Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang11/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   28

Tứ như ý túc

Trước khi tiếp theo chuyện bàn về pháp Tứ Như Ý Túc, tôi xin được dẫn lời giải trong Từ Điển Phật học như sau:


Theo Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, trong phần cuối của ngài Trí Khải, trong Tứ Niệm Xứ thì tu thật trí huệ, trong Tứ Chánh Cần tu Chánh Tinh tấn, như thế thì huệ nhiều định ít, nay tu Tứ chúng thiền định nhiếp tâm thì định, huệ mới bằng nhau được, sở nguyện đều thành tựu, nên gọi là Như Ý Túc.*
Nghe qua bạn và tôi hiểu đây là pháp tu thành tựu thiền định, phát sinh ra bốn điều như ý. Bốn điều đó là:
-Dục như ý túc
-Tinh tấn như ý túc
_____________________
* (Từ điển Phật Học Huệ Quang - trang 7268 – Cảo bản – Chủ biên Thích Minh Cảnh).
-Nhất tâm như ý túc
-Quán như ý túc
Lại căn cứ theo lời dẫn trên, bốn điều như ý này đạt được là do trải qua quá trình, công phu tu niệm Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần; và kết quả như ý là toại nguyện sanh được diệu lực thần thông, nên cũng còn gọi là Tứ thần túc. Vậy thần túc là diệu lực công đức thù thắng đạt được từ thiền định, nhưng thiền định thành tựu như vầy lại nhờ do phát sinh trí huệ quán chiếu bốn pháp niệm xứ và bốn điều chánh tinh tấn mà ra.
Nào chúng ta thử tìm hiểu theo từng phần bốn điều như ý này.
-Dục như ý túc:
Có nghĩa mong muốn đạt được mỹ mãn như ý.
Chúng ta lại đi từ sự mong muốn thường tình của thế gian; mong muốn tất cả nhu cầu vật chất, mong muốn cho bằng được, cho như ý. Điều mong muốn đó có nghĩa là điều tham không hơn không kém, để kết quả chỉ là đau khổ khi biến thành thái quá của lòng tham. Nhưng không phải tuyệt đối là tham; thế gian vẫn có nhiều người mong muốn nhưng không tham. Hẳn lịch sử đã có ghi bao nhiêu vị anh hùng cứu nước, cứu khổ vì người, vì đa số chứ không riêng cho họ; cũng như các nhà bác học, vẫn mong muốn mà không tham, các vị vì ham muốn cho mọi người có được tiện nghi, bớt đi việc khổ mà tự chính nhà bác học đã kinh qua, nay thấy cấp bách cần tìm tòi phát minh cứu nguy cho quần chúng. Đây là việc không phải tham mà là mong muốn giúp người. Mong muốn này nếu được toại nguyện như ý tất nhà bác học, hay nhà chính trị cách mạng sẽ đạt được niềm vui lớn.
Bạn và tôi vẫn hiểu, dù gì đằng sau bức màn mong muốn giúp người, thoạt đầu vẫn chưa xuất hiện bản ngã danh vọng, nhưng vì tính chất phiền não tham, sân, si ái chưa dứt nên trước sau dễ bị phạm phải. Như thế mà nhà bác học, nhà cách mạng đã không còn thuần chất, để biến mất tính chất mong muốn ban đầu. Thế là những sản phẩm được chế ra lại bị hóa thành lạc hướng, chạy theo ý thức nô lệ dục vọng ích kỷ của chính mình. Ham muốn như ý theo đây, kết quả tất nhiên là khổ.
Cha mẹ mong muốn cho con được học thành tài như ý cha mẹ; con cái mong muốn được học vị cao như ý của nó. Cả gia đình đều muốn phải sống hòa ái như ý; và các nhà điều hành, lãnh đạo xã hội quốc gia đều mong muốn hướng dẫn quần chúng, đất nước được hòa bình văn minh tiến bộ; như thế chẳng ai là chẳng ham muốn như ý.
Nhưng làm sao ham muốn được như ý, khi mỗi thành viên trong gia đình đã không tự làm cho mình như ý, theo sự hướng đến tha nhân bằng sự hiểu biết của từ bi trí huệ. Tất nhiên cha mẹ lúc nào cũng mong muốn cho con học giỏi thành tựu mai sau, nhưng cha mẹ đã không nhìn thấy, có rất nhiều đứa con học giỏi của nhiều gia đình, nhưng những gia đình đó vẫn không thành tựu điều họ mong muốn! Có phải điều đích thực mong muốn của cha mẹ là muốn con mình hạnh phúc? Và hạnh phúc đó phải là học giỏi hay sao? Câu trả lời có thể không đặt vào hết trường hợp, nhưng ta phải thấy, tất cả đều cần tình thương, sự rộng lượng.
Một quốc gia giàu có đầy đủ vật chất, chưa chắc đã hoàn toàn hạnh phúc bằng một quốc gia chỉ phát triển vừa đủ sống, nhưng biết sống chú trọng nhiều về tình thương. Chẳng hạn Mỹ quốc là một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới ở giữa thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này; nhưng ta thử hỏi nước Mỹ, đã có được hơn phân nửa số dân sống hạnh phúc chăng? Và đất nước Tây Tạng trước thập niên năm mươi, được xem là một dân tộc lạc hậu của miền sơn cước, chỉ sống cô tịch quê mùa đối với thế giới bên ngoài; nhưng ngược lại họ lại là những người có nhiều, và có hạnh phúc thật sự nhất trên thế giới. Đó là vì họ biết sống nghiêng về từ bi, sống ít ham muốn và biết ham muốn đúng với chân lý tình thương.
Thế ra thế gian ham muốn như ý, nhưng chẳng thể tưởng tượng được sự ham muốn như ý của mình có được ngừng lại chăng! Để sự ham muốn đó trở thành tham muốn, và chẳng thể đưa đến hạnh phúc, ngược lại càng ham muốn càng khổ đau.
Vậy thì người học Phật ham muốn thế nào, và ham muốn có như ý không?
Chẳng khác gì thế gian, thế gian ham muốn bao nhiêu, người học Phật ham muốn bấy nhiêu. Nghe qua chắc bạn giựt mình chứ gì!
Bạn và tôi nên hiểu tất cả pháp đều là giả pháp, ngay cả cái bạn và tôi đang bàn về cái gì giải thoát cũng là giả, có chăng đáng nói chỉ là phương tiện; và khi đạt được giải thoát, bấy giờ không còn nói đến cái gì là pháp hay không phải pháp. Hễ còn móng niệm là còn phân biệt thật giả; chỉ có thành đạo mới có thể nói được hết ý về nghĩa của pháp.
Sự kiện người học Phật ham muốn chẳng khác người thế gian, vì người học Phật cũng chỉ là con người; cũng biết tiếp xúc trâàn cảnh và đầy đủ cảm xúc. Nhưng người học Phật lại vì ham muốn hơn, sự ra khỏi luân hồi, sự thành đạo trong tương lai, nên dù có hành động như ham muốn nhưng không dính mắc. Và do không dính mắc nên ham muốn như thế gian mà chẳng giống thế gian, và tất nhiên lại trở về vấn đề củ rích, là vì biết sự ham muốn của thế gian sẽ không bao giờ như ý, bởi không hiểu các pháp là giả là do duyên sinh.
Đó là sự ham muốn của người cư sĩ học Phật, đã và đang tiếp cận một cách mãnh liệt với cuộc sống; những người này đã thành tựu ham muốn như ý, trong cái ham muốn như thế gian mà chẳng giống thế gian. Nghĩa là họ đã thấy được cái ham muốn như ý trong sự tự tại không kẹt chấp những tham dục vật chất ở thế gian.
Hàng học Phật xuất gia, lại càng ham muốn như ý về sự tu hành chứng đạo, và ham muốn phát huy giáo pháp giải thoát Như Lai đến khắp mọi người. Nói đúng hơn ham muốn tất cả những gì liên quan đến giải thoát, và có lẽ ham muốn giải thoát như ý này, còn mạnh hơn gấp trăm ngàn lần cái ham muốn thế gian. Thưa bạn, nói như vậy không quá lắm đâu; vì nếu chắc rằng kết quả sẽ ra khỏi luân hồi đau khổ, sẽ chứng đạo ngay đời này, thì vị tu sĩ nào lại không ham muốn như vậy! Nơi đây ta lại nghĩ, và không ngạc nhiên tại sao đời nay, vẫn không có bao nhiêu tu sĩ ham muốn như thế, để được chứng đạo. Câu trả lời chỉ vì các vị chưa đạt được ham muốn như ý túc; ham muốn một cách mỹ mãn điều mình muốn.
Như thế mới thấy điều này quả thật là khó, và chắc chắn rằng hành giả nào quán chiếu thể nghiệm được sâu xa bốn pháp niệm xứ, lại thành tựu bốn điều chuyên cần, tức sẽ đạt được điều mong muốn như ý.
-Tinh tấn như ý túc
Nếu chúng ta đã hiểu mong muốn mỹ mãn như ý thế nào, thì việc tinh tấn như ý túc cũng phải mãnh liệt như vậy.
Thế gian thành tựu mọi vấn đề trong cuộc sống cũng do từ sự chuyên cần dũng mãnh mà ra. Không có chuyên cần, nhọc tâm, nhẫn nại, thế giới chẳng có được như ngày nay. Từ một đứa bé tiểu học, một sinh viên đại học, một nhà nghiên cứu, một chiến sĩ biên phòng, một bác nông phu, thậm chí đến cụ già tóc bạc cũng còn gắng gượng vượt lên để sống. Chắc chắn bạn đã nghe, người ta nói rằng thiên tài cũng từ sự nhẫn nại mà ra; tuy nhiên theo giáo lý nhà Phật những vị xuất chúng thế gian, hẳn phải có liên quan đến kiếp quá khứ. Nhất là chuyện những đứa bé thần đồng sinh ra chưa học mà biết, và những vị lúc nhỏ chưa gọi là thông minh, lại lớn lên biến đổi thông minh trở thành thiên tài xuất chúng. Đương nhiên giáo lý nhà Phật chẳng bao giờ sai; và tất cả những sự việc ảnh hiện trên thế giới, không một vật thể nào, kể cả những nguyên tử mà không có nguyên nhân từ quá khứ. Nhưng đó là một chuỗi thời gian quá dài quá xưa, mà tuổi thọ con người không thể cảm nhận được, nên phải tìm lại vết tích gần nhất để chứng minh là có thật. Vậy một vị thiên tài nào đó, chắc chắn phải có ảnh hưởng sâu xa từ vô thỉ kiếp, căn cứ theo lý nhân quả ta đã bàn qua. Tuy thế chúng ta cũng hiểu rằng nhân quả là một sự luân lưu, như một đợt sóng gợn lên lấy đà tiến tới và kéo theo đợt sóng khác. Thiên tài cũng phải là một sự cố gắng, nỗ lực hết mình chứ không tự nhiên được. Một cậu bé gọi là có thiên bẩm từ nhỏ về đàn; nhưng thật ra chẳng có gì là thiên bẩm, vì nó đã học đàn rồi từ quá khứ kiếp. Và nếu đời này không đưa cơ hội, không nhắc nhở nó thường xuyên luyện tập, nhất là chính nó cũng phải tối thiểu cố gắng, triển khai cái thiên bẩm sẵn có, nếu không thì tất cả tài năng cũng phải mai một mờ dần đi.
Nhưng cũng không thiếu gì, những người ban đầu tưởng mình chẳng bao giờ có năng khiếu về một việc nào đó, thế mà vì một cơ hội, một thách thức, một tự ái, một lời răn, mà nỗ lực cố gắng dũng mãnh, để trở thành lão luyện thành như một thiên tài. Chẳng hạn như Winston Churchill Thủ tướng nước Anh thế kỷ 19, ông còn là một nhà diễn thuyết kiệt xuất lúc bấy giờ, tính cả đông tây chẳng đếm được mấy người. Vậy mà trước đó người ta cho ông yếu kém về mặt thuyết phục khán giả. Có lẽ chắc ông đã âm thầm học hỏi luyện tập một cách phi thường.
Ở nước ta có nhà văn, nhà học giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê, thành thật tự nhận mình chỉ là dạng hiểu biết trung bình, nhưng vì ham học, ham tìm hiểu, nỗ lực gia công tự học, nên may mắn làm được việc thôi. Đúng như vậy, sự ham học, ham tìm hiểu của ông phải là một sự chuyên cần không gián đoạn, để từ một người có trình độ đại học bình thường trở thành một nhà văn, dịch giả, học giả uyên bác ở Việt Nam.
Như thế ta thấy pháp thế gian hay xuất thế gian, sự tinh tấn chuyên cần phải là quan trọng, thay đổi được cả viễn ảnh con người. Nhưng nếu thế gian nhắm đến mục đích tìm cầu hạnh phúc vật chất, hoặc vì tự trọng, vì danh tiếng, kể cả vì truyền thống nhằm gây ảnh hưởng tiếng thơm cho đất nước mình, thì học Phật là việc giải thoát hết tất cả mọi hệ lụy cuộc đời, mọi vướng đọng sinh diệt từ thô cho đến tế, và xây dựng thành một thế giới hoàn toàn giải thoát, tất phải cần nỗ lực hơn cả bao nhiêu lần của thế gian.
Sự thật đó là chính ngay tự thân của Bồ Tát Tất Đạt Đa, đã vẽ lên một hình ảnh tinh tấn vĩ đại, tìm cho được giáo lý giải thoát cứu khổ chúng sanh. Và hôm nay ta mới biết được sự tinh tấn đó gây ảnh hưởng kéo dài đến hơn hai ngàn năm trăm năm nay. Sự tinh tấn đó được trải dài tồn tại vì người chứ không vì cá nhân vị kỷ; và ảnh hưởng tinh tấn đó kéo dài mãi đến nhiều đời sau.
Điển hình vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa, đó là hình ảnh Đại Sư Huyền Trang, một mình cô độc, dũng cảm vượt qua bao trắc trở của núi rừng âm u, của sa mạc hoang vu hun hút. Sự nỗ lực tinh tấn vĩ đại này, khiến Ngài quyết thề không thối bước, quyết tìm đến đất Phật học đạo, thỉnh kinh, nối tiếp sứ mạng lợi ích chúng sanh.
Tinh tấn như ý túc, phải được hiểu là sự mỹ mãn nội tại, chuyên cần hòa nhập vào pháp xuất thế; có lẽ có rất nhiều tích sử của chư vị hành giả tu Phật từ tu sĩ đến cư sĩ, đã thể hiện đầy đủ tha thiết niềm tinh tấn học Phật mà ta chưa biết tới. Và sự thành tựu điều tinh tấn như ý túc này, phải đến từ việc thấu hiểu chân lý giải thoát mới có thể làm được.
-Nhất tâm như ý túc
Sau khi đã đạt được định lực tinh tấn như ý túc, người học Phật sẽ dễ dàng thực hành bất cứ pháp môn nào trong giáo lý giải thoát. Tuy nhiên sự tinh tấn là việc chuyên cần hành trì không gián đoạn, nhưng dù vậy, sự trú định không xao lãng phan duyên động tâm với tạp nhiễm bên ngoài lại là một việc quan trọng khác mà được hài hòa cùng với lực tinh tấn để dễ đưa tâm về điểm giải thoát mau hơn. Đó là phần tiếp theo, là pháp Nhất tâm như ý túc vậy.
Để hiểu rõ, nhất tâm như ý, chúng ta cũng nên phần nào xem lại tầm quan trọng những gì liên quan đến việc nhất tâm.
Nói đến nhất tâm có nghĩa nói đến sự gom tụ lại một cái gì đang tản mác, mà tâm là chủ nhân ông. Nhưng tâm lại vô thường mà bạn và tôi đã bàn qua trong pháp Tứ Niệm Xứ, vậy làm sao tâm chịu phục tùng quy về một chỗ, đây phải là vấn đề lớn của người học Phật. Nhưng dù muốn dù không người học Phật phải làm cho được nhất tâm, nếu muốn con đường tu thành tựu.
Chúng ta hãy nói đến quả báo lợi ích của nhất tâm và không nhất tâm, hy vọng có thể tìm thấy được giải pháp chăng?
Trước tiên hãy nói đến bạn và tôi; nếu tôi không nhất tâm khi làm việc, nếu tôi luôn để tâm vọng tưởng nghĩ đủ thứ chuyện trong đầu, hậu quả tôi sẽ chẳng ý thức được việc tôi đang làm, và việc làm phải bị ảnh hưởng là không bao giờ được hoàn tất. Cứ theo đà như vậy tùy vào việc lớn nhỏ nghiêm trọng ra sao, kết quả sẽ hư hại thêm ra.
Định nghĩa không nhất tâm gọi là xao lãng, vọng động, trạo cử, lao xao, bồn chồn, bất an...
Đời sống của một người mà cứ như thế làm sao có thể hạnh phúc, phải không bạn! Thật đúng như vậy.
Nhưng bạn có đồng ý, là chúng ta thường lâm vào hoàn cảnh như vậy không? Vâng cũng có, nhưng cũng ít có? Tất nhiên là vậy, bởi như đã nói nếu ta thường xuyên với cái tâm không chịu quy về một chỗ, thì làm sao tất cả sinh hoạt trong đời sống có thể trôi chảy được. Bạn thấy không, cả một thành phố được dựng lên tạo thành một bức tranh thật đẹp, cho thấy con người đã có một sự đồng tâm nhứt trí, nên mới có thể xây cất nổi. Nhưng ta cũng lại thấy bên cạnh những cảnh trí nhân tạo huy hoàng, đâu đó trên địa cầu không thiếu gì cảnh tương tàn đổ nát hư hại do chính con người gây ra, đây cho thấy không có một sự đồng tâm nhứt trí, nên gây thành bạo động, chiến tranh tàn phá.
Vậy động tâm hay nhất tâm đều do mình, và mình cũng có thể làm được việc chủ động này, đó là một sự thật vừa nêu. Tuy thế ta cũng chẳng bi quan hay lạ lùng gì cái tâm phức tạp, khi này khi nọ, chỉ bởi vì vốn nó vô thường. Nhưng ta cũng nói thêm rằng, chính nó vô thường hay phan duyên nghĩ việc ác, thì ta cũng làm cho nó vô thường hay phan duyên nghĩ việc thiện, cho nên ta phải luôn nghĩ về một điểm, một điểm gọi là nhất tâm.
Thế gian chẳng thiếu gì người thành tựu mỹ mãn nhất tâm. Chẳng hạn anh công nhân làm trong một hãng máy xe, bấy lâu nay vẫn nuôi mộng đi học trở lại, để lấy bằng cấp kỹ sư cơ khí, vì anh cảm thấy khả năng có thể học được, cho nên dù làm việc lao động chân tay như mọi công nhân khác, nhưng anh vẫn luôn luôn chú tâm vào việc học, cuối cùng anh đã thành tựu tốt nghiệp kỹ sư.
Như thế người chưa hiểu Phật pháp, tiếp xúc thật nhiều trong đời sống mà còn thực hiện được nhất tâm phần nào, thì người học Phật phải nỗ lực quyết liệt hơn. Hơn nữa pháp tu Phật, dù thấp hay cao đều đòi hỏi hành giả phải nhất tâm mới được thành tựu.
Phương pháp làm cho được nhất tâm, cũng chỉ là nhìn lại chân lý giải thoát và những đề mục xảy ra hằng ngày một cách sáng suốt, một cách chân thật như chân lý, qua công phu hành trì của một hành giả quyết tâm hướng đến giải thoát.
- Quán như ý túc
Khi đã nhất tâm không còn tán loạn, tiếp theo hành giả đạt được một sự soi chiếu nhìn rõ pháp trần, duyên cảnh hiện ảnh ở thế gian, và nhất là thấy được rõ ràng thật pháp mình đang tu niệm. Thấy như vậy, là đạt được trí huệ quan sát tinh tường không ô nhiễm. Người đã đạt đến trí quán thanh tịnh, xem như sẽ chẳng bao giờ bị lừa dối lầm lẫn các pháp sinh diệt ở thế gian. Chính chư vị Bồ Tát khi đi vào cõi nhiễm tục hoằng đạo, các Ngài đã đạt được trí quán thanh tịnh này. Do đó cái nhìn của các Ngài là cái nhìn thanh tịnh, và tất nhiên hành động của các Ngài chẳng có trở ngại gì với thế gian.
Người học Phật như bạn và tôi, chưa đạt được trí huệ quán sát này, nên thường hay lầm lẫn nhận định ý nghĩa các pháp xuất thế và không xuất thế, dễ dẫn tới hành động sai trái, ảnh hưởng đường đạo chính mình và kẻ khác.
Chúng ta hãy thành thật nhìn lại xem, có rất nhiều việc ta dư biết không nên làm, nhưng vẫn làm; rồi cứ thế sám hối, sám hối rồi làm, vậy đó có phải là si mê vô minh chứ gì? Vâng, đó là nguyên nhân từ sự không đạt được quán sát thật trí như chư vị Bồ Tát. Không đạt được nên vừa thấy thật, vừa thấy giả, vừa thấy thích, vừa không thích, lý trí đó là của kẻ phàm phu.
Thế gian khó thể đạt được hạnh phúc chân thật cũng từ nơi không đạt được trí quán này, nhưng chẳng trách thế gian, vì đa phần chưa hiểu Phật pháp chưa thấy ngã pháp là giả, chỉ tiếc rằng người học Phật như chúng ta đã và đang học mà chẳng được như ý. Cho nên phải có huệ, mới có thể quán sát như thật hết thảy vấn đề, và lìa khỏi vấn đề. Không có huệ, có nghĩa còn vô minh, còn si mê, và còn tham ái, sân giận; vậy mang cái tham ái lẫy lừng để nhìn sự vật làm sao đúng được! Thế gian nhìn sự vật thường hay có khuynh hướng bị lôi kéo từ bản ngã, chấp thủ mà ra. Bản ngã tham ít, sự vật sẽ được nhận định theo cách nhìn khác, và bản ngã sinh tham quá độ, cách nhìn sự vật lệch đi rất nhiều.
Tuy nhiên thế gian cũng không phải không có người quán sát đúng như thật quán; chỉ vì sự quán của họ chưa mở rộng thêm, và chưa duyên chuyển thành pháp học giải thoát. Tôi muốn nói với bạn đó là các nhà bác học. Họ thật sự có cái nhìn gần đúng với thật tại, dù thật tại mãi còn bí ẩn với họ. Họ đã phân tích chi li mọi sự kiện, để hiểu rằng tất cả hoạt động của mọi vật trong vũ trụ là sự tuần hoàn của các phân tử nguyên tử điện năng hoạt động tương tác với nhau. Sự chăm chú tìm tòi phát minh của họ, cống hiến cho nhân sinh, đây cũng là phần nào việc làm của Bồ Tát. Nhưng dù sao họ vẫn còn tánh chất của nhiễm trần là dục ái, nên sự quán sát thành tựu sự vật của họ, hay bị thuận theo tính nhiễm thế gian, thành ra họ không đạt được thật trí quán.
Trở về với người học Phật như chúng ta thì sao? Tất nhiên vẫn còn rất nhiều bản ngã chấp thủ khi học Phật, và bao giờ còn một mảy may tơ hào chấp thủ ngã pháp, thì trí quán thanh tịnh sẽ chẳng bao giờ đạt được. Như thế việc tu niệm của chúng ta thường dậm chân tại chỗ, hay nếu không nói không bị sa đọa là may lắm rồi.
Tóm lại Quán như ý túc, là đạt được trí quán thanh tịnh mỹ mãn do thiền định tu niệm mà ra; và Trí quán thành tựu như vậy, theo đây, là do tuần tự việc tu hành, từ Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc và Nhất tâm như ý túc.
Đến đây bạn và tôi tạm xong phần Tứ Như Ý Túc, đó là phần thứ ba trong bảy phần của 37 pháp trợ đạo.
Chúng ta còn đến 4 phần nữa, và tiếp theo đây là phần Ngũ Căn.

---o0o---




tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương