ThS. trưƠng trung phưƠNG



tải về 85.91 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích85.91 Kb.
#9816
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ĐÀO DUY TỪ TRÊN LĨNH VỰC QUÂN SỰ

DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN



ThS. TRƯƠNG TRUNG PHƯƠNG

Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Năm 1428, sau khi quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế lập ra triều Lê sơ - Triều đại phong kiến tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta. Bằng việc thực hiện những cải cách lớn, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự… mà đặc biệt là đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn trên vũ đài chính trị và tư tưởng đã nâng triều Lê sơ lên đỉnh cao của chế độ phong kiến nước ta, tiêu biểu là giai đoạn Đại Việt dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497).

Tuy nhiên, lịch sử triều Lê sơ cũng gắn liền với những biến cố lớn lao. Buổi đầu triều Lê sơ rất thịnh đạt nhưng đến năm 1527 thì bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi đẩy đất nước lâm vào cảnh binh đao suốt hơn 50 năm, từ năm 1527 đến năm 1592. Về sau, nhờ vào sự phò trợ của họ Trịnh, vua Lê đã giành được thắng lợi, trở về Thăng Long. Nhưng cũng kể từ đó, họ Trịnh trở nên kiêu căng, thâu tóm hết mọi quyền bính trong triều đình.

Năm 1558, vì không thể chịu nổi sự lộng quyền của họ Trịnh, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa. Từ đây, một cục diện cát cứ mới được hình thành, cục diện Trịnh - Nguyễn phân tranh. Chính trong cảnh gươm đao loạn lạc của cuộc chiến tranh giữa chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài đã xuất hiện Đào Duy Từ - một nhà thơ, nhà văn hóa, nhà quân sự kiệt xuất, một danh thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Đào Duy Từ (1572-1634) tự là Lộc Khê, ông là người tài kiêm văn võ nhưng chỉ vì là con nhà hát xướng nên không được chính quyền Đàng Ngoài trọng dụng. Trước điều bất công này ông đã trốn vào Nam, tìm minh chúa tự gây dựng cho mình một sự nghiệp hiển hách. Năm 1627, ông được gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên và sau khi được chúa trọng dụng, phong ông chức Nha úy nội tán trông coi việc quân cơ và chính sự. Ông đã đem hết sức mình phò trợ chúa Nguyễn, đóng góp công lao to lớn trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quân sự, giúp chúa Nguyễn xây dựng, bảo vệ và phát triển lãnh thổ Đàng Trong.



1. Vài nét về thân thế và sự nghiệp của Đào Duy Từ

1.1. Đào Duy Từ và tuổi trẻ nhiều trắc trở

Sinh ra ở một huyện nghèo ven biển tỉnh Thanh Hóa, nơi chỉ có những mảnh đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai chua mặn, bạc màu cộng thêm khí hậu hết sức khắc nghiệt, mùa hè thì gió phơn nóng hây hẩy, nhiệt độ có khi tăng lên hơn 40 độ, mùa đông lạnh giá có nơi chưa đầy 6 độ. Hàng năm, quê hương ông còn phải gánh chịu những cơn bão nhiệt đới từ biển Đông đổ bộ vào gây ra những thiệt hại hết sức to lớn. Chính trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đó đã tạo nên phẩm chất cần cù, chất phác truyền thống đoàn kết, dũng cảm chống chọi với thiên tai vượt lên số phận để xây dựng quê hương, đất nước. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng hun đúc nên ý chí, nghị lực và hoài bão lớn lao của một danh nhân đất nước.



Đào Duy Từ sinh ra tại làng Hoa Trai, xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, nay là làng Giáp Nỗ, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Bố là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều, thời Lê - Trịnh. Một hôm, nhân lúc nổi hứng, Tá Hán đã sáng tác bài thơ ca ngợi chúa Trịnh như sau:

Trang quốc sử ai bằng Trịnh Kiểm

Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu

Thẳng đường rong ruổi vó câu

Phù Lê, diệt Mạc trước sau một lời...

Tá Hán liền bị quy là phạm thượng, trong thơ dám nói cả tên húy của chúa là Trịnh Kiểm. Ông bị tội phạt đánh đòn 20 roi và bị đuổi về nhà làm dân thường. Đây chính là bước ngoặt của gia đình ông vì sau đó bố của ông đi theo một gánh hát để kiếm sống và ít lâu sau đã trở thành kép hát tài giỏi, nổi tiếng khắp vùng. Về sau, Đào Tá Hán lấy vợ là bà Vũ Thị Kim Chi và sau hơn một năm thì sinh ra Đào Duy Từ. Khi Duy Từ lên năm tuổi, chẳng may bố bị bệnh mất. Người mẹ chịu ở góa, một mình ngược xuôi tần tảo quyết nuôi con ăn học.

Ngay từ nhỏ, Đào Duy Từ đã nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Năm 14 tuổi, ông vào học trường của hương cống Nguyễn Đức Khoa và được thầy hết sức khen ngợi về tài học rộng, hiểu nhiều, đồng thời cho rằng sau này ông sẽ thành đạt trên bước đường cử nghiệp.

Thế nhưng theo luật lệ của triều đình lúc bấy giờ thì con cái những người làm nghề ca xướng đều không được quyền thi cử. Bà Kim Chi - mẹ của ông tiếc cho tài học của con liền thu gom vay mượn tiền bạc đến đút lót cho viên xã trưởng họ Lưu ở làng Hoa Trai để nhờ đổi họ Đào của con theo cha thành họ Vũ của mẹ, mong sao Duy Từ được dự kì thi Hương sắp tới. Viên xã trưởng thấy người vợ góa của Đào Tá Hán còn nhan sắc, nên nhận lời và ra điều kiện nếu xong việc thì phải lấy y.

Khoa thi Hương năm 1593 đời vua Lê Thế Tông (l567-1584), Vũ Duy Từ lúc ấy mới 21 tuổi đã đến dự thi và đỗ Á nguyên (thứ hai). Sau đó, được mẹ khuyến khích, ông đã ở lại kinh đô để dự tiếp kì thi Hội. Thấy việc đổi họ cho Duy Từ đi thi đã trót lọt, xã trưởng họ Lưu đòi bà Kim Chi thực hiện giao ước tái giá về làm vợ mình. Bà Chi cứ lần chần, chối khéo với lí do con mới thi đỗ, mẹ làm thế sẽ khó coi... Viên xã trưởng tức giận, đem chuyện tố cáo lên trên để gây áp lực bắt mẹ Đào Duy Từ phải thực hiện giao ước. Tin Duy Từ gian lận được truyền về triều đình và ngay lập tức ông bị triều đình ra lệnh xóa tên, hủy bỏ bài thi, lột hết mũ áo được ban, bắt ngay để tra xét. Đồng thời, gửi trát về cho Tri huyện Ngọc Sơn trừng trị những kẻ liên đới. Ở quê, bà Vũ Thị Kim Chi vừa lo cho tính mạng của con, vừa oán giận sự khắc nghiệt, bất công của triều đình nên đã phẫn uất đi đến tự tử. Duy Từ biết tin mẹ mất, nhưng không được về chịu tang, thương cảm quá thành bệnh ngày càng nguy kịch.

Lúc bấy giờ, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đang trấn giúp vua Lê và chúa Trịnh chống lại nhà Mạc, theo lệnh của vua Lê Thế Tông và chúa Trịnh Tùng về Thuận Hóa họp bàn việc. Nhân dịp, Nguyễn Hoàng đến thăm Nguyễn Hữu Liêu; Nguyễn Hữu Liêu bèn kể trường hợp của Duy Từ và lấy bài vở của Duy Từ ra cho Nguyễn Hoàng xem. Đọc bài của Duy Từ, Nguyễn Hoàng biết đây là nhân tài có thể thu dụng cho việc ở phương Nam của mình nên âm thầm đến nhà trọ giúp đỡ tài chính chạy chữa của Duy Từ rồi mời ông vào Nam giúp mình.

Khi Duy Từ vừa khỏi bệnh, đích thân Nguyễn Hoàng đến thăm. Nhân trên tường có treo bức tranh anh em Lưu Bị đến Long Trung cầu Gia Cát, Nguyễn Hoàng và Đào Duy Từ bèn ra một bài thơ liên ngâm:

Nguyễn Hoàng đọc:

"Vó ngựa sườn non đá chập chùng"

"Cầu hiền lặn lội biết bao công"

Duy Từ tiếp thơ:

"Đem câu phò Hán ra dò ý"

"Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng"

Nguyễn Hoàng tiếp:

"Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở"

"Biên thùy vạch sẵn một dòng sông"

Duy Từ đóng:

"Vì chăng không có lời Nguyên Trực"

"Thì biết đâu mà đón Ngọa Long".

Nguyễn Hoàng rất mến mộ tài năng của Đào Duy Từ nhưng không dám đón ngay vì sợ lộ cơ mưu, nên nói với Duy Từ đại ý là sẽ đón ông bằng hậu lễ hoặc ngộ nhỡ nếu như có thất lộc thì cũng để lại di ngôn cho con cháu đón về để dạy bảo.

Từ khi gặp mặt và trực tiếp trao đổi cùng Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, ông đã chuyên tâm đèn sách, ngày đêm không rời khỏi sách binh thư, đồng thời trù tính thời cơ trốn vào Nam để phò trợ minh chúa.



1.2. Đào Duy Từ vào Nam và bước ngoặt trở thành danh thần dưới thời chúa Nguyễn

Khi mới vào Nam, ông đi tìm chúa Nguyễn nhưng đến nơi thì không gặp do chúa đã đi xa để kinh lý. Ông dò được là Khám lý Trần Đức Hòa vốn là một thân tín của chúa Nguyễn nên đi đến Quy Nhơn để kiếm cơ lập thân. Ông đi đến thôn Tùng Châu (nay thuộc thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để ở chăn trâu cho nhà phú hộ Chúc Trịnh Long, cách nhà Trần Đức Hòa một con sông nhỏ. Tâm ý của Duy Từ là ẩn mình, chờ đợi thời cơ, đồng thời dò xét chính sự Đàng Trong. Con trai của vị phú hộ tên là Chúc Hữu Minh, mở Tùng Châu thi xã, lấy Duy Từ làm thư đồng để phục vụ các bằng hữu văn chương. Có lần, khi Duy Từ đánh trâu về, cầm roi đối đáp văn sử xưa nay với các danh sĩ, chứng tỏ mình thông hiểu mọi điều.



Sau buổi đối đáp với các nhà nho ở Tùng Châu, tiếng tăm Đào Duy Từ - một kẻ chăn trâu k lạ, tài giỏi hơn người, lan truyền khắp nơi. Bấy giờ có vị quận công, anh em kết nghĩa với chúa Nguyễn rất có thế lực là Khám lý Trần Đức Hòa hay tin. Ông này cho đón Đào Duy Từ đến nhà chơi. Qua các buổi chuyện trò, đàm đạo văn chương, Khám lý họ Trần đã nhận thấy Duy Từ có học vấn uyên bác, lại tỏ ra chí lớn hơn người, bèn đem lòng yêu quý và gả người con gái là Trần Thị Chính cho Từ làm vợ.

Khi đã có chốn nương thân vững chắc, Đào Duy Từ mới dần lộ rõ chí hướng phò vua giúp nước đã nung nấu suốt mấy chục năm cho bố vợ biết. Ông đưa tác phẩm "Ngọa Long cương vãn" của mình cho Trần Đức Hòa xem. Nội dung bài chính là nỗi lòng của Duy Từ, tự ví mình như Gia Cát Lượng (là một nhà quân sự, chính trị nổi tiếng bên Trung Quốc, vì chưa được thi thố tài năng, nên còn ẩn náu ở chốn Ngọa Long). Nỗi lòng đó của Duy Từ được thể hiện rõ ở đoạn kết:

Chốn này thiên hạ đã dùng

Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời

Chúa hay dùng đặng tôi tài

Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên.

Khám lý Trần Đức Hòa xem đi xem lại bài ''Ngọa Long cương vãn'' của con rể, thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, đã tấm tắc khen, rồi tìm cách dâng lên chúa Nguyễn xem để tiến cử Duy Từ với chúa.

Bấy giờ chúa Nguyễn là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (16l3-l635) đang có ý định kén chọn nhân tài để dựng nghiệp lớn, nên khi xem xong bài vãn của Đào Duy Từ đã rất tâm đắc, bèn lệnh cho Khám lý Trần Đức Hòa dẫn ngay người con rể vào gặp chúa. Gia đình nhà vợ vội may sắm quần áo, khăn mũ hợp nghi thức để Duy Từ mặc vào chầu cho thật chỉnh tề nhưng Duy Từ nhất mực từ chối, viện lẽ rằng mình không dám dùng, vì chưa có chức tước.

Trước buổi tiếp, Sãi Vương muốn thử tư cách Đào Duy Từ nên chúa mặc y phục xuềnh xoàng, cầm gậy đứng trước cửa, thái độ lơ đãng, như chờ một kẻ hầu nào đấy. Thấy vẻ thờ ơ của chúa Nguyễn, Duy Từ định bỏ về, Sãi Vương thấy vậy biết Đào Duy Từ là kẻ tài giỏi thực, tính khí khái, chứ không giống những bọn tầm thường, chỉ cốt quỵ lụy, được ra mắt chúa, hòng tiến thân để kiếm chút bổng lộc, chức tước mà thôi. Chúa bèn quay vào nội phủ, thay đổi áo quần và bảo thái giám đem áo mũ ban cho Duy Từ, rồi mời vào sảnh đường tiếp kiến.

Tiếp đó, Đào Duy Từ liền đưa ra sách lược giúp chúa, trong đó chú trọng năm điểm:

Thứ nhất, khuyên chúa nên nối nghiệp Tiên vương diệt họ Trịnh để thống nhất sơn hà.

Thứ hai, đánh chiếm Chiêm Thành để mở mang bờ cõi phương Nam, làm thành một nước rộng lớn hơn Đàng Ngoài của chúa Trịnh.

Thứ ba, chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang để sản xuất nông nghiệp. Trước là có nhiều thóc gạo làm lương thực, sau là có nhiều người để tăng quân số.

Thứ tư, chỉnh đốn nội trị. Về cai trị, chọn người tài giỏi có công tâm không kể thân sơ ra giúp nước, còn những kẻ tham nhũng thì trừng phạt và thải hồi. Về dân sinh, giảm bớt sưu thuế cho dân đỡ khổ, nâng cao đời sống của dân, giúp đỡ họ làm ăn cày cấy, buôn bán. Về giáo dục, mở ra nhiều trường học, ra lệnh cho mọi người đều phải đi học, dân có biết chữ mới biết yêu nước thiết tha. Như thế dân không bị áp bức, lại được sống sung túc thì bao giờ cũng tận tâm phò chúa.

Thứ năm, muốn cho quân đội hùng hậu phải mộ thêm lính, xây đắp đồn lũy, huấn luyện cho quân lính có tinh thần, có kỷ luật.

Kể từ buổi đó, Đào Duy Từ được chúa Sãi Vương tin yêu, trọng vọng, tôn làm quân sư, luôn ở cạnh chúa để bàn bạc việc quốc gia trọng sự. Ông được phong chức Nha úy nội tán, tước Lộc Khê hầu, nên người đời vẫn quen gọi ông là Lộc Khê.

2. Những cống hiến của Đào Duy Từ trên lĩnh vực quân sự

2.1. Đóng góp về mặt lý luận quân sự

Đào Duy Từ là người có tài kiêm văn võ. Giúp việc chúa Nguyễn chỉ có tám năm cuối đời mà ông đã được đánh giá rất cao là người đứng đầu trong hàng khai quốc công thần, có công lớn giúp dòng họ Nguyễn từ một thế lực nhỏ buổi đầu còn phụ thuộc nhà Lê - Trịnh ở phía Bắc, nhanh chóng trưởng thành lớn mạnh, có khả năng "hùng cứ một phương", "làm nên nghiệp bá cõi nam".

Đào Duy Từ không chỉ là một người hùng luận am hiểu thời thế và giúp chúa Nguyễn vạch ra nhiều kế sách quân sự quan trọng đối phó có hiệu quả với Đàng Ngoài, mà còn để lại cho đời cả một pho binh thư rất có giá trị, đó là sách Hổ trướng khu cơ viết bằng chữ Hán, chia thành ba tập: Tập Thiên, tập Địa và tập Nhân.

Trong Hổ trướng khu cơ, tác giả đã tham bác nhiều binh thư, binh pháp trong và ngoài nước, đồng thời nêu lên những quan điểm lý luận của mình về binh pháp nói chung cũng như về các lĩnh vực cụ thể của phép dụng binh nói riêng như vấn đề sử dụng các loại quân và các đồ binh khí kỹ thuật trong các điều kiện địa hình, thời tiết, vai trò của các tướng lĩnh cùng các phép tắc chọn tướng, luyện quân…

Các tri thức quân sự trong Hổ trướng khu cơ vừa mang tính kế thừa các tri thức quân sự thời trước, vừa có những phần phát triển sáng tạo của bản thân tác giả.

Trong thiên Hỏa công, Đào Duy Từ đã nêu lên các phương pháp chế tạo và sử dụng một số hỏa khí vừa tinh vi hiện đại, lại rất thực tế, phù hợp với điều kiện của đất nước lúc đó. Có thể coi hỏa hổ, một thứ binh khí lợi hại của Đại Việt trong các thế kỉ XVII và XVIII đã được phát triển bắt đầu từ Đào Duy Từ. Đó chính là phép chế hỏa đồng và hỏa tiễn của ông mà sau này người đương thời cho rằng những thứ vũ khí do Lộc Khê chế ra không kém khi so với súng Phật - lang - cơ của người phương Tây.

Trong các thiên Thủy chiến và Bộ chiến, nhiều nội dung được Đào Duy Từ kế thừa, đúc kết từ những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, nhưng đồng thời ông cũng đã phát triển và biến hóa để vận dụng có hiệu quả trong điều kiện mới, khi mà hỏa khí đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến đấu. Chẳng hạn cũng là phép phá xích sắt trên sông, nhưng ở đây Đào Duy Từ đã sử dụng hợp chất bằng diêm tiêu, lưu hoàng, nao sa và than gỗ để đốt nóng và làm gãy xích sắt: “Khi nào gặp xích sắt chắn ngang sông thì lấy ba vị là diêm tiêu, lưu hoàng, nao sa cùng với than gỗ phóng vào trong các thiết đề, thổi lửa nấu cho đỏ rực lên, đem đến chỗ xích sắt mà đốt, chốc lát xích sắt đỏ ra thì lấy búa lớn mà chặt, xích sắt phải gãy” (1,417). Hoặc từ trước phép phục địa lôi dưới đất đã có, nhưng thuật phục thuỷ lôi dưới nước thì chưa từng có. Đào Duy Từ đã đưa ra phương pháp dùng thuốc súng chế thủy lôi đặt ngầm dưới nước để phá thuyền giặc. Chính vì thế, các đồng sự hoặc các môn sinh của ông đã khen ngợi chín phép trong thủy chiến "thực là quỷ thần không lường được".

Về đạo làm tướng, quan điểm của Đào Duy Từ cũng kế thừa quan điểm của Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi, coi đạo làm tướng phải lấy nhân nghĩa làm đầu: "Nhân là đức của lòng người. Tướng không đốc lòng nhân thì không thể có kết nhân tâm được… Nghĩa là lẽ phải của việc để cố kết lòng người. Không có nghĩa thì không có lẽ phải. Cho nên tướng tất trước hết phải biết nghĩa. Nghĩa đã rõ thì đốc lòng trung báo ơn nước, xử sự đúng lẽ phải thì duy trì được lòng người…" (1, 393). Cùng với Nhân và Nghĩa, người tướng còn phải có đủ sáu điều khác như: Tín, Trí, Minh, Tài năng, Cương dũng và Nghiêm minh. Đó là sáu điều cốt yếu của đạo làm tướng theo quan niệm của Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ còn soạn ra mười lăm điều cần thiết để dạy quân đánh giặc hết sức ngắn gọn, dễ hiểu nhưng hiệu quả lại rất cao. Như ở điều thứ ba - yếu lược phòng nước độc chỉ rõ: “Nếu vào chỗ đất lạ, nước suối cũng nên cẩn thận. Nếu mình chưa quen thủy thổ không nên uống là một, sợ quân giặc ở trên dòng nước bỏ thuốc độc là hai, nước lạ chưa rõ tính không nên uống là ba… Nếu bất đắc dĩ phải uống thì sai quân dọn chỗ đất vàng, đào xuống ba thước, ấy một hòn đất và hùng hoàng, chu sa mỗi thứ một lạng, bạch phàn một đồng cân, cam thảo ba đồng cân, muối một ít, đều tán nhỏ ra bỏ vào nước quấy đều, mỗi người uống lót dạ một chén, rồi thì sau tha hồ uống cũng không trúng độc” (1,513). Ở điều thứ sáu - yếu lược về lấy nhàn đợi nhọc, sách nêu: “Xuất chiến phải xem xét địa hình, cho nên người đánh giỏi tất chiếm trước địa lợi, bày thành thế trận để đợi ra quân... Nếu quân giặc mới đến, cờ trống chưa nghiêm, binh mã chưa chỉnh thì chia quân đánh gấp… Nếu đằng trước có gò cao rừng núi thì quân ta chiếm ngay để giành địa lợi, nếu có giao chiến thì lấy đấy làm chỗ phục binh, nếu có cấp bách thì lấy đấy làm quân tiếp viện để tiện yên ủi người ngựa của ta” (1, 514). Như vậy có thể thấy, với Đào Duy Từ việc dụng binh tất phải đòi hỏi một người tướng giỏi, biết cách chỉ huy, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, ở giữa trung hòa lòng quân, biết nắm bắt, tận dụng thời cơ thì có thể bách chiến bách thắng.

Nếu như ở tập Thiên là những hướng dẫn về việc chế tạo vũ khí để đánh giặc thì tập Địa là những luận bàn về các thế trận và cách biến đổi trận trong các trận chiến, còn tập Nhân lại là tập hợp những điều mà Đào Duy Từ đã đúc kết được để giúp cho binh tướng có thể nắm được những điều cốt yếu để rèn luyện quân đội. Chính vì lẽ đó mà chỉ trong một thời gian ngắn, Đào Duy Từ đã xây dựng cho chúa Nguyễn một lực lượng quân đội hùng mạnh đủ sức chống trả lại quân đội Đàng Ngoài.

Những quan điểm trên đây dẫn trong sách Hổ trướng khu cơ, là sự kế thừa có chọn lọc từ lý luận quân sự truyền thống của dân tộc, của binh pháp cổ xưa. Đó cũng là quan điểm tiến bộ của tác giả mà ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Những quan điểm lý luận quân sự của Đào Duy Từ trong Hổ trướng khu cơ phần lớn được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu so với các sách binh thư, binh pháp trước đó nên đã được tướng lĩnh dưới thời chúa Nguyễn vận dụng hết sức thuận lợi. Kiêm trai Ngô Tử Thông - một người tham gia giới thiệu Hổ trướng khu cơ đã thốt lên: “Tôi đọc binh pháp không phải là không nhiều nhưng chật ấn, đầy hòm đều là hình dạng mây gió, dài dòng, dãy sách đều là hình thể rắn chim. Duy chỉ có sách Hổ trướng khu cơ rất là tinh diệu, rất là giản dị. Nếu như người ta học được thì trong lúc thảng thốt vẫn bàn, nói như thường, dẫu có thần binh năm lộ cũng chẳng bằng xem bàn cờ, vỗ đùi, vận dụng một lòng mà có thể bẻ gãy được mũi nhọn, đánh tan trận, không suy nghĩ mà cũng làm được, không miễn cưỡng mà đúng phép, hình như tạo hóa tự nhiên” (1,352).

Hổ trướng khu cơ vừa là một tác phẩm lý luận, vừa là một cuốn sách hướng dẫn thực hành. Đào Duy Từ soạn sách để dạy các tướng sĩ xứ Đàng Trong. Từ những hiểu biết về lý luận, Đào Duy Từ đã đem vận dụng vào thực tiễn và đã có cống hiến lớn trong việc tổ chức, huấn luyện và chế tạo vũ khí, chiến cụ trang bị cho quân đội.



2.2. Lũy Đào Duy Từ - Đỉnh cao của nghệ thuật phòng thủ quân sự

Hệ thống đồn lũy lừng danh của chúa Nguyễn thế kỉ XVII ở Đàng Trong gắn liền với tên tuổi nhà thơ, nhà quân sự kiệt xuất Đào Duy Từ. Chính hệ thống đồn lũy này đã đóng vai trò quan trọng giúp các chúa Nguyễn đẩy lùi các cuộc tiến công của quân đội Đàng Ngoài trong gần nửa thế kỉ, giữ yên bờ cõi xứ Đàng Trong, buộc chúa Trịnh phải lui quân, lấy sông Linh Giang làm ranh giới phân chia đất nước.

Theo các tài liệu thành văn như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì trên đất Quảng Bình vào thế kỉ XVII có tất cả 4 lũy là Trường Dục, Nhật Lệ, Trường Sa và Trấn Ninh.

Lũy Trường Dục là hệ thống chiến lũy được xây dựng từ tháng 3 năm Canh Ngọ (1630) chạy từ chân núi Trường Dục băng ngang ra đến bãi cát đầu phá Hạc Hải. Mùa xuân năm 1630, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) giành thắng trong trận kịch chiến với quân Trịnh trên sông Nhật Lệ năm 1627 nhưng vẫn rất lo lắng vì thế lực của chúa Trịnh Tráng (1623-1657) rất mạnh và không từ bỏ ý đồ thôn tính Đàng Trong, bắt chúa Nguyễn phải thuần phục, Đào Duy Từ đã đệ trình kế hoạch xây dựng lũy Trường Dục để ngăn quân Trịnh, giữ được toàn vẹn lãnh thổ và mưu dựng đại nghiệp: “Nay dựng nghiệp bá vương, cốt phải vẹn toàn. Người xưa nói không nhọc một lần thì không rảnh được lâu, không tốn công một lần thì không được yên mãi. Tôi xin lấy dân và quân hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam đắp lũy đài, trên từ núi Trường Dục đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đặt lũy hiểm cho vững việc phòng bị ngoại niên, quân giặc dẫu đến cũng không làm gì được” (2,16).

Lũy Nhật Lệ được xây dựng vào năm Tân Mùi 1631 nhằm tăng cường phòng thủ chống Trịnh: “Tôi xem từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu thuộc Đồng Hới, ngoài có khe ngòi sâu, bùn lầy dùng làm hào, trong đắp lũy đài lại hiểm hơn lũy Trường Dục” (2,19). Chúa ngại khó, Đào Duy Từ liền cáo ốm dùng thư để khuyên chúa, chúa Nguyễn bèn sai Đào Duy Từ cùng danh tướng Nguyễn Hữu Dật ra Quảng Bình thị sát thế núi, thế sông vùng Động Hải để xây thêm thành lũy. Sau chuyến đi, các tướng Nguyễn lại vạch kế hoạch về việc đắp thêm một lũy mới: “Lũy được xây dựng cao 1 trượng 5 thước, phía ngoài đóng cọc gỗ lim, làm 5 bậc, voi ngựa đi được, dựa núi men khe dài hơn 3.000 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng lớn quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập 1 pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi” (3,57).

Lũy Nhật Lệ và lũy Trường Dục được xây xong nhưng chúa Nguyễn vẫn chưa thực sự yên lòng, vì mặt đông vùng đất này vẫn trống. Để đề phòng quân Trịnh có thể đột nhập theo hướng này, năm 1634, chúa Nguyễn lại sai tướng Nguyễn Hữu Dật tổ chức đắp lũy Trường Sa. Lũy dài khoảng 7km chạy từ Sa Động đến Huân Cát thuộc địa phận Bảo Ninh, hữu ngạn sông Nhật Lệ ngày nay. Lũy Trấn Ninh được xây dựng năm 1662, đối diện với lũy Trường Sa làm thế yểm trợ cho nhau.



Hệ thống lũy do Đào Duy Từ trực tiếp chỉ huy xây dựng chính là những phòng tuyến quân sự bất khả xâm phạm, là những công sự chiến đấu phòng ngự. Chính điều này đã làm nổi bật tài năng quân sự của ông thể hiện ở nhiều mặt.

Thứ nhất, Đào Duy Từ đã lợi dụng triệt để những thuận lợi của điều kiện tự nhiên, địa thế núi sông, địa hình để xây dựng phòng tuyến. Cụ thể, Đào Duy Từ đã chọn sông Nhật Lệ làm điểm then chốt để xây dựng hệ thống phòng thủ. Xét về thực tế thì vị trí này không thuận lợi như ở những nơi khác vì sông Nhật Lệ không cắt ngang địa hình Đông - Tây mà chạy dọc Nam - Bắc thuận tiện cho đối phương thọc sâu vào vùng hậu cứ. Đào Duy Từ cũng không sử dụng các điểm cao của thiên nhiên đã sẵn có để xây thêm thành quách, đánh địch từ trên cao xuống mà lại chỉ muốn đóng quân nơi đất thấp, dựng phòng tuyến nơi bình địa ven sông. Xét qua thực địa thì toàn bộ hệ thống lũy này đều nằm trong một vùng đất như một cái chảo lật ngửa. Bốn bề đều là điểm cao bao vây, chính giữa con sông Nhật Lệ như một đường thẳng bổ đôi cái chậu thành hai mảnh làm cho thế đất vùng đáy chậu đã mất đi sự liên hoàn mà còn tạo ra con đường đi thẳng vào trung tâm. Cái địa thế ấy được cho là tử địa, kiểu đất xấu nhất trong bốn kiểu đất được nhắc đến trong sách Hổ trướng khu cơ của chính tác giả: “Chỗ nào bốn bề đều có gò núi, ở giữa bằng phẳng, hình như cái chậu ngửa thì gọi là đất tử ngục, chớ đóng dinh, sợ giặc dựa cao mà đánh xuống” (1, 520). Thế nhưng trên vùng đất ấy những bức lũy do Đào Duy Từ dựng lên đã trở thành những pháo đài bất khả xâm phạm suốt gần 50 năm giao tranh Trịnh - Nguyễn. Vậy yếu tố nào đã biến vùng đất chết ấy thành vùng địa lợi, vùng đất sống và vô địch? Rõ ràng Đào Duy Từ đã nhìn nhận vấn đề bằng con mắt toàn cục. Một mặt ông đã thấy đây là vùng đất hẹp nhất, mỏng nhất của cả nước có thể ngăn quân Trịnh mà sự hao phí sức người sức của ít nhất và thời gian điều binh bố trận lại nhanh nhất. Mặt khác, ông thấy được vùng này là điểm quy tụ các đầu mối giao thông thủy bộ từ Bắc vào thời bấy giờ. Nếu bít được nó ở phía trước tức mặt ngoài thì đã khóa chặt con đường tấn công của đối phương lại. Còn ở phía sau tức mặt trong là con đường tiếp viện, vận chuyển quân lương thuận tiện không ai quấy phá được. Đây chính là điểm khác biệt trong tư duy quân sự, đồng thời thể hiện tài năng và tầm nhìn của Đào Duy Từ.

Thứ hai, Đào Duy Từ đã thể hiện sự sáng tạo trong binh pháp. Điều này được thể hiện khi ông cho xây đoạn lũy từ Cầu Dài đi sau lưng Đồng Hới ngày nay về tận cửa biển Nhật Lệ. Đoạn lũy này có nhiều điều để chúng ta phải suy ngẫm về tài năng quân sự của ông. Đó là đoạn lũy đặt con sông Nhật Lệ ở sau lưng doanh trại và công sự là điều đại kỵ của binh pháp thời cổ. Lũy lại được xây trên một đồng bằng trống trải, thấp hơn vòng tròn điểm cao của đối phương chiếm lĩnh mỗi khi giao chiến, trước mặt không có chướng ngại vật, hào rãnh hiểm yếu nên rất dễ bị tấn công từ hai mặt đường thủy từ sông lên và đường bộ từ mặt chính diện. Ngoài ra, đoạn sông Cầu Dài, lũy không đắp ngang, qua lại phải dùng đò, đó là chỗ yếu của tuyến phòng ngự, chủ nhân của bức lũy thì khó giữ mà đối phương thì dễ đánh. Bởi thế quân Trịnh thường đánh vào vào đoạn lũy này vì cho rằng đoạn này quân Nguyễn có nhiều chỗ yếu, hở cả về địa thế lẫn lực lượng mà tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu là điều được binh pháp nhắc đến. Đánh vào chỗ này quân Trịnh có nhiều thuận lợi là đất liền, trước mặt lũy không có hào sâu, sông rộng, đầm lầy ngăn cách, như thế dễ tiếp cận thành lũy. Như vậy, rõ ràng đây là đường tiến quân lợi thế nhất của quân Trịnh, nhưng cũng chính điều này đã thể hiện được thiên tài quân sự và sự sáng tạo của Đào Duy Từ đó là kế buộc đối phương phải đánh theo sự bố trí, sắp xếp của mình. Mà một khi đã xếp đặt được như vậy thì có thể biến dữ thành lành, biến nguy thành an, biến bại thành thắng và tất thắng.

Tóm lại, nhìn tổng thể hệ thống lũy do Đào Duy Từ và các cộng sự tạo nên mới có thể thấy được tài năng của ông và từ đó biết được tại sao quân Trịnh luôn thất bại khi tấn công vào đây.



Thứ nhất, hệ thống lũy đã phát huy cao độ tính ưu việt của đất thông địa và viễn địa. Đã vô hiệu hóa được các cao điểm thuận lợi của đối phương trong đất tử ngục, bịt được các đường tấn công của đối phương, giữ được đường tiếp viện và vận chuyển quân lương của mình. Khi quân Trịnh phải rời bỏ cao điểm xung quanh để tiến sát chân lũy thì quân Nguyễn trở thành kẻ từ trên cao đánh xuống còn quân Trịnh từ dưới thấp đánh lên. Vì thế, quân Nguyễn ở thế nhàn đợi kẻ địch ở thế nhọc đúng với phép dụng binh.

Thứ hai, làm mất khả năng đánh bất ngờ của quân Trịnh - một yếu tố tối quan trọng trong thuật dùng binh. Bởi vì khi rời khỏi các điểm cao xung quanh cái chảo lật ngửa thì quân Trịnh đã tự phơi mình dưới con mắt của quân Nguyễn, nhất cử nhất động của quân Trịnh đều bị giám sát nghiêm ngặt và dễ dàng bị bẻ gãy khi liều lĩnh tấn công.

Thứ ba, việc Đào Duy Từ đã rào kín cửa biển Nhật Lệ bằng cọc sắt đã không cho phép thủy quân của chúa Trịnh phối hợp tác chiến với bộ binh, buộc bộ binh phải đơn độc chiến đấu và như vậy thất bại là điều đương nhiên.

Thứ tư, bức lũy bắt đầu từ lũy Đâu Mâu đã ngăn không cho bộ binh quân Trịnh xuyên rừng đánh vào phía sau quân Nguyễn. Hai đầu lũy là hai quả núi Thần Đinh và Đâu Mâu án ngữ, lại thêm sông Long Đại cắt ngang chính giữa, chặn mũi kỵ binh nên quân Nguyễn chỉ cần đối phó ở mặt chính diện mà không lo bị đánh lén.

Như vậy, suốt trong 3 năm, chúa Nguyễn theo mưu kế của Đào Duy Từ đã huy động sức người, sức của, xây đắp nên chiến lũy bề thế với tổng chiều dài hơn 30 cây số. Đây là hệ thống thành lũy liên hoàn, có nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến chiến đấu. Trong điều kiện trang bị của binh lính hầu hết là mã tấu, dao dài thì hệ thống đồn lũy được chúa Nguyễn xây dựng kiên cố với việc phòng thủ thâm sâu, quân lính đối phương từ xa tới không dễ gì công phá được.



Nói tóm lại, xét trên lĩnh vực quân sự, tài năng của Đào Duy Từ được khẳng định ở hai phương diện: về mặt lý luận đó là sách Hổ trướng khu cơ - cuốn binh thư tiêu biểu đã kết tụ đầy đủ, sâu sắc tư tưởng quân sự của Đào Duy Từ và được xem là một trong những cuốn sách quân sự có ảnh hưởng to lớn trong thời trung đại; về mặt thực tiễn, hệ thống lũy Đào Duy Từ với các lũy Nhật Lệ, Trường Dục là công trình thể hiện tư chất, tầm vóc của ông trong nghệ thuật dụng binh và nghệ thuật phòng thủ, góp phần quan trọng giúp chúa Nguyễn đẩy lùi những cuộc tấn công xâm lấn của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài giữ yên bờ cõi. Chỉ có tám năm làm quan dưới thời chúa Nguyễn, một chặng đường ngắn ngủi nhưng Đào Duy Từ đã kịp ghi lại những nét vàng son cho cuộc đời mình bằng cách xây dựng cho chúa Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc và một quân đội hùng mạnh, xứng đáng được coi là một nhà quân sự kiệt xuất và là đệ nhất công thần của chúa Nguyễn.

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban khoa học xã hội và nhân văn (1977), Binh thư yếu lược Hổ trướng khu cơ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.



2. Tôn Thất Bình (2001), 12 danh tướng thời Nguyễn, Nxb Thuận Hóa.

3. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Bình (1992), Bảo tồn di tích lũy Đào Duy Từ và Quảng Bình Quan, Quảng Bình.

tải về 85.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương