80 CÂu hỏI ĐÁp những quy đỊnh mới của pháp luật về phòNG, chống tham nhũNG



tải về 382.57 Kb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích382.57 Kb.
#25943
  1   2   3   4   5   6
80 CÂU HỎI ĐÁP NHỮNG QUY ĐỊNH MỚI

CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

I. NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2013/NĐ-CP NGÀY 17/6/2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (Nghị định số 59/2013/NĐ-CP)

Câu 1. Đề nghị cho biết những hành vi tham nhũng nào bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP thì các hành vi tham nhũng được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng được xác định theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cụ thể, Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định các hành vi tham nhũng ở phần các tội phạm về tham nhũng như sau:

- Tội tham ô tài sản (Điều 278): Hành vi tham nhũng thuộc tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Tội nhận hối lộ (Điều 279): Hành vi tham nhũng thuộc tội nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280): Hành vi tham nhũng thuộc tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi (Điều 281): Hành vi tham nhũng thuộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Tội lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi (Điều 282): Hành vi tham nhũng thuộc tội lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (Điều 283): Hành vi tham nhũng thuộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

- Tội giả mạo trong công tác vì vụ lợi (Điều 284): Hành vi tham nhũng thuộc tội giả mạo trong công tác vì vụ lợi là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.



Câu 2. Để dự án đầu tư xây dựng thêm Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước sớm được phê duyệt, ông A là Giám đốc Công ty đã chi 500 triệu đồng để làm “phí giao dịch”. Xin hỏi, trong trường hợp này hành vi của ông A có xác định là hành vi tham nhũng không?

Trả lời:

Nhằm ngăn ngừa tham nhũng, ngoài việc quy định người có chức vụ, quyền hạn nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất thì pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng quy định người có chức vụ, quyền hạn mà đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương thì được xác định là hành vi tham nhũng.

Các hành vi tham nhũng trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP, gồm những hành vi sau:

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận cơ chế, chính sách có lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được ưu tiên trong việc cấp ngân sách cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được giao, phê duyệt dự án cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận danh hiệu thi đua, danh hiệu vinh dự nhà nước đối với tập thể và cá nhân;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được cấp, duyệt các chỉ tiêu về tổ chức, biên chế nhà nước cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán hoặc để làm sai lệch kết quả kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để được nhận các lợi ích khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

Như vậy, ông A là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước có hành vi chi 500 triệu đồng để được phê duyệt dự án của Công ty được xác định là hành vi tham nhũng.

Câu 3. Lấy lý do nâng cao thu nhập, đời sống vật chất cho cán bộ, công nhân viên, ông S là thủ trưởng của cơ quan, đã cho một đơn vị thuê nhà kho của cơ quan để làm cửa hàng bán đồ điện tử. Hai phần ba số tiền thu được từ việc cho thuê nộp vào Công đoàn cơ quan (đây cũng là giá trị thể hiện trong hợp đồng cho thuê), còn một phần người thuê phải trả trực tiếp cho ông S. Xin hỏi hành vi của ông S có xác định là hành vi tham nhũng không?

Trả lời:

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan, việc cho một đơn vị thuê nhà kho cơ quan của ông S là hành vi sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước. Cũng từ việc cho thuê này mà ông S đã được lợi một khoản tiền, mà theo quy định tại Điểm 9 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng thì đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

Cụ thể, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi được liệt kê tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP, bao gồm những hành vi sau:

- Sử dụng tài sản của Nhà nước vào việc riêng;

- Cho thuê, cho mượn tài sản của Nhà nước trái quy định của pháp luật;

- Sử dụng tài sản của Nhà nước vượt chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Từ phân tích trên và đối chiếu với quy định pháp luật, hành vi của ông S là hành vi tham nhũng.

Câu 4. Đề nghị cho biết việc áp dụng hình thức công khai trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 12 Luật phòng, chống tham nhũng quy định bảy hình thức công khai chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc áp dụng hình thức công khai nào do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lựa chọn căn cứ vào nội dung, đối tượng của thông tin được công khai và mục đích của việc công khai thông tin.

Điều 5 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định: Trong trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về hình thức công khai thì phải áp dụng hình thức công khai đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc áp dụng hình thức công khai và chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm các quy định về áp dụng hình thức công khai theo quy định của pháp luật.



Câu 5. Ông H ở phường X hỏi: “Theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật phòng, chống tham nhũng thì công dân có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp thông tin về hoạt động của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó. Vậy, người yêu cầu Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cung cấp thông tin có quyền và nghĩa vụ gì”?

Trả lời:

Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin được quy định tại Điều 6 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP. Theo đó:

1. Về quyền:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền sau:

+ Yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật Phòng, chống tham nhũng;

+ Được nhận thông tin đã yêu cầu hoặc nhận văn bản trả lời về việc từ chối hoặc chưa cung cấp thông tin;

+ Khiếu nại về việc không cung cấp thông tin hoặc không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin theo đúng quy định của pháp luật.

2. Về nghĩa vụ:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin có các nghĩa vụ sau:

+ Yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu có ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lý do của việc yêu cầu cung cấp thông tin;

+ Thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật;

+ Không được lợi dụng quyền yêu cầu cung cấp thông tin để gây rối hoặc để thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân;

+ Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật về việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.

Câu 6. Khi có yêu cầu được cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng, pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin?

Trả lời:

Điều 7 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin như sau:

1. Về quyền:

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có các quyền sau đây:

a) Được biết lý do của việc yêu cầu cung cấp thông tin;

b) Từ chối cung cấp các thông tin thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ, thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai, thông tin không liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu;

c) Yêu cầu người được cung cấp thông tin sử dụng thông tin đó hợp pháp và bảo đảm tính chính xác khi sử dụng thông tin đó.

2. Về nghĩa vụ:

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;

b) Trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin biết trong trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được;

c) Hướng dẫn tiếp cận thông tin được yêu cầu trong trường hợp thông tin đó đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai;

d) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật về việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin.

Câu 7. Hình thức yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật quy định như thế nào ?



Trả lời:

Hình thức yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 9 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP như sau:

1. Việc yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu.

2. Văn bản hoặc thông điệp dữ liệu yêu cầu cung cấp thông tin được chuyển trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc qua giao dịch điện tử cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu.



Câu 8. Khi có yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định nào ?

Trả lời:

Điều 10 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định về thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin như sau:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin phải tiến hành một trong các hoạt động sau:

1. Thực hiện việc cung cấp thông tin khi nội dung thông tin được yêu cầu đáp ứng các điều kiện sau:

a) Thuộc phạm vi công khai theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định này;

b) Thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu;

c) Chưa được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai.

2. Trả lời bằng văn bản về việc không cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu trong trường hợp nội dung thông tin được yêu cầu không đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều này và nêu rõ lý do.

3. Nếu thông tin được yêu cầu đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai thì trong văn bản trả lời phải có hướng dẫn cách thức tiếp cận thông tin đó.

Câu 9. Pháp luật quy định như thế nào về bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân?

Trả lời:

Để bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Điều 11 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định như sau:

1. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin có căn cứ cho rằng việc cung cấp thông tin là chưa đầy đủ hoặc trái pháp luật thì có quyền khiếu nại.

2. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về quyền yêu cầu cung cấp thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.



Câu 10. Nguyên tắc xác định thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 13 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác như sau:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền bổ nhiệm, tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý khi có căn cứ được quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Trường hợp pháp luật khác hoặc điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quy định về thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác thì áp dụng quy định của pháp luật đó hoặc theo điều lệ của tổ chức đó.

Câu 11. Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Sở Tài chính và Cục trưởng cục thuế tỉnh N, khi hai người này có dấu hiệu thực hiện hành vi tham nhũng hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP thì thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác trong cơ quan hành chính nhà nước được quy định như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

3. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan mình và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

5. Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục, Cục và cấp tương đương và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

6. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

7. Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, cán bộ, công chức, viên chức do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Chiếu theo quy định này, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác với Cục trưởng Cục thuế tỉnh N, vì Tổng cục thuế và các Cục thành viên là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, còn Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Do đó thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác với Giám đốc Sở Tài chính tỉnh N phải là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh N.



Câu 12. Ông A – Trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện C bị tố cáo có hành vi tham nhũng số tiền hỗ trợ cho dân vùng lũ. Anh tôi là nhân viên của Ban phòng chống lụt bão, khi được yêu cầu cung cấp tài liệu phục vụ điều tra, anh tôi đã nghiêm túc chấp hành, tuy nhuên có một số tài liệu bị thất lạc, chưa tìm thấy, nhưng cơ quan điều tra lại cho rằng anh tôi gây khó khăn cho việc điều tra nên đề nghị ra quyết định tạm đình chỉ công tác với anh tôi.

Xin hỏi: căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP về căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác thì việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và đồng thời người đó có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc. Cụ thể như sau:

1. Căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Khi có văn bản yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;

b) Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;

c) Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;

d) Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc thi hành công vụ.

2. Cán bộ, công chức, viên chức được coi là có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người đó có một trong các hành vi sau đây:

a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật;

b) Cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng;

c) Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.



Câu 13. Người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác có những quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Điều 17 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác như sau:

1. Về quyền của người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức:

a) Yêu cầu cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cung cấp thông tin, tài liệu để làm rõ căn cứ cho việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác;

b) Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác phối hợp với cơ quan hoặc người có thẩm quyền để xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng.

2. Về nghĩa vụ của người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức:

a) Gửi quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đến cán bộ, công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác và cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi tiếp nhận người tạm thời chuyển vị trí công tác đến làm việc;

b) Hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng hoặc hết thời hạn tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác mà không xác định được người đó có hành vi tham nhũng;

c) Thông báo công khai với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức;

d) Khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng hoặc hết thời hạn tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác mà không xác định được người đó có hành vi tham nhũng.

Câu 14. Xin cho biết quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác có quyền và nghĩa vụ như sau:

1. Về quyền:

a) Nhận quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác;

b) Nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận về việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng;

c) Đề nghị người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác xem xét lại quyết định khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

d) Đề nghị người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác khi hết thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có kết luận về hành vi tham nhũng hoặc sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng;

đ) Đề nghị người có thẩm quyền khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của mình và bồi thường khi có thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

2. Về nghĩa vụ:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển vị trí công tác khác của người có thẩm quyền;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng;

c) Chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức đơn vị tiếp nhận trong thời gian tạm thời chuyển vị trí công tác khác.



Каталог: Hnh%20nh%20bn%20tin -> 2015-7
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh
Hnh%20nh%20bn%20tin -> SỞ TƯ pháp số: 2692 /stp-bttp v/v một số nội dung liên quan đến việc chuyển giao CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Hnh%20nh%20bn%20tin -> QUỐc hội nghị quyết số: 24/2008/QH12 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Hnh%20nh%20bn%20tin -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam ðộc lập Tự do Hạnh phúc
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Mẫu số 01. Đơn xin giao đất/cho thuê đất/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 22a/btp/cn-tn
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Ủy ban nhân dân thành phố HỒ chí minh cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 11a/btp/pbgdpl/hgcs
Hnh%20nh%20bn%20tin -> Biểu số: 09a/btp/pbgdpl
2015-7 -> Ủy ban nhân dân quậN 7

tải về 382.57 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương