ĐẠi tưỚng võ nguyên giáp ngưỜi anh cả CỦa quâN ĐỘi nhân dân việt nam



tải về 87.19 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích87.19 Kb.
#13012
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

NGƯỜI ANH CẢ CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM


Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt cuộc kháng chiến 30 năm chống Pháp và chống Mĩ; là người đã thực hiện xuất sắc quyết định của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chỉ huy quân đội làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đại chiến mùa xuân năm 1975 trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đại tướng là người cộng sản kiên trung, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng theo học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; là một vị Tổng Tư lệnh lỗi lạc, văn võ song toàn, có công lao to lớn đối với dân tộc, với đất nước, là một người có nhân cách lớn và tư chất nhân văn sáng ngời. Đặc biệt, ông là một vị tướng toàn năng, có công chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, với đủ các thành phần quân - binh chủng cách mạng, chính quy, hiện đại; tổ chức chiến tranh và chỉ huy tác chiến xuất sắc, trăm trận, trăm thắng; góp phần xây dựng nên học thuyết quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, giải quyết thành công đáp án một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu vẫn có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược dù chúng giàu mạnh và hiện đại đến mấy. Đại tướng là người bạn lớn của các dân tộc bị áp bức bóc lột, là một danh nhân thế giới, một trong những vị tướng kiệt xuất của mọi thời đại. Để tìm hiểu về tài năng văn võ song toàn cũng như nhân cách lớn của vị Đại tướng được cả dân tộc và Quân đội Nhân dân Việt Nam kính trọng gọi là Anh Cả, bài viết dưới đây sẽ tóm tắt và lược thuật từ những bài viết của nguyên thủ quốc gia, các chính khách, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà sử học, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước để nói về một vị “khai quốc công thần”, một vị Tổng Tư lệnh lỗi lạc, một vị tướng lừng danh với tài năng toàn diện về quân sự, chính trị, lịch sử, văn hóa và khoa học.

Tài thao lược quân sự

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình trung nông có truyền thống hiếu học và yêu nước. Đại tướng là một trí thức yêu nước theo Đảng làm cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1929, Đại tướng đã tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn để rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 3 tháng 2 năm 1930. Giữa năm 1940, Đại tướng cùng với Phạm Văn Đồng bí mật sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) tại Côn Minh. Về nước hoạt động, Đại tướng được Bác Hồ và Trung ương giao lãnh đạo công tác quân sự như phụ trách Ban xung phong Nam tiến năm 1942. Đặc biệt, năm 1944, được Bác Hồ giao thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Sau chưa đầy một tháng thành lập, với lực lượng rất nhỏ bé, vũ khí thô sơ, nhưng ý chí mưu lược độc đáo hơn hẳn địch đã liên tục đánh gục đồn Phai Thắt, Nà Ngần của giặc Pháp, giải phóng nhân dân, mở rộng căn cứ địa, lấy vũ khí phát triển quân giải phóng. Với trí thức cách mạng, từ một thầy giáo lịch sử chuyển sang làm tướng, Đại tướng đã tiếp nhận và phát huy nền quân sự độc đáo của tổ tiên ta, đã cùng với Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, xây dựng Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Theo Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên trong bài “Chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thọ 100 tuổi”: Xét về mặt chỉ đạo chiến tranh và tổ chức chỉ huy chiến đấu, Đại tướng có những nét độc đáo như trường kỳ kháng chiến, lấy dài chọi ngắn là đường lối lãnh đạo chiến tranh đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vận dụng đường lối đó, Đại tướng đã trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị về chiến lược thì phải trường kỳ, nhưng về tổ chức thực hiện thì phải tích cực chủ động nắm, tạo, sử dụng thời cơ để từng bước thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, giảm thời gian kéo dài chiến tranh. Một trong những nghệ thuật độc đáo mà Đại tướng tham mưu cho Bộ Chính trị là hàng năm mở các chiến dịch với các loại quy mô kết hợp, các vùng kết hợp, các loại hình kết hợp, các bước kết hợp, từ thấp đến cao, tạo bước bứt phá, lan tỏa rộng, kích thích mạnh; thúc đẩy bước sau cao hơn bước trước. Từ đó tạo cho địch mất ổn định, phân tán, giam giữ địch lại nhiều nơi, để ta đánh vào nơi ta muốn. Nghệ thuật này nằm trong thế kháng chiến toàn dân, toàn diện và nằm trong sức mạnh chiến tranh nhân dân. Một mũi tên đạt hai mục đích: địch thì phải liên tục xáo trộn; ta thì liên tục sử dụng được sơ hở của địch để diệt địch, giành dân, mở rộng căn cứ, làm cho quân lính địch mỏi mệt, tướng lĩnh, chính phủ địch luôn xáo trộn.

Điều đó đã được kiểm nghiệm trong lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trước cuộc tiến công quy mô lớn của địch lên căn cứ địa Việt Bắc, do trước đó ta phán đoán không đúng về hướng tiến công, về khả năng huy động binh lực và cách đánh của chúng cho nên lúc đầu ta ở vào thế bị động. Nét đặc sắc trong bản lĩnh cầm quân của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vào thời điểm này là dám nhìn thẳng vào yếu kém của mình và có quyết tâm sửa chữa. Mặt khác, trước sức tiến công ồ ạt bằng bộ binh cơ giới và quân thù có pháo binh yểm trợ của hàng vạn tên địch, Tổng Tư lệnh đã nhạy bén phát hiện chỗ yếu chí tử của địch là quân đông nhưng rải ra trên diện rộng, mọi nhu cầu tiếp tế tăng viện đều phụ thuộc vào các chuyến vận chuyển từ các căn cứ ở đồng bằng lên. Đại tướng chủ động thay đổi kế hoạch, chuyển sang dùng binh lực vừa và nhỏ, dùng phục kích là chủ yếu, đánh mạnh vào đường vận chuyển tiếp tế của địch trên bộ và trên sông. Do vậy, địch không chịu nổi cách điểm hiểm của ta nên đành phải lui quân và chiến dịch phản công của ta kết thúc thắng lợi. Rõ ràng là trước tình hình chiến sự hết sức khẩn trương nhưng Tổng Tư lệnh đã bình tĩnh, kịp thời đánh giá cục diện chiến trường một cách nhạy bén, sắc sảo để từ đó dũng cảm sửa chữa sai lầm, thay đổi cách đánh cho phù hợp, nên đã lật ngược thế cờ, giành phần thắng. Có thể nói, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẳng định bản lĩnh cầm quân của mình ngay từ chiến dịch đầu tiên này.

Cũng trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức coi trọng chiến tranh du kích. Qua chỉ đạo chiến trường, Đại tướng đã sớm phát hiện và nghiên cứu khả năng hoạt động thực tế của một đại đội trụ lại được trong lòng địch ở nam phần Bắc Ninh, (đó là trong đợt chiến đấu mùa đông năm 1947, một đại đội của tiểu đoàn Thiên Đức mất liên lạc nên không cùng tiểu đoàn rút ra ngoài sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Đại đội đã hoà vào trong dân cùng lực lượng vũ trang địa phương nam phần Bắc Ninh hoạt động du kích và trụ lại dài ngày trong vùng sau lưng địch. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã xuống nghiên cứu và rút ra những vấn đề cơ bản về hoạt động của đại đội này để vận dụng và tổ chức đại đội độc lập từ đó) nên đã cùng Quân uỷ đề nghị với Trung ương cho phân tán một phần ba Vệ quốc đoàn thành các đại đội độc lập luồn sâu vào vùng tạm chiếm, thực hiện “cuộc phản công chiến lược mềm” trong vùng sau lưng địch; trong khi hai phần ba lực lượng còn lại tổ chức thành các tiểu đoàn tập trung của bộ đội chủ lực để đánh địch ở mặt trận phía trước. Có thể nói, bằng sự tinh tế, nhạy bén của người Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng thay đổi cơ cấu tổ chức của Vệ quốc đoàn bằng cách phân tán một phần ba bộ đội chủ lực để thực hiện phương châm đại đội độc lập - tiểu đoàn tập trung là một chủ trương chiến lược hết sức độc đáo táo bạo, là cách dùng binh độc đáo của Việt Nam - một cách dùng binh sáng tạo, có hiệu quả và mang đậm dấu ấn Võ Nguyên Giáp. Điều đó chứng tỏ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy của chiến tranh du kích.

Bên cạnh đó, trong các chiến dịch lớn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Tư lệnh là quyết tâm tiêu diệt sinh lực địch nhưng không phải giành thắng lợi với bất kỳ giá nào. Qua thực tiễn chiến trường, Đại tướng thường chọn các phương án bảo đảm chắc thắng nhất. Ở chiến dịch Biên Giới năm 1950, lúc đầu ta chủ trương đột phá Cao Bằng. Nhưng sau khi Đại tướng trinh sát thực địa, đánh giá tình hình và cho rằng ở đây quân địch rất đông, phòng ngự mạnh, địa hình có sông ngăn cách không thuận lợi cho tiến công. Từ đó để đảm bảo chắc thắng và tiết kiệm xương máu của chiến sĩ, Đại tướng đã quyết đoán đề nghị chuyển sang đột phá Đông Khê và đã được Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Đại tướng đã chỉ huy bộ đội thực hiện “vận động chiến” và mưu kế “đánh điểm - diệt viện”. Quân ta kiên cường chiến đấu và đã giành chiến thắng lớn ở Đông Khê. Ở chiến dịch Hoà Bình, Đại tướng đã sáng tạo trong cách đánh phối hợp giữa mặt trận phía trước và vùng sau lưng địch, quyết tâm nhanh chóng chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch truy kích trong chiến dịch Sầm Nưa (Thượng Lào); Ở Đông Xuân 1953-1954, mưu kế của Đại tướng được thể hiện rất tài tình, đã thành công trong việc phân tán lực lượng cơ động của địch và đánh địch trên khắp chiến trường Đông Dương bằng các biện pháp nghi binh, lừa địch mà chính tướng Nava cũng phải thú nhận rằng có đến hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường. Đến khi ta tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động của địch không thể tập trung lớn để đối phó được nữa.

Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Trao cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua, vì thua là hết vốn”. Được Đảng và Bác Hồ tin tưởng, Đại tướng đã quyết đoán thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chính từ phương châm cách đánh đó đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, buộc tướng Đơ Castrie cùng một vạn sáu nghìn quân tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng vô điều kiện; đồng thời buộc Chính phủ Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ 1954 thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương. Chiến thắng này đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của thế giới thứ ba.

Theo Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghệ thuật quân sự”: Với nhãn quan của một vị thánh hiền, Bác Hồ đã chọn ông làm người chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy tối cao của quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông vừa là người cùng với Bộ thống soái đề ra những quyết sách chiến lược, vừa là người trực tiếp chỉ huy thực hiện các quyết sách đó. Ở vào mỗi thời điểm cực kỳ khó khăn và hệ trọng đối với vận mệnh của đất nước, Đại tướng luôn thể hiện xuất sắc bản lĩnh cách mạng, tinh thần trách nhiệm, đưa ra những quyết sách chiến lược rất đúng đắn và chính xác. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, tài năng của ông ngày càng được bộc lộ và phát huy, đã đóng góp rất lớn cho nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, trước đối tượng tác chiến là quân đội của một đế quốc lắm tiền nhiều súng và trên cơ sở kinh nghiệm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đã đào tạo nên một đội ngũ tướng lĩnh và một quân đội trưởng thành từ thực tế chiến đấu. Riêng đối với đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua những thử thách của cuộc kháng chiến chống Pháp, đã tôi luyện thêm bản lĩnh cầm quân để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ với một tư thế khác xa so với những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Khi nhân dân ta mới giành được độc lập, tự do ở miền Bắc, thì ở miền Nam, đế quốc Mĩ và bè lũ Ngô Đình Diệm lật lọng không chịu thi hành Hiệp định Giơnevơ, đưa quân vào xâm chiến miền Nam Việt Nam, âm mưu thôn tính cả Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một trong những thành viên chủ chốt tham gia giúp Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng: “Chuyển đấu tranh chính trị ở miền Nam sang chiến tranh cách mạng trên chiến trường”. Đây là một nghị quyết lịch sử đi vào lòng dân cả nước nhanh nhất, mạnh nhất.

Là người từng hiểu rõ tầm quan trọng có tính chiến lược quyết định của công cuộc chi viện sức người, sức của cho các chiến dịch lớn, đặc biệt là từ bài học kinh nghiệm của chiến dịch Điện Biên Phủ; chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết 15 của Trung ương, Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẩn trương chỉ đạo chuyển đổi phương thức chiến tranh ở các chiến trường. Mặt khác, nhanh chóng chỉ đạo tổ chức đường chi viện chiến lược của miền Bắc cho miền Nam và hai nước bạn, cả trên bộ và trên biển.

Về đường chi viện trên bộ, Đại tướng đã chỉ đạo đánh địch giải phóng sườn Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, Campuchia, mở tuyến chi viện chiến lược xuyên Trường Sơn. Kiên quyết thực hiện phương châm “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, biến tuyến chi viện chiến lược thành một chiến trường trọng yếu, một căn cứ chiến lược vững chắc, một lực lượng dự bị tại chỗ nhằm đánh bại chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mĩ, đáp ứng kịp thời yêu cầu chi viện ngày càng tăng cho cả ba nước Đông Dương. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo đó, bộ đội Trường Sơn đã vượt qua những chặng đường cực kỳ khó khăn và đã lập công xuất sắc.

Năm 1967, thế trận, binh lực, nghệ thuật chỉ huy tuyến chi viện chiến lược đã có bước phát triển mới. Kế hoạch vận chuyển cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của các chiến trường, tạo điều kiện cho ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, buộc Lầu năm góc phải xuống thang chiếỏNtanh phá hoại miền Bắc, mở hội nghị đàm phán với ta ở Pari. Sau Tết Mậu Thân, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo các chiến trường đối phó có hiệu quả với các cuộc phản công, tấn công của Mĩ, ngụy, giữ vững và phát triển lực lượng.

Khi đế quốc Mĩ đưa quân vào miền Nam đẩy mạnh “chiến tranh cục bộ”, để đánh bại quân Mĩ có thực lực quân sự mạnh, từ thực tiễn chiến trường, bộ đội Tây Nguyên đã đề ra chiến thuật “chốt kết hợp với vận động”. Khi đem chiến thuật này ra Bắc báo cáo đã được Đại tướng sửa lại là “Vận động tiến công kết hợp chốt”, thể hiện tinh thần tiến công mạnh mẽ. Nhờ đó, mùa đông năm 1967, trong chiến dịch Đắc Tô 1, bộ đội Tây Nguyên đã thành công và hoàn thiện chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt”, mở ra khả năng mới đánh tiêu diệt những đơn vị quan trọng của Mỹ trên chiến trường. Lần đầu tiên ở Tây Nguyên, bộ đội ta đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn cơ động chiến lược dù 173 của Mĩ, làm cho quân Mĩ bị choáng váng, chùn bước tiến vào căn cứ của ta.

Cuối năm 1970, khi vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đại tướng đã dự đoán Mĩ đang tìm cách để rút lui trong danh dự, chuyển sang “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước khi rút, Mĩ muốn trấn an ngụy quân, ngụy quyền bằng biện pháp chặn đứng tuyến chi viện miền Bắc cho miền Nam. Hướng tấn công chủ yếu của chúng có thể là Ðường 9 - Nam Lào, với âm mưu rải bộ binh đóng chốt dày đặc để ngăn chặn chi viện của ta. Ðại tướng nói: “Nếu điều đó xảy ra là trúng kế “dĩ độc trị độc”, ắt dẫn đến sự phá sản của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng như xóa sổ vĩnh viễn cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng bộ binh của chúng”. Ðiều đó là hiện thực, bởi lẽ tại Ðường 9, ta sẵn có lực lượng tại chỗ mạnh là bộ đội Trường Sơn, đồng thời sẵn sàng có bộ đội tập trung cơ động của Bộ Quốc phòng. Đầu năm 1971, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào diễn ra và kết thúc đúng như dự đoán của Đại tướng.

Giữa năm 1972, khi các chiến dịch Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mở ra, Đại tướng sớm dự đoán: Mĩ có thể quay trở lại đánh phá miền Bắc bằng không quân. Ông cũng dự đoán địch sẽ tập kích bằng B52 vào thủ đô Hà Nội để ép ta phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán ở Pari. Từ dự kiến đó, ông đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Quân chủng Phòng không Không quân lập phương án tác chiến, huấn luyện bộ đội và dân quân tự vệ chuẩn bị về mọi mặt để đối phó và tiêu diệt chúng. Khi Mĩ mở cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B52 vào thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm, Đại tướng đã theo dõi chỉ đạo lực lượng phòng không không quân chiến đấu làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, cùng với thắng lợi trên các chiến trường, buộc đế quốc Mĩ phải cuốn cờ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Sau Hiệp định Pari được ký kết, một cục diện mới xuất hiện, thời cơ giải phóng miền Nam đã đến gần. Để có những quả đấm cực mạnh về quân sự nhằm hạ gục quân ngụy quyền Sài Gòn, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Đại tướng đã chỉ đạo thành lập các quân đoàn chủ lực cơ động. Từ đó, bốn quân đoàn lần lượt ra đời, kịp đón thời cơ để thực hiện những đòn chiến lược quyết định.

Khi chiến cục Đông Xuân 1975 bước vào giai đoạn quyết định, thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng và Bộ Chính trị thực hiện quyết tâm là giải phóng miền Nam trong năm 1975 và 1976, trước hết là giải phóng Tây Nguyên.

Theo Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975”: Ngày 9 tháng 1 năm 1975, Thường trực Quân uỷ Trung ương triển khai quyết định chiến lược của Bộ Chính trị: “Chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên” và là nơi mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

Sự lựa chọn này xuất phát từ phương châm tác chiến của vị chỉ huy thiên tài - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau. Từ phương châm đó, Đại tướng đã lập mưu cài thế: Mưu kế chiến lược của Đại tướng là bày ra một hình thế dàn trận chiến lược - bày binh bố trận nhằm ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên. Đại tướng đưa Quân đoàn 4 vào Bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Huế. Hai Quân đoàn này đứng đó, buộc địch phải đưa sư đoàn lính dù và sư đoàn lính thuỷ đánh bộ - tổng dự bị chiến lược ra để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, có như vậy địch mới sơ hở Tây Nguyên.

Đại tướng chọn Tây Nguyên làm mục tiêu chủ yếu vì đây là nơi có dung lượng lớn, nơi địa hình vừa có núi vừa có cao nguyên, lại là ở trên đường chiến lược Hồ Chí Minh. Ở Tây nguyên, Đại tướng chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá là rất chính xác, là một nơi điểm huyệt. Sở dĩ chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá mở đầu vì Pleiku và Kon Tum địch còn tương đối mạnh và thường xuyên phòng bị. Còn Buôn Ma Thuột là nơi địch sơ hở hơn và ít quân hơn, mà chủ yếu là hậu cứ của địch. Điểm trúng cái huyệt đó thì toàn bộ Tây Nguyên và ven biển miền Nam Trung Bộ sẽ rung chuyển. Đó cũng là điểm cốt lõi trong phương châm tác chiến chiến lược: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”.

Để tạo cho Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột mọi điều kiện giành chiến thắng một cách chắc chắn, Đại tướng tăng cho Tây Nguyên 2 sư đoàn. Tây Nguyên từ đó có tới 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập… Thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên 2 sư đoàn chính là cái nút của cuộc chiến tranh.

Với lực lượng hùng hậu, ta lại có mưu kế nghi binh lừa địch. Địch phán đoán ta đánh Pleiku và Kon Tum nên từ đó điều được địch trở về Pleiku và Kon Tum. Địch mắc vào kế của ta, càng làm cho Buôn Ma Thuột bị sơ hở. Cũnh chính vì lẽ đó nên khi quân ta tiến đánh Buôn Ma Thuột giành thắng lợi đã tạo ra sự đột biến về chiến dịch. Đúng như lời tiên đoán của Đại tướng “Nếu bị thua đau ở Tây Nguyên thì chúng có thể về củng cố đồng bằng”. Từ chiến thắng Tây Nguyên đã tạo thế cho các chiến dịch gối đầu Trị Thiên - Đà Nẵng được mở ra nhanh chóng, giành được những thắng lợi liên tiếp.

Hai đòn chiến lược gối đầu nhau là Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng diễn ra liên tiếp, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu một nửa lực lượng địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ Quảng Trị đến Khánh Hoà, tạo ra một đột biến về chiến tranh, làm nên một cục diện mới về chiến tranh khiến địch hoang mang, hoảng loạn thực hiện cuộc rút chạy và chỉ còn hơi sức tàn để giữ Sài Gòn. Ngay khi giải phóng Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ, ngày 29 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Đây là một quyết định sáng suốt, rất triệt để của cách mạng theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là: đánh cho Mĩ cút, đánh cho nguỵ nhào. Nắm chắc thời cơ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Và trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và với nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tài giỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra phương châm tác chiến chiến lược: cài thế - tạo lực - nắm bắt thời cơ, sử dụng nghệ thuật mưu kế trên nền tảng chiến tranh nhân dân và thế trận lòng dân; phát triển tiến công táo bạo và thần tốc, đánh địch bất ngờ và liên tục, nên cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Và một điều đáng quan tâm trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 đó là Sài Gòn được giải phóng, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn. Đây là một nét độc đáo về nghệ thuật kết thúc chiến tranh. Nhìn lại cách đánh “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện biên Phủ trước kia và cách đánh “đại thần tốc và táo bạo” trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975 mới thấy đầy đủ tài thao lược lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tổ chức quân đội cũng như cách cầm quân.

Khi nói đến tài thao lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tá Nguyễn Vượng trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam” đã viết: Trong nhiều giai đoạn cách mạng như cách mạng tháng Tám và suốt ba mươi năm kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, bất kỳ bước ngoặt lịch sử nào… đặc điểm của phong cách chỉ đạo và chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là hết sức cẩn trọng, xuất phát từ thực tiễn chiến trường, dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, táo bạo nhưng không tuỳ tiện, đánh chắc thắng; giành thắng lợi lớn nhất đi đôi với với hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất xương máu của chiến sĩ. Đại tướng luôn luôn ý thức được rằng: Người chỉ huy các cấp, nhất là Tổng Tư lệnh, phải có trách nhiệm với từng vết thương, từng giọt máu của mỗi chiến binh. Đó cũng là tính nhân văn cao cả của Đại tướng. Với Đại tướng, tư tưởng chiến lược chung của chiến tranh cách mạng (chiến tranh giải phóng dân tộc) là tiến công và tiến công liên tục, mãnh liệt nhưng không loại trừ tác chiến phòng ngự trong từng trận chiến đấu hoặc chiến dịch cụ thể.

Bản lĩnh chính trị và tấm gương đạo đức cách mạng

Theo Đại tá Trần Trọng Trung trong bài “Bản lĩnh người cầm quân”: Như định nghĩa của Bách khoa toàn thư của Pháp (xuất bản năm 1987), trong “Võ Nguyên Giáp” - “Nhà chính trị đi trước nhà quân sự”, ta có thể hiểu đó là cách nói Võ Nguyên Giáp đã thấm nhuần sâu sắc và vận dụng nhuần nhuyễn một quan điểm cơ bản của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, nhân dân và quân đội, người và súng, tinh thần chiến đấu và trang bị kỹ thuật. Ngay từ những ngày đầu Võ Nguyên Giáp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh mùa hè năm 1940, Cụ Hồ đã nhấn mạnh quan điểm người trước - súng sau. Suốt những năm tháng trèo đèo lội suối để đem ánh sáng cách mạng đến cho bà con vùng cao Cao Bằng - quá trình vận động chính trị quần chúng mà Cụ Hồ gọi là “nhóm lửa” đến khi sứ mệnh cầm quân thì yếu tố nhân dân đã “bám rễ” trong tư duy quân sự cách mạng của Võ Nguyên Giáp. Khi giao nhiệm vụ, Cụ Hồ lại dặn: “Dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được”. Lời dạy đó càng củng cố thêm bản lĩnh chính trị của nhà quân sự Võ Nguyên Giáp. Quá trình điều hành quân đội trong khởi nghĩa và chiến tranh cũng là quá trình Võ Nguyên Giáp nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, về mối quan hệ giữa hoạt động quân sự với mục đích chính của Đảng, về mối quan hệ cá - nước giữa lực lượng vũ trang với quần chúng nhân dân.

Bên cạnh yếu tố có tính chất quyết định là sự lãnh đạo và giáo dục chung của Đảng và của các đoàn thể trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, việc quan tâm chỉ đạo của Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Quân uỷ Trung ương Võ Nguyên Giáp đối với các tổ chức Đảng và hệ thống công tác chính trị trong quân đội có ý nghĩa rất quan trọng để giữ vững kỷ luật, duy trì và củng cố mối quân - dân đoàn kết giết giặc cứu nước. Điều đó lý giải vì sao trong khởi nghĩa vũ trang cũng như trong chiến tranh cách mạng, trong tác chiến cũng như trong xây dựng lực lượng, ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, thời bình cũng như thời chiến, Bộ đội Cụ Hồ dưới quyền chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn luôn gắn bó với nhân dân, được nhân dân hết lòng cưu mang đùm bọc. Thành công của Võ Nguyên Giáp trong suốt hơn 30 năm cầm quân là thành công của một vị tướng luôn quan tâm giáo dục cho lực lượng vũ trang thấm nhuần chân lý mà cụ Hồ đã dạy: Yếu tố chính trị quần chúng là điều kiện không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động quân sự nào của quân đội cách mạng, quân đội nhân dân.

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn đinh ninh lời dạy ban đầu của Hồ Chí Minh: “Dĩ công vi thượng”, cùng với ý thức luôn biết đặt cái chung lên trên hết. Đó là luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên hàng đầu. Do vậy, quan điểm xuyên suốt của Võ Nguyên Giáp là trên từng chặng đường chiến đấu giải phóng dân tộc, mọi thắng lợi - dù là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng hay thắng lợi của một trận chiến đấu cụ thể đều là công lao của tập thể, của toàn quân và toàn dân. Trong đó, có yếu tố lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, những quan điểm của Đại tướng về quần chúng đã làm nên lịch sử là rõ ràng, minh bạch. Khi nói đến một chiến công, đại tướng không quên các tướng lĩnh thuộc quyền, không quên các chiến sĩ trực tiếp đối mặt với quân thù ở phía trước, đặt biệt là những người lập công xuất sắc. Ông rất ít nói đến bản thân mình. Ông có tác phong quần chúng, gần gũi và chan hoà với cán bộ, chiến sĩ. Ông là người rất quyết đoán nhưng cũng rất gương mẫu thực hiện nguyên tắc dân chủ trong quân đội.

Là Bí thư Quân uỷ Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đoàn kết và tập hợp được sức mạnh toàn quân. Đại tướng đã học được ở Bác Hồ bài học về phát hiện, quý trọng và sử dụng nhân tài. Những lời hiệu triệu, những lời kêu gọi, những mệnh lệnh của Đại tướng đưa ra thấm sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ như hồi trống trận, như tiếng kèn xung phong thôi thúc toàn quân suốt những năm tháng kháng chiến cho đến ngày toàn thắng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Về lý luận chính trị, Đại tướng có nhãn quan chiến lược sâu rộng, trí tuệ uyên bác, tư duy sáng tạo lớn, luôn luôn tìm đến cái mới. Tuy bộn bề trong công việc chỉ đạo và chỉ huy, nhưng đại tướng vẫn viết được một loạt tác phẩm sắc sảo về đường lối, tư tưởng và nghệ thuật quân sự, góp phần to lớn vào công tác lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân uỷ Trung ương. Những tác phẩm của Đại tướng được mọi thế hệ cán bộ trong quân đội xem như loại sách gối đầu giường, để phục vụ cho hoạt động quân sự - quốc phòng.

Có thể nói, cùng với tài thao lược quân sự, chính trị, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỉ XX, thế kỉ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Đại tướng tham dự vào thế kỉ này như một con người “làm nên lịch sử” theo cả nghĩa là một nhân vật của lịch sử và một người viết sử. Bởi Đại tướng vừa là một nhà hoạt động chính trị rồi trở thành một vị tướng hàng đầu trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Đại tướng lại cũng từ một thầy giáo dạy sử rồi trở thành một nhà tổng kết lịch sử hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam.

Những tác phẩm tổng kết lịch sử bao gồm cả những công trình lý luận tầm cao cũng như một bộ hồi ức vô cùng phong phú mà Đại tướng đã viết sẽ còn là một di sản quý giá mà giới sử học được thừa hưởng. Mặt khác, Đại tướng đã và sẽ còn là một đối tượng cho giới sử học nghiên cứu. Võ Nguyên Giáp đã được nhiều tác giả nước ngoài viết như một sự khám phá không chỉ về một con người mà còn là của cả một dân tộc gắn với một thời đại.

Có mặt ở Điện Biên Phủ những ngày gian khổ đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị Tổng Tư lệnh, đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà viết thư gửi chiến sĩ với những lời thân mật như anh em, quả là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước”. Cố Thượng tượng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, nói: “Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính uỷ của các Chính uỷ”, “là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.

Khi đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người nước ngoài thường so sánh Ông với những nhân vật lớn trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là lịch sử chiến tranh.

Theo nhà sử học quân sự Mĩ Xexin Cari nhận xét: “…Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ tư thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, từ buổi đầu mà trong tay chưa có quân vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và Mĩ (một trong hai siêu cường thế giới) dù Mĩ đã ném vào trong đó nguồn nhân vật lực và kỹ thuật to lớn trong thời gian dài. Rồi Ông tiếp tục theo dõi trận chiến nhằm vào dân Nam Việt Nam từ Campuchia và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Trong hơn 30 năm từ con số không, Ông đã xây dựng một bộ máy chiến tranh nông dân bách thắng và ông đã làm điều đó ở một nước nghèo. Ông là động lực đằng sau mọi thắng lợi. Thành tích của Ông là vô song và kết quả Ông thu được là phi thường. Đó chính là thiên tài quân sự.

Đại tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh, đã từng đến Hà Nội và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp, Peter Mac Donald cũng từng phỏng vấn các tướng Bigeard và Westmoreland, trong công trình nghiên cứu của mình “Giáp - Hai cuộc chiến tranh Đông Dương”, viết: “Từ năm 1944 đến 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những vị thống soái lớn của mọi thời đại… Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh”.

Tháng 11 năm 1998, John Kennedy (con trai cố Tổng thống Mĩ Kennedy) cho đăng trên Tạp chí George cuộc phỏng vấn của ông J.Kennedy hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ai là vị tướng người Việt Nam giỏi nhất?” Không một phút suy nghĩ, ông trả lời ngay: “Nhân dân Việt Nam”, J.Kennedy rất bất ngờ và thú vị.

Tháng 2 năm 1989, Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ tiếp kiến Thống chế Méhra - người thống lĩnh chỉ huy lực lượng không quân và các lực lượng phòng không toàn Ấn Độ. Thống chế Méhra không ngớt lời ca ngợi ông là một vị tướng huyền thoại. Võ Nguyên Giáp cảm ơn và đáp: “Nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nhân dân và Quân đội anh hùng, tướng lĩnh chúng ta dù tài giỏi đến đâu, cũng không thể làm nên công trạng, thành tích”. Ông được mệnh danh là vị “Tướng của Hòa bình”.

Trong cuộc gặp và nói chuyện với nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mĩ Mac Na-ma-ra tại nhà khách Chính phủ (Hà Nội) ngày 23 tháng 6 năm 1967, một người trong đoàn phía Mĩ hỏi: “Thưa ông, ai là vị tướng giỏi của Việt Nam”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Vị tướng giỏi nhất Việt Nam là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.

Để kết thúc bài viết này, xin trích đoạn viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài “Mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại thọ 95 tuổi” của nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu để chiến thắng những tên đế quốc thực dân giàu về kinh tế, mạnh về quân sự, tiên tiến về khoa học kỹ thuật thì điều có ý nghĩa quyết định là đảng ta phải đề ra một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, hợp quy luật, huy động sức mạnh, trí tuệ của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống kẻ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân. Học thuyết đó kế thừa, phát triển bài học kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm của ông cha ta: Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo; lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều. Học thuyết đó được xây dựng trên nền văn hoá độc đáo Việt Nam: Độc lập tự chủ mà hạt nhân là tinh thần yêu nước nồng nàn, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng với trí thông minh, tài thao lược của cả dân tộc”.



Nguyễn Đăng Tuấn biên tập từ sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam” do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2010.

tải về 87.19 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương