Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang2/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28

Lời tựa

Tựa đề quyển sách là lời tâm sự chuyện trò học Phật; người viết thật sự tha thiết chia xẻ niềm vui cùng các bạn đang trên đường làm quen giáo lý Phật Đà.


Bởi chỉ là cuộc mạn đàm trò chuyện, nên nội dung và ngữ pháp văn phong không đạt được tiêu chuẩn văn chương cho lắm.
Trong khi mạn đàm tâm sự, cũng có vài nơi luận bàn lý giải, nhưng cũng chỉ là góp ý cùng nhau học hỏi.
Sách viết đa phần theo dòng cảm xúc bộc phát, y như văn nói; do đó tuần tự chương đoạn không được hệ thống phân chia tương tục. Mong rằng quý đọc giả nhận ý miễn lời, và xem đây như người bạn thân cùng chia xẻ niềm vui học Phật.
Trong ý tưởng sốt sắng phóng tác, nhiều lúc văn ý không tránh được tối nghĩa, do đó chắc chắn không thể không có lỗi lầm sơ suất, vậy mong chư vị thiện hữu tri thức niệm tình chỉ dạy cho.
Dứt lời, xin được kính chúc quý đọc giả, tìm được ít nhiều niềm vui vào chuyện, cũng như trên đường học Phật chúng ta luôn là những thiện hữu tri thức cho nhau.
Người viết tất nhiên không quên thành kính tri ân cảm niệm tất cả nhân duyên hình thành quyển sách này. Trước nhất là Thầy Bổn Sư thượng Bảo hạ Lạc, như mọi lần đã bỏ công đọc duyệt qua sách; Thượng Tọa thượng Như hạ Điển phương trượng chùa Viên Giác Đức Quốc đã đọc bản thảo và viết lời giới thiệu cho chúng con.
Sau là quý cô Giác Anh, Giác Duyên, Giác Trí, đã hỗ trợ tinh thần và giúp đỡ tạo cho chúng tôi có thời gian làm việc.
Cuối cùng là công đức của tất cả quý bác, quý cô chú, anh chị góp phần ấn tống để tác phẩm được ra mắt đến độc giả bốn phương.
Xin hồi hướng công đức và kính chúc tất cả luôn được an lành dưới ánh hào quang giải thoát.
Cẩn bút
Thích Phổ Huân
14/12/2005

---o0o---



Thưa bạn
Khi mặt trời ban mai ló dạng, ánh sáng ấm dịu bắt đầu tỏa sáng khắp nơi. Từ những siêu sinh vật cho đến to lớn như con người, hầu hết thức tỉnh bừng dậy chuẩn bị đón chào một ngày mới; trừ những sinh vật sống về đêm, ngoài ra tất cả hòa nhịp hoạt động rộn ràng.
Quan sát thấy rằng hết thảy loài vật trên trái đất, không một loài nào bằng được con người. Loài người tuy có hình dáng trung bình, không nhỏ không lớn, nhưng khối óc thật vĩ đại; vĩ đại về trí hiểu biết thông minh so với tất cả loài vật khác.
Thế kỷ 21 này, con người chẳng những chinh phục, lấn lướt hầu hết tất cả loài vật nào con người biết đến, mà còn hiếu kỳ vượt lên cả đời sống không gian nơi con người đang sống. Đó muốn nói đến hành tinh không gian ngoài trái đất mà con người đã chinh phục như là mặt trăng và hiện thời đang nghiên cứu tìm cách đưa người lên thăm sao hỏa (Mars). Sự thông minh cực kỳ cao độ của loài người, khiến cả chính con người phải giựt mình khâm phục.
Chỉ cách đây hơn trăm năm, cả thế giới phải sững sờ khi nghe tin con người có thể bay được. Thời gian đó khoảng năm 1903 người ta đã phát minh được con chim nhân tạo, nhấc hỏng người khỏi mặt đất đến mấy thước. Từ đó cuộc chinh phục độ cao và khoảng cách dần dần tiến xa hơn. Xa đến nổi chở được người du lịch qua lại nước khác thăm chơi du hí, chứ không phải phát minh kỹ thuật tinh xảo này chỉ ưu tiên dành cho cơ quan quốc phòng tối trọng.
Ngày nay chim sắt nhân tạo nghiễm nhiên nhẹ nhàng cất cánh mang theo trong bụng nó cả đến hơn mấy trăm người và có thể bay xa đến hàng chục ngàn cây số, đó là sức bay của phi cơ dân dụng Boeing 747; hơn thế nữa chiếc phi cơ Air Bus A380 sản phẩm mới nhất đây, đã chính thức nhập cuộc thương mại trình làng trong giữa năm 2005 này, và quốc gia Úc Đại Lợi đây sẽ có chuyến bay vào cuối năm 2006 hay trễ lắm là đầu năm 2007. Con chim sắt này được công nhận là con chim chở khách du lịch lớn nhất thế giới, nó có thể nhẹ nhàng cất cánh mang gọn trên 500 người, và sự tiện nghi cho hành khách trên phi cơ khổng lồ này nghe qua phải giựt mình; đó là không gian thiết kế một quày hàng nhỏ trưng bày bán hàng miển thuế (duty free), để cho hành khách rời ghế thư giản thưởng ngoạn, đặc biệt có cả phòng tắm dành cho vé ghế hạng nhất (first class).
Nhưng đó vẫn chưa đáng nói! Hiện nay ngành thương mại không gian vượt lên đến mức khó tưởng tượng được, đó là chuyện du lịch thăm viếng chú Cuội chị Hằng trên mặt trăng. Việc không tưởng này đã chính thức thông báo mặc cả giá vé rồi, nghe đâu đến cả triệu!
Thật tình mà nói cũng chẳng có gì ngạc nhiên, vì tính từ năm 1969 đến nay đã gần 40 năm, con người đã đặt chân lên mặt trăng rồi, cho nên việc hóa thành du lịch thương mại cho quần chúng đâu còn gì lạ.
Nếu hỏi lên mặt trăng làm gì? Xin thưa, thì để lấy tiếng lấy danh, rằng tôi là người đã lên được cung trăng, đã thân chứng đứng từ một hành tinh khác, chính mắt ngắm nhìn toàn thể vẻ xanh đẹp của thế giới địa cầu, mà việc thần thoại nhưng có thật này, từ xưa đến nay cả tỷ người sống trên đó được mấy người diễm phúc như tôi. Thậm chí cả những người phi công bay lượn trên bầu trời như cơm bửa cũng không làm được.
Nhưng cứ đà văn minh phát triển hơn nữa trong tương lai, thì lại lần nữa xin thưa người du lịch lên mặt trăng sẽ chễm chệ nhẹ nhàng thư thả trong mấy quán nước, được xây cất theo dạng thể không giống ở địa cầu, rồi nhâm nhi ly cà phê nóng, hay lon nước co-ca lạnh, vừa uống vừa nhìn ngắm ngược lại cõi thế gian mà chúng ta không ngờ là mình đang sống bên kia thế giới! Sống bên kia thế giới nói theo thế gian nghĩa là chết vậy. Vì chết mới đi ra khỏi thế giới mình đang sống, chứ đâu ai còn sống lại có thể đi khỏi thế giới con người; ngoại trừ ít oi một vài phi hành đoàn thám hiểm không gian hiện nay. Nhưng ngày tương lai đó người ta sẽ không phải lềnh kềnh trong bộ đồ dày cộm như phi hành gia (astronaut) ngày nay, vì như vậy có gì gọi là hưởng thụ, ung dung tự tại trên mấy quán nước ở cung Trăng!
Thế là bạn và gia đình sẽ cười vui nhìn ngắm hành tinh thế giới bên kia! Và thế giới bên kia, lại là thế giới bạn đang tạm rời xa đó!
À quên nữa, có con chó Kiki mà đứa con út của bạn nó đòi dẫn theo cho được; việc này chẳng qua, có sự cạnh tranh các hãng tàu bay với nhau, nên giá vé thành rẻ mạt, vậy sá gì thêm một vé cho con Kiki.
Chúng ta hãy chờ xem, chờ xem!
*
Nêu lên vài khía cạnh tiêu khiển văn minh du lịch, đủ kết luận loài người là vĩ đại siêu xuất rồi.
Như thế cuộc sống được giải quyết cứ theo nhu cầu tiến bộ đòi hỏi trong tính hiếu kỳ của con người là vậy.
Đến việc tiêu khiển món ăn tinh thần không qua vật chất cũng thật khá tiến bộ. Người ta đã suy diễn đặt ra mọi thứ quan niệm triết lý, tư tưởng cao siêu, những vấn đề luân lý đạo đức, huyền thuật v.v.. Điều này cho thấy ngoài thú tiêu khiển xa xí tác động đến thân, và một ít đến tâm, người ta còn tìm cầu tiêu khiển chuyên biệt về tinh thần tâm cảnh. Việc này nói lên ít nhiều, đời sống không phải nhứt nhứt đầy đủ vật chất là hạnh phúc tuyệt đỉnh, không phải sống trong tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, có kẻ hầu người hạ phục tùng, là không còn gì sung sướng hạnh phúc trên đời.
Thế thì tạm cho rằng có cái gì đó thiếu vắng, thiếu một cái trừu tượng ẩn sâu trong tâm, và chính ngay bên trong tiềm ẩn như vậy nên vật chất không thể giải quyết được.
Khi quan sát người nghèo, những xã hội còn lạc hậu, nơi ấy con người vẫn có hạnh phúc. Hạnh phúc thật đơn sơ mộc mạc, tức không lo lắng, không phập phồng mất tiền mất của, vì không có quá nhiều vật chất như chúng ta. Họ dù ăn không ngon, mặc không đẹp, nhưng có lẽ giấc ngủ phải là yên ổn. Hạnh phúc của họ dù bình thường đơn giản nhưng bền lâu.
Họ chẳng mơ ước hoài bão cao xa, nên dù khổ mà hưởng thanh bần vui vẽ, trong khi người giàu, thường muốn giàu thêm, nếu không, cũng lo lắng của tiền đang giữ, ngủ không yên và vui trong toan tính.
Trở lại việc tinh thần mà con người cần tìm kiếm, tạm đặt tên là món ăn tinh thần, vậy món ăn tinh thần đó là gì?
Đó là món ăn mà không cần ăn, thức uống không cần uống và món thuốc không cần đặt lên môi. Chúng là những tiêu khiển giải trí qua việc đọc sách, xem phim kịch truyện thông qua tư duy nhận thức từ não bộ khối óc con người. Những giải trí đó không phải món ăn tinh thần vậy chứ là gì?
Chúng ta chắc chắn kinh nghiệm, qua việc bạn bè tri kỷ gặp nhau hàn huyên tâm sự quên cả giờ; nghiền đọc sách chẳng nhớ uống ăn; nghe nhạc, thuyết trình, hoặc xem phim ảnh quên đói. Những thời gian như vậy là lúc con người đang hưởng thụ món ăn tinh thần đó. Nó chỉ khác qua hình thức tiếp nhận bằng tinh thần, thay cho vật thể đồ ăn thức uống.
Nhưng bạn lại đặt nghi vấn, sau khi xong việc hưởng thụ món ăn tinh thần, liền cảm đói ngay, vậy đâu phải là họ không đói? Xin thưa đúng vậy, nhưng món ăn giải trí tinh thần vẫn đủ mãnh liệt và hệ trọng trong đời sống, không kém món ăn vật chất.
Ta hãy nhận định thêm, khi con người buồn giận hoặc có tin vui, bấy giờ người ta chẳng cảm thấy đói dù đến giờ ăn. Có phải vậy không! Nếu có ăn chỉ là miễn cưỡng, ăn trong tâm trạng lo nghĩ việc dỡ dang đang vui đang buồn; những lúc như vậy thức ăn tuột xuống bao tử chẳng còn mùi vị gì! Cho nên có người rầy rà, mĩa mai nói: nghe tin đó, hắn no rồi còn ăn gì được! Chẳng hạn tin vui, vừa trúng số, đậu cao; nhưng nếu là tin buồn hoặc lúc giận dữ, tức thì lúc này mọi người đều thấy, người kia sẽ no lập tức, và cái no đó thật nguy hiểm. No mà bao tử chẳng có chút gì lót dạ! No giận như vậy hủy hoại thân mình nhanh hơn no vui; tuy nhiên trường hợp cả hai đều nguy hiểm.
Thế thì ta có thể đồng ý, món ăn tinh thần vô hình kia quan trọng chẳng kém gì món ăn vật chất. Và chắc rằng ta không thể sống thiếu món ăn tinh thần được, nếu không ta chẳng khác loài vật vô tình, vô cảm. Nhưng không, loài vật vẫn có món ăn “tinh thần” riêng của chúng. Quan sát để thấy, một số loài vật trước hay sau giờ ăn chúng cũng bày trò giởn vui thỏa thích.
Thế thì bằng cách nào đó, ta phải ăn cho được cả hai món ăn tinh thần, vật chất, để đời sống ý nghĩa và vui tươi hơn.
*
Hôm nào đó bạn buồn, bạn lại là người thích đọc sách, không thể ở nhà đối diện mãi với cảnh trí làm trợ duyên tăng thêm nỗi buồn. Bạn lên xe lái một mạch theo quán tính; đến thư viện tìm một góc vắng người, quơ đại một vài cuốn sách lướt đọc nhằm khuây khỏa quên đi tất cả. Nhân duyên tình cờ thế nào, một chương trong sách đánh vào tâm bạn, làm bạn bị lôi cuốn đọc hết một chương không hay biết, rồi tiếp theo chương khác, chừng được vài trang bạn sực nhớ mình đang buồn đang giận, đang tìm cớ ngồi đây đọc sách! Thế rồi nỗi buồn dịu đi, rồi bạn tiếp tục đọc; rồi bất chợt nghĩ rằng, bạn đang sống giống như một vở kịch, một đoạn phim được soạn sẵn, giống như “định mệnh an bài”, và lạ lùng thay chuyện xảy ra với bạn lại y như chuyện bạn đang đọc trong sách.
Nghĩ như vậy, bạn vừa đọc, vừa xen lẫn suy nghĩ, rồi buông sách xuống, thay đổi nét mặt, quan sát chung quanh, xem thấy mọi người đang chăm chú đọc sách một cách chú tâm - tự nhiên cái buồn của bạn lắng xuống thật sâu, tưởng chừng không còn giận nữa.
Bạn gượng cười, rồi cười ra tiếng chỉ đủ bạn nghe, tự cho mình sao quá bi quan. Thế là cảm nhận thấy rõ con người mình hơn. Đứng lên rời chỗ đọc, mượn quyển sách tình cờ mà hay đó, về đọc tiếp phần còn lại.
Sự việc giả tưởng như trên cho thấy, từ việc đang buồn giận hóa thành vui. Và khi thời gian buồn giận quên đói; rồi ý thức tìm thấy được vui, bạn lại nhớ đến bụng trống quên ăn, vì đã trải qua đến hơn nửa ngày. Như thế, ngay lúc chuyển buồn thành vui, rồi cảm thấy đói, lúc này dùng bửa bạn sẽ nhận được cả hai; vì nếu là buồn sẽ ăn không ngon; ngược lại cái vui mà không đến từ việc chuyển đổi nỗi buồn, cái vui đột xuất, kích thích mạnh, cũng không thể làm bạn bình tâm ăn trong bình tĩnh được.
Do vậy, được quân bình trong vui buồn, bạn sẽ vừa có cả hai, tinh thần lẫn vật chất và kết quả vui trong khi ăn, ăn trong khi vui; biết mình đang thưởng thức, biết thưởng thức đang ăn.
Thử suy nghĩ, nếu hai đứa bé được nuôi dưỡng trong hai hoàn cảnh trái nghịch nhau về tinh thần, nhưng đồng nhau về thực phẩm. Một đứa khi cho ăn vui vẽ với nó, đứa lại bị hắt hủi dọa nạt khi cho ăn. Vậy hậu quả sẽ thế nào? Không cần suy nghĩ, bạn và tôi sẽ biết, đứa bị đánh mỗi khi cho ăn sẽ èo uột, vì ăn chẳng tiêu, hay có lớn lên cũng khó tránh việc đau bao tử. Do trong lúc ăn chỉ có mỗi một món vật chất, thiếu hẳn tình thương (món ăn tinh thần), nên chẳng quân bình là vậy. Riêng đứa kia có cả hai, tinh thần, vật chất, tất sẽ phát triển khả quan hơn nhiều.
Như thế tinh thần phải là quan trọng trong đời sống chúng ta. Và đương nhiên bên cạnh món ăn tinh thần thanh cao, mang tính đa diện xây dựng đời sống vui đẹp, vẫn không thiếu gì món ăn tinh thần sai lạc dẫn người vào đời sống thấp hèn, mất đi ý nghĩa cao đẹp nhân sinh.
Từ cảm quan như vậy món ăn tinh thần không ngừng ở thú vui tiêu khiển thường tình như: đọc sách, hội họa, văn thơ, phim kịch... nó lại vượt lên cao, cao đến vói không tới, đó là món ăn tín ngưỡng niềm tin tôn giáo.
Đến đây, tôi xin được trình bày, giới thiệu bạn vấn đề món ăn cao quý này, và trong món ăn tín ngưỡng tôn giáo đây, có một tôn giáo mà không phải là tôn giáo nhưng cũng có thể gọi là tôn giáo, món ăn đó thật khó tìm, nhưng dễ thấy; thật khó được, nhưng cũng do nơi mình sở hữu mà thôi.
Xin bạn thong thả nghe tôi kể, rồi bạn và tôi sẽ giải tỏa thắc mắc món ăn lạ lùng này. Thật đây cũng là dịp tự tâm thắc mắc nêu ra, rồi tự tìm giải đáp giúp tôi học hiểu; và nếu tôi hiểu được, bạn phải dư hiểu, thế là chúng ta sẽ vững tin có được món ăn tinh thần kỳ diệu này một cách thường xuyên đầy đủ, không sợ phải nay có mai không như các món ăn tinh thần khác.
Nhấn mạnh ở điểm khó tìm khó được món ăn tinh thần kỳ lạ này, là vì không những nó vô hình vô sắc, mà ngay cả không gian, nơi được gọi là trang nghiêm thanh tịnh, nơi xiển dương nó, ca tụng nó, cũng không phải dễ dàng đạt được. Tất nhiên hiện tượng hoàn cảnh nói lên bản thể, nhưng để đạt được bản thể không phải dễ dàng.
Trước hết bạn và tôi thử tìm hiểu định nghĩa về tôn giáo.
Tạm hiểu danh từ tôn giáo như sau: là một tổ chức được hình thành từ một nhóm người, nhóm người có trí thức hay không trí thức; họ nhóm họp tìm tòi học hỏi điều hay, điều dở; những điều khó hiểu, dễ hiểu, những điều vui buồn; những sự thật, không sự thật, những việc trên trái đất, ngoài trái đất và còn nhiều nữa, lắm thứ chuyện. Nhưng chung quy, những điều con người đặt định tìm tòi đó, đều được đồng tình chấp nhận là có một thế lực siêu hình: cứu nguy, che chở, bảo vệ, tiếp độ, dẫn dắt người ta có được một đời sống hoặc ngay đời này, hay ở đời sau hạnh phúc bình yên vĩnh viễn!
Rồi tùy theo tổ chức tôn giáo nào đó, nếu được phổ biến rộng rãi, cứ thế lan xa đến khắp toàn cầu.
Tuy nhiên, nguyên nhân phát khởi đầu tiên con người nghĩ về tôn giáo, điều này tùy theo quan niệm sống của mỗi dân tộc, quốc thổ giống người, và chính nguyên nhân đây sinh ra dị biệt tôn giáo. Rồi lại chính vì thế ta mới đặt câu hỏi, nguyên nhân thế nào mà con người hầu như đều có suy nghĩ chung, cần một tôn giáo? Và yếu nghĩa quan trọng của tôn giáo là để làm gì?
Thưa bạn, chắc bạn đồng ý với tôi rằng, đó là do sợ hãi! Nỗi sợ hãi thiếu thốn món ăn tinh thần, hay món ăn tinh thần đã có nhưng chưa đủ, để vẫn cần một món ăn tinh thần cao hơn nữa!
Thật ra nỗi sợ hãi không phải là không có nguyên nhân. Suy nghiệm ra có thể hiểu. Từ sơ khai khi con người đang sống yên ổn hưởng thụ cuộc sống thiên nhiên, tự do với thực phẩm đất trời, bỗng nhiên bị thiên tai nổi lên hoành hành giết chết cả một đời sống bộ lạc đông đúc, mà không một phương cách nào chống trả ngăn ngừa được, nên đời sống bấy giờ ít còn an tâm tự tại; họ sống thường hay phập phồng lo sợ. Thế là trong lo lắng phát lên ý nghĩ rằng, thế gian có gì bí ẩn vô hình, con người sao quá yếu ớt nhỏ nhoi bất lực, vậy phải có mãnh lực nào đó làm ra những thiên tai địa chấn kia?
Ai làm? Không một ai biết! Và họ tiếp tục tự hỏi lo sợ suy diễn cho đến biến thành niềm tin tuyệt đối. Niềm tin con người bất lực với mọi hiện tượng thiên nhiên trời đất, và khiến họ cho rằng ngoài sau cái gì ghê gớm đó chắc có một thế lực vô hình đầy uy quyền khủng khiếp! Niềm tin càng mạnh, sợ hãi càng dâng, từ đó thế lực vô hình kia được đặt tên xưng tụng, là đấng tối cao siêu hình, đấng thần linh, quỷ vương, thiên địa... cứ thế mà thần thánh hóa, nhân cách hóa những hiện tượng sấm rền, gió mưa, đất lỡ... một cách nhiệt thành tín ngưỡng.
Thế là dù niềm tin không có căn cứ cụ thể, không thấy một ai trong bộ lạc có thể diện kiến tiếp xúc thưa trình họp hội với thần linh, nhưng họ cảm thấy an ổn, vì họ tin như vậy. Rồi họ lại sống, cũng sống y như trước, chỉ có khác, giờ đây họ tự cho mình có niềm tin trong lúc đang sinh hoat, làm việc, ăn uống.
Tuy nhiên thưa bạn, thiên tai địa chấn có vì lòng tin của họ mà không xảy ra chăng? Tất nhiên là không. Nhưng đối với họ bấy giờ đã có niềm tin, nên khi xảy ra, họ liền cho rằng họ có lỗi, có tội, đã phạm phải điều gì xấu ác, nên bị đấng tối cao phạt vạ; nghĩ như thế nỗi khổ so với trước kia cũng có phần giảm hơn. Cuối cùng họ kêu gọi tập hợp tìm ra phương cách giao lưu thông cảm, thương lượng, cầu xin Thánh Thần tha thứ, và như thế người khôn ngoan nhất trong bộ lạc sẽ được đại diện cầu nguyện, van xin. Thế là từ đó việc giao tế với đấng thần linh vô hình, đã chính thức cụ thể một cách nghiêm chỉnh, và tổ chức tôn giáo cũng được công khai ra đời như một sinh hoạt bình thường trong xã hội.
Xét ra nếu được nghĩ rằng, đấng tối cao thần linh là bậc hiền nhân vậy cũng quá tốt, vì dù vô hình cũng mang lại phúc lạc nhân sinh, ít ra trên mặt tâm lý, ngầm cải thiện tư tưởng, như lên án khai trừ người ác, ca tụng người lành. Nhưng việc cũng chẳng đơn giản! Bởi hiền là hiền thế nào, theo quan niệm tư tưởng của mỗi bộ lạc? Thử xét, đánh giá tiêu chuẩn một người gọi là hiền lương như sau: Hiền là cha mẹ không được đánh con, dù con có lỗi chi chăng nữa, bởi con là huyết thống của giòng tộc tương lai. Hay hiền là khi con bị cha mẹ đánh, có đánh đến chết cũng không được mở miệng hay thoát thân, vì cha mẹ sinh ra mình, tất quyền chết sống là do cha mẹ quyết định! Hoặc nữa, hiền là ai hiền thì cư xử theo hiền, ai có tội cứ xử cho chết; hoặc tha cho phạm nhân đến ba lần rồi mới xử chết, dù phạm tội gì đi nữa, vân vân và vân vân đại khái như vậy.
Có lẽ định nghĩa hiền tương đối đúng hơn, tức không hại ai, kể cả không hại đến loài vật, và cũng không hại chính mình, vì dù hại mình mà khiến người khác buồn lo, như thế giống như hại người khác vậy. Hiền thêm nữa là làm lợi cho người, làm vui cho mình thì chắc chắn kẻ ấy sống ở bộ lạc nào, cũng được dễ dàng chấp nhận, đơn giản là vậy.
Vậy thì niềm tin về tôn giáo đã không thể thống nhất, vì chưa thống nhất ý nghĩa hiền lương, chân thiện của đấng tối cao, và hình ảnh đấng tối cao lại quá ư trừu tượng, không chứng minh được các vị thiên thần đó hiện hữu ở đâu? Lại còn độc tôn độc quyền, chỉ ưu tiên cho một vài người thấy, trong khi người khác không có quyền để thấy. Đấng thần linh cao cả như vậy quả có cái gì không công bằng, không vô tư chân thật, có vẽ xa vời, mơ hồ với thực tế, với đời sống nhân loại hiện nay; và nếu quá mơ hồ, làm sao hiểu được điều nhân loại muốn mà cảm thông xét xử – chưa nói xưa nay chẳng có ai thấy được mặt mũi các đấng tối cao đó ra sao?
Vậy đủ kết luận rằng, tôn giáo chỉ là một hình thức tư tưởng, đăït ra hầu xoa dịu đời sống tinh thần nhân loại, hay nói cách khác đó là sản phẩm tiến bộ về tinh thần tâm linh của con người. Thế thì chỉ mong rằng sản phẩm như vậy cần được thăng hoa một cách chân thiện, để người đối xử với người, đối xử với vật càng thương yêu nhau, và nhất là đừng để xảy ra những đau thương chết chóc phản lại ước vọng ban đầu đời sống sơ khai, khi con người muốn sống hòa bình tránh đi sợ hãi.
*
Đến đây tôi xin được cùng bạn mạn đàm về tôn giáo mà chẳng phải tôn giáo như đã hứa với bạn ban đầu.
Xin được thưa tôn giáo đó là đạo Phật vậy. Tôi xin được phân bua giải bày rõ hơn.
Về vấn đề danh từ tôn giáo còn được gọi là đạo giáo; ít nhất trong đời bạn và tôi đã thường nghe nhiều lần người ta hỏi: Xin hỏi ông đạo gì ?
Câu trả lời nhấn mạnh chữ đạo, và theo Phật giáo, đạo có nghĩa là con đường, hẳn bạn dư hiểu con đường dẫn đến mục đích an vui hạnh phúc. Tuy nhiên nếu con đường ta chọn, lại phó thác cho đấng thần linh cho người hướng đạo vô hình trừu tượng, hay chỉ cho niềm tin không rõ rệt, thì chẳng phải là con đường theo nghĩa của đạo Phật.
Vậy cũng thời gọi là đạo gì đó, nhưng nếu còn mờ mịt về đường đi, tức chẳng phải tự mình đi mà lệ thuộc phó thác cho người khác dẫn, nghĩa là người ta tin sao mình tin vậy. Thế thì, đó là con đường của người kia chứ chẳng phải của mình; của mình, mình phải tự biết để lỡ người ta có vấp phải giữa đường mình còn biết được mà tự lập tự đi. Đó là ý nghĩa chữ đạo theo đạo Phật vậy.
Nhưng lại xin thưa bạn, đạo Phật cũng được gọi là tôn giáo chẳng sai !
Đến đây chắc bạn thắc mắc, mới vừa nói không phải tôn giáo, sao bây giờ cho là tôn giáo ? Như thế các đạo khác cũng nói được ý này chư!
Chẳng có sao cả! Đâu ai có quyền cấm ai ! Nhưng nếu cấm được đi nữa, cũng chỉ hình thức bên ngoài, bên trong nào ai cấm được.
Thôi thì cũng xin thưa với bạn sau đây.
Đạo Phật được gọi là tôn giáo là vì hình thức bên ngoài không khác gì tôn giáo, như là: thắp hương, thờ phượng, cúng vái, cầu nguyện, lễ hội hoa đăng v.v...
Nhìn hình ảnh khói hương nghi ngút, hoa trái đủ màu nơi chánh điện, ai lại phủ nhận đây không phải là tôn giáo? Bạn đồng ý chứ! Bạn thử nhớ lại hình ảnh các bộ lạc, các dân tộc thiểu số, họ quỳ mộp trước tượng ảnh thần linh, chăm chú chí thành tha thiết, có khi khóc lóc van xin nữa, cảnh đó với cảnh chánh điện nơi thờ Phật trong dịp lễ lớn, xuân về, người người lễ Phật đâu mấy là khác.
Như thế phải đành cho đạo Phật là tôn giáo, nhưng cho đạo Phật là tôn giáo còn dễ nghe, hơn là hiểu lầm Phật ban ơn giáng họa! Việc này quý tu sĩ không bao giờ chấp nhận, dù quí vị có dễ tính tới đâu cũng phải nói ra cho vỡ lẽ. Rồi bạn lại hỏi vậy tại sao khổ tâm phải làm giống tôn giáo, trong khi tự cho mình không phải tôn giáo?
Thưa bạn tôi xin dài dòng một chút, góp ý như sau: bạn thấy không, cuộc đời vô thường mà vẫn đẹp, nó đẹp ngay chỗ vô thường. Đôi khi những lúc rơi vào phiền muộn lại giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề. Có bao giờ bạn lại chiêm nghiệm sự mầu nhiệm của loài vật chung quanh ta. Chúng có những cái độc quyền sở hữu, mà con người không sao hiểu được và phải thật khâm phục bái chào. Một lần nào đó, bạn cũng như tôi thư thả để tâm giong ruổi, suy tưởng mông lung, bất chợt vô tình theo dõi một chú chim đang cặm cụi nhặt từng cọng rơm kết tổ. Chim vì chăm chú làm việc không hay biết có kẻ mục kích rình xem. Lạ thay chim chỉ dùng hai chân và cái mõ, kết được một ngôi nhà rơm khá vững chắc, đủ sức chứa được bốn năm chim con. Khi từng bước xây tổ như vậy, chắc trong đầu chúng phải hiện lên những công việc của một kiến trúc sư, kỹ sư và họa sư nữa, thành ra tổ mới đẹp vững chắc. Hẳn các loài động vật khác cũng làm được nhiều chuyện lạ phi thường, mà loài người không thể hiểu được sự kỳ diệu tài tình đó; thử như chúng ta có đủ hai tay, đủ vật dụng đồ nghề kết được cái tổ rơm kia cũng đã khó. Như thế chung quanh đời sống con người, còn có biết bao sự sống lạ thường khó mà hiểu được; giá như con người học được ngôn ngữ chúng sinh khác, chắc cuộc đời thay đổi nhiều lắm, và cuộc đời sẽ có thể vui hơn, hay cũng có thể khổ hơn.
Sỡ dĩ tôi chẳng trả lời liền vấn đề, tại sao đạo Phật không phải là tôn giáo mà lại làm như tôn giáo, vì đó là nhiệm mầu đó bạn.
Nhiệm mầu là phải hướng dẫn người ta vào đạo bằng sự êm đềm, dễ chịu, phải hiện ra cảnh trí nào chúng sanh cần (khẩn nguyện) để giúp chúng sanh, chứ ai nào từ chối phủ nhận khi tâm người chưa thể chấp nhận thâm ý của mình, nhất là thâm ý hướng đến giáo lý siêu việt khó nghĩ khó bàn này.
Rồi bạn sẽ nghe tôi kể về điều lạ, điều ít nghe ở thế gian qua những danh từ Phật pháp. Việc này càng nhiệm mầu nữa. Như tôi đã nói đến danh từ chúng sanh, bạn sẽ hỏi chúng sanh nghĩa gì? Tôi nói phương tiện thiện xảo, bạn góp ý: đó có phải là nghĩa mượn cớ, mượn cách giúp người không? Đúng vậy, tất cả những điều kiện, phương cách, lý lẽ, khéo léo cũng chỉ cố đưa người vào chánh pháp mà thôi.
Đó bạn thấy, việc đạo Phật hóa ra để gọi là tôn giáo vẫn còn dễ hiểu, vì còn thấy vô số nhiệm mầu phương tiện, cho nên gọi đạo Phật là tôn giáo còn dễ hiểu hơn là câu hỏi làm sao chú chim nhỏ chẳng có phương tiện chi, làm nên được cả một ngôi nhà rơm phức tạp vậy.
Đạo Phật lại mang tôn chỉ từ bi, trí tuệ, nên sự việc dù giải bày theo lý luận bạch hóa vấn đề không lưu vết, nhưng rồi cũng từ bi chuyển hóa thuận theo tập tánh chúng sanh, nghĩa là hiểu chúng sanh mới độ chúng sanh.
Tiếp nhận danh xưng đạo Phật là tôn giáo, chỉ để thấu rõ tánh nghiệp tham cầu của chúng sanh, nhưng mục đích cuối cùng lại hướng dẫn con người đạt đến chân thiện. Tôi xin được nghĩ rằng, hình ảnh khói hương diễn ra trong lễ hội, việc tín đồ dâng hương cúng Phật lễ lạy van xin đủ thứ, có cảm ứng hay không, có đúng với chánh pháp hay không, chẳng thể khẳng định được lúc này. Lúc mà quí vị đang nhất tâm cầu nguyện đó. Hãy cứ nên từ bi đi, rồi từ từ sẽ giải thích. Ít ra lúc ấy quí vị đó có thể đúng hơn bạn với tôi. Vì sao ? Vì họ đang nhất tâm cầu nguyện trước hình ảnh bậc thanh tịnh giải thoát, còn ta đang bàn cãi về họ đây.
Tất nhiên trên lý Đại thừa việc cúng kiếng của họ chỉ đúng một phần, và một khoảng ngắn thời gian thọ báo, nhiều lắm là thời gian ở cõi Ta Bà hay cõi trời dục giới, do hành động nhất tâm cúng dường lễ Phật, cầu được riêng mình. Tuy vậy vẫn hơn biết bao nhiêu người chưa từng gieo duyên đối diện trước Phật đài, huống chi phát tâm cầu nguyện.
Điểm lợi ích nữa khi đã kết duyên Phật rồi, việc chuyển tiếp qua đời khác sẽ được quả báo tiếp theo tìm đến Phật Đà, rồi dần dần chính họ sẽ tìm ra được việc mình lễ lạy cúng kiếng đúng sai thế nào. Thật ra đúng sai là tương đối; nếu cho họ không hoàn toàn đúng khi chỉ biết cúng kiếng lễ lạy, thì liệu ta có đúng hoàn toàn không? Hay ta nên cám ơn họ, nhờ họ ta mới học được pháp phân biệt, và lý tánh viên dung nhiệm mầu.
Xét thêm rằng, ta lại chẳng tìm được ai trong đời này có thể hoàn toàn đúng. Nếu đúng hoàn toàn tức đã thành Phật. Nhưng ta phải tu thành Phật! Có ai muốn tu Phật lại thành ma! Thật ra điều bạn và tôi bàn luận đúng sai cũng chỉ là trạch pháp*, và thực tế chúng ta phải thấy có đúng có sai – sai là vọng tưởng động tâm bàn luận việc người, đúng là chỉ quan tâm cho người, muốn người học được pháp Đại thừa giải thoát.
Tôi mới vừa đề cập vài cụm từ ‘lý tánh đại thừa’, ‘lý tánh viên dung mầu nhiệm’ chắc bạn cũng muốn nói rõ hơn để chúng ta hiểu thêm, để suốt cuộc mạn đàm học Phật khỏi phải ngỡ ngàng khó hiểu.
Thưa bạn, tất nhiên chúng ta đang tìm hiểu học Phật, lẽ đó hễ danh từ Phật pháp nào khó hiểu, tức cũng muốn rõ nghĩa phần nào; và đương nhiên phải là phần nhỏ, vì sở học chúng ta chỉ là căn bản.
Để hiểu hai cụm từ ‘lý tánh đại thừa’, ‘lý tánh viên dung mầu nhiệm’, trước hết phải hiểu sơ qua nghĩa của Đại thừa và Tiểu thừa:
-Hai danh từ Đại thừa và Tiểu thừa đối lập với nhau, do đó nói đến Đại thừa là nói đến Tiểu thừa và ngược lại. Người nào tu Phật chỉ cầu cho mình, không nghĩ đến người khác, người ấy đã vô tình hành đạo theo nghĩa của Tiểu thừa, cho dù hành động trông giống như người tu Đại thừa. Hành động không khác người tu Đại thừa là vẫn sinh hoạt trong một tự viện lớn, vẫn giữ giới thanh tịnh, thậm chí vẫn thuyết pháp độ sanh, nhưng quan niệm tư tưởng cầu làm Phật độ khắp chúng sanh không được nuôi dưỡng trong tâm người đó. Có thể người đó chỉ giảng dạy
__________________
*Trạch pháp: chọn lựa pháp tu đúng với chánh pháp.
người khác về sự đạt được quả vị cao nhất là A La Hán, và tự xem mình không thể độ được người thành Phật, vì không nghĩ rằng quả Phật là quả đến đích của mình. Cho nên nghĩa lý của Tiểu thừa được giải thích là chiếc xe nhỏ (small vehicle), đối lại với Đại Thừa là chiếc xe lớn (great vehicle). Xe nhỏ chỉ chở số ít người, xe lớn chở nhiều vô số.
Người tu Đại thừa luôn luôn mang tâm niệm thành Phật độ chúng sanh, và dù trên con đường tu hành chưa đạt được quả Phật, người ấy vẫn lúc nào cũng nghĩ đến chúng sanh. Do đó người ấy vừa tu cho mình vừa độ chúng sanh, người ấy được người học Phật gọi là Bồ Tát, nghĩa là một chúng sanh đã giác ngộ ý thức cuộc đời đúng theo chân lý giải thoát.
Nhưng, thật nghĩa của Đại thừa là không phân biệt, nguyên vì trên con đường hành đạo Đại thừa là phải đạt được quả vị Phật; muốn đạt được quả vị Phật mà còn phân biệt thì mâu thuẩn với cái gọi là Đại thừa. Như thế tạm gọi Đại thừa là để nhắc nhỡ những ngươi tu Phật theo lối Tiểu thừa vậy, chứ thật ra chỉ là phương tiện ngôn ngữ danh xưng, chừng khi đạt được quả Phật, sẽ không còn Tiểu Thừa, hay Đại Thừa gì cả.
Như thế ‘lý tánh đại thừa’, ‘lý tánh viên dung mầu nhiệm’, tạm hiểu là tính chất không phân biệt nơi mỗi con người; và lý tánh viên dung mầu nhiệm là sự không phân biệt này, mới có thể hoàn toàn dung nạp, hết thảy các pháp ở thế gian, và như vậy nhấn mạnh rằng người tu Phật phải hướng đến chúng sanh, và tự thấy chính mình là Phật trong tương lai, và nếu mình là Phật mình phải cầu chính mình nhiều hơn là cầu bên ngoài. Cầu bên ngoài là chỉ để khơi dậy bên trong, chứ làm sao hình ảnh tượng Phật làm cho mình thành Phật được. Mình không thành Phật vì bên trong còn tham sân si; bao giờ tham, sân, si mà còn, dù có lạy Phật cúng Phật hàng triệu năm, triệu kiếp vẫn nguyên vẹn tham, sân, si. Do đó lạy Phật cúng Phật là phương tiện nhận ra rằng tượng Phật kia, chính là Thái tử Tất Đạt Đa của ngày xưa khi chưa thành Phật vẫn như chúng ta, giờ đây lạy Phật, cúng Phật để nghe theo lời dạy của Ngài, để bắt chước Ngài tự quay lại bên trong giảm dần tham, sân, si cho đến khi không còn vô minh nữa, và tất nhiên bấy giờ tính chất Phật là tính chất giác ngộ được phát khởi mà không cần nặng nề kẹt chấp hình tướng nữa.
Trở lại định nghĩa của đạo Phật, vừa không phải là tôn giáo nhưng cũng là tôn giáo, có lẽ chúng ta đã hiểu phần nào.
Không là tôn giáo tức không có chuyện sợ hãi cầu nguyện, và vị giáo chủ được tôn thờ được minh chứng xác nhận rõ ràng, là vị giác ngộ toàn vẹn, qua lịch sử xuất xứ từ miền bắc quốc gia Ấn Độ. Vị giáo chủ này chỉ tìm ra ánh sáng giác ngộ, rồi tự tu chứng thành Phật, cuối cùng trước khi rời khỏi thế gian đi vào Niết Bàn là nơi tạm hiểu tuyệt đối rốt ráo an lạc an định nhất, đã tuyên bố một cách cụ thể vấn đề không một chút ảo huyền, do dự, “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”.
Đạo Phật cũng vừa gọi là tôn giáo vì hiện xuất từ bi trên tinh thần vị tha vô ngã; hoan hỷ đón nhận đủ phương tiện, nhưng không mất tính chất chân lý và nguyện lực chuyển hóa từ mê đến giác, từ phàm lên Thánh.
Đó là phần tôi xin được sơ giới thiệu bạn về một món ăn tinh thần mang tính thiêng liêng gọi là tôn giáo, và không tôn giáo, và ở đây món ăn tinh thần này lại vượt lên tinh thần, điều này kể ra phải là câu chuyện dài chứ không thể vài lời nói hết được. Giờ xin bạn cùng tôi thong thả tự tại đi vào món ăn tinh thần vượt qua danh tự của nó.
*
Tôi muốn nói món ăn tinh thần vượt lên tinh thần trên đây, nghĩa là hiểu Phật Học và Học Phật.
Hiểu Phật học mới học Phật được, rồi hiểu học Phật mới hành học Phật đúng, và khi hành học Phật mới vượt lên cái món ăn tinh thần mà ta cho là cao nhất đó.
Ở đây chắc chắn bạn và tôi sẽ không lầm lẫn nghĩa Phật học và học Phật.
Phật học, có nghĩa giống như các môn học bên ngoài, như phân khoa chuyên ngành của học viện, đại học thế gian. Các môn học được đào sâu huấn luyện tỉ mỉ một cách hệ thống khoa học cho đến khi tốt nghiệp, ví như kỹ sư, bác sĩ... Nhưng thành tựu cuối cùng là khi tốt nghiệp ra trường thực hành chứng nhận được hữu ích của bằng cấp. Chẳng hạn vị bác sĩ phải hành nghề khám bịnh chửa trị chứng nghiệm được việc học của mình, vị kỹ sư điện tử phải đi vào giải quyết sáng tạo thiết bị điện năng một cách tốt đẹp qua sở học đã có. Như thế việc học mới có giá trị và tồn tại theo thời gian.
Học Phật, ý nghĩa thể nghiệm thực hành cũng giống vậy, phải thực hành thẩm thấu kiến thức Phật học, ít ra tự mình phải có chút ít an lạc (tạm được thực chứng). Và nếu tạo được người khác an lạc, như thế đã xem như có học có hành, đúng với nghĩa học Phật là làm giống như Phật, Phật làm sao mình làm vậy. Tỉ dụ như học đàn, giáo sư nhạc sĩ khảy đàn thế nào, mình để tâm cố gắng bắt chước y như vậy, nếu không để tâm thực tập theo nhạc sĩ, kết quả chỉ là thông hiểu trên dòng nhạc lý hiện trên giấy, mà cung đàn phiến đàn chẳng thể phát được âm thanh. Như vậy ý nghĩa học Phật không đơn giản như ta tưởng; có lẽ nói rằng, đời nay không thấy được mấy người học Phật !
Nhận xét đời nay, hàng Phật tử chúng ta chỉ là mãi mê với Phật học, như mọi kiến thức thế gian, do đó chẳng thấy ai chứng quả đắc thánh là vậy.
Thời gian đã cách Phật hơn hai ngàn năm trăm năm, lại muốn hành động đúng theo Phật hành, chuyện quả ư đại khó. Huống nữa không gian quốc thổ khi Phật còn tại thế, hoàn toàn tương phản với thời đại ngày nay, rồi cộng thêm văn hóa phong tục tập quán nữa, thành ra hành là phải hành làm sao?
Khi đặt nghi vấn như vậy, đã nhóm thấy lên giải pháp. Tất nhiên giải pháp thế nào cũng phải nhớ là học Phật chứ tuyệt đối không phải là Phật học. Giải pháp đó là hiểu biết như vậy, tư duy như vậy, nhận thức như vậy, rồi ứng xử đúng với ý mầu lời dạy trong kinh. Kinh là lời dạy của Phật được ghi lại, chúng ta nên lấy ý rồi ghi niệm, rồi suy tư về hoàn cảnh căn tánh của mình để thực hành theo.
Đọc kinh biết rằng Phật sống hành khất tự tại không ràng buộc, từ khi Tăng đoàn đệ tử chưa đông tịnh xá chưa có; biết Phật không phân biệt thí chủ tín đồ, biết Phật trước sau như một, hành pháp khất thực, hiện pháp diệt ngã độ sanh. Và biết Phật đến cuối cuộc đời hiện thân là chân lý giải thoát, không một chút thần quyền mê tín. Đó là chủ yếu hiểu được trọng tâm sự xuất hiện của một vị Phật, và việc làm của Ngài.
Có lẽ để câu chuyện dài có phần dễ hiểu, cũng như món ăn tinh thần được thấy rõ ràng hơn, tôi xin được chia ra từng phần một; từ những món ăn vừa phải cho đến những món ăn thật cao sang! Tôi không có ý phân biệt ngon dỡ, vì quý nhất là biết ăn, phải không bạn? Nếu không biết ăn, món ngon nhất cũng chưa chắc đã thành ngon. Nhưng thưa bạn khi đã hưởng thụ được món ngon đầu tiên là căn bản, tất nhiên sẽ hiểu để trọn hưởng tất cả món sau.
Bây giờ mời bạn cùng tôi vào chuyện.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương