Trung tá. LÊ Việt bìNH



tải về 75.31 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích75.31 Kb.
#3568
HOÀNG SÂM - VỊ TƯỚNG NHIỀU TÀI NĂNG, HUYỀN THOẠI

TRUNG TÁ. LÊ VIỆT BÌNH

Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Bình

Q
Hoàng Sâm (1915-1968)
uảng Bình, dải đất miền Trung đầy nắng và gió. Quảng Bình được biết đến không những là xứ sở của miền cát trắng và những đợt gió Lào nóng bỏng mà còn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều phong cảnh đẹp mê hồn gắn với tên núi, tên sông. Đặc biệt có một ngôi làng nơi miền sơn cước lưng tựa vào 99 ngọn núi, mặt hướng ra dòng sông Gianh đêm ngày cuộn chảy. Vào làng bây giờ không chỉ độc đạo một con đò ngang cách trở như trước đây. Từ hàng trăm năm trước, ngôi làng này đã được xếp hàng đầu trong tám ngôi làng nổi danh văn vật nhất đất Quảng Bình - đệ nhất Bát danh hương: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạ, Văn Xá, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Lệ Sơn - ngôi làng có dạng hình đầu con rồng với chiều dài từ đầu làng đến cuối làng khoảng 7km (theo đường chim bay), chiều rộng khoảng chừng 4km, diện tích khoảng 16km2 (Nếu tính tổng cộng các thung lũng thì diện tích làng Lệ Sơn vào khoảng 25km2).

Trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đã có biết bao anh hùng đi vào trang sử, tên tuổi của họ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Trong những con người ấy, có những người con của Lệ Sơn, vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra bao anh hùng, những cán bộ cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Có một dòng họ trong bát đại tính của làng Lệ Sơn có nhiều người con ưu tú cùng sinh ra trên mảnh đất này lại cùng một họ mà cụ Tổ là Thầy đồ Trần Cảnh Huống, hậu duệ của danh tướng Trần Nguyên Hãn. Một trong những người con ưu tú của dòng họ đó không thể không nhắc đến Thiếu tướng Hoàng Sâm - vị tướng nhiều tài năng, huyền thoại.

Về thôn Thượng Phủ, xã Văn Hóa, chúng tôi gặp ông Trần Xuân Quế, 74 tuổi, nghỉ hưu tại thôn (Ông đã từng công tác trong ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình hơn 30 năm). Hiện ông là Trưởng họ Trần Tộc Đại Tôn, thuộc chi 2 của Thiếu tướng Hoàng Sâm (anh em thúc bá với đồng chí Hoàng Sâm).

Theo các nguồn tư liệu lịch sử và cuốn gia phả dòng họ đang lưu giữ tại họ Trần, chúng tôi có thêm nhiều tư liệu qúy về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng huyền thoại. Đồng chí Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong một trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn (nay là xã Văn Hóa), huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông nội của ông là Trần Hách sinh được hai người con trai: Trần Ngổng và Trần Hạc. Ông Trần Ngổng sinh được 3 người con trai là: Trần Kỳ (Hoàng Sâm), Trần Khôi và Trần Khoa. Ông Trần Hạc không có con (về sau xin một người làm con nuôi là ông Trần Nam Tiến). Ông Trần Khôi (em thứ 2 của đồng chí Trần Kỳ) là cán bộ quân đội, quân hàm đại úy, nghỉ hưu và từ trần tại thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An. Ông Trần Khoa (em trai thứ 3) cũng là cán bộ quân đội, hiện nghỉ hưu tại tỉnh Hòa Bình. Cả ba người con của ông Trần Ngổng đều phục vụ trong quân đội và trở thành những sĩ quan ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó có vị tướng tài ba Hoàng Sâm.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Sâm có lẽ ít người biết đến. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927, khi mới tròn 12 tuổi, đồng chí đã rời làng quê theo bố mẹ sang sinh sống ở Nakhon rồi Chiềng Mai (Thái Lan). Trong số những thanh niên, thiếu niên ở Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên được lựa chọn đưa sang Thái Lan học tập có Trần Văn Kỳ. Cũng năm này, đồng chí đã vào Đội thiếu niên tiền phong ở trường học sinh Việt Nam ở Thái Lan do những người cách mạng tổ chức.

Năm 1928, khi Bác Hồ từ châu Âu về Nakhon (Thái Lan) hoạt động trong Việt kiều, Bác đã đến nhà ông Hoe Lợi đóng vai phụ bán thuốc bắc cho gia đình và Người lấy tên là Lang Tín (Thầu Chín). Qua hoạt động, thấy bé Kỳ mới 12 tuổi nhưng sáng dạ, nhanh nhẹn nên chọn làm liên lạc viên. Hơn một năm (từ tháng 7 năm 1928 đến cuối năm 1929), Trần Văn Kỳ đã theo Thầu Chín đi khắp các tỉnh trên đất Thái, vừa làm, vừa học, tham gia rải truyền đơn, vận động bà con Việt kiều tham gia phong trào yêu nước.

Cuối năm 1929, Bác Hồ rời Thái Lan đi Trung Quốc để tổ chức hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930), Trần Văn Kỳ ở lại Thái Lan, tiếp tục học văn hóa ở trường của trẻ em Việt kiều do Bác Hồ xây dựng.

Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản và sau đó đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách địa điểm liên lạc, in, phát truyền đơn và bị mật thám Thái Lan bắt ở Băng Cốc rồi giam một năm (1934-1935). Sau đó, chúng giao cho Lãnh sự Pháp ở Băng Cốc hỏi cung. Trần Văn Kỳ không khai báo, chúng không có bằng chứng gì để kết tội nên Lãnh sự Pháp trả cho nhà cầm quyền Thái Lan. Bị trục xuất, đồng chí sang Trung Quốc. Ở nhà, mật thám đã bắt và thủ tiêu bố của đồng chí. Đến Nam Ninh, Quảng Tây, Trần Văn Kỳ gặp đồng chí Phùng Chí Kiên và được đồng chí Kiên cho đi học tiếng Trung Quốc.

Đầu năm 1937, Trần Văn Kỳ được đồng chí Hoàng Văn Thụ, Xứ ủy Bắc Kỳ cho về Cao Bằng và tham gia Tỉnh ủy Cao Bằng. Ông được giao phụ trách cơ quan in và thường trực Tỉnh ủy. Nhưng không có thẻ thuế thân, đồng chí bị Pháp bắt và giam 6 tháng.

Năm 1938, cùng vài đồng chí khác, Trần Văn Kỳ sang tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở biên khu Điền Kiềm Quế nằm trong 3 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu. Đội du kích này khá lớn, hoạt động suốt dọc biên giới Việt - Trung, từ Trà Lĩnh - Long Bang đến Sóc Giang - Bình Mãng.

Mùa thu năm 1940, Trần Văn Kỳ cùng một số đồng chí sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) tìm bắt liên lạc với cấp trên và đã tranh thủ học quân sự ở trường quân sự do Trương Bội Công người Việt Nam, tay sai của Quốc Dân Đảng Trung Quốc tổ chức để chuẩn bị cho kế hoạch Hỏa quân nhập Việt của Tưởng Giới Thạch. Tại đây, các đồng chí Cao Bằng đã bắt liên lạc được với cấp trên và cũng tại đây đồng chí gặp lại Thầu Chín (Nguyễn Ái Quốc) và được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm. Đây cũng là lần đầu Hoàng Sâm được gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam và đồng chí Phạm Văn Đồng bí danh là Lâm Bá Kiệt. Sau lần gặp gỡ quan trọng này, ông cùng 40 cán bộ của ta không học ở trường của Trương Bội Công mà trở về nước hoạt động. Cuối năm 1940, Bác Hồ cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, từ Quế Lâm về làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách biên giới Việt - Trung chừng 5km, mở lớp huấn luyện cán bộ về công tác tổ chức các đoàn thể quần chúng nhằm chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi. Hoàng Sâm cùng theo học lớp này. Thời gian này, đồng chí Hoàng Sâm là Ủy viên liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng (Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn).

Ngày 8 tháng 2 năm 1941, Bác Hồ (già Thu) về Pác Bó (Cao Bằng) lãnh đạo cách mạng. Tháng 5 năm 1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại đây dưới sự chủ tọa của Bác Hồ. Hội nghị đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam và bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng.

Cuối năm 1941, đội du kích đầu tiên của Cao Bằng gồm 12 người được thành lập ở Pác Bó, do đồng chí Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, đồng chí Lê Quảng Ba làm chính trị viên và đội phó là đồng chí Hoàng Sâm (nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang sau này). Đội du kích tuy nhỏ bé nhưng đảm nhiệm công việc rất quan trọng, đó là vừa làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Bác Hồ, vừa hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng, tiễu phỉ, trừ gian ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Cao Bằng.

Cũng trong thời gian này, ở vùng biên giới Việt - Trung có nhiều toán thổ phỉ có vũ trang hoành hành, làm cho đời sống nhân dân các dân tộc luôn luôn căng thẳng. Mọi người đã khổ vì quan Tây, quan Châu áp bức, bóc lột lại càng khổ vì nạn phỉ cướp phá, giết chóc. Bởi vậy, chống phỉ để bảo vệ nhân dân, bảo vệ khu căn cứ cách mạng là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu cách mạng không dẹp được phỉ thì khó mà động viên được nhân dân tin tưởng vào cách mạng.

Từ năm 1939, Châu ủy Hà Quảng đã phát động nhân dân lập hội chống phỉ và đề ra sách lược đối phó là kiên quyết trừng trị đi đôi với giáo dục, thuyết phục, tranh thủ lôi kéo những người vì nghèo đói mà đi theo phỉ trở về sinh sống lương thiện; tiêu diệt các toán phỉ nhỏ, đồng thời cô lập dần các toán phỉ lớn.

Song thuyết phục những toán phỉ lớn không phải dễ. Bọn này đông người, lại nhiều súng, tàn bạo, hoạt động ngoài vòng pháp luật và coi thường mọi đạo lý xã hội. Những tên trùm phỉ này sống ngang tàn “anh hùng hảo hán” nhưng cũng kiêng nể những người can đảm, tài ba. Trong bọn trùm phỉ nổi tiếng hồi đó có anh em tên Voòng A Sáng, Voòng A Sính có Châu Slam Tha (Châu ba mắt), có Lý Xìu…

Đồng chí Hoàng Sâm còn có bí danh là Trần Sơn Hùng nổi tiếng cả vùng Cao Bằng là người gan dạ, “đánh đông dẹp bắc”, bắn súng bằng hai tay “bách phát bách trúng”, phi ngựa thì như kị sĩ, nói tiếng Quảng thì như người Hoa. Bọn trùm phỉ nghe danh cũng phải kiêng nể nhưng lại muốn thi gan, đọ tài. Chúng thường thích đọ sức với những cán bộ cách mạng như đồng chí Hoàng Sâm. Một hôm, trùm phỉ Lý Xìu kéo quân từ Lục Khu xuống Pác Bó đòi gặp ông Trần (Hoàng Sâm), ông Lê (Lê Quảng Ba) là những trang “hảo hán” để tỏ rõ anh tài. Không hề ngại, đội trưởng Hoàng Sâm đón tiếp nồng hậu, khoan hòa, coi như anh em. Trùm phỉ Lý Xìu mời hai ông Trần, Lê lên Lũng Nặm nơi sào huyệt của chúng để uống rượu thi bắn súng, ném lựu đạn, không được đem theo quân cơ. Hai ông nhận lời. Trước khi đi, ông Ké (Bác Hồ) dặn: phải thuyết phục là chính, phải lôi kéo họ có lợi cho cách mạng. Vâng lời ông Ké, hai đồng chí mỗi người mang theo súng “pặc-khoọc”, kiếm, lựu đạn và cưỡi ngựa lên Lũng Nặm vào tại sào huyệt phỉ. Bọn chúng tiếp đón 2 ông Trần, Lê bằng rượu ngô và thịt lợn quay, rồi trổ tài bắn súng. Quả như lời đồn, gan và tài của ông Trần có một không hai - oai phong cả vùng Cao Bằng.

C


Đồng chí Hoàng Sâm (trái)

cùng đồng chí Văn Tiến Dũng

tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947.

(Ảnh do gia đình cung cấp)




uộc thi lần một, bắn trúng mục tiêu cố định, Hoàng Sâm mỗi tay cầm một khẩu “pặc-khoọc” đã lên đạn, giơ lên cùng đồng thanh nổ bắn tan hai vỏ chai rượu đặt cách xa 50m. Cuộc thi lần hai, bắn mục tiêu di động cách xa 25m, Hoàng Sâm giơ súng quay người từ trái sang phải, 2 súng nổ đồng thanh, cả 2 viên chụm vào điểm đen ở giữa. Lý Xìu phục lăn. Cuộc thi lần thứ 3, trổ tài uống rượu, Hoàng Sâm không uống rượu bằng miệng mà bằng mũi, uống hết cả một cốc không còn sót giọt nào. Lý Xìu cùng các toán trưởng khác như: Voòng A Sáng, Lý Khoày thấy vậy đều chắp tay bái phục "đại ca". Sau đó ông Trần và ông Lê mời bọn trùm phỉ cùng đấu kiếm, nhưng chúng xin thôi.

Những tên trùm phỉ này gốc người Trung Quốc. Chúng có tục lệ quý trọng người đồng hương, đồng họ, đồng môn, đồng tuổi, đồng liêu.

Đồng chí Hoàng Sâm vào tận sào huyệt bọn phỉ Voòng A Sáng để thuyết phục hòa hoãn với chúng. Voòng A Sáng thấy Hoàng Sâm cùng họ với mình (Hoàng - phát âm theo tiếng Quảng Đông là Voòng; Hoàng Sâm là Voòng Sáng), trùm phỉ họ Voòng hết sức quý trọng đồng chí Hoàng Sâm, bày tiệc khoản đãi. Trong tiệc rượu nhắm với “não hầu” (óc khỉ sống). Hai anh em họ Voòng đề nghị được kết nghĩa huynh đệ với Hoàng Sâm. Hoàng Sâm hơn 2 tuổi nên làm anh. Tại cuộc kết nghĩa bọn trùm phỉ và các đàn em hứa không tác oai, tác quái nữa, chăm chỉ làm ăn trên nương rẫy của mình. Từ đó, một vùng biên cương bình ổn có lợi cho cách mạng. Nhờ những hoạt động kiên quyết và khôn khéo ấy, các đồng chí đã hạn chế được sự phá phách của thổ phỉ. Nhân dân tin tưởng vào cách mạng. Các Hội cứu Quốc theo Việt Minh ngày càng phát triển. Chính vì vậy mà uy tín của đồng chí với đông đảo đồng bào dân tộc ở đây rất lớn. Đó là một trong những lí do để ngày toàn quốc kháng chiến, đồng chí được cử chỉ huy bộ đội Tây Tiến lập nhiều chiến công vẫn còn in đậm trong tiềm thức của người dân Tây Bắc.

Từ giữa năm 1943, phong trào cách mạng ngày càng phát triển, tiến về xuôi. Nhiều tổ xung phong Nam tiến được thành lập. Đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức bảo vệ các tổ xung phong Nam tiến. Đồng chí đã chỉ huy đội vũ trang “hộ lương, diệt ác” trừng trị bọn việt gian phản động và các nhóm quân Pháp đang gây tội ác ở Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã.

Để sẵn sàng lực lượng vũ trang cách mạng cho tổng khởi nghĩa, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Bác Hồ, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Sam Cao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) được ủy nhiệm của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Đội có 34 người, gồm 31 nam, 3 nữ, biên chế thành 3 tiểu đội. Họ là những chiến sĩ ưu tú, dũng cảm, kiên cường được lựa chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và một số đồng chí đi học nước ngoài về, “tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Trong 34 cán bộ, chiến sĩ của đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên đó, có 3 người con Quảng Bình. Và một trong 3 người Quảng Bình được chỉ định làm đội trưởng - đó là đồng chí Hoàng Sâm, sau này là Thiếu tướng Hoàng Sâm. Vừa tuyên truyền xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, vừa đánh giặc, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày càng phát triển lớn mạnh không ngừng. Một tuần sau khi thành lập, đồng chí Hoàng Sâm đã chỉ huy đánh thắng 2 trận đầu vang dội: Phai Khắt và Nà Ngần, tiếp đến chỉ huy đánh trận Đồng Mu, Nà Ngần lần thứ 2. Đội mở rộng thành đại đội. Một thời gian sau, đại đội phát triển thành chi đội (tương đương tiểu đoàn). Đồng chí Hoàng Sâm làm chi đội trưởng.

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, đồng chí tham gia xây dựng và bảo vệ khu giải phóng, chỉ huy đánh quân Nhật ở Thái Nguyên. Đánh thắng quân Nhật, chi đội trưởng Hoàng Sâm được lệnh của đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa chi đội của mình tiến về Vĩnh Yên diệt bọn Việt Nam Quốc dân Đảng phản động Đỗ Đình Đạo. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Vĩnh Yên, đồng chí được lệnh đưa bộ đội về Sơn Tây, bảo vệ chính quyền cách mạng ở phía Tây và Tây Bắc Hà Nội.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Trung ương Đảng, Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa một số đơn vị quân đội và nhiều cán bộ lên Tây Bắc xây dựng chính quyền cách mạng và đánh địch. Năm 1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập do Hoàng Sâm trực tiếp làm chỉ huy trưởng, sau đó làm khu trưởng chiến khu II (kế nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng) rồi chiến khu III (1946-1950). Các đơn vị vũ trang tuyên truyền Tây Tiến đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc, quân xanh màu lá giữ oai hùng”. Vì vậy, đã có nhiều câu chuyện như huyền thoại về tài năng quân sự của đồng chí Hoàng Sâm được bộ đội Tây Tiến và bà con các dân tộc Tây Bắc khâm phục, truyền tụng.

N


Những năm tháng ở Lào (1962-1964)

Hàng đầu từ phải qua: Trung tướng Coong-Le (1), Thiếu tướng Hoàng Sâm (2), Thiếu tướng Lê Chưởng (4), cùng các cán bộ cao cấp và bộ đội Lào. (Ảnh tư liệu)


gày 01 tháng 01 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Hoàng Sâm (cùng đợt với 8 Thiếu tướng khác), sau là đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III. Năm 1951-1953, đồng chí là phái viên của Bộ tham gia chiến dịch với các Đại đoàn 312, 304 và làm đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, chỉ huy trưởng mặt trận Trung Lào, tham gia giải phóng thị xã Thà Khẹt. Tiếp đó, đồng chí làm đại đoàn trưởng Đại đoàn 320. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí tiếp quản Hải Phòng. Cuối năm 1955, đồng chí làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, rồi Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, Tư lệnh Quân khu III.

Từ năm 1962-1964, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm chuyên gia quân sự cho nước bạn Lào với bí danh Chăn Di cùng tướng Lê Chưởng. Ngày ấy, giữa Pa Thet Lào và Hoàng gia lập ra chính phủ liên hiệp. Cố vấn quân sự Việt Nam sang giúp đỡ cả 2 lực lượng “tả” và “hữu”. Tướng lĩnh Hoàng gia sĩ quan “cánh hữu” vốn rất ngang bướng nhưng với tri thức học được qua các trường quân sự ở Trung Quốc, kết hợp kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam và kinh nghiệm thu phục các trùm phỉ, đồng chí Hoàng Sâm đã làm cho tướng lĩnh quân đội quốc gia Lào nể phục. Điển hình là trung tướng Coong-Le thuộc “cánh hữu” vốn trẻ, đẹp trai, ngang tàng lại ăn chơi đàn điếm, khi gặp tướng Hoàng Sâm cũng phải quy phục.

Với phẩm chất, đạo đức cách mạng được Trung ương Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện; cùng với những đóng góp hiệu quả trong thời gian làm chuyên gia quân sự, Thiếu tướng Hoàng Sâm được các đồng chí lãnh đạo nước Lào hết sức tinh cậy và kính trọng. Hoàn thành nhiệm vụ về nước, đồng chí được cử làm Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên.

Qua tìm hiểu, ông Trần Xuân Quế - Trưởng họ Trần ở làng Lệ Sơn cho biết thêm: Để tưởng nhớ công đức các bậc tiền bối, mặc dù qua hai cuộc chiến tranh, gia đình ly tán, người thì ở quê, người ở bên Lào, bên Thái nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều người trong dòng họ Trần đã gia nhập các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Cùng đợt với đồng chí Trần Kỳ (Hoàng Sâm) còn có ông Trần Thiết, Trần Đức Mạnh, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế đã xuất ngũ về ở quê.

Trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, Thiếu tướng Hoàng Sâm tiếp tục ra trận và đồng chí đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Trị - Thiên vào năm Mậu Thân (15/12/1968) khi vừa tròn 53 tuổi. Bạn bè, đồng đội thương tiếc đồng chí vô hạn, một vị tướng tài, một vị chỉ huy đa mưu, dũng cảm và hết lòng thương yêu bộ đội. Đất nước ghi ơn làng Lệ Sơn đã sinh ra và dâng hiến cho quân đội một vị tướng can trường.

Cả cuộc đời đi theo cách mạng, từ lúc biết làm giao liên đến khi trở thành tướng lĩnh, đồng chí Hoàng Sâm đã có 41 năm liên tục công tác và chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí được Đảng và Quân đội trao cho nhiều trọng trách trong lực lượng vũ trang. Năm 1999, Thiếu tướng Hoàng Sâm được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên của đồng chí được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt cho một con đường ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy - Hà Nội.

Có nhiều câu chuyện cảm động về đồng chí Hoàng Sâm trong những năm xa quê phục vụ cách mạng, phục vụ quân đội. Thời gian chống Pháp (1946-1950), đồng chí đã có lần đi công tác bí mật về phía Nam. Khi đến bến đò Lệ Sơn, đồng chí biết bên kia sông là tổ tiên, là làng quê yêu dấu sau bao năm cách xa, tất cả hiện về trong ký ức… nhưng vì nhiệm vụ mà không thể sang được. Tạm biệt làng quê, đồng chí để lại một bức thư ngắn gửi lời thăm gia đình và bà con làng xóm và may mắn được một người con cháu của họ Trần tại bờ sông là ông Giáp Nậy (tên thường gọi) mang về. Bức thư này về sau do ông Khể lưu giữ, đến nay nét chữ đã mờ nhạt, giấy hoen ố, không đọc được.

Sau khi đất nước thống nhất, con cháu nhớ về cội nguồn, gốc rể, tìm về quê quán, viếng phần mộ tổ tiên ông bà. Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Đức Phương ở thành phố Đồng Hới là Trưởng tộc của dòng họ Trần (hiện ông là Trưởng phòng 3 - Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình), được biết: Hàng năm, đến ngày mồng 2 tháng Chạp (âm lịch) là ngày Sái tảo phần mộ gia tiên; 13 ngôi mộ của tổ tiên đồng chí Hoàng Sâm được quy tập tại đồng Phúc Lùng, thôn Thượng Phủ, xã Văn Hóa. Riêng bàn thờ tổ tiên của đồng chí Hoàng Sâm được đặt tại nhà của người cháu nuôi là ông Trần Nam Tiến (hiện ông Tiến đã chết, giao lại cho con trai là Trần Văn Hiệu 40 tuổi, lo việc hương khói hàng năm).

Đồng chí Trần Văn Kỳ (Hoàng Sâm) có vợ và 3 người con (2 trai, một gái) đều mang họ Hoàng, đó là: Hoàng Sùng, Hoàng Hải và Hoàng Yến, hiện đang sinh sống tại phố Đội Nhân, quận Ba Đình, Hà Nội. Hàng năm các con, cháu của đồng chí Hoàng Sâm và bà con trong họ trên khắp mọi miền quê đất nước đều về cúng bái gia tiên. Năm 2010, anh Hoàng Hải cùng với con trai ông Trần Khôi (ở thành phố Vinh) về thăm quê hương và cùng với dòng họ tu bổ, xây dựng phần lăng mộ.

Theo tư liệu của Ban Quản lý Di tích Quảng Bình, làng Lệ Sơn có tới 8 miếu thờ tổ từ rất xưa để lại. Ngoài ra còn có nhiều chùa, đình thánh, miếu cổ thờ các vị chức sắc của làng. Đặc biệt, trong các di tích cổ của làng thì miếu thờ Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học đường Trần Cảnh Huống là người khai trí của làng. Theo gia phả lưu tại họ Trần, ông nội cố Trần Cảnh Huống là một danh tướng thời Lê, đó là Trần Nguyên Hãn. Tự hào với dòng họ của đồng chí Hoàng Sâm, của làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa), miếu thờ cụ Trần Cảnh Huống là người khai trí mở tài, đặt nền móng cho nền học vấn của quê hương Quảng Bình, đền thờ cụ để ngưỡng vọng và đời đời khắc nhớ công ơn của vị Hiệp biện Đại học sĩ. Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã tổ chức hội thảo khoa học về di tích lịch sử miếu thờ. "Đây là di sản văn hoá phi vật thể quý giá, là bản sắc văn hoá sâu đậm của một làng văn hoá lâu đời, có giá trị, cần gìn giữ, phát huy, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Quảng Bình".

Làng Lệ Sơn đã sinh ra đồng chí Hoàng Sâm - vị tướng nhiều tài năng, huyền thoại, không chỉ là niềm tự hào của quê hương mà còn là niềm tự hào của lực lượng vũ trang Quảng Bình, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những giá trị vật chất, tinh thần của tướng Hoàng Sâm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương vẫn còn nguyên giá trị. Đó là những phẩm chất, con người Quảng Bình, dù ở bất cứ cương vị nào, là chiến sĩ hay người chỉ huy, đồng chí Hoàng Sâm đều dành hết tâm, hết lực cùng với bộ đội và nhân dân đối chọi với kẻ thù, giành quyền chủ động trên chiến trường. Hoàng Sâm là tướng tài ba, người học trò được Bác Hồ tin cậy và qúy trọng, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin yêu. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là những trang sử vẻ vang, góp phần làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Bình. Những tên làng, tên núi, tên sông, những phẩm chất, đạo đức cách mạng và những tài năng huyền thoại làm tăng thêm giá trị truyền thống lịch sử của mảnh đất Quảng Bình. Chính điều đó phần nào lý giải thêm rằng Quảng Bình không chỉ là cái nôi sản sinh ra những danh nhân cho đất nước mà còn thu hút nhân tài khắp nơi trên đất nước hội tụ về Quảng Bình trong tiến trình phát triển của lịch sử.

Đất nước đổi mới, quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, cùng với người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình lại góp thêm những vị tướng, những cán bộ đang công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong quân đội hoặc đã nghỉ hưu với tài năng, trí tuệ và công sức của mình để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính những tri thức quân sự, những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung mà đồng chí Hoàng Sâm để lại là những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của lực lượng vũ trang địa phương.

Tròn 37 năm sau ngày toàn thắng và hơn 20 năm trên quê hương đổi mới, vượt lên những khó khăn thiếu thốn, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, lực lượng vũ trang Quảng Bình đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Những tri thức quân sự, tài thao lược trong chỉ huy và sự khôn khéo trong cách dùng người, thu phục đối tượng của đồng chí Hoàng Sâm là những bài học gắn liền với thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tiến hành công tác dân vận của các đơn vị bộ đội địa phương hiện nay. Luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống của người cán bộ trong quân đội, đặc biệt với đồng chí Hoàng Sâm là cả một thời gian được học tập tiếp thu kiến thức quân sự ở nước ngoài nhưng đã vận dụng sáng tạo vào đường lối quân sự Việt Nam. Qua hoạt động cách mạng, qua khổ luyện và những năm tháng lăn lộn, đổ máu trên nhiều chiến trường mới trở thành một cán bộ văn, võ song toàn. Cuộc đời và những đức tính bình dị, gần gũi, sống có nghĩa có tình, thương yêu bộ đội của đồng chí Hoàng Sâm được cán bộ, chiến sĩ tin yêu mến phục. Ông không chỉ có tài thao lược, giỏi đối ngoại quân sự, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa cá nhân - tập thể, cá nhân - gia đình mà còn tất cả vì nghĩa lớn, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc. Đúng như lời đồng chí đã nói với cộng sự: Khi gặp sự đen tối phải dám vượt qua với tinh thần mạnh bạo và dũng cảm. Có vậy mới chiến thắng - Đó là những gì mà đồng chí Hoàng Sâm để lại cho mỗi chúng ta hôm nay.

Cuộc đời của Thiếu tướng Hoàng Sâm là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quảng Bình học tập, noi theo. Dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trở thành lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, bảo vệ khu vực phòng thủ, tạo nên thế trận liên hoàn vững chắc chủ, động đối phó thắng lợi trong mọi tình huống. Song song với công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị, các cơ quan đơn vị đã thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác do quân đội và địa phương tổ chức. Cử hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ tham gia công tác vận động quần chúng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các đợt đi tìm đồng đội dài ngày trên đất bạn Lào, quy tập hàng ngàn hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại nghĩa trang địa phương. Sẵn sàng có mặt kịp thời trong các đợt hành quân, giúp nhân dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt năm 2007, trước những diễn biến phức tạp và mức độ tàn phá của các cơn bão số 2 và số 5, thực hiện mệnh lệnh “Cứu dân là trên hết”, trong cuộc đọ sức đầy cam go với thiên nhiên ấy đã xuất hiện tấm gương của anh hùng liệt sĩ Phạm Hữu Huyên. Sự hy sinh dũng cảm của đồng chí đã thực sự trở thành tấm gương sáng “Vì nhân dân quên mình” của người chiến sĩ thời bình để toàn quân và lực lượng vũ trang tỉnh noi theo, học tập.



Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực vẫn đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta ngày càng quyết liệt hơn. Nhiệm vụ của Quân đội nói chung, lực lượng vũ trang Quảng Bình nói riêng cần phát huy cao trách nhiệm để hoàn thành tốt các công việc được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ, chiến sỹ phải không ngừng học tập tấm gương của đồng chí Hoàng Sâm - người đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lực lượng vũ trang đầu tiên của quân đội cách mạng. Đồng chí Hoàng Sâm thực sự là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con trung hiếu của mảnh đất Lệ Sơn, Tuyên Hoá, Quảng Bình. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương đoàn kết, nhất trí, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới của Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết thắng, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật, an toàn và chung sức xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

Trở lại với Lệ Sơn (Văn Hóa) hôm nay, sừng sững chiếc cầu bê tông vắt ngang, không bao lâu nữa sẽ nối đôi bờ sông Gianh, nơi làng quê có vị tướng huyền thoại. Và trong tương lai nhà máy xi măng Văn Hóa sẽ được khởi công xây dựng tại vùng quê trong "Bát danh hương" của Quảng Bình. Cảm ơn non nước Lệ Sơn đã sinh ra Hoàng Sâm - người con ưu tú của làng, vị tướng nhiều tài năng, huyền thoại. Tên tuổi của đồng chí mãi mãi gắn với tên núi, tên sông, với quê hương Văn Hoá, Tuyên Hóa anh hùng, với mảnh đất Quảng Bình Hai giỏi (Ngày 22 tháng 9 năm 1998 xã Văn Hoá được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của đồng chí Hoàng Sâm - một trong những chiến sĩ cách mạng thuộc lớp đầu tiên cho quê hương Quảng Bình, cho Quân đội nhân dân Việt Nam còn mãi trường tồn và có nhiều giá trị về vật chất lẫn tinh thần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước hôm nay.

tải về 75.31 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương