Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang9/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   28

Tứ niệm xứ

Trong giáo lý Như Lai có bốn pháp quán niệm (Tứ niệm xứ), nhân đây bạn và tôi sẽ lấy pháp này làm đề tài nói về Giáo lý của Như Lai, vì trong này có nói tâm vô thường.


Xin được ưu tiên bàn về tâm vô thường trước, để tiếp theo câu chuyện vô thường mà bạn với tôi đang bàn đây.
Đã hiểu vô thường tất phải kinh khủng khi biết Phật dạy rằng, Tâm cũng vô thường. Vậy thì nó, cái tâm đó sẽ chẳng thể đứng yên, ngủ nghỉ một chỗ, mà lăng xăng động niệm hoài chăng?
Đúng vậy, người thế gian cũng đã ví nó như là con khỉ; hết nghĩ chuyện này đến nghĩ chuyện khác, hết lo chuyện kia đến lo chuyện nọ. Cái nghĩ lăng xăng của tâm thật bất tận, khiến hoàn cảnh nào nó cũng làm việc; nó chẳng bao giờ sợ bị thất nghiệp, có chăng chỉ có tạm ngừng một tí khi ngủ mà thôi. Nhưng có khi cũng chẳng chịu ngừng, nếu lúc thức quá lo, sinh ra giấc ngủ mộng mị đủ thứ; mộng mị cũng là hoạt động của tâm, nhưng chỉ là cường độ nhẹ, không rõ lắm.
Như vậy bạn và tôi có thể tìm hiểu, đoán biết được tâm của mẫu người nào lo nghĩ nhiều, và tâm của ai ít lo nghĩ nhất. Đương nhiên người bương chải vào đời, người mang địa vị cao phải là người có tâm lo nghĩ nhất. Các vị đó là thủ lãnh quốc gia, người có quyền lực an ninh lo cho tương lai đất nước. Còn người ít lo nhất phải là các vị tu sĩ, và tu sĩ phải chứng đạo, nếu không họ cũng lo nghĩ chẳng khác thế gian. Chứng đạo ở đây muốn nói, phải là đạo giải thoát chứ không phải đạo hướng vọng thế lực bên ngoài, vì còn hướng còn cầu tất chưa ra khỏi lo nghĩ. Tuy nhiên cũng có khi chư vị Thánh Tăng chứng đạo vẫn còn lo, lo còn hơn người đời nữa. Chư vị lo cho chúng sanh đang đắm chìm trong biển khổ, lo tìm cách nào cứu vớt chúng sanh, nên chư vị cũng lăng xăng nghĩ lo mọi cách. Cái lo như thế chỉ có an lạc chứ không có khổ. Và hình ảnh lăng xăng của chư vị Thánh Tăng như vậy, không nên hiểu lầm giống như thế gian. Trường hợp hoàn cảnh thời đại vật chất ngày nay, một vị Thánh Tăng xuất hiện muốn độ chúng sanh, nhất định phải có hoạt động phù hợp với hoàn cảnh, mới dễ độ chúng sanh được.
Nói vậy cũng còn tương đối, vì mỗi vị Bồ Tát độ sanh đều có hạnh nguyện riêng, cho nên chư vị phải hiện đủ hình tướng, chứ không thể nhất thiết giống nhau được; và phải nói rằng phần lớn chư vị Bồ Tát phải hiện thân lìa nơi ồn náo, đánh thức kẻ sơ cơ, nương bắt chước theo để điều tâm thanh tịnh.
Đó là hai hạng người ở thế gian, trong hai trạng thái khởi tâm tỉnh và tâm động. Nhưng bạn có tin rằng, có người đang trong trạng thái động nhất lại có tâm thật tỉnh không? Người đó đang làm vua một cõi, mà vẫn an nhiên tự tại mọi công việc, vẫn hướng tâm giải thoát!
Đó là vị Phật tử hoàng đế A Dục, sống vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Sự phát tâm hoằng truyền giáo pháp của ông chứng tỏ ông đã trở về với tỉnh tâm thanh tịnh. Ở Việt Nam chúng ta cũng có Vua Trần Thái Tông (1218 -1277), sanh thân là Đế vương mà tâm xuất ly tham dục; chư vị như vậy còn có thể điều khiển được tâm vô thường, thiết nghĩ chúng ta chẳng phải là vua, chẳng lo cho thiên hạ, chỉ có một mình, hay một gia đình, vậy mà để tâm dong ruổi toàn sanh phiền não thì thật đáng thương lắm.
Đồng ý rằng điều khiển được tâm là việc khó nhất trên thế gian này, nhưng không điều khiển được tâm, lại biến thành việc khổ nhất của trần gian.
Ngày xưa bên Trung Hoa, đại sư Huệ Khả quên mình cầu pháp, quỳ giữa trời tuyết lạnh đến mấy ngày đêm; khi được Tổ sư cảm động tra hỏi muốn gì, Đại sư cũng chỉ than rằng, xin được an tâm. Điều đó chẳng cho ta thấy tâm là giềng mối mở cửa giác ngộ hay sao!
Ngày nay ta được nhân duyên học kinh nghe pháp không biết bao nhiêu mà kể, nhưng tâm ta có an đâu! Có lẽ ta chẳng thấy cái vô thường của tâm, và cả cái vô thường của hết thảy pháp, cho nên học đạo với tâm bám víu, tâm chấp ngã, tự cho có học, tự cho có tu, rồi biến thành phân biệt, đối đãi, chấp trước, như vậy mà chẳng thể an được tâm. Thế thì ta cần phải quán tâm vô thường hơn nữa, để nhìn thấy tất cả hiện tượng bản chất nãy sinh nơi tâm chỉ là vô thường thôi. Ngay cả cái ý thức tâm là vô thường mà Phật dạy, cũng chỉ là phương tiện không nên chấp vào, vì nó cũng xuất phát từ tâm. Và cho đến khi nào tâm phàm phu trở thành chân tâm, Phật tâm, bấy giờ ta mới rõ được hết thảy.
Đã hiểu tâm vô thường, tất pháp phải vô ngã, vì đầu mối của pháp là do tâm. Đến đây bạn và tôi xem pháp vô ngã thế nào?
-Pháp vô ngã:
Như đã định nghĩa qua, Pháp là tất cả, là mọi thứ, hiểu được hay không hiểu được, cho đến vọng niệm, chân niệm, giả, thật v.v...
Những điều định nghĩa như thế, giải thích rằng tất cả không có thật thể, không có tự tính độc lập, tự tồn, tự sinh nên gọi là vô ngã.
Bạn thử tìm có cái gì độc lập tự sinh không?
Cái áo bạn mặc đó, cái gì làm thành ra nó?
- Thì bằng sợi chỉ, bằng tơ.
Bạn trả lời như vậy có chính xác không ? Chắc bạn đùa với tôi rồi! Bạn còn giấu không nói, là có nhiều thứ khác nữa mới làm nên cái áo, chứ đâu phải chỉ có tơ tằm, chỉ sợi. Nếu cái áo chỉ có tơ sợi mà thành, vậy có thể gọi là độc lập rồi, và bản thể nó sẽ là tơ, chẳng thể thay đổi được, cũng chẳng thể mất đi; nó sẽ còn hoài, còn mãi, nếu giả sử bị diệt, nó tự diệt chứ chẳng ai diệt được nó.
Đó là vậy, bạn có tin được cái áo có ngã không? Nghĩa là có tính độc lập, tự sinh, tự tồn, tự chủ?
Thưa bạn chắc chắn không bao giờ có được chuyện này!
Vì hàng loạt những nguyên lý sau đây, chứng minh rằng nó không thể tự sinh, tự thành được:
Ngay khi đặt tên cái áo đã có vấn đề. Vấn đề nếu người ta không biết hay không thèm mặc nó, thì nó có tự hào gọi mình là cái áo không? Hay chỉ là danh xưng để gọi mà thôi! Vậy thì nó phải được người mặc, mới đúng tên gọi là áo.
Đó bạn thấy không, sơ sơ đã phải cần một điều kiện là có người mặc, nó mới tồn tại theo ý nghĩa của áo, không thôi nó trở thành vải lau mất.
Giờ xin nói rõ hơn.
Chúng ta thử nhìn lại, nguyên lai và sự hình thành cái áo, xem nó phải cần bao nhiêu điều kiện nhân duyên mới thành. Thưa bạn có lẽ câu chuyện sẽ dài ra, vì phải đi ngược lại từ thời sơ khai. Cái áo bắt nguồn từ khi người tiền sử, vì một trận lạnh rét người mới tìm vật để che, thế là lần hồi tiến bộ trải qua hàng ngàn năm đến nay, người ta mới tìm tơ chỉ dệt tạo, và kết quả đó là những lô vải đủ màu, đủ cở xuất hiện thời nay.
Nhưng vải không chưa đủ, lại phải cần thợ may, thợ may chưa đủ, phải cần máy may; máy may làm sao có! Lại phải cần kỷ sư thợ máy chế tạo; nhưng lấy gì chế tạo, lại phải nhờ sắt thép, gỗ cây, đinh ốc, vân vân và vân vân. Thế là đẻ ra không biết bao nhiêu vấn đề. Chưa nói là còn phải nhờ người nông phu trồng trọt lúa gạo để nuôi anh công nhân, anh kỹ sư và cuối cùng là anh thợ may.
Trải qua bao nhiêu đó cái áo mới thành. Và cuối cùng hết, bạn phải móc tiền ra để mua, chứ không ai lại cho bạn; nhưng tiền ở đâu mà có, lại đẻ ra thêm nữa, và tóm lại hiện cái áo bạn mặc trên người, nó còn là của vũ trụ, của triết lý nhân sinh nữa kìa, chứ chẳng phải tuyệt đối chỉ có việc kể ra ở trên đâu.
Thế là cái áo không thể nào thành được nếu thiếu bao nhân duyên vừa kể; và như vậy, nếu tất cả sự vật hay hình ảnh nào mà không phải trải qua các điều kiện nhân duyên mà tự nhiên thành, thì vật đó mới có ngã, tức là tự sinh, tự thành.
Có lẽ bạn và tôi sẽ nghĩ, có một việc không nhờ nhân duyên, đó là hư không!
Thưa bạn hư không cũng vẫn nhờ nhân duyên, nhân duyên là bạn và tôi bàn đến đó, nếu chúng ta không bàn đến thì hư không cũng chẳng ai biết đến, cũng chẳng phải bàn; lại nữa hư không cũng như nhờ có vật chất có hình tượng, hư không mới hiện ra không gian, nếu không cũng chẳng ai đặt vấn đề hư không. Như vậy có cái gì làm đối tượng cho hư không, hư không mới được khám phá đặt tên, nếu không ta chẳng biết là hư không, và nếu ta chẳng biết thì ta không có vấn đề để nói. Như cảnh Niết Bàn của chư Phật, giống như hư không vậy, vì Niết Bàn là sự thật chứng, sự thật chứng đó chỉ có Phật mới biết, nhưng sao ta biết? Vì có đối tượng là vô minh, ngu si, phiền não, khổ sở nên ta mới nói Niết Bàn, và thêm nữa nhờ Phật phương tiện nói Niết Bàn ta mới tin như vậy. Như thế không có một thứ gì mà không phải nhờ nhân duyên, và nếu còn nhờ nhân duyên thì các pháp phải là vô ngã, nghĩa là chẳng thể một mình nó làm ra nó được.
Như vậy hiểu được các pháp vô ngã giúp người tu Phật tiến bộ rất mau. Ngay cả người không tin Phật cũng có thể học pháp vô ngã mà xây dựng được đời sống tốt đẹp hơn.
Trước hết xin nói về thế gian học pháp vô ngã ích lợi thế nào, rồi sau sẽ bàn về việc tu Phật trong sự lợi ích thực hành pháp vô ngã.
Thế gian xưa nay trải qua biết bao đời bao kiếp thường phải chịu nạn chiến tranh, giết chóc; hành động việc làm như thế là do dục ái tham vọng cố hữu của con người gây ra. Từ việc tham sanh ra sân giận đưa đến giết hại lẫn nhau. Biết rằng, đã là người không ai lại không biết hưởng thụ, biết thưởng thức tặng phẩm của đất trời, của thiên nhiên nhân loại. Nhưng con người lại không chấp nhận rằng mọi thứ mà con người tranh đoạt để sở hữu chẳng thể tồn tại theo ta. Chính như ta là chủ nhân tạo ra sự vật, ta còn không tồn tại, thì sự vật có đáng để phải tranh giành ấu đả nhau!
Vấn đề đáng tiếc rằng, vì ta không đặt ra câu hỏi tại sao ta không tồn tại và những sản phẩm, vật tạo do con người do thiên nhiên cũng không tồn tại?
Đó là thực tại vấn đề, các pháp là vô ngã. Và nếu là vô ngã, tất phải nhờ vào vô số nhân duyên. Khi hiểu biết tất cả là nhân duyên tạo thành, lẽ nào ta lại không nghĩ đến người khác!
Nếu ta có thể tự cho mình độc lập, ta có dám tách riêng gia đình, xã hội để tìm một nơi sinh sống, mà không nhờ bất cứ vật gì, bất cứ ai? Thật được như vậy ta mới tự hào ta độc lập, tự ngã, tự tồn, tự sinh.
Nhưng không, và mãi mãi là không. Như vậy phải biết rằng, sự sống của ta đều nhờ vào các pháp cộng sinh cộng thành, từ vô số điều kiện ràng buộc liên quan nhau. Hiểu được như thế ta phải là vui, ta mới có trách nhiệm bổn phận tốt cho gia đình, xã hội và tất cả. Như thế ta sẽ không cố bám vào mọi thứ, để trở thành ích kỷ, hẹp hòi ngay trong đời sống, đó là cách tránh đi mầm mống chiến tranh nhỏ nẩy sinh từ đơn vị trong gia đình cho đến to lớn thành chiến tranh thế giới.
Cho nên nếu các vị lãnh tụ quốc gia trên thế giới thẩm xét hiểu được các pháp là vô ngã, là do nhân duyên sinh, thì chiến tranh sẽ không có; hơn nữa các vị còn chung sức tìm kiếm phương pháp bảo tồn nền hòa bình thế giới dài lâu hơn. Bởi vì các vị thấy rằng, thế giới địa cầu là chung của nhân loại, nếu một quốc gia đau khổ, sẽ ảnh hưởng đến quốc gia láng giềng; nếu nhiều quốc gia đau khổ thì làm sao một hai quốc gia giàu có lại có thể yên ổn làm ngơ được! Và nếu có một cuộc xâm chiếm từ những loại hình bên ngoài trái đất, hay thiên tai như thiên thạch khổng lồ va chạm hành tinh chúng ta, thì chuyện không hay này là chuyện chung của nhân loại. Như vậy tất cả phải đều hòa hợp nương nhau để sống, chứ không thể nào gọi là độc lập, tự tồn, tự sinh được. Đó là lợi ích pháp vô ngã mà thế gian nên học.
Riêng người học Phật thật quá rõ ràng về pháp vô ngã; chính pháp vô ngã đã đưa hành giả chứng đạo nhanh hơn bất cứ các pháp nào.
Vì hiểu pháp vô ngã, cho nên hiểu hết tất cả sự việc: vô thường, khổ, không, nhân duyên, quả báo.
Chính hiểu vô ngã, nên hành giả tự tại, vô ngại bất cứ mọi vấn đề, và chính hiểu vô ngã nên hành giả đắc được quả vị vô sở đắc. Nghĩa là đắc mà chẳng thấy đắc, đó chính là đắc vậy.
Trong nhà Phật, người tu thường nghe câu chuyện đại ý như vầy. Khi mới nhập môn tu hành, đứng trước cảnh núi sông, hành giả thấy núi là núi, thấy sông là sông. Thời gian tu được khá lâu, hành giả bấy giờ nhìn cảnh núi sông của ngày xưa đã không còn thấy núi là núi, sông là sông nữa. Rồi một thời gian công phu tu hành lâu hơn, hành giả bấy giờ nhìn lại sông núi; và lúc này lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông!
Qua câu chuyện trên ta thấy, tiến trình của người tu đã thành tựu, vì đã thấy được các pháp là vô ngã.
Thời gian đầu, cái thấy tượng trưng cho phàm nhân chưa hiểu đạo giải thoát, nên nhìn sự vật, theo cái nhìn thế gian, nghĩa là theo giả danh, giả tướng, mà không biết rằng nó chỉ là nhân duyên sinh.
Thời gian sau cái thấy tượng trưng cho người liễu đạo, vì hiểu rõ các pháp chỉ do nhân duyên sinh; cho nên sự vật đã không phải như ban đầu nữa. Do đó tất cả chỉ tạm gọi mà thôi, chứ nào đâu phải núi, phải sông. Nếu thật là núi, thì phải tìm ra cái gì là núi? Chẳng lẽ cây là núi, hay gò đất là núi, hay đá là núi, hay vì nhiều thú chạy, chim bay gọi là núi? Đương nhiên tất cả vừa kể, không phải là núi, nhưng vì nhiều thứ gom lại dựng lên nên có tên là núi.
Còn sông thì sao? Chỉ là vô số phân tử nước mà ra, và nó lại chẳng đứng yên một chỗ để ta gọi là sông, hơn nữa việc này kinh có dạy, đối với loài người thì cho là sông, nhưng đối với loài thủy tộc lại là cung điện nhà cửa; còn đối với loài ngạ quỷ sông là máu lửa ghê gớm không thể dùng được.
Do đó cái thấy lúc này của vị hành giả là đúng theo chánh pháp, tuy vậy, phải chờ thời gian sau nữa hành giả này mới triệt ngộ chứng đạo hoàn toàn, đó là lúc cái thấy đã tự tại.
Tự tại với pháp giả, pháp thật (chánh pháp), mà không chấp bất cứ một mảy may nào, cho nên nói như Kinh Kim Cương đắc mà không đắc mới thật là đắc, lẽ đó lần cuối cùng, vị tu sĩ trở lại nhìn thấy như thuở ban đầu, nhưng tự tại giải thoát.
Pháp vô ngã thật là một bài học sống động mang đến hòa bình cho nhân loại, và mang đến pháp giải thoát cho người tu sĩ.
*
Qua hai pháp Tâm vô thường, Pháp vô ngã, bạn và tôi thấy rằng, quả thật nhiệm mầu, vì nơi hai pháp này chính là nguyên nhân khám phá được việc giả dối không thật của thân thể chúng sanh. Tại sao? Vì nó vô thường, vô ngã, nên mọi hình thái sinh hoạt phải chịu luật thành trụ hoại không (sinh, trụ, dị, diệt). Bốn giai đoạn thay đổi này khiến tạo ra hình ảnh bất như ý, và như thế phải đau khổ với nó. Và việc tiếp cận đau khổ nhất là hình hài thân thể, đó cũng là bài pháp tiếp theo về thân bất tịnh.

Thân bất tịnh


Khi ý thức con người bắt đầu ý thức, bắt đầu nhận định, xét nghiệm, tư duy, thì không có một vật gì, việc gì quý báu hơn thân thể con người. Thưa bạn có phải vậy không? Hỏi để mà khẳng định, tất nhiên là vậy.
Từ khi con người mới vừa xuất hiện trên hành tinh này, cho đến ngày nay chân lý đó vẫn sống mãi; và đó phải là chân lý mà bạn và tôi đã bàn qua, về tính tham sống sợ chết của chúng sanh.
Điều đó cho thấy tất cả chúng sanh đều quý trọng thân thể của mình, quý trọng đến sợ hãi, sợ nghĩ đến một ngày già nua bệnh hoạn chết đi. Cho nên con người đã trân quý nó, đã tìm đủ phương cách có thể làm được, để nó khỏi bệnh khỏi chết. Nhưng rồi nó vẫn chết. Và thật buồn thay khi nó chết, con người liền xua đuổi tống khứ nó đi một cách nhanh chóng, bởi vì nó đã trở thành vật thể ghê tởm nhất trần gian.
Bạn có thấy nói như vậy là quá đáng không?
Thưa bạn có lẽ là không, không bao giờ!
Nếu không tin bạn thử tìm vật gì ghê tởm hơn đi! Thật ra nếu chúng ta cố làm ra những vật ghê tởm thì chỉ là hình ảnh ghê tởm, chứ mức độ vệ sinh truyền nhiễm của một xác người chết rửa, dòi tủa, hôi thối vẫn chỉ ngang nhau. Nhưng tôi vẫn gọi thân người là ghê tởm, vì ấn tượng hình ảnh đó quá phủ phàng, không thể ngờ được!
Bạn xem một thân hình mỹ nhân tuyệt sắc, khi còn sống ai cũng mê cũng thích; lại được ca ngợi là một tác phẩm của trần gian, hay của thiên nhiên, thiên tạo; vậy mà chỉ có một tuần lễ chết đi, đã thành một đống thịt hôi thối chẳng ai dám đến gần. Nếu bạn và tôi không muốn đến gần một con chuột chết sình, thì làm sao lại dám đến gần một con người chết sình, lớn gấp mấy chục lần con chuột!
Tuy mức độ hôi thối giữa hai bên con vật và con người chẳng có khác nhau lắm; nhưng có thể mùi hôi của con người thối hơn, nếu như con vật chết kia là con bò con ngựa, vì món ăn của chúng chỉ là cỏ, nên dù thịt có rửa, xác có ươn cũng không đến nổi như con người. Bằng chứng như vậy, ta thấy phân dãi của chúng chẳng hôi gì lắm. Vậy chắc chắn rằng cái hôi của một người chết sình phải là khủng khiếp, và cho dù người đó ăn chay cũng vậy, vì ăn chay vẫn còn rất tạp so với trâu bò.
Ngoại trừ một điều đặc biệt, vượt khỏi kiến thức thế gian, đó là các bậc tu sĩ chứng đạo; chư vị đã chứng được một diệu lực nhiệm mầu mà phàm nhân như chúng ta không thể hiểu được.
Khi chư vị mất đi, hiện tượng xuất hiện mùi thơm tỏa ra không gian nơi vị đó, và xác chết của các vị có thể để đôi ba ngày thậm chí đến cả tuần vẫn không thấy hôi.
Trường hợp như vậy xảy ra chẳng lạ gì đối với chư vị Thánh tăng Lạt ma Tây Tạng. Như Ngài Jamyang Khientse* khi chết đi xác Ngài vì được thỉnh cầu, thăm viếng lễ lạy, mà phải quàng lại đến một tuần, rồi hai tuần, ba tuần, cuối cùng kéo dài đến gần sáu tháng mới được hỏa táng, như vậy mà xác vẫn không thối rữa gì cả.
Gần hơn sự kiện trên là Ngài Lama Yeshe viên tịch tại Hoa Kỳ năm 1984**. Trước khi nhắm mắt thân thể Ngài đã được điều trị tận tình theo y học hiện nay, nhưng chắc
­­­­­­­­­­­_______________
*Xem Tạng Thư Sống Chết – sách do Cố Ni sư Trí Hải dịch từ tác phẩm The Tibetian Book of Living and Dying của Sogyal Rinpoche.
chắn đây là một sự thị hiện làm bệnh của Ngài, cho nên khi cơn bệnh hoành hành ói mửa, người chung quanh đã kinh ngạc, vì chẳng thấy khó chịu hay buồn nôn khi thấy Ngài khạc nhổ. Lại nữa dù nhiều ngày không súc miệng nhưng hơi thở Ngài chẳng có mùi hôi. Và khi Ngài chính thức ra đi, thân thể lại tiết ra mùi thơm lạ, người thuật lại chuyện này còn cho biết quan tài đựng xác Ngài vẫn còn lưu lại mùi thơm thật lâu.
Đó là những trường hợp ngoại lệ, mà chư vị chứng đạo thị hiện đạo lực nhiệm mầu, thông qua cơ thể vật chất, làm phương tiện hiển đạo giải thoát tự tại liễu sinh thoát tử. Mà trường hợp phi thường kỳ diệu hơn nữa đó là Lục Tổ Huệ Năng, mãi cho đến bây giờ nhục thân của Ngài vẫn không hư hoại dù đã trải qua hơn một ngàn năm.
Với tất cả chúng sanh hữu tình vô tình, chưa chứng đạo giải thoát, tất phải chịu luật thành trụ hoại không một cách đương nhiên vậy.
Như thế bạn và tôi đã đồng ý, chúng ta đã đam mê thái quá với thân thể mình, mà chẳng bao giờ suy nghĩ rồi có một ngày phải bỏ chúng ra đi.
Như vài câu chuyện kể thật phi thường linh diệu, nhưng nhục thân giả tạm của các Ngài dù thanh tịnh giải thoát như vậy, cũng phải được hỏa táng bỏ đi đúng với _______________
**Hài Đồng Lạt Ma, dịch giả Long Khánh – Nguyên bản The Boy Lama: Reincarnation tác giả Macki Mackenzie.
luật vô thường, huống gì thân thể bất tịnh đầy phiền não như chúng ta.
Thọ thị khổ

Hiểu thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã, đến đây còn lại là Thọ thị khổ thật đúng quả không sai!


Bạn thấy không, làm sao con người không khổ, khi phải đối diện với Thân bất tịnh, Tâm vô thường, Pháp vô ngã; không hiểu hay không muốn hiểu nên mới Thọ nhận là khổ. Và xin thưa bạn cho dù bạn có hiểu, bạn cũng còn vất vả khổ vì thọ nhận huống gì không hiểu.
Chúng ta thử tìm hiểu, thọ nhận gây ra phiền não khổ sở thế nào?
Mỗi ngày mỗi lúc, mỗi giờ mỗi phút mỗi giây, ta đều thọ nhận; thọ nhận thức ăn, thọ nhận thức uống, thọ nhận cảnh trí, thọ nhận âm thanh, thọ nhận con người, thọ nhận tất cả các pháp để nuôi sống thân này.
Các pháp mà ta thọ nhận giúp ta thật nhiều, nhưng cũng hại ta chẳng ít. Thật ra các pháp chẳng thể hại ta mà ta hại ta do vì các pháp! Nói như vậy có vẻ huề vốn, vì cuối cùng cũng do các pháp. Thưa bạn, nhất định là không, tất cả vẫn do ta, là vì ta sanh ra pháp, rồi để pháp bó buộc; nếu ta không sanh pháp, pháp đâu bó buộc ta!
Đời sống ngày xưa tuy không đầy đủ tiện nghi như hôm nay, nhưng ta vẫn sống; ngày nay đời sống tiện nghi thoải mái dư thừa, nhưng ta cũng chẳng thể vì đó mà tuổi thọ tăng thêm. Đồng ý thời đại y học ngày nay vượt bực, có thể chữa trị phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm, nhưng rồi cũng chẳng thiếu gì con người yểu thọ ra đi, vì những bệnh quái lạ của thời đại. Điều này là thọ nhận quá dư thừa chứ còn chi khác!
Một người sống cảnh an phận ít giao tiếp ai, có thể ta cho tội nghiệp vì buồn tẻ. Nhưng không! Chính người giao thiệp nhiều có thể tội nghiệp hơn; vì sẽ lụy thân phiền não, đây là ý trong Kinh Di Giáo dạy - Như các giống cây to lớn thường bị các chim chóc làm ổ sinh sống trên đó, nên dễ bị hư cây và khô gảy.
Thế thì người giao tế hoạt náo, nhiệt tình sốt sắng với người, giống như đã tự làm mình lớn ra, quan trọng hơn; từ đó có nhiều người chiếu cố đến gần, và rồi càng nhiều người đến thì chuyện tốt, chuyện xấu tất nhiên phải xảy ra. Cuối cùng mới thấy, người ít giao thiệp, ít bị kích động, nghĩa là ít thọ nhận, nên mới có cái vui nhàn hạ. Tất nhiên người ít giao thiệp vẫn phải đi làm, mới có tiện nghi mà ở.
Thọ nhận bất cứ điều gì thường trở thành nô lệ cái mình thọ nhận. Người chưa biết hút thuốc, đời sống họ chỉ thọ nhận trước giờ như vậy, nay tập hút thuốc, thế là trở thành nô lệ thuốc và phải tốn tiền, rồi tốn luôn sức khỏe.
Bạn thử tưởng tượng, hôm nay có niềm vui, vì nhận món quà, kèm theo lá thư của đứa cháu bên Mỹ. Mở quà, thư, xem có gì bên trong! A thì ra một album hình, kỷ niệm từ lúc gia đình bạn còn ở Việt Nam. Trong đó có bạn, có ba má của cháu bạn, còn nhiều thân quyến mà bấy lâu nay chưa liên lạc được. Bạn thật vui khi nhận được món quà vô giá này, vì nó gợi lại hình ảnh mà tưởng đã đánh mất bấy lâu nay, từ khi rời khỏi đất nước. Món quà này còn giải quyết, giải tỏa nhiều chuyện riêng tư của bạn nữa. Bạn mừng lắm!
Tiếp mở lá thư xem sao! Đọc thư xong bạn im lặng một phút; thì ra cháu bạn nó xin mượn bạn một số tiền cũng kha khá. Thế là bạn không thể từ chối, vì cháu nó đã đem lại cho mình một niềm vui đáng kể. Tất nhiên nó không có dụng ý lấy đó làm cớ để mượn tiền chú nó. Bạn biết tánh đứa cháu này. Nhưng bạn hiện cũng đang cần tiền để lo một công việc sắp tới đây; nếu cho nó mượn, cơ hội của bạn phải chờ lại năm sau, và năm sau thì chưa chắc đã đúng dự tính của bạn, cho dù lúc đó bạn đã có tiền.
Bạn thật phân vân! Lại nữa lá thư mượn tiền của cháu làm bạn nhớ lại một người mà bạn đã giúp đở cũng mượn tiền qua thư, nhưng lại chưa bao giờ trả cho bạn. Nỗi buồn này tưởng đã quên lãng, không ngờ sống lại như mới ngày nào.
Thôi! Tưởng tượng bấy nhiêu đó đủ rồi, càng nói càng buồn thêm.
Đó bạn thấy! Sự thọ nhận nào cũng thường có hậu quả hay dư âm của nó. Và theo tính cách xả giao công bằng trao đổi, người ta lại phải xử lý chạy theo cái đáp nghĩa đền ân, đền ân đáp nghĩa.
Thọ nhận vật vô tri vô tình, như tập sự đánh cờ, hút thuốc, xem phim, đọc sách, cũng đã có vấn đề, huống gì những vật thọ nhận là hữu tình, tri giác, như kết bạn nhiều, giao thiệp rộng, thế thì phải giải quyết thế nào cho êm đẹp đây?
Tuy nhiên thưa bạn, người học Phật chẳng bao giờ bi quan vấn đề này, vì sinh ra đời là chấp nhận sự thọ dụng rồi; thọ cái thân tứ đại của chúng ta đây là thực tế. Ta phải thọ nhận mọi thứ để cho nó tồn tại; và đôi khi có những cái buộc nó thọ nhận để cho người khác tồn tại! Đó là tình thương của cha mẹ; vì thương con cho nên cha mẹ phải thọ nhận lao động vất vả khổ sở, mong được nuôi con thành người. Nhưng, thật ra cha mẹ có tình thương như vậy, cũng vì cha mẹ đã tự thọ nhận tạo ra con cái, cho nên buộc phải trả lại tình thương đó.
Tóm lại tất cả đều thọ nhận, đều chịu ảnh hưởng sự thọ dụng của mình, và sự thọ nhận nào hầu như cũng đều đau khổ. Như vậy dù việc này ta có thật hiểu đi nữa, vẫn khó tránh được, vì như đã nói sanh ra buộc phải thọ dụng, và nếu người không hiểu, khổ càng chồng chất thêm.
Vậy phải hiểu thế nào về thọ?
Phải trả lời ngay rằng, phải hiểu thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã. Phải nói rằng đây là chân lý muôn thuở, không thể chối cãi được, như thế mới thấy ngoài giáo pháp Như Lai không có bất cứ phương thuốc gì để cứu chúng ta được.
Duyệt lại từ đầu của bốn pháp Tứ Niệm Xứ thấy rằng; nếu quán được tâm vô thường, chúng ta sẽ dè dặt suy xét mà không vội thọ nhận, một khi tâm đòi hỏi điều chi. Và người nào đạt tới trình độ quán sát được tâm vô thường luôn luôn, hằng dụng trong tâm, người này sẽ có chánh niệm ngay lúc tâm vừa phát khởi sân giận, tham lam, như thế là kết quả an lạc thiền định ngay trong đời sống.
Người này lại tiếp tục quán sát tri nhận về pháp vô ngã cho đến thuần thục, như thế chắc chắn sẽ không dễ bị các pháp thế gian lôi kéo, vì biết rằng chúng vô ngã. Và nếu đạt được trình độ cao hơn, quán ngay các pháp đang tu cũng là vô ngã, thế là từ đây người này không còn là một phàm nhân nữa.
Khi quán được hai pháp tâm vô thường, pháp vô ngã, người này hẳn nhiên hiểu thân bất tịnh là điều tất nhiên, cho nên người này thành tựu an lạc tất cả các pháp thế gian, và tất cả sự thọ dụng bấy giờ lại chuyển thành pháp tu của hành giả đó.
Đó là bốn điều cần thiết để quán niệm trong đời sống của người học Phật mà tôi và bạn nhất định phải ghi nhớ.
Trước khi qua đề tài khác mời bạn hãy nghỉ một chút, thư thả tâm hồn, rồi sẽ tiếp tục vậy.
*
Vừa rồi chúng ta sơ lược bàn qua pháp tu Tứ Niệm Xứ trong đề tài Giáo Lý của Như Lai, khiến làm tôi phải suy nghĩ, nghĩ về Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, đó là phần quan trọng được lấy ra từ một pháp của bốn bài pháp tối quan trọng là Khổ Tập Diệt Đạo hay còn gọi là Bốn Sự Thật Nhiệm Mầu, mà đấng Đại Giác đã từ bi khai thị đầu tiên cho chúng sanh ở cõi Ta Bà này. Vậy nếu bạn và tôi chỉ bàn về Tứ Niệm Xứ, hóa ra chẳng đáng kể gì trong phần Đạo đế của bốn sự thật nhiệm mầu vi diệu kia, vì thiếu đi ba mươi ba phẩm trợ đạo còn lại. Thiếu đi nhiều như vậy, sao dám gọi là nói chuyện về giáo lý Như Lai!
Thế thì không còn cách nào khác hơn, bạn và tôi cũng phải cố gắng tìm hiểu để thấy chẳng có pháp nào mà đấng Thế Tôn nói ra thừa thải. Sở dĩ Ngài phải nói nhiều như vậy vì chúng sanh căn tánh quá nhiều. Nhiều tham, nhiều sân, nhiều si; nhiều đến nổi giáo điển Như Lai phải biến hóa thành Tam Tạng Kinh, chứa khắp mười phương thế giới. Nhưng trong mười phương thế giới tàng kinh điển lại phát xuất từ một nơi, nơi chân tâm diệu tịnh. Chúng sinh sơ cơ học Phật không thể dễ dàng định tâm nhận ra một là tất cả, tất cả là một, đúng như diệu lý nhân duyên khó thể nghĩ bàn. Sự nhận diện một cách thật đúng, đó là lúc hành giả thành tựu vượt khỏi mọi phân biệt thế gian và đang biến mình trở thành một bậc Thánh. Thế thì chưa đạt được trình độ giải nghĩa Như Lai bằng chân tâm thanh tịnh, hành giả phải lập đi lập lại tất cả những lời huấn thị của Thế Tôn, của chư Bồ Tát, của hàng Thánh Tăng gần gũi nhất mà mình biết được, để học hỏi để hành trì, để hóa giải ý thức thô kệch phân biệt của mình.
Vậy ra càng mừng hơn nữa, nếu bạn và tôi có thể có được thời gian tiếp tục cuộc mạn đàm này. Duy chỉ một điều lo ngại, ý tưởng của ta có được nói lên một phần trăm, phần ngàn nào như ý chư Phật chư tổ đã từng dạy chăng?
Sau đây là các pháp còn lại, mà bạn và tôi sẽ chuyện trò chia xẻ, đó là: Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Chánh Đạo.
Nào chúng ta sẽ theo tuần tự như trên.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương