ĐẠi tưỚng võ nguyên giáp tổng tư LỆnh các lực lưỢng vũ trang nhân dân việt nam



tải về 59.73 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích59.73 Kb.
#12946
ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP - TỔNG TƯ LỆNH

CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN VIỆT NAM

(25/08/1911-4/10/2013)

VĨNH NGUYÊN

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế

“Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Giáp”.

Đó là cụm từ riêng đặc biệt được gắn liền để thốt lên trong lòng bạn bè khắp bốn biển năm châu khi họ nghĩ về Việt Nam, yêu mến Việt Nam sau chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ (7/5/1954).

Nhân dân Việt Nam chiến thắng thực dân Pháp xâm lược mà Điện Biên Phủ là sào huyệt cuối cùng để kết thúc số phận của chúng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta là Tổng Tư lệnh mặt trận.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiến thắng mùa xuân 1975, quân Mĩ rút khỏi miền Nam, Việt Nam thống nhất, non sông quy về một mối. Đất nước Việt Nam rạng rỡ trên chính trường quốc tế, uy danh vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp càng gấp bội.

Kỷ niệm 63 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, báo Tuổi Trẻ ngày 22/12/2007, trong bài viết “Tôi trở thành quân nhân như thế nào”, viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đăng bài trả lời nhà báo Pháp Daniel Roussel: “…Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 1940 (lúc ấy Võ Nguyên Giáp 29 tuổi - VN), chính ở đó, một hôm Người đã đề nghị tôi nghiên cứu về vấn đề quân sự. Tôi đã trả lời Bác là tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm”.

Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 ở quê làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thân sinh ông là cụ Võ Quang Nghiêm, một nhà nho dòng dõi khoa bảng, đã dạy con tinh thần yêu nước thương nòi từ rất sớm.

Vào khoảng năm 1946-1947, ở Huế, thực dân Pháp bắt được cụ. Chúng tra tấn dã man và giam vào nhà lao Thừa Phủ. Tên mật thám Pháp mắng cụ: “Không biết dạy con để con chống lại quân đội Pháp hùng mạnh…”. Cụ cười ngạo vuốt râu trả lời: “Tôi đẻ con ra chưa kịp dạy con đã bỏ nhà đi làm cách mạng. Chừ tôi có muốn dạy con thì còn mô mà dạy. Vậy tôi nhờ quân đội Pháp hùng mạnh đi bắt con tôi về đây để tôi dạy thử coi con tôi có chịu nghe không?”.

Câu “chửi chữ” của một nhà nho thâm thuý và bất khuất, chửi ngay giữa lúc cái sống cái chết của cụ nằm trong tay nó. Chúng đem thủ tiêu cụ và bí mật đem chôn cụ cùng các nhà hoạt động cách mạng khác. Mãi sau này bà con dòng họ mới tìm được hài cốt cụ và đưa về cát táng ở nghĩa trang liệt sĩ xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Lúc nhỏ, Võ Nguyên Giáp cắp sách học ở trường làng, ông còn được cha dạy thêm chữ ở nhà.

Năm 13 tuổi, vào học Trường Quốc học Huế. Sau đó ra Hà Nội học khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp. Ông đỗ bằng cử nhân Luật và Kinh tế chính trị học vào loại ưu năm 1937.

Năm 1925, mới 14 tuổi, ông đã bắt đầu hoạt động cách mạng.

Năm 1929, ông tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt giữ vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Cuối cùng chúng cũng phải thả ông ra. Ông lại hoạt động trên mặt trận văn hoá, viết bài cho các báo công khai hồi đó: Tin tức, Nhân dân, Tiếng nói của chúng ta, Lao động. Ông còn làm biên tập viên cho các báo của Đảng. Ông dạy sử và địa ở Trường Tư thục Thăng Long.

Những năm dạy học ấy, nhiều ngày nghỉ hoặc chủ nhật, ông thường ra Ô Cầu Giấy để ôn lại khí thế hào hùng chống Pháp của quân dân ta, nhất là một người con đồng hương Quảng Bình mà ông rất kính trọng, đó là Phò mã Hoàng Kế Viêm. Nơi đây, thành Hà Nội thất thủ lần đầu, Nguyễn Tri Phương trong chiến đấu giữ thành bị thương nặng quyết tuyệt thực chết chứ không chịu đầu hàng giặc. Hoàng Kế Viêm đứng về phía văn thân chủ chiến kháng lệnh vua chiến đấu đến cùng đem quân bao vây thành Hà Nội, mai phục trận địa Ô Cầu Giấy. Trận chiến xảy ra ác liệt. Thiếu tá Francis Garnière đem 200 quân tiến đánh dẫn đến chỗ Hoàng Kế Viêm mai phục. Trận đánh xáp lá cà, Lưu Vĩnh Phúc xông lên chém rơi đầu F. Garnière tại chỗ. Theo Hòa ước Giáp Tuất 1874, Pháp trả thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu trấn giữ. Mười năm sau, thành Hà Nội thất thủ lần hai, Hoàng Diệu treo mình tử tiết theo thành. Đạo quân Sơn Tây (Hoàng Kế Viêm) và cánh quân Trương Quang Đản chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn, bèn lập mưu cho quân vào thành dán yết thị thách thức Henri Rivière (Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ) mang quân ra phủ Hoài Đức. Henri phải xin lệnh Thống đốc ở Sài Gòn. Bốn giờ sáng ngày 19 tháng 5 năm 1883, H. Rivière chỉ huy 500 quân lặng lẽ theo đường Tràng Thi kéo về Phủ Hoài. Chúng lại sập bẫy ổ phục kích ở Hạ Yên Quyết của Hoàng Kế Viêm. Cánh quân Tiền Thôn nổi còi lệnh xung phong, H. Rivière rụng đầu khi mới 7 giờ sáng! Tài! Hoàng Kế Viêm thật tài!

Mối tình đầu của Đại tướng là một thiên diễm tình đầy lãng mạn và cảm động. Ông gặp bà Nguyễn Thị Quang Thái trên một chuyến tàu và nên duyên. Như một trực cảm mạnh mẽ của số phận người cách mạng, Quang Thái chính là em ruột của Nguyễn Thị Minh Khai, một gia đình có truyền thống cách mạng ở Vinh. Mới có với nhau một đứa con gái, bé Võ Hồng Anh, đang bế ẵm ngửa đã phải gửi cho gia đình bên bà nội để hoạt động cách mạng. Quang Thái bị bắt, bị tù 16 năm và mất trong Hoả Lò, Hà Nội năm 1944 khi bà mới tròn 30 tuổi.

Võ Nguyên Giáp về Pắc Bó, Cao Bằng tháng 5 năm 1941 theo công việc bộn bề. Đến ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Châu Nguyên Bình, Hồ Chí Minh uỷ nhiệm ông đứng ra tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) mà ông trực tiếp chỉ huy.

Công việc bận rộn. Bao nhiêu thư từ, tin nhắn ông gửi đến vợ con, nhưng ông đâu biết, người vợ, người đồng chí thân yêu đã mất.

Tháng 3 năm 1945, ông đưa Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiến xuống phía Nam, hội quân với Đội Cứu quốc quân của Chu Văn Tấn ở vùng Chợ Chu để thống nhất tổ chức thành Việt Nam Giải phóng quân.

Tháng 8 năm 1945, ông được cử làm uỷ viên Uỷ ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Tổng chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân và uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông tham gia Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền lâm thời.

Tháng 1 năm 1946, ông được cử làm Chủ tịch Quân sự trong Chính phủ Liên hiệp và làm Phó trưởng đoàn trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Pháp ở Đà Lạt. Cũng trong năm này, ông kết duyên với bà Đặng Bích Hà (con cố giáo sư Đặng Thai Mai), phó giáo sư sử học.

Ngày 20 tháng 1 năm 1948, sau khi quân và dân ta đánh bại cuộc tiến quân lớn của quân viễn chinh xâm lược Pháp vào căn cứ địa Việt Bắc do đại tướng Valluy làm tổng chỉ huy, Trung ương Đảng và Chính phủ lần đầu tiên phong quân hàm cho một số lãnh đạo và chỉ huy quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng (Sắc lệnh số 110).

Tháng 6 năm 1950, Nghị quyết Thường vụ Trung ương Đảng chấn chỉnh tổ chức thành Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh - Tổng Chính uỷ - Bí thư Quân uỷ Trung ương. Ông liên tục đảm nhiệm những chức vụ trên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (1945-1975). Ông còn là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII.

Ngày 28 tháng 8 năm 1949, thành lập Đại đoàn 308.

Tháng 3 năm 1950, thành lập Đại đoàn 304. Tiếp đó thành lập các Đại đoàn 312, 320, 316, 325…

Năm 1950-1951, thành lập Đại đoàn Pháo binh 351.

Bước vào năm 1954, quyết định chiến dịch Điện Biên Phủ thành lập Sư đoàn Phòng không 367, phát triển thành Quân chủng Phòng không Không quân hiện đại kịp tiếp ứng cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mĩ ngày 5/8/1964.

Các quân đoàn chủ lực được tổ chức sớm. Có quân đoàn vừa tác chiến vừa tổ chức để hình thành hai cánh cung chiến lược phía Tây và phía Đông đánh vào Sài Gòn (4/1975) với mật lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa - táo bạo, táo bạo hơn nữa / Văn/ 7/4/1975”.

Ông là nhà thao lược chỉ đạo tác chiến chiến lược đúng đắn, phá tan ba kế hoạch chiến lược đầy tham vọng của quân Pháp.

- Kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” của Leclerc Valluy.

- Chiến lược bình định “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của Revers (1949-1950).

- Chiến lược “Tăng cường bình định đồng bằng và trung du, kết hợp tấn công bằng các binh đoàn mạnh nhằm chia cắt chiến lược hậu phương ta, giành quyền chủ động” của De Lattre de Tassigny (1950-1953) vùng Hoà Bình.

Đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, chính phủ Pháp liền đưa tướng Henri Navarre từng chiến thắng chiến trường Bắc Phi sang thay De Lattre. Song kế hoạch Navarre thất thủ ở cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castri bị bắt sống, buộc Pháp phải ký hiệp định đình chiến ở Genève, công nhận nền độc lập của ba nước Đông Dương (Việt - Miên - Lào).

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), 7 tướng sừng sỏ của Pháp luân phiên thất bại trước vị tướng trẻ 43 tuổi của Việt Nam - Võ Nguyên Giáp.

Bảy tướng ấy là: 1. Leclerc; 2. Valluy; 3. Blaigot; 4. Carpentier; 5. De Lattre de Tassigny; 6. Raoul Salan và 7. Henri Navarre.

Tiếp tục cuộc kháng chiến 21 năm của toàn quân và dân ta giải phóng miền Nam do tướng Giáp chỉ huy đã đánh bại 5 loại hình chiến tranh của chúng và làm 4 tướng Mĩ có tên tuổi phải bỏ cuộc. Tướng cuối cùng là Owen phải ngậm ngùi cuốn cờ trở về Mĩ. Bốn tướng ấy là: 1. Harkin; 2. Westmorland; 3. Abraham và 4. Owen.

Một số chiến dịch chỉ đạo tác chiến hữu hiệu:

- Chiến dịch Biên giới (9-10/1950) “Đánh điểm diệt viện”. Tiêu diệt hoàn toàn hai binh đoàn lê dương Lepage và Charton trong “Kế hoạch Revers”, giải phóng đường số 4. Buộc quân Pháp kéo lên Đông Khê. Với phương châm “Sức dùng một nửa, công được gấp đôi”, Cao Bằng, Lạng Sơn ta không đánh mà địch phải rút chạy.

- Chiến dịch Hoà Bình (12/1951-2/1952): Tướng Pháp De Tassigny đem chủ lực chiếm giữ Hoà Bình nhằm chia cắt chiến trường Bắc Bộ. Tướng Giáp cùng 3 Sư đoàn 308, 312, 304 bao vây tiêu diệt chủ lực địch. Sư đoàn 316 đánh vào trung du, Sư đoàn 320 đánh xuống đồng bằng Thái Bình, Hà Nam Ninh. Chiến lược của De Tassigny bị phá sản.

- Chiến dịch Điện Biên Phủ: Phương châm “Bao vây đánh nhanh giải quyết nhanh”.

Đại tướng đi kiểm tra thấy tình hình địch tăng cường lực lượng mạnh hơn, hệ thống phòng ngự củng cố vững chắc nên đi đến quyết định “hoãn thời gian nổ súng, kéo pháo ra, cho bộ đội lui về phía sau, chuẩn bị lại kỹ càng và đầy đủ mọi mặt”.

Quyết định được báo cáo lên Bác. Bác đồng ý, chuyển sang chiến lược “Tiến chắc, đánh chắc”.

Trong 55 ngày đêm của chiến dịch, ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Việc kéo pháo ra đã trở thành học thuyết quân sự cho những vị tướng cầm quân trên thế giới.

- Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975):

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lên Bộ Chính trị: “Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị đồng ý.

Đại tướng phân tích và đề đạt:

“…Không cần đợi giải quyết xong Huế mới bắt đầu tiến công Đà Nẵng, phải đánh Đà Nẵng ngay… Ở hướng Sài Gòn lực lượng đã đủ, yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn”.

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 đến 30/4/1975) do Tổng Tham mưu trưởng Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam làm Chính ủy và các Phó Tư lệnh gồm các tướng lĩnh: Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện… dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao cho họ.

Tướng Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh đã thiết kế nên một kế hoạch giải phóng miền Nam với mưu kế thật kỳ diệu: Căng địch ra hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc, giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng. Phía Nam, giữ địch ở Sài Gòn. Giữ địch ở hai đầu như thế làm cho địch bộc lộ sơ hở ở khoảng giữa miền Trung và Tây Nguyên.

Khi địch đã rơi vào mưu kế và thế trận của ta sắp đặt, ta bất ngờ phá vỡ Tây Nguyên, tạo đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, giải phóng Huế và Đà Nẵng, đẩy địch vào thế bị tan rã và sau đó tập trung mọi lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn (30/4/1975).

Uy tín của Đại tướng Võ Nguyên Giáp toả rộng ra ngoài nước.

Ký giả Peter Mac Donald, người Anh viết: “1945 đến 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở trình độ cao. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.

Ký giả G. Bomet người Pháp viết (Từ điển Bách khoa toàn thư Pháp): “Là người tổ chức Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự Marxist kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.

Ký giả Donald S. Marshall, người Mĩ, viết: “Đại tướng Giáp, vị tướng 5 sao của quân đội Bắc Việt Nam kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, là vị tướng duy nhất được biết đến nhiều nhất trong cuộc chiến tranh Đông Dương - Việt Nam. Ông Giáp (còn có tên là Văn) đã có một vị trí trong lịch sử thế giới qua việc lãnh đạo lực lượng Việt Minh đánh bại lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ”.

Để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn Bách khoa toàn thư nước Anh, Hội Hoàng gia Anh đã tổ chức phiên họp vào tháng 2 năm 1984 để lựa chọn các vị tướng soái lừng danh thế giới xếp vào danh mục của từ điển. Trong phiên họp có 478 nhà khoa học về lịch sử quân sự các nước đã được mời đến và họ đã đề cử một danh sách 98 thống soái của các nước trên thế giới từ thời cổ đại cho đến nay. Tại phiên họp, các nhà quân sự đã tiến hành bỏ phiếu và lựa chọn được 10 vị thống soái kiệt xuất. Trong số 10 thống soái có hai người con ưu tú của dân tộc Việt Nam là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (quý tộc nhà Trần, cháu vua Trần Thái Tông), một danh tướng kiệt xuất đứng đầu 3 lần chống quân xâm lược Nguyên Mông, đội quân thiện chiến nhất thế giới ở thế kỉ XIII. Người thứ hai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế kỉ XX của chúng ta.

Số phiếu được lựa chọn trong phiên họp:

I. Thời kỳ Cổ đại:

1. Hanibal (Hy Lạp): 100%.

2. Ceasar (La Mã): 100%.

3. Alexandre III Le Grand (Nam Tư): 100%.

II. Thời kỳ Trung đại:

1. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Việt Nam): 100%. (Trong phiếu có ghi chú thêm, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người đã đánh thắng kẻ thù mạnh nhất thế giới Nguyên Mông vào thế kỉ XIII).

III. Thời kỳ Dân chủ Tư sản:

1. Cromwell (Anh): 70%.

2. Frederich Đại đế (Phổ): 70%.

IV. Thời kỳ Cận đại:

1. Napoléon (Pháp): 100%.

2. Kutuzop (Nga): 72%.

V. Thời kỳ Hiện đại:

1. Zdukop (Nga): 100%.

2. Võ Nguyên Giáp (Việt Nam): 100%.

(Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng năm 1948, đến nay (2013) là đã tròn 65 năm ông mang quân hàm này).

Tháng 8 năm 2009, nhà xuất bản Anh quốc in cuốn sách lớn có nhan đề “NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH” - Những nhà chỉ huy quân sự vĩ đại thế giới hiện đại, từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XX (The Art of War - Great Comman of the Modem World “XVII-XX” Centuris) giới thiệu sự nghiệp của 51 vị tướng tài ba của thế giới, trong đó, Việt Nam có duy nhất một người là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên cạnh những tên tuổi lừng lẫy như Napoleon Bonaparte (Pháp), Mikhail Kutuzov, Georgi Zhukov (Nga)… Lời nói đầu cuốn sách viết: “Khi một người nước ngoài hỏi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Tại sao, một nhà giáo về sử học, về luật pháp, một trí thức do Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào, lại là Tổng Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ xâm lược, giành độc lập, thống nhất cho đất nước?” Đại tướng đã trả lời rằng: “Câu hỏi này xin hỏi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh”… Nói đến dòng họ và hoàn cảnh xuất thân của Võ Đại tướng, cuốn sách vừa xuất bản này có một nhận xét rất thú vị: “Lịch sử của một vùng đất chiến tranh liên miên đã ảnh hưởng đến cách đặt tên cho con người và địa danh. Họ của Giáp là Võ, có thể hiểu được là “sức mạnh quân đội”, trong khi tên của Giáp có nghĩa là “đầu tiên” và cũng có nghĩa là “áo giáp còn nguyên vẹn”. Hầu hết người Việt Nam đều cho rằng tên ông ấy hoàn toàn có nghĩa là Tổng Tư lệnh…”.

Ngày 31 tháng 7 năm 2006, Tổng thống Cộng hoà Venezuela Hugo Chavez kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp phiên bản thanh kiếm của vị anh hùng dân tộc Simon Bolivar.

Để kỷ niệm 60 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh quân đội đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam - được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng đầu tiên (28/5/1948) và kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Đại tướng, Liên chi hội Di sản Lam Kinh và Bảo tàng Hoàng Long (tỉnh Thanh Hoá) đã đưa ra ý tưởng đúc trống đồng và kiếm lệnh dâng tặng Đại tướng. Hiện vật do gia đình nghệ nhân Thiều Quang Tùng (Xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá) thực hiện thành công.

Chiều ngày 28 tháng 5 năm 2008, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam thay mặt giới sử học và Hội Di sản Thanh Hoá trao tặng trống đồng và kiếm lệnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở Hà Nội.

Trống cao 48cm, kỷ niệm năm 1948.

Đường kính 60cm, kỷ niệm 60 năm ngày Đại tướng được phong quân hàm này.

Kiếm lệnh dài 67cm (lưỡi kiếm 48cm, chuôi kiếm 19cm).

Tiến sĩ Bùi Loan Thùy và thư viện Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh biên soạn tập sách “Đại tướng Tổng Tư lệnh VÕ NGUYÊN GIÁP vị tướng của hòa bình”, sách dày 2.242 trang, thu thập từ 727 nguồn tư liệu trong 3 năm do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn và công ty Thành Đô liên kết ấn hành. Tập sách là một bộ sưu tập công phu, tập hợp những tác phẩm đã được xuất bản thành sách, các bài viết của Đại tướng, cùng những tư liệu viết về ông đã được công bố trên các báo và tạp chí có uy tín từ năm 1945 đến nay.

Mừng Đại tướng tròn 100 tuổi (25/8/2010), Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã gửi tặng Đại tướng một món quà hết sức quý giá: 05 cây thông đỏ và 05 cây bách xanh và phải được trồng tại nhà lưu niệm Võ Đại tướng ở quê hương ông ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Anh Võ Hồng Nam - con trai của Đại tướng, thay mặt gia đình đã nhận món quà này. Và, Võ Đại tướng tặng lại nhân dân Lâm Đồng 02 cây kim giao để trồng trên đất Lâm Viên mát làng, xinh đẹp!

Như buổi đầu gặp Bác Hồ, ông đã trả lời Bác: “Tôi quen cầm bút hơn cầm kiếm”. Điều này rất có lý bởi từ năm 1948 đến nay, Võ Nguyên Giáp viết có đến 64 đầu sách về các lĩnh vực: lý luận quân sự, khoa học kỹ thuật, kinh tế và cả văn học. “Chiến đấu trong vòng vây” và “Điện Biên Phủ” là những tác phẩm có giá trị lớn. Nhiều tác phẩm được tái bản đến 5 lần và có trên 10.300 trang sách in.

Thật là một vị Tướng văn võ song toàn!

Tài liệu tham khảo:

- Bách khoa toàn thư của Anh, xuất bản tại London, 1985.

- Tạp chí Lịch sử Quân sự số 2 năm 1993.

- “10 Danh tướng thế giới” - Nxb Văn hóa Thông tin - Hà Nội.

- Trung tướng Quân đội nhân dân Phạm Hồng Cư.

- Đại tá Quân đội Nhân dân Hứa Mạnh Tài.



- PTS. Trần Thị Vinh - Viện Sử học Việt Nam.

tải về 59.73 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương