Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang13/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   28

Ngũ Lực

Năm nền tảng căn bản phát sinh thiện pháp, đưa đến giải thoát đã tạm lượt hiểu, tiếp theo đây là Ngũ lực. Năm diệu dụng phát huy từ năm căn, đó là Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực.


Thật ra đây là kết quả sau khi đã hiểu và thực hành một cách tha thiết từ Ngũ căn mà ra. Nếu như ta không tha thiết dụng công, tất sẽ không bao giờ đạt được diệu dụng để gọi là thần lực của ngũ căn.
Thần lực là gọi thay cho danh từ sức mạnh vi diệu vượt thắng tất cả. Như bạn và tôi hiểu thế gian lắm việc khó nhưng chẳng việc khó nào bằng việc khó tự thắng được chính mình.
Nhắc lại vấn đề đã bàn, con người chính nhân là chủ thể phát sinh tất cả pháp, nên khổ cũng con người mà sướng cũng do con người gây tạo, vậy khi thắng được mình tức thắng được tất cả thế giới chung quanh. Chính thực tế chân lý này, mới gọi là thần lực, vì thần lực là thắng được mình, thắng được mình mới xứng danh là kỳ tình thần diệu.
Bạn và tôi xem, thế gian con người hầu như sống theo ngũ dục là năm thứ: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Khi say mê chìm đắm người ta đã sống quên mình cho mục tiêu theo đuổi, để sinh ra một động lực cũng lắm phi thường. Năng lực này dù phát sinh từ ham muốn mê say, vẫn cho thấy tác động của nó thật lớn, và nếu không phải từ việc đam mê mãnh liệt, người ta sẽ không thể có được năng lực mãnh liệt kiên định này. Trong năm điều ham thích vừa kể, ba thứ tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, dễ gây đê mê người, do đó năng lực trong tâm trí con người tự bộc phát một cách ghê gớm mà người ta không ngờ được. Việc này chắc chắn ai cũng biết, vì khi sự tham muốn nổi lên đã để lại kết quả thật khủng khiếp.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đã lưu lại bao di tích biểu trưng cho sức mạnh con người, đó là những kỳ quan trên thế giới, như Kim Tự Tháp của Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành bên Trung Hoa. Những di tích lịch sử này không phải là thần kỳ sao? Và nếu không phải xuất phát từ tâm tưởng tham vọng ngất trời của con người, thì làm gì để lại những hình ảnh vĩ đại mà đến cả ngàn năm sau vẫn còn. Nhưng dù có bao nhiêu kỳ quan vĩ đại hơn nữa, vẫn không thể được gọi là thần kỳ diệu dụng; và chính ngay cả những hành động hy sinh không gây đau khổ hay đổ máu cho người, của những anh hùng hy sinh cho lý tưởng chính nghĩa, thì vẫn không hơn năng lực sức mạnh thắng được chính mình. Nhưng thắng chính mình là thắng cái gì? Thưa thắng tham, sân, si, thắng giải đãi lười biếng, phiền não; thắng được như vậy mới đúng là có thần lực diệu dụng. Như thế những người thắng được chính mình sẽ được thiện quả cũng vô cùng vi diệu, đó là làm cho tâm hồn trong sáng an lạc, mà ta gọi là đạt được thần thông tự tại.
Giá như những anh hùng nếu dám hy sinh vì chính nghĩa, vì hạnh phúc của mọi người, mà hiểu được Phật pháp, hẳn năng lực của họ sẽ chuyển hóa thắng được chính mình. Nhưng xin thưa cũng khó lắm, vì hầu hết sự hy sinh phải có mục đích, cho dù mục đích cao đẹp, nhưng nó vẫn là tự ngã lưu danh thỏa chí. Tuy nhiên vẫn có những anh hùng hy sinh chẳng cầu danh lợi, những vị này, chắc chắn hưởng quả thiện phước đời sau.
Tóm lại ta thấy, lực là sức mạnh phát sinh từ niềm tin, lý tưởng, và thế gian xưa nay lúc nào lại chẳng phát động không ngừng; duy chỉ một điều đừng để năng lực hướng đến lý tưởng quan niệm không tươi sáng, để phải tạo thành quả báo không tốt đời sau.
Như thế ngược lại với thế gian, Ngũ lực đây phải đến từ Ngũ căn, bằng tín, tấn, niệm, định, tuệ, thì nhất định sẽ có thiện báo không thể nghĩ bàn, và sức mạnh đó mới gọi đúng là thần lực diệu dụng. Vì thực hành năm lực này, là thực tập con đường dứt trừ tham ái, sân giận và si mê. Nếu không dù có tín tâm, có tinh tấn, có nhớ niệm vẫn không thể có thần lực được. Ngay điều này mà chúng ta hiểu tại sao chư Tổ ngày xưa tu đạo hành đạo tuyệt vời, đó chỉ vì các Ngài đã đạt được Ngũ căn và Ngũ lực. Và hiện thời bạn và tôi những người học Phật hiện nay khó khăn tu đạo, cũng vì chưa thể thực hành được ngũ căn, nên ngũ lực không có, và vậy nên vẫn còn học mãi đến bây giờ.
Đến đây chúng ta tạm hiểu thế nào là Ngũ lực, xin tạm dừng nơi đây để bước qua chuyện khác.
---o0o---

Thất Bồ Đề Phần

Thưa bạn, trong các pháp Phật dạy đôi khi ta thấy dường như trùng lập một vài nội dung bài pháp giống nhau. Vâng! Nhưng thưa bạn, đó là phương tiện nói lên pháp học mênh mông thuận theo trình độ căn cơ y báo, chánh báo của thế gian mong cầu, và việc thấy được một vài bài pháp lập lại giống nhau trong những tiêu đề khác, cũng chỉ là nhất quán phương tiện hướng dẫn người nhập đạo. Cho nên giống nhau cũng chỉ là cách học, quán triệt thêm điều đã học. Do đó trong pháp Thất Bồ Đề Phần này vẫn có đến một vài phần như Niệm, Tinh tấn đã vừa bàn qua trong các pháp Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực; và rồi sau pháp này là Bát Chánh Đạo cũng có một vài phần lập lại nữa.


Bây giờ xin mời bạn, chúng ta bắt đầu tìm hiểu Thất Bồ Đề Phần.
Thất Bồ Đề Phần là bảy phần tu tập gồm có: Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định, Xả.
Cũng như công năng diệu dụng các pháp mà bạn và tôi đã tìm hiểu, bảy phần này là phương thức, là điều kiện thực hành hóa giải những phiền não, trược phiền thế gian, dẫn người đạt đến thành tựu chứng đạo.
Bây giờ mời bạn, chúng ta đi vào từng phần một:
- Trạch pháp
Là sự chọn lựa pháp tu trên đường học đạo hành đạo. Sự chọn lựa hành đạo đối với pháp tu giải thoát lại càng tất nhiên, vì sao? Vì có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn; thật ra con số chỉ là tượng trưng nói lên giáo pháp sâu nhiệm mênh mông của đạo giải thoát, nhưng cụ thể vẫn phải là nhiều. Bởi dưới mắt chư vị Bồ Tát các pháp thế gian không một pháp nào chẳng khiến các Ngài không tu học. Dù vậy đối với chúng sanh chưa giác ngộ, như tôi và bạn đây, lại không thể xem tất cả đều là pháp giải thoát được. Chúng ta chưa tới trình độ vô chấp vô ngã, nên có muốn hay không muốn cũng chẳng được. Thế thì ta phải chọn lựa cách nào, và pháp nào thực tế trong vô số pháp?
Trước khi tự tìm hiểu câu trả lời, thiết nghĩ cũng nên phóng cái nhìn vào cuộc sống thực tế hiện tại nhân sinh.
Trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của một quốc gia giàu có, nhất là hình ảnh ngay nơi thành phố lớn, ta thấy tấp nập người người làm việc đi lại không ngừng. Dòng sống sinh hoạt chảy xiết của người, vật, xe di chuyển liên tục cả ngày, khiến người nào chưa thấy đời sống thành phố, lần đầu chứng kiến sẽ giựt mình khiếp đảm. Họ sẽ tự hỏi tại sao cuộc sống xáo trộn hỗn độn tất bật như vậy? Đó là cái nhìn của người sống vùng quê lần đầu chứng kiến, nhưng đối với con người thành phố, con người văn minh trong đời sống vật chất, họ lại thấy đó là sự tự nhiên bình thường nhịp nhàng của một thành phố đang hưng phát mạch sống giàu sang của nó. Và nếu tưởng tượng, thoáng một chốc tất cả sinh hoạt người và xe biến mất, để lại một thành phố lặng thinh hoang vắng, bấy giờ đối với con người sống ở thành phố họ sẽ xem đây là cảnh tượng kinh hoàng khủng khiếp, còn hơn cái cho là khiếp đảm của người dân quê nói trên.
Chúng ta nói về sự tấp nập rộn ràng của thành phố như vậy, điều đó nói lên trong rộn ràng phức tạp, nhịp sống thành phố vẫn đều đặn thứ tự nhịp nhàng; người, vật, xe chạy đều có trật tự hợp lý; đó chính là sự chọn lựa, định vị được vị trí của người và vật đúng như dòng sống của một thành phố lớn.
Sự chọn lựa đúng đắn thích nghi, tất nhiên là điều quan trọng cho cuộc sống. Như thế trong đời sống thế gian sự chọn lựa cho mình một công việc, một lý tưởng phải là điều bắt buộc. Và đương nhiên đã chọn lựa, tất không thể đi quá khả năng mình. Do đó thành phố lớn phải hợp với những con người văn minh có kiến thức cao mới điều hành sinh hoạt được; cũng vậy nơi thôn quê hoang dã, nhất định phải thích hợp với người dân chất phác lao động chân tay, với quan niệm sống hiền hòa dung dị.
Và đương nhiên, việc sẽ trở thành khó khăn vất vả, nếu làm ngược lại định lý tất nhiên này, nghĩa là chọn lựa sai lầm, đưa người dưới quê lên sống ngay lòng thành phố, mời người công chức bàn giấy về sống với cuốc cầy ở thôn quê.
Với việc học Phật cũng chẳng khác. Trước khi học Phật phải hiểu tại sao ta học; sự tìm hiểu tại sao, đó là sự chọn lựa cho mình một hành động liên hệ đến đời sống hiện thực, để khi đối diện sự thật trong đời mới thấy đó là vấn đề sống, chứ không phải là việc giải trí hay một niềm tin cho có, như là an ủi hay giải khuây buồn phiền hoặc khấn vái, cầu nguyện khi cần. Cho nên phải quyết định và chọn lựa một niềm tin đúng, đúng theo đời sống hiện tại của mình.
Đạo Phật chỉ rõ và vạch ra những điều cụ thể cho người học Phật.
Bạn và tôi thử khách quan tìm hiểu, hiện thực đời sống này; nếu đặt cho mình một niềm tin về tín ngưỡng tôn giáo, vậy thử xem tôn giáo nào thực tế nhất, rõ ràng nhất, gần gũi nhất trong đời sống con người.
Vấn đề thế nào là tôn giáo, chúng ta đã bàn qua từ đầu cuộc nói chuyện, nơi đây chỉ nhấn mạnh yếu điểm của niềm tin thôi.
Khi hiểu được phần nào đạo giải thoát, bấy giờ là việc chọn lựa pháp tu sao cho thích hợp căn tánh của mình. Người mới vào đạo, mới quen biết giáo lý căn bản, tức phải chọn lựa pháp tu căn bản. Không thể nào mới hiểu tam quy ngũ giới, nhân quả luân hồi, lại thực hành tu pháp quán không. Đi sai và vội như vậy, dù pháp học có hay đẹp cũng trở thành bất lợi. Nó sẽ trở thành vấn đề rắc rối, rằng tất cả đều là Phật pháp, hay tất cả các pháp đều là không!
Hơn thế nữa thế giới ngày nay ngày càng văn minh, ảnh hưởng tinh thần con người càng phức tạp, khó tránh mang bệnh vọng tưởng, suy nghĩ miên man, khó thể định tâm định ý an lạc như xưa; do đó khi gặp vấn đề đau khổ tinh thần không giải quyết được, sẽ dễ biến thành điên loạn dẫn đến quyên sinh, hoặc tổn thương xúc phạm đến người khác. Vấn đề này phần lớn vì thiếu hay không chọn lựa đúng một niềm tin, một lý sống, trong hoàn cảnh nhiễu nhương phức tạp này.
Nhận định để thấy, tín ngưỡng bên ngoài không thể giúp ta được, vì làm sao chỉ có cầu cạnh một hình dáng mờ ảo xa xăm mà có thể cứu được cuộc sống thực tại thế gian, và ngay cả đạo giải thoát vốn mệnh danh là tự lực nội tâm, nhưng nếu không hiểu cũng hóa thành dụng công vô ích. Như thế sự chọn lựa là phải chọn lựa hướng về với chánh pháp tự tâm, chứ không phải chánh pháp là danh xưng, là hình ảnh tên gọi.
Do đó phần trạch pháp nơi đây, nhấn mạnh chỉ dạy người học Phật phân biệt được pháp nào là chánh tà, trong ngoài, chân vọng, giác mê; vì điều khó của việc học Phật pháp là học ngay trong thế gian, học ngay cảnh phức tạp ô nhiễm trong đời sống; học như thế vừa khó cũng vừa dễ, và học như thế tất nhiên phải biết chọn lựa. Như vậy đã vừa đề cập, không thể với một trình độ sơ cơ, căn bản, lại chọn một pháp môn thâm sâu của đại thừa Bôà Tát, và không thể chưa đạt được định tâm lại đi vào thử thách những hoàn cảnh phức tạp rộn ràng.
Điều đương nhiên các pháp là Phật pháp, nhưng đó là lý giải trong lý tánh bản thể của hiện tượng đều quy về không tánh, mà hàng đại thừa Bồ Tát buộc phải thực hành. Với đời sống con người ngày nay đang mê say vật chất, lại đi nói lý tánh bản thể là không, quả là một hài kịch, nói chỉ để chọc cười chính mình và cho người nghe vui vậy!
Thế thì điều gì là chánh pháp, điều đó phải được thực hành phải được chọn lựa gìn giữ, để không pha trộn, rối ren, tránh trở thành phí công phí sức, phí thời gian, và phí cả một đời học Phật. Sinh hoạt thế gian vẫn phải chọn lựa nghề nghiệp, định hướng tương lai rõ ràng, nên thành tựu những tác phẩm, công trình đáng kể, huống gì học Phật định hướng tương lai là giải thoát khổ, là phải thành tựu chứng quả, tất còn phải quan trọng hơn. Nếu không như thế lại để pháp sự duyên trần giả tạm, mắc dính xen tạp vào giáo lý giải thoát, rồi biến giáo lý Như Lai thành hướng vọng mong cầu, hướng ngoại van xin, như vậy đã không hiểu giáo lý Ngài, còn làm mờ dần đi chánh pháp.
Do đó đôi khi tôi và bạn cho là đang học Phật đây, nhưng lắm lúc chưa phải đúng lời Phật dạy, nếu chọn không đúng pháp tu vừa với căn tánh chính mình; vậy điều đó chẳng khác là sự chọn lựa sai! Ngược lại một số người chỉ học Phật rất cơ bản, nhưng lại chọn đúng điều cơ bản để hành, vậy người này đã đúng với chánh pháp, và lợi ích hơn cả tôi và bạn, chỉ có nói thật nhiều mà tu chẳng đến đâu!
Nơi đây phần trạch pháp là nhắc nhở chúng ta vừa phải chọn pháp tu, vừa phải hiểu pháp tu. Hiểu pháp tu phải là quan trọng nhất, vì không hiểu ta không thể chọn được, như chuyện bàn học Phật giữa tôi và bạn đến đây, phần nào đã hiểu được thế nào là pháp giải thoát thế nào là hình ảnh Như Lai. Hy vọng chúng ta phải chọn đúng con đường mình đi, để không uổng công phí sức.
Chúng ta biết, Như Lai là danh hiệu tự tại sau khi đắc quả, Ngài đắc quả ngay dòng sống đau khổ thế gian này; nói cách khác Ngài nhờ thế gian mới giải thoát, do đó người học Phật tất nhiên cũng chẳng khác Ngài, cũng nhìn ngay thế gian mà học.
Việc chọn lựa pháp tu phải đi với sự hiểu biết, mới thấy được trùng trùng duyên khởi xảy ra ở thế gian đúng như lời Phật dạy, đó là vô thường, khổ, không, vô ngã; tất cả vì nhân duyên khởi tác, thế nên khi giác ngộ tu học, không thể pha trộn với những lý thuyết học giáo nào ảnh hưởng mất đi chánh pháp.
Bạn và tôi chẳng phải sợ phân vân, khi đối trước những truyền thống tín ngưỡng nhân gian, đất nước này quốc gia nọ, thậm chí cả sự thực hành dị biệt của Tăng đoàn học Phật cùng là đệ tử của Như Lai hiện nay ở trên thế giới. Tất cả hình ảnh pháp tu, tuyệt đối chỉ là phương tiện, mà cứu cánh chỉ để giải quyết những phức tạp của một thời kỳ sinh khởi sau chánh pháp hơn 2500 năm. Nền tảng quyết định để ứng dụng tu hành theo chánh pháp, chỉ là sự chọn lựa phương pháp tu hành về giới hạnh, về tính thể chân lý của Phật dạy, như là tất cả các pháp do duyên sinh, và cũng do duyên diệt. Giữ được như thế người học Phật dù ở bất cứ nơi đâu, dù sinh ra dân tộc nào, và bất cứ thời gian nào đều vẫn thực hành chọn lựa được chánh pháp.
Cuối cùng trạch pháp là phải hiểu được căn tánh của mình để chọn đúng pháp tu, và nhận định được giáo pháp chân lý, trong nghiệp lực hiện đang thọ dụng, đó mới mong thấy được tất cả cáp pháp thế gian đều là Phật pháp.
- Tinh tấn
Phần tinh tấn trong Thất Bồ Đề phần đây, ý nghĩa chẳng khác gì điều tinh tấn trong Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực; và điều đó luôn luôn cần được nhắc nhở buộc phải thực hành. Khẳng định mà nói thực hành pháp tu nào trong Phật đạo tinh tấn là điều phải bắt buộc.
Như trong bảy phần tu tập này, sau khi đã chọn lựa pháp tu, nhận định được đường hướng thực hành, người học Phật đâu thể nào chần chờ mà không thực hiện hoài bão giác ngộ. Bạn và tôi nghĩ xem, nếu ta phí sức phí tâm tìm cho được một pháp tu ứng hợp với căn cơ của mình, điều đó phải là nỗi mừng vô hạn, vì chỉ gặp được Phật pháp đã quý vô cùng, lại tìm hiểu pháp tu đúng với sức lực căn tánh tu hành nữa, thử hỏi còn gì vui sướng hơn. Nhưng rồi nếu ta không dụng công tinh tấn đeo đuổi lý tưởng niềm tin, đeo đuổi những gì ta đã gặp đã hiểu, vậy có khác gì ta chưa gặp, hay hẹn gặp lại đời sau; mà đời sau chuyện xảy ra ai nào biết! Hóa ra ta chẳng khác gì người không hiểu Phật pháp. Cho nên trong pháp tu giải thoát được truyền đi qua nhiều đời, nhiều thế hệ chư Tổ, không thấy một Tổ nào lại không khuyên răn đệ tử hãy tinh tấn. Và chư Tổ muốn dạy đệ tử tinh tấn, đương nhiên các Ngài phải tinh tấn còn hơn đệ tử. Hay nói khác hơn nhờ tinh tấn tu hành, các Ngài mới được xưng tụng là Tổ, mới được người khác xin thọ giáo tu theo.
Nhưng một điều bắt buộc phải tinh tấn, dù bạn có biết hay không biết chư Tổ có tinh tấn hay không. Bởi vì tinh tấn là điều Phật dạy; mà Phật thì còn gì phải không tin. Rồi cũng chẳng còn băn khoăn, kinh nào sách nào Phật ca ngợi tinh tấn là đệ nhất; vì đương nhiên việc làm, việc học, việc tu nào, nếu không tinh tấn (siêng năng) làm sao trở nên chuyên môn được.
Thật ra động lực quyết tâm tinh tấn, phần lớn là do học hiểu giáo lý giải thoát, đó cũng như phần trạch pháp; khi bạn và tôi hiểu được sự lợi ích nhân duyên làm người, sự khổ trong sinh tử luân hồi, thì việc tinh tấn thực hành tu niệm sẽ bộc phát mạnh hơn.
Sự việc có hiểu mới có thích, và có thích mới hành động, hành động theo điều mình thích.
Dù thế cũng có không ít trường hợp, ban đầu tinh tấn, sau lại giải đãi đến nổi quên luôn không còn tu học nữa, kể cả nhắc đến cũng không. Vấn đề này vẫn đã xảy ra cho cả hai giới tu sĩ và cư sĩ, cho nên người học Phật hẳn phải lưu ý cẩn trọng.

Có thể nhận định thêm về luật nhân quả ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai ảnh hưởng thế này; nếu bạn và tôi không tinh tấn đời này, tức việc học của tôi và bạn chỉ trở thành kiến thức mà thôi, và tiếp tục đời sau học nữa; lại hỏi đời sau được tinh tấn không? Trả lời ngay rằng khó thể được tinh tấn, lý do vì không hành tinh tấn đời này. Điều nữa xin được thưa, việc tu học chẳng thể được tinh tấn, cũng vì học mà chẳng hiểu đúng với sự tha thiết học Phật, cho nên học nhiều mà chẳng có hành là vậy.


Thế là nơi Bảy phần giác ngộ (Thất Bồ Đề Phần), nhất định không quên được tinh tấn, là nền tảng động lực giúp người học Phật thành tựu thực hành sau khi đã chọn lựa cho mình một bản đồ ra khỏi sinh tử.
- Hỷ
Là hài lòng vui vẻ, hoan hỷ, an vui... Đó là phần tiếp theo sau khi đã tinh tấn thực hành pháp tu giải thoát.
Bạn thấy gì, việc hỷ lạc của thế gian và xuất thế gian, của người chưa học Phật và người đã và đang học Phật?
Thưa bạn, bất kể là ai, bất kể hoàn cảnh nào, con người sống phần lớn nhờ hoan hỷ, nhờ vui vẻ, nếu không chỉ là những người máy, biết đi lại, ăn uống, chờ ngày hư hoại diệt đi. Và nếu không nữa, thế giới chẳng có hoa thơm cỏ lạ mà toàn là đồ ăn thức uống hành hạ thân thể này. Bạn thấy đó nhờ hoan hỷ vui vẻ con người mới lạc quan sống, mới tư duy sáng tạo mọi thứ, nhằm đem lại cuộc sống thú vị tinh hoa hơn sau khi đã làm no cái bao tử.
Nhưng buồn thay cũng vì quá vui, quá hoan hỷ mà con người đánh mất cái hoan hỷ phúc lạc chân thiện của mình, để chỉ còn hoan hỷ lạc vui theo tự kỷ, mà chẳng đoái hoài quan tâm người khác.
Bây giờ thử xem căn bản niềm vui, lạc thú của thế gian ra sao?
Lạc thú là niềm hoan hỷ, niềm vui, nhưng lạc thú về vật chất, về thể xác con người, khác hơn lạc thú hoan hỷ tinh thần tâm linh. Không phải thế gian không có niềm hoan hỷ tinh thần tâm linh; không phải hoan hỷ tâm linh chỉ có ở đạo giáo. Đã là niềm hoan hỷ, tất phải là niềm vui tự đáy lòng, tự tâm tánh. Dù đó là hoan hỷ vật chất, thể xác con người, nhưng nó cũng thông qua tinh thần, chiếu đến tự tâm. Cho nên thành thật nói, niềm hoan hỷ của vật chất cũng là một phần an lạc hạnh phúc. Nhưng vì con người do thói quen tập khí từ quá khứ kiếp, từ bản chất tham ái thô kệch, nên niềm hoan hỷ không được trọn vẹn, và chỉ nghĩ đến mình nhiều hơn. Như thế đi tìm niềm hoan hỷ vị tha thanh tịnh khó thể nào tìm được.
Nếu người thế gian học được giáo lý giải thoát, thì niềm hoan hỷ thô phù kia sẽ được chuyển hóa dần thành niềm vui chân thật thanh cao. Thật ra đối với chư vị Bồ Tát, niềm hoan hỷ hướng về giải thoát có thể dễ dàng thực hiện bất cứ nơi đâu, dù nơi đó là nơi mà người học Phật phải tránh – bởi vì tinh thần của Bồ Tát thường lấy khổ thế gian mà thực hiện, ban vui cứu khổ, để niềm an lạc thành tựu hoan hỷ nhất là thành đạo chánh giác.
Làm được như Bồ Tát tìm hỷ lạc nơi vui thú của trần gian, không phải là chuyện dễ; phải nói vô cùng khó khăn nan giải, bởi vì tâm tánh chúng ta hãy còn thô, hãy còn chứa đựng tham ái ngập tràn; nên tiếp xúc với dục lạc thế gian quả là điều nguy hiểm. Điều này được chứng minh, việc tu hành hiện nay cần phải xa lánh nơi huyên náo ồn ào của thế sự là vậy. Sở dĩ Bồ Tát dễ dàng có niềm vui hoan hỷ không phân biệt, ý nghĩa đó là trong tinh thần nhập thế độ sanh, và điểm nữa để thấy niềm hỷ lạc không bị chướng ngại với sắc trần đó mới là hoan hỷ rốt ráo. Với người học đạo từ trung căn trở xuống chưa đủ đạo lực, sẽ không thể hóa giải thú vui thế tục thành niềm vui chân đạo được.
Tìm hiểu niềm hỷ lạc, vui thú của thế gian, bạn và tôi thấy rằng nếu không hiểu Phật pháp thế gian thường chỉ hoan hỷ với lợi ích phúc lạc riêng mình. Và nếu là một nhà chính trị, thì niềm hoan hỷ lo cho dân, cho quốc gia an ninh hạnh phúc, cũng chưa thể là hỷ lạc thanh tịnh theo nghĩa niềm an lạc đạo. Dù rằng đây đã là hành động vị tha, nhưng do tự tâm chưa hiểu các pháp vô thường vô ngã, nên ngã chấp vẫn còn, vậy vẫn còn thô, còn định kiến.
Xét ra niềm hỷ lạc của thế gian vẫn không khác, chỉ vì chưa thấy ngã, pháp là vô thường giả tạm, nên hoan hỷ chưa trọn vẹn; do đó cần học hiểu đạo giải thoát để chuyển hóa thanh tịnh hơn.
Vậy nơi bảy phần giác ngộ, niềm hỷ lạc an vui chỉ được hiển bày là sau khi đã hiểu giáo pháp giải thoát tinh tấn thực hành.
Chỉ hiểu được Phật pháp người học Phật đã có niềm phấn chấn vui vẻ rồi, chẳng hạn như bạn và tôi đang chuyện trò hoan hỷ đây. Bạn thử xem, qua những câu chuyện đạo, người cầu pháp tìm Thầy học đạo, tìm minh sư, tìm pháp Phật, họ rất hoan hỷ, hoan hỷ đến nổi có thể sẵn sàng hủy mình để đổi lại được nghe pháp tu giải thoát. Câu chuyện nhị Tổ thiền tông, là Ngài Huệ Khả, khi nghe biết Tổ Bồ Đề Đạt Ma là vị Đại sư đắc đạo, nên sanh tâm hoan hỷ chẳng ngại khổ thân, cảm thấy dễ dàng chặt đứt cánh tay dâng lòng kính mộ.
Như thế nếu không có được cảm xúc hoan hỷ trào dâng phi thường, Ngài đã không làm được vậy; nhưng thật ra niềm hỷ lạc đó vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn, chỉ khi thật chứng pháp tu giải thoát, quét sạch được phiền não, bấy giờ niềm hỷ lạc mới thật rốt ráo. Điều này đã thể hiện nơi chư vị Thánh Tăng luôn sống trong hoan hỷ với cung cách oai nghi an lạc, hạnh phúc tuyệt vời.
Hiện nay Phật tử trên thế giới hầu như đều biết, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 vị lãnh đạo tinh thần dân Tây Tạng, đã hiện thân một đời sống hoan hỷ an lạc. Sự thật điều này trên thế giới đều công nhận, cuộc đời của Ngài luôn luôn giao tế bằng nụ cười, bằng sự chia xẻ niềm vui đến người khác. Thậm chí khi nói đến điều không hay, điều trắc ẩn đau lòng tình hình thế giới hiện nay hay chính quốc gia của Ngài, Ngài cũng không lộ vẻ phiền não, và rồi nụ cười an lạc trở lại rất mau trên khuôn mặt, để tiếp tục gieo vào lòng người niềm hoan hỷ tuyệt đối.
Bạn và tôi không biết niềm hỷ lạc của đức Phật thế nào? Và cũng rất muốn biết có kinh truyện nào kể rõ điều này hay không? Tuy nhiên cũng có thể đoán biết phần nào; nếu Ngài Đạt Lai Lạt Ma thường hoan hỷ như vậy, thì đức Phật phải gấp muôn lần, vì Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng chỉ học từ đức Phật mà ra. Bạn không thấy sao, tượng Phật khắp nơi trên thế giới được nghệ nhân khắc họa hầu hết đều ẩn hiện một nụ cười tự tại. Và chẳng có một ai nhìn tượng hình Ngài lại sinh ra sợ hãi; trừ những người tội lỗi tự hối, tự thẹn với mình khi đối với hình ảnh thanh tịnh từ bi kia.
Tóm lại bạn và tôi hiểu rằng, hỷ lạc tự sinh nơi tâm, tự sinh nơi trí hiểu biết giáo lý giải thoát, chứ không phải cần tìm nơi đâu, hay ai đó có thể giúp cho được. Người giúp được việc này duy chỉ có đức Phật, nhưng đức Phật cũng chỉ giúp ta biết rằng, hỷ lạc an vui ở ngay tự tâm, chứ Ngài cũng vô phương cứu giúp, nếu ta không thực hành tu niệm.
Lần nữa nên hiểu nếu các sự việc thế gian làm ta vui, ta hoan hỷ, điều đó có phải rằng chính ta tự tìm lấy? Cũng vậy niềm hỷ lạc của chánh pháp giải thoát cũng do chính ta thực hiện mới có được. Tất cả đều do ta, tất cả chỉ là hỷ lạc tự tâm phát sinh.
Nếu ta có thể đạt được trình độ tâm linh cao hơn, thì nơi niềm hỷ lạc này, ta lại đạt được niềm hỷ lạc sâu nhiệm huyền diệu rốt ráo hơn nữa, đó là niềm hỷ lạc tự tại với hỷ lạc. Trước khi qua phần tiếp tôi xin được chúc chúng ta cùng tất cả mọi người từ đây sẽ bắt đầu tự tìm cho mình niềm vui hỷ lạc với chánh pháp.
- Khinh an
Đến đây là phần khinh an tiếp theo niềm hỷ lạc mà người học Phật đã đi được một đoạn đường khá xa. Khinh an là an tịnh nhẹ nhàng, an lạc tự tại, không một dao động bấn loạn trong tâm cũng như thân xác. Nhưng nếu đạt được niềm khinh an sâu nhiệm hơn, người học Phật này vẫn được khinh an ngay trên thân xác bệnh đau sắp lìa đời.
Nói như vậy bạn hiểu ngay, ý nghĩa nhẹ nhàng an ổn trong pháp giải thoát hoàn toàn khác với nghĩa của thế gian. Vậy thế gian nhẹ nhàng an ổn thế nào? Điều này mọi người đều biết, đó là sự thoải mái sau khi đã giải quyết được một vấn đề; đó là sự hài lòng khi trút bỏ được khó khăn, và đó là tất cả những gì tan biến không còn chút gì vương vấn lo âu.
Tạm hiểu như vậy, nhưng vấn đề sẽ là vấn đề, là giờ phút khinh an nhẹ nhàng đó kéo dài được bao lâu?
Cuộc đời là một dòng nước chảy trôi không ngừng, chính sự chảy trôi như vậy nó mới tồn tại, mới làm dòng nước trong sáng, không ứ đọng mốc meo, đúng với luật vô thường không bao giờ ngừng nghỉ; nhưng vì con người không hiểu không chấp nhận, nên cố bám, đảo nghịch luật sinh diệt này, hóa ra làm phiền não chấp trước, đau khổ triền miên. Như thế làm sao nhẹ nhàng an ổn cho được khi cố ghì chặt điều tham muốn của mình; lại nữa các pháp sinh diệt thay đổi không ngừng, đâu thể nào giữ nguyên trạng thái cho người hưởng thụ; thế là vừa giải quyết chuyện này xong, vừa trút bỏ chuyện kia được, thì chuyện khác việc khác đến và đến mãi cho hết cuộc đời. Nhưng xin thưa bạn, không phải đời này thôi đâu, nó sinh diệt tiếp theo không ngừng, để chừng nào tôi và bạn chưa thức tỉnh, chưa học hiểu thực hành đạo giải thoát, chừng đó cuộc sinh diệt thành luân hồi mãi mãi.
Thật ra thực chất của khinh an là nhẹ nhàng an ổn, tự nó không có một hình ảnh hay ý nghĩa gì, nó chỉ có khi có đối tượng đối lập, và nói chung tất cả sự việc khác cũng vậy. Khi bạn và tôi chưa gặp vấn đề rắc rối, thì khinh an vẫn có, khi việc rắc rối được giải quyết xong, khinh vẫn không tăng, vẫn y như trước đã có; nó không vướng, không ngại và không có định ý tăng giảm, kể cả không là gì hết. Nó là một trạng thái một cảm xúc thường hằng, luôn luôn theo tâm thức biến hiện; kể cả tâm thức cũng chỉ là duyên thành, do nhiều duyên hợp mới cảm được. Vậy đâu đợi ta giải quyết vấn đề xong, ta không còn lo lắng thì niềm khinh an mới xuất hiện. Khinh an luôn luôn xuất hiện, luôn luôn sẵn sàng nếu ta muốn, nhưng vì ta không muốn nên ta không có thôi! Bạn không tin chứ? Bạn thử đi! Bạn bỏ ngay việc đang làm, rồi ngồi xuống xếp bằng lại, để tâm thư thả thoải mái không nghĩ gì cả, cũng không nghĩ cái không nghĩ gì cả; cứ để tâm thật tự nhiên, nhẹ nhàng, bạn cứ cho nó nhẹ nhàng đi là được. Nếu lỡ có suy nghĩ chuyện gì, bạn cũng đừng vội xua đuổi, bạn cứ để cho nó nhẹ nhàng, và cứ nhẹ nhàng. Việc nữa bạn cần phải thể hiện nhẹ nhàng khinh an bằng một nét mặt hỷ lạc tự tâm, và giữ niềm hoan hỷ nhẹ nhàng vậy xem. Tôi chắc rằng khinh an sẽ đến với bạn ngay, và chẳng khó khăn gì để mà tìm kiếm.
Sự thật là vậy, chỉ có vấn đề tự ta làm mất khinh an thôi, hay nói đúng hơn ta chẳng chịu khinh an vậy! Nói không chịu khinh an thì hơi quá đáng, nhưng nếu không vậy tại sao ta lại làm ta mất khinh an?
Thói quen của ta, là việc đã qua ta chẳng cho qua, việc chưa tới ta lại nghĩ tới và việc hiện tại ta chẳng trân quý.
Với pháp thế gian, với đời sống tiến bộ phát triển của nền văn minh hiện thời, người ta khó chấp nhận lời vừa nói trên, vì việc làm không nghĩ quá khứ làm sao học hỏi kinh nghiệm tránh những khuyết điểm lỗi lầm. Với tương lai chưa tới, nếu không suy nghĩ làm sao quy hoạch phát triển dự án, tiên liệu việc sẽ xảy ra. Và với hiện tại là việc làm thực tế của quá khứ và tương lai, điều này là đương nhiên, chứ có gì gọi là trân quý, hay không trân quý!
Thưa bạn hoàn toàn đúng vậy, nhưng niềm khinh an vẫn là chân lý, nó sẽ đến khi bạn tự tại vấn đề, khi bạn hiểu được các pháp là sinh diệt.
Đạt được niềm vui khinh an không phải làm chướng ngại đời sống hiện thực; thực hành khinh an trong sự ý thức các pháp là vô thường vô ngã, nên không phải lo lắng quá khứ và tương lai. Và đương nhiên vẫn sống không khác với thế gian, như lấy quá khứ làm kinh nghiệm, lấy tương lai làm điểm thành tựu; nhưng kinh nghiệm thành tựu chẳng làm động tâm, đó là thực hành được khinh an vậy. Cho nên phải được khinh an từ sự học hiểu giáo pháp giải thoát mới thật sự tìm được khinh an trong tất cả.
Niềm nhẹ nhàng an ổn trong phần giác ngộ đây, là sau khi đã được hỷ lạc với sự hiểu biết hành trì giáo pháp Như Lai. Vậy đến đây bạn và tôi hiểu rằng khinh an là an ổn sống vui, sống sáng suốt thanh tịnh với hình ảnh pháp trần của thế gian mà không bị thế gian sai khiến.
Cao hơn chút nữa, người nào dụng công thành tựu từ pháp đầu của bảy phần giác ngộ, như trạch pháp, tinh tấn, hỷ lạc, nơi đây sẽ được niềm khinh an sống trọn trong chánh pháp, không còn phải vọng động với pháp trần, không còn dao động với bất cứ xúc tác nào đến thân tâm. Cho nên chúng ta đã từng nghe những vị đại sư, thiền sư, khi bỏ thân xác chuyển qua đời sống sau, hay đi vào cõi tịch diệt thanh tịnh, họ hiện ra trên nét mặt niềm khinh an nhẹ nhàng khoan khoái, dù thân thể đang trong hiện tượng hoại diệt đau đớn. Việc này không thể tự gượng hay cố làm mà được, tất cả do sống khinh an thấy được pháp giải thoát, thấy được khi đối diện với tất cả vấn đề lúc còn khoẻ mạnh.
Đến đây bạn và tôi đã tạm hiểu niềm khinh an của người hành đạo giải thoát khác với sự nhẹ nhàng, an ổn thế gian. Chúng ta xin được cầu nguyện pháp Phật ngày càng lan xa để niềm an ổn nhẹ nhàng đến muôn loài trong vũ trụ.
Tiếp theo Khinh an là Niệm, mời bạn và tôi lần nữa tìm hiểu ôn lại phần Niệm mà ta đã có bàn qua.
- Niệm
Như các pháp trước, niệm có nghĩa là ghi nhớ ghi tâm các pháp giải thoát, các pháp sinh diệt để học hỏi tu niệm.
Theo tuần tự pháp tu Bảy phần giác ngộ, bạn và tôi xét xem; khi đã được nhẹ nhàng an ổn (khinh an) sống trong pháp giải thoát, người học Phật bấy giờ phải luôn luôn ghi nhớ điều đã học. Ở đây ta hiểu bảy phần giác ngộ liên đới với nhau, là phương pháp tạo duyên thành tựu, chứ không thể học phần này lại bỏ phần kia. Đối với chư Bồ Tát lớn đã chứng đạo ta không thể so sánh, và có muốn cũng chẳng được, nên không ngạc nhiên các Ngài có thể dùng một pháp dung hòa hết tất cả, chỉ cần một là tinh tấn, hay hoan hỷ mà không cần thực hành trọn đủ hoặc tuần tự theo pháp thế này thế kia. Bản chất tự tại giải thoát nơi các Ngài, là bồ đề tuệ giác nên pháp nhiễm cũng thành tịnh, và tịnh nhiễm cũng chỉ là pháp hướng đến chân như vô ngại thôi.
Với chúng ta hoàn toàn phải học, phải tinh tấn phải nhớ niệm... Do đó những gì bạn và tôi bàn qua, dù đúng theo chân tinh thần giải thoát của Bồ Tát chứng đạo, tuy nhiên phàm tục như ta không thể một đời làm được, cho nên luận bàn một pháp nghe như đã rõ hết cả pháp, nhưng thật ra ta chỉ được một mà thôi, và phải cần học và hành tiếp các pháp còn lại, hay phải lập lại nhiều nữa.
Vậy Niệm ở đây, phải được tiếp tục sau khi đã tự cảm thấy phần nào nhẹ nhàng an tịnh. Điều niệm là ghi nhớ pháp học trên con đường học đạo giải thoát; không phải nghĩ rằng đã được an nhàn thoải mái, an ổn với pháp tu rồi không cần động niệm gì cả. Điều này vẫn đúng, nhưng đúng với chư Thánh Bồ Tát kìa, còn ta vẫn chưa thật đúng. Vì đơn giản ta vẫn còn tu, vẫn chưa chứng quả, hơn nữa niệm lại là một pháp tu, pháp ghi nhớ chánh pháp của Như Lai. Nhắc đến đây bạn và tôi đều biết, hiện thời có pháp tu niệm Phật được thịnh hành ở một số quốc gia tu theo truyền thống Bắc Tông, như Trung Hoa, Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản. Ở Nhật Bản lại có pháp tu trì niệm danh hiệu kinh Pháp Hoa, như Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, pháp này theo Nhật Liên Tông cũng thịnh hành lắm.
Như thế cách tu phá trừ phiền não vọng tưởng là thay vào danh hiệu Phật hay danh tự kinh để thanh tịnh tâm; tu theo như vậy cùng với ý nghĩa của phần niệm này. Nhưng ta có thể hiểu xa hơn, miễn có thể ghi nhớ bất cứ điều gì diệt trừ được vọng niệm ô nhiễm điều đó vẫn đúng ý nghĩa chánh pháp.
Khẳng định mà nói cả hai pháp, thế gian và xuất thế thế gian đều phải ghi niệm để hài hòa trong việc hành trì tu đạo.
Với cảnh giới bất tư nghì của chư Phật ta chẳng thể biết được. Ngoài ra đến cả chư Bồ Tát lớn hễ còn trên đường hành đạo là còn niệm, dù niệm vô niệm vẫn là niệm, đến khi thành Phật mới thôi. Đối với phàm nhân tánh tham, sân, si còn đầy dẫy, không niệm chánh pháp tức phải niệm pháp tà; không thương người tức ghét người, không tu tức tạo nghiệp ác, và không giải thoát tức phải đọa. Đó là duyên khởi đối lập của pháp trần, chứ ta không thể nào nói; tôi không tu tôi cũng chẳng làm ác, tôi không niệm thiện cũng không niệm ác, vậy không sợ gì nhân quả.
Xin thưa nhân quả chẳng làm ai sợ, nhân quả chỉ do ta tự cảm ra, chỉ do ta còn trong vòng luân hồi phải đối tác, chứ nhân quả không là gì cả; nó là một dòng thác duyên sinh tùy vào tâm thức sinh diệt của chúng sanh. Nhưng nhân quả lại giúp ta thấy được các pháp và tiến tu thành đạo.
Nếu bạn không tu lại không tạo nghiệp ác, xem như bạn đã tu mà bạn không biết; nếu bạn cũng không để ý thiện làm gì, cũng không để ý ác làm chi, thì bạn cũng lại lần nữa tu mà không hay. Nhưng thưa bạn, không tu mà không tạo nghiệp, không thiện cũng không ác, đó là hành động của chư Bồ Tát lớn, chứ đâu phải phàm nhân làm được. Vì Bồ Tát xông xáo vào đời cứu độ chúng sanh, mà chẳng bao giờ cho mình cứu độ chúng sanh, nên tu mà không tu; vì Bồ Tát cho mình, không bao giờ tu nên việc làm của Bồ Tát là vô ngã, nên chẳng bao giờ tạo nghiệp, dù nghiệp đó có là nghiệp thiện. Và như thế Bồ Tát đạt đến vô ngã vô hành, chẳng bao giờ cho mình làm thiện thì làm sao làm ác được.
Ngược lại chúng sanh tu mà vẫn tạo nghiệp vì tu không khéo, huống gì không tu; và làm thiện mà còn chấp thiện đâu phải gọi thiện; cho nên thiện như thế cũng là nhân của ác.
Thật ra từ một niệm sinh ra tất cả, cũng từ một niệm quay về lại bản tâm giác ngộ, nhưng muốn được một niệm quay về tánh giác, người học Phật phải ngay hiện tại tạo niệm giác, niệm tịnh mới mong được cuối đời hay đời sau có được niệm giác thành tựu. Thế thì phải luôn nhớ niệm pháp lành niệm nghĩ chánh pháp, để trước nhất không tạo nghiệp, và sau sẽ là quả báo nhập đạo chứng quả.
Sau khi đã nhứt niệm chuyên tâm đến đây là phần Định, phần tập trung chuyên định pháp tu.
Tiếp theo chúng ta hãy tìm hiểu thêm sự liên hệ của Định trong Bảy phần giác ngộ đây.
- Định
Chẳng khác gì Định mà bạn và tôi đã bàn qua trong các pháp trước, là sự chuyên định tập trung không xao lãng khi hành trì. Ở đây ta hiểu thêm, Định xuất hiện sau Niệm, có nghĩa sau khi đã ghi niệm được chánh pháp, thì ta phải chuyên giữ nhất tâm kiên định tập trung điều ta ghi niệm không để phân tâm. Điều chúng ta biết, dù niệm đã ghi vào tâm luôn luôn, nhưng phải cần có định mới giữ được nhớ niệm không sai.
Thử xem nơi pháp thế gian sẽ biết thế nào. Khi một công trình một kế hoạch được lập ra, người đề xướng hay toán chuyên viên nghiên cứu phải luôn ghi giữ mục tiêu đeo đuổi, và muốn được phát kiến sáng tỏ công trình hoàn mỹ, tất phải đòi hỏi sự đeo đuổi nhớ ghi trong tính tập trung cao độ. Làm được như vậy đề án nào lại chẳng thành tựu.
Đối với pháp giải thoát việc định là tất yếu, đòi hỏi hành giả phải thực hành cho bằng được. Định còn tạo cho ta phát triển được lực tinh tấn. Nhờ tập trung nhờ nhiếp tâm không nản chí, không phan duyên động cảnh, ta vừa thắng được vọng tâm dẫn dụ, vừa phát triển được sức dẻo dai, chịu đựng, và phát sinh được hiểu biết rõ ràng hơn.
Suy ra trong bảy phần giác ngộ, tinh tấn là phần thứ hai sau khi đã nhìn nhận chọn lựa thế nào là chánh pháp; nhưng tinh tấn vẫn cần được nhắc nhở bồi đắp thêm qua phần định. Vì tinh tấn dù là siêng năng không gián đoạn nhưng trong siêng năng phải có tập trung không xao lãng, như thế sẽ phát ra sức mạnh giữ được sự chuyên cần nhất tâm. Hay nói đúng hơn cả hai đều bổ túc cho nhau, khiến tất cả pháp hành đều được thành tựu.
Phần định ở đây được tóm tắt một cách thật nghĩa như vậy, thiết nghĩ như thế có thể tạm hiểu, giờ xin đến phần cuối của Bảy phần giác ngộ, đó là pháp xả.
- Xả
Nghĩa là sự buông bỏ, rời khỏi, không dính mắc... Phải nói rằng ý nghĩa phần này rất quan trọng. Sự quan trọng của pháp xả này phải được áp dụng trong bất cứ pháp tu nào của nhà Phật; bởi ngược với pháp xả là một cuộc luân hồi dính mắc dẫn đưa chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay.
Trước khi hiểu vấn đề xả trong giáo lý Như Lai, chúng ta hãy xem thế gian liên hệ thế nào với pháp buông bỏ xả trừ này.
Đi ngay vào vấn đề, thế gian vì chẳng thể buông xả chẳng thể rời xa những gì mình thích, chính như vậy thế gian là trường khổ, là biển động sóng tâm chảy hoài không dứt đoạn
Xả có ý nghĩa rõ ràng là tha thứ, thông cảm, buông lỏng cho người, cho vật được yên, và cho chính mình không bị sân giận, si mê. Nhưng vì ít người làm được, nên ngược lại trở thành bám víu, bảo thủ cố chấp, thành ra tham lam cố thủ. Chỉ nói trong gia đình, nếu người cha người mẹ biết buông xả, biết lìa xa tự ngã cố chấp của mình, hẳn con cháu phải được phước. Tất nhiên cố chấp bảo thủ là mầm mống của tham, sân, si, và đương nhiên phải lấy ba nghiệp ác đó làm chuẩn để xả bỏ; do vì chưa tu chưa chứng đạo, hầu hết mọi người đều mang giữ trong người tánh chất phiền não kia.
Thế nên nếu người cha, người mẹ dù có mực thước đạo đức dạy bảo con cái, cũng cần phải thực hành tập tính buông xả; và phải hành động đúng cho con thấy điều mình dạy bảo không sai, nhưng trong đó phải có sự tha thứ buông xả những lỗi lầm của con. Xã hội càng phức tạp đa dạng, đòi hỏi tánh buông xả cao độ hơn. Chẳng nên hiểu lầm buông xả là phó thác, dễ dãi cho người tự do hành động, như vậy không có ý nghĩa buông xả. Buông xả là lắng nghe không cố chấp, thể hiện được việc làm tự tại vui vẽ không kẹt chấp vấn đề, gây tổn thương đến người khác.
Buông xả như thế có nghĩa là hài hòa sáng suốt, không vì vật chất bên ngoài tạo nên đau khổ dính mắc tâm. Hơn nữa mỗi người mỗi trình độ hiểu biết, phải nên tôn trọng người khác, tức người khác tôn trọng mình, đó là việc xả bỏ tự kỷ ngã mạn để được vui với người, mà người lại tự nhận được niềm vui của mình mang đến.
Không nói, bạn với tôi cũng hiểu, đối với các vị lãnh đạo quốc gia, lại cần học tánh bao dung xả bỏ, nhằm tôi luyện tánh tha thứ thương người, điều đó mới đắc nhơn tâm, mới thành tựu lớn. Các nước trên thế giới được những vị lãnh đạo giỏi như vậy, thì việc hòa bình chẳng cần phát động, động viên cũng thành dễ dàng thực hiện.
Đến đây thử nghĩ về việc buông xả của người học Phật. Bạn và tôi còn nhớ chúng ta đã có bàn qua việc cảm thọ là khổ trong pháp Tứ Niệm Xứ. Đó là việc tất nhiên của đời sống trong cõi dục ái này. Do các pháp hữu vi là vô thường, lại chính nhân người thọ nhận cũng vô thường, thử hỏi ta giữ được cái gì để gọi là bền lâu vui sướng! Nhưng hiểu là một chuyện và hành là chuyện khác, biết rõ điều này Phật đã dạy rõ pháp tu, nhận ra ngay việc thọ nhận là khổ. Và nơi đây bàn về pháp xả ly buông bỏ, ta mới thấy thật ứng hợp, ứng dụng được việc hành xử thọ nhận là khổ.
Nhưng người học Phật nên thọ nhận những gì và phải buông bỏ điều chi?
Đã là thọ nhận, dù thọ nhận pháp giải thoát cũng là thọ nhận, và đã buông bỏ tất phải buông bỏ hết dù là pháp giải thoát cũng phải buông bỏ. Người học Phật nghĩ được như thế, vậy còn gì lưu luyến ở thế gian?
Chúng ta hiểu rằng giáo lý Như Lai là điều tối trọng cho người học Phật, nên ngoài pháp học giải thoát ra, chẳng còn gì lưu luyến; sở dĩ ta lưu luyến thế gian cũng chỉ vì để học Phật mà thôi. Lại do pháp giải thoát từ thế gian xuất hiện nên phải tiếp thọ không khác mọi người, nhưng tiếp thọ để học chứ không bám víu mới đúng là thực hành giáo lý Như Lai; thành ra mới nói phải buông xả, buông xả luôn cả pháp giải thoát mới thật là buông xả.
Đến đây nhìn lại bảy phần giác ngộ, pháp xả ly này là pháp cuối, ta thấy thật là hợp lý, giúp người học Phật nhận thức được các pháp thế gian hay xuất thế gian, đều là phương tiện ví như con thuyền đưa người qua sông. Khi sang được sông, con thuyền xin được gởi lại cho người học Phật khác, chứ không phải ôm giữ chấp chặt, làm sai đi ý nghĩa giải thoát ban đầu.
Như thế nơi đây đã tạm hoàn tất lượt bàn Bảy phần tu học đưa đến giác ngộ, và tiếp theo một đề tài khác, xin mời bạn và tôi tiếp tục.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương