PHẦn thứ nhất tình hình thực hiện nhiệm vụ SẢn xuấT



tải về 101.36 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích101.36 Kb.
#28149


BÁO CÁO TÓM TẮT
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2013,


GIAI ĐOẠN 2011-2013 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2014, 2015

CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ SẢN XUẤT

CÔNG NGHIỆP VÀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI NĂM 2013



I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

1. Công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ

Triển khai 2 Nghị quyết nói trên của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 011 và Chỉ thị nhằm thực hiện Nghị quyết 022, đồng thời khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ trong các Nghị quyết.



2. Các kết quả đạt được

2.1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, các quy hoạch phát triển

2.1.1. Về xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013, Theo đó, trong năm 2013, Bộ đã trình và ban hành theo thẩm quyền 67 văn bản, với tỷ lệ hoàn thành khoảng 90%.

Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Bộ đã triển khai nhiều chương trình phổ biến, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, theo dõi thực thi pháp luật đạt kết quả tốt. Bộ đã tiến hành công bố định kỳ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực; giới thiệu các ấn phẩm, bản tin, tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền phổ biến pháp luật, thu hút nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân tham gia.

2.1.2. Về xây dựng các đề án, các quy hoạch phát triển

Trong năm, Bộ đã triển khai xây dựng 17 đề án quy hoạch, trong đó chuyển tiếp và kết thúc 7 quy hoạch; 8 quy hoạch khởi công và hoàn thành năm 2013 và 2 quy hoạch khởi công hoàn thành năm 2014.



2.2. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực sản xuất phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu

2.2.1. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp

a) Những kết quả đạt được

Sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,9%, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011).

- Về chỉ số tiêu thụ: chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2013 so với cùng kỳ năm trước tăng 9,2%, cao hơn so với mức tăng của những năm trước (cùng kỳ năm 2012 tăng 3,6% và năm 2011 tăng 1,5%).

- Về tồn kho sản phẩm: theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng, nếu như tính từ thời điểm 01 tháng 01 năm 2013 chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ thì đến 01 tháng 12 năm 2013 chỉ số tồn kho chỉ còn tăng 10,2, là mức tồn kho bình thường.



b) Những hạn chế

- Giá trị sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng so với năm 2012 nhưng còn ở mức chưa cao như mục tiêu đặt ra.

- Hoạt động đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

- Sản xuất công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng theo hướng gia công, lắp ráp.



- Tiến độ hoàn thành của một số dự án đầu tư sản xuất còn chậm

2.3. Tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế

2.3.1. Tình hình phát triển thị trường trong nước:

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,6%).



2.3.2. Công tác quản lý thị trường:

Năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã tập trung vào kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại ở các lĩnh vực như: kinh doanh mua bán vàng miếng; kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng; kinh doanh xăng dầu; kinh doanh hàng hoá có thông tin vi phạm chủ quyền quốc gia; kiểm tra xử lý đối với hoạt động kinh doanh phân bón, sữa, xe đạp điện, mũ bảo hiểm... công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực giá, an toàn thực phẩm cũng được chú trọng. Đã có gần 500 kế hoạch, phương án kiểm tra được lực lượng Quản lý thị trường cả nước xây dựng và triển khai. Năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý gần 80 nghìn vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt thu trên 350 tỷ đồng.



2.3.3. Đánh giá chung về thị trường trong nước và hoạt động quản lý thị trường

a) Những kết quả đạt được

- Thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá, cung - cầu các hàng hoá thiết yếu được đảm bảo. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước tiếp tục tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về hàng Việt Nam.

- Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, kết quả là tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới cơ bản được khống chế, thị trường kinh doanh mũ bảo hiểm cơ bản đã được lập lại trật tự, tình hình gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã giảm đáng kể...

b) Những hạn chế

- Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ có tăng trưởng nhưng còn thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.

- Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu vẫn chưa được củng cố và kiện toàn.

- Công tác kiểm soát thị trường trong nước tuy đã được tăng cường song vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa được ngăn chặn và xử lý một cách cơ bản. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh vẫn còn diễn biến phức tạp.



2.4. Tập trung thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán

2.4.1. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá

a) Xuất khẩu

- Về quy mô xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 132,17 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng 10%).

Năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên xuất khẩu mặt hàng rau quả đã vào danh sách nhóm xuất khẩu trên 1 tỷ, đây là một trong những tín hiệu tốt cho phát triển xuất khẩu của ngành nông nghiệp.



b) Nhập khẩu và cán cân thương mại

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2013 ước đạt khoảng 131,3 tỷ USD, tăng khoảng 15,4% so với năm 2012.



- Về cán cân thương mại: tốc độ tăng xuất khẩu năm 2013 bằng tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam năm 2013 tiếp tục xuất siêu, ước xuất siêu cả năm là 863 triệu USD.

c) Đánh giá chung về hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013

Những mặt được

- Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều vượt mức kế hoạch đề ra, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục xuất siêu.

- Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

- Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng.

- Điểm đáng chú ý trong năm 2013 là xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực này ước tăng trưởng ở mức 3,5% (năm 2012 là 1,2%) và kim ngạch nhập khẩu tăng 5,6% (năm 2012 giảm 7,8%).

- Nhập khẩu năm 2013 tiếp tục phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Lần thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập WTO năm 2007 Việt Nam xuất siêu.

Những mặt hạn chế

- Xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

- Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.


      • Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất... thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài.

2.5. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế

Năm 2013 tiếp tục là một năm hội nhập kinh tế quốc tế sôi động. Bộ Công Thương cùng với các Bộ, ngành đã tích cực tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng, các hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA), tăng cường hợp tác trong khối ASEAN, APEC, WTO, và các tổ chức quốc tế khác.



Một số đánh giá về công tác hội nhập kinh tế quốc tế

- Kết quả đạt được

Các hoạt động hội nhập quốc tế đều bảo đảm thực hiện đúng sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhất quán đường lối chủ động hội nhập, tiếp cận hội nhập toàn cầu và hội nhập khu vực với tầm nhìn chiến lược, bảo đảm lợi ích của đất nước trong ngắn hạn, cũng như dài hạn, thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế của ta, vừa mở thêm được thị trường, vừa khẳng định được vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực; các Hiệp định kinh tế, thương mại song phương từng bước đi vào thực thi đã tạo ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho khai thác để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, cho thu hút đầu tư...



- Những mặt hạn chế

Sự phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan trong lĩnh vực hội nhập tuy đã được thực hiện tốt hơn nhưng vẫn còn những nội dung cần phải tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là sự phối hợp giữa trung ương và địa phương; công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, nhiều doanh nghiệp tổ chức và cá nhân vẫn còn chưa hiểu rõ hết để tận dụng được hết các cơ hội do hội nhập đem lại, nhất là các cơ hội của hội nhập khu vực.



2.6. Tạo bước tiến mới về chất lượng giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ

2.6.1. Công tác giáo dục - đào tạo

Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 và phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội; xây dựng Đề án “tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ” để triển khai quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.



2.6.2. Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Bộ đã giao nhiệm vụ, hoàn thiện hồ sơ và quản lý thực hiện các nhiệm vụ năm 2013. Các Chương trình, đề án đã hoàn tất các thủ tục phê duyệt và đã được các Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư thống nhất về nội dung và kinh phí thực hiện.



2.7. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

2.7.1. Công tác cải cách hành chính, tổ chức bộ máy

Tính đến hết tháng 12 năm 2013, Bộ Công Thương đã thực thi đơn giản hóa được 181 thủ tục hành chính, đạt 90% nhiệm vụ thực thi. Hiện còn 20 thủ tục hành chính chưa được đơn giản do đang trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Trong công tác duy trì và cải tiến hệ thống Quản lý chất lượng (ISO), Bộ Công Thương đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp cấp lại chứng chỉ ISO (lần 2).

Bộ đã hoàn thành việc ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Đang triển khai đề án vị trí việc làm đối với khối Cơ quan Bộ, các Cục, Tổng cục và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.



2.7.2. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Bộ thường xuyên quan tâm chỉ đạo và kiểm tra công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua kiểm tra đánh giá hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc việc duy trì thường xuyên triển khai, phổ biến Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Công Thương đến toàn thể cán bộ công nhân viên trong đơn vị. Đến nay chưa phát hiện có sai phạm lớn.



2.8. Công tác đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp

- Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Đề án tái cơ cấu của 5 Tập đoàn và 2 Tổng công ty thuộc Bộ; trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của 5 Tập đoàn kinh tế thuộc Bộ; tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân sự để cử làm kiểm soát viên tại các Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ.

- Về công tác quản lý doanh nghiệp theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ đã ban hành Quy chế quản lý các chức danh lãnh đạo Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà trực thuộc Bộ; Quy chế tạm thời tiếp nhận, quản lý, chi trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với kiểm soát viên và hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương với các doanh nghiệp thuộc Bộ, các quy định, hướng dẫn về xây dựng báo cáo, thống kê, quản lý dự án đầu tư, đánh giá hiệu quả và giám sát doanh nghiệp...

2.9. Công tác đầu tư

Dự kiến tổng số vốn đầu tư thực hiện toàn ngành đạt 215,475 nghìn tỷ đồng, bằng 89,6% kế hoạch năm, tăng 3,4% so với năm 2012.


PHẦN THỨ HAI

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2011-2013

1. Về sản xuất công nghiệp


a) Kết quả đạt được

Giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng bình quân 3 năm 2011-2013 đạt 6,0%. Với kết quả này và dự báo tình hình kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục còn khó khăn trong 2 năm tới, khả năng chỉ tiêu này khó đạt được kế hoạch đề ra cho 5 năm 2011-2015 (tăng 7,2-7,7%).



Cụ thể về tình hình phát triển sản xuất công nghiệp của một số ngành (Phụ lục 11).

b) Những mặt hạn chế

- Sản xuất của ngành công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, theo hướng gia công, lắp ráp.

- Sức cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp tuy đã được cải thiện, nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, nhưng nhìn chung còn thấp.



- Một số sản phẩm công nghiệp vẫn tập trung vào nhóm có mức gia công lớn như da giày, dệt may, dây và cáp điện, điện tử... nên giá trị gia tăng vẫn ở mức thấp.

2. Xuất nhập khẩu

a) Xuất khẩu

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 96,91 tỷ USD, tăng 34,2%; năm 2012 đạt 114,52 tỷ USD, tăng 18,2%, ước cả năm 2013 đạt hơn hơn 132,1 tỷ USD tăng 15,4% so với cùng kỳ. Bình quân tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 ước khoảng 22,3% (cao hơn mức 11% so với mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam và mục tiêu tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030). Với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 là 12%, qua kết quả thực hiện 3 năm, nếu không có gì đột biến, khả năng mục tiêu xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 sẽ hoàn thành và vượt mức kế hoạch.

- Kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng khá và vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu: năm 2011 tăng 25,8%, năm 2012 tăng 6,6% và năm 2013 ước tăng 15,4%. Bình quân tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2011-2013 ước khoảng 15,7%.

Nhập siêu được kiểm soát theo hướng giảm dần: nhập siêu năm 2011 là 9,84 tỷ USD, bằng 10,2% kim ngạch xuất khẩu; năm 2012, xuất siêu 749 triệu USD và năm 2013 xuất siêu khoảng 863 triệu USD. Khả năng 2015 sẽ đạt và vượt chỉ tiêu 5 năm (nhập siêu 12%).



b) Những mặt hạn chế

- Chất lượng tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung chậm cải thiện, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu chuyển dịch chậm, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế biến, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể;

- Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và phần nhiều vẫn là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao.

- Tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường mới như Châu Phi, Mỹ Latinh còn nhỏ và chưa có giải pháp mang tính đột phá để thực sự tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng này.

- Tỷ lệ nhập khẩu còn lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt - may, giầy dép, linh kiện điện tử... phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

3. Phát triển thị trường trong nước và thương mại biên giới

a) Kết quả đạt được

Bình quân tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2013 ước khoảng 17,5%.

Thương mại biên giới được quan tâm phát triển, buôn bán thương mại qua biên giới đạt khoảng 20 tỷ USD/năm. Cơ chế, chính sách về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới cũng được rà soát, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới.

b) Những hạn chế

- Số lượng doanh nghiệp nội địa được hình thành có quy mô lớn, có mô hình kinh doanh hiện đại, có phương thức kinh doanh tiên tiến, giữ vai trò định hướng và tổ chức lưu thông, liên kết với sản xuất và xuất nhập khẩu tạo thành một hệ thống phân phối hiện đại, phát triển bền vững... còn ít.

- Công tác kiểm soát thị trường trong nước tuy đã được tăng cường song vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh còn diễn biến phức tạp.

4. Về tình hình đầu tư toàn ngành giai đoạn 2011 - 2013

Giai đoạn 2011-2013, tổng vốn thực hiện toàn ngành ước đạt 619,286 nghìn tỷ đồng, trong đó:

- Khối sản xuất kinh doanh ước đạt 618,154 nghìn tỷ đồng, gồm:

+ Tập đoàn, Tổng công ty 91 là 605,632 nghìn tỷ đồng;

+ Tổng công ty 90 và doanh nghiệp độc lập là 12,522 nghìn tỷ đồng

- Khối hành chính sự nghiệp ước 1,131 nghìn tỷ đồng. (Phụ lục 12).




PHẦN THỨ BA

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

VÀ THƯƠNG MẠI NĂM 2014 VÀ 2015


I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI NĂM 2014 - 2015

1. Chỉ tiêu tổng hợp

Thực hiện mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các chỉ tiêu của ngành Công Thương trong 2 năm 2014 - 2015 còn lại là:

- Giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm tăng khoảng 6,1 - 6,3%;

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng bình quân 10%/năm;

- Nhập siêu tiếp tục được duy trì ở mức dưới 6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 14%/ năm.



2. Các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể về sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại

2.1. Về sản xuất công nghiệp

2.1.1. Định hướng

- Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư.

- Phấn đấu từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đối với các dự án đầu tư trọng điểm của ngành công nghiệp để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, tránh gây thất thoát, lãng phí và ảnh hưởng tới cân bằng nguồn cung cầu trên thị trường.

- Tập trung rà soát, điều chỉnh nếu cần thiết các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước.



2.2. Về đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu

2.2.1. Định hướng

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

- Đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh, tạo dựng những điều kiện để các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và miền núi khai thác và phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình.


  • Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng biện pháp bảo hộ của nước ngoài.

2.2.2. Mục tiêu

a) Xuất khẩu

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 145,4 tỷ USD, tăng 10%.

b) Nhập khẩu

Dự kiến kim ngạch nhập khẩu năm 2014 khoảng 154 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2013, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu.

Kế hoạch xuất nhập khẩu năm 2015

Dự báo tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2015: tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá 10% (ước đạt 160,3 tỷ USD) và nhập siêu kiểm soát ở mức 5% kim ngạch xuất khẩu.



2.3. Về phát triển thị trường trong nước

2.3.1. Định hướng

- Thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung- cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu; kiểm soát chặt buôn bán qua biên giới.

- Phát triển thị trường trong nước gắn với kích cầu tiêu dùng nội địa, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước một cách hiệu quả; liên kết giữa địa phương với địa phương, các doanh nghiệp với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hoá giúp người sản xuất và doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất, bình ổn thị trường.

2.3.2. Mục tiêu

Dự kiến thị trường hàng hóa trong nước năm 2014 và 2015 sẽ có mức tăng trưởng khá hơn giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 14%/năm. Đến năm 2015, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại khoảng 40%, qua kênh phân phối truyền thống là 60%.



2.4. Về hội nhập kinh tế quốc tế

Tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các bình diện song phương, khu vực và đa phương. Tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong ASEAN; tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác như APEC - ASEM; tăng cường tận dụng các cơ hội hội nhập để nâng cao năng lực và giải quyết các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, khu vực.


II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2014 - 2015

1. Về ổn định kinh tế vĩ mô

- Tiếp tục bảo đảm giữ vững cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế quốc dân trong mọi tình huống; phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Tiếp tục thực hiện kế hoạch và chương trình bình ổn thị trường ở các địa phương đặc biệt vào các dịp lễ, tết hoặc ở các thời điểm mà thị trường các hàng hoá thiết yếu có dấu hiệu sốt giá.

- Tiếp tục thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với giá điện, than, xăng dầu, giá dịch vụ công, đồng thời giám sát các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh trên thị trường để nâng giá, giảm giá hoặc giảm chất lượng của các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trên.

- Phát triển xuất khẩu một cách bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục nâng cao tỷ trọng hàng chế biến và có hàm lượng công nghệ cao trong cơ cấu xuất khẩu; kiểm soát nhập siêu có hiệu quả, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu thông qua việc sử dụng hàng rào kỹ thuật.

2. Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh

- Thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; chuyển dần từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án đã được soát xét trong giai đoạn 2011-2015, tập trung vốn để hoàn thành sớm đưa vào hoạt động, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động... ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động, tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Sắp xếp lại doanh nghiệp theo tinh thần Nghị định 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác của cấp trên.

- Có giải pháp phù hợp để các doanh nghiệp nhà nước sử dụng tiết kiệm các nguồn lực, đồng thời tăng nguồn thu cho nhà nước và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.

3. Tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại

a) Về phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ

- Từng bước phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế đến năm 2020. Trước mắt, năm 2014 tập trung đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá và thi, cơ chế tài chính giáo dục; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của ngành Công Thương.

- Thực hiện tốt các Đề án khoa học công nghệ đã được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ.

b) Tham gia tích cực vào các lĩnh vực an sinh xã hội

Cải thiện môi trường và điều kiện lao động, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người lao động; giải quyết kịp thời các chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động mất việc làm; tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.



c) Về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

- Triển khai thực hiện Chương trình hành động của ngành Công Thương để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn ngành Công Thương về bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, kịp thời các quy định, cơ chế, chính sách bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên, khoáng sản theo quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

- Khẩn trương trình ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cập nhật và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành Công Thương ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Rà soát, bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa thủy điện có nguy cơ mất an toàn. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hồ chứa. Rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành và thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du... theo đúng tinh thần Nghị quyết 62 Quốc hội khoá XIII và Nghị quyết chuyên đề thủy điện của Chính phủ.

d) Về quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật An toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn đến 2015 tầm nhìn 2020.



đ) Về cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí; khiếu nại tố cáo

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngành Công Thương, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.



- Triển khai thực hiện Luật tiếp công dân, tăng cường đối thoại và tiếp công dân tại cơ sở.

e) Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ

g) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân./.

1 Ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương

2 Ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 17 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương


Каталог: App File -> files
files -> Phụ lục 11 MỘt sỐ tình hình cỦa các ngành sẢn xuẤt công nghiỆp 6 tháng đẦu năm 2010
App File -> Phụ lục I bản công bố HỢp quy
files -> BÁo cáo tổng kếT (tóm tắt) TÌnh hình thực hiện nhiệm vụ KẾ hoạch năM 2009 VÀ KẾ hoạch năM 2010
App File -> CỤc quản lý DƯỢc số: 511/QĐ-qld cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2015
App File -> Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-cp ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương
files -> TÌnh hình hoạT ĐỘng ngành công nghiệp và thưƠng mại tháng 8 VÀ 8 tháng năM 2010

tải về 101.36 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương