Ủy ban dự thảo sửA ĐỔi hiến pháp năM 1992 BẢng tham chiếu so sánh và giải trình các nội dung sửA ĐỔI, BỔ sung với hiến pháp năM 1992



tải về 0.77 Mb.
trang5/9
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.77 Mb.
#13623
1   2   3   4   5   6   7   8   9

CHƯƠNG V

QUỐC HỘI

HIẾN PHÁP NĂM 1992

(ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2001)

DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

GIẢI TRÌNH CÁC NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Điều 83

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.


Điều 75 (sửa đổi, bổ sung Điều 83)

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Điều 75 dự thảo Hiến pháp quy định về vị trí, chức năng của Quốc hội trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:

- Khẳng định Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp để thể chế hóa nội dung Cương lĩnh về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp;

- Quy định khái quát những nguyên tắc chung về chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước chức năng giám sát của Quốc hội để tránh trùng lặp với các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Quốc hội tại Điều 76 dự thảo Hiến pháp.



Điều 84

Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;

2- Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

3- Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

4- Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;

5- Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;

6- Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương;

7- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

8- Quyết định thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

9- Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội;

10- Quyết định đại xá;

11- Quy định hàm, cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;

12- Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;

13- Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế khác đã được ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ tịch nước;

14- Quyết định việc trưng cầu ý dân.



Điều 76 (sửa đổi, bổ sung Điều 84)

Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật;

2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước;

3. Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

4. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước;

5. Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;

6. Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và chính quyền địa phương;

7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh; phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

8. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

9. Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật.

10. Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;

11. Quyết định đại xá;

12. Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;

13. Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và phê chuẩn việc ký kết hiệp ước hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;

14. Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, thương mại quốc tế và các nội dung được quy định trong luật.

15. Quyết định việc trưng cầu ý dân.


Điều 76 của dự thảo Hiến pháp quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội theo hướng:

- Kế thừa những quy định còn phù hợp của Điều 84 Hiến pháp năm 1992;


- Về mặt kỹ thuật, để bảo đảm tương ứng với các chức năng cơ bản của Quốc hội quy định tại Điều 75 dự thảo Hiến pháp, Điều 76 được bố cục lại theo hướng gom các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội theo các nhóm nội dung về lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; quyết định về tổ chức bộ máy, nhân sự; các thẩm quyền khác liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại để bảo đảm tính lô gic và hợp lý.


- Sửa đổi, bổ sung một số quy định để các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội thực chất và khả thi hơn, cụ thể là:

+ Về thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định về thẩm quyền này của Quốc hội thành “quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” (khoản 3 Điều 76).


Việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền này nhằm xác định rõ hơn mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, theo đó Quốc hội quyết định các mục tiêu định hướng chung của quá trình phát triển của đất nước, làm cơ sở cho hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ.

+ Trong hoạt động phê chuẩn điều ước quốc tế: dự thảo Hiến pháp quy định các điều ước quốc tế có liên quan đến thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, về chiến tranh và hòa bình, về chủ quyền quốc gia, về quyền và nghĩa vụ của công dân, về tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực, về thương mại quốc tế, về việc làm phát sinh các nghĩa vụ tài chính quan trọng của Nhà nước đều phải được Quốc hội phê chuẩn.


Điều này xuất phát từ lý do là việc phê chuẩn điều ước quốc tế có liên quan chặt chẽ đến thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, nên cần phải được xác định cụ thể trong Hiến pháp.

+ Bổ sung quy định về hoạt động giám sát, quyết định nhân sự, tổ chức bộ máy đối với một số thiết chế hiến định độc lập (nếu được thành lập) của Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước.


Điều 85

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm.

Hai tháng trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong. Thể lệ bầu cử và số đại biểu Quốc hội do luật định.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình.



Điều 77 (sửa đổi, bổ sung Điều 85)

1. Nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm.

2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp chiến tranh.


Điều 77 dự thảo Hiến pháp quy định về nhiệm kỳ Quốc hội. Điều này cơ bản kế thừa các nội dung của Điều 85 Hiến pháp năm 1992, có một số vấn đề cụ thể được sửa đổi, bổ sung như sau:


- Sửa cụm từ “hai tháng trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ” thành “sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ” cho chính xác;

- Đoạn cuối của Điều 85 Hiến pháp năm 1992 về việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, bổ sung chủ thể đề nghị là Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Đối với trường hợp kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung quy định việc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp chiến tranh nhằm bảo đảm tính chặt chẽ của quy phạm Hiến pháp.

- Về kỹ thuật, bố cục lại Điều này thành ba khoản cho rành mạch.



Điều 92

Chủ tịch Quốc hội chủ toạ các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch.


Điều 78 (sửa đổi, bổ sung Điều 92)

Chủ tịch Quốc hội chủ toạ các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch.

Điều 78 dự thảo Hiến pháp cơ bản kế thừa các nội dung của Điều 92 Hiến pháp năm 1992, chỉ bổ sung quy định Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực Hiến pháp.





Điều 90

Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội gồm có:

- Chủ tịch Quốc hội;

- Các Phó Chủ tịch Quốc hội;

- Các Ủy viên.

Số thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội của mỗi khoá Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới.



Điều 79 (sửa đổi, bổ sung Điều 90)

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên.

3. Số thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.

4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội của mỗi khoá Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới.

- Điều này cơ bản giữ các nội dung của Điều 90 Hiến pháp năm 1992, chỉ bố cục lại thành 4 khoản cho rành mạch.




Điều 91

Uỷ ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Công bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội;

2- Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội;

3- Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

4- Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao;

5- Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đình chỉ việc thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc huỷ bỏ các văn bản đó; huỷ bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

6- Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân;

7- Chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội;

8- Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội;

9- Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

10- Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;

11- Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.


Điều 80 (sửa đổi, bổ sung Điều 91)

Uỷ ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội;

2. Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước;

4. Đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

5. Hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ các nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân;

6. Lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội;

7. Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội;

8. Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

9. Quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

10. Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;

11. Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

Điều 80 dự thảo Hiến pháp quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 91 Hiến pháp năm 1992, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:

- Chuyển thẩm quyền Công bố, chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội cho Hội đồng bầu cử Quốc gia. Cơ quan này sẽ đảm nhận một số trách nhiệm về công tác tổ chức bầu cử, trong đó có bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan này cũng như các thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với công tác bầu cử sẽ do luật định.

- Bổ sung thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.

Theo quy định của Hiến pháp năm 1992, Chính phủ có quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh. Dự thảo quy định việc điều chỉnh địa giới hành chính lãnh thổ dưới cấp tỉnh phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội quyết định (khoản 9 Điều 80). Bởi đây là vấn đề lãnh thổ, là vấn đề quan trọng cần phải do cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân xem xét, quyết định. Trong điều kiện Quốc hội chưa hoạt động thường xuyên thì việc này giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định là phù hợp.


Điều 94

Quốc hội bầu Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội những vấn đề về dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước khi ban hành các quyết định về chính sách dân tộc, Chính phủ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc được tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn việc thực hiện chính sách dân tộc.

Hội đồng dân tộc còn có những nhiệm vụ, quyền hạn khác như các Uỷ ban của Quốc hội quy định tại Điều 95.

Hội đồng dân tộc có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách.


Điều 81 (sửa đổi, bổ sung Điều 94)

1. Hội đồng dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch Hội đồng dân tộc do Quốc hội bầu; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

2. Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng dân tộc.

4. Hội đồng dân tộc có những nhiệm vụ, quyền hạn khác như các Uỷ ban của Quốc hội quy định tại khoản 2 Điều 82.

- Điểm mới cơ bản của Điều 81 dự thảo Hiến pháp so với Điều 94 Hiến pháp năm 1992 là thẩm quyền bầu các thành viên Hội đồng dân tộc của Quốc hội được sửa lại theo hướng: “... các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.

Việc sửa đổi này xuất phát từ các lý do sau đây:

+ Thực tế, việc Quốc hội bầu tất cả các chức danh như quy định hiện nay là quá nặng. Do đó, lần này có sự phân cấp; bảo đảm tính linh hoạt trong công tác điều động, bố trí, luân chuyển cán bộ;

+ Bảo đảm quyền được tham gia Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội của các đại biểu Quốc hội.

- Về kỹ thuật, Điều này được bố cục lại thành bốn khoản cho rành mạch.

- Trình tự, thủ tục phê chuẩn Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội do luật định.


Điều 95

Quốc hội bầu các Uỷ ban của Quốc hội.

Các Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và dự án khác, những báo cáo được Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao; trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vị hoạt động của Uỷ ban.

Mỗi Uỷ ban có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách.



Điều 82 (sửa đổi, bổ sung Điều 95)

1. Ủy ban của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên. Chủ nhiệm Ủy ban do Quốc hội bầu; các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

2. Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật và dự án khác, báo cáo được Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban.

3. Số lượng các Ủy ban do Quốc hội quyết định.


Điều 82 dự thảo Hiến pháp quy định về Ủy ban của Quốc hội. Điều này cơ bản kế thừa các nội dung của Điều 94 Hiến pháp năm 1992, có sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:

- Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền bầu, phê chuẩn Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban của Quốc hội theo hướng: “... các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn” với lý do tương tự như đã nêu tại Điều 81.

- Bổ sung nội dung: “Số lượng Ủy ban do Quốc hội quyết định” để bảo đảm cơ sở hiến định cho việc cụ thể hóa các nội dung này ở Luật tổ chức Quốc hội.

- Không quy định nội dung “Mỗi Uỷ ban có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách.” mà để quy định trong Luật tổ chức Quốc hội để bảo đảm tính linh hoạt trong hoạt động của các Ủy ban theo hướng tăng dần số đại biểu hoạt động chuyên trách hoặc tiến tới có những Ủy ban bao gồm toàn bộ các đại biểu chuyên trách.

- Về kỹ thuật, bố cục lại Điều này thành ba khoản cho rành mạch.



Điều 96

Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và viên chức Nhà nước hữu quan khác trình bày hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó.

Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời những kiến nghị của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.


Điều 83 (sửa đổi, bổ sung Điều 96)

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin hoặc giải trình.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, báo cáo hoặc giải trình về các vấn đề mà Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội yêu cầu.


Trên cơ sở kế thừa các quy định của Điều 96 Hiến pháp năm 1992, Điều 83 dự thảo Hiến pháp quy định rõ hơn về quyền yêu cầu cung cấp thông tin hoặc giải trình của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Nội dung mới này xuất phát từ các lý do sau đây:

- Tiếp tục thể chế hóa yêu cầu của Đảng về “cải tiến, nâng cao hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội”;

- Bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ của đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

- Hiến định hoạt động giải trình hiện đang được các cơ quan của Quốc hội thực hiện khá hiệu quả; tăng cường tính hiệu quả và hiệu lực của hoạt động giám sát.






Điều 84 (mới)

Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.


Đây là một điều mới được bổ sung, nhằm hiến định thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.

Việc bổ sung Điều này xuất phát từ các lý do sau đây:

- Bảo đảm quyền chủ động của Quốc hội trong việc thiết lập các tổ chức bộ máy nhằm phục vụ việc cung cấp thông tin độc lập, khách quan cho Quốc hội;

- Tạo ra phương thức hoạt động linh hoạt cho Quốc hội để thích ứng với các yêu cầu, nhiệm vụ trong các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước;

- Hiện tại ở nước ta, hình thức này đã được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (ủy ban điều tra) và Luật tổ chức Quốc hội. Do đây là một hình thức hoạt động cơ bản của Quốc hội nên cần phải được quy định vào Hiến pháp để có cơ sở triển khai thực hiện. Hơn nữa, đây cũng là một hình thức tổ chức rất phổ biến và cần thiết trong phương thức hoạt động theo chế độ tập thể của Quốc hội các nước trên thế giới.



Điều 97

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.

Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó.

Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.



Điều 85 (sửa đổi, bổ sung Điều 97)

1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu.

2. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó.

3. Đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.


Điều 85 quy định về các thẩm quyền của đại biểu Quốc hội trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước và của nhân dân ở đơn vị bầu đại biểu, cơ bản kế thừa các nội dung của Điều 97 Hiến pháp năm 1992, chỉ bố cục lại thành bốn khoản cho rành mạch.




Điều 98

Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp; trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội hoặc cho trả lời bằng văn bản.

Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Người phụ trách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.



Điều 86 (sửa đổi, bổ sung Điều 98)

1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội, trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc trả lời bằng văn bản.

3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin, tài liệu và trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Người phụ trách của cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.


Điều 86 quy định về việc chất vấn của đại biểu Quốc hội, cơ bản kế thừa các nội dung của Điều 98 Hiến pháp năm 1992. Đồng thời bổ sung một chủ thể chịu sự chất vấn của đại biểu Quốc hội là Tổng Kiểm toán Nhà nước, tương ứng với việc bổ sung cơ quan Kiểm toán Nhà nước vào Hiến pháp.




Điều 99

Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội.

Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định.


Điều 87 (sửa đổi, bổ sung Điều 99)

Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội; nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.


Nội dung Điều này cơ bản kế thừa quy định của Điều 99 Hiến pháp năm 1992.




Điều 100

Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết mà đại biểu yêu cầu và tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu.

Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội.



Điều 88 (sửa đổi, bổ sung Điều 100)

Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu; có quyền đề nghị làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu.

Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội.


Điều này quy định về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hữu quan trong việc bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội trên cơ sở kế thừa các nội dung của Điều 100 Hiến pháp năm 1992.

Điểm mới của Điều này là đã bổ sung quy định về quyền của đại biểu Quốc hội trong việc đề nghị làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội. Đây là một quy định mới nhằm khẳng định quyền chủ động của đại biểu Quốc hội trong việc đề xuất tham gia một cơ quan chuyên môn của Quốc hội, bảo đảm để đại biểu phát huy đúng sở trường và năng lực, kinh nghiệm công tác của họ trong cơ quan mà mình tham gia làm thành viên.


Điều 86

Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ do Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập.

Trong trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu hoặc theo quyết định của mình, Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập Quốc hội họp bất thường.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới được triệu tập chậm nhất là hai tháng kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và do Chủ tịch Quốc hội khoá trước khai mạc và chủ tọa cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khoá mới.



Điều 89 (sửa đổi, bổ sung Điều 86)

1. Quốc hội họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín.

2. Quốc hội họp mỗi năm ít nhất hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Uỷ ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội.

3. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới được triệu tập chậm nhất là sáu mươi ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội khoá trước khai mạc và chủ tọa cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội khoá mới.


Điều 89 quy định về kỳ họp Quốc hội. bao gồm các kỳ họp định kỳ, đột xuất, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, cơ bản kế thừa các nội dung của Điều 86 Hiến pháp năm 1992, chỉ bố cục lại thành ba khoản và chỉnh sửa một số cụm từ về kỹ thuật cho phù hợp và chính xác.




Điều 87

Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội.

Thủ tục trình Quốc hội dự án luật, kiến nghị về luật do luật định.




Điều 90 (sửa đổi, bổ sung Điều 87)

1. Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật trước Quốc hội.

Điều này kế thừa các quy định còn phù hợp của Điều 87 Hiến pháp năm 1992, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau đây:

- Bổ sung chủ thể có thẩm quyền trình dự án luật là Kiểm toán nhà nước, phù hợp với việc bổ sung chế định Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp.

- Bổ sung một khoản mới quy định rõ vai trò của Chính phủ đối với các dự án luật có ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia. Điều này xuất phát từ lý do sau đây:

+ Ngân sách là công cụ thực hiện các chính sách quốc gia, mà Chính phủ là cơ quan có quyền hoạch định chính sách quốc gia nên phải được ưu tiên trong việc xây dựng chi tiết các dự án liên quan đến ngân sách;

+ Chính phủ là cơ quan có năng lực hiểu biết chính xác những nhu cầu của các tổ chức, các chương trình quốc gia về ngân sách cũng như nguồn thu của các hoạt động đó, nên các dự án luật làm thay đổi nghĩa vụ tài chính của Nhà nước, làm phát sinh các khoản chi từ ngân sách nhà nước cần phải có ý kiến tham gia của Chính phủ để bảo đảm tính khả thi.



Điều 88

Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ các trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 7, rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội quy định tại Điều 85 và sửa đổi Hiến pháp quy định tại Điều 147, thì phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày kể từ ngày được thông qua.

Điều 93

Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày kể từ ngày được thông qua, trừ trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét lại.



Điều 91 (sửa đổi, bổ sung Điều 88, Điều 93)

1. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp Hiến pháp quy định phải có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

2. Luật, nghị quyết của Quốc hội phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày được thông qua.

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.



Điều 91 cơ bản kế thừa quy định của Điều 88 Hiến pháp năm 1992 về tỷ lệ biểu quyết thông qua các quyết định quan trọng của Quốc hội. Đồng thời chuyển nội dung về tỷ lệ biểu quyết thông qua pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ Điều 93 của Hiến pháp năm 1992 về Điều này cho chặt chẽ, lô gic và không quy định ở nhiều nơi.


Điều 89

Quốc hội bầu Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội và căn cứ vào báo cáo của Uỷ ban mà quyết định xác nhận tư cách đại biểu của đại biểu Quốc hội.


Bỏ Điều này



Chuyển thẩm quyền này sang Hội đồng bầu cử quốc gia.

Каталог: DuThao -> Lists -> DT TAILIEU COBAN -> Attachments
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 151 /bc-btp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Phần thứ nhất ĐÁnh giá TÌnh hình tổ chức thực hiện luật hợp tác xã NĂM 2003
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Danh mỤc LuẬt/NghỊ đỊnh thư cỦa các quỐc gia/khu vỰc đưỢc tham khẢo trong quá trình xây dỰng DỰ thẢo luật tài nguyên, môi trưỜng biỂn và hẢi đẢo
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 1- tình hình gia nhập công ước quốc tế về an toàn – vệ sinh lao động
Attachments -> BÁo cáo tổng hợp kinh nghiệm nưỚc ngoài a. Nhận xét chung

tải về 0.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương