Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn


Chuyện giáo lý của Như Lai



tải về 1.71 Mb.
trang8/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   28

Chuyện giáo lý của Như Lai

Từ khi vào chuyện đến giờ, tất cả vẫn là Phật pháp, chẳng có gì ra ngoài giáo lý Như Lai, vì giáo lý của Đấng Giác Ngộ từ thế gian mà xuất hiện cho nên có bàn thêm cũng chỉ là bổ túc rõ nghĩa hơn.


Bạn nghĩ xem chúng ta phải bắt đầu nói gì trước tiên, với đề tài Giáo Lý của Như Lai?
Quả thật là khó!
Thật tình với bạn, câu chuyện học Phật của bạn và tôi ở đây, tuyệt đối là căn bản, thật căn bản. Chúng ta chỉ toàn nói chuyện thế gian rồi lồng vào giáo lý giải thoát của Như Lai mà tìm hiểu tu học, chứ nào có đủ sức lý giải nổi yếu nghĩa giải thoát. Hơn nữa có muốn nói cũng chẳng được, và có làm được lại thành dư thừa, một sự dư thừa dở tệ!
Vì sao? Vì đã có thật nhiều sách luận nói về giáo lý của Như Lai. Các vị đó là tu sĩ, cư sĩ, học giả, thật tu, thật học, ham say giáo điển, đã lo lắng chuyện này lâu rồi, do đó bạn nghĩ xem chúng ta phải nên mừng là phải.
Vậy thì bạn và tôi phải nói những điều thực tế nhất, những điều mà đôi khi chúng ta học nhiều lại dễ quên.
Thường bạn nghe người ta nói cuộc đời là phù du, là huyễn mộng, là hư giả, là chiêm bao, mới thấy đó rồi mất đó. Lời than thở, lời chán ngán này có đúng như vậy không?
Thưa bạn quả là đúng, và nhà Phật tóm gọn những lời bình phẩm trên bằng hai tiếng Vô Thường.
Nào chúng ta sẽ nói về vô thường.
Chắc bạn còn nhớ khi bắt đầu vào chuyện chúng ta cũng có đề cập đến vô thường; giờ ta thử đi vào chi tiết tìm hiểu thực tiển trong đời sống chúng ta ra sao.
*
Định nghĩa về vô thường ai cũng biết, nghĩa là không cố định, không thể giữ mãi tính chất ban đầu của nó, và luôn luôn thay đổi không tồn tại dài lâu.
Định nghĩa dễ như vậy, nhưng cảm nhận lại không phải dễ. Người không hiểu đạo Phật vẫn có thể định nghĩa được, như là sự vật nào cũng bị xoáy mòn hư hoại theo thời gian, kể cả con người. Nhưng rồi định nghĩa, để mà định nghĩa, rồi xem chuyện đó là đương nhiên chẳng gì màng đến.
Người hiểu đạo Phật khá hơn, bác học hơn, sẽ định nghĩa rõ hơn, sâu hơn, và đúng giáo lý hơn một tí, chẳng hạn: là sự biến đổi qua bốn thời kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không; là sinh diệt từng sát na, từng tâm niệm, và chẳng có gì tự tại tự chủ được; vì không có chủ tể, mà chỉ là nhân duyên kết nối, nên gọi là vô thường.
Nhưng rồi tất cả định nghĩa như thế có làm ta thức tỉnh không? Đó mới là vấn đề.
Khi Thái Tử Tất Đạt Đa còn ở hoàng cung, Ngài đã nhận ra vô thường mà không cần định nghĩa nhiều như chúng ta; Ngài thấy vô thường bằng hình ảnh hoa héo, cây khô, người già, người bệnh, thây chết.
Ngày nay cũng có người cảm được điều này, nhưng rất ít. Vậy tại sao? Không lẽ cho rằng ta không hiểu vô thường!
Ta mới vừa định nghĩa đó, định nghĩa một cách sâu sắc nữa mà!
Thôi! Ta hãy lấy cuộc đời của ta mà định nghĩa vô thường vậy.
Bạn còn nhớ, tôi cũng còn nhớ, và tất cả người khác cũng nhớ; thời niên thiếu một thời thơ ngây, dễ thương, mơ mộng. Thời ấy ta chẳng biết quá khứ tương lai là gì, chỉ biết có hiện tại, biết hiện tại theo lối không biết lo, chứ không phải như các vị Thiền sư biết hiện tại trong tự tại định tâm chánh niệm.
Còn tương lai thời niên thiếu chỉ biết tìm cách tiếp tục chơi đùa giởn phá. Việc học hành tới đâu hay tới đó, học cho Ba cho Má vui, học để khỏi dốt, học để có đi học với bạn bè, chứ chẳng lo, chẳng nghĩ, học là cho mình, cho tương lai. Thời gian cứ thế mà trôi, lại may mắn không bệnh không chết sớm, để oan tiếc một đời sống quý báu làm người. Rồi lớn lên, theo cuộc đời trôi nổi, ý thức được thời gian ngựa chạy như bay, nghĩ mình đã trưởng thành, nhìn lại tất cả bạn bè trở thành cha mẹ; các đứa con mình lại giống mình ngày xưa không khác, chúng cũng đùa giởn thơ ngây chẳng biết suy nghĩ cuộc đời.
Lại nhìn lên cha mẹ mình thì sao? Đã không còn nữa, hoặc còn cha mất mẹ, hay còn mẹ mất cha. Lần nữa thời gian trôi đi, bây giờ mình đã già, và rồi con mình lại giống mình, trưởng thành làm cha làm mẹ; cuối cùng là ngày ra đi của mình chẳng khác cha mẹ vậy.
Bạn có biết rằng, bạn bao nhiêu tuổi thì vô thường cũng bao nhiêu năm không?. Tôi thử tính vô thường theo khoảng thời gian một năm. Một năm cũng khá lâu chứ, tới hơn ba trăm sáu chục ngày, vậy mà giờ đây bạn đã ba chục tuổi, hay bốn năm chục tuổi rồi. Nếu cho cuộc đời bạn thọ được bảy mươi, như vậy hoặc ba mươi, hay hai mươi cái vô thường nữa, bạn sẽ ra đi.
Nhưng vô thường theo định nghĩa trên, có thể thay đổi bất cứ lúc nào, do đó tuổi thọ của bạn cũng có thể thay đổi, hoặc thọ tới tám mươi, hoặc chỉ có năm mươi. Nếu tuổi thọ là năm mươi, bạn chỉ còn mười năm hoặc hai ba năm nữa; nhưng nếu tuổi thọ chỉ có bốn mươi lăm, hay còn có bốn mươi tuổi. Thế là bạn sẽ chắc chắn ra đi ngay trong năm tuổi này.
Bạn và tôi thử nhớ lại, trong gia đình chúng ta, những người thân mất đi có giống tuổi nhau không? Chắc chắn là không! Già trẻ đủ thành phần. Lại còn cảnh mới ba bốn tuổi đã sớm đi rồi. Bệnh gì mà tội nghiệp quá!
Thật may, bạn với tôi vẫn còn sống đến ngày hôm nay, và nhìn lại gia đình cũng còn một số người khả dĩ; nhưng cứ một năm trôi qua, lại tính vô thường trừ đi tuổi sống của mình, thì rồi ngày đó cũng phải đến; chính như vậy nên một đại sư đã nói rằng, khi sinh ra là bắt đầu đi đến mộ phần của mình rồi.
Vậy thời niên thiếu vừa kể, nghĩ thật đẹp, và cũng thật mau, mau như vậy là do vô thường từng năm tuổi. May mắn rằng trong số những đứa thiếu niên vô tư đó, giờ đây bạn và tôi vẫn còn; không biết các bạn của chúng ta có còn hay không? Tôi nhớ một chuyện buồn lúc thiếu niên, khi còn là học sinh tiểu học, tôi đã một lần đưa đám tang đứa bạn chung lớp; tôi không nhớ là nó chết vì bệnh hay tai nạn. Có lẽ là tai nạn. À đúng rồi, tôi nhớ là tai nạn.
Gia đình nó làm nghề nông, thường hay phát đất cấy bừa; tuổi thơ còn nhỏ, hay ưa tinh nghịch gặp chi cũng tò mò táy máy. Chẳng may nó dọc phá một vật hình kim loại cũ sét, nào ngờ đó là quả mìn thời chiến sót lại, mìn phát nổ, nó chết đi một cách đột ngột oan uổng.
Ngày đưa đám ma nó người dự khá đông, vì gia đình tốt ai cũng thương, nó lại ngoan học giỏi, nên cả lớp học cùng Thầy cô đều xúc động thương cảnh ra đi quá sớm này.
Tất nhiên ngày đó tôi chả biết cuộc đời giả dối, phù du là gì vì còn quá nhỏ. Nhưng thưa bạn, không phải vì chúng ta ngây thơ vô tư không hiểu vô thường, thì vô thường tha thứ cho. Thành ra phải nói giờ đây bạn và tôi quả thật là phước báo, khi hiểu được việc này.
Nói về tuổi thơ lại nói cảnh vô thường chết chóc, như vậy có buồn quá không, có bi quan không?
Tuyệt đối là không! Bởi đó là một sự thật, một sự thật cần phải biết để đối phó. Đức Phật dạy rằng đối với giáo pháp Như Lai, phải đến để xem, để trắc nghiệm, để học, rồi mới tin, mới thực hành theo.
Vậy thì đây đúng là chuyện chúng ta đang bàn về giáo lý Như Lai, để học để tin và sẽ thực hành theo.
Tôi xin được thưa tiếp. Cái khoảng thời gian vô thường phải đến, mà tôi tỉ dụ một năm là quá dài đó bạn, thật ra vô thường thay đổi chỉ trong một phút một giây thôi. Nó thay đổi nhanh đến nổi ta tưởng nó ung dung từ tốn vậy. Không phải đâu thưa bạn! Bạn nhìn xem thác nước đổ là vô thường đó, nghĩa là nhìn vậy chứ không phải vậy. Đó là hàng hàng giọt nước đổ xuống liên tục, chẳng giọt nước nào giữ được một giây cho bạn nhìn, vậy mà bạn cứ tưởng hình ảnh thác nước là trơ trơ ra đó. Do vì chúng nối tiếp quá nhanh quá nhiều nên nhìn chúng chẳng khác, chứ thật ra không có giây phút nào giữ được giọt nước bạn nhìn cả. Nếu ta có thần thông làm thác nước đứng lại một giây, rồi tính một tuổi thọ, thì số lần thác nước đó chết đi sẽ chẳng thể nghĩ bàn, bởi vì bao nhiêu tiếng đồng hồ đều nhân lên cho sáu mươi phút, rồi lại nhân lên sáu mươi giây, và ngày này qua ngày nọ, thác nước đó đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần mà kể.
Cũng vậy bất cứ vật gì bạn đang có, đều đã và đang chết đi từng giây. Có điều có vật thay đổi nhanh, có vật thay đổi chậm mà ta chẳng biết. Nhưng thật ra chậm hay nhanh, nó vẫn theo duyên thay đổi, cứ thế sinh diệt vô thường.
Trước đó đã nói tuổi thọ được tăng, hoặc giảm theo vô thường giả tính là một năm; bây giờ ta phải hiểu sự thật hơn, vô thường từng sát na đó bạn, sát na là khoảng thời gian thật nhanh, nhanh hơn cả một giây nữa. Nhưng thôi để nói một giây cho dễ hiểu.
Vậy thì nếu vô thường xảy ra thay đổi từng giây như vậy, thì có ai biết ta sẽ sống thọ được bao lâu? Đến đây bạn phải biết, con người chết đi không chỉ toàn là bệnh, mà còn nhiều hoạn họa, như thiên tai và nhân tai nữa; đó chính là vô thường thay đổi hết sức nhanh mà ta không đoán được.
Quan sát để xem không thấy một vật gì một hình ảnh chi mà không phải vô thường. Thật nghĩa đó là thay đổi luôn luôn, luôn luôn sinh diệt.
Nhưng nghịch đảo của nguyên lý sinh diệt là phát sinh và hiện hữu, nghĩa là nhờ sinh diệt nên tất cả đều làm mới. Có phải vậy chăng? Bạn và tôi đã bàn qua về Luân hồi, đó là ý nghĩa này; thế là chẳng có gì để mất, vì diệt rồi sinh, sinh rồi diệt.
Tôi lại xin được kể một số hình ảnh vô thường nữa xem sao!
Vô thường nên ngôi nhà bạn cũ, vì ngôi nhà bạn cũ nên bạn phải tìm mua hay xây cất ngôi nhà mới. Rồi các máy móc thiết bị trong nhà còn lại đã lỗi thời, thành ra bạn phải mua sắm máy tối tân khác. Và bất cứ cái gì hễ bạn thấy lỗi thời bạn đều làm mới. Ngay cả con người của bạn cũng vậy; chẳng hạn mấy năm trước vì lo học lo làm, ít ra ngoài giao thiệp người quen, nên ngôn ngữ xã giao của bạn chỉ vài trăm từ lập đi lập lại, nay đã bắt đầu tiếp xúc gặp gỡ nhiều người, cho nên bạn phải tự học xử dụng trau giồi văn tự ngữ vựng mình dùng, để người ta khỏi cười mình nhà quê, và để mình được người xem hiện lên một ít trí thức. Như vậy làm mới là thay đổi theo luật vô thường chẳng thể dừng chân một chỗ. Nhưng thưa bạn có thể dừng chân một chỗ không? Tuyệt đối là không rồi! Đã nói vô thường thì làm gì có chuyện dậm chân một chỗ. Nếu ta dậm chân một chỗ, bấy giờ vô thường vẫn tiếp tục đi, nhưng đi ngược lại, và đằng nào vô thường cũng vẫn đi.
Ngày xưa bạn trẻ, ngày nay bạn già, nói như vậy có nghĩa đi tới hay đi lui? Trả lời đúng nhứt là tất cả đều đi, và lui hay tới là ta gán đặt cho thôi, chỉ có kết quả không sai là người này sẽ già và sẽ chết, đó là vô thường vậy.
Ta hãy nhìn vô thường bằng góc độ tích cực khách quan, trên tinh thần người học Phật, ta sẽ không những không buồn mà còn thấy vui nữa.
Trước hết thử nói về xã hội, đời sống thế gian bên ngoài.
Bạn thấy đó nhờ vô thường thay đổi, nên những công trình kiến trúc của ngày nay học được rất nhiều từ ngàn xưa. Bao nhiêu tòa lâu đài ngày xưa còn lại, đã được các nhà kiến trúc khảo cổ, nghiên cứu tìm học. Họ học được từ dạng thể thế nào để được tồn tại với gió mưa, họ giảo nghiệm chất liệu xây cất ra sao để được tuổi thọ mãi đến ngày nay, và chỗ nào hư mòn là chỗ họ quan tâm nhất. Cho nên ngày nay họ định liệu được phẩm chất, hình dáng thế nào để đối phó với vô thường, khi thế hệ họ trở thành quá khứ của ngàn năm sau. Chừng đó có thể họ sẽ để lại dấu hiệu cần nên tái thiết xây dựng, sau khi vật liệu đã trải qua một thời gian dài và điều đó tránh được tai nạn sụp đổ đột ngột.
Bạn và tôi có thể giả thuyết tưởng tượng rằng, các khoa học gia thế nào cũng nghĩ đến một ngày, một ngày mà con người có thể lánh nạn đến một hành tinh khác, nếu như trái đất đến lúc vô thường. Khoa học gia có quyền nghĩ như vậy, vì ngành khoa học không gian ngày nay, càng lúc càng phát triển khó thể tưởng tượng được.
Quả thật vô thường sinh diệt đã làm con người tinh khôn hơn, khoa học hơn. Tóm lại mọi sinh hoạt đời sống trong tất cả ngành, con người đều tính toán dự lo hậu sự, vì biết rằng khó đoán biết được sự kiện không may xảy ra. Do đó những hoạt động nào có xác suất nguy hiểm cao, người ta thường chế tạo thêm hệ thống báo hiệu, và các động cơ vận hành phụ, như là vấn đề bảo hiểm xe, bảo hiểm nhân thọ, hay tất cả loại bảo hiểm, đều là ý thức cảnh giác việc xảy ra đột ngột khó xử. Như thế khó thể kể cho hết được có bao nhiêu việc tương tự phòng ngừa trên.
Thế thì phải nói rằng, thế gian đã hiểu vô thường tường tận lắm.
Bây giờ thử nói về cách nhìn vô thường của người tu học Phật pháp thì sao?
Có thể nói ngay rằng, bởi vì con người chúng ta vô thường, cho nên các thứ chung quanh ta đều vô thường. Đây là điểm mà người học Phật phải thấy. Bạn có đồng ý không?
Bạn nghĩ xem, tất cả những gì vừa kể trong sinh hoạt thế gian, có phải đó là sản phẩm của con người ? Vâng chính vậy. Và những sản phẩm đó lại khởi từ tâm con người mà ra, như thế nơi đây, người học Phật phải nhận định, quán chiếu từ cội gốc của vô thường là từ tâm, chứ không phải từ vật.
Chắc bạn khó tránh nghi ngờ rằng, làm sao tâm con người là việc trừu tượng vô hình, lại làm chủ được vật, để nói rằng nên quan sát tâm vô thường hơn là xem vật vô thường?.
Thưa bạn, điều bạn nghĩ cũng như tôi nghĩ không khác; nhưng giáo lý giải thoát đã cho ta thấy tất cả đều do tâm (vạn pháp duy tâm tạo).
Bạn biết không, căn cứ theo giáo điển Như Lai để hiểu, thì không những vật chất hay sinh hoạt nhân loại trên thế gian là do tâm, mà ngay cả địa cầu chúng ta sinh sống, đến cả vũ trụ không gian cũng đều do tâm.
Kinh dạy vạn pháp do tâm tạo, thì tất nhiên cái gì mà không phải pháp!
Định nghĩa về pháp, e lại quá dài dòng, nhưng đại khái là, bất cứ cái gì từ có hình tướng đến không hình tướng như hư không, không khí, cho đến tư tưởng, tư tưởng việc có, việc không, tất cả đều gọi là pháp. Vậy thì vũ trụ là cái gì? Ngân hà, tinh vân, hoa tạng là cái chi? Huống gì các thứ ấy còn thấy được, còn tưởng tượng được, thế có phải là pháp không? Và hễ là pháp tức đều do tâm tạo.
Tôi sợ lại đi quá xa, xa đến dãi ngân hà, rồi lạc đề mất. Thôi! Nên quay lại việc gần, gần nhất là thành phố ta đang sống đây. Bạn nghĩ sao, thành phố đó tự nhiên xuất hiện hay do con người? Nếu do con người, vậy con người trước khi xây cất họ phải có suy nghĩ, có quy hoạch, lập định thiết kế v.v... thế là họ đã xây cất từ trong tâm trước tiên vậy.
Bấy nhiêu đấy cho thấy tất cả mọi thứ trên đời cũng vậy thôi. Nếu bạn muốn tiếp tục đi lùi lại gần nữa, gần đến thời sơ khai, thì cũng bấy nhiêu do tâm mà ra. Nhưng lúc đó tâm người chưa tinh tế, điều này chúng ta phải nói thêm là do nghiệp lực sinh vào thời đó. Tuy vậy họ đã chuyển nghiệp dần, họ biết tu sửa, và cái tu sửa là tư duy, suy nghĩ thay đổi cải tiến cuộc sống, cho đến trải qua nhiều đời thành nền văn minh tinh xảo như thời nay. Thế là từ cái tâm hiếu kỳ hay muốn câàu tiến nên đã sản chế mọi thứ vật phẩm, để hôm nay mọi thứ tiện nghi thật là tuyệt diệu.
Đó bạn thấy không, tất cả do tâm là vậy. Nhưng tôi biết, bạn vẫn còn chưa hết nghi ngờ rằng, tâm chuyển ra vật nhỏ thì được, chứ làm sao vật lớn như trái đất, mặt trăng, mặt trời mà được?
Thưa bạn, việc này cũng vậy thôi, đã nói là ‘vạn pháp duy tâm tạo’, thì mặt trời hay trái đất, kể cả dãy ngân hà cũng vậy đều do tâm.
Tôi cũng ráng cùng bạn bổ nghĩa rõ hơn.
Thưa bạn sở dĩ chúng ta có mặt ở thế giới này là do tâm chúng ta hợp với cảnh giới nơi đây, điều này có nói qua việc chánh báo thế nào, y báo thế đó.
Khi chúng ta mang nghiệp sanh vào thế giới này, tức cũng đồng nghĩa chúng ta tự tạo ra. Và trong lúc thọ nghiệp sinh sống trên thế giới thọ dụng nghiệp báo, thì tất cả những gì ta thấy, ta biết đều do nghiệp lực của ta đón nhận mà thôi, thành ra ta mới thấy như vậy. Cho nên việc này đối với ta là có, có trái đất có mặt trăng, mặt trời, có ngân hà v.v... Nhưng đối với chư vị Bôà tát chứng đạo, việc này là không, vì dưới mắt các Ngài tất cả chỉ là giả, là duyên hợp, do đó các Ngài không bao giờ thọ nhận những thứ này, thành ra thế giới của các Ngài không có những thứ mà chúng ta có. Các Ngài chỉ có ở thế giới phù hợp với chánh báo của các Ngài. Nói như thế không phải mâu thuẩn với cách nhìn sáu cõi chúng sanh mà chư Phật từng dạy. Sở dĩ Phật dạy có sáu cõi, là vì nghiệp lực của chúng sinh hiện ra quả báo khổ, nên chư Phật căn cứ đó phương tiện dạy ta, chứ đối với các Ngài đó cũng chỉ do tâm mà thôi. Và cuối cùng nếu tâm thanh tịnh chứng đạo, thì ngay người ở trái đất vẫn thấy rằng, mình chẳng bao giờ chịu khổ sống ở trái đất. Đó là quả báo thành đạo tại đây, như Bôà Đề Đạt Ma, hay Lục Tổ Huệ Năng chẳng hạn.
Như thế người học Phật phải thấy vô thường nơi tâm, và khi dừng được tâm vô thường, tất các pháp tự nó được sáng ra. Nhưng thế nào là dừng được tâm vô thường?
Tạm có thể kết luận rằng, đã biết tâm vô thường, nên ta lại dùng cái vô thường mà đối trị, nghĩa là phải làm cho nó vô thường thường xuyên nghĩ vêà Phật pháp, đừng để nó thường xuyên vô thường nhớ nghĩ niệm ác, niệm tham lam, ái dục.
Thường tư duy tu niệm chánh pháp như vậy, tất nhiên đời sống của chúng ta sẽ thành thói quen hay nghĩ Phật pháp. Đó là cách ta dùng cái vô thường lăng xăng của tâm để đối trị ngược lại.
Thiết nghĩ ta có thể tạm ngưng đề tài vô thường nơi đây; bây giờ xin mời bạn chúng ta tiếp theo chuyện khác.

---o0o---




tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương