Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang7/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   28

Chuyện Nhân Quả

Nói chuyện về nhân quả, làm sao nói cho hết, thưa bạn!


Trước hết tôi xin nói về tôi, rồi sẽ nói về bạn!
Mà chuyện bạn làm sao tôi biết?
Biết chứ! Bởi vì bạn cũng như tôi thôi!
Bộ tôi đã không thưa với bạn sao! Chúng ta chỉ khác nhau về hình tướng, chứ tâm thức đã có chung một bản tánh; tánh đó nói ra sợ bạn cười, đó là tánh tham, tánh sân, tánh si đó!
Đó là nói bằng sự thật! Nhưng rất sợ, không biết bạn có nghĩ hiểu cho tôi không?
Nếu bạn là Bồ Tát thị hiện, tôi thành thật xin được sám hối!
Tôi lại nghĩ, chắc Bồ Tát cũng chứng tri cho tôi, rằng đó là sự thị hiện, nên chúng sanh ngộ nhận là phải, nhưng ngộ nhận để học để tu, thì không đến nổi vậy. Bồ Tát mà còn chấp đâu phải Bồ Tát, và chúng ta học được vậy mà không giống Bồ Tát lại cũng sai luôn!
Câu chuyện nhân quả của tôi như vầy:
Tôi sanh ra trong một gia đình chẳng theo đạo Phật, chỉ theo đạo ông bà; truyền thống tổ tiên thế nào hậu sinh phải thế đó. Đạo ông bà cũng chẳng biết tự bao giờ, chắc có lẽ từ khi có ông bà!
Hay đúng hơn từ khi con người nhận ra được điều hay điều đúng, điều ác điều sai; nhận ra như thế, rồi thấy được kết quả vui vầy hạnh phúc; cho nên áp dụng nhắc nhở truyền miệng cho nhau đến mãi ngày nay.
Nghĩ ra đạo ông bà là đạo làm thiện tránh ác, vì có ông bà nào dạy người làm ác đâu? Nếu có, đạo này chẳng thể tồn tại, và không thể phổ biến chính thức cho mọi người biết. Vậy ra đạo ông bà là luân lý sống, là phong hóa xã hội, nhắm vào mục đích làm người phải tốt, phải khôn ngoan và biết cư xử phải trái thế nào.
Đó, tôi đã theo như vậy.
Nhưng rôài sao nữa? Thưa tôi cũng chẳng biết gì hơn là cố gắng làm tốt.
Và rồi một việc tôi không biết rằng, tôi chỉ có tốt với người chứ không biết cũng nên tốt với loài vật khác. Tôi không có ý nói là những người còn ăn mặn (mạng), không ăn chay là không tốt, chuyện này hoàn toàn không đúng; bởi vì có rất nhiều người ăn mặn, nhưng họ rất tốt, và không thiếu kẻ ăn chay chẳng tốt chút nào. Vậy thì việc ăn chay, mặn không phải bàn đến; nhưng không biết sao tôi lại hay sát hại loài vật vô cớ, chứ không phải để ăn.
Lúc đó tôi khoảng mười hai, mười ba tuổi gì đó. Tôi hay thỏa thích với những con vật nào bắt được. Những con vật tôi sát hại bất kể là con gì, nếu là con vật nguy hiểm, tôi lại càng ra tay thích thú hơn, vì mình vừa tiêu khiển, vừa làm người khác khen nữa, chẳng hạn rắn rít, bò cạp.
Cũng có vài người cản ngăn nói rằng đừng ác như vậy, nhưng số người này tôi gặp rất ít, tôi nhớ má tôi đã có răn tôi không nên ác như thế; nhưng vì ít người khuyên, nên tôi chẳng cảm thấy đây là tội, cứ thế mà hại vật chẳng ngưng tay.
Một điều mà tôi cố nghĩ, là chưa bao giờ có ai dạy tôi rằng, giết nó rồi tương lai nó giết lại cho mà xem! Hình như tôi không nghe câu này. Hay là có nghe, lại cho là chuyện vô lý, vì làm gì nó giết được mình khi nó đã chết.
À tôi nhớ ra có một lần giết rắn, gặp ai đó nói, phải đập nát con mắt nó, không thôi hình ảnh mình lưu lại trong mắt nó sẽ trả thù.
Thời gian lì lợm của tuổi thơ ấu vậy cho đến khi được mười lăm, mười sáu tuổi, bấy giờ tôi bắt đầu ý thức được việc ác độc của mình đối với loài vật. Từ đó tôi cảm thấy sám hối trong tâm và tôn trọng tất cả loài vật không dám hại chúng. Việc này cũng có nguyên nhân là được người quen dẫn đến chùa nghe pháp, nhưng xét ra phần lớn tự tôi ý thức nhiều hơn. Bởi lúc bấy giờ tôi vẫn thấy, có một số người đi chùa mà chưa dứt được nghiệp sát. Nếu việc sát vì sinh sống thì không nói, nhưng việc sát vô cớ, dù giết hại các loài vật nhỏ như, ong, bướm, ruồi, muỗi, kiến... thì đây tỏ ra không có lòng thương vật, lại còn sanh tâm ác.
Xin đừng nói rằng những con vật nhỏ như vậy cần phải diệt, không thì nó sẽ sinh sản hại lại mình. Thưa bảo xưa nay chúng nó hại lại mình đâu không thấy, hay có chăng cũng rất ít, mà chỉ thấy mình giết nó quá nhiều; sự giết hại như vậy, dù là những loài vật nhỏ nhưng vẫn có tánh linh, ham sống sợ chết, và như thế người sát hại cũng đang tạo một nghiệp sát lớn.
Khi ý thức như vậy, tôi lại càng ngạc nhiên, tại sao lúc nhỏ tôi phải ác tâm với loài vật vậy? Nếu nói vì không biết nên không tội, đây không đúng lắm, mà phải nói tất cả đều gây tội, chỉ có ít và nhiều thôi. Chẳng hạn cố ý là trọng tội, và vô ý vẫn có tội của vô ý.
Suy ra như thế ta thấy, nếu người không chịu tu, không học đạo, thì tất cả những tội mà người đó nói là không biết, không hiểu đều là vô ý hết sao? Cho nên phải học đạo, tu đạo mới không còn gây tội vô ý nữa.
Nhân quả thật là vấn đề lớn, lớn nhất với đời người, và lớn đến mức không thể nghĩ bàn đối với người tu.
Thật may mắn cho tôi lúc giết hại những con vật như vậy, tôi đã vô minh không biết rằng đây là một hành động ác, nên cố giết mà chẳng sợ! Nếu như tôi biết đó là tội làm đau đớn mất mạng chúng sanh, mà vẫn thản nhiên giết hại, thì có lẽ giờ quả báo ác đã đền rồi.
Nhưng dù không biết tôi vẫn mang tội cố ý sát hại chúng, và nghiệp ác này nhất định phải trả, trừ khi tôi phải sám hối, hoặc tạo công đức phước báo bù lại lỗi lầm xin được đền ân với chúng.
Cho đến hôm nay tôi đã cảm nhận được quả báo phần nào về thân, và ít nhiều về tâm mỗi khi nhớ lại hành động ác độc của mình đối với loài vật.
Trong dòng sanh tử ngút ngàn, hễ còn giết hại dù giết hại vô ý, vẫn phải trả nghiệp vô ý, và như vậy mà xoay mãi sanh tử, chẳng thể vượt ra ngoài sáu cõi luân hồi đau khổ.
Bây giờ tôi xin kể chuyện nhân quả của bạn!
Bạn thấy không, ngay cảnh người đã là khổ rồi, dù người đó có là cái chi đi nữa!
Khởi đề nói về bạn, tôi xin nói ngay kiếp người, cái kiếp mà tôi cũng như bạn, bạn cũng như tôi đang chịu nhân quả đây.
Nhưng không phải nói nhân quả là nói cái khổ, nói nhân quả để biết cái khổ, và nói nhân quả để trừ cái khổ.
Bạn được sanh làm người, bạn thấy đó, trong quá trình làm người bạn phải đối diện biết bao vấn đề, và mỗi vấn đề là mỗi hành nghiệp tạo nhân, để thành quả báo.
Khi quả báo hiện hành kết quả, bạn liền đón nhận, đón nhận mà không thể từ chối, vì từ chối sao được, chính nó là hoa trái của nhân bạn tạo ra. Tỉ dụ xưa nay bạn độc thân chưa lập gia đình, bạn có người yêu; hoa trái bạn đang đón nhận chỉ ngừng lại ở chỗ yêu thương của cặp tình nhân thơ mộng. Hoa trái này cũng gây được cảnh đẹp khiến người độc thân ham thích. Nhưng rồi một thời gian bạn lập gia đình, thì hoa trái kết quả bắt đầu lại khác; tình yêu của bạn bây giờ đã sanh ra một đứa con. Từ đây khổ hơn hay vui hơn, đó là kết quả bạn phải nhận lấy chứ không thể đổ thừa ai được.
Bạn xưa nay ít giao du với nhiều người, nhưng vì thất nghiệp quá lâu, không thể từ chối một công việc mà người thật tình giới thiệu cho mình, công việc buộc phải bán hàng giao thiệp xả giao với khách.
Làm được thời gian bạn cảm thấy mình đã thay đổi, không còn cái tánh lạnh lùng ảm đạm như mùa thu nữa! Ngược lại bạn trở thành năng động hoạt bát, nói năng lưu loát vồn vã, bặt thiệp, yêu đời hơn trước.
Trong sự thay đổi như vậy, và bạn được như thế, tất đều do nhân duyên bạn thất nghiệp quá lâu. Và khi có được việc làm, lại là nhân duyên chính nữa, để kết quả bạn phải thành người lịch lãm ngôn từ giao tế.
Vậy thì nhân quả là tự bạn phải thích nghi, phải hành động liên tục trong dòng sống, chứ chẳng thể bạn đổ thừa được.
Nhưng công việc và con người của bạn tạm thành công ở lãnh vực hành xử buôn bán qua công việc như vậy, chứ những diễn tiến đời sống không dừng ở đó. Thế là bạn lúc này phải đối diện với vô số vấn đề, có khi về tới nhà cũng chẳng yên, vì khó tránh những vấn đề không hài lòng nơi làm việc, cho nên có lúc ăn uống chẳng ngon, ngủ chẳng yên giấc.
Nếu bạn còn độc thân, việc có thể dễ thở hơn; bạn có thể tìm quên qua men rượu, hay đi ra ngoài đổi gió, nhưng nếu bạn có gia đình, lại có hai ba đứa con, đây quả thật chuyện không nhỏ. Nhưng may mắn thay, bà xã bạn rành về tâm lý nên nhìn khuôn mặt mùa thu của bạn, là biết việc làm của bạn đã có vấn đề, nên nháy mắt báo hiệu các con cùng bà đóng kịch, đón mừng bạn về trong thương yêu tử tế, thế là bạn may, nếu ngược lại thì sao? Bạn tưởng tượng xem, không chừng hư tất cả đó!
Nhân quả chỉ có chút xíu đó thôi, còn nhiều lắm kể ra không hết được, nó là một dòng nhân duyên nghiệp báo kéo dài bất tận.
Bạn thử dạo bước qua một trường tiểu học xem sao.
Bạn thấy đó, hơn năm mươi em học sinh tiểu học lớp hai lớp ba đang thơ ngây đùa vui vậy, nhưng thử phóng cái nhìn tương lai của nhân quả, thì sự tình không thể tưởng tượng tương lai sẽ ra sao. Tất nhiên còn tùy cái nhân chúng tạo; nhưng ta cũng có thể lấy luật tất nhiên nhân quả mà đoán được.
Trong số trẻ nhỏ như vậy, đâu ai biết chừng, sẽ có một Tổng Thống tương lai từ trong đó; hoặc một thiên tài, một khoa học gia, hay ngược lại một tên cướp khét tiếng trong thế kỷ 21. Tất cả tùy vào cái nhân của mỗi em, cái nhân của Thầy Cô giáo, cái nhân của Ông, Bà hiệu trưởng, hay cái nhân của Hội Đồng thành phố ở đó cho phép xây cất ngôi trường tiểu học này.
Trở lại vấn đề của bạn, ngày nay bạn hiểu biết được đạo Phật, được làm quen với đạo Phật, điều này chắc chắn bạn dư biết, tất cả phải có nguyên nhân. Nguyên nhân gần, nguyên nhân xa, nhất định phải có.
Gần là bạn quen với anh A, Chị B; Anh chị đi chùa nên bạn đi theo. Gần vì nhân có đám tang của gia đình người bạn thân, nên đi dự đám tình cờ nghe vị Thầy giảng về vô thường đời sống giả tạm. Gần nữa vì hôm đó là đại lễ Phật Đản, đi ngang qua chùa nhằm giờ trưa, chùa đang đãi cơm cho khách thập phương, bạn cảm thấy muốn đổi vị ăn một bửa, nên ghé ăn cơm chùa cho vui, tình cờ vào chùa cảm thấy cái gì quen quen, rồi gặp bạn thân ở đó, kết duyên làm quen đạo Phật.
Còn xa, bạn không có phương tiện đến chùa, không có người quen hiểu biết Phật pháp, nên dù nghe và biết chút chút về đạo Phật mà bạn cũng chẳng thấy nôn nóng, chẳng thấy hiếu kỳ. Tâm trạng và hoàn cảnh như vậy làm bạn băn khoăn ngại ngùng tìm đến Phật pháp; mãi tới khi có một biến cố, tang lễ gia đình, ông bà cha mẹ, bạn mới thức tỉnh tìm hiểu. Hay vì một người nào đó lâm cảnh cần bạn hỏi chùa, hỏi thầy, bấy giờ bạn mới có duyên.
Đó là xa vậy, nghĩa là bạn vẫn biết nhưng không thể tìm đến được.
Thật ra nói cho đúng, chẳng có gần có xa, chỉ có duyên ít, duyên nhiều mà thôi; duyên đó là nhân bạn đã tạo nhiều hay tạo ít.
Có người trong gia đình dù cha mẹ, chồng vợ hay con cái là Phật tử thuần thành nhưng riêng mình vẫn là duyên xa, vì chẳng bao giờ đoái hoài hỏi thăm đến. Thậm chí có người ở ngay trong chùa, vẫn tạo duyên rất ít với Phật pháp, vì việc tu chẳng phát Bồ Đề Tâm. Ngược lại có người sống trong gia đình thân tộc bạn bè chưa từng biết Phật pháp, mà riêng chính họ lại có duyên rất gần, vì họ phát Bồ Đề Tâm. Chúng ta sẽ nói riêng về Bồ Đề Tâm trong những chuyện sau.
Thưa bạn, việc duyên xa, duyên gần thế nào vẫn còn hơn rất nhiều người chưa bao giờ có duyên hiểu biết Phật pháp. Chúng ta quả thật may mắn dù là duyên ít cũng vậy; bởi vì dân số trên thế giới này còn đến chín mươi phần trăm người không duyên với đạo Phật. Còn nói về súc sinh không phải loài người thì làm sao mà kể, tội nghiệp chúng quá! Trừ khi những con vật sống ở chùa, hay ở nhà Phật tử nghe được tiếng kinh lời kệ; chúng chỉ cần nghe âm thanh, không cần hiểu, có thể sẽ kết duyên; nhưng vâãn còn xa lắm vì nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn (thân người khó được, Phât pháp khó nghe). Do đó chúng phải đền trả kiếp súc sanh, cho đến chừng nào sanh được thân người, rồi sanh được thân người, cũng đâu dễ gì nghe được Phật pháp.
Thế chuyện tôi vừa kể, bạn có trải qua không?
Thôi thì dù sao bạn vẫn hạnh phúc lắm, bạn hạnh phúc vì bạn biết bạn đang may mắn, đang phước duyên làm được thân người. À mà chẳng có gì để gọi may mắn, tất cả là do bạn thôi. Nhưng tôi vẫn muốn nói bạn may mắn để bạn tin bạn hơn người.
Nào thử nhìn lại cuộc đời bạn xem, từ nhỏ đến lớn bạn có làm gì nên tội không? Bạn có sát sanh hại vật như tôi không? Bạn có làm điều gì sai trái nghiêm trọng không?
Thế nào bạn cũng có, nhưng ít nhiều thôi.
Bạn à! Ai mà chẳng tạo nhân bất thiện trong đời này, dù vị đó là tu sĩ cũng vậy, ngoại trừ tu sĩ đắc đạo. Nhưng trước khi đắc đạo vị tu sĩ đó thế nào cũng tạo nghiệp, ít ra cũng vô ý dẫm đạp chúng sanh, hoặc phát lời không hay gây phiền não người.
Ngay chính Đấng Đại Giác mà còn vướng lại nghiệp trong quá khứ, và rồi phải giải quyết ngay trong đời thành đạo của Ngài. Phàm nhân như chúng ta có ai dám tự hào tôi không tạo nghiệp ác. Dù không có trong đời này, nhưng làm sao biết có hay không trong đời quá khứ.
Lẽ này ta thấy ở đời nhiều chuyện xảy ra xem như bất công; kẻ đã có tiền mà còn gặp hên, người đang gặp khó khăn vật chất lại thêm tang sự gia đình, khiến thân bệnh chưa dứt khổ, lại thêm tâm bệnh đau thương nữa. Thật là họa vô đơn chí ! (Tai họa, nạn tai không phải chỉ xảy ra một lần) Nhưng thưa bạn chẳng phải thế đâu, đôi khi quả báo khổ đau đến với mình nhiều vậy, là để thức tỉnh cho mình còn quay về kịp; chứ người ít gặp khổ đau, không nhiều khó khăn, xem ra vẫn là nguy hiểm. Vì sẽ quên rằng cuộc đời không để yên cho mình vui hoài; thân thể không để yên cho mình khỏe mãi. Quên như thế người ta chẳng có cơ hội nhân duyên thức tỉnh làm thiện, tu phước, tu nhân tích đức, và khi họa đến nơi, bấy giờ phải là uổng tiếc biết bao.
Như vậy thật hiếm người giàu có lại biết tu thân, tu tâm, tạo phước; nhưng cũng có thể nói rằng người quá nghèo khó đâu dễ nào tu.
Nhân quả đã rõ ràng, lại nghĩ không ra, bởi chúng ta không như Bồ Tát, chẳng lo sợ nhân đến khi quả báo hiện hình, rồi đâm hoảng sợ sám hối.
Đại khái chuyện nhân quả của bạn là như vậy, giống như tất cả mọi người chúng ta đang hiện hữu trong dòng xoay của nhân quả khổ đau này.
*
Để vấn đề rõ thêm nữa, xin bàn thêm quả báo ba thời, hay thường xảy ra cho một chúng sanh trong dòng sống này.
Nhà Phật dạy đó là Hiện báo, Sinh báo và Hậu báo.
Hiện báo là quả báo đến ngay đời này, và trong giai đoạn hiện đời, hiện báo có khi thật nhanh, nhưng nhanh hay chậm cũng phải giải quyết trong một đời. Có rất nhiều thí dụ nói lên hiện báo, xin được đưa ra vài việc như sau:
Nhanh nhất là bạn lấy tay khỏ xuống bàn; hành động dùng tay khỏ xuống bàn là nhân, và tay bạn cảm giác được là quả, hoặc hàng loạt quả theo sau, như bàn rung rinh, đồ trên bàn rớt xuống, âm thanh vang ra, có người thốt lên tiếng giựt mình v.v... Đó là kết quả đến ngay như vậy. Nhưng nếu bạn dùng một sức mạnh toàn lực của mình để giáng xuống bàn, kết quả sẽ hiện ra thật rõ, rõ đến đáng sợ. Sự việc xảy ra như sau: Bàn tay bạn sẽ đau ngay lập tức, ngay khi giáng đòn xuống. Mặt bàn sẽ trầy trụa, hay có thể nứt vỡ ra. Tất cả đồ trên bàn đều xê dịch, ngã rớt, đổ bể tùy theo vật dụng trên bàn. Âm thanh sẽ vang đi thật nhanh đến người gần đó, nếu người yếu tim có thể đứng tim, hoặc lên cơn hốt hoảng hét lên theo tiếng vang của bàn.
Hiện báo đến nhanh là vậy; thí dụ trên ai cũng hiểu, có thể thấy ngay hiện báo đang xảy ra khắp nơi và liên tục không gián đoạn trong đời sống chúng ta.
Nếu quan sát hiện báo hơi lâu hơn một chút, ta cũng có thể mượn lại thí dụ trên: Khi tiếng động đập bàn lớn như vậy, khiến người yếu tim chấn động lên cơn, nhịp tim đập loạn xạ đau đớn, phải đưa vào bệnh viện. Kết quả tưởng rằng người bệnh tim này lẽ ra đã hết; vì có chữa trị rồi trong quá khứ, không ngờ trong vụ này cơn bệnh tái phát trở nên trầm trọng, và vài ngày sau phải lìa đời. Riêng đương sự người gây ra nhân như vậy, mấy ngày sau bàn tay bầm tím, cái đau chỉ có tăng, khám nghiệm ra, xương đốt tay bị vỡ dập, kết quả phải vào nhà thương giải phẩu.
Chỉ lấy hai sự kiện xảy ra hơi lâu một tí của giai đoạn hiện báo; nếu xét trọn một đời của hiện báo, thì quả báo sẽ hiện ra theo nhân duyên từ một cú đấm bàn mà ra. Vì Nhân Quả là một vòng nhân duyên kết mắc, nhân tạo thành quả, quả lại biến thành nhân, rồi tiếp tục tạo thành quả mới, rồi tiếp thành nhân mới, tiếp mãi đến vô cùng. Và cái cuối cùng đó là vô chung vậy. Như thế ta thâáy Hiện báo, Sinh báo, hay Hậu báo cũng là những nhân duyên chạy dài từ quá khứ, hiện tại, vị lai thôi.
Xin lấy một tỉ dụ điển hình có thật này.
Khi thế chiến thứ hai xảy ra tại Châu Á, nước Nhật phải lãnh chịu hai quả bơm nguyên tử dày xéo hai thành phố lớn là Hiroshima và Nagasaki. Khi bơm vừa chấm đất, tức thì quả báo lập tức xảy ra, xảy ra trong một giây rồi hai giây, ba giây, bốn giây, một phút, năm phút, bảy phút, một tiếng, hai tiếng, ba ngày, một tháng, hai năm, mười năm, và cho đến hôm nay là 61 năm, gần trọn một đời người.
Hành động cách đây 61 năm đã không còn nữa, nhưng quả báo hãy còn, gọi là sanh báo vậy. Đó là những lời nguyền rủa, những lời chỉ trích, những lời lên án của thế hệ hôm nay, dù họ đâu có chứng kiến cảnh kinh hoàng của ngày tháng năm 1945 đó. Đó là nghiệp nhân hành động đời trước của ông cha họ, hay có thể cũng chính họ, để bây giờ phải chịu sanh báo, sinh ra căm thù hay tủi hận.
Có khi ai lại biết trong số gần hai trăm ngàn hương hồn, vong hồn mất đi thời đó, hiện lại tái sanh làm những đứa trẻ, trở về sống ngay thành phố hãi hùng của năm xưa. Và chúng ta có thể cho họ vô cớ thù ghét chiến tranh tàn nhẫn, nhưng ta nào biết chính họ là nạn nhân tái sanh lại, nên lòng căm ghét của họ là đương nhiên. Những người gây tạo chiến tranh ngày xưa, tái sanh lại đời nay phải chịu quả báo khổ đau liên quan đến cuộc chiến mà bây giờ vẫn còn nhắc đến, đó là sanh báo.
Như thế Hậu báo cũng chẳng khác gì, nghĩa là thù hận sẽ mãi đi theo nhiều đời nhiều kiếp, cho đến khi phải hoàn trả cho xong; do đó nếu không dùng pháp Phật gội rửa, dùng lòng từ bi thương xót hết thảy chúng sanh, thì có thể tâm lý thù ghét về cuộc thế chiến thứ hai sẽ ngấm vào tâm thức đến hàng ngàn năm cũng không chừng.
Học Phật mà không biết, không tin nhân quả, vậy đâu còn gì để học, phải không thưa bạn!
Ngày nay chúng ta được thừa hưởng mọi nhu cầu vật chất, mọi hoàn cảnh văn minh, tất cả đều nhờ biết bao nhiêu công sức mồ hôi của người đi trước. Dù ta biết rằng đó là nhân lành đã tạo mới có quả tốt ngày nay, nhưng ta không thể phủ nhận cuộc sống được ấm no, đầy đủ phương tiện giải trí, phải là do tâm trí, tâm lực của nhiều người khác mà ra.
Ngay chính chúng ta cũng vậy, khi làm được một việc gì thành tựu, ta vừa tự khen, vừa vui hoan hỷ với kết quả của mình, huống chi hằng ngày tất cả những vật dụng, từ thức ăn, thức uống, tiện nghi sinh sống hầu hết đều do người khác làm ra, ta lại không hoan hỷ vui mừng mang ơn sao? Bộ ta nghĩ rằng cái gì mình làm mới thật xứng đáng, còn của người khác đổi trao bằng tiền bạc, đâu cần phải mang ơn!
Ta phải biết rằng khi lâm vào hoàn cảnh nhất sinh thập tử, tiền bạc sẽ trở thành vô nghĩa; một bệnh nhân khi được mang vào bệnh viện chữa trị, đâu phải có tiền thật nhiều là chửa hết bệnh. Các bác sĩ cũng vậy, họ phải tự đặt mình vào lương tâm của vị lương y, chứ không nghĩ phải được trả lương khi con bệnh được cứu nguy chữa khỏi.
Hoặc lâm vào hoàn cảnh bi đát nhất, người ta bấy giờ phải đối xử bằng tình thương chứ không thể đem của ra mà trao đổi.
Hiểu theo nhà Phật, tiền bạc thật nghĩa là nhân quả; nhân quả thiện cho người biết xử dụng, và nhân quả ác cho người không biết xử dụng. Như vậy hiện thời ta đang sống nơi đất nước giàu sang, tiền bạc đầy đủ, đó là nhân quả thiện. Nếu xem rằng đó là tự nhiên, tự nhiên đi làm là có tiền, vậy ta đã phủ nhận hành nghiệp lành đã làm trong tiền kiếp, chính điều này dễ dàng mất đi duyên lành tạo nhân tốt trong đời này.
Thử nhìn xem, xã hội đầy dẫy người đi làm, đầy dẫy người học thức, nhưng chẳng phải những người đi làm, học thức đó đều giàu có, hạnh phúc như nhau. Họ vẫn chênh lệch khác nhau nhiều lắm. Đó là nhân quả đời trước biết tạo thiện, nhưng đời này lại chẳng chịu tiếp tục làm, lý do đó mà phước báo chỉ hưởng bấy nhiêu, chứ không phát triển tốt hơn được.
Bạn và tôi nhìn kỹ việc này sẽ rõ hơn; như đời sống hiện nay của nhân loại, so với ngày xưa lạc hậu nghèo nàn, phải nói là đời nay quá đầy phước báo, nhưng thưa bạn có phải mọi người hôm nay đều được phước báo?
Chắc chắn là không. Hiện nay trên thế giới có hơn phân nữa người nghèo; những người nghèo đó không phải là sống trên rừng hay sa mạc, họ vẫn sống ngay thành thị chung đụng với ta.
Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận thế giới ngày nay phú cường văn minh, con người đã có thể hưởng thụ vật chất, thú vui, giải trí đến mức khó tưởng được. Chẳng hạn ngay tại tư gia một biệt thự giàu sang, người ta có thể thiết bị đầy đủ mọi thứ trên thế giới nếu muốn. Người ta có thể ở ngay tại nhà xử dụng tất cả thông tin liên lạc đến bất cứ quốc gia nào, và quan sát mục kích, thưởng ngoạn mọi hình ảnh cảnh trí khắp nơi trên thế giới. Nếu cần, bằng thiết kế kỹ thuật tối tân của khoa kiến trúc hiện đại, tại ngay ngôi nhà giàu sang này, sẽ được xây cất bất cứ mô hình nào trên thế giới gần giống như thật, chỉ khác kích thước mà thôi. Tỉ dụ nếu muốn có một ngọn núi Everest cao nhất thế giới quanh năm tuyết phủ, vẫn thiết kế được dễ dàng. Hay một góc cạnh Vạn Lý Trường Thành bên Trung Hoa cũng chẳng khó khăn chi. Và ngay cả tại ngôi nhà tối tân này người ta cũng chẳng cần phải tốn xăng đi phi trường, do chính ngay nhà chủ nhân đã có máy bay riêng, với một phi đạo vừa đẹp vừa cở. Lại nữa, ngôi nhà có thể thay đổi trong một phạm vi cần thiết để biến đổi góc độ hợp cảnh thiên nhiên bốn mùa.
Đó bạn thấy không, nền văn minh bây giờ, việc kể trên chỉ là chuyện trẻ con.
Nhưng tại sao vẫn không cứu nổi số người nghèo khổ đang chiếm một diện tích khá lớn trên địa cầu? Đó chính là phước báo của chúng ta hôm nay đã không được trân quý, cho nên sinh ra chênh lệch đời sống như thế.
Thế thì con người phải biết mang ơn tất cả những gì con người đang có, dù đó chính là sản phẩm con người làm ra. Nhưng con người buộc phải mang ơn, sự mang ơn làm ích lợi con người, là liên đới hỗ tương tôn trọng nhau, để trở thành bạn hữu; cuối cùng mục tiêu là chấm dứt lạm dụng nền văn minh giàu có tạo thành cuộc chạy đua chế biến những vũ khí giết người hàng loạt.
Thế giới càng văn minh càng phải tin nhân quả, vì nền văn minh của nhân loại phát xuất từ sự hiếu kỳ tìm hiểu, thử nghiệm của dòng tư tưởng, chứ tuyệt đối không phải để cải thiện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt nhân loại; nếu mục đích chỉ để phục vụ sinh kế ấm no, thì sự thể đã không xảy ra chiến tranh. Thật ra hưởng thụ của con người xưa nay không ngoài vấn đề nơi ăn chốn ở; nhưng con người đã quá sa đà, chẳng dè dặt suy xét tư tưởng hành động của mình, nên phải đương đầu nhiều vấn đề khó thể giải quyết được.
Chẳng hạn đặt ra vấn đề sinh sản vô tính; con người đã tự hào đạt được kỹ thuật cấy sinh phức tạp, tạo ra một tác phẩm theo ý muốn, từ đó sinh ra vô số dư luận tranh cãi, điều này khiến ta phải suy nghĩ sự thể đã rơi vào nhân quả thế nào?
Tất nhiên không trách ai cả, nguyên do là sự tiến bộ của nền học thuật y khoa trong tư tưởng tìm hiểu vấn đề sinh học liên quan đến con người, đó cũng là tính vươn lên trong một xã hội khoa học văn minh cao. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu nhân quả, tìm hiểu rốt ráo vấn đề, để phải chọn được thế nào là thiện nghiệp, ác nghiệp cho tương lai. Cách đây trên trăm năm, người chế chiếc máy bay đầu tiên, chỉ hiếu kỳ muốn thử xem thông minh con người có thể bay được như chim hay không. Khi thành công bay được người ta lại nghĩ nó phải biến thành phương tiện du lịch đưa người đi đây đó. Nhưng rồi về sau người ta lại nghĩ nó cũng là một thứ phương tiện xâm lăng giết người hữu hiệu.
Vấn đề sinh sản vô tính tương lai sẽ xảy ra thế nào? Chẳng ai biết?
Chỉ có nhân quả biết mà thôi. Tạo thiện nghiệp được quả báo thiện, tạo ác nghiệp bị quả báo ác, dù vậy ta phải cẩn thận, có thể ban đầu là thiện nhưng sau lại là ác không chừng.
Đề tài nhân quả rất dài không thể nói hết được, chúng ta tạm ngừng nơi đây, và có thể trong những câu chuyện khác, nhân quả vẫn được đề cập một cách hẳn nhiên vậy.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương