Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang17/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   28

Chuyện phát Bồ Đề Tâm

Từ ban đầu đến giờ bạn và tôi chuyện trò cũng khá nhiều về món ăn tinh thần giải thoát của Như Lai; nhưng xét cho cùng chúng ta vẫn chưa đi thẳng vào vấn đề xoáy sâu vào tâm, nhắc nhở một cách trực tiếp thực tế việc tu hành của người cầu giải thoát. Chắc bạn đã biết đó là việc gì rồi.


Thưa bạn đó là việc phát bồ đề tâm!
Phát bồ đề tâm, hiểu đơn giản là tầm cầu thành Phật để độ chúng sanh. Vâng đúng như vậy, chúng ta chẳng cần phải luận bàn thêm nữa làm gì!
Nhưng thưa bạn, làm sao mà dễ cầu thành Phật được, khi con người thường xem tâm là một cái gì hơi mơ hồ, trừu tượng; điều đó đã là thực tế qua cuộc sống hời hợt chẳng màng suy nghĩ đến Tâm.
Chính đây là vấn đề và nếu không hiểu vấn đề một cách thật hiểu để phát bồ đề tâm, tức hiểu để hành, thì phát bồ đề tâm đã trở thành một khẩu hiệu, thường được dùng đến trong mọi trường hợp có ý nghĩa và không ý nghĩa, để trở thành một nhóm từ suông êm tai dễ nói.
Tất nhiên như đã thưa từ trước, bạn với tôi là hàng sơ cơ đang cầu học Phật, nên không thể nào lý giải nổi diệu lý và lực dụng của Bồ Đề Tâm. Vì Bồ đề tâm là để hành chứ không để nói. Truyền sử Phật giáo Tây Tạng kể về đại hành giả Milarepa khi cầu học giải thoát, cái gì đã làm cho ông quên cả đau đớn, quên cả cái chết, quên cả chính ông để chịu đựng vô vàn nghịch cảnh mà Thầy ông thử thách? Thưa đó là một phần của Bồ Đề Tâm, chỉ có như vậy ông mới vượt qua được mọi chướng duyên học đạo. Nhưng tại sao lại nói chỉ là một phần Bồ Đề Tâm? Vì cũng dễ hiểu, bởi hành động và mọi hy sinh của chúng ta cũng chỉ là huyễn, nên Bồ Đề Tâm chẳng khác gì phương tiện, và có lẽ đúng hơn, Bồ Đề Tâm không phải chỉ bấy nhiêu hành động đó là đủ, do đó phải nói chỉ một phần. Chúng ta còn nhớ là trước khi thành Phật, Bồ Tát phải tu lục độ vạn hạnh vô số kiếp mới thành tựu được quả Phật, đó mới trọn nghĩa của Bồ Đề Tâm.
Nhưng dù sao chúng ta phải tri ân sâu xa, chư Thánh Bồ Tát thị hiện phát Bồ Đề Tâm để nhắc nhở kẻ đi sau học hỏi.
Ở Việt Nam có Bồ Tát Thích Quảng Đức, thị hiện phát bồ đề tâm thiêu thân cúng dường Phật pháp, phương tiện cảnh tỉnh người. Việc làm phi thường của Ngài trên thế gian này khó có mấy người làm được! Cũng như ngày xưa bên Trung Hoa, Huệ Khả tha thiết cầu đạo với Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, chặt tay thể hiện dũng tâm quyết cầu Phật đạo, đó cũng là diệu dụng của Bồ Đề Tâm.
Hành động của chư vị Bồ Tát, vì người quên mình, hay vì vật quên mình như truyện tiền thân đức Phật thí thân cho cọp đói, và vô số hành động từ bi vô ngã đó, đều thể hiện Bồ Đề Tâm. Cứ như thế ngày nào còn giáo lý đạo Phật ngày đó hành động phát khởi bồ đề tâm vẫn luôn luôn hiện hữu dưới đủ mọi hình thức phát khởi từ những con người hướng về giải thoát.
Một điều ta chớ ngộ nhận rằng, Bồ Đề Tâm là phải hy sinh, phải hủy mình mới thật ý nghĩa. Thưa chẳng phải vậy. Lục tổ Huệ Năng đã chẳng hy sinh gì lắm trước khi gặp đạo. Và trước khi lên đường gặp Ngũ tổ, cũng như được truyền y bát chính thức, ngay lúc bấy giờ Ngài cũng chẳng phải trả một giá đắt chi gọi là hy sinh cả. Chỉ có những năm sống với đám thợ săn, Ngài phải chịu đựng một ít nghịch cảnh, nhưng bấy giờ Ngài đã chứng đạo, nên các việc khổ này không đáng kể. Như thế không đúng lắm, khi cho rằng phải hy sinh thế này thế nọ mới gọi phát bồ đề tâm.
Lại cũng chẳng đúng, cho rằng tu khổ hạnh là phát bồ đề tâm.
Chúng ta đã hiểu Bồ đề tâm là tâm muốn thành Phật, muốn thành Phật thì hoàn cảnh nào cũng có thể muốn được. Người Phật tử ở thôn quê nếu tâm tha thiết muốn được thành Phật thế nào, thì người ở thành phố cũng có cái muốn thành Phật không khác chi. Và điều mong muốn thành Phật này chẳng có ai cấm cản mình, ngược lại người ta còn cầu có được một người thành Phật, hay nhiều người thành Phật để kịp cứu nguy cho thế giới đau khổ hiện nay.
Vã chăng, chỉ có vấn đề mình có thật muốn và muốn đúng hay không! Có thể nói, muốn thì ai cũng muốn, nhưng thật muốn thì chưa chắc! Còn muốn đúng lại quan trọng hơn nữa, bởi vì muốn đúng sẽ làm mình thật muốn và thành tựu điều muốn. Muốn đúng là phải hiểu bồ đề tâm một cách tha thiết sâu xa, ân cần trong sự dụng tâm.
Khi một người mới phát tâm thích đạo giải thoát, người ta đã có được bước đầu của việc muốn này, mặc dù tự thâm tâm người đó chưa bao giờ dám nghĩ vậy, nhưng yếu tố nhân quả thành Phật đã có. Đương nhiên là vậy, tu Phật phải thành Phật chứ chẳng thể thành ma. Tuy nhiên cái muốn ban đầu chưa thể kết luận biết được người ta có thật muốn hay không. Vấn đề này xảy ra rất nhiều với người học Phật, điển hình nhất là bạn với tôi đây. Vì sao? Vì phải lấy thời gian xem cái muốn của người đó có thật muốn không. Chúng ta đã chẳng thấy không hiếm gì các vị phát tâm tu đạo ban đầu thật dũng mãnh, nhưng cuối cùng bỏ cuộc sao. Ngay cả thời Phật còn tại thế việc này vẫn có, đến nổi Phật phải dạy thành luật; chẳng hạn Tăng Ni đều được hoàn tục, nhưng khi xin phép tu lại phải có luật hạn rõ ràng, chứ không thể muốn ra bao nhiêu lần rồi trở lại đều được cả.
Chính do điều này mới thấy cái sơ tâm ban đầu rất quan trọng, không thể nhất thời bốc đồng mà cho là thường được. Ngày xưa việc cầu đạo rất khó, không phải khó vì vị Thầy khó, hay pháp tu khó, mà khó vì muốn giữ được sơ tâm, nên chư Tổ phải đối xử thật khó, để người mới học ghi tâm nhớ mãi.
Khi được nhập môn tu hành, chư Tổ lại thử thách nhiều hơn nữa, đó là để kiểm lại một lần nữa xem cái tâm ban đầu muốn thành Phật kia có thật hay không. Tất nhiên vì Chư Tổ chứng đạo, nên chỉ mong tìm người chứng đạo hoằng truyền chánh pháp nối bước quý Ngài, cho nên thà chịu đơn độc hay thị tịch một mình tái sanh lại đời sau tìm đệ tử, chứ không thể làm sai, nhận bừa ai cũng được. Như Bồ Đề Đạt Ma là một điển hình sống động, bước đầu thời gian khi đến Trung Hoa thấy mình bất lực chẳng duyên tìm được người phát tâm, có cái thật muốn thành Phật như Ngài, nên âm thầm quay lưng thế sự, trầm tịch chờ duyên, định thần thiền tọa; và có thể nếu Huệ Khả không xuất hiện, biết đâu Ngài lại tự tại xả thân hiện tại, để tiếp tục thân sau tìm kiếm.
Chúng ta còn biết, bấy giờ tu sĩ cũng khá đông, hàng Phật tử tín tâm tại gia chẳng ít; thế mà Đạt Ma tổ sư chỉ được một người; nhưng người này lại tìm đến Ngài, chứ Ngài cũng chẳng tìm được. Nơi đây bạn và tôi thử nhận định theo hiện thực khung cảnh bấy giờ, hầu phù hợp với điều mà ta đang thổn thức việc phát tâm học Phật, chứ chúng ta không thể biết được, dù là rất ít, việc làm của chư Bồ Tát.
Bồ Đề Đạt Ma tổ sư có lẽ đã du hành lịch lãm nhiều nơi, lại hiện tướng dị thường, có khi còn dùng phương tiện thị hiện hành tung huyền bí, nhằm gây chú ý khiến người dò xét tra vấn học hỏi Ngài để Ngài dạy đạo, nhưng rồi cũng chẳng có ai! Hay có cũng chẳng phải là người thật muốn cầu học giải thoát.
Sở dĩ nói như vậy, vì ngay đến triều đình cũng nghe tin vị đại sư thần bí này. Rốt cuộc nơi triều chính, nội thành không thiếu kẻ học sĩ trí thức, vẫn chẳng có người như Ngài muốn. Chính Vua Lương Võ Đế, là vị Phật tử thuần chân, vì hiếm ai làm vua lại nghĩ đến Phật pháp; vua chỉ cần hiền đức cho phép dân lành tự do tín ngưỡng là quý lắm rồi, huống chi Ngài lại biết cúng dường trai tăng, dựng chùa xây tháp, đắp tượng... Vậy mà chẳng hiểu được thâm ý của Tổ sư, thành ra chỉ tu cầu phước.
Có lẽ cả những đời trước của nhà vua cũng chỉ kết duyên Phật pháp không hơn phước báo nhân thiên, nên mãi sinh ra thọ phước; như thế suy ra, chỉ vì cái tâm đến với đạo giải thoát của nhà vua từ quá khứ, chưa phải là tâm thật muốn; nếu không Vua đã hiểu ý của Tổ sư rồi.
Nhưng riêng hàng xuất gia bấy giờ thì sao? Tổ cũng đã viếng thăm nhiều chùa, thậm chí cùng đàm đạo tu học, rồi thuyết giảng dạy đạo nữa, thế sao không tìm ra?
Không thể trả lời đúng hay sai được, sự kiện bấy giờ và tất cả như vậy vẫn là nhân quả. Tổ sư Đạt Ma vẫn phải chờ đợi và Huệ Khả chỉ là duy nhất một người, ngay trong hoàn cảnh phạm vi Tổ sư Đạt Ma hoằng đạo. Tất nhiên hoạt động tìm người truyền pháp của Ngài vẫn còn giới hạn ở một đất nước mênh mông như Trung Hoa, cho nên ta chỉ nói ngay phạm vi của Ngài bấy giờ.
Như thế ta thấy sơ tâm ban đầu phải là thật tâm mới thấy đạo, và rồi thấy đạo phải thật thấy, mới đúng hơn nữa.
Giới tu sĩ thời bấy giờ trong mắt Tổ sư Đạt Ma, không phải là những người không thấy đạo, vì không thấy đạo làm sao các vị có thể tu được. Nhưng đối với Ngài có lẽ vẫn chưa có người thật thấy, thật muốn, và thật đúng! Tuy nhiên chúng ta cũng chẳng phải cho các vị tu sĩ như vậy là uổng công tu! Hoàn toàn không uổng công gì cả. Biết đâu chừng, đó là các vị Bồ Tát thị hiện đông như vậy, cốt để làm nổi bật hình ảnh duy nhất Huệ Khả, biểu trưng giáo lý cao siêu nhiệm mầu của Như Lai; ý nghĩa nhằm nói lên minh sư, chánh pháp đâu phải dễ tìm. Nghĩa là có thể hiểu thêm, nếu ta chẳng cầu tìm, chẳng cầu muốn, và thật muốn, thì ngay cả ta là tu sĩ cũng chẳng được toại nguyện điều ta muốn. Thưa bạn tôi cũng tin như vậy lắm!
Quả là cái tâm muốn làm Phật, thật muốn làm Phật, và đúng cái muốn, quá khó đó bạn.
Thật không dám nói, hiện thời người tu Phật cả hai giới xuất gia tại gia, đã có bao nhiêu người thật muốn thành Phật, và được thành tựu đúng như cái muốn của mình. Chắc cũng có tại ta không biết thôi. Thử xem hiện tình thế giới có ít nhất cũng vài triệu người muốn tu Phật, không lẽ trong đó không có người thật muốn sao? Ít ra cũng là vài trăm, hay vài ngàn đó, có điều hễ thật muốn chừng nào, các vị lại càng khiêm hạ, ẩn mình, ẩn danh chừng nấy. Trong các vị thật muốn này phải có cả cư sĩ nữa. Họ phải là các vị Bồ Tát tại gia tu trì một cách nghiêm mật, khó để người nhận diện, cho nên rất khiêm hạ, khiêm tốn; chư vị như vậy chắc chắn Bồ Đề Tâm đã dâng cao chất ngất.
Hàng tu sĩ muốn thành Phật tất nhiên đã quá nhiều, nói quá nhiều chứ không nói hoàn toàn, vì cũng vẫn có không ít chư vị quên đi cái muốn của mình, tức vai trò tu sĩ nên đã trở thành không muốn, dù rằng đang trong hình thức muốn. Xin được nhắc lại, điều này chẳng có gì lạ, bởi ngay thời Thế Tôn vẫn có; có ngay khi Thế Tôn chưa nhập Niết Bàn; và sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, thì chư vị này đã không những hiện rõ ra cái không muốn thành Phật, mà còn chỉ trích phê bình sửa đổi giáo lý Như Lai.
Lại muốn đi tìm hàng tu sĩ thật muốn thành Phật cũng dễ tìm thấy, nhưng rồi cũng thật khó thấy! Dễ thấy nói theo lý, đó là đương nhiên, vì là tu sĩ tất phải thật muốn, nhưng nói về sự thì chưa; do đó mà việc hành chỉ nương ý thức, mà ý thức vẫn còn là phàm phu, như vậy chỉ là lý tưởng mà chưa phải hiện thực thực hành thật muốn.
Thật muốn dẫn đến không còn là lý tưởng nữa, nó đã trở thành hiện thực sống động nơi tâm thể hiện ra thân. Chư vị như vậy, nói một cách phải giựt mình đó là chứng đạo; hay nói cách khác hơn, người ta nhận ra con người này bằng một hình ảnh vượt lên khỏi lý sự hình thức của thế gian. Chư vị như vậy tuyệt đối không có nhiều, và cũng chẳng biết họ ra sao; nhưng coi chừng, các Ngài chẳng xa chúng ta đâu!
Ngày nay dồi dào kinh điển sách báo, thông tin, người ta có thể đã nghe thế giới vẫn còn xuất hiện những hiện tượng dị thường, như trường hợp đất nước Tây Tạng, nơi sanh ra những vị Thánh. Và chính vì mệnh danh vùng đất tâm linh, nên chư vị Thánh chúng xuất hiện và lộ diện chân tướng của mình gần như rõ rệt. Tôi muốn nói đến chư vị Lạt Ma Tây Tạng đó.
Theo tôi, các vị như vậy còn gì để ngại ngùng, mà không cho rằng các vị là những vị thật muốn thành Phật và đã đang đi đúng điều mình muốn. Cụ thể đó là sự tự tại trong sinh tử, bằng truyền thống Bồ Tát Đạo, ra đi không quên trở lại để hoằng pháp độ sanh. Một trong nhiều vị tu sĩ đạt được điều thật muốn và đúng như điều mình muốn, đó là Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn hiện nay.
Đó bạn thấy cũng dễ tin và dễ tìm. Nhưng rồi sao? Chúng ta cũng phải tự làm cho mình thật muốn, chứ các Ngài chẳng thể làm giùm cho ta được.
Khi vị cư sĩ Huệ Năng đầu tiên được gặp Ngũ Tổ xin xuất gia học đạo, Ngũ Tổ quát hỏi ông, muốn cầu việc gì; Huệ Năng thẳng thắng trả lời một cách mạnh dạn không ngại ngùng, không lo lắng sợ sệt, là đến đây để lạy Tổ chỉ cầu thành Phật!
Thật quả là phi thường, Huệ Năng đã thật muốn ngay khi gặp Ngũ Tổ, chứ chẳng cần biết tu Phạät phải làm cái gì trước khi thành Phật.
Nhắc sự kiện Lục Tổ để học, để suy niệm việc sơ tâm của người học Phật đời nay, chứ cái sơ tâm ban đầu của Lục Tổ không thể nghĩ bàn được! Ngài đã có cái sơ tâm từ vô lượng kiếp, chứ không phải chỉ đời nay, cũng như Phật Thích Ca chỉ thị hiện đời nay là Phật, chứ ai biết Ngài đã hành việc Phật bao lâu? Bởi làm gì dễ dàng chỉ một đời tu có thể tìm ra một chân lý siêu việt như vậy.
Ngay bạn và tôi cũng chẳng khác, làm gì chỉ có đời nay mới học Phật mà có thể bày đặt lạm bàn đủ chuyện học Phật say mê như vậy! Thưa bạn chẳng bao giờ hiểu được tí gì Phật pháp, nếu chỉ có đời nay gặp được. Bạn có tin không? Tôi lại xin dài dòng một tí.
Trước nhất, bạn không thấy hiện có vô số người không hiểu đạo giải thoát đó sao! Họ không thấy như vậy là do chẳng có một chút duyên gì với Phật pháp trong quá khứ. Và như luật nhân quả, cùng mức độ duyên sinh duyên thành, thì những người chưa biết và không nghe đạo giải thoát mà để được trở thành tu sĩ học Phật, phải nói là thời gian lâu xa không thể tưởng tượng được; bạn đừng nói tôi nói quá nghe!
Thí dụ những vị ở các nước không có một ngôi chùa Phật Giáo, và kể cả trong thư viện quốc gia nước đó cũng chẳng có một cuốn sách đề cập giáo lý giải thoát này, thế làm sao họ nghe được hai tiếng Phật pháp. Đã không nghe làm sao hiểu biết, đã không hiểu biết làm sao tu hành; như vậy chư vị đó nhất định phải quay theo dòng sống của thế gian đến chừng nào gặp được mà thôi.
Nhưng trong vòng thế gian xoay chuyển, nghĩa là vòng luân hồi lại có đến sáu nẻo, lấy gì để bảo đảm sanh mãi vào cõi người, thành ra con đường luân hồi có thể gần như vô tận. Tuy nhiên cuối cùng rồi cũng gặp Phật Pháp, nhưng buộc họ phải gieo duyên thật nhiều, và có khi đã từng là học giả Phật giáo nữa, mới có thể kết duyên xuất gia hành đạo như ngày nay.
Duyên xa như vậy mới thấy cơ hội thành Phật của người xuất gia thật là thù thắng.
Bây giờ vấn đề còn lại là làm sao cấp tốc phát cho được Bồ Đề Tâm, tức làm sao cho ta thật muốn thành Phật, và đúng như cái muốn.
Lại không thể không đề cập vấn đề chung quanh của thế gian, con người và vạn vật; nếu cái muốn học Phật của bạn và tôi như là cái muốn của thế gian thì chuyện đã thành tựu từ lâu. Nhưng thế gian muốn gì? Muốn hòa bình, an lạc, muốn hạnh phúc ấm no. Điều đó là đương nhiên, nhưng nền hòa bình toàn diện, an lạc hạnh phúc ấm no, đâu là hiện thực! Vì vẫn còn không biết bao nhiêu nỗi khổ do bom đạn chết chóc xảy ra hiện nay. Dù vậy thưa bạn, người ta, người thế gian cứ vẫn muốn hạnh phúc, muốn giàu sang, vẫn muốn biến điều đó thành cụ thể hiện thực, và hiện vẫn lạc quan hưởng thụ vật chất chẳng màng thế sự khổ đau này.
Lại nữa bao thiên tai hoạn họa không phải không làm người ta động tâm, bằng chứng người ta đã thực hiện nhiều cuộc quyên góp từ thiện, và có những cơ quan từ thiện chính thức, bán chính thức từ xưa đến nay luôn luôn sẵn sàng hoạt động. Và rồi sau khi giải quyết phần nào trách nhiệm nhân đạo không thể làm ngơ, con người lại quay về với mong cầu hưởng thụ đời sống hạnh phúc thế gian, dù có khi biết rằng hạnh phúc đó chỉ là phù du giả tạm.
Thế thì động lực và nghị lực mong cầu hưởng thụ hạnh phúc dù mong manh kia, mà con người vẫn bám víu vẫn lạc quan để sống; như vậy đối những người phát tâm cầu giải thoát phải nghĩ thế nào? Phải nghĩ thế nào về cái hạnh phúc của đạo giải thoát? Không lẽ người học Phật chưa đủ niềm tin, rằng hạnh phúc giải thoát là siêu thoát an lạc tuyệt đối? Hay chưa tin có một hạnh phúc thanh tịnh của Như Lai? Chỉ có nghi ngờ về hạnh phúc giải thoát này, nên người học Phật mới chưa đủ để phát tâm hành đạo! Hay không lẽ phải nói, chúng ta còn nghi ngờ Như Lai, bậc toàn giác?
Do đây thấy rằng phát bồ đề tâm là làm sao phát được cái muốn như người thế gian, muốn thật mãnh liệt; nhân gian dù biết đời sống hạnh phúc phù du, mà vẫn muốn được hạnh phúc theo cái phù du đó, thì người học Phật dư biết đời sống hạnh phúc phù du, tất nhiên phải tìm cầu cái muốn giải thoát ra khỏi hạnh phúc phù du này. Chỉ có vậy mới phát được tâm bồ đề giải thoát.
Rồi tâm bồ đề chẳng phải nói không mà được; vì thế gian đã chuyển cái muốn hưởng thụ vật chất bằng phát minh phương tiện vật chất để hưởng thụ, thì người học Phật phải chuyển hiểu biết Phật pháp bằng phương tiện công phu hành đạo. Đọc truyện sử Phật giáo cận đại bạn và tôi đã biết, không một vị Tổ nào lại không dụng công tu hành tinh tấn, hoặc ít nhất trải qua một thời gian sống đời khổ hạnh, mà có thể được người xưng tụng là Thánh Tăng, là chư Tổ được.
Nhân đây chúng ta thử tìm hiểu thêm về nghĩa khổ hạnh. Khổ hạnh không hoàn toàn có nghĩa ép mình, sống ngược lại cơ thể vật chất sinh lý của con người. Đó chỉ là hình thức gượng ép, chỉ hại thân chứ chưa chắc đã thuần hóa tâm được. Việc này đức Phật đã không tán thành, vì có ai khổ hạnh hơn Ngài? Do đó trước khi quyết định tự mình suy nghiệm đi vào thiền định tìm ra chánh pháp, Ngài đã từ bỏ pháp tu khổ hạnh ép xác, và sau khi thành đạo, đời sống Thế Tôn vẫn tiếp tục bình thường; sinh hoạt tu hành của Ngài vẫn tùy thuận một cách tương đối để mọi người ai cũng có thể thực hành theo. Hình ảnh Lục Tổ Huệ Năng lại là cụ thể; trong quyển Pháp Bảo Đàn Kinh, chẳng nghe Ngài dạy đã khổ hạnh trong lúc hướng dẫn đệ tử, và chẳng đề cập đến vấn đề tu khổ hạnh ra sao.
Nhưng ta phải hiểu rằng khổ hạnh vẫn là một pháp, một đời sống tối thiểu phải có của người học Phật, nhất là người xuất gia. Vì khổ hạnh là không chìu theo sự ham muốn dục lạc của thế gian, và việc không chìu theo tức phải có một cách sống không được sung mãn vật chất, không được gọi là hưởng thụ đời sống.
Vậy khổ hạnh là sống như thế gian mà không hưởng thụ như thế gian. Lục Tổ Huệ Năng khi còn tại thế sinh hoạt đời sống của Ngài chắc chắn không khác các thầy tu thời bấy giờ, nhưng ngôn từ và thọ dụng của Ngài tuyệt đối phải khác. Nhất định Ngài không màng đến việc ẩm thực, thế này thế kia cúng dường dành riêng cho Tổ, và tuyệt đối Ngài không bao giờ hành xử như người thế gian, thọ nhận mang ơn, trả lễ đáp đền, điều đó chỉ là xu hướng theo đối đãi vọng thức; tuy nhiên làm được như Ngài mới thật là Thánh Tăng, nhưng lại đừng tưởng đó là việc dễ !
Vậy ta có thể suy ra khổ hạnh là không chìu theo vọng tâm, không sống theo vọng thức biến hiện tạo nghiệp tham, sân, si. Nhưng rồi bạn và tôi lại phải xác nhận rằng, dù vậy để không chìu theo vọng tâm, vọng thức là nguyên nhân sai khiến thân xác thọ dụng hưởng thụ, người học Phật phải tự tạo cho mình giảm thiểu thọ dụng những gì có thể làm được, như vậy mới có thể đi đúng theo con đường chư Tổ dạy.
Có thể nói rằng càng giảm thiểu hưởng thụ, càng có lợi cho việc thọ dụng hưởng thụ và đó cũng là một pháp khổ hạnh cho người sơ cơ học Phật đời nay. Như thế khổ hạnh vừa có nghĩa tự làm cho mình giảm thiểu hưởng thụ để chặn đứng tâm tham, sân, si, và cũng có nghĩa thọ nhận mà không bao giờ mong muốn đòi hỏi, hay sanh tâm tham đắm điều mình thọ nhận.
Trở lại việc phát bồ đề tâm, là tự biến điều lý tưởng mong muốn thành Phật của mình bằng cách sống tha thiết với Phật pháp. Cách sống đó dù cho có khác nhau giữa người xuất gia và tại gia, nhưng niềm tin chánh pháp chỉ là một. Và trong niềm tin chánh pháp như vậy, bất cứ việc làm gì cũng đều hồi hướng tương lai thành Phật, hoặc sanh về cõi Phật. Như nếu thấy được tánh, phá được ngã ngay hiện tại đời này thì cũng vẫn nguyện phải làm Phật ở kiếp sau, hoặc muôn ngàn kiếp sau nhất định phải là Phật. Chỉ có thành Phật mới đúng phát Bồ Đề Tâm, chỉ có thành Phật mới độ chúng sanh trọn vẹn; và chỉ có thành Phật mới thấy rõ nghiệp tánh chúng sanh để chuyển hóa cứu độ chúng sanh.
Nhưng để được phát Bồ Đề Tâm mãnh liệt, người học Phật chúng ta phải nhìn thấy ngay nhân duyên thù thắng khi mang được thân người, trong lúc đang hiểu biết Phật pháp. Nếu không như vậy làm sao có được Bồ Đề Tâm, làm sao thành Phật độ chúng sanh? Phải trân quý vô vàn nhân duyên đang hiểu biết Phật pháp đây, mới có thể phát được Bồ Đề Tâm, không thôi lại phải hẹn đến vô số kiếp sau, và kiếp học Phật đời này chỉ mãi tạo duyên, chứ khó thể tạo thành quả Phật được.
Nhắc đến nhân duyên làm người, rồi tiếp theo hiểu đạo để phát được Bồ Đề Tâm, tôi lại nghĩ ngay về bốn trọng ân, là điều Phật dạy người Phật tử phải luôn nghĩ đến. Như thế người đang tha thiết học pháp giải thoát, thoát ly sinh tử càng quan tâm hơn. Vậy thưa bạn! Bạn nghĩ sao, chúng ta có thể bàn về Bốn trọng ân của người học Phật trong vấn đề phát Bồ Đề Tâm chứ.
Tôi nghĩ phải nên biết qua, vì không nghĩ đến bốn trọng ân, làm sao chúng ta có đủ tư lương từ bi và trí huệ; trong khi từ bi là nền tảng phát Bồ Đề Tâm, mà bốn trọng ân là nơi ta thọ ân nhiều nhất. Vậy thiết nghĩ tạm dừng phần phát Bồ Đề Tâm nơi đây, chúng ta bàn về bốn trọng ân, đó cũng là cách tăng trưởng tâm bồ đề vậy.

---o0o---




tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương