Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn


Chuyện xuất hiện của đức Phật



tải về 1.71 Mb.
trang4/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28

Chuyện xuất hiện của đức Phật

Có một điều thật lạ, nơi Đức Phật thành đạo, hoằng pháp độ sanh là quốc gia Ấn Độ, nhưng người tin và theo đạo giải thoát lại không quá vài phần trăm! Cũng có tôn giáo thờ kính đức Phật, nhưng lại thờ chung với nhiều thần linh, họ tin tưởng Phật cũng chỉ là một vị thần. Dù vậy một điều, không ít người Ấn, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng vẫn phải ngạc nhiên; tại sao vị Thánh nhân dòng họ Thích Ca này lịch sử sống ở nước họ, nay được hầu như khắp nơi trên thế giới, chẳng những ca tụng tán thán mà còn thực hành tu theo?


Điển hình nhất, một đất nước chẳng phải là nhỏ lạc hậu nghèo nàn, có một diện tích khổng lồ đứng hạng ba trên thế giới, với dân số hầu như đứng đầu, đó là Trung Hoa, một quốc gia có nhiều di tích hùng vĩ ca tụng vị Thánh nhân này. Xin thưa đúng vậy, bạn và tôi cũng phải rất ngạc nhiên không thua gì người Ấn.
Đất nước Trung Hoa, khi đạo Phật mới truyền sang, vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch, nền kinh tế lúc bấy giờ có thể không thua một quốc gia nào trên thế giới, và tất nhiên nền văn hóa triết học tâm linh vẫn được xem là thâm sâu huyền diệu. Nền triết học đạo lý đó là của Khổng Tử và Lão tử bấy giờ, vậy mà giáo lý giải thoát vẫn nghiễm nhiên dung dị hòa nhập vào xã hội văn minh giàu mạnh ấy.
Bạn hẳn hiểu rằng, trên thế giới bất cứ dân tộc nào, đều phải có tự ái quốc gia, tự ái truyền thống phong hóa, đó là lẽ tự nhiên duy trì dân tộc tính của mình. Đất nước Trung Hoa lại là một cường quốc đa dạng như đã nói, thì niềm tự hào và sĩ diện quốc gia chắc chắn phải cao; hơn nữa khách quan mà nói nền triết học của hai triết lý Khổng, Lão đủ mang lại nền giáo dục nhân bản mà các nước trên thế giới vẫn cần phải học. Vậy mà thưa bạn với giáo lý siêu việt, với Thánh ngôn giải thoát được hàng Thánh đệ tử của đấng Thế Tôn mang đến chẳng biến thành thừa, lại còn kết hợp nhịp nhàng với triết lý tư tưởng của người bản xứ; cuối cùng tạo thêm tinh hoa rực rỡ huy hoàng cho nền tư tưởng giải thoát của Như Lai, và làm phong phú kho tàng văn hóa của Trung Hoa nữa.
Chắc chắn Phật tử theo các nước Bắc Tông Phật giáo như: Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam... đều biết Đại sư Huyền Trang; Ngài chính là nhân vật tiêu biểu cụ thể được cả hai mặt làm rạng ngời cho nền giáo dục Trung Hoa: thứ nhất, về mặt giáo dục tu đạo giải thoát, hình bóng chính Ngài tự làm mô phạm là vị đại sư vô tiền khoáng hậu, vì chánh pháp xả thân vượt núi băng sông một mình đến tận Thiên Trúc nghiên cứu, tu học và mang kinh điển về cho người chánh tâm tu Phật. Thứ hai có công tài bồi nền giáo dục văn chương nước nhà. Giải thích phần này, xin được trích lại lời bình luận của học giả Nguyễn Hiến Lê viết về Huyền Trang trong vấn đề có công làm giàu nền văn hóa Trung Hoa.
“... Theo Lương Khải Siêu, công việc đó (việc mang kinh về dịch thuật) chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở khắp Đông Á, mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.
-Từ ngữ Trung Hoa đã giàu thêm được ba vạn rưởi tiếng, căn cứ vào bộ “Phật Giáo đại từ điển”. Có những tiếng dịch âm tiếng Phạn như Niết Bàn, Sát Na (một thời gian rất ngắn) phù đồ (Tháp Phật); có tiếng dịch nghĩa tiếng Phạn như: vô minh, chúng sinh, nhân duyên, chân như... Mà thêm được 35.000 tiếng là thêm được 35.000 ý niệm.
- Văn bạch thoại phát đạt vì lẽ khi dịch, người ta lựa những tiếng bình dị cho dễ hiểu, do đó, bỏ cổ văn, dùng bạch thoại.
- Văn thể thay đổi. Phạn ngữ và Hoa ngữ khác nhau. Nhờ công việc dịch mà có sự tiếp xúc, dung hòa giữa hai ngôn ngữ. Chẳng hạn trong kinh Phật, không dùng hư từ, đối ngẫu mà rất hay đảo trang... đặc điểm đó ảnh hưởng một phần đến văn học đời Đường, nhất là phương diện âm vận.
- Văn nhân Trung Hoa vốn ít tưởng tượng mà hay thuyết lý, nhờ đọc những truyện tân kỳ trong kinh Phật mà bắt chước viết những truyện thần quái. Như bộ Sưu thần ký, và những truyện Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng sau này đều chịu ảnh hưởng của các kinh Hoa Nghiêm, Niết Bàn.
Có văn nhân, thi sĩ nào ở đời Đường và cả những đời sau này nữa mà ảnh hưởng lớn đến bực đó không?”*
Tưởng cũng cần nhắc lại một vài hình ảnh chứng đạo phi thường của các bậc đại sư Thiên Trúc khi mang đạo vàng đến đất Trung Hoa.
Chúng ta dư biết mỗi vị đại sư từ Thiên Trúc (Ấn Độ) khi đến Trung Hoa hoằng pháp lúc bấy giờ, đều là các vị Thánh Tăng chứng đạo, nếu không như thế, các Ngài khó thể vượt qua trở ngại giảng thuyết giáo lý siêu việt bằng ngoại ngữ trên một đất nước xa lạ. Hơn thế nữa các Ngài chắc chắn đã thuyết pháp bằng thân giáo, chứng nghiệm thật sự qua con người các Ngài, nên đã vượt qua tất cả. Chẳng hạn như Bồ Đề Đạt Ma đã vượt qua tất cả, tất nhiên trong đó ngôn ngữ phải là hàng đầu.
Khi Bồ Đề Đạt Ma đặt chân đến Trung Hoa hoằng pháp (vào năm 520), bấy giờ Phật pháp đã xuất hiện khởi sắc, bằng chứng đó là Vua Lương Võ Đế, một Phật tử biết __________________
* (Ý chí sắt đá – Nguyễn Hiến Lê, trang 56)
cúng dường trai Tăng hộ pháp. Nhưng với bậc Thánh Tăng phá chấp chứng đạo vô ngã, đã không vì hình thức tu Phật hướng vọng bên ngoài, nên không sợ phải mang tội trung ngôn nghịch nhĩ, khi phải trả lời với vua rằng việc xây chùa, cúng dường trai Tăng của Hoàng Thượng chẳng có công đức gì!
Cung cách oai nghi phong độ tự tại thoát trần của Ngài quả thật là phi thường, và như thế Thiền Tông chính thức khởi đi truyền xuống đến đời thứ sáu, tạo ra một hình ảnh tuyệt vời đó là Bồ Tát Huệ Năng.
Nếu Bồ Đề Đạt Ma vị sơ tổ Thiền tông, khi đến Trung Hoa chẳng thấy trên mình cồng kềnh kinh điển, và khi thuyết pháp lại bằng bài pháp vô ngôn, không nói một lời, thì Huệ Năng đại sư xuất gia thành Tổ, bấy giờ cũng không đọc được kinh văn.
Bồ Đề Đạt Ma phát ngôn trực thẳng trước mặt nhà vua không sợ phiền lòng thiên đế, tội trọng có thể mất thân, chẳng khác gì Huệ Năng Đại Sư mĩm cười từ chối lời mời của Hoàng Đế vào triều thuyết pháp, chẳng sợ trọng tội khi quân có thể chết người.
Thái độ, hành vi cư xử của hai Ngài đều nhất quán, giống nhau không khác. Giống nhau nhất là tự tại vô ngại chẳng thấy khởi tâm lo lắng khi độ người thức tỉnh.
Bồ Đề Đạt Ma khi đến Trung Hoa, trên mình chẳng hơn mấy quyển kinh, vì Ngài hiểu tất cả chỉ duy tâm; việc kinh điển Phật ngôn bấy giờ đã có, càng dồn chứa, càng lưu giữ chỉ sanh tâm chấp pháp, chấp ngã mà thôi. Giống như Đại Sư Huệ Năng đóng vai mù chữ, cốt để đánh thức kẻ học rộng nghe nhiều mà chẳng hiểu được tâm.
Thái độ và hành trạng của hai Ngài quả làm Phật pháp sáng ngời chói rực, và nhất là pháp tu Thiền định bấy giờ đã thể hiện được việc tu Phật là tìm lại được nguồn tâm bản thể duy nhất của mình để thành đạo chánh giác. Và sự thật chứng đó là nhục thân an nhiên tự tại của Lục tổ Huệ Năng (638-713) vẫn còn nguyên vẹn hơn cả ngàn năm nay, hiện được tôn thờ tại chùa Nam Hoa Quảng Đông.
Nhưng rồi việc bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền* của chư Tổ Thiền tông chẳng mâu thuẩn với chư vị Thánh Tăng khác đang giảng kinh dạy đạo lúc bấy giờ.
Tri nhận việc này, ta thử nhận định một vài tính chất theo thời gian hoằng truyền của chư Tổ Thiền tông và các tông phái khác.
Theo niên đại lịch sử, Bồ Đề Đạt Ma viên tịch vào năm 529, và Huệ Năng sinh ra năm 638 tịch năm 713, sự truyền thừa thiền phái tới đây đã là năm đời. Đến Ngài Huệ Năng là đời thứ sáu, cũng là đời cuối chấm dứt cách truyền y bát của Thiền tông. Trong giai đoạn thời gian Bồ Tát Huệ Năng đắc pháp, bấy giờ đã có Ngài Huyền Trang, Ngài Huyền Trang đi Thiên Trúc năm 629 và trở về năm 645. Khi Ngài Huyền Trang mang kinh trở về, bắt đầu ________________
*Không dùng ngôn ngữ văn tự để diễn đạt ý thiền; giáo pháp truyền đặc biệt ngoài kinh điển.
công việc dịch kinh hoằng pháp, bấy giờ Ngài Huệ Năng vẫn chưa xuất gia vì còn nhỏ; đến khi Huyền Trang đại sư viên tịch năm 664, Ngài Huệ Năng bấy giờ được 26 tuổi, đã đắc pháp làm Tổ thứ sáu Thiền Tông.
Vậy trong thời gian Đại sư Huyền Trang miệt mài dịch kinh, hoằng pháp, thì Thiền phái sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền đến bấy giờ đang là thời của thiền sư Hoằng Nhẫn. Và hình ảnh hoằng pháp, hoằng đạo giữa hai hoàn cảnh như vừa kể càng làm phong phú thêm chân nghĩa giáo điển của Như Lai.
Nói về Thiền sư Hoằng Nhẫn, lịch sử đã không thấy ghi lại nhiều về sự hành hoạt của Ngài. Chúng tôi muốn nói ghi lại cái đẹp, cái dị thường, ứng nghiệm linh kỳ, mà phàm nhân hay hiếu kỳ muốn biết. Trong sáu vị Tổ Thiền Tông, chỉ có Sơ tổ và Lục Tổ hình như để lại trong lòng kẻ phàm một chút thỏa mãn là tu Phật phải ứng hiện như vậy mới độ đời! À tôi lại quên mất, nhị tổ là Ngài Thần Quang (Huệ Khả), cũng thể hiện cung cách phi thường, chặt tay cầu pháp.
Thật ra tôn dung cả sáu vị tổ hiện khởi, hành hoạt hoằng pháp, vị nào cũng sáng đẹp, và nói để tạm so sánh thì sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma nổi bật nhất. Vì nếu không có sơ Tổ, làm gì có tới năm Tổ tiếp nối sau. Rồi Lục tổ là vị được biết nhiều nhất, đẹp nhất; nhưng cái quả đẹp nhất của Lục tổ lại từ cái nhân, lùi về từ nhị Tổ trở về sơ Tổ. Rồi từ nhân duyên chính, còn có những trợ duyên quan trọng khác, đó là bài kệ của Đại sư Thần Tú. Và Ngài Huệ Năng đã lộ diện mặc nhiên thưa trình với Ngũ tổ rằng Ngài đã liễu đạo nhờ bài kệ của Đại sư Thần Tú, để ra đời bài kệ trong sáng tuyệt vời lưu lại cho thế gian*.
Chính ngay sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng nhờ năm đệ tử nối truyền, làm cho hình ảnh của Ngài đẹp mãi ngàn thu; không thì pháp tướng của Ngài chỉ còn là bóng hình in sâu vào vách núi, để hình ảnh lịch sử thiền tông Trung Hoa đổi màu chất khác!
Thật ra đối với các Ngài chẳng có gì để lưu tâm, vì chứng đạo là nơi bản thể, mà bản thể thì chân như vô ngại, vậy hình ảnh duyên trần sắc pháp**của thế gian đâu thể làm trở ngại chân như thể tánh, giống như hư không là vô ngại, chẳng có ảnh hưởng đến vạn vật có hay không có.
______________
*-Thân thị Bồ Đề thọ, Tâm như minh cảnh đài, Thời thời cần phất thức, Vật sử nhá trần ai. (sư Thần Tú)
(Thân ấy Bồ Đề thọ, Tâm như minh cảnh đài, Giờ giờ cần phải sạch, Chớ để vướng trần ai (bụi).
Bồ Đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhứt vật, Hà xứ nhá trần ai? (Huệ Năng)
Bồ đề chẳng có cây, Minh cảnh cũng không đài, Bổn lai không có vật, Nào chỗ vướng trần ai ? - (HT Thích Minh Trực dịch)
**-Duyên trần: nhân duyên tiếp xúc trần cảnh thế gian
-Sắc pháp: danh từ Duy Thức học, nói về hình ảnh sắc tướng nơi thân và ngoài thân. Nơi thân: mắt, mũi, lưỡi và thân. Ngoài thân: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; cộng lại thành mười một món sắc pháp, diễn tả lên hình ảnh của chủ thể và đối tượng chủ thể của một dòng sống linh hoạt nhiệm mầu nầy.
Tất cả hành trang của các Ngài chỉ để phương tiện độ người; như người chỉ đến với đạo Phật bằng thích thú tìm đọc kinh văn, thì chẳng thiếu gì để đọc; ngược lại nếu muốn đi ngay vào tâm, tìm hiểu chân tâm bất sinh bất diệt, bất nhiễm bất tịnh, rồi phá chấp đốn ngộ, trực nhận tâm mình đồng Phật không khác, thì Thiền quán của Bồ Đề Đạt Ma, của Lục Tổ Huệ Năng sẽ giúp hành giả như ý.
Trở lại hình ảnh hành họat của Đại Sư Huyền Trang, chứng minh cụ thể kinh văn lời Phật là muôn trùng, muôn ảnh, để được hoằng truyền phổ cập nhân gian đến khắp trình độ mọi người. Do đó công việc phiên dịch kinh điển đã có trước Ngài và còn tiếp tục mãi sau khi Ngài viên tịch.
Như vậy sự xuất hiện cùng với pháp tu thiền quán của Bồ Đề Đạt Ma trước Đại sư Huyền Trang, và Đại sư Huyền Trang viên tịch trước khi Pháp ngữ “Pháp Bảo Đàn Kinh” của Lục Tổ Huệ Năng được ghi lại, tất cả chỉ là tô điểm vườn hoa Phật pháp, để đồng nhất tỏa ra một mùi hương giải thoát của Như Lai, chứ chẳng có gì mâu thuẩn cả.
Đó là một vài hình ảnh tương tục, nối truyền dòng pháp giải thoát của Như Lai, phát xuất từ Thiên Trúc. Bây giờ ta thử tìm về nơi Thiên Trúc, để thẩm định cội nguồn nơi dòng pháp giải thoát khởi sinh.
*
Thưa bạn, nếu hình ảnh chư tổ sư, hay các vị đệ tử tại gia của đấng Điều Ngự đẹp thế nào thì hình ảnh của bậc Toàn Giác còn đẹp gấp muôn lần hơn như vậy.
Kể về chuyện Ngài đản sinh, Phật tử chẳng còn lạ, nhưng cái lạ phải kể là chúng ta biết được chuyện này; và như biết chuyện này là lạ thì tại sao ta không tìm hiểu về chuyện xuất hiện của Ngài?
Ngài xuất hiện, sinh ra trong một cung điện vua, rồi lớn lên trở thành Thái tử, chuẩn bị nối ngôi hoàng đế. Nhưng Ngài quyết không ưng thuận, lại phát ý dị thường, đòi muốn đi tu. Biết được việc này vua cha hốt hoảng, tìm đủ mọi cách ngăn chặn, và diệu kế tuyệt vời, buộc Ngài phải lấy vợ sinh con nối giòng kế tự.
Ngài vâng lời, và chỉ vâng lời vua cha một thời gian ngắn! Nhưng có lẽ đã quá dài, vì nỗi nôn nóng thoát ly thế tục tìm thầy học đạo nơi Ngài cứ mỗi ngày như đốt cháy tim gan. Tội cho phu nhơn của Thái tử, công chúa Da Du Đà La một người khả kính, sắc đẹp tuyệt vời, song toàn hạnh đức, vậy mà chẳng giữ được chân Thái tử cho trọn nghĩa phu thê. Nhưng hơn thế nữa, hài nhi La Hầu La, tưởng là sợi giây vàng cột chặt ái ân, tình chồng nghĩa vợ sẽ làm lui sụt nghị lực của Ngài, thế mà ngược lại, Thái tử càng muốn sớm được thoát ly.
Nghe qua bấy nhiêu đó, bạn và tôi thật lấy làm lạ, tại sao con người Thái tử phải như vậy; phải từ bỏ hết tất cả cái mà mọi người đang đi tìm đang cố giữ ?
Phải trả lời sao đây?
Thưa vâng, Ngài đã thấy tính chất vô thường là nguyên nhân chia ly, đau khổ. Nhưng đó chỉ là suy lý của Ngài lúc bấy giờ, chứ khổ nào đâu đã đến?
Dù Ngài đã dạo thăm bốn cửa thành chứng kiến cảnh già nua, bệnh, chết, nhưng việc đó xảy ra với người chứ nào xảy đến với Ngài! Dù Ngài có nhớ lại một thời chứng kiến, loài vật sát hại với nhau vì mưu sinh tìm sống; nhưng đó cũng là cảnh tự nhiên của đất trời vạn vật làm sao thay đổi được. Lại khi Ngài nhìn lại hoàng cung triều đình nơi Ngài ngự trị, thì từ người đến cảnh quả thật xinh đẹp huy hoàng. Da Du Đà La nào đâu thay đổi nét đẹp yêu kiều như lúc ban đầu; và sức mạnh hùng cường của vương thành Ca Tỳ La Vệ bấy giờ vẫn sừng sững vươn lên. Thậm chí đứa con mới sinh của Ngài, càng làm đẹp lên cảnh sống vui tươi tưng bừng nơi triều nội. Vậy thưa rằng Ngài thấy vô thường từ đâu?
Vâng thưa bạn, Ngài vẫn thấy! Ngài thấy vô thường từ tâm, chính ngay từ tâm nên dù cảnh vật như bạn với tôi vừa nói là có, nhưng chỉ có rồi không, nghĩa là có đó chỉ với tâm trạng yên bình, yên vui. Nếu không yên vui, an ổn thì cảnh như vậy mà chẳng hưởng được gì! Nhưng lại chính cái tâm yên bình, Ngài đã không tìm ra được, cho nên cảnh chẳng vui với Ngài. Tất nhiên suốt thời thơ ấu, đến trưởng thành một thanh niên, Ngài đã nhiều lần sống yên bình với cảnh, nhưng vì không thể giữ được giây phút lâu hơn, nên nhận ra một điều bất thuận với lòng. Vậy ra Ngài đã chiêm nghiệm mục kích cảnh người và tâm, để rồi thấy rõ cảnh vật thay đổi vô thường cũng do tâm mà ra. Lẽ đó Ngài đã tìm đạo và khi đắc đạo, sôáng đời hành khất, đối diện với những cảnh chẳng khác ngày xưa, nhưng tâm Ngài không phải của ngày xưa, mà tâm bấy giờ là bình yên tuyệt đối.
Nhưng tìm được tâm như vậy có phải là dễ? Làm sao Ngài tìm được?
Đó mới là chân tướng tuyệt đẹp của một bậc siêu nhân.
Giờ đây hàng lớp đệ tử của Ngài từ cõi người đến cõi trời, cũng đang loay hoay chinh phục cái tâm để tìm hạnh phúc! Nhưng chẳng thể dễ dàng làm được, dù bí mật đã được tìm ra nơi kho tàng kinh điển lời vàng của Ngài để lại. Thấy như vậy mới biết Ngài là đấng siêu nhân. Nhưng nói siêu nhân là mượn ngôn từ cung kính tán thán Ngài, chứ hai chữ siêu nhân chỉ là vô nghĩa.
*
Khi Ngài thành đạo, rồi chuyển pháp luân; bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế thuyết giảng cho loài người, tức thì chánh pháp chính thức chuyển khai đi vào nhân thế. Từ đó hàng trăm, hàng ngàn phàm nhân, thoáng chốc nghe qua, nhập Thánh siêu phàm, mà chẳng bỏ công tìm kiếm, nhọc sức công phu, như thuở ban đầu của Ngài tìm đạo. Thật là nhân duyên quá lớn cho con người ở thế gian này.
Cho đến ngày nay, đã hơn hai ngàn năm trăm năm, tính từ ngày Đấng Thế Tôn rời xa nhân thế, nhưng hình ảnh của Ngài tưởng còn đẹp hơn . Ngày xưa dù kim tướng Ngài hiện thực ở thế gian, nhưng chỉ xuất hiện đi lại trên một phạm vi quá nhỏ; biết rằng vì lòng từ bi, Ngài phải thị hiện sống như một chúng sanh ở cõi Ta Bà, cho nên việc đi lại hoằng pháp không thể hóa hiện rộng hơn không gian Ấn Độ. Ngày nay kim thân Thế Tôn hiện ra bằng vô số hình ảnh được vẽ, được khắc, trong một phạm vi không gian rộng khắp năm châu.
Ngày xưa Ngài chỉ độ một vài giống dân ở Ấn, ngày nay khắp năm châu thiên hạ, nơi nào có giáo pháp của Ngài, nơi đó không có phân biệt, tất cả đều được học tu giải thoát. Và ngày nay vẫn còn những chúng sanh thấp kém là loài vật, vẫn có những loài có duyên cảm được âm thanh qua kinh kệ giải thoát, mà kết duyên học Phật đời sau.
Vậy đúng hơn là Thế Tôn chẳng vắng bóng trên cõi đời này! Ngài chỉ thị hiện vắng bóng kim thân mà thôi, chứ pháp thân Ngài vẫn bàng bạc khắp hết không gian vô tận. Giả như trong số các nam nữ phi hành gia làm việc ngoài không gian trái đất, có người là Phật tử thuần thành, biết hành trì học hiểu giáo pháp, biết đọc kinh trì chú; một lần nào đó ghé mặt trăng, ngoài những giờ làm việc, quý Phật tử này, vẫn thầm công phu đọc kinh trì chú; và như vậy đã vô tình tạo duyên Phật pháp cho chúng sanh phi nhân ở đó nghe được kết duyên học Phật; rồi tương lai những chúng sanh ở Hỏa tinh cũng được hữu duyên như thế!
Chuyện này thật là phi thường, vì chỉ có Phật và chư Bồ Tát chứng đạo mới hóa thân hoằng pháp cho phi nhân ở các không gian thế giới khác, đằng này đâu ngờ phàm nhân vô tình làm được. Dĩ nhiên chúng ta cũng phải đồng ý, phần lớn là nhờ vào thời đại văn minh của loài người hiện nay, nhưng ta cũng phải công nhận rằng giáo pháp giải thoát của Như Lai vẫn là chân lý, thích ứng được bất cứ môi trường và thế giới của tương lai nhân loại.
Nếu chúng ta nghi ngại về ngôn ngữ, rằng người ở mặt trăng, hỏa tinh, không hiểu được ngữ học của loài người, thì ta nên nhớ rằng Đấng Điều Ngự ngày xưa là người Ấn, ngôn ngữ Ngài dùng tất nhiên giới hạn ở Thiên Trúc mà thôi; nhưng rồi cuối cùng ngày nay, đệ tử của Ngài đủ hết màu da, và khi đọc hiểu đạo Phật chẳng dùng ngôn ngữ ngày xưa của Ngài. Lại nữa các loài vật có duyên Phật pháp, chúng chẳng biết ngôn ngữ là cái chi, vậy mà đã tỏ ra thích thú dễ chịu với âm thanh kinh kệ. Thế thì việc phi thường này đều là do lòng từ của Phật, hay nói đúng hơn chính là giáo pháp siêu thoát mà Ngài tìm ra.
*
Loài người chúng ta xuất hiện có mặt trên thế gian này tất cả là do nghiệp lực, một nghiệp lực khổng lồ, gọi là cộng nghiệp. Dù mỗi người đều có biệt nghiệp, nhưng nghiệp riêng đó không đủ sức tự tại thoát ly thế gian khổ, mà đành phải chịu nghiệp chung của tham ái, sân giận, si mê kéo về chung một chỗ.
Loài người không một ai lại không sanh ra bắt đầu bằng tiếng khóc, và khi chết đi, ngoại trừ các bậc chứng đạo, còn lại tất cả đều mang tiếng khóc, tiếng khổ của ngày xưa như khi mới chào đời; như vậy bắt đầu sự sống và tận cùng đời sống chỉ là đau thương.
Đấng Thế Tôn khác với chúng ta rất nhiều. Sự có mặt ở thế gian của Ngài gọi là giáng thế, gọi là đản sanh, gọi là thị hiện... có thể còn nhiều danh từ nữa, nhưng dù nhiều thế nào, chỉ để xác minh giải thích rằng, Thế Tôn đến với trần gian không phải như con người vì vô minh nên bị nghiệp lực dẫn đưa xoay chuyển.
Thế Tôn đến với trần gian chỉ vì thương xót và cứu độ chúng sanh. Và sự thương xót đó đã phát nên một bức tranh tuyệt đẹp là hình ảnh cuộc đời tầm đạo chứng đạo của thái tử Tất Đạt Đa. Ngoài việc này ra không có một hình ảnh và việc làm nào đẹp hơn nữa.
Cho nên ngày xuất hiện của Thế Tôn, trăm hoa đua nở, thiên nhạc reo vang, muôn loài bừng sáng; đó là những hiện tượng mang lại hạnh phúc trần gian. Đến ngày Ngài ra đi từ giả Ta Bà, cảnh thế biến hình cách khác, và tất cả những gì đau thương, tiếc nuối của nhân, thiên lúc đó, lại càng lộ hiện hình ảnh tự tại siêu phàm giải thoát của Đấng Điều Ngự, và giáo lý thâm sâu huyền diệu của Thế Tôn.
Cảnh tượng lúc Phật Niết Bàn chẳng khác gì lúc Ngài khai chuyển pháp luân, vì chính nơi đây tạo được nhân duyên hiện tại và tương lai cho vô số người chứng quả; đó là cảm nhận thực tế giáo pháp sống thật của Như Lai, là chân lý vô thường có sanh tất có diệt.
Vậy thì thưa bạn, tưởng không còn gì để nói cho hết hình ảnh tuyệt đẹp của Thế Tôn, nhưng dù muốn nói cũng bất lực mà thôi.
Giờ bạn và tôi tiếp tục tìm hiểu, với ảnh hưởng giáo pháp xuất trần giải thoát của Như Lai như vậy, đã thu hút và cảm kích người học Phật thế nào ?
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương