Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn


Chuyện có và không của nhà Phật



tải về 1.71 Mb.
trang16/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   28

Chuyện có và không của nhà Phật


Có và Không của nhà Phật chuyện này rất lạ và vui, vì càng bàn càng thấy mình vừa đúng lại cũng vừa sai, bởi vì đề tài vừa Có cũng vừa Không. Tôi nghĩ chắc bạn cũng đang phân vân xem chúng ta sẽ nói gì với chủ đề này.
Thật ra cũng chẳng gì lạ, đã nói chúng ta là những người bắt đầu học Phật nên hay thắc mắc; do thắc mắc nên tìm gặp muôn hoa, muôn màu trong giáo lý Như Lai; miễn sao nói chỉ để học, nói để sám hối, và nói để mong thực hành là được rồi, sợ nhất nói mà không làm đó bạn.
Bây giờ bắt đầu.
Chúng ta cần phải đưa ra vài so sánh, như đã bàn những đề tài vừa qua. Trước hết là nhận định về Có và Không của thế gian, sau đến giáo pháp giải thoát của Như Lai.
Thế gian là một đại gia đình, gia đình khổng lồ vĩ đại, nơi đó cha mẹ là khí trời thực phẩm, là cỏ cây hoa lá là cả một khoảng trời đất mênh mông điều hòa không khí quanh năm cho ta trú ngụ.
Anh em chúng ta thật đông, có đến hơn sáu tỷ người; và trong đó có vài màu da khác nhau cũng như nhiều ngôn ngữ dị biệt.
Gia đình lớn này chắc chắn đã hiện hữu lâu lắm rồi, nhưng vì đại gia đình sống càng ngày càng phát triển nên con cái anh em tự động tách ra để tự lập; như thế mà trở thành mỗi đất nước phân chia trên mỗi lãnh thổ biệt lập của mình. Rồi trong lãnh thổ như vậy, phân chia làm các tiểu bang nhằm dễ tìm hiểu chăm sóc anh em với nhau, đó cũng là cách quan tâm đoàn kết chặt chẽ. Tiếp theo nữa là những tỉnh quận được đặt ra trong mỗi tiểu bang, và cuối cùng là mỗi tiểu gia đình riêng chỉ cô đọng lại năm mười người; nhưng thưa bạn tất cả cũng là anh em với nhau, trong một đơn vị thật nhỏ của hết thảy anh em sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Vì sống khắp nơi như thế, nên người con nào sống ở đâu quen đất nước ở đó; thành ra những tập tục văn hóa phát sanh giữa mỗi anh em khắp nơi trên thế giới không thể đồng nhất giống nhau được.
Quan sát chẳng hạn, phần đông người anh em có nước da trắng sống ở vùng lạnh, họ hoạt động tích cực và sáng tạo đoàn kết hơn người sống ở miền nhiệt đới nắng ấm như anh em da vàng. Việc này nghĩ cũng đương nhiên, bởi khí trời rét lạnh kéo dài gần một phần ba thời gian một năm; buộc họ phải làm việc năng động tích cực dự trữ thực phẩm, vượt qua những tháng ngày khó khăn đó. Từ ý thức sống ảnh hưởng đến kiến thức sáng tạo phát minh, và như thế dụng cụ trong việc làm của họ cũng khoa học và bền chắc kiên cố hơn những vùng nhiệt đới. Điển hình cụ thể là nhà cửa được xây kiên cố vững chắc, và các lâu đài vua chúa ngày xưa, tuổi thọ gần cả ngàn năm mà vẫn sừng sững đến bây giờ.
Như thế hoàn cảnh địa dư khí hậu, góp phần tạo cho con người một thể chất khoẻ mạnh cũng như một tinh thần sáng suốt cần mẫn. Với các anh em sống nơi khí hậu yên hòa như vùng nhiệt đới, đôi khi thường an phận thủ thường, vì chẳng lo chẳng sợ khó ăn khó ngủ; điều này ảnh hưởng tinh thần an hưởng hiện tại nhiều hơn là lo xa cho tương lai. Như thế mà thấy những phát minh khoa học của anh em ở những vùng nắng ấm quanh năm ít được tiến triển; tuy nhiên nói vậy, không phải là không có, chỉ không được nhiều và nổi bật thôi. Nhưng nếu anh em da trắng có phần tiến bộ về phát minh vật chất, thì anh em da vàng lại tìm hiểu sâu xa, tiến bộ về tâm linh.
Nói chung lại mỗi nơi anh em đều có cái hay cái đẹp, cũng như cái dỡ mà tất cả cùng nhau đều học. Mãi đến bây giờ, dù sống rãi rác khắp nơi, nhưng sự gần nhau xích lại nhau đã hơn ngày xưa nhiều lắm; anh em đã tạo được phương tiện truyền thông bằng kỹ thuật khoa học thật tân kỳ không tưởng tượng được. Tuy vậy có điều hơi buồn, anh em đã không tránh được chuyện gây gỗ ấu đả kéo dài từ hơn ngàn năm nay, để không biết bao giờ chuyện này mới dứt!
Dù thỉnh thoảng cha mẹ đã buồn giận, buộc phải rầy la bằng những trận đòn thiên tai địa chấn nhằm cảnh tỉnh các con, vậy mà các con vẫn không nghe, không sợ. Có những trận đòn mà cha mẹ đau lòng phải lấy đi một số đứa con để răn đe chúng, vậy mà các con cũng không chịu ngồi lại thương yêu làm cha mẹ vui! Cũng nên nghĩ rằng tại sao cha mẹ lại nhẫn tâm lấy đi những đứa con vô tội?
Thưa bạn! Không hẳn vậy đâu, đã nói tất cả đều là con cha mẹ, nên sự trừng phạt như vậy, dù đứa con ngỗ nghịch hay không cha mẹ vẫn thương yêu. Sở dĩ cha mẹ phải hành động cũng để cho ta tỉnh thức rằng, việc làm của ta đã tạo ra quả báo cộng nghiệp chung như thế. Đúng hơn nữa, không có một việc gì mà vô cớ không có nhân duyên, mà bạn và tôi đã bàn qua.
Thế thì phải làm vui cha mẹ bằng cách nào? Thì đừng ấu đả nhau nữa. Thay vì tập trung chế tạo những vũ khí chiến tranh, đổi lại nên nghiên cứu chế tạo, phát minh các sản phẩm tối tân, nhằm tiết kiệm giảm thiểu việc khai thác, nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên trên thân hình cha mẹ.
Đừng nói gì khi bị phạt vạ do lỗi gây tạo chiến tranh trên thân hình cha mẹ, mà cho dù ta chẳng chiến tranh đi nữa, thì các sự khai thác tài nguyên hưởng thụ cho đời sống cũng còn làm sức khoẻ cha mẹ kiệt quệ nữa là khác!
Không biết có ai thử thống kê số lượng vũ khí mà tất cả các anh em chúng ta đang tồn trữ từ đệ nhị thế chiến đến nay không? Nếu có, chắc phải từ trăm đến ngàn hạm đội của Hoa Kỳ chuyên chở vẫn chưa hết được! Còn kinh phí thì sao? Chỉ có các Bồ Tát mới biết, vì tế nhị lắm bạn à. Bởi đâu thể nào mà không động tâm khi chi ra một số tiền quá lớn cho việc chiến tranh! Cho dù phí tổn đó có mệnh danh là khẩn cấp bảo vệ an ninh quốc gia, cũng không dám nói thẳng con số phải tốn bao nhiêu. Cho nên hiểu vậy thôi chứ tôi và bạn nào đâu rõ được. Như vậy làm sao mà cha mẹ chúng ta không đau buồn!
Nghĩ kỹ lại, rốt cuộc rồi anh em chúng ta chỉ giỏi gây đau thương cho nhau thôi. Nhưng nói như vậy bạn và tôi hãy nên hy vọng, rồi đây sẽ có một ngày anh em sẽ ngồi lại gần nhau để thương yêu thật sự, vì hiện thời cha mẹ chúng ta đã có hiện tượng bệnh đau trầm trọng rồi đó!
Vài sự kiện có thật như trên, tất cả đã diễn ra từ xưa đến nay và hiện nay vẫn còn tiếp diễn. Thế thì việc này có hay là không?
Thưa bạn có, có, có một trăm phần trăm! Vì có cho nên hiện thời ta mới lo lắng suy tư bàn luận việc đang xảy ra. Và phải có thật sự, cho nên bạn và tôi cũng phải sung sướng và khổ đau từ mọi thứ diễn ra chung quanh mình. Như cách đây một năm, vụ sóng thần ở Nam Á đã giết đi gần ba trăm ngàn người; và gần đây nhất là thiên tai bão lụt Katrina xảy ra ở miền nam Hoa Kỳ vào đầu tháng 9 năm nay (2005) đã làm hàng trăm ngàn người phải di tản; số người chết và mất tích tính có gần ngàn người. Tiếp theo không bao lâu cũng trong tháng 10 năm 2005 vụ động đất kinh hoàng xảy ra tại vùng Kashmir nước Pakistan gần biên giới Ấn Độ đã giết trên 80 ngàn người. Chuyện quá ư có thật mà!
Nhưng bạn à! Bạn cũng đồng ý với tôi, là tất cả đều có nhân duyên phải không. Và mọi thứ mà có nhân duyên tất sẽ không có bền chắc, chỉ vì nó không có thật thể; vậy cái gì không có thật thể lại chẳng khác nghĩa là không có thật.
Nói đến đây là đã bắt đầu bàn về cái nhìn Có và Không của đạo giải thoát rồi đó.
Đạo giải thoát dạy chúng ta rằng, do nhận lầm sự vật có thật, nên sinh phiền não đau khổ; nếu thấy chúng là nhân, là duyên, là quả, thì vấn đề sẽ hiện lên rõ ràng không thật có; chúng chỉ là một loạt nhân duyên khởi lên, theo lực nghiệp duyên xưa từ quá khứ hiện đến ngày nay rồi tiếp tục đi mãi.
Cái có của Phật dạy là tạm có chứ không thật.
Nơi đây bạn nên hiểu như vậy. Vì sao? Vì nếu không tạm có, đương nhiên nó phải có mãi mà không thay đổi. Nghĩa là nó như vậy là như vậy, chẳng ai làm gì được, kể cả mười phương chư Phật cũng bó tay. Chính điều hiểu lầm là thật có, mà tôi và bạn mới đau khổ; mới chấp vào cái mình cho là thật rồi nổi lòng tham, nổi tâm giận, nổi tâm ý ngu si.
Phải chi ta hiểu chiếc xe là phương tiện để đi làm, để đi picnic, đi thăm nhà bạn mỗi tuâàn, đi xem đại nhạc hội, hay để tới nhà cái thằng em, thằng cháu dạy cho nó bài học... ta đã không phải lo lắng khổ phiền về việc tìm mua chiếc xe khác mới hơn, tốt hơn để dợt le với ai đó.
Và phải chi khi mua chiếc xe mới đẹp như vậy, rồi cái sung sướng hãnh diện khoái chí đó, cứ còn mãi trong tâm làm ta khoái lạc, ngay cả khi đang sân giận ta cũng không mất nó, thì đây mới đúng là nó có thật, nó không phải chỉ là phương tiện di chuyển lưu thông.
Thật là buồn và thật là ngộ nghĩnh mọi thứ chỉ là giả, mà ta lại sống lao theo cái giả này đến tức cười.
Có cặp gia đình thương yêu nhau lắm, họ lại cùng có sở thích đam mê xe. Hôm đi mua xe hai vợ chồng cãi nhau dữ dội tại nơi bán xe; cũng may anh bán xe thật tâm lý giải thích làm sao, rốt cuộc hai người đồng ý chọn được một chiếc. Nhưng tưởng chuyện đã xong, khi mang xe về, vợ chồng lại nhận ra vẫn còn khuyết điểm, thế là chồng cãi, vợ gây cuối cùng họ phải bán chiếc xe đó, và vẫn còn giận nhau không dứt; cho đến mức độ không còn chịu nổi phải làm đơn li dị.
Khi trình bày với luật sư để được ly dị, vợ chồng chẳng dám nói ra nguyên nhân; chỉ nói bất đồng quan điểm, ý kiến, bất đồng tư tưởng v.v... nên không muốn sống chung nữa. Nhưng khi bàn thảo đến mức quá bực, họ không còn nhịn được, và lại lần nữa cãi nhau ngay tại văn phòng luật sư. Khi cãi như vậy hai người đã tiết lộ nguyên nhân từ vụ mua xe; lần này không biết nói hên hay xui, ông luật sư hiện diện cũng chính là người ham xe và rất rành xe. Thế là ông vừa làm luật sự, vừa biến thành nhà tâm lý học và kiêm luôn chuyên gia về xe; cuối cùng ông giải tỏa được việc gây gỗ của hai người, rồi hóa giải vấn đề giúp được hai người hòa giải.
Hai vợ chồng cảm thấy hơi xấu hổ vì một chuyện không đâu. Rồi mỗi người tự hứa thay đổi từ đây để làm lại cuộc đời.
Bấy giờ cả hai đều ý thức nhận ra, chiếc xe chỉ là phương tiện, xấu đẹp là tùy vào nhãn quan của mọi người; nhưng mục đích cũng chỉ lăn bánh trên đường đưa ta đi làm hay du ngoạn mà thôi.
Hai vợ chồng như đã kể không hiểu đạo Phật, ông luật sư cũng chẳng phải nhà sư, vậy mà đã thấy được giáo lý Như Lai, rằng tất cả chỉ là phương tiện.
Tuy nhiên khi hiểu tất cả là phương tiện, thì tại sao thế gian vẫn đi tìm cái Có? Có phải vì họ đã không có một cái gì? Như vậy cái không của thế gian phải giải thích làm sao?
Vừa rồi chỉ bàn về cái Có của thế gian mà chưa nói cái Không, bây giờ thử nói về cái không xem sao!
Nhưng bạn à, đề tài nói chuyện về Không và Có, Có và Không, không còn là của thế gian hay nhà Phật nữa, mà phải nói bằng hiện thực của chân lý mới được. Cho nên đề tài này sẽ bàn thảo so sánh lồng vào cả hai, thế gian và xuất thế gian, miễn sao ta thấy thật sự vấn đề chân lý của đạo giải thoát là được rồi. Nhưng đạo giải thoát cũng đi từ pháp thế gian mà ra. Rốt cuộc chỉ là những điều mà ta đã và đang học từ những vị Thánh nhân đi trước.
Nói về nghĩa Không của thế gian ai lại không biết! Như hiện giờ trước mặt tôi đang hiện ra biết bao nhiêu cái không có mà tôi đang nghĩ. Nếu như tôi càng suy nghĩ và ước muốn, tức cái không có của tôi dẫn đến nghiêm trọng vấn đề, nghĩa là tôi sẽ buồn bực tức mình sinh bệnh được!!
Cái Không Có đó làm gì mà thí dụ hết được phải không bạn.! Chẳng hạn hiện nay trước mặt bạn với tôi dù đang nói chuyện với nhau hứng thú như thế, nhưng rõ ràng nếu chúng ta được phép ước muốn điều mình đang muốn, nghĩa là những thứ không có lúc này, thì buổi hàn huyên tâm sự sẽ hứng thú hơn nữa. Xin được tỉ dụ nêu ra vài thứ bạn và tôi ước muốn:
Như là không có loại trà thượng hạng của Đài Loan thật thơm để thưởng thức, không có một bình nấu nước tự động để cứ mỗi phút nó tự sôi tự tắt; không có vài cái bánh bích quy (biscuit) loại ngon mà tôi và bạn rất thích; trên bàn không có bình bông lan thật, thay cho bình bông giả chẳng có hồn sống gì; không có bộ ghế nệm êm để ngồi được lâu và thoải mái chuyện trò; không có một chú bé nhỏ để nhờ khi phải cần lấy thêm bánh, thêm nước, vân vân và vân vân.
Như thế nếu cho phép, bạn và tôi sẽ được hài lòng cái mà chúng ta không có, thì ôi thôi, sẽ không bao giờ thỏa mãn được sự hài lòng, và đúng như người xưa nói túi tham không bao giờ có đáy!
Dù vậy ta vẫn thấy, những sự kiện xảy ra với những người đang có trở thành không có, không còn gì cả, đây lại là một cái không nữa. Tuy nhiên cả hai, cái không có vì muốn có, và cái không có vì mất đi cái có, cả hai đều là không của thế gian.
Ta có thể quay lại chuyện những đứa con của cha mẹ là quả địa cầu này; những đứa con đã có sự đoàn kết sinh tồn, cùng nhau phát minh chế tạo đủ mọi sản phẩm hầu chung lo cho sự tồn sinh nhân loại, tức đã làm ra từ việc không có thành có. Chẳng hạn vì anh em chúng ta đã không có đủ sức khoẻ để đi bộ xa hàng vạn dặm, nên phát minh sáng tạo thuần hóa điều khiển con vật, nhờ chúng chở đi; rồi cứ như vậy anh em chúng ta tiến bộ phát triển vô số sự kiện từ thô đến tế. Như vì bảo vệ những người yếu, những người hiền, anh em chúng ta đã làm ra luật, rồi từ luật, có người bảo vệ luật, thế là có quân bị, có quốc phòng, có lãnh thổ quốc gia, tất cả cũng chỉ đùm bọc tôn trọng cái hay cái đẹp của mỗi anh em sống gần sống xa với nhau. Cứ như vậy, đời sống ngày xưa thiếu thốn biết bao nhiêu việc, nay trở thành có biết bao việc, bao vấn đề.
Vậy cái không của thế gian chỉ có nghĩa là đối lại cái có; và cái có là ngược lại cái không, đơn giản như vậy.
Hiểu cái không của thế gian chúng ta lại thấy là một vấn đề, vấn đề tại sao đạo giải thoát không thấy như thế gian?
Vì như đã nói, cái có theo cách nhìn của nhà Phật chỉ là tạm có, và như tạm có thì ý nghĩa cái không có làm gì có thật!
Chiếc xe hơi là tạm có, tạm thành, do vì nó không thật có; nếu nó thật có, nó phải luôn luôn là chiếc xe hơi, và nó phải tự nhiên mà xuất hiện chứ không thể do nhiều thứ làm thành ra nó. Vậy nếu nó được hình thành do vô số nhân duyên được tính từ con ốc, đến vải ghế ngồi, đến mủ cao su v.v... thì nó không phải là thật có. Cho nên khi nó già nua, nó phải bị phân tán mất đi từng bộ phận. Nếu bị bỏ vào nghĩa địa xe, nó sẽ bị mổ xẻ chỉ còn cái sườn và bốn cái bánh xe hư; hoặc dù bị vứt vào một nơi không ai hay biết, thì nó cũng theo thời gian mà rỉ sét, rụng mòn, cho đến chỉ còn lưu lại trên đất một lớp bụi đen. Đương nhiên thời gian như vậy có lẽ phải mất đi cả trăm ngàn năm, hoặc triệu năm, để cả một khối sắt đầu máy mới tan hủy được. Thế là nó trở về lại cái không, và không này đúng là cái không của nhà Phật là không thật có.
Nhưng không thật có, chứ không phải là không có! Làm sao không có được! Nếu không có thì làm gì có duyên để làm nên tạm có? Nếu không có thì việc tu học của người học giải thoát làm gì thành Phật được phải không? Thưa bạn, chỉ hiểu rằng việc tu học của chúng ta, đều nương vào cái không thật có để đạt được cái tự tại không dính mắc mà vươn lên cái thật có.
Nói đến thật có lại càng rắc rối! Vì sao? Vì đây là cảnh của chư Phật chư Bồ Tát.
Nhưng cũng không sao, ta có thể hiểu rằng cảnh ấy là cảnh không bị cái giả tạm lôi kéo, không bị lo lắng bồn chồn, phiền não bởi luật vô thường, kể cả không bị lệ thuộc vào cảnh Niết Bàn, chứng đắc, đó mới chính là thật có.
Bạn không tin sao? Bạn xem khi Thái tử Tất Đạt Đa còn ở hoàng cung, cảnh trí của Ngài cũng đâu phải là cảnh thật, và khi Ngài ý thức việc giả dối đó Ngài mới đi tu. Suốt quá trình tu đạo thành đạo như vậy, đừng nói là Ngài sống với tất cả những cái giả tạm, mà phải nói là chính nhờ cái hoàn cảnh không thật có, Ngài mới chứng đạo thành Phật dạy lại chúng ta. Lại sau khi thành đạo rồi Ngài vẫn sống tự tại ngay cái không thật đó, một cách thật sống của Ngài. Như vậy ta thấy, cái cảnh thật, cái có nhiệm mầu (diệu hữu) mà Ngài đang sống thật sự, đã diễn ra ngay tại thế gian này chứ đâu phải ở nơi cõi trời nào đâu.
Thế thì không cần phải hoang mang nghi ngờ, làm sao tìm được cái Có nhiệm mầu và cái Không chân thật.
Chính khi Phật nhập Niết Bàn, trải qua hơn ngàn năm sau, Lục Tổ Huệ Năng đã sống trong cảnh giới Diệu Hữu và cái Không chân thật (Chân Không) này. Phải nói rằng Ngài thị hiện sống đời thật đẹp hơn bất cứ một vị Bồ Tát nào sau thời tượng pháp. Cái đẹp là Ngài không biết chữ, cái không biết chữ của Ngài hiện ra cho thế gian biết, Ngài đang hành cái Không theo nghĩa thế gian, nhưng khi Ngài tiết lộ thân phận mình là bậc chứng đạo, cái Không này lại hóa thành cái Không của xuất thế gian, nghĩa là cái Chân Không vậy. Cái Chân Không đó lưu xuất nhiệm mầu là Không mà chẳng phải Không; điều này Ngài đã hiển lộ cho mọi người thời ấy thấy mà phải giựt mình, là không học mà biết, biết còn hơn cả người học giỏi nhất thời bấy giờ.
Nói về cái Có của Ngài, cũng không phải Có trong cái bình thường giả tạm như thế gian. Thế gian phải chờ đợi, phải ra sức ra công, phải ôm mộng giữ gìn, phải khổ tâm tạo dựng vân vân; Ngài thì mang cái Có chân thật từ trong người nên chẳng phải lo, chẳng phải sợ, chẳng phải quan tâm, chỉ tùy duyên ứng hiện; cho nên khi gặp Ngũ Tổ, Ngài liền nói ngay điều Ngài có, điều Ngài muốn, và rồi y như cái Có chân thật từ tâm Ngài đã được tất cả. Chúng ta phải biết rằng không phải Ngũ Tổ sợ Ngài bị hại mà bảo Ngài phải trốn đi ngay khi được truyền Y Bát; và Huệ Năng Bồ Tát cũng vì từ bi, nên thị hiện phương tiện đóng trò trốn chạy, để hình ảnh này ghi đậm trong tâm cho người học Phật bấy giờ cũng như mai sau. Rằng thật chân học Phật phải thấy được tánh phải đạt được tâm, chứ không thể dùng hình tướng bên ngoài, cho đến kiến thức Phật học mà tìm ra Phật tâm được. Cho nên thuận theo cách nhìn thế gian nhị vị Bồ Tát Hoằng Nhẫn và Huệ Năng phải làm tuồng như vậy.
Nhưng ta cũng có thể suy đoán, dù Ngũ Tổ có công khai tuyên bố việc truyền y bát cho Huệ Năng, khi Huệ Năng còn ở tại chùa, thì cũng chẳng một ai có thể hại được hai Ngài. Vì như đã biết chính hai Ngài thật là Bồ tát thị hiện, vậy làm sao ai hại được. Tất cả đều là việc làm phương tiện độ người mà thôi.
Vậy, Ngài Huệ Năng đã có tất cả mà chẳng cầu như chúng ta, và địa vị của Ngài có bấy giờ nói theo thế gian không phải là dễ; nhưng không phải chỉ bấy nhiêu đó, dù Ngài có đi khắp nơi trên đất nước Trung Hoa, Ngài vẫn đầy đủ cái Có mà không cầu, đó là diễm phúc cho chùa nào được Ngài lui tới.
Rồi cái Có của Ngài còn đáng sợ nữa, khi từ chối lời mời của Hoàng đế bấy giờ muốn được thỉnh Ngài vào cung thuyết pháp; Ngài vẫn cảm thấy đã Có đầy đủ mà không phải thiếu bất cứ việc gì cần đến, như là sẽ được vua ban tước trọng ân v.v... Chính cái Diệu Hữu này nên Ngài đã tự tại mà chẳng để bất cứ sự kiện nào của thế gian có thể làm lung lạc.
Đại khái cái Có và Không của các bậc chân nhân là vậy.
Nghĩ lại chúng ta thì sao? Vì không được cái Có và không hiểu cái Không nên đau khổ mãi.
Người cố chấp vào có nên muốn có thêm, sinh ra tranh đấu giành giựt hủy diệt nhau. Nếu như anh em chúng ta nghĩ rằng cha mẹ là quả địa cầu là nơi duy nhất dung chứa sự sống; và ta không thể thoát ngoài sự sống nếu hành tinh này hư hoại, thì ta phải nên cùng nhau đùm bọc gìn giữ thương yêu nhau. Nếu như cho chuyện cha mẹ, quả địa cầu là chuyện quá lớn viễn vông trừu tượng, ta hãy quay về gần hơn từ đơn vị nhỏ nhất là gia đình; nếu trong gia đình không thấy sự có là tạm, là giả, là do vô số nhân duyên tác thành, tất nhiên tham ái, tham dục sẽ xảy ra bất tận không ngừng. Và điều đau buồn nhất là mãi luân hồi để được gặp nhau, hay quyết tìm nhau vay trả.
Thế nhưng xét lại quả địa cầu ta cho là chuyện lớn, vẫn là giả tạm vô thường mong manh không thể tả được. Như thế sự hiện hữu hành tinh xanh này, chắc chắn sẽ có một ngày hư hoại. Hoặc tự nó hư hoại do các người con sống trên mình nó gây ra, hoặc thiên thạch, thiên thể vật lạ bên ngoài va chạm hủy diệt đi.
Địa cầu dung chứa chúng ta còn giả tạm; vậy thử hỏi thân xác chúng ta, nhà cửa chúng ta, vợ con, cha mẹ, anh em, xe hơi, vật dụng là có thật, là vĩnh cữu, vĩnh hằng chăng?
Căn bản như vậy nếu không chịu hiểu, không chấp nhận, ta sẽ mãi khổ không bao giờ dứt. Và như thế cái ý nghĩa Không của pháp Phật đã cho ta thấy nguyên nhân từ cái giả tạm kia.
Đến đây lại thêm một điều, bạn và tôi phải lưu tâm chú ý hơn trong giáo pháp Như Lai về việc Có và Không này. Bởi vì những điều vừa bàn qua, tất cả là nói về mọi thứ vô ngã tức là không có thật thể, chỉ là giả danh; nhưng ngay cả việc bàn về Pháp Không này cũng vẫn là Không, và như vậy mới chính là nhiệm mầu về Không.
Vấn đề rất quan trọng và thâm sâu đó bạn, chúng ta chỉ tạm suy đoán thảo luận mong hiểu được phần nào thôi; ta cần nên tư duy học hiểu, tu niệm thêm nữa mới mong hiểu được phần nào. Vì Phật dạy, nếu chỉ quán Ngã Không* mà không quán Pháp Không**, thì chẳng thể đạt được rốt ráo giải thoát. Lý do này mà bộ kinh Đại Bát Nhã xuất hiện, và quyển kinh Kim Cang nhỏ gọn lại trở thành tối quan trọng cho việc tu của hành giả Đại thừa. Cũng như hàng Thanh Văn thường hay rơi vào vấn đề là thành tựu Ngã không, nhưng Pháp Không thì chẳng được, nên thường bị gọi là Tiểu Thừa, là chấp chặt pháp tu của mình.
Lục Tổ Huệ Năng đã lãnh hội từ kinh Kim Cang, nên Ngài đạt được Diệu Hữu, Chân Không với chân tâm chân ngã. Rồi khi tự chứng đạt được Pháp không và Ngã không, nên vượt lên hết thảy mọi pháp, kể cả pháp Ngài chứng đắc. Đó là cảnh giới bất tư nghì, nơi ấy không có dấy khởi vọng niệm và cũng không có ý thức đối đãi của dấy khởi vọng niệm, cũng không có cái ý đạt được sự không dấy khởi vọng niệm. Cảnh giới này phàm phu chúng ta chưa chứng chưa đắc, không thể biết được. Nhưng nếu ta không biết được, vậy tại sao ta lại nói cảnh giới đó là bất tư nghì thế này thế kia! Thưa vì đây là lời
__________________
* Ngã không: con người không có thực thể, chỉ là nhân duyên ngũ uẩn giả hợp.
** Pháp không: tất cả đều do nhân duyên tập hợp thành, nên không thật có.
Phật dạy trong kinh Kim Cang.
Thế thì cái khó nhất để chấp nhận, là việc suy luận học hiểu của chúng ta đây hết thảy cũng đều là không. Và hàng Thanh Văn phải chịu lỗi là tuy đạt được cái thấy mọi thứ vô ngã, nhưng lại không tin chính ngay cái thấy mọi thứ vô ngã cũng là không; nên còn chấp pháp còn tâm tiểu thừa chưa rốt ráo.
Tuy nhiên, điều đó cũng là phương tiện mà hàng Thanh Văn đại biểu cho ta, nhận lấy khuyết điểm nhắc nhở người học Phật cẩn thận với pháp mình đang tu.
Đến đây bạn và tôi tạm hiểu Có và Không theo cái nhìn của nhà Phật; Có là do duyên nên giả có, và Không là vì chẳng phải thật có nên gọi là Không.
Nhưng lần nữa ta lại kết luận rằng, cảnh giới của chư Phật, chư Bồ Tát lớn vẫn là có và cũng là không. Có cho nên các Ngài mới mãi thị hiện cứu độ chúng sanh, và Không nghĩa là các Ngài chẳng bao giờ mắc dính vào việc làm của các Ngài. Như vậy mà người học Phật mới nghe cảnh giới Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, ngược lại với cảnh giới Vô thường, Khổ, Không, Bất tịnh.
Như thế chư vị Bồ Tát sống trong vô thường vẫn đạt được chân thường, sống trong khổ mà an lạc; sống trong vô ngã, mà được chân ngã, và sống trong bất tịnh phiền não được thanh tịnh bất nhiễm.
Chúng ta làm sao có thể đạt được chân ngã, khi tâm luôn vọng niệm vô thường; bạn còn nhớ mình đã bàn qua về tâm vô thường chứ! Chính vô thường làm sao tìm đâu là cái tôi, cái ngã. Bao giờ ta còn phân biệt còn vọng tưởng, ta vẫn sống với cái ngã giả dối không thật. Nói cách khác ta sẽ chẳng thấy cái chân thật của mình, vì chẳng có định tâm, định ý. Trong kinh Kim Cang dạy “Tu Đà Hoàn mà không phải Tu Đà Hoàn mới là Tu Đà Hoàn” đây đúng thật là chân ngã, vì không chấp, không kẹt; cho nên cảnh giới của các Ngài là cảnh giới vô chấp vô ngã. Vậy thật dễ hiểu khi nói sống trong cảnh giới vô ngã vô chấp, thì đương nhiên phải có cảnh giới vô ngã vô chấp.
Rõ ràng không nên cố chấp ngã không, pháp không rồi cho là chẳng còn gì cả. Chẳng còn gì cả là đối với trình độ hiểu biết của người chưa chứng đạo, chứ thật ra vẫn có cảnh và hành giả chứng đạo, đó là cảnh giới bất tư nghì mà nơi đây đã vượt khỏi ngôn ngữ, hay chính xác hơn tôi và bạn những người sơ cơ chỉ hiểu tới đây.
*
Xét lại cuộc đời qua hiện tượng có không, có phải là vô cớ không duyên làm ta khổ? Làm sao mà vô cớ không duyên được, bạn dư biết mọi thứ đều có nhân duyên mà! Và việc có không, không có, dẫn đến đau khổ là hoàn toàn do ta. Chỉ có học Phật mới thấy rõ được Có Không, Không Có một cách liễu triệt sáng suốt, rồi còn tùy theo căn cơ trình độ của từng người để áp dụng, để đạt được hạnh phúc ngay tại thế gian. Nếu không, Có ta cũng khổ mà Không ta còn khổ hơn nữa.
Giả như một một gia đình đang sống những ngày êm đềm bình dị, như tất cả mọi gia đình bình dân trong khu phố. Thế rồi một hôm người trong gia đình đó trúng số độc đắc, một lô trúng thật lớn, tức khắc trở thành triệu phú. Ngay giờ phút biết mình sắp trở thành triệu phú gia đình la hoảng, xôn xao, bấn loạn trong nhà, và mọi việc bắt đầu thay đổi. Khi chính thức nhận được số tiền khổng lồ, bấy giờ tất cả sinh hoạt đời sống phải thay đổi hết. Thay đổi nhà cửa, thay đổi ăn uống, thay đổi quần áo, thay đổi xe đi, thay đổi việc làm, thay đổi vùng cư trú và thay đổi mọi thứ, để biến mất những ngày bình thường cũ.
Như thế nếu ta nói gia đình này đã thay đổi kể từ hôm đó, vì đã có hầu như những gì giàu sang sung sướng trên đời này, thì ngược lại ta cũng có thể nói gia đình này cũng từ hôm đó bắt đầu không còn cảnh thường tình của một gia đình bình dân trên đời này! Ta thấy gia đình triệu phú đó càng có mọi thứ quý giá, càng không có đời sống an ninh. Hễ có bao nhiêu thì không được tự tại bấy nhiêu. Điều đáng buồn hơn, kể từ khi có tiền thật nhiều, theo đó bạn bè cũng bắt đầu không còn nữa như ngày xưa. Nếu có bạn bè mới, chẳng qua là dụng ý trao đổi qua lại mà thôi.
Đó bạn thấy không, xét ra Có như vậy đâu phải là có, có nhiều mà mất cũng không ít! Đáng nói nhất là mất bạn bè, có khi mất cả người thân trong gia đình nữa. Trong khi ý nghĩa đời sống, là nhờ vào nghị lực tình thương, tình cảm; người sống thiếu tình thương tình cảm, chẳng thể đủ nghị lực làm việc. Và người đã quen sống bằng tình cảm, nay đổi lại mất hết tình thương chỉ có nhung lụa vàng bạc, vậy bạn và tôi có chịu không? Đành rằng quyền năng của đồng tiền, bát gạo đủ sai khiến con người, nhưng chung cuộc con người không thể thiếu tình thương mà sống! Đó cũng là vấn đề xưa nay, bao người quyên sinh đa số là vì tình thương tình yêu không được thỏa đáng như lòng.
Đến đây bạn và tôi phải nghĩ rằng, người học Phật sơ cơ như chúng ta nhất định nên ý thức vấn đề Có Không trên hai mặt thế gian và xuất thế gian. Thế gian sống với có không, trong không gian của ý thức hiện tại bám víu phát xuất từ tham ái. Do tham ái nên từ chối phủ nhận hiện tượng chung quanh là giả, dẫn đến ý thức bảo tồn lo sợ. Ngược lại pháp xuất thế gian Phật dạy, cũng từ ngay pháp thế gian, qua ý thức buông xả căn cứ theo hiện tượng giả tạm sinh diệt, và sống đúng theo hiện tượng sinh diệt để liễu triệt tự tại giải thoát.
Vậy thì tạm kết rằng người học Phật chúng ta khi hiểu được các pháp do duyên sinh, nên không vì đó sinh ra dính mắc ngăn chặn bước tiến giải thoát. Cuối cùng trên đường học đạo mới nhận chân sự nhiệm mầu của việc thông hiểu vấn đề Có và Không của đạo Phật.
Bạn thấy sao! Chúng ta có thể qua đề tài khác chứ!
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương