Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang15/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   28

Lục độ Ba La Mật


Sáu pháp độ sanh là Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí huệ.
Bố Thí
Bố thí là ban cho từ vật chất đến tinh thần; Ba La Mật nghĩa là đến được bờ bên kia giải thoát.
Từ đầu chuyện đến nay, bạn và tôi đã xác định được mục đích xuất hiện của đạo giải thoát, là đem lại niềm an lạc hoàn toàn, niềm hạnh phúc không thể có ở thế gian, đó là sự thoát ra khỏi luân hồi đau khổ. Cũng như tìm hiểu giai đoạn của người tu Phật trong ba thời Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp được gọi như ngày nay. Lại nữa chúng ta vừa lược bàn xong 37 pháp trợ đạo, là đường hướng phương cách chỉ rõ cho người học Phật hiểu pháp giải thoát, cũng như thực hành tu học. Và bây giờ ta lại tìm hiểu thêm nữa, sáu pháp lục độ trợ giúp cho ta và giúp cho người tiến đến giác ngộ giải thoát.
Pháp đầu tiên là Bố thí. Bố thí có ba cách: Tài thí, pháp thí, và vô úy thí.
Tài thí lại có hai phần, nội tài và ngoại tài.
Nội tài là thí xả ban cho từ nơi thân thể của ta; như lấy sức mình gánh vác việc nặng nhọc, che chở khổ đau cho người. Nói cách khác là hy sinh mạng sống, dùng thể lực thể chất chính ngay trên thân thể của mình mà bố thí.
Phần ngoại tài là tài sản bên ngoài, những gì chúng ta sở hữu.
Hai cách bố thí như vậy cách nào cũng mang đến cho người niềm vui, hạnh phúc, và lực dụng của nó là tùy vào hoàn cảnh nhân duyên đối tượng. Chẳng hạn người nghèo chỉ cần tài sản, không cần chi khác, và người đầy đủ vật chất, thì chỉ có pháp thí mới cứu được họ.
Tuy nhiên đời sống hiện thực, ngoại tài rất được nhiều người cần đến, đó là những người khổ ở những quốc gia nghèo; hay nói đúng hơn, bao giờ cũng có người khổ vì thiếu thốn vật chất tiền bạc. Nhưng rồi còn trong ba cõi, dục giới, sắc giới, vô sắc giới, tất cả đều là thiếu thốn; vì còn trong sinh diệt, hư hoại. Chính sự sinh diệt hư hoại nên chúng sanh trong ba cõi, vẫn thiếu sự an lạc định tâm tuyệt đối, đó là cảnh giới giải thoát hoàn toàn của chư Phật. Như thế ai lại không cần giúp đỡ, ai lại không muốn đón nhận sự ban cho! Ngay cả người đang bố thí đang ban cho vẫn còn là thiếu! Tất nhiên thiếu tinh thần nhiều hơn, nhưng cũng có người chẳng đầy đủ vật chất họ cũng thực hiện được bố thí giúp người, nghĩa cử này thật là cao thượng.
Thật ra vì chưa hiểu lợi ích của việc bố thí cũng như quả báo chính mình, nên chỉ thực hiện được khi có nhân duyên, chứ không tìm hiểu tạo duyên bố thí. Và ngay điểm yếu này mà Phật dạy phải bố thí, nghĩa là phải tạo duyên. Có lẽ bạn và tôi đã từng nghe thế gian cũng nhiều người giàu lòng từ, tự ý thức đem tài của gây dựng tìm phương giúp người nghèo khổ. Người không học Phật mà làm được vậy đã tự tạo cho mình quả báo chánh thiện, và đương nhiên việc làm vậy phải hoàn toàn không có một móng niệm nào về cầu danh được tiếng.
Người bố thí cũng chẳng cần tìm hiểu rằng, người nghèo khổ vật chất là do nhân nghiệp quá khứ tạo duyên không lành, hoặc gây duyên ác, mà chỉ ý thức rằng hôm nay ta có của cải làm việc bố thí, là do ta từng bố thí kiếp xưa; và biết được bố thí là gây được nhân lành ngày nay, cuối cùng hành được bố thí là cách trừ được tâm tham muốn.
Người học Phật lại còn hiểu, vật chất chỉ là giả tạm, do nhân duyên thành chẳng có tự thể độc lập, đến việc ta làm chủ nó cũng là duyên tạm đến rồi sẽ đi. Có thể nó sẽ đi trước ta, hay có thể ta rời xa trước nó. Theo luật vô thường càng ý thức điều này hơn; chẳng hạn ngôi nhà đang ở, dù mới xây cất kiên cố giá trị đến bạc triệu, nhưng đừng tưởng nó sẽ thọ hơn ta, vì ai lại biết trước tai nạn xảy ra, hoặc hỏa hoạn, hoặc động đất, hoặc xe tông vào hay máy bay đâm sầm xuống. Cũng như chiếc ấm nấu nước hiệu rẽ tiền chỉ có mười đô, nhưng biết đâu nó sẽ thọ hơn ta, nếu đột ngột ta lâm bệnh nan y, hoặc tai nạn bất ngờ chết đi. Đó bạn thấy không chẳng có gì là chân thật từ tài vật cho đến người làm chủ. Như thế bố thí có phải là điều làm ta hạnh phúc, để ý thức diệt trừ lòng tham, tạo quả thiện đời sau và sẵn sàng trực diện với sự thật của hết thảy pháp giả trên thế gian này.
Nhưng đó lại chưa đề cập đến Bố Thí Ba La Mật, là phải tự làm cho mình và người cùng được hạnh duyên đạt đến giải thoát. Người bố thí vì lòng thương, vì diệt trừ lòng tham đó là tính chất từ bi, hợp với chánh pháp, nhưng phải hồi hướng, phải dùng phương tiện vật chất, từ nội tài đến ngoại tài ban tặng cho người, với tâm nguyện đưa người hiểu biết Phật pháp. Đến đây bạn hỏi, đối tượng được bố thí có khi ở xa, có khi không có kiến thức; dù tối thiểu là pháp nhân quả họ cũng chẳng hiểu, thế làm sao đem vật chất đổi thành Phật pháp. Vấn đề như vậy, chỉ nên tạo duyên hồi hướng bằng tâm nguyện quay lại chính mình, nghĩa là tài thí phải thanh tịnh, và hành động bố thí không có chấp trước, chỉ cầu người nhận được bố thí có duyên Phật pháp được như mình, và tương lai sẽ được giải thoát luân hồi sinh tử.
Tạm hiểu bố thí là vậy, và phải thực hành mới cảm nhận được lợi ích cụ thể.
Pháp thí: Đây là phần bố thí bằng ngôn từ, bằng tâm lý, diễn giảng, khuyên bảo đưa người vào chánh pháp.
Phần bố thí pháp này tưởng cấp thiết không kém phần tài thí, dù rằng nó vẫn khó cụ thể ban bố cho người đang đói khổ; tuy vậy bố thí pháp lại là chính nhân đưa người ra khỏi cái khổ trầm kha, chứ không phải cái khổ nhất thời của đói khổ; cho nên pháp thí này thật quan trọng. Điều nữa, không phải ai cũng bố thí pháp được! Chúng ta thử tìm hiểu rõ hơn.
Bạn xem cuộc đời có phải là bể khổ như Phật đã dạy, dù đến như Hoàng gia, Tổng thống, cho tới kẻ lang thang không nhà cửa, có ai tránh được khổ này khổ kia. Và hễ đã khổ ai lại không cầu mong thoát khổ; nhưng nào có được. Do đó bù lại, người ta đã chế tạo mọi thứ để khuây khỏa lấp đi nỗi khổ, bằng nhiều lạc thú xuất hiện ở thế gian; nhưng dù có thế nào khổ vẫn khổ. Vì sao? Vì tất cả là vô thường, mọi vật đều thay đổi, đến ngay thân tâm con người là chánh nhân của dòng khổ, lại liên tục đổi thay, nên không một ai tìm được hài lòng điều mình mong muốn; và thế giới vũ trụ bao quanh vốn đã thay đổi càng tăng cường độ biến động, khiến con người không bao giờ hưởng lạc vui vẻ kéo dài được lâu!
Thế thì bố thí pháp là nói lên sự thật của vấn đề, vấn đề hư hoại của thế gian là vô thường, các pháp vô ngã, để sinh tâm hoan hỷ đón nhận sự thật cuộc sống, như thế là hiểu biết pháp học giải thoát, vui sống hướng về chánh pháp. Nếu ta thành tựu ban bố pháp thí cho người, thì phước báo còn hơn cứu giúp một người nghèo khổ trở thành giàu sang; vì người giàu sang cũng phải cần được đón nhận pháp học giải thoát. Tuy nhiên thế gian không dễ tin như vậy; người ta chỉ tin những gì cụ thể trước mắt, nhất là nạn nhân đang nghèo khổ thiếu ăn là một thực tế. Vậy làm sao pháp là những ngôn từ khiến người đang đói có thể no được? Vâng đúng vậy. Nhưng thưa bạn, dù thế nào đi nữa, pháp Phật là những ngôn từ giúp người giải thoát, vẫn là duy nhất mang lại sự no đủ hạnh phúc trường tồn dài lâu. Cho nên ngày xưa đã nhiều người cầu đạo giải thoát đến quên thân, đến hy sinh cả tánh mạng, để đổi lại tìm được minh sư nghe được chánh pháp.
Chúng ta nên hiểu rằng, người nghèo khổ không tin, bởi đó là do nghiệp khổ của họ không thể nhận ra; nhưng giá như họ biết họ đã từng nghèo và sẽ nghèo mãi nếu không hiểu chánh pháp, tức thì họ sẽ thà nhịn khổ một ngày, thậm chí đến nhiều ngày để được no đầy pháp Phật.
Nếu pháp Phật không phải là món ăn duy nhất đưa người thoát khổ, thì người ta đã dùng tiền bạc thật nhiều để cứu cái khổ thế gian này. Nhưng không, và có khi ngược lại, người càng giàu càng khổ là khác! Cụ thể là số người bạo động và quyên sinh ở các nước giàu có, còn nhiều hơn cả quốc gia đang phát triển, nơi có nhiều người nghèo khổ. Thế thì người học Phật phải nên bố thí pháp song song với tài thí vậy.
Bố thí vô úy: Là ban cho sự không sợ hãi. Thật ra bố thí pháp cùng với tài thí đã đầy đủ bao gồm hết thảy nhân duyên cứu khổ, nhưng ở đây bạn và tôi lại biết thêm một loại bố thí nữa, đó là ban cho sự không sợ hãi. Sợ hãi gì? Sợ hãi không biết chánh pháp là điều đáng sợ nhất. Vì chưa hiểu chánh pháp, ta sẽ sợ đủ thứ chuyện, nhất là chuyện sợ chết; nhưng làm người ai lại không chết dù có sợ hay không. Vậy sợ nghèo đói? Nghèo đói mà biết đạo cũng vẫn là việc mừng, vì kinh dạy, nghèo mà biết đạo rất khó. Thế sợ cướp bóc? Thì ta hãy bố thí phần nào đi, chứ đừng để lắm tiền, giữ mãi mới thành sợ. Nhưng thực tế ta cũng đâu có giàu như triệu phú. Và cuối cùng chắc chắn do nhân nghiệp quá khứ đã làm gì sai, nên bây giờ ta mới sợ mông lung vậy. Thế thì những sợ hãi vừa kể không thể đi ra ngoài pháp giải thoát mà cứu được. Vậy bố thí pháp đã làm sáng tỏ giúp người bỏ đi cả sợ hãi. Và bố thí không sợ hãi chỉ để nhắc nhở chính con người là chánh nhân, tự mình làm khổ mình, và tự mình làm mình sợ hãi.
Phần bố thí Ba La Mật đến đây có thể tạm kết, chúng ta tiếp theo phần thứ hai là Trì giới Ba La Mật.
Trì giới
Nói về giới là nói về phần tinh yếu hành trì của một người tu, không phân biệt cư sĩ hay tu sĩ. Nhưng giới lại hiểu đó là việc đương nhiên tạo nên trật tự luật tắc của bất cứ một sinh hoạt dòng sống nào trên quả địa cầu này. Như bạn thấy thế gian nếu không có luật lệ an ninh, sinh hoạt nhất định sẽ tạo loạn, và bạo động sẽ không ngừng, cuối cùng kết quả sẽ hủy diệt hết đời sống con người. Chính nhờ giới, nhờ luật con người vừa tồn tại, vừa phát triển văn minh; chẳng hạn, đối với những quốc gia hiếu chiến, có thành tích gây tạo chiến tranh, thì luật tắc công ước quốc tế buộc phải ngăn cấm và giới hạn phát triển vũ khí nguy hiểm, và thường được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc giám sát điều tra. Chính sự là như vậy, thế mà bạn thấy ngày nay chiến tranh vẫn mãi còn đang xảy ra đó đây trên địa cầu. Bạn thử tưởng tượng xem nếu như bom nguyên tử nằm trong tay các quốc gia hiếu chiến trong thời đệ nhị thế chiến thì cuộc diện thế giới bấy giờ sẽ ra sao? Có lẽ thế giới đã chuyển hướng sang một thời kỳ không ngờ được. Nhưng một điều chắc chắn, số người chết có lẽ sẽ lên đến gần một phần ba, phần tư dân số địa cầu cũng chừng!
Thế mới thấy luật tắc là tuyệt đối bắt buộc, nếu muốn thăng hoa đời sống, muốn cải thiện nhân tâm. Cũng điều này người học Phật gọi là giới luật, và giới luật lại là cột sống của người tu. Cho dù bạn là tu sĩ hay cư sĩ, và tu bất cứ pháp môn nào của Phật, nếu không có giới luật, xem như phí công vô ích, đôi khi còn phải chịu quả đau khổ vì do nhân không giữ giới mà ra.
Giới luật của người học Phật tại gia chỉ rất giới hạn căn bản như năm giới, tám giới còn gọi là Bát quan trai giới, mười giới và Bồ Tát giới.
Giới người xuất gia mới vào đạo, có giới Sa Di, Sa Di Ni, gồm mười giới, Thức Xoa Ma Ni giới và giới trưởng thành đầy đủ hơn là Tỳ kheo gồm 250 giới và Tỳ kheo ni 348 giới.
Tuy nhiên con số không phải là nhất định nhiều hay ít, đó chỉ là tương đối uyển chuyển tùy vào hoàn cảnh, phương tiện hành đạo của một hành giả khi đối diện tiếp xúc vấn đề. Vì thời gian không gian, mỗi lúc mỗi nơi có khác; giới luật ngày xưa Phật dạy, chỉ ứng xử với hoàn cảnh tâm cảnh con người bấy giờ, nên không thể không xa lạ với xã hội ngày nay. Do đó không phải nhất thiết làm đúng từng giới một Phật dạy; tuy nhiên thời đại hôm nay dù không còn Phật, nhưng phải ý thức đối với các pháp trần nhiễm, tự nên dè dặt không được sai phạm; không nên nói rằng điều đó Phật không nói không đề cập. Vậy nếu không cẩn thận dè dặt, người học Phật sẽ mất đi dần tính chất của người đệ tử Phật, đó là oai nghi tế hạnh, và còn biết bao vấn đề vi tế nữa.
Hãy xem ngày còn Phật không có thuốc lá, không có xe hơi, không có truyền hình, không điện thoại, không máy vi tính... Những thứ này ngày nay đối với vị tu sĩ xuất gia có lẽ cũng chẳng gì ghê gớm, nguy hại; nhưng thật sự nó lại là vấn đề lớn nếu không dè dặt, không giảm thiểu. Đương nhiên các thứ trên trừ thuốc lá ra, đó cũng là phương tiện chuyển tải pháp ngữ, pháp âm cho việc hoằng pháp giáo dục con người. Dù vậy đối với người xuất gia học Phật, vẫn là nhiễm pháp bất ngờ khó thể tiên liệu được; như hệ thống internet máy vi tính vô cùng phức tạp, hình ảnh vừa tịnh vừa nhiễm cùng lúc có thể xảy ra. Như thế nếu giữ được những gì giữ được vẫn là hơn.
Tuy nhiên đối những giới căn bản, tuyệt đối bắt buộc không được vi phạm, như sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, uống rượu, đây phải là chân lý mãi mãi dù thời gian có trải qua vô lượng tỉ năm cũng vậy, đó là nói với người tu sĩ xuất gia; riêng người tại gia cũng chẳng ngoài năm giới này chỉ khác thay vì không được dâm dục, đổi thành nhẹ đi là tà dâm, vì còn có gia đình sống nơi thế tục.
Xét ra chúng ta thấy, giới luật của người học Phật, tự điều đó phát sinh ra ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, chứ không có nghĩa ép buộc, áp chế người tu phải giữ, phải không được phạm. Phật chỉ dạy rằng giữ được không phạm giới, thì chứng được sự thanh tịnh của bản thân, điều đó là kinh nghiệm thành tựu của Ngài, và Ngài chỉ nói ra sự thật cho đệ tử biết, chứ không phải là một điều buộc phải làm. Giả như đệ tử Ngài giấu che điều phạm giới, thì mặc nhiên vị đó sẽ tự làm mất thanh tịnh ba nghiệp chính mình, hậu quả không thể chứng Thánh quả được, chứ chẳng phải Phật làm cho vị này không chứng Thánh quả. Cho nên giữ gìn giới là việc tu niệm đương nhiên, không phải là vấn đề đặt ra để bàn luận. Nhưng vì lòng từ bi của chư Phật, và chư Bồ Tát nên giới được nêu rõ ra, hầu giúp người học Phật không phải tốn công phí sức trong khi tu hành mà chẳng hiểu gì giới hạnh. Và điều đó tự bạn và tôi phải hiểu, làm sao một người tu thành tựu được, nếu phạm những điều giới căn bản trên.
Tỉ dụ một người có bố thí, có từ bi thương người, kể cả có học kinh, ngồi thiền, niệm Phật, nhưng lại không giữ giới; vậy bạn và tôi nghĩ người này có được thành tựu niệm Phật, hay tu thiền đắc định không? Sẽ không bao giờ, tất cả những việc tu của người đó chỉ là gieo duyên cho tương lai thôi, và quả báo tạo điều bất thiện vẫn phải đền trả. Nhưng nếu người giữ được giới thanh tịnh, tất quả báo chứng quả thành đạo thật nhanh chóng, cho dù không tu đầy đủ bố thí, học kinh, thiền tọa cũng chẳng sao. Là vì chính bản thân họ là một sự bố thí thanh tịnh, mô phạm cho người, và một bài pháp thực tế nói lên việc thực hành thiền niệm vậy.
Xét cho cùng giới phải là quan trọng tất nhiên, và chư Thánh Bồ Tát, hàng phát tâm tha thiết học Phật luôn luôn lấy giới làm công khóa tu trì, mới có thể thành tựu trang nghiêm học đạo. Ngày nay việc học Phật của chúng ta dù đầy đủ phương tiện hơn người xưa rất nhiều, nhưng ngược lại việc giữ giới quả thật vô cùng gian nan vất vả. Vì phải tiếp xúc mọi vấn đề của thời đại, phải phương tiện tham gia, hội nhập pháp học thế gian. Trong việc học và hành như vậy, ta cũng nhiều khi làm được một ít công đức, giúp người hiểu đạo, nhưng cũng lắm khi tự đánh mất sự thanh tịnh của mình. Tóm lại ta phải thận trọng hơn và lúc nào cũng nên nghĩ rằng chỉ có giới mới làm ta thành tựu pháp tu, và chỉ có giới mới giúp người tu thiết thực nhất, và như thế mới thật đúng là trì giới Ba La Mật.
Tinh tấn Ba La Mật
Nói về tinh tấn đã bàn qua ít nhất là hai lần, lại thường được nhắc nhở với nhau khi học pháp. Nơi đây một lần nữa trong lục độ Ba La Mật, tinh tấn là điều cần thiết của một hành giả, cho nên có nhắc đi nhiều lần thế nào, vẫn là quan trọng, huống chi pháp tu lục độ là sáu pháp vừa tự độ mình, vừa độ được người, thử hỏi làm sao bỏ đi việc học tinh tấn được!
Trong chốn già lam nơi các vị xuất gia học Phật, ta thấy ngày nào cũng vậy, sáng kệ chiều kinh, sáng kinh chiều kệ, rồi thiền tọa trước đêm, sau đêm, chẳng ngoài tiêu đề giữ thân an tịnh. Thế gian không hiểu nhìn vào ngạc nhiên không ít! Cho rằng sao lại có thể làm được như vậy, mà không nhàm chán?
Sự thật quý vị tu sĩ chẳng phải khác người thế gian trước khi trở thành tu sĩ; không chừng trước đó các vị cũng nghĩ y như người đặt câu hỏi kia. Nhưng sau khi hiểu giáo lý giải thoát, họ mới thay đổi và còn làm được những việc cụ thể tinh tấn hôm nay. Và đương nhiên việc làm tinh tấn hiện thời, đã làm cho họ nhạy bén lý trí hơn, trong vấn đề nhìn cuộc đời, chứ không phải trở thành mất bình thường hay lập dị. Và cứ thế những tu sĩ lại tha thiết ngày đêm không thay đổi hành trì, ngày ngày như một.
Thưa bạn đó chính là cách tinh tấn không ngừng, và chỉ có thực hành như vậy mới gọi là tinh tấn, chứ không phải chỉ nói, chỉ bàn suông là được.
Nhưng thưa bạn, đó cũng chỉ là tinh tấn qua thân, chứ chưa phải qua tâm, qua tâm còn khó hơn nữa, vì đôi khi ngày đêm kinh kệ thiền niệm, mà tâm thường suy tưởng đến việc khác. Biết rằng có tâm mới dẫn thân tinh tấn, nhưng đôi khi ta tự dối tâm ta, phải không bạn? Tuy nhiên dù sao vẫn còn hơn, nếu tâm không tinh tấn, mà thân cũng không luôn, thì nguy lớn. Nhưng thôi cứ để thân tinh tấn đi, rồi tâm sẽ làm theo.
Thế ta phải biết tinh tấn vô cùng quan trọng, và làm sao tâm luôn tinh tấn để có thể làm thân tinh tấn theo tâm. Bạn và tôi còn nhớ Tứ Chánh Cần, là bốn việc chuyên cần tinh tấn hướng đến chánh pháp, thiết nghĩ nơi đây, đúng thật như việc Tinh tấn Ba La Mật.
Xin được lập lại. Thứ nhất luôn chuyên cần dứt trừ điều xấu ác đã phát sanh; thứ hai chuyên cần ngăn chặn điều ác chưa phát sanh; thứ ba chuyên cần phát triển điều thiện chưa phát sanh, và thứ tư chuyên cần làm cho điều thiện tiếp tục phát sanh.
Nếu thường chuyên cần như thế đó là việc hành đúng tinh tấn, và trong khi hành tinh tấn phải ý thức tiếp tục phát triển giữ được luôn luôn; bởi tâm và thân con người rất vô thường. Ngày nào ta còn được tinh tấn ngày ấy phải nên mừng và tiếp tục. Bạn không thấy sao! Chúng ta đã từng tranh đấu giằng co với thân và tâm. Khi thân mạnh mẽ, thì tâm thường ít khi nghĩ đến pháp giải thoát; không nghĩ pháp giải thoát nên không nghĩ đến vô thường bệnh chết; và khi thân yếu bệnh mới nghĩ đến khổ, nghĩ đến vô thường, nhưng lúc này đâu đủ sức khoẻ để tinh tấn, để thiền niệm, lễ lạy, công phu. Đến như khi ý thức được lúc thân thể khoẻ, tâm được an không phiền não, thì hoàn cảnh có khi không cho phép, đó là lúc gặp nghịch duyên không tinh tấn được. Chẳng hạn như gặp dịp bạn bè đến thăm, hay người nhà, người thân cần mình giúp đỡ, cần mình thăm viếng. Do đó việc tinh tấn tưởng là dễ, nhưng không phải dễ, bởi vậy việc tu hành thường được đánh giá, thẩm định qua công phu hành trì tinh tấn trước sau như một.
Không như thế gian quyết chí một phen, một lần rồi ngừng nghỉ hưởng thụ, hưởng nhàn. Thực hành pháp giải thoát không như vậy, phải luôn luôn lúc nào cũng thấy các pháp là sinh diệt, vô thường, con người không thể trốn chạy che giấu được. Và vậy có thành tựu cũng chẳng mừng, dù thất bại cũng chẳng ngại, vì thành bại, vui buồn đều là sinh diệt. Chỉ có vấn đề nhìn được sự thành bại là pháp học giải thoát mới là thành tựu của người tu. Nhưng được như vậy phải tinh tấn ý thức luôn luôn mới có thể thấy được. Điều này mới thấy chư vị Bồ Tát khác với chúng ta là thế.
Chư vị Bồ Tát lớn, trước kia khi tìm cầu học đạo, tìm kiếm minh sư, các Ngài khác xa rất nhiều so với người của thời nay. Thời nay chúng ta hay mong ngóng gặp cho được minh sư, rồi khi nhân duyên được diện kiến, nếu chẳng tìm thấy điều lạ, điều cao kiến thậm thâm Phật pháp nào, liền đổ vỡ lý tưởng ban đầu, rồi bỏ ngang không học. Hoặc khi hài lòng bái lạy chịu làm đệ tử, đến khi tu hành chẳng thấy có điều ứng lạ, vì cứ ngày ngày một tuồng thiền niệm kệ kinh không đổi, rồi nản lòng thối chí ra đi. Như thế mà khác xa chư vị tầm đạo ngày xưa, luôn luôn bền chí nhẫn nại mới phát sinh tinh tấn. Tất nhiên tinh tấn là do tâm hiểu pháp, nếu không chẳng thể làm được. Nhưng cũng có thể hỏi ngược lại, tại sao cũng nhiều người hiểu pháp mà chẳng được tinh tấn? Hiểu pháp mà không tinh tấn, vậy chỉ còn vấn đề suy nghĩ lại việc hiểu pháp của ta! Vâng thưa bạn, chúng ta thật sự hiểu Pháp, nhưng vì nghiệp tánh tham, sân, si quá nhiều trong quá khứ khiến kéo dài mãi đến ngày nay. Rồi cái hiểu Phật pháp trong quá khứ cũng chẳng mấy gì nhiều, nên nghiệp tham, sân, si ngày nay tiếp tục làm chủ. Chỉ có bây giờ đời này, ta phải thật hiểu Phật pháp, phải thật tinh tấn, và tiếp tục tinh tấn đến suốt đời, thì mới mong chuyển được tập khí đời quá khứ cũng như đời hiện tại.
Một điều thành thật nữa để thấy, thời nay chúng sanh sống xa thời Phật đến mấy ngàn năm, hành được Tinh Tấn Ba La Mật đâu phải là chuyện dễ, vì niềm tin cứ nguội dần đi; người ta chỉ nhất thời phát được tinh tấn bao giờ gặp được Thánh Tăng, hoặc gặp phải biến cố chứng minh hình ảnh vô thường đúng giáo pháp giải thoát, chứ bình thường buộc phải tinh tấn thật là khó. Đây có phải là tập khí từ vô thỉ kiếp của chúng sanh đã trôi lăn trong biển tham ái?
Thế ra dứt khoát vấn đề, đã học Phật bắt buộc phải tinh tấn, nếu như muốn thành Phật! Chắc chắn bạn phải đồng ý với tôi như vậy; và việc để thực hành được là nhìn rõ đời sống hiện tại hơn cùng với chánh báo mà ta đang lãnh thọ. Lời cuối cùng, tinh tấn Ba La Mật không chỉ cho mình mà còn vì người mới thật đúng tinh tấn Ba La Mật.
Nhẫn nhục Ba La Mật
Sau khi đã tinh tấn quyết đi trọn con đường tu, người học Phật phải vượt qua nhiều chướng ngại. Trong chướng ngại tu đạo, hạnh nhẫn nhục là hạnh khó làm nhất. Người nhẫn nhục thành tựu, là người đã thắng được mình; thắng được mình xem như đã xong công việc hành đạo. Bạn và tôi không nhớ sao, kinh Phật thường dạy, chính tâm con người là đầu mối của vấn đề, chính tâm con người là tất cả, như thế nếu ai đó thắng được tâm mình thì còn vấn đề gì để lo ngại. Tất nhiên việc hiểu được tâm mình lại là chuyện khác! Chuyện gì? Chuyện học Phật vậy. Vì không hiểu Phật pháp, làm sao hiểu được tâm mình! Không hiểu tâm mình làm sao thắng được điều mình muốn thắng!
Thế gian có biết bao người nhẫn nhục, điều đó thật vô cùng quý báu, nếu không thế giới này chắc không thọ đến ngày nay. Vì cứ mãi trả thù, cứ mãi kết liễu đời sống với nhau. Thật tiếc rằng khi kết liễu đời sống kẻ khác hoặc chính mình, như là tự tử quyên sinh, đã chẳng giải quyết được mình, mà người khác có chết đi, cũng chẳng thể nào cứu vãn vấn đề được. Tất nhiên tùy theo trường hợp phạm pháp nghiêm trọng, đành phải phương tiện vấn đề, và phương tiện thế nào vẫn hơn là nên tránh giết hại sinh mạng chúng sinh.
Máu cứ đổ lệ vẫn rơi, làm sao tiếng hờn trách, tiếng kêu oan dứt ngừng được; nhưng có phải là thật oan, thật hờn trách của người sắp chết, hay người chứng kiến đau thương? Thưa bạn, chỉ là một vòng nhân quả, nghiệp tạo từ quá khứ kiếp kéo dài mãi đến nay, và nó sẽ tiếp tục, tiếp tục mãi nếu chúng sanh không chịu quay về với tánh giác của chính mình.
Nhẫn nhục người thế gian còn có thể làm được, thì người học Phật tất phải suy nghĩ hơn. Trong các pháp học khiến cho nhân loại hòa bình, cho tâm người an ổn, không luận tại gia xuất gia, phải nói rằng đó là pháp dứt trừ ba nghiệp tham, sân, si. Dứt được tham, sân, si là hành được pháp nhẫn. Bạn nghĩ có phải vậy không? Vâng! Bởi vì tham nên ta không nhẫn được ái dục, không nhẫn được sắc tình, không nhẫn được tiền tài vật chất... và tiếp theo ta mới sân, cuối cùng không thể có trí huệ giác ngộ được pháp giải thoát.
Có câu chuyện thật, xảy ra ở Việt Nam cách đây hơn hai mươi năm. Hai mẹ con nghèo sống bằng nghề làm mướn, người con gái chỉ tuổi khoảng hơn hai mươi. Hoàn cảnh hai mẹ con vẫn an phận với đời sống của mình; một hôm cô gái xin mẹ tiền để sắm đồ riêng gì đó; có lẽ là quần áo mặc. Bà mẹ không hài lòng nên không cho, còn lớn tiếng mắng nhiếc. Cô gái vừa xin không được lại bị la; nên giận tức cho mình, cho hoàn cảnh và chắc phải là giận mẹ nữa; ngay chiều hôm đó cô liền vào nhà tắm treo cổ tự vận chết đi.
Bà mẹ không hay biết gì, chừng khi thấy vắng con cả mấy tiếng đồng hồ, mới lớn tiếng hỏi, cuối cùng tìm thấy đứa con gái độc nhất của bà, đã treo cổ chết vừa mới đó chẳng có bao lâu.
Câu chuyện thật thương tâm của cô gái! Nhưng xảy ra từ một chuyện không đáng lắm. Đó phải chăng vì tánh giận dữ của con người. Nhưng giận dữ ai? Giận chính mẹ ruột của cô! Chính mẹ mình mình còn giận huống gì người khác! Nhưng lại thưa, lỗi đó cũng chẳng hoàn toàn do cô, vì có lẽ lời chỉ dạy quá lớn tiếng, hay quá nặng lời của người mẹ nên sinh ra quả báo đó chăng? Nhưng bà mẹ nào ngờ con mình giận mẹ đến nổi phải hại mẹ như vậy! Hại mẹ, vì để mẹ lại một mình, không ai hôm sớm, không ai cung dưỡng. Như thế cái khổ của bà mẹ hiện thời đã hơn cô rồi. Còn cái khổ của cô có lẽ sẽ chịu quả báo đời sau còn khổ hơn nữa, vì làm đau khổ mẹ. Nhưng phải nói đúng hơn, cái khổ hiện thời của mẹ cô, và của vong linh cô đang phưởng phất ở một thế giới nào đó, không thể khổ hơn cái khổ chưa hiểu Phật pháp. Bởi không hiểu Phật pháp cái khổ sẽ có thể đi lạc vào những thế giới đọa lạc thấp kém hơn.
Thưa bạn, chúng ta ai chẳng đã luân hồi trong sáu nẻo, và trong sáu nẻo, dễ gì được làm người để nhận thức được đâu là tham giận, si mê, vượt lên giải thoát. Chỉ có cõi súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ mới thật đáng sợ, đáng ghê gớm nhất, vì nơi đó tánh tham sân si đã quá lẫy lừng, khó thể thức tỉnh được.
Cô gái trong câu chuyện trên có thể thức tỉnh, sám hối, sau khi đã bỏ mạng, dù đã muộn, nhưng còn cơ hội; bà mẹ cũng vậy, khi sống một mình dù một chuỗi dài đau khổ, lại làm bà thức tỉnh, thương tiếc con mình, nhận ra hối lỗi đã trách móc con.

Thế thì vấn đề nhẫn nhục là một việc khó hành, nhưng không thể không chiêm nghiệm tư duy học hỏi thực tập phần nào trong đời sống. Như câu chuyện trên xảy ra chỉ trong phạm vi một gia đình, từ kết quả của một sự giận dữ, một sự không nhẫn nhịn để chung cuộc một người ra đi, cả hai đều khổ. Nếu câu chuyện lớn hơn, xảy đến cho người lãnh đạo, người cầm quyền quốc gia, người có trong tay vũ khí tối tân nhất, thì nhẫn nhục và giận dữ sẽ là một tác nghiệp khổng lồ mà cả nhân loại phải bàng hoàng run sợ.


Nhưng bạn và tôi chắc chắn không hiểu lầm, nhẫn nhục sẽ trở thành hèn nhát, yếu đuối, nhu nhược hay không còn là trượng phu nữa. Tất cả ý nghĩa của nhẫn nhục là không chìu theo việc làm của mình, để kết quả khiến mình khổ và người khổ. Khổ của mình là bị tham, sân, si điều khiển, và khổ của người là khiến cùng người đi vào luân hồi sa đọa.
Như thế sở dĩ chìu chuộng nghe lời người, vì muốn người không vì mình phải tạo nghiệp ác, cho nên bị người hiểu lầm, mình nhu nhược yếu đuối. Và đương nhiên điều mình nhẫn nhục chìu theo người, điều đó nhất định không thể phá đi giới tu của người học Phật, nếu không như vậy nhẫn nhục trở thành vô nghĩa lại còn khiến người gây ra nghiệp ác .
Bạn còn nhớ phần tinh tấn, chúng ta có đề cập hình ảnh sinh hoạt người tu, ngày đêm như một, thiền niệm kinh kệ, đây cũng là việc thực hành tu nhẫn, tức nỗ lực chịu đựng vượt qua vấn đề ngũ dục, mà thường tự nhiên là nhu cầu sống của một phàm nhân. Cũng có thể nói vì nhẫn nhịn được, mới sinh ra tinh tấn, và tinh tấn là nhờ sự chịu đựng nhẫn nhịn không ngừng.
Phần lợi ích cũng như nguy hại của việc nhẫn và không nhẫn nhịn đã quá rõ ràng. Kinh Phật còn dạy, một niệm sân nỗi lên, thì bao công đức tu hành sẽ bị đốt mất. Vậy nhẫn lớn được việc lớn, và sân giận lớn quả báo đốt đi công đức cũng càng lớn vậy.
Phần nhẫn nhục Ba La Mật tạm dừng lại đây, tiếp theo là phần Thiền Định.
Thiền Định Ba La Mật
Thiền định một pháp tu trong nhiều pháp tu giải thoát của Như Lai, nhưng thiền định là pháp quan trọng nhất, bắt buộc người học Phật phải thực hành. Thích hợp với pháp tu thiền đối với những người còn khoẻ, còn sáng suốt hơn là những vị cao niên. Tuy nhiên chỉ nói về mặt hình tướng tọa thiền, nhưng đối với bên trong tự tánh, nếu giữ được thanh tịnh an lạc, thì không phân biệt trẻ già. Người già dù trăm tuổi còn sáng suốt, ý thức được tâm niệm vọng động tịnh nhiễm của mình, cụ già đó vẫn gọi là đang thực hành thiền định vậy.
Nói rộng hơn thiền chẳng phải sở hữu của ai, kể cả chư Phật, chư Bồ Tát; thiền là một phương pháp, một cách sống, một hành động, một nghiệp hành, một ý thức... Nhưng những định nghĩa đó chẳng mấy ai thực tập, hoặc là thực tập mà không biết, duy chỉ chư Phật đã thành tựu thực tập đó, để đến bây giờ nó là pháp môn tuyệt diệu định được tâm, đạt được trí huệ giải thoát viên mãn. Cho nên nói thiền sở hữu của Phật Thích Ca hoàn toàn không đúng, mà phải nói rằng Thiền định giải thoát, là do Bôà Tát Tất Đạt Đa thực hành tìm ra, và là pháp thiền duy nhất đạt đến Niết Bàn, ngoài ra các lối thiền khác cũng gọi là thiền nhưng không phải là thiền giải thoát, bởi vì vẫn còn mong mỏi những kết quả, những cảnh giới Thiền theo ý thức phân biệt của mình; và thậm chí thiền dù đạt được cái gọi là Niết Bàn, mà còn chấp cũng chưa phải thiền giải thoát của Như Lai.
Ngày xưa khi tìm đạo, Bồ Tát Tất Đạt Đa đã diện kiến học đạo qua nhiều vị đạo sĩ nổi danh bấy giờ; trong các vị đạo sĩ này vẫn có vị đạt được thần thông, có một tâm linh sâu nhiệm, tuy nhiên Bồ Tát vẫn không hài lòng vì chư vị ấy vẫn còn ngã sở bên trong, còn chưa ra khỏi sương mờ của sinh tử.
Thần thông của chư vị đó đạt được gọi là ngũ thông, là năm pháp tự tại như: Thiên Nhãn Thông, thấy xa vô ngại; Thiên Nhĩ Thông, nghe xa vô ngại; Thần Túc Thông, đến đi vô ngại, Tha Tâm Thông biết được tâm người; và Túc Mạng Thông thấy biết được đời trước của chúng sanh, và đời trước của mình.
Năm thần thông như vậy đối với thế gian, quả là phi thường kỳ diệu, nhưng đối với quả vị giải thoát cũng chỉ là đau khổ, vì còn ở mãi trong luân hồi ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Chính vậy Bồ Tát đã tự tìm cho mình con đường thiền định thuận theo chân lý giải thoát, và nơi đó đã khai mở được một chân trời viên mãn tự tâm; Bồ Tát đã trở thành đấng toàn giác, mà thế nhân gọi là Phật.
Rồi từ đó đến nay thiền định hướng về giải thoát, là pháp môn tu được các đệ tử Ngài đã và đang thực hành theo. Riêng về thần thông của chư vị đệ tử Phật, không cầu nhưng vẫn hiện đầy đủ, nhất là Lậu tận thông, là loại thần thông mà các đạo sĩ khác không bao giờ đạt được, bởi đó phát xuất từ giới, định, huệ thuận theo chánh pháp. Nói rõ hơn nếu chư vị đạo sĩ khác dứt trừ được ba nghiệp tham, sân, si, giữ được thanh tịnh giới, họ sẽ có được lậu tận thông. Vậy lậu tận thông là không còn phiền não, không còn chấp kẹt vào pháp hữu vi; do đó chư vị đạo sĩ dù có ngũ thông vẫn còn phiền não, mà còn phiền não tất còn luân hồi sinh tử.
Như thế ta hiểu thiền định ở đây là sự ly tham, ly dục, nếu không như vậy, dù trên thực tế học thiền giải thoát, học đạo Như Lai, thậm chí mặc áo Như Lai, nhưng chẳng bao giờ ra khỏi tam giới. Thiền như thế chỉ là an tâm định ý nhất thời, hoặc hơn nữa chỉ hưởng quả nhân thiên. Cho nên còn gọi là thiền của thế gian, thiền mong cầu hưởng quả hữu lậu.
Người học Phật khi chưa hiểu rõ giáo lý giải thoát, nhất là chưa hiểu mục đích của thiền định thường hay rơi vào quả báo thế gian. Do vì thực tập thiền mà chẳng có trì giới đúng theo chánh pháp.
Người thành tựu thiền định, dù tối thiểu chỉ mới vào được một vài quả vị Thánh, họ vẫn sống tự tại thể hiện được chất liệu thiền nơi sinh hoạt. Điều này đúng với nghĩa Thiền Định, là sáng suốt định tỉnh, chánh niệm, chánh tư duy và tất nhiên phải chánh định. Không hiểu ý nghĩa như vậy, chúng ta lầm tưởng thiền là phải trong tư thế bán già, hay kiết già, yên tịnh một vài tiếng đồng hồ không nhúc nhích! Hình thức này chẳng liên hệ gì đến quả vị Thiền Định của Như Lai.
Ngài Huệ Năng khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền pháp để trở thành Lục Tổ, bấy giờ Ngũ tổ chẳng màng đến Huệ Năng có ngồi thiền hay không. Và Huệ Năng cũng chẳng hỏi ngồi thiền là thế nào? Thậm chí khi Ngũ tổ bí mật truyền trao y bát cho Huệ Năng, cũng không nghe Lục tổ kể lại đã dạy thiền cho Ngài, mà chỉ có nói kinh Kim Cang cho nghe, rồi đưa ra bài kệ nhắc nhở Lục Tổ trên đường độ sanh. Vậy thì thiền định càng có nghĩa là liễu pháp đắc đạo tự tâm, không chấp tướng. Cho nên sau này Lục Tổ Huệ Năng giảng dạy thiền định như sau: “ngoài lìa tướng tức là Thiền, trong không tán loạn tức là Định. Ngoài Thiền trong Định ấy là Thiền định”.*
Như vậy bạn và tôi cùng hiểu, Thiền Định không phải là hình tướng tọa thiền bán già, hay kiết già, mà miễn sao trong tâm được thanh tịnh, được nhất tâm không xao động. Như thế người Tây phương có thể ngồi thiền trên ghế sofa chẳng sao cả. Một điều nữa lìa tướng mà Tổ Huệ Năng dạy, là tướng phân biệt chấp trước cả đến pháp tu của mình, chứ không phải chỉ riêng lìa tướng ngồi thiền, nhưng còn chấp bên trong thiền định, như thế cũng sai chánh pháp, không thể phát sinh ra Định được.
________________
* Pháp Bảo Đàn Kinh – Dịch giả Thích Minh Trực
Cuối cùng, đạt được Định là nhờ vào tu giới giải thoát của Như Lai. Vậy Thiền Định Ba La Mật là thanh tịnh dứt trừ phiền não, là tất cả pháp môn giải thoát có thể làm tâm hành giả an định, để điểm sau cùng là phát được huệ giải thoát.
Đến đây là pháp cuối của sáu pháp Ba La Mật, đó là Trí Huệ Ba La Mật, là con đường thành tựu của sáu pháp độ sanh.
Trí huệ Ba La Mật
Thưa bạn thật không phải là chuyện dễ dàng cụ thể nói để mà vui, nói như định nghĩa các danh từ thế gian; vì tất cả nghĩa từ, là do ý thức thứ sáu phân biệt vọng lên phát khởi từ duyên trần. Ý thức đó chỉ là những kiến thức phát xuất từ nhận thức của một phàm phu chưa chứng Thánh; nhận thức như vậy phần lớn là sai, sai từ căn bản thức là vọng động. Lại nữa đối tượng của thức phân biệt càng vô thường huyễn giả, thì nhận định, thẩm xét có gì để bàn, có gì là đúng.
Như thế, nếu không học hiểu Phật pháp ta dễ bị kiến thức hiểu biết của chính mình đánh lừa, đó là cuộc luân hồi đau khổ từ vô thỉ đến nay. Khi sanh trở lại Ta Bà ta lại tiếp tục mang theo tập khí của vô minh, tức cái biết phân biệt chấp trước nối dài thêm, và rồi không biết đến bao giờ chấm dứt. Cho nên cái trí huệ mà ta tạm định nghĩa lạm bàn phân bua đây, chỉ là một phần trong vạn phần trọn nghĩa. Vì sao biết? Vì ta vẫn chưa chứng đạo để trực nhận trí huệ Ba La Mật đó là thế nào.
Nếu trí huệ là đối lập với vô minh, thì làm sao ta định nghĩa cho được, trong khi ta đang sống trong vô minh! Có phải vậy không? Nếu bảo ta định nghĩa vô minh, việc có thể dễ dàng, nghĩa là còn đầy phiền não tham, sân, si; nhưng đôi khi đang sống trong vô minh, ta còn không thấy, không biết huống gì ta hiểu thế nào trí huệ là nơi phát sinh ra Thánh cảnh.
Chỉ căn cứ theo kinh sách, căn cứ vào đời sống hoan hỷ an lạc và hành hoạt của chư Tổ, chư Thánh đắc đạo, ta có thể thấy được cụ thể phần nào. Trước hết ta thấy trí huệ chỉ phát sinh từ công phu tu tập đạo giải thoát, chứ không thể trí huệ phát sinh từ kiến thức bên ngoài người khác, truyền trao cho mình như một món quà trao tay. Thứ hai trí huệ đúng thật là trí huệ giải thoát, là không thể nhận định sai các pháp, không thể để các pháp dẫn dụ, và người mang được trí huệ sẽ có hạnh phúc an lạc trong bất cứ tình huống hoàn cảnh nào.
Điều này nếu thế gian làm được, vẫn gọi là trí huệ. Nhưng dù có gọi trí huệ hay không, cũng chẳng thể vì đó mà an vui hạnh phúc nếu không tu hằng siêng tập công phu.
Bây giờ bạn và tôi thử xem kiến thức thế gian có thể mang lại những gì trí huệ sinh ra? Trí huệ do công phu tu tập pháp giải thoát, nên sinh tâm hoan hỷ an lạc dù sống trong hoàn cảnh nào. Riêng kiến thức thế gian đạt được cao nhất cũng chỉ giải quyết vấn đề sinh kế, và chỉ trong một hoàn cảnh, thời gian nhất định thôi. Như về hoàn cảnh, chẳng hạn người tốt nghiệp tiến sĩ văn chương, hay sử học, lại không thể sống trong hoàn cảnh khác với kiến thức của mình, tỉ dụ nơi mọi người sống toàn nghề trồng trọt ở rừng sâu.
Về thời gian, kiến thức văn chương hay sử học sẽ luôn thay đổi vì nền văn minh nhân loại sẽ không bao giờ ngừng nghỉ, cho nên cái học thế gian phải chạy theo mãi. Nếu cho một vị tiến sĩ văn chương sống thọ đến vài thế kỷ, ông chắc phải mệt nhoài chạy theo với định lý bảo vệ bằng cấp của mình cho đến kiệt sức. Và giả dụ đến một giai đoạn người ta cho rằng hệ thống chữ viết chỉ là rắc rối, nên đổi thành ký hiệu giản lược, thống nhất toàn cầu; bấy giờ ông tiến sĩ văn chương phải học lại tất cả để bám giữ vị thế của mình. Thế là đến cuối cuộc đời, nếu hỏi ông đã hài lòng, đã tìm được hết nguyên lý thật nghĩa của cuộc đời; chắc chắn ông sẽ trả lời rằng, chẳng hiểu, và chẳng bao giờ hiểu còn gì xảy ra nữa với kiến thức thế gian. Như vậy kiến thức thế gian sẽ chẳng bao giờ làm cho con người hoàn toàn tuyệt đối thỏa mãn, dù con người có thọ đến bao nhiêu tuổi đi nữa! Và nếu không thỏa mãn, thì không thể có được hạnh phúc an lạc. Đây chỉ là vài điểm khác với trí huệ và sở học trong pháp giải thoát.
Như đã đề cập một phần vấn đề kiến thức thế gian, và xuất thế gian trong phần ngũ căn; thì đây cũng vậy Trí huệ giải thoát vẫn từ thế gian phát xuất, chỉ khác hơn là Trí huệ do tu và học, chứ không chỉ học mà sinh huệ được. Học là học những gì thế gian dạy, tu là tu những gì thế gian có. Người có trí huệ, như chư vị Bôà Tát chứng đạo, sẽ an lòng, sẽ bình thản, tự tại trước và sau không khác; các Ngài đến với pháp và ra đi với pháp chẳng động tâm, đó là chân hạnh phúc.
Nhưng trên phương tiện tự nhiên của người học Phật, đi tìm trí huệ giải thoát thường nghe qua ba việc học là Văn, Tư, Tu rồi tiếp theo học Giới, Định, Huệ.
Văn là nghe, nghe tất cả những nhận xét bình phẩm của thế gian, trong đó vừa là pháp tịnh vừa pháp nhiễm. Nếu không nghe làm sao có thể biết được thế gian! Nhưng muốn nghe cho đúng, nghe cho hiểu, bắt buộc phải suy nghĩ, đó là Tư; suy nghĩ tư duy việc mình nghe.
Người học Phật lấy hiểu biết chánh pháp làm hành trang, nên nghe tất cả âm thanh tạp nhạp của thế gian, rồi dùng tư duy nhận định suy xét âm thanh nào nhiễm, âm thanh nào tịnh. Nhiễm là âm thanh chỉ mang lại nhất thời niềm vui, Tịnh là âm thanh mang lại niềm vui bất diệt. Niềm vui nhất thời là êm tai, xu hướng chìu theo bản ngã của mình của người, và chỉ có xuôi theo chiều thuận thế gian thích. Đó là ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ; âm thanh đó không thể ra ngoài đề mục ngũ dục, nên không thể không phiền não, và nhất định chỉ là nhất thời được êm tai, mà đoạn kết là sầu bi đau khổ.
Với âm thanh thanh tịnh là những pháp ngữ, ngôn từ vạch thẳng chánh pháp, vạch thẳng sự thật của sự vật và con người là pháp hữu vi, vô thường có sanh có diệt, nên âm thanh đó cũng giống như pháp âm của Phật, được ghi chép thành kinh. Việc nghe và tư duy thuận theo chánh pháp không phải việc dễ làm, do đó người học Phật cần học hiểu giáo lý giải thoát sâu hơn, để vượt lên sự phân biệt, xem tất cả âm thanh tạp nhiễm, tịnh uế cũng chỉ là âm thanh sinh diệt huyễn hóa, như vậy mới tư duy được tất cả điều nghe thấy của thế gian. Và đó chính là Tu, hành trì ứng xử theo điều đã nghe và suy nghĩ.
Thực hành được Văn, Tư, Tu mới dễ dàng tiến tu đạt đến Giới, Định, Huệ là ba phần quan trọng nhất của người tu Phật. Người học Phật có được kết quả là do tu Giới Định Huệ, ngoài ra chẳng khác gì người thế gian không học Phật. Vấn đề tu giới được định rồi phát huệ, bạn và tôi đã ít nhiều bàn qua; yếu nghĩa và nội dung nơi đây chẳng khác.
Như vậy ta có thể tạm kết phần Trí Huệ Ba La Mật, là phần quan trọng nhất để phát huy gìn giữ được chánh pháp; và trí huệ này không phải là kiến thức thế gian có thể tìm được, nếu chẳng chịu quay về với chính mình, nhìn nhận vạn pháp chỉ là duyên sinh vô ngã. Thậm chí ngay cả người xuất gia chẳng ngoại lệ, nếu không học giới tu định, thì cũng chẳng có được trí huệ giải thoát này. Chúng ta có thể tạm kết sáu pháp độ sanh tại đây, và tiếp tục bàn đề mục khác.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương