Nha đã tạo nên tên gọi này từ từ Kuchi của tiếng Mã Lai (9). Roland Jacques lại cho rằng : “Từ ngữ Bồ Đào Nha gọi Đàng Trong là Cochinchine (do chữ Kochi là cách gọi tên nước Việt Nam của người Mã Lai và Nhật Bản, rồi thêm chữ chine ” để phân biệt với Cochim là một thành phố ở Ấn Độ (Cochin), lúc đầu được áp dụng cho toàn nước Đại Việt, nhưng vào chính thời ấy lại được hiểu là vùng đất của chúa Nguyễn…Còn vùng đất chúa Trịnh phía Bắc, người Bồ Đào Nha gọi là vương quốc “Tunquim ” (do chữ Đông Kinh)” (10,118).

Có địa danh nước ta được la-tinh hóa nhưng lại mập mờ về nơi chốn nên dễ gây tranh cãi như Cachao. A.Lamb đồng hóa Cachao, một địa danh theo tiếng Bồ Đào Nha, với Hà Nội. Tác giả lập luận Cachao là từ Giao Chỉ mà ra. Còn Phạm Đình Khiêm lại cho: Cachao đúng hơn là Cacciam (hay Kẻ Chiêm theo Tiếng Việt) nơi trấn thủ Quảng Nam ở vào thời kỳ này, ngày nay là làng Thanh Chiêm .

Lại có những địa danh được la-tinh hóa nhưng không biết ở đâu. Linh mục Nguyễn Hồng cho biết: “Qua lối phiên âm tên riêng của các thừa sai Đa Minh hay của Ordonez de Cavallos trong những tài liệu để lại rất khó đoán được nơi chỗ các ngài định chỉ. Chẳng hạn như : Picipuri, Quibelhu, Guanel”(5, 283).

Quả là, la-tinh hóa tiếng Việt trong thế kỷ XVI của các sứ giả, thương nhân và thừa sai Phương tây tới nước ta chỉ nhằm mục đích ghi một số địa danh ở nước ta để tường trình lên cấp trên mà thôi.

2.2 La-tinh hóa tiếng Việt và sáng chế chữ Quốc ngữ của các thừa sai Dòng Tên từ năm 1615 đến năm 1624

Trong bối cảnh hoạt động ở Phương Đông năm 1614 cộng đồng Kitô giáo đông đảo ở Nhật Bản đang gặp nguy cơ tàn lụi và cộng đồng ở Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn, thì tỉnh dòng Nhật Bản đã liên hệ với tòa Giám mục Bồ Đào Nha ở Malacca và Macao, chính thức thành lập đoàn truyền giáo ở Đàng Trong năm 1615. Quyết định của tỉnh dòng phái các thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong truyền giáo vào một thời điểm thật thích hợp. Lúc này, Nguyễn Phúc Nguyên mới lên làm chúa được hai năm (1613 - 1615), thực hiện lời trăn trối của cha là Nguyễn Hoàng, Chúa Sãi chủ trương cắt đứt sự lệ thuộc vào triều đình Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài năm 1614, mở rộng thêm việc buôn bán với nước ngoài, nhất là Bồ Đào Nha, trọng dụng các trí thức Phương Tây, khoan hồng và đối xử tử tế với các nhà truyền giáo.

Thừa sai Dòng Tên đầu tiên được cử đến làm trưởng đoàn truyền giáo Đàng Trong là Francesco Buzomi (1576 - 1639)  người Ý, đi cùng thuyền với ông có thừa sai Carvalho được cử đến Hội An để chăm sóc người công giáo Nhật Bản và để tìm đường đi vào Nhật Bản qua một ngã khác. Cha Buzomi tới Hội An ngày 18 - 01 - 1615, lúc ông xấp xỉ tuổi tứ tuần, đã từng truyền giáo ở Nhật Bản, rồi bị trục xuất về làm giáo sư thần học ở chủng viện Maccao. Trong thời gian đầu ở Quảng Nam, ông vừa truyền giáo qua thông dịch người Việt, người Nhật, người Trung Quốc vừa học tiếng Việt, ông nổi tiếng là người hiền từ và lão luyện trong công việc. Vì thế, trong năm đầu (1615) truyền giáo ở Đà Nẵng và Quảng Nam, cha đã tu hút được 300 tân tòng, dựng được một nhà thờ lớn ở Đà Nẵng và nhà thờ thứ hai ở thị trấn Quảng Nam.

Linh mục Trương Bá Cần cho biết: “Tiếng tăm về cuộc truyền giáo ở Đàng Trong đã thấu tới Macao, nên bề trên giám tỉnh thấy là cần phải sai đến một cha trẻ hơn với một thầy trợ sĩ người Nhật Bản để sau khi học tiếng xong, có thể giảng đạo mà không cần thông dịch viên. Đó là cha Francesco di Pina…”(3, 99). Cũng theo linh mục Trương Bá Cần : “Đầu năm 1616, linh mục Pina tới và ở Đà Nẵng; nhưng giữa năm 1616 bị săn đuổi, linh mục Pina đã được giáo hữu Nhật Bản ở Hội An đem về che giấu và ở lại đấy cho tới đầu năm 1617 mới đi Quy Nhơn…”(3,96).

Còn linh mục Christophoro Borri và linh mục Pedre Marquez tới Đàng Trong đầu năm 1617. Cha Borri chỉ ở lại Hội An ít lâu rồi đi cùng cha Buzomi, cha Pina và một trợ sĩ Bồ Đào Nha theo quan phủ Trần Đức Hòa vào Quy Nhơn.

Trong ba năm các thừa sai Dòng Tên hoạt động ở Quảng Nam, thì cha bề trên Buzomi là người đứng tuổi, đến sớm nhất lại giàu kinh nghiệm truyền giáo hơn cả nên đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, cha Pina là giáo sĩ trẻ nhất nhưng rất thông minh, tuy tới sau nhưng chỉ học bốn tháng mà đã giảng đạo bằng tiếng địa phương. Cha Pina chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi bị trục xuất, phải trốn tránh ở Hội An dưới sự che chở của giáo dân Nhật, còn cha Borri mới tới chưa được bao lâu còn phải làm quen với phong tục, tập quán người địa phương và học tiếng Việt.

Tuy vậy, nhờ có điều kiện hoạt động thuận lợi, trong gần hai năm đầu (1615 -1616) việc la-tinh hóa tiếng Việt không chỉ mở rộng về phiên âm các địa danh trong và ngoài nước ta, mà còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực hoạt động ngôn ngữ và đã cùng các giáo hữu thông nho cải tiến cách ghi âm cho dễ nhận biết hơn nhiều so với cách ghi âm của các thừa sai đến Đàng Trong ở thế kỷ trước. Có thể thấy rõ trong các dẫn chứng sau đây:


STT

Nội dung

Ví dụ

1

Mở rộng ghi âm các địa danh các nước lân cận và các tỉnh trong nước


Ai nam (Ailao), Chiampa (Champa), Hoalaom (Hoa Lang), Anam (An Nam), Tunquim (Đông Kinh), Sinnua (Thuận Hóa), Cacciam (Kẻ Chăm - Quảng Nam), Quamguyu (Quảng Ngãi), Quinguim (Quy Nhơn), Renran hay Raran (Phú Yên), Nuocman (Nước Mặn), Turan (Tourran).

2

Mở rộng các từ chỉ người

bua (vua), onsai (ông sãi), ongne (ông nghè), congno (con nhỏ)...

3

Mở rộng các từ chỉ sự vật

cabaia (áo bào), sayckin (sách kinh), saycchin (sách chữ), noecman (nước mắm)...

4

Mở rộng các từ chỉ sự việc

scin (xin), an (ăn), dilay (đi lại), muonbau (muốn vào)...

5

Mở rộng phiên âm các cụm từ

da an het (đã ăn hết), da an nua (đã ăn một nửa), scin mo cay (xin một cái), on sai di lay (ông sãi đi lại)…

6

Mở rộng phiên âm các câu

- Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chiam (con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa lang chăng)

-  Con gno muon bau mau Chrietiam chiam (con nhỏ muốn vào đạo Chistiang chăng)


Hoạt động của các thừa sai Dòng Tên trong gần hai năm đầu ở Quảng Nam - Đà Nẵng - Hội An đang trên đà tiến triển thuận lợi thì bỗng nhiên tai họa ập đến làm thay đổi cục diện truyền giáo và la-tinh hóa tiếng Việt ở Đàng Trong. Mấy tháng cuối năm 1616, ở Quảng Nam, trời không mưa bị hạn nặng, đồng khô, cỏ cháy, dân chúng nổi giận, đổ lỗi cho các nhà truyền  giáo khuyên bỏ thờ cúng đền chùa miếu mạo nên quỷ thần quở phạt, gieo họa. Muốn cho quỷ thần nguôi giận thì nhà Chúa phải đuổi hết các đạo sư Tây Giang ra khỏi nước. Họ kéo nhau tới đập phá nhà thờ, xua đuổi các giáo sĩ. Trước tình thế ấy, Chúa Sãi vừa muốn yên lòng dân vừa không muốn mất lòng các giáo sĩ để giữ quan hệ buôn bán tốt đẹp với Bồ Đào Nha. Giúp Chúa giải quyết khó khăn này, không ai hơn quan Khám lý tri phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa. Vì Trần Đức Hòa là con Dương đàm hầu Trần Ngọc Phân, từng làm phó tướng ở Quảng Nam chỉ huy quân doanh Trấn Biên phò tá Nguyễn Phúc Nguyên làm chánh tướng trấn thủ Quảng Nam khi chưa lên ngôi Chúa. Cho nên Trần Đức Hòa được Chúa nhận làm em kết nghĩa, ra vào nơi cung cấm như người nhà. Vì vậy, khi chúa Sãi ra lệnh yêu cầu các thừa sai tạm xa lánh Đàng Trong một thời gian rồi sẽ trở lại, không biết vô tình hay hữu ý, chính khi các thừa sai lâm nạn, mỗi ngươi trốn tránh một nơi, thì quan phủ Quy Nhơn dong thuyền ra hầu Chúa. Khi đi, ông có ghé vào Quảng Nam cho người tới thăm cha Buzomi, người bạn ông cảm mến đang bị bệnh trốn tránh trong rừng, và hẹn ngày về sẽ đưa cha vào Quy Nhơn chữa trị.

Giữ đúng lời hứa, sau khi đưa cha Buzomi về Quy Nhơn chăm sóc khỏi bệnh, quan phủ lại  đưa cha ra Hội An đón các cha Pina, Borri và một trợ sĩ người Bồ vào địa hạt ông cai quản theo phân công vùng truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên Đàng Trong thời bấy giờ. Với tấm lòng biệt đãi của quan phủ Trần Đức Hòa, khi vào Quy Nhơn ông đã giúp các cha xây dựng nhà ở, nhà thờ ở cảng thị Nước Mặn và chu cấp đầy đủ mọi mặt cuộc sống, giúp các cha truyền giáo thuận lợi, chẳng bao lâu thu hút được nhiều tân tòng và các giáo hữu thông nho cộng tác với mình. Có được như vậy, một phần cũng nhờ vào thế giá mà quan phủ Quy Nhơn đã tạo nên cho các thừa sai. Nhờ vậy, các cha mới có đủ điều kiện thuận lợi tổ chức sáng chế chữ Quốc ngữ để dịch các văn bản kinh điển của Kitô giáo, viết kinh giảng đạo bằng chữ Nôm và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến sau.

Linh mục Nguyễn Hồng cho biết: “Từ năm 1618 đến năm 1620, số cha truyền giáo ở xứ Nam có 4 vị: ba cha Buzomi, De Pina và Borri ở Nước Mặn với hai thầy Diaz và Agestino, còn cha Pedre Maquez và hai thầy người Nhật ở Hội An” (5, 67). Về hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn, ông nêu lên một nhận định xác đáng: “Đã thông thạo tiếng nói, phong tục, lại thêm một số người có chữ nghĩa cộng tác vào, các cha nghĩ đến việc phát hành một cuốn sách bổn bằng chữ Nôm “gồm tất cả các mầu nhiệm và lời răn của đạo Công giáo”. Bốn mươi năm sau (1999) trong “Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam”, khi viết về thành quả truyền giáo ở Quy Nhơn, linh mục Trương Bá Cần cũng có nhận định tương tự :“Trước hết, họ (những giáo hữu trí thức và các tân tòng thông Nho) đã giúp các thừa sai soạn một cuốn giáo lý bằng tiếng Việt, chắc chắn là bằng chữ Nôm (vì chữ Quốc ngữ lúc này chưa hình thành)…Đây chắc chắn là một công trình tập thể, trong đó có sự đóng góp chủ yếu của các thừa sai Buzomi và Pina, nhưng nếu không có những giáo hữu thông Nho thì không làm sao có thể có được một cuốn giáo lý như vậy vào thời điểm sơ khai này.”(5,110)

Rất tiếc, cuốn giáo lý đầu tiên này bị thất lạc chưa tìm lại được. Song dựa vào nhận xét của thừa sai Gaspar Luis - người tới Đàng Trong cuối năm 1624 cùng với Alexandre  de  Rhodes vào Nước Mặn làm việc với cha bề trên Buzomi, và thường trú ở đây từ năm 1925 đến 1929, thì ta biết được cuốn giáo lý này ngắn gọn, dễ hiểu để từ người lớn đến trẻ em dễ học thuộc lòng, chứ không dài như cuốn giáo lý Alexandre De  Rhodes xuất bản năm 1651 ở Roma.

Về tổ chức cách viết cuốn giáo lý đầu tiên bằng chữ Nôm ở Nước Mặn, linh mục Nguyễn Hồng cho rằng: “Hoặc đầu tiên các thừa sai thảo bằng chữ Quốc ngữ (do các ngài mới sáng chế ra) để các thầy giảng viết ra chữ Nôm, hoặc đọc cho các thầy viết, mà ta có thể đoán đó là trường hợp cha Buzomi và De Pina cho ra đời cuốn sách về đạo công giáo đầu tiên bằng tiếng Việt ở Nước Mặn - Quy Nhơn…Hoặc do chính các thừa sai viết bằng chữ Nôm, như những cuốn của của cha Majorica, nhưng chắc chắn cha cũng được sự cộng tác của các thầy giảng”(5,295)

Chúng tôi cho rằng khả năng các cha soạn thảo bằng chữ Quốc ngữ do các ngài sáng chế ra, rồi đọc lên cho các thầy giảng người Việt ghi bằng chữ Nôm là rất lớn, còn khả năng các cha viết trực tiếp bằng chữ Nôm khó có thể xảy ra. Vì chữ Nôm cũng khó học và khó ghi như chữ Hán, phải miệt mài học tập nhiều năm may ra mới có thể viết thành thạo.

Những nỗ lực sưu tầm nghiên cứu của linh mục Roland Jacques qua các bản phúc trình chính thức và thư từ giữa các cha Dòng Tên trao đổi với nhau, ông đã rút ra nhiều thông tin quan trọng gần đây về công trình sáng chế chữ Quốc ngữ ở Đàng Trong thời kỳ đầu (1615-1651).

Trước hết là những thông tin xác nhận và bổ sung cho việc nhìn nhận đúng của các linh mục nước ta khi viết về Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam đã nêu lên việc sáng chế chữ Quốc ngữ khởi đầu ở Nước Mặn, Bình Định. Song linh mục Nguyễn Hồng chỉ mới nới đến vào Bình Định mới đủ điều kiện cho các cha Dòng Tên tiên khởi là Buzomi và Pina sáng chế chữ Quốc ngữ để viết một cuốn sách bổn bằng chữ Nôm. Còn linh mục Roland Jacques cho ta biết cụ thể, rõ ràng hơn: “Ba tu sĩ Dòng Tên bấy giờ có mặt tại cơ sở truyền giáo Poulo Cambi (có thể tương ứng với tên gọi Quy Nhơn ngày nay), lúc công trình này tiến hành là linh mục Buzomi  “bị bệnh nặng, nên không đi giảng cho người ta trở lại được”, linh mục Pina và linh mục Borri, một người vừa đến và bắt đầu học tiếng. Chúng ta hiểu rằng các công trình được thực hiện dưới sự giám sát của Buzomi, cựu bề trên cơ sở truyền giáo Đàng Trong (1615 - 1618) và hiện là bề trên cơ sở địa phương, nhưng những tác nhân chính yếu thực hiện công trình nầy là linh mục Pina và chàng thanh niên Việt Nam cộng tác với ông ấy” (10,119). Ông còn cho biết một thông tin khác chứng minh rõ thêm việc làm đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên trong công trình sáng chế chữ Quốc Ngữ ở Nước Mặn: “Những bản dịch văn bản Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina linh mục Dòng Tên sinh ở Bồ Đào Nha”(10,119), lúc này các thừa sai đã vào Nước Mặn - Bình Định.

Linh mục Trương Bá Cần cũng chỉ mới nói đến vai trò không kém phần quan trọng của các giáo hữu thông Nho trong sáng chế chữ Quốc ngữ ở Nước Mặn, linh mục Roland Jacques cung cấp cho ta thêm thông tin để biết cụ thể hơn :“Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai 16 tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng. Anh nầy viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng. Anh tên thánh rửa tội là Phêrô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater Noster, Ave Maria, Credo và Mười điều răn ra tiếng địa phương, (các kinh) mà Kitô hữu đã thuộc lòng” (10, 118). Ông cho rằng kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi này hẳn rất hữu ích trong công việc của Pina.

Ngoài những thông tin linh mục Roland Jacques cho biết đã nêu trên, trong bài viết khá dài, ông còn cho biết một số thông tin quan trọng dường như xưa nay ít ai nói tới. Chúng tôi chu ý tới thông tin:“Theo lời xác nhận của chính linh mục Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự la-tinh cho thích hợp với phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam. Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm. Kết quả đó, linh mục Pina đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam quy tụ xung quanh ông ” (10, 118). Đây là công lao sáng chế chữ Quốc ngữ rất quan trọng của linh mục Pina, vị thừa sai Dòng Tên thành thạo tiếng Việt nhất thời bấy giờ mà nhà chép sử Dòng Tên Bartoli hết lời ca ngợi trong bài điếu văn khi ông qua đời ngày 15 tháng 12 năm 1625:“Linh mục Pina là người Bồ Đào Nha, thọ 40 tuổi. Ngài được người ngoại giáo yêu chuộng, vì ngài nói tiếng của họ, như chính ngài là người bản xứ Đàng Trong vậy ”(10,119). Cùng với công lao sáng chế chữ Quốc Ngữ, cha Pina còn nhiệt tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến sau. Linh mục Roland Jacques cho biết: “Năm 1624, Francisco de Pina mở trường dạy tiếng Việt cho những người ngoại quốc đầu tiên, trong đó có hai học trò rất cự phách, linh mục người Bồ Đào Nha Antônio de Fontes, một nhà truyền giáo kỳ cựu và sẽ là một trong những cột trụ cho xứ tryền giáo Đàng Trong và Alexandre de  Rhodes mà chúng ta nói đến. Vi nầy sớm được gọi để thành lập xứ truyền giáo Đàng Ngoài, nơi mà ngài sẽ thực hiện sứ mạng của mình từ năm 1627 đến 1630”(10,119).

Trước đấy hai năm, khi linh mục Pina đã ra Quảng Nam, thì linh mục bề trên Buzomi là người thông thạo tiếng Việt ở Bình Định. Linh mục Trương Bá Cần cho biết: “Năm 1622 thừa sai Borri rời Đàng Trong về Macao. Trong số các giáo sĩ tới sau đó, có Emmanael Borges và Louis Leira đã vào Quy Nhơn để học tiếng với cha bề trên Buzomi”(10,108).

Như vậy, việc mở lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến sau bằng chữ Quốc ngữ do các ngài sáng chế ra đã được tiến hành ở Nước Mặn trước khi linh mục Pina mở lớp ở Quảng Nam hai năm.

Chúng ta biết rằng Francisco de Pina là linh mục đầu tiên thành thạo tiếng Việt nhất thời bấy giờ. Ông đi cùng linh mục bề trên Buzomi và linh mục Borri vào Nước Mặn khoảng cuối năm 1617 sang đầu năm 1618, và đã hoạt động ở Bình Định (Nước Mặn) từ năm 1618 đếm năm 1620. Sau khi quan phủ Quy Nhơn qua đời, ông ra Hội An nhưng vẫn đi về giữa Hội An và Nước Mặn. đến năm 1623 lập lại cơ sở Thanh Chiêm, ông là cha bề trên của cơ sở này, mới cư trú hẳn ở Quảng Nam cho đến khi qua đời vì gặp nạn trên biển ở Đà Nẵng.

Tất cả những vấn đề trình bày trên, cho phép chúng tôi đi đến một nhận định: công trình sáng chế chữ Quốc ngữ để dịch các văn bản Kitô giáo ra tiếng Việt, để viết kinh giảng đạo bằng chữ Nôm và để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến sau đã khởi đầu ở Nước Mặn (Bình Định) từ năm 1618 đến năm 1620 đã xây dựng được một hệ thống chuyển mẫu tự la-tinh cho thích hợp với lối phát âm tiếng Việt viết thành một tuyển tập, rồi tiến hành viết tiếp một bản văn phạm ở Thanh Chiêm (Quảng Nam).

Vì vậy, về truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên tiên khởi đã khởi đầu ở Quảng Nam trước vào Bình Định sau, thì ngược lại, công trình sáng chế chữ Quốc ngữ lại được các thừa sai Dòng Tên khởi đầu ở Bình Định trước ra Quảng Nam sau. Có như vậy là do cục diện truyền giáo thay đổi tạo nên.



  1. Каталог: files
    files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
    files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
    files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
    files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
    files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
    files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
    files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
    files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

    tải về 0.57 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương