BÁo cáo tổng kếT (tóm tắt) TÌnh hình thực hiện nhiệm vụ KẾ hoạch năM 2009 VÀ KẾ hoạch năM 2010



tải về 203.63 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích203.63 Kb.
#23322
  1   2


BÁO CÁO TỔNG KẾT (tóm tắt)

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH

NĂM 2009 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2010

CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI NĂM 2009




I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH NĂM 2009

Nhìn lại sau một năm nỗ lực vượt qua mọi thách thức, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự thực hiện nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được sự ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 ước tăng 5,32%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 5,52% (riêng công nghiệp tăng 3,98%); Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,6% so với thực hiện năm 2008; Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008, nhập siêu khoảng 12,25 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 21,6%, giảm 7,1 điểm % so với năm 2008; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm ước đạt khoảng 1.197,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008; CPI cả năm tăng 6,88% so với tháng 12 năm 2008.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH CHỦ YẾU NĂM 2009

1. Tình hình sản xuất công nghiệp

Trong những tháng đầu năm, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang có tác động mạnh, ngành công nghiệp Việt Nam phát triển chậm, với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) quý I chỉ tăng 2,7%. Tuy nhiên, bước sang quý II, khi những nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, công nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển khả quan hơn, với tốc độ tăng trưởng GTSXCN đạt 4,6%. Tiếp tục xu hướng này, trong quý III, ngành đạt tốc độ tăng trưởng GTSXCN là 6,4 % và dự kiến quý IV tăng 9,5% đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả năm khoảng 7,6%, trong đó: khu vực kinh tế nhà nước tăng 3,7% (riêng các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tăng 8,1%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 9,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1% (Phụ lục 1b). Từ tháng 8/2009, giá trị SXCN đã vượt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây (Biểu đồ 1). Tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp trong GDP của cả nước ước đạt 33,5% (Phụ lục 1d).



Biểu đồ 1: Giá trị sản xuất công nghiệp các tháng năm 2009 so với các tháng năm 2008 và năm 2007



Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế tuy có chuyển dịch nhưng khá chậm (Phụ lục 1c), cụ thể :

- Khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng 19,4% (giảm 0,3% so với năm 2008), trong đó: doanh nghiệp nhà nước trung ương chiếm tỷ trọng 15,8% (giảm 0,1% so với năm 2008), doanh nghiệp nhà nước địa phương chiếm tỷ trọng 3,6% (giảm 0,2% so với năm 2008).

- Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 35,7% (tăng 0,1% so với năm 2008).

- Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 44,9% (tăng 0,2% so với năm 2008).

Biểu đồ 2: Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp
phân theo thành phần kinh tế




Về cơ cấu ngành (Phụ lục 1c), do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên năm 2009 sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp còn chưa tích cực, thể hiện ở: công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng 9,5% (tăng 0,1% so với năm 2008); công nghiệp chế biến, chế tác chiếm tỷ trọng 85,6% (giảm 0,2% so với năm 2008); công nghiệp điện, khí đốt, nước chiếm tỷ trọng 4,9% (tăng 0,1% so với năm 2008).

Xét theo địa phương (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê), một số tỉnh, thành phố công nghiệp lớn có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của cả nước là: Quảng Ninh tăng 15,8%; Thanh Hoá tăng 13,9%; Đồng Nai tăng 10,6%; Bình Dương tăng 10,3%; Khánh Hoà tăng 10,0%; Hà Nội tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 9,1%; Đà Nẵng tăng 8,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9%, Hải phòng tăng 7,7%. Bên cạnh đó, một số tỉnh có tốc độ tăng thấp hơn như: Hải Dương tăng 6,2%, Phú Thọ tăng 5,3%; Vĩnh Phúc tăng 5,0%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,1%...

Xét theo các vùng kinh tế, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các Sở Công Thương, so với năm 2008 (Phụ lục 1e), vùng Tây Nguyên có giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao nhất, vùng Đông Nam Bộ tăng thấp nhất, cụ thể như sau:

- Vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm tỷ trọng 28,7% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, tăng 9,8% so với năm 2008. Trong đó: công nghiệp nhà nước trung ương (NNTW) chiếm 20,3%, tăng 10,6%; công nghiệp nhà nước địa phương (NNĐP) chiếm 2,7%, đạt 96,7%; công nghiệp ngoài nhà nước (NNN) chiếm 35,4%, tăng 14,5%, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm 41,6%; tăng 6,6% so với năm 2008;

- Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, chiếm tỷ trọng 3,8% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, tăng 12,7% so với năm 2008. Trong đó: NNTW chiếm 40,6%, tăng 8,7%; NNĐP chiếm 3,4%, đạt 83,4%; NNN chiếm 45%, tăng 21,7%; ĐTNN chiếm 11%, tăng 6,8% so với năm 2008;

Biều đồ 3: Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo các vùng kinh tế


(Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của các Sở Công Thương)
- Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, chiếm tỷ trọng 9,6% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, tăng 17,4% so với năm 2008. Trong đó: NNTW chiếm 22,7%, tăng 36,2%; NNĐP chiếm 11,4%, tăng 3,3%; NNN chiếm 48,1%, tăng 12,3%; ĐTNN chiếm 17,8%, tăng 21,8% so với năm 2008;

- Vùng Tây Nguyên, chiếm tỷ trọng 1,5% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, tăng 21% so với năm 2008. Trong đó: NNTW chiếm 32,7%, tăng 42,8%; NNĐP chiếm 3,8%, đạt 92,4%; NNN chiếm 57,1%, tăng 16,2%; ĐTNN chiếm 6,4%, đạt 99,2% so với năm 2008;

- Vùng Đông Nam Bộ, chiếm tỷ trọng 45,6% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, tăng 8,3% so với năm 2008. Trong đó: NNTW chiếm 15,9%, tăng 3,9%; NNĐP chiếm 3%, bằng 100%; NNN chiếm 29,5%, tăng 10,5%; ĐTNN chiếm 51,6%, tăng 9% so với năm 2008;

- Vùng Tây Nam Bộ, chiếm tỷ trọng 10,8% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, tăng 9,9% so với năm 2008. Trong đó: NNTW chiếm 12,8%, tăng 3,4%; NNĐP chiếm 4,8%, bằng 90,7%; NNN chiếm 62,9%, tăng 13,1%; ĐTNN chiếm 19,5%, tăng 9,8% so với năm 2008.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ, theo ước tính giá trị sản xuất công nghiệp của 21 đơn vị có báo cáo đạt 117,57 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2008 (Phụ lục 1b). Trong đó, có 10 đơn vị đạt tốc độ tăng trưởng năm 2009 cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất là Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (33,3%), tiếp theo là Công ty Điện máy Hải Phòng (28,6%), Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Hà Nội (22,8%), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (21,0%), Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (16,5%), Tổng công ty Máy và thiết bị Công nghiệp (16,3%), Tổng công ty Thiết bị điện (15,0%)...

Về giá trị tuyệt đối, lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (35,4 nghìn tỷ đồng), tiếp theo là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (20,3 nghìn tỷ đồng), Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (12,1 nghìn tỷ đồng)...

Tình hình phát triển của các ngành công nghiệp xem Phụ lục 1q.

2. Tình hình hoạt động thương mại

2.1. Xuất khẩu

Hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu (XK) nói riêng năm 2009 chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, làm cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và giá cả quốc tế giảm sút mạnh. Đồng thời, các nước gia tăng các biện pháp bảo hộ mới, đặt ra nhiều hơn các rào cản phi thuế. Do đó, hoạt động xuất khẩu chịu tác động tiêu cực trên cả ba phương diện: (1) đơn đặt hàng ít đi do bạn hàng gặp khó khăn về tài chính, nhu cầu của người tiêu dùng nước nhập khẩu suy giảm; (2) giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu thô, than đá, lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, thủy sản... bị sụt giảm mạnh so với năm 2008; (3) các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu gặp khó khăn về vốn và đầu ra, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước tình hình đó, ngành công thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, các Hiệp hội ngành nghề, các địa phương đề ra nhiều giải pháp tích cực, chủ động tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, nên phần lớn mặt hàng đã có khối lượng xuất khẩu tăng hơn năm 2008 (lượng XK tăng làm tăng kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD), nhưng do tốc độ giảm giá lớn hơn (khoảng 11 tỷ USD, tương đương giảm 17 - 18% kim ngạch xuất khẩu, trong đó: nhóm nông sản, thủy sản giảm 2,7 tỷ USD; nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm 4,6 tỷ USD; nhóm công nghiệp chế biến giảm 3 - 4 tỷ USD) nên tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm bị giảm 9,7% so với năm 2008. Tuy nhiên, mức giảm này cũng là kết quả rất đáng khích lệ so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể như sau:

Về quy mô xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá (KNXK) năm 2009 đạt khoảng 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008 và bằng 87,6% kế hoạch (kế hoạch điều chỉnh tăng 3% của Quốc hội). Kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 29,85 tỷ USD, chiếm 52,8% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 13,5% so với năm 2008; của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 26,7 tỷ USD, chiếm 47,2%. giảm 5,1%, so với năm 2008 (Phụ lục 1g).

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân năm 2009 ước đạt gần 4,72 tỷ USD/tháng, thấp hơn 520 triệu USD so với mức bình quân năm 2008 (5,22 tỷ USD/tháng). Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố đột biến về thị trường và giá hàng hoá trên thế giới năm 2008, xuất khẩu năm 2009 vẫn có tốc độ tăng khá so với dãy số thời gian của các năm trước: tăng 74,1% so với năm 2005, tăng 41,8% so với năm 2006, tăng 16,3% so với năm 2007.


Biểu đồ 4: KNXK từ năm 2005 đến năm 2009




Xuất khẩu của khu vực FDI vẫn giữ vị trí quan trọng. Doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng công nghiệp chế biến. Một số mặt hàng khối FDI chiếm tỷ trọng lớn là: túi xách, va li mũ ô dù, hàng dệt may, giày dép, điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dây cáp điện. Nhóm hàng công nghiệp chế biến là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao nhất (63,5%) trong xuất khẩu của Việt Nam hiện nay và tỷ trọng xuất khẩu của FDI cũng chiếm cao nhất

Về nhóm hàng xuất khẩu

- Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 12,15 tỷ USD, chiếm 21,5% trong tổng KNXK. So với năm 2008, lượng XK của nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh, như: sắn và các sản phẩm từ sắn tăng gấp 2,2 lần, hạt tiêu tăng 40,2%, chè tăng 21,1%, gạo tăng 18%... nhưng do giá XK bình quân của các mặt hàng đều giảm, như: cao su giá giảm 33,6%, hạt tiêu giá giảm 28,6%, gạo giá giảm 26%, cà phê giá giảm 24,2%... khiến KNXK nhóm hàng này giảm khoảng 7%.

- Nhóm khoáng sản ước đạt 8,51 tỷ USD, chiếm 15% trong tổng KNXK. Lượng XK dầu thô giảm 7,9%, giá XK giảm 60% đã làm cho KNXK mặt hàng này giảm khoảng 4,1 tỷ USD so với năm 2008; mặt hàng than đá mặc dù lượng tăng 16,5% nhưng do giá XK giảm nên KNXK giảm khoảng 62 triệu USD so với năm 2008. Tính chung xuất khẩu nhóm khoáng sản giảm 34,1%.

- Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 29,39 tỷ USD, chiếm 51,9% trong tổng KNXK, giảm 19,5% so với năm 2008.



Về thị trường xuất khẩu: Trong năm 2009, duy nhất xuất khẩu sang thị trường khu vực Châu Phi có mức tăng trưởng dương, ước khoảng 17,5% do tăng xuất khẩu gạo sang thị trường Bờ biển Ngà và tái xuất khẩu vàng sang Nam Phi, còn các thị trường khác đều giảm, giảm mạnh nhất là thị trường châu Đại dương (khoảng 44,8%) do lượng dầu thô xuất khẩu sang Ôxtrâylia giảm, cụ thể như sau (Phụ lục 1h):

- Thị trường Châu Á đạt kim ngạch 25,27 tỷ USD, giảm 13,1% so với năm 2008, trong đó: Thị trường Nhật Bản đạt 6,2 tỷ USD, giảm 27,4%, thị trường ASEAN đạt 8,6 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2008. Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Hồng Kông tăng tương ứng 5,4%; 15,7% và 17%.



  • Thị trường châu Âu đạt 12,28 tỷ USD, giảm 0,9 % so với năm 2008, trong đó: Khối EU đạt kim ngạch 9,2 tỷ USD, giảm 14,9%; khối các nước Tây Âu, Bắc Âu và Đông Âu, tăng 98% do tái xuất khẩu vàng sang Thuỵ sỹ trong những tháng đầu năm.

- Thị trường châu Mỹ đạt 12,94 tỷ USD, giảm 7,2% so với năm 2008, trong đó: Thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch 11,2 tỷ USD, giảm 5,5%; Canada đạt 634 triệu USD, giảm 3,4%.

- Thị trường Châu Phi đạt 986 triệu USD, tăng 17,5% so với năm 2008.

- Thị trường Châu Đại dương đạt 2,27 tỷ USD, giảm 47,2% so với năm 2008, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô xuất khẩu sang Ôxtrâylia giảm 48%.

Biểu đồ 5 : KNXK sang một số thị trường lớn
từ năm 2007 đến năm 2009



2.2. Nhập khẩu và cán cân thương mại

Với nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không cần thiết hoặc trong nước đã sản xuất được, khối lượng một số hàng hóa nhập khẩu năm 2009 cũng đã giảm hơn năm 2008, tuy nhiên một số loại hàng hóa khác vẫn còn có mức nhập khẩu cao. Do đó, mặc dù giá nhập khẩu giảm nhưng kim ngạch nhập khẩu giảm chậm, dẫn đến mức nhập siêu vẫn còn cao hơn mục tiêu đề ra.



Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá năm 2009 khoảng 68,8 tỷ USD, giảm 14,7% so với năm 2008 (năm 2008 so với 2007 tăng 28,7%), trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 24,87 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 36,1% tổng KNNK cả nước, giảm 10,8%; Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 43,96 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 63,9%, giảm 16,8% so với năm 2008 (Phụ lục 1j).

Tính chung cả năm 2009 giá trị nhập khẩu của hầu hết các nhóm mặt hàng là nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu và một số mặt hàng tiêu dùng giảm so với năm 2008, như: nguyên phụ liệu dệt may da giầy giảm 17,8%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,1%, chất dẻo nguyên liệu giảm 4,4%, dây điện và cáp điện giảm 20,8%, thuỷ sản giảm 10,1%, dầu mỡ động thực vật giảm 27,4%, clanhke giảm 23%, phôi thép giảm 37,4%...

Tuy nhiên, một số mặt hàng có KNNK tăng cao, chủ yếu trong những tháng cuối năm như ô tô nguyên chiếc, rau quả... và việc nhập khẩu vàng đã làm cho tốc độ nhập khẩu tăng cao hơn tốc độ xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhập khẩu nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng tăng mạnh về lượng như: phân bón tăng 41,9%; thép các loại tăng 13,8%; kim loại thường khác tăng 14,8%; sợi các loại tăng 19,5%; chất dẻo nguyên liệu tăng 25,8%; cao su tăng 64,7%; giấy tăng 15,8%... đã làm tăng nhập siêu. Dự kiến nhập siêu năm 2009 là 12,25 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu 21,64%, giảm 7,13% so với năm 2008 (là 28,76%).

Biểu đồ 6: Nhập khẩu một số mặt hàng chính năm 2009
so với năm 2008


- Nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị ) đạt 56,76 tỷ USD, giảm 13,2% và chiếm tỷ trọng 82,5% kim ngạch nhập khẩu, giảm 1,4 điểm % so với năm 2008. Lượng nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh, nhưng do giá giảm nên kim ngạch giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, cụ thể: lúa mỳ lượng tăng 79,8% nhưng giá giảm 39,8% nên kim ngạch tăng 8,3%; phân bón lượng tăng 41,9% nhưng giá giảm 35,5% nên kim ngạch giảm 8,2%; chất dẻo nguyên liệu lượng tăng 25,8% nhưng giá giảm 23,8% nên kim ngạch giảm 4,1%; cao su các loại lượng tăng 64,7% nhưng giá giảm 51,3% nên kim ngạch giảm 19,9%;… Theo thống kê, lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh kể từ quý II (quý II tăng 38,3% so với quý I; quý III tăng 6,7% so với quý II và quý IV tăng 3% so với quý III).

- Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu đạt 6 tỷ USD, giảm 36,7% và chiếm tỷ trọng 8,7% kim ngạch nhập khẩu, giảm 3,1 điểm % so với năm 2008.

- Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đạt 6,06 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm tỷ trọng 8,8% kim ngạch nhập khẩu, tăng 1,6 điểm % so với năm 2008. Tỷ trọng của nhóm hàng này tăng do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng và ô tô tăng.



Về thị trường nhập khẩu, Châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất là 77,8% KNNK cả nước. Trong đó, từ ASEAN chiếm hơn 19,8%, các nước Đông Á chiếm 53,9%, riêng Trung Quốc chiếm hơn 23,2% (Phụ lục 1k)

2.3. Thị trường trong nước

Trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các gói kích thích kinh tế, chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành áp dụng nhiều giải pháp nhằm khai thác và chiếm lĩnh trở lại thị trường trong nước, thông qua các đợt khuyến mại, các đợt đưa hàng về nông thôn, tổ chức hội chợ, triển lãm... Nhiều doanh nghiệp thương mại đã củng cố và phát triển hệ thống phân phối, triển khai các loại hình bán buôn, bán lẻ mới theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Mạng lưới chợ và loại hình thương mại truyền thống tiếp tục được quan tâm phát triển. Thị trường miền núi, hải đảo vẫn được bảo đảm cung cấp các mặt hàng chính sách như sách vở, muối ăn, dầu hỏa,...

Mặc dù trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động thương mại trong nước vẫn tăng trưởng khá, diễn biến các tháng trong năm vẫn theo qui luật hàng năm, luôn duy trì xu hướng tăng dần, tuy mức tăng cả năm chưa bằng mức tăng của năm 2008 (tăng trên 30%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng bình quân hàng tháng xấp xỉ 2%, càng về cuối năm tăng càng cao trên 5%/tháng, cả năm ước đạt khoảng 1.197,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008 (nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng là 11%).

Xét về cơ cấu tổng mức bán lẻ theo loại hình kinh tế năm 2009, kinh tế nhà nước đạt 116,2 nghìn tỷ đồng chiếm 9,7%, kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.049,9 tỷ nghìn đồng, chiếm 87,7% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,3 nghìn tỷ đồng chiếm 2,6%. So sánh qua các năm cho thấy, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tổng mức lưu chuyển hàng hoá dịch vụ toàn xã hội, chiếm tỷ trọng tăng dần so với các thành phần kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài như trên biểu đồ 8.


Biểu đồ 7: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội các tháng
năm 2009 so với năm 2008


Xét về cơ cấu tổng mức bán lẻ theo ngành kinh tế năm 2009, ngành thương nghiệp đạt 939,633 tỷ đồng chiếm 78,5%, ngành khách sạn nhà hàng đạt 134,963 tỷ đồng chiếm 11,3%, ngành du kịch dịch vụ đạt 122,9 tỷ đồng chiếm 10,3%, tỷ lệ cơ cấu này không chênh lệch nhiều so với các năm trước.


Biểu đồ 8: Cơ cấu tổng mức lưu chuyển hàng hoá

phân theo loại hình kinh tế



Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Mặt bằng giá ổn định giữ được mức tăng hợp lý, CPI cả năm dự kiến tăng 6,88% so với tháng 12 năm 2008 là mức tăng thấp hơn so với các năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tăng giá, chỉ một nhóm giảm giá là bưu chính viễn thông (-0,38%), các nhóm thường tăng mạnh trong các năm trước như hàng ăn và dịch vụ ăn uống năm nay tăng chậm hơn (+5,78%), nhóm tăng mạnh nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng (+12,58%) và giao thông (+12,45%). Khác với các năm 2007, 2008 có những tháng CPI lên xuống bất thường (năm 2007 tăng vọt về cuối năm, năm 2008 tăng đỉnh cao giữa năm rồi giảm âm 2 tháng cuối năm), năm 2009 CPI không biến động nhiều và liên tục ổn định từ tháng 4 tới nay theo đúng quy luật tiêu dùng thông thường, cho thấy hiệu quả tích cực của công tác điều hành thị trường và bình ổn giá cả của Chính phủ. Có thể thấy rõ điều đó qua biểu đồ sau:


Biểu đồ 9: Biến động giá hàng hoá và dịch vụ

các tháng năm 2007 đến 2009



3. Hoạt động tài chính

3.1. Kết quả kinh doanh

Theo báo cáo của các doanh nghiệp thuộc Bộ, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tổng doanh thu của các đơn vị năm 2009 ước đạt 589 nghìn tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2008. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp giảm doanh thu cũng có một số doanh nghiệp có doanh thu cao hơn năm trước, như: Tập đoàn Điện lực tăng 16,1%, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản 2,3%; TCT Hoá chất 7,2%; TCT Cổ phần Thiết bị điện 2,4%; Tập đoàn Dệt may Việt Nam 3,4%; TCT Thuốc lá 4,9%; TCT Bia - Rượu - NGK Hà Nội 31,5%; TCT Bia - Rượu - NGK Sài Gòn 15,2%, TCT Công ty Dầu thực vật 8%, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp 10,2%; Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương Hà Nội 14,5%; Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương TP. Hồ Chí Minh 10,1%; Công ty Thực phẩm và đầu tư công nghệ 2,8%; Công ty Điện máy Hải Phòng 21,4%, Công ty Xây lắp và vật liệu xây dựng V 12,9% (Phụ lục 1m).

Riêng doanh thu sản xuất công nghiệp ước đạt 341,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,2% so với năm trước; trong đó một số doanh nghiệp có mức tăng, như: Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản, TCT Hoá chất, TCT Máy động lực và máy nông nghiệp, TCT Máy và thiết bị công nghiệp, TCT CP Thiết bị điện, TCT CP Điện tử và Tin học, TCT Thuốc lá, TCT Bia - Rượu - NGK Hà Nội, TCT Bia - Rượu - NGK Sài Gòn, TCT Dầu thực vật, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, Công ty Nhựa Việt Nam, Công ty Điện máy Hải Phòng (Phụ lục 1n).

3.2. Thu nhập của người lao động

Theo báo cáo của các đơn vị, số lao động bình quân năm 2009 của Bộ Công Thương là 504.537 người, tăng 14,3% so với năm 2008; trong đó, khối doanh nghiệp 492.016 người và khối hành chính sự nghiệp 12.521 người. Thu nhập bình quân khoảng 3,92 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,5% so với năm 2008; trong đó, khối sản xuất kinh doanh 4,69 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,1% và khối hành chính sự nghiệp 3,14 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,8% (Chi tiết xem Phụ lục 1o).

III. HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ

1. Hoạt động đầu tư trong nước

a. Hoạt động đầu tư của các đơn vị thuộc Bộ

Mặc dù là một năm có nhiều khó khăn, song nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ, các doanh nghiệp trong ngành công thương đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn để triển khai các dự án đầu tư để tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, cũng như để bảo đảm nhu cầu một số mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế như điện năng, sắt thép, xăng dầu, phân bón... Tổng mức đầu tư của các Tập đoàn, TCT, Công ty, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ ước thực hiện năm 2009 là 145.225,4 tỷ đồng, tăng 29,8% so với thực hiện năm 2008, trong đó khối các Tập đoàn, TCT 91 ước thực hiện 140.902,6 tỷ đồng, tăng 28,6%; khối các TCT 90 và doanh nghiệp độc lập ước thực hiện 4.009,8 tỷ đồng, bằng 51% và khối các đơn vị hành chính sự nghiệp ước thực hiện 313 tỷ đồng, tăng 29,2% so với thực hiện năm 2008 (Phụ lục 2a). Nhiều công trình đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động, nổi bật là nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trên 1.800 MW nguồn điện, nhà máy Bia Hà Nội tại Vĩnh Phúc công suất 100 triệu lít/năm; nhà máy DAP Hải phòng công suất 330 ngàn tấn/năm... Tiến độ cụ thể các dự án lớn của ngành nêu tại Phụ lục 2b.



b. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư

Trong năm, Bộ Công Thương đã thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư tại 03 đơn vị là: Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội. Đồng thời, đã giám sát, đánh giá 11 dự án đầu tư và 01 chuyên đề về công tác đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị. Ngoài ra, Bộ còn tham gia cùng các Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác giám sát các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm của ngành trong lĩnh vực dầu khí, điện, khai thác khoáng sản, phân bón hoá chất, cơ khí...




2. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư ra nước ngoài

a. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Ước cả năm 2009, tổng vốn FDI của Việt Nam đạt khoảng 21- 22 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 71,7 tỷ USD trong năm 2008, chủ yếu do sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản. Vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chiếm khoảng 19%, đứng thứ 3 sau dịch vụ ăn uống lưu trú và dịch vụ bất động sản. Như vậy, tỷ lệ thu hút vốn FDI năm 2009 vào lĩnh vực công nghiệp giảm mạnh so với tỷ lệ thu hút trong 20 năm qua (trong 20 năm qua thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp thường đứng đầu và chiếm khoảng 62% tổng số vốn FDI).

Chi tiết về các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào hoạt động thương mại xem Phụ lục 2c.

b. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Năm 2009, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài khoảng 1,65 tỉ USD với 49 dự án (trong đó, có khoảng 25 dự án tăng vốn tổng cộng 200 triệu USD) đưa tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ trước đến nay của doanh nghiệp Việt Nam đạt 6,68 tỉ USD, với 418 dự án, chủ yếu tại Lào (164 dự án, 2,61 tỉ USD), Nga (19 dự án, 1,3 tỉ USD), Campuchia, Malaysia... Hầu hết các dự án đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp (trong đó khoảng 26% số dự án đầu tư khai thác khoáng sản, 25% số dự án trồng và chế biến cao su, 8% số dự án đầu tư trung tâm thương mại, còn lại là một số ít các dự án chế biến thuỷ sản, sản xuất bóng đèn, chế biến đồ gỗ, thăm dò khai thác dầu khí…)

Các dự án đầu tư ra nước ngoài đã bước đầu triển khai có hiệu quả, nhiều dự án hoạt động đã tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các thị trường đầu tư truyền thống vẫn là Đông Nam Á và Đông Âu, các nhà đầu tư Việt Nam chưa thực sự mạnh dạn vươn ra các thị trường xa như Úc, Bắc Mỹ, Châu Phi, Trung Đông…Các chủ đầu tư lớn vẫn chủ yếu là các Tổng Công ty, các Tập đoàn lớn (có vốn đầu tư nhà nước), các chủ đầu tư tư nhân còn ít, chủ yếu thực hiện các dự án đầu tư nhỏ lẻ, quy mô vốn hạn chế.

IV. HOẠT ĐỘNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

1. Về công tác WTO

Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng và tham dự Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 7 tại Geneva một cách tích cực, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam, không chỉ trên diễn đàn chính trị mà cả trong hệ thống thương mại đa biên.



2. Về công tác ASEAN

- Hợp tác nội khối: Với tư cách là cơ quan điều phối hợp tác kinh tế ASEAN của Việt Nam, Bộ đã chủ trì, phối hợp với đại diện các nước ASEAN khác thúc đẩy hợp tác nội khối; phối hợp với các Bộ ngành triển khai Chương trình Cộng đồng Kinh tế ASEAN; tham gia đầy đủ các cuộc họp, hội nghị thường niên của ASEAN, có phương án xác đáng, đem lại nhiều kết quả cụ thể.

- Về quan hệ đối tác ngoài ASEAN: ASEAN đã chính thức hoàn tất thiết lập chuỗi các thỏa thuận khu vực thương mại tự do song phương với 6 nước đối tác trong khu vực Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Niu-di-lân nhằm tăng cường hợp tác, duy trì môi trường kinh doanh khu vực có tính mở cao. Việc chuẩn bị cho Bộ Công Thương chủ trì một số sự kiện trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010 được triển khai tốt, bao gồm các công tác chuẩn bị về hành chính, nội dung, học tập kinh nghiệm tổ chức, v.v...

3. Công tác APEC, ASEM

Trong năm 2009, việc tham dự của Việt Nam tại các hội nghị, cuộc họp thường niên của APEC, ASEM được lên phương án chu đáo, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thống nhất quan điểm đẩy mạnh hơn nữa hội nhập và hợp tác.



4. Về đàm phán khu vực mậu dịch tự do

Bộ đã tích cực nghiên cứu, tham gia đàm phán các hiệp định khu vực mậu dịch tự do. Bộ cũng đã tổ chức nghiên cứu khả năng đàm phán khu vực mậu dịch tự do với Thụy Sỹ, EU và một số bạn hàng khác. Các hoạt động liên quan đến những Hiệp định này đã được triển khai khẩn trương, phù hợp với tình hình thực tiễn, có nhiều kết quả tạo tiền đề cho việc tăng cường đàm phán trong năm tới…


VI. MỘT SỐ Đánh giá vỀ hoẠt đỘng cỦa ngành NĂM 2009.

1. Những kết quả đạt được chủ yếu

- Thị trường nội địa tiếp tục phát triển, sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng trưởng khá cả về quy mô và tốc độ. Với sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phát động phong trào ”người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng hướng về sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu thị trường và tiêu dùng hàng Việt Nam, vì vậy trong khi xuất khẩu hàng hoá gặp khó khăn thì hoạt động thương mại trong nước vẫn ổn định và phát triển. Nhiều hoạt động ứng dụng thương mại điện tử đã được triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu tiếp tục được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân. Các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về ổn định giá bán của các mặt hàng này.

- Đã huy động và thực hiện được một lượng vốn đầu tư khá, đưa nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hoạt động đúng tiến độ và một số công trình khác thuộc các ngành năng lượng, cơ khí, hóa chất, rượu bia nước giải khát...góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập và chuẩn bị điều kiện lấy lại đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong những năm sau.

- Hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại tiếp tục thu được những kết quả quan trọng bằng các hiệp định, hợp đồng hợp tác song phương và đa phương, các hội chợ, triển lãm trong nước và ngoài nước đã góp phần tạo điều kiện phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu cũng như quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Công tác quản lý nhà nước đã được tăng cường, hoàn thành được nhiệm vụ đề ra trong việc xây dựng ban hành và trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, công bố Bộ thủ tục hành chính ngành công thương góp phần tạo thuận lơi cho doanh nghiệp.



2. Những hạn chế chủ yếu

- Ngành công nghiệp tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất là âm 4,4% trong tháng 1, các tháng tiếp theo có tăng lên, nhất là từ giữa quý III, nhưng tính bình quân cả năm tăng trưởng công nghiệp vẫn ở mức thấp. Nhiều sản phẩm công nghiệp tuy đã có sự hồi phục đáng kể nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là sản phẩm của các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm chất dẻo, điện tử và linh kiện…

- Xuất khẩu không đạt mục tiêu kế hoạch và giảm so với năm 2008 chủ yếu do tác động của yếu tố giảm giá đã ảnh hưởng tới nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế. .

- Nhập khẩu tuy đã được kiểm soát, có mức giảm cao hơn mức giảm xuất khẩu, song vẫn tạo nên mức nhập siêu cao hơn mục tiêu kế hoạch đề ra.

- Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu mới bước đầu được xây dựng và kiện toàn. Giá cả thị trường tuy ở mức thấp nhưng đang có xu hướng tăng lên trong những tháng cuối năm, tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát trong thời gian tới.

- Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh còn diễn biến phức tạp. Sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước còn yếu, nhiều sản phẩm trong nước chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân cả về chất lượng, mẫu mã và nhất là giá cả và phương thức phục vụ hiện vẫn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm cùng loại nhập khẩu giá rẻ ngay trên sân nhà.

- Công tác kiểm soát thị trường trong nước tuy đã được tăng cường song vẫn chưa đủ sức nắm bắt toàn bộ các hoạt động gian lận thương mại, chưa kịp thời phát hiện các yếu tố tiêu cực tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa trước. Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu vẫn chưa được xây dựng và kiện toàn.

- Tiến độ đầu tư nhiều dự án trong kế hoạch còn bị chậm, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công thương bị giảm sút.

- Hoạt động dự báo, cảnh báo các tác động và nguy cơ của những yếu tố bên ngoài vào hoạt động của doanh nghiệp còn chưa kịp thời.

VII. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT VÀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA CHÍNH PHỦ

1. Tình hình thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ

Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đã được Bộ Công Thương triển khai thông qua việc ban hành Chỉ thị số 18/CT-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2008 và Chương trình hành động số 0795/QĐ-BCT ngày 18 tháng 2 năm 2009. Những kết quả chủ yếu như sau :

- Bộ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu các sản phẩm chủ yếu cho nền kinh tế; góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người lao động. Mặc dù thời gian đầu năm, một số ngành, lĩnh vực, nhóm doanh nghiệp có gặp khó khăn về đơn hàng, phải dãn lao động, nhưng sang quí II tình hình đã ổn định dần, một số doanh nghiệp lớn đã chia sẻ đơn hàng với những doanh nghiệp gặp khó khăn, vì vậy người lao động có việc làm.

- Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ đã triển khai Đề án về đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu giai đoạn 2009-2010 trình Chính phủ phê duyệt (tại Tờ trình số 0722/TTr-BCT ngày 23 tháng 01 năm 2009 của Bộ Công Thương) và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang xây dựng Chiến lược phát triển xuất khẩu đến năm...; Đề án điều hành linh hoạt hoạt động biên mậu theo hướng khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu đã hoàn thành dự thảo 2 và nay đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg về việc thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu biên mậu để triển khai tiếp; Đề án Một số chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất, chế tạo sản phẩm ngành công nghiệp đủ điều kiện thay thế hàng nhập khẩu, nay đang chờ Chính phủ ban hành.

- Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường nội địa, có thể đánh giá các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực triển khai nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ, góp phần thức đẩy tiêu thụ hàng hóa, giữ vững tính ổn định của thị trường, nhất là khi triển khai Quyết định 497 sẽ nêu dưới đây. Tuy vậy, công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là những vấn đề nổi cộm cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn.

2. Tình hình thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ

Căn cứ nhiệm vụ được phân công, Bộ Công Thương đã tham gia phối hợp với các Bộ, ngành do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai nội dung hướng dẫn các địa phương xây dựng, phê duyệt đề án giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo như cử cán bộ tham gia đoàn khảo sát một số huyện nghèo, tham gia các cuộc họp liên quan đến công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 30a. Kết quả cụ thể như sau:

- Đối với hoạt động khuyến công quốc gia tại 62 huyện nghèo, trên cơ sở đăng ký kế hoạch của các địa phương, Bộ Công Thương đã giao 8 đề án, với số kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 815 triệu đồng, triển khai trên 12 huyện nghèo của 6 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Ninh Thuận). Các hoạt động khuyến công chủ yếu tập trung hoạt động đào tạo, nhân cấy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật.

- Tại nhiều địa phương đã quan tâm, ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương (KPKCĐP) để triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công tại các huyện nghèo. Một số tỉnh có kinh phí KCĐP lớn là: Thanh Hóa, từ năm 2005 - 2009 đã triển khai thực hiện hơn 10 đề án KCĐP tại 7 huyện nghèo, với kinh phí hỗ trợ là 656,3 triệu đồng; Lâm Đồng thực hiện 10 đề án tại huyện Đam Rông, với kinh phí hỗ trợ là 530 triệu đồng; Bắc Giang thực hiện 9 đề án tại huyện Sơn Động, với kinh phí hỗ trợ là 755 triệu đồng; các hoạt động khuyến công chủ yếu tập trung vào hoạt động đào tạo, nhân cấy nghề, hỗ trợ lập dự án đầu tư, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư,…

- Đối với công tác Xúc tiến thương mại, Bộ đã tổ chức thành công nhiều khoá đào tạo, tập huấn, hội thảo về các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, kỹ năng xúc tiến thương mại tại các tỉnh, cụm tỉnh có huyện nghèo và phối hợp với các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương để quảng bá và thu hút các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia như Quảng Nam, Bắc Giang, Sơn La, Hoà Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk …

- Đối với chương trình “Sản xuất và thương mại xanh nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người nghèo” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam và các tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam tại 4 tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá và Nghệ An, đã hoàn thành việc lấy ý kiến các Bộ, cơ quan hữu quan và đang hoàn thiện văn kiện dự án để gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho ký thoả thuận ODA thực hiện.

- Đối với việc đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã tại 62 huyện nghèo, qua báo của 20 Sở Công Thương của tỉnh có huyện nghèo, có 29/62 huyện đã đưa các dự án đầu tư chợ trung tâm xã vào đề án giảm nghèo của các huyện từ năm 2009 đến 2020, với tổng số 181 chợ được lập dự án đầu tư xây dựng. Trong năm 2009 có 23/181 chợ đã được cấp vốn và đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng số tiền là 48,95 tỷ đồng. Đa phần nguồn vốn được hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã là nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương, nguồn vốn của các chương trình như 135...

Tóm lại, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trong Nghị quyết 30a đòi hỏi thời gian nhanh và khẩn trương, mặc dù đã rất cố gắng nhưng tiến độ triển khai vẫn còn chậm do chính sách và nguồn vốn hỗ trợ chưa kịp thời nên phần nào đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện; do địa bàn các huyện này đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, xa trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh nên việc huy động các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện nghèo rất khó khăn



3. Tình hình thực hiện gói kích cầu của Chính phủ

3.1. Tình hình thực hiện Quyết định 497/QĐ-TTg

Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đã được Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành như Bộ NN&PTNN, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước triển khai tích cực, nên mặc dù được ban hành và áp dụng sau so với các Quyết định 131, Quyết định 443 và phạm vi áp dụng lại giới hạn, nhưng đã đem lại các kết quả tích cực: tổng số tiền cho vay được hỗ trợ lãi suất tính đến 31/10/2009 ước đạt 691,33 tỷ đồng, trong đó trên 95% tiền vay là do hộ gia đình nông dân và cá nhân thực hiện; trên 80% các khoản vay tập trung vào mục đích mua máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp; bảo đảm mục tiêu ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, trực tiếp là sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng hỗ trợ ngành cơ khí nông nghiệp phát triển; góp phần đẩy mạnh công cuộc cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện tốt Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là việc hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất chế biến nông nghiệp...



3.2. Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chỉ đạo hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại hướng về thị trường trong nước như: bảo trợ các chương trình "Tuần hàng Việt Nam", tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về bán ở các vùng nông thôn, các tuần và tháng khuyến mãi, tiến hành nghiên cứu thị trường... Nhờ vậy, có thể thấy, chưa năm nào các hoạt động XTTM TTTN lại sôi nổi, phong phú, đa dạng và rộng khắp như năm 2009, đem lại những hiệu quả tích cực, như: nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng với hàng Việt, giúp doanh nghiệp và hàng Việt vươn lên, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, trên cơ sở đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, lôi cuốn người Việt Nam đến với hàng hoá do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và phân phối, góp phần đáng kể vào quy mô và nhịp độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ cả nước.

Đồng thời, Chương trình xúc tiến thương mại TTTN (được ngân sách hỗ trợ 51 tỷ đồng) cũng đã triển khai bước đầu, tập trung vào các hoạt động như: đưa hàng về bán tại các vùng nông thôn, các khu đô thị và các khu công nghiệp; tổ chức các hội chợ hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản thực phẩm và hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề; đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tiến hành điều tra nắm bắt nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân các vùng miền…

3.3. Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 5839/QĐ-BCT ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai, Quyết định số 6006/QĐ-BCT ngày 27 tháng 11 năm 2009 thành lập Ban chỉ đạo Chương trình và Quyết định số 6008 ngày 27 tháng 11 năm 2007 thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo. Trong Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai, chú trọng vào 2 nhiệm vụ lớn:

- Thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và lấy đó làm bộ phận nòng cốt của Chương trình.

- Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá và chất lượng dịch vụ phân phối của các doanh nghiệp trong ngành, coi đó là tiền đề tiên quyết để Cuộc vận động đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối, các doanh nghiệp đã và đang rà soát và tiến hành sắp xếp lại sản xuất, tăng cường quản lý chi phí, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, quan tâm nhiều hơn tới thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn để có những chủng loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu và sức mua của người dân.

Những kết quả đạt được như trên mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh và để có một chiến lược lâu dài, Bộ đang chỉ đạo xây dựng “Chiến lược phát triển thương hiệu Việt Nam, phát triển hàng trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa” và “Hệ thống các giải pháp nhằm thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.




tải về 203.63 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương