Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang14/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   28

Bát Chánh Đạo

Tám con đường chơn chánh, bao gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.


Đây là bài pháp phổ thông được nhắc nhở nhiều nhất trong 37 phẩm trợ đạo, tính cách của bài pháp này có thể được áp dụng cho bất cứ một tôn giáo nào, hay kể cả một tổ chức, quốc gia không tôn giáo. Có thể nói rằng, áp dụng được tám con đường chánh pháp này, kết quả sẽ đưa đến hạnh phúc viên mãn, và xã hội quốc gia nào thực hiện áp dụng vào hiến pháp sẽ trở nên văn minh giàu mạnh nhất. Tất nhiên sự văn minh giàu mạnh trong ý nghĩa đẹp nhất của chánh pháp.
Bây giờ chúng ta đi vào từng phần một.
- Chánh kiến
Định nghĩa chánh kiến là nhận định quán sát được việc thấy, nghe đúng sai, mà không bị lệch lạc vọng tưởng xen tạp.
Nói rộng hơn là kiến thức quan sát nhận định vấn đề thế gian và xuất thế gian. Nhưng khách quan hơn nữa qua định nghĩa, xuất thế gian ở đây không chỉ là thuật ngữ danh từ Phật học, mà xuất thế gian là chân lý của vũ trụ nhân sinh này.
Trước khi bàn rộng vào thế nào là chánh kiến theo giáo lý giải thoát, chúng ta hãy tìm hiểu sự thật về việc thấy, nghe, hiểu biết của thế gian.
Sự thấy biết của thế gian, căn cứ vào kiến thức nhà trường, hay kinh nghiệm của người xưa. Kiến thức ngày xưa có thể tin tưởng, bằng chứng đó là những di tích lịch sử còn lại, đã nói lên nền văn minh cổ xưa thật đáng khâm phục, chẳng hạn như đền đài lăng tẳm: Kim Tự Tháp, Đế Thiên Đế Thích, bức tường vĩ đại Vạn Lý Trường Thành và còn nhiều di tích văn minh khác.
Riêng kiến thức ngày nay không cần phải kể ra, tất cả đều biết, đã đạt đến tuyệt đỉnh tân kỳ, tinh vi tuyệt xảo.
Hai nền văn minh cổ kim đã đưa con người đến một ý thức, ý thức chính con người là chủ nhân ông quyết định mọi hiện hữu tồn sinh trên hành tinh này. Điều đó là sự thật không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, cũng chính kiến thức văn minh của con người lại không thể kìm hãm con người, để kiến thức hiểu biết đó lại đưa con người đến bờ vực thẳm; tạo ra không biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu, mà điển hình lịch sử cận đại là hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và chiến tranh thế giới thứ hai.
Vậy sự thấy biết từ kiến thức văn minh của con người xưa nay phải làm ta suy tư ái ngại; ta chẳng thể nào hiểu nổi tại sao con người phải tự giết hại chính đồng loại của mình. Chúng ta hãy khoan nói về tham, sân, si là bản tính tất nhiên của một phàm nhân chưa giác ngộ, mà chỉ nói lên sự thấy biết kiến thức đúng thực tại của vấn đề đã và đang xảy ra; và đúng với vấn đề là phải thấy biết như thật của vấn đề.
Người xưa, người nay có phải đã thấy và biết mọi hiện tượng theo sự thật của mọi vật? Vâng người ta vẫn thấy, nhưng thấy không như vấn đề của nhân duyên, quả báo, nên trở thành cái thấy chủ quan, thiên lệch, để rồi tự tạo ra vật, rồi vật ngược lại hại mình.
Đền đài cổ tích từ xưa được xây lên bằng bạo lực bạo quyền đàn áp, với nước mắt và xương máu của nhiều người để kết quả phải đền trả bằng máu và nước mắt, cho nên xây cất mà chẳng mang lại niềm vui, cuối cùng là chiến tranh kéo dài từ sự chồng chất oán hận dây dưa, mà ta đã bàn qua về hậu báo đau khổ do nhân nghiệp ác từ nhiều đời trước. Và tất nhiên bên cạnh vấn đề di tích lịch sử vẫn có những di tích thánh thiện được tạo nên không phải từ những điều nói trên.
Cái thấy, cái biết của người xưa như thế và ngay đến ngày nay cũng chẳng thể tin tưởng được. Vì đã không thấy đúng với lý nhân quả, mọi vật đều do duyên sinh, nên hoàn toàn giả dối; cho nên trở thành tham vọng bám víu gây khổ cho nhau.
Vậy kiến thức của thế gian dù thật sự đã mang lại lợi ích cho nhu cầu sống, nhưng vẫn còn nhiều sai lạc, để nhận quả khổ nhiều hơn là vui.
Đến đây ta hãy tìm hiểu thế nào là chánh kiến trong giáo lý giải thoát, và việc áp dụng chánh kiến này có thể giải quyết vấn đề của thế gian hay không?
Lần nữa ta hiểu chánh kiến là sự thấy, biết đúng với sự thật, và việc thấy, biết đó không có vọng tưởng xen tạp vào. Người còn vọng động phiền não xen tạp, còn tham đắm, tất nhiên không thể gọi là có chánh kiến. Trong giáo lý giải thoát, điều quan trọng phải nhận đúng hiện tượng sinh khởi các pháp thế gian là vô thường; chính vô thường nên các pháp hiện khởi đều sinh diệt. Hiểu được sinh diệt nên không bám víu, không bám víu nên sống như thế gian mà không bị thế gian ràng buộc.
Giáo lý nhà Phật không đơn giản gọi chánh là đối ngược với tà, mà chánh là sự thật, sự thật của vấn đề, sự thật của chân lý. Thấy như thật, biết như thật mới đúng là chánh kiến. Hiểu như thế là hiểu một cách khách quan thật nghĩa, chứ không phải chỉ hiểu theo danh từ thuật ngữ riêng của nhà Phật.
Như người tu sĩ và cư sĩ là hai giới học Phật thực hành giáo điển Như Lai, nhưng nếu một trong hai giới không hiểu không biết theo chánh kiến, thì tất cả chỉ còn danh xưng và vẫn là nhân của khổ, dù mệnh danh học hỏi giáo lý giải thoát của Như Lai. Nhưng nếu đặt ra trường hợp, người không phải tu sĩ, cũng không là cư sĩ, nếu thực hành theo chánh kiến có được không? Nếu được kết quả sẽ thế nào?
Bạn phải dư biết, từ ban đầu định nghĩa, chúng ta đã bàn qua do không thấy các pháp là giả, nên sinh bám víu đó là không có chánh kiến; nay đã thấy hư thực các pháp là vô thường sinh diệt, tất nhiên người này dù không học Phật vẫn có niềm vui, không còn cố chấp bảo thủ nữa, tức lòng tham đã yếu dần đi. Kết quả sẽ không còn phải sống những ngày tham đắm, là nguyên nhân gây khổ cho mình cho người, và quả báo của người này sẽ trở lại một đời sống khác hưởng được tánh nghiệp thanh tịnh hơn, cho đến thấy rõ thêm chân lý rồi sẽ đi dần đến dứt trừ tánh nghiệp tham, sân, si.
Bạn và tôi nên biết do tham, sân, si nên con người lu mờ tánh giác; và mầm độc hại này tạo nên quả báo luân hồi sinh tử. Tự ban đầu chúng ta đã không vội cho rằng, con người không có chánh kiến vì do tham, sân, si; nhưng bây giờ vấn đề rõ ràng hơn; hay cũng có thể bằng hai cách: vì không thấy biết đúng chân lý các pháp vô thường sinh diệt nên thành tham, sân, si; và vì tham, sân, si nên không thấy biết đúng chân lý vô thường là vậy.
Người học Phật bất kể tu theo tông phái pháp môn nào cũng phải bắt buộc có được chánh kiến, nếu không chỉ là phí công phí sức học Phật mà thôi. Như vậy cũng hiểu rằng tu bất cứ đạo giáo nào mà không có chánh kiến, thì vẫn mãi loay hoay với cảnh giới phước báo nhỏ nhoi, vì còn tánh gìn giữ tham mê các pháp. Riêng người không tu Phật hay không tu bất cứ tôn giáo nào, lại không có chánh kiến, quả thật là đáng tiếc, vì dòng sống sẽ mãi quay lăn trong luân hồi đau khổ.
Đó là tóm lược nghĩa lý của chánh kiến đến đây tiếp theo điều thứ hai là Chánh tư duy.
- Chánh tư duy
Chánh tư duy, nói lên sự suy nghĩ, suy xét đúng với tinh thần giải thoát, đúng với chân lý; giống như điều thứ nhất là thấy biết, hiểu một cách chân chánh.
Hẳn bạn và tôi phải biết, làm người ai cũng suy nghĩ, xét suy; sự nghĩ ngợi như vậy phải đi trước việc làm, và tạo thành nhân nghiệp kết quả trong hành động. Thế giới này có bao nhiêu người là bấy nhiêu suy nghĩ: nghĩ về quá khứ, hiện tại, tương lai. Nghĩ thế nào cũng là nghĩ, chứ chẳng có ai lại không suy nghĩ, không xét suy trong sinh hoạt đời sống của mình. Trừ những người mất trí ngoài ra cho đến con nít cũng biết nghĩ suy. Hỏi, vậy trẻ con nghĩ cái gì? Thì nghĩ cái gì được về phần nó vậy; nếu nó biết ý thức một tí, sẽ nghĩ đến người nào nó thương nhất, như cha mẹ, anh chị em nó, và quá lắm là bạn thân của nó.
Riêng với người lớn chắc chắn dòng suy nghĩ không diễn hết được! Người ta nghĩ đủ chuyện, huyên thuyên, nghĩ không dừng, nghĩ vô cùng tận; cái ý thức phân biệt chẳng bao giờ ngừng, nên chẳng bao giờ không suy nghĩ. Cho đến nằm lên giường nghỉ, còn gác tay lên trán suy nghĩ. Có lẽ ban ngày nghĩ chưa đã, hay không đủ thời gian nghĩ, hoặc nghĩ chưa ra chăng!
Đời là một dòng suy nghĩ, xét suy không chấm dứt; dòng tư duy chạy mãi từ hồi nào không biết, và sẽ không biết đến bao giờ mới dừng lại đây!
Bạn thấy đó, chính tôi và bạn cũng đang tư duy nghĩ ngợi, chứ nào chúng ta tự nhiên mà bàn luận mông lung được!
Thế thì vấn đề sẽ ra sao, trong cái ý thức dừng lại của dòng suy nghĩ cuối cùng, khi trút hơi thở trên giường bệnh? Lúc này có người sẽ lặng thinh, lặng thinh thân xác, nhưng ý thức còn suy nghĩ; có người suy nghĩ nhưng đổi hướng, đổi tư duy ý thức của mình, và có người dứt bặt suy nghĩ, đi vào tự tại vượt lên ý thức!
Đành rằng đời sống văn minh ngày nay, đều do tư duy suy nghĩ vươn lên của con người; như hiện nay tình hình thế giới, và lịch sử từ xưa biết được, làm ta ý thức suy nghĩ, cho cái tư duy đã từng một thời cho đến ngày nay! Ta suy nghĩ gì về việc này? Ta suy nghĩ cái mà con người đã suy nghĩ và hiện thời vẫn còn đang tư duy suy nghĩ?
Thành thật mà nói, con người đã lắm đau khổ vì sự suy nghĩ, tư duy mà ra, do vì con người thường có khuynh hướng tư duy suy nghĩ điều lợi cho mình, cho gia đình, và cao lắm cho xã hội đất nước của mình. Nếu được suy nghĩ lợi ích cho tất cả con người, quốc gia trên thế giới, thì bộ mặt thế giới đã đổi mới yên bình biết bao.
Nói đến cả nhân loại, quốc gia toàn cầu có vẻ hơi xa và mơ hồ đó. Ta chỉ nói ngay trong gia đình, chỉ có một vài thành viên sống chung đụng nhau, mà sự tư duy suy nghĩ của mỗi người đã không tạo ra được an ổn rồi! Vậy tư duy suy nghĩ của ta đã có vấn đề, một vấn đề tưởng là thường, nhưng thật sự nghiêm trọng. Nghiêm trọng vì ta không chuyển được tư duy, suy nghĩ làm lợi ích an vui cho người trong nhà, vậy làm sao tư duy, suy nghĩ tốt cho người ngoài đường, người quốc gia khác! Thế là xung đột bạo động chiến tranh lại bùng nổ do từ sự suy nghĩ tư duy mà ra. Vậy nơi đây, nhất định không thể phủ nhận, con người cần nên học Chánh tư duy, là việc đương nhiên để được hòa bình hạnh phúc.
Nhưng Chánh tư duy, cũng chẳng phải là điều suy nghĩ huyền bí lạ thường, nó chính là điều mà chúng ta suy nghĩ tư duy về vật, về cảnh, về người, như ta đã suy nghĩ; chỉ có thêm vào một tình thương hướng đến tha nhân. Đó là điều căn bản tạo nên một gia đình vui vẻ, một quốc gia an hảo, một thế giới hòa bình chung cho nhân loại.
Người người cùng nhau suy nghĩ tư duy lợi ích đến người khác, rồi người khác lại bắt chước suy nghĩ tư duy lợi ích ngược lại mình; vậy là đã thực hành được Chánh tư duy.
Rồi tiếp tục thực hiện tư duy suy nghĩ làm lợi cho người, cho đến khi thấy rằng lợi người là lợi mình, bấy giờ mới thấy tất cả con người đều chung một tâm trạng cầu vui sợ khổ, ham sống sợ chết. Từ đây lại tư duy suy nghĩ thêm, các pháp hiện khởi trên thế gian này chẳng theo lòng người mong muốn, vì nó chỉ là vô thường giả tạm. Cuối cùng suy nghĩ tư duy về pháp giải thoát của Như Lai; đến đây mới thật sự là Chánh tư duy rốt ráo, nghĩa là suy nghĩ xét nghiệm về trí huệ giải thoát về pháp học vượt khỏi thế gian.
Suy nghĩ tư duy pháp học giải thoát đã trở thành một pháp tu, vì trước tiên sẽ tạo được nhân sau đó sẽ dẫn tới hành động. Riêng người học Phật, phải thường tư duy suy nghĩ đến Giới Định Huệ là ba môn học diệt trừ phiền não sinh tử. Thường tư duy giới để được trì giới thanh tịnh, thường tư duy định để đạt được định, và thường tư duy huệ sẽ đạt được huệ giải thoát. Tất nhiên phải giữ giới mới có giới, phải nỗ lực tập trung tu giới mới sinh định, và phải thuần tịnh cả giới và định mới sanh huệ giải thoát, chứ không phải chỉ có tư duy, suy nghĩ.
Tóm lại trong dòng sống phức tạp, và trong tâm tưởng vô thường của chúng sanh, Chánh tư duy giúp ta tìm được lẽ sống hướng thiện rốt ráo nơi pháp thế gian, và giải thoát nơi pháp xuất thế.
Khi hiểu biết Chánh kiến, Chánh tư duy, bạn và tôi ý thức ngay hành động của mình trong hiện tại, và hành động ảnh hưởng nơi thân tâm phải được thể hiện phù hợp theo sự thấy biết, tư duy chánh thiện giải thoát. Phần tiếp theo đây là hành động tiêu biểu sự nhận thức giác ngộ mà ra. Chúng ta sẽ tìm hiểu thế nào hành động của: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
- Chánh ngữ
Là lời nói đúng chánh pháp, lời nói đem đến hạnh phúc an lạc cho người cho mình.
Trong đời sống việc giao tế tiếp xúc đi lại, đều mở đầu bằng lời nói, bằng ngôn ngữ diễn đạt, cho nên thấy rằng, người khéo nói, sẽ được lợi hơn người vụng nói. Người vụng nói vừa bất lợi trong sinh hoạt, vừa dễ gây ngộ nhận cho mọi người, nên ít được an lạc hạnh phúc hơn người dồi dào ngôn ngữ.
Tuy nhiên người khéo nói, hoa mỹ văn chương nếu huênh hoang tự hào, không khéo sẽ đau khổ gấp bội lần người vụng nói; hậu quả có khi phải bị tù đày, hay tổn thương thân mạng, đó là căn cứ lời người xưa “họa tùng khẩu xuất” vậy.
Thật ra tất cả quả báo nói năng đời nay của ta, phần lớn đều do từ nhân nghiệp quá khứ đời trước mà ra; rồi đây lại là nhân quả tiếp tục quả báo tương lai, nếu ta ý thức, hay không biết ý thức xử dụng.
Tâm lý chung con người ai lại chẳng muốn được khen, ai lại chẳng muốn được tài hoa ngôn ngữ; nhưng khi tham giận si mê nổi lên người ta liền quên đi, thay vào đó là lời chỉ trích nguyền rủa khủng khiếp. Nếu biết rằng quả báo dùng lời cay đắng, chửi rủa sẽ phải chịu đau đớn trong tương lai, thì ai nào dám. Có phải vì người ta không tin nhân quả? Thưa cũng không chắc lắm! Có thể đúng hơn vì quá tham quá sân mà quên đi. Rồi có thể đúng hơn nữa vì chưa có Chánh kiến, Chánh tư duy vậy. Nhưng thưa bạn cũng không ít người thế gian đâu biết, đâu hiểu Chánh tư duy, Chánh kiến, thế sao họ vẫn có những lời thành thật hòa nhã, từ ái dễ thương, thậm chí có khi còn dễ thương hơn cả người tu nữa. Tại sao vậy? Bạn thắc mắc! Tôi cũng vậy!
Chúng ta nên lấy lý nhân quả nghiệp báo trả lời chắc tìm ra nguyên nhân. Thật đúng thưa bạn! Nhân quả chẳng thiên vị ai, sở dĩ người không học Phật, vẫn xử dụng được ngôn từ thành thật hòa ái như vị tu sĩ; thứ nhất là vì người ấy trong quá khứ đã từng nói lời hòa ái. Thứ hai người đó phải là vị tu sĩ vị pháp sư; chính hai nhân nghiệp này họ mới có được quả báo, dễ dàng lập lại những ngôn từ hòa ái đời trước. Ngược lại có người khó khăn dùng được lời từ ái, hay dùng một cách ngây ngô, miễn cưỡng, đó cũng do đời trước không thường dùng, hay có khi chẳng quan tâm đến văn từ ngôn ngữ. Nhưng dù sao vẫn còn được phước duyên, nếu như đời trước dùng lời cay độc mắng nhiếc nguyền rủa người, thì đời nay chẳng dùng được ngôn ngữ để nói dù mang hình tướng làm người, hoặc quả báo nặng hơn, bị người sai bảo đánh đập mà chẳng có ngôn từ cãi lại, đó là kiếp thú sống gần người vậy.
Quả báo của ngôn từ không phải là nhỏ, cho nên trong giới học của người tu Phật, từ xuất gia cho đến tại gia đều không dám tạo nghiệp vọng ngữ nói dối. Chính nơi pháp thế gian, người nói dối, hoặc lỡ lời nói sai còn bị hậu quả khiến người xem rẻ khinh chê; và cũng có trường hợp phạm nói dối chỉ một lần, mà cả đời phải mang tiếng xấu. Như thế bất kể là hạng người nào, giữ được lời nói thành thật, thanh cao, người đó sẽ được mọi người quý mến.
Thế thì bàn về Chánh ngữ, cho thấy tính chất quan trọng đến chừng nào! Như thế nên Phật dạy, nói năng như chánh pháp, im lặng như chánh pháp. Nói năng như chánh pháp là nói lời Chánh ngữ, nói những điều đúng với chân lý, đúng với sự thật, và tất nhiên ngôn từ dùng đó phải được hiền từ hòa ái, khiến người nghe cảm được nhẹ nhàng êm tai. Nhưng đôi khi bạn và tôi lại nghe những mẫu chuyện thiền ngữ, thiền sư dùng lời quát mắng đệ tử, mà vẫn giúp được đệ tử liễu đạo sáng ra. Sự việc này thật ra vẫn đúng, tuy nhiên không thể có nhiều được, và người tu chưa thực chứng, chưa đạt được thanh tịnh tâm tối thiểu không thể bắt chước hành xử theo, để khiến cả hai Thầy trò động tâm sanh vọng nghiệp. Đọc kinh Phật chưa nghe Phật la, hét mắng đệ tử bao giờ, không biết bạn đã có nghe kinh nào kể chuyện Phật dùng phương tiện này không?
Tuy nhiên thế nào đi nữa, lời êm nhẹ, lời từ hòa, là phương cách căn bản để đi vào chánh ngữ. Và nếu được, người học Phật nên hạn chế lời nói là điều tốt nhất, vì hạn chế lời nói, lại giảm được nghiệp tội do lời nói gây ra; nhưng ít nói tất phải làm thinh, và làm thinh phải làm thinh như chánh pháp, đó là điều Phật dạy im lặng như chánh pháp.
Thật ra đối với người học Phật tại gia, việc xả giao cần thiết để làm việc đã chiếm gần hết thời giờ đâu còn lại bao nhiêu giờ để chuyện trò gia đình thân quyến; rồi còn thời gian xem kinh, học pháp, hay tụng niệm, ngồi thiền nữa. Cho nên ngôn từ đâu xử dụng được là bao, lẽ đó cần nên dùng lời hay ý đẹp, đó là cơ hội thực hành chánh ngữ, và cũng là nhân duyên tạo được khẩu nghiệp thanh tịnh vậy.
Với người xuất gia học Phật, chánh ngữ tất phải là giới học, vì ngày đêm hành trì kinh kệ, thiền niệm, nên ngôn từ buộc phải phù hợp với việc tu niệm của mình, nếu không tất cả công phu hành trì chẳng có công đức là bao, vì phải bù chịu đền trả quả báo khẩu nghiệp.
Tiếp theo Chánh ngữ, là Chánh nghiệp.
Chánh nghiệp
Là hành động hợp với lẽ phải chân lý giải thoát.
Như bạn hiểu chúng ta vừa lược qua thế nào là chánh ngữ, qua lợi ích quả báo thiện cũng như ác; đến đây Chánh nghiệp là hành động còn mang tính chất quan trọng hơn nữa. Bởi vì hành động đã bao gồm cả thân khẩu và ý, là nguyên nhân chính đưa người vào luân hồi đau khổ. Thế nên khi bảo rằng tôi tu, hay tôi không tu, việc đầu tiên người ta phải xem hành động của ta thế nào. Nhưng lại theo nhân quả, thì mặc kệ ta có nói tu hay không tu, có hành động hay không hành động, nhân quả sẽ trả lời đúng theo tác nghiệp của chính ta, và điều đó chỉ có ta mới biết.
Sở dĩ tôi thưa với bạn như vậy là vì, có nhiều người không bao giờ nói tu, mà thật sự họ tu, và có nhiều người nói tu, mà hành động chẳng phải tu. Tuy vậy điều đó lại chẳng giấu được chính họ. Chính bạn và tôi cũng vậy, hiện thời chúng ta nói tu, tất chỉ mỗi riêng chúng ta biết, hay nói không tu cũng chính ta rõ mà thôi.
Hành động dù thể hiện rõ ràng, nhưng cũng đôi khi ẩn hiện phức tạp lắm. Đối với chư vị Bồ Tát lớn, các Ngài không màng đến việc phán xét của thế nhân; nếu hoàn cảnh tình huống nhân duyên đòi hỏi, các Ngài vẫn hành động thật tự do tự tại. Hành động các Ngài nhiều lúc bị nghi ngờ chỉ trích, nhưng khi quả báo hiện ra nơi các Ngài, bấy giờ người ta mới vỡ lẽ, đó chính là hành động không thể nghĩ bàn của vị Bồ Tát.
Bạn có tin không, chứ tôi rất tin, hiện thời vẫn còn nhiều Bồ Tát thị hiện ở thế gian này. Thử hỏi làm sao không có, vì giáo pháp Như Lai vẫn còn, do đó chư vị phải thị hiện gia bị cho người hành trì chứ! Phải biết là bảo hộ gìn giữ chánh pháp công đức rất lớn, huống chi điều này chư Bồ Tát còn dư biết hơn gấp trăm ngàn lần chúng ta; các Ngài chắc chắn thấy rằng, bao giờ còn giáo điển, xá lợi của Như Lai, là còn nhân duyên vun bồi hạnh lực tu niệm chóng được thành tựu. Cho nên tôi nghĩ không phải các Ngài thị hiện trở lại chỉ có Ta Bà, mà nơi Thiên cung, hay Long cung, chỗ nào có xá lợi kinh điển Phật được tôn trí, chỗ đó có chư vị.
Thế thì nếu chư vị còn xuất hiện ở thế gian, tất chư vị đã thấy rõ hành động chúng ta làm; và như hành động thiện chư vị sẽ tán thán gia bị, còn hành động sai lầm chư vị cũng chắc chắn cứu giúp. Tuy nhiên việc rất giới hạn, vì nghiệp lực tự riêng mình tạo, nên khó ai cứu được dù là chư Phật. Chư Phật chỉ có dạy ta sám hối, hành thiện đó là cách cứu giúp, nếu ta không sám hối, chư Phật cũng vô phương.
Đó là nghiệp tạo, mà hễ là chúng sanh khó thể nào không tạo nghiệp, và quả báo duyên lành cho những ai hiểu được giáo pháp giải thoát, để tịnh hóa được hành động mình, từ nghiệp ác trở thành nghiệp nhân giải thoát.
Chánh nghiệp là hành động vun bồi công đức thiện của người học hiểu giáo lý giải thoát. Người thế gian chưa học Phật cố gắng làm thiện tránh ác đã đành, mà người xuất gia cũng phải nỗ lực làm thiện hơn nữa. Bởi mỗi việc làm của người xuất gia là phải chánh nghiệp, mới có thể đi đến chứng đạo giải thoát, mà chánh nghiệp là đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, hành động của một người tu. Tuy nhiên người học Phật tại gia cần hiểu không phải đơn giản hành động nói năng thiện, là đúng hoàn toàn ý nghĩa chánh nghiệp. Vì Chánh nghiệp là hành động thuận theo nhân quả, lần hồi dứt trừ sinh tử, chứ không phải chỉ có sống không làm ác, giúp đỡ ít người, công tác từ thiện...; những việc vậy chỉ là phước báo nhân thiên. Người thực hành Chánh nghiệp phải luôn hồi hướng cho được giải thoát, một khi làm được bất cứ điều thiện nào, và phải luôn sống với hành động mong muốn giải thoát, đó mới chính là thực hành được chánh nghiệp.
Thưa bạn, thiết nghĩ chúng ta không cần phải nhắc qua những biến động đau thương xảy ra từ xưa đến nay, điều đó chỉ làm đau thương hơn, nhưng cũng nên biết rằng tất cả sự kiện biến động như vậy, đều từ hành động ngược với Chánh nghiệp, hay không hiểu về Chánh nghiệp. Hay nói đúng hơn vì giáo pháp Như Lai quá còn xa lạ với một số người, nên khó cách nào làm người hiểu được. Chúng ta không phải và không bao giờ chủ quan cho rằng đạo Phật là duy nhất cứu được dòng khổ bất tận này, chúng ta chỉ nói lên một sự thật đạo Phật là chân lý, và nếu có nói thì đạo Phật là của tất cả chứ không phải của riêng ai. Vậy thì ai hiểu được, hành được người ấy sẽ có lợi ích, và ngược lại sẽ mãi đau khổ trong luân hồi sinh tử. Nhưng lòng từ bi của chư Phật chư Bồ Tát đã từng xuất hiện khai triển giáo lý cho nhân loại xưa nay, và cho đến bây giờ vẫn còn mãi; thế nhưng tất cả là do ta quyết định. Tóm lại Chánh nghiệp vẫn là hành động thấy rõ được vạn pháp là nhân duyên, là nhân quả nên hành động phải thuận theo chân lý, phải hành theo tinh thần giải thoát.
- Chánh mạng
Là mưu sinh một cách chân chính, lương thiện thuận theo giáo lý giải thoát.
Khi hành động đã đúng với tinh thần Chánh nghiệp, tất nhiên cả một đời sống phải ý thức được nghề nghiệp mưu sinh của mình. Nói đến phần Chánh mạng là nghề nghiệp sinh kế; bạn và tôi phải phân vân đắn đo, với biết bao công việc trên thế gian này. Đối với những nghề nghiệp làm việc văn phòng bàn giấy, việc thực hành Chánh mạng chẳng phải lo, nhưng thế gian còn nhiều người làm việc sinh sống bằng nghề chăn nuôi động vật thì sao? Ta có ý kiến gì không?
Thưa bạn việc này quả thật khó nói; tuy nhiên đó là nghiệp nhân, nghiệp quả của mỗi người; chúng ta nên tôn trọng chớ sinh tâm phân biệt. Điều cũng nên biết rằng, vẫn có một số người dù làm việc gọi là sát sanh, nhưng họ lại là những người tốt, những người thật thà chất phác. Trong khi một số người khác đang có một công việc nhẹ nhàng với bàn giấy học thức cao, lại bị sa vào những tranh chấp rồi dẫn đến nghiệp ác, đó mới là điều đáng nói. Nhưng dù thế nào, người học Phật phải đối xử nhìn nhau như huynh đệ anh em; nếu được nên cố gắng giúp đỡ đưa người vào đạo giải thoát.
Thật ra không ai lại tự muốn tạo cho mình một nghề nghiệp nặng nhọc hay thấp dỡ hơn người khác, tất cả là do nhân nghiệp mà ra. Tuy vậy vẫn biết rằng nhân nghiệp đó cũng do ta tạo, nhưng bạn và tôi phải làm sao hiểu rõ điều này!
Một là tất cả, tất cả là một, người cũng như mình, mình lại chẳng khác người về tánh giác, về Phật tánh, nhưng do vọng niệm phát sinh, tạo thành quả báo khác nhau thôi. Nếu bạn và tôi sinh sống trong ý nghĩa hướng đến giải thoát, thì lực chiêu cảm sẽ chuyển dần vào thế giới theo một từ lực tương đối nào đó. Và cứ như vậy ta phải lấy chính ta làm trung điểm, phải tự tạo cho mình một đời sống chân chính, một đời sống chân thiện; bấy giờ càng đông người làm được như vậy, mới có thể khiến được thế giới cảm nhận từ lực chân thiện này.
Một điều cần hiểu rằng ta nên buồn mình hơn là buồn ai, vì nếu ta không có duyên nghiệp với thế giới này, ta đã không sinh vào đây rồi; lại biết biệt nghiệp của bạn và tôi cũng chẳng sáng sủa gì, nên cùng người kết nhau làm bạn, sinh ra cộng nghiệp lớn ở cõi Ta Bà đây. Như vậy cái khổ của người, không ảnh hưởng đến ta sao? Tất nhiên đồng là chúng sanh ở cõi kham nhẫn Ta Bà đồng chịu chung một quả báo sinh tử vô thường, và đồng cảm thấy nên chia xẻ thương yêu nhau hơn.
Đó là cái nhìn tối thiểu của người học Phật đang sống lẫn lộn giữa thế gian, riêng đối với người tu Phật nơi chốn thiền môn, hẳn nhiên cơ hội tạo lực chiêu cảm bằng dòng từ lực từ bi sẽ mạnh hơn nhiều, so với người học Phật tại gia. Dòng từ lực đó bằng sự trì kinh tu niệm, nguyện cho người người quay đầu hướng thiện, thấy được chánh pháp để cải thiện thế giới thanh tịnh hơn. Hơn nữa các pháp thí cúng dường mà người tu sĩ nạp thọ, không phải lúc nào cũng là tịnh phẩm của người làm thiện mà ra. Cho nên người học Phật xuất gia lại càng có bổn phận hồi hướng công đức tu niệm của mình, để chuyển hóa phước thí cúng dường của thí chủ, đến quả báo giải thoát, mà chẳng có phân biệt nguyên lai tịnh tài phẩm vật đến từ nơi đâu.
Đại khái bạn và tôi hiểu như vậy, và cụ thể hơn hết người học Phật lúc nào cũng nên hồi hướng công đức đến những người đang thực hiện Chánh mạng hướng về quả vị giải thoát tương lai.

- Chánh tinh tấn


Là cần mẫn siêng năng trong chánh pháp.
Phần tinh tấn, chúng ta đã bàn qua ít nhất là hai lần. Ý nghĩa chẳng khác hơn là nỗ lực không gián đoạn pháp mình đang tu. Tuy nhiên trong tám pháp chánh đạo đây, nhấn mạnh thêm từ ngữ Chánh để đối lại với Tà, với những gì sai chánh pháp, sai chân lý giải thoát. Do vì cũng thời siêng năng nỗ lực cần cù, nhưng nếu không phải là chánh, thì sự tinh tấn chỉ là hoài công, hay không chừng còn sa đọa nữa. Thế gian không thiếu gì người siêng năng tinh tấn, đó là việc chạy theo những thú vui, chẳng biết nhàm chán. Tuy nhiên đó là do thú vui lôi kéo, ta cũng có thể hiểu được, nhưng lại có những hành động siêng năng một cách nguy hiểm, đó là việc vô tình hay cố ý đã không ngừng gây tạo chiến tranh, gây tạo vũ khí giết người, đó mới là việc đáng buồn và đáng lo nhất. Cho nên Chánh tinh tấn ở đây là phân biệt chánh tà, chân vọng, nhiễm tịnh.
Dù sao thế gian vẫn có nhiều người cần cù, siêng năng, nhẫn nại, mang đến niềm vui phúc lạc cho mọi người, như những nhà bác học, y học, văn sĩ, nghệ sĩ, sử gia... các vị với công việc và khả năng sáng tạo của mình đã mang lại món ăn tinh thần lẫn vật chất hữu ích cho nhân loại. Như thế ta có thể gọi những vị vừa kể đã thực hành Chánh tinh tấn chưa?
Vâng, có thể tạm mượn danh từ Chánh tinh tấn, vì ít ra sự gia công chuyên cần đó mục đích là đem lại niềm vui, hữu ích cho nhân loại; hành động lương thiện lợi ích như thế, cũng là hành động của chư Thánh Bồ Tát. Nhưng ta phải nghĩ xa hơn theo cái nhìn của người học Phật; dù việc làm hiển nhiên mang lại lợi ích cho mọi người, tuy vậy phải biết tâm người vô thường, các pháp giả tạm chỉ do duyên sinh, nên tất cả hành động của thế gian dễ dàng chuyển hướng theo tâm vô thường sinh diệt. Nghĩa là sẽ biến những công việc ban đầu, thật chất là lương thiện lợi ích, thành nô lệ theo vọng tâm vị ngã, tham vọng của mình. Cho nên hành động chuyên cần bấy giờ chỉ là tạo nghiệp, đọa vào ba đường ác mà thôi.
Như thế ý nghĩa của Chánh tinh tấn chỉ đúng, khi hiểu biết Phật pháp; và khi hiểu Phật pháp những công việc chuyên cần lương thiện của thế gian cũng là Chánh tinh tấn. Bạn và tôi thử đưa ra tỉ dụ nhằm rõ vấn đề hơn. Một nhà bác học thực vật chuyên tìm những loại thảo mộc chế ra dược phẩm, chữa trị bệnh nan y; sự say mê chuyên cần làm việc của ông thật phi thường. Ông làm việc liên tục chỉ ngủ có ít tiếng đồng hồ; ngay cả ăn uống cũng chẳng quan tâm; do thế nên thân thể con người ông không được khoẻ mạnh lắm, dù vậy tinh thần sáng suốt phấn chấn niềm vui vì đang dần tìm ra được kết quả tốt, để chữa bệnh mọi người. Cuối cùng ông thành tựu công trình khám phá chế biến này, bây giờ tiếng tăm ông được mọi người trên thế giới hay biết; và chẳng bao lâu trở thành nhà triệu phú, cộng với tiếng thơm danh vọng, thật xứng đáng bù lại những ngày làm việc cực nhọc đã qua.
Chuyện tỉ dụ như vậy, nếu dừng tại đây ta có thể nói công việc của vị bác học này đang gây nhân thiện, quả báo của nhân thiên. Quả báo xảy ra hiện tiền, được giàu sang danh tiếng, và sau khi chết ông lại tiếp tục hưởng thiện báo, hoặc trở lại cõi người hưởng phước, hoặc sanh cõi trời. Sanh cõi trời theo nhà Phật phải tu Thập thiện, nhưng với nhân nghiệp sống vì người giúp người nhiều như vậy, vẫn được cõi trời, vì chỉ cõi trời mới đủ xứng hợp, so với phước thiện đã tạo thật nhiều ở thế gian. Cũng như hiếu dưỡng cha mẹ là thiện báo thật lớn, cũng sanh được cõi trời.
Trở lại việc của nhà bác học chuyên cần làm việc lo nghĩ về người, nếu như sau khi thành tài, thành danh, ông thay đổi tánh tình, quên đi việc làm chính nghĩa cao đẹp của mình, ngược lại chạy theo danh tiếng, tiền bạc, rồi ngưng hẳn việc làm nghiên cứu, để lao vào đời sống khác, chẳng còn vì người mà chỉ là hưởng thụ. Bấy giờ phước thiện của ông chỉ còn hưởng được quả báo ngày nay như vừa kể, và tùy theo hành động tiếp theo đời này của ông, nếu như không đến nổi hại người, thì lại tiếp tục hưởng thiện quả được vài kiếp nữa; nhưng nếu hại người, hại vật trong đời này thì quả báo ác phải bị trả trong tương lai. Như vậy trong những kiếp tới, ông sẽ vừa hưởng quả thiện, vừa phải chịu quả báo; do đó ta thấy trong đời có nhiều hoàn cảnh xảy ra, như người giàu có mà tật nguyền hay chịu bệnh đau; người thông minh mà sáu căn chẳng đủ v.v...
Thế thì ta có thể kết luận rằng, sự chuyên cần tinh tấn như vậy không có gì bảo đảm, nếu không hiểu giáo lý Như Lai, và dù việc làm đó vẫn là điều chánh, nhưng chánh theo quan niệm thế gian, theo ý thức vô thường sinh diệt của một chúng sanh chưa hiểu Phật pháp, e rất nguy hiểm. Ngược lại cũng công việc của ông, cũng chính ông là nhân vật nhà bác học đó, biết được Phật pháp, vậy ông đã chuyển được việc làm đúng như việc làm của Bồ tát, và đó mới đúng Chánh tinh tấn theo hành động của Bôà Tát nhập thế cứu độ chúng sanh.
Với người học Phật, Chánh tinh tấn phải là sự hành trì công phu miên mật, luôn để tâm hướng đến giáo lý giải thoát, luôn phát Bồ Đề Tâm, luôn thể hiện hành động tu hành qua Giới Định Huệ, đó mới xứng đáng là đệ tử của Đấng Thế Tôn.
Phần Chánh tinh tấn đã tạm xong, chúng ta tiếp theo Chánh niệm.
- Chánh niệm
Như đã hiểu về niệm, nơi đây chỉ hiểu thêm là sự ghi nhớ, ghi tâm, những gì đúng với chánh pháp.
Giống như điều Chánh tinh tấn, tinh tấn phải đúng với chân lý, hướng đến quả vị giải thoát; vậy thì niệm là khắc vào tâm giáo pháp giải thoát là việc đương nhiên, nhưng dù vậy trong phần Tám Thánh Đạo, vẫn nhắc nhở dạy người cần nên chánh niệm, điều này cũng nên hiểu, sự ghi niệm của ta đôi khi vẫn còn để tâm vô thường làm chủ, tức tâm phân biệt. Do đó dù ghi tâm thiện, nhưng thiện phân biệt, dù ghi nhớ pháp giải thoát nhưng giải thoát chỉ một phần mà không toàn phần, nên chưa phải là Chánh niệm.
Lần nữa cần tìm hiểu thêm từ ngữ Chánh trong Bát thánh đạo, để thấy điều Chánh niệm đây cần nên áp dụng thực hành khi tu học.
Nếu nói đơn giản chánh là chánh pháp giáo điển của Như Lai, tất nhiên là đúng; tuy vậy vấn đề chánh còn có nghĩa là trí huệ của tự mình phát sinh. Nói như thế không có nghĩa tự ta biết không cần học ai; đương nhiên không phải vậy, vì chính những gì ta biết Phật pháp đây, là do đức Phật chỉ dạy. Sở dĩ nói rằng Chánh có nghĩa là trí huệ của tự mình, vì điều hiểu biết học được từ đức Phật, phải được nhận thức từ trí hiểu biết của chính ta. Để khi đối diện với sự việc ngược lại chánh pháp, ta mới vận dụng được điều đã học từ Chánh pháp của Thế Tôn. Cho nên chánh cũng có nghĩa là hiểu biết tự mình phát sinh căn cứ vào chân lý. Bạn và tôi thử xem, giáo điển Như Lai dù mênh mông vô cùng nhưng lại cô đọng, giản lược; mênh mông là do tâm chúng sanh trong ba cõi sinh ra, và cô đọng giản lược, vì cũng chỉ quay lại chân tâm bản thể. Thế thì chân tâm là điều vận dụng hành trì tu niệm chính mình, chứ không phải do ai kể cả Thế Tôn. Thế Tôn chỉ bày chánh pháp, còn chúng sinh phải hành mới thấy được.
Trong đời sống phức tạp đa dạng thế giới hiện nay, chỉ có khuynh hướng tăng thêm rắc rối, chứ không đơn giản lại được; đó cũng là dòng chảy của ý thức cộng đồng chúng sinh thời đại hiện nay phát sinh. Theo đó tâm niệm con người có muốn ngừng cũng chẳng làm sao được. Ngày xưa Phật dạy tu là lội ngược dòng nước xoáy của thế gian, ngày nay đọc lại lời Phật dạy quả thật dòng nước xoáy hiện thời đã đến mức chảy xiết kinh hoàng. Ôi thật là phước báo cho những người hiểu đạo giải thoát trong thời chánh pháp, và tượng pháp; còn chúng ta hiện thời thật đáng thương, phải chống chỏi gấp trăm ngàn lần ngày xưa. Tất nhiên ta không kể những người không duyên học Phật trong thời chánh pháp, ta chỉ kể những đứa con Phật lạc loài hôm nay!
Thế thì trong đời sống cuốn hút của dòng nước dục chảy xiết như vậy, nếu ta không niệm tưởng đến pháp giải thoát, làm sao cưỡng lại được thế lực của nhiễm pháp vô minh. Rồi lại trong muôn pháp nhiễm, ta đâu biết được điều nào là chánh điều nào là mê. Bạn và tôi biết rằng, hễ đời sống thế gian càng sinh ra nhiều pháp động, thì tâm niệm chúng sanh cũng tương hợp giao động phát sinh theo. Cho nên ta phải quyết tâm ghi niệm đến chánh pháp qua giáo lý đã học, là nhân quả, duyên sinh, là chân lý thực tại đúng theo luật vô thường, vô ngã, có như thế sự ghi nhớ, ghi tâm mới thật chánh, mới thật đủ lực vượt khỏi duyên trần đang vây bủa.
Tạm ít lời về Chánh niệm, đến đây là điều thứ tám Chánh Định, cũng là phần cuối chấm dứt Tám con đường Thánh; vậy mời bạn chúng ta thử tìm hiểu đoạn chấm dứt này.
- Chánh Định
Sự tập trung định ý, đúng với chánh pháp giải thoát.
Vẫn không khác nghĩa Định mà bạn và tôi đã hiểu qua. Chỉ tiếp theo làm sáng tỏ việc tập trung định tâm hướng đúng theo con đường chánh pháp. Việc định tâm, tập trung như vậy đó là việc thực hành các pháp tu mà ta đã học hiểu được từ giáo lý Như Lai.
Bạn còn nhớ tỉ dụ về vị bác học thực vật chuyên cần làm việc nghiên cứu dược phẩm trong phần Chánh tinh tấn chứ. Ở đây ý nghĩa Chánh Định làm tôi phải suy nghĩ vấn đề như vầy. Việc đời đã có biết bao người đạt được sự định tâm cao độ; chính được như thế con người mới chinh phục, và thành tựu những công trình làm lợi ích cho nhân loại rất nhiều. Chỉ tiếc rằng sự tập trung đôi khi lệch hướng khiến hậu quả phải ngược lại, tạo ra đau thương cho đồng loại với nhau.
Thật ra sự định tâm tập trung tư tưởng của các vị tu sĩ, nào khác những bác học, kỹ sư! Có khác chăng, là mục tiêu vấn đề. Nếu hình ảnh đức Phật là hình ảnh liễu đạo giải thoát từ pháp thế gian, thì sự định tâm của thế gian lại chẳng há là nhân duyên liên hệ đến sự chứng đạo giải thoát? Vì chẳng qua người ta không ý thức được sự vô thường giả tạm của các pháp, và sự hình thành các pháp hoàn toàn do nhân duyên nên vô ngã. Chỉ cần nhận ra rồi chuyển ý thức vào sự thật vấn đề, tức thì sự định tâm tập trung kia trở thành Chánh định.
Đó là cụ thể vấn đề của chân lý đối với tất cả mọi người không phân biệt có tôn giáo hay không tôn giáo. Đối với người học Phật muốn đạt được Chánh định, điều quan trọng cấp thiết là phải thực hành thiền định, hay trì niệm quán chiếu pháp tu trong khả năng của mình. Chẳng hạn như chúng ta đã bàn qua pháp quán Tứ Niệm Xứ; pháp này có thể được dùng bất cứ lúc nào và cho bất cứ ai.
Người mới hiểu đạo, căn tánh còn chậm lụt muốn được Chánh định phải thực tập cụ thể rõ ràng, bằng cách thiền tọa thường xuyên, rồi khởi lên pháp tu để quán; đến khi thành thục, có thể thực tập thêm ngoài lúc ngồi thiền, như đi, đứng, nằm nghỉ v.v... Dù vậy kết quả của chánh định thường hay thấy được là trong lúc ngồi thiền, hơn là hoàn cảnh khác. Và kết quả đó là sinh ra Huệ, là sự thấy biết không phân biệt, không chấp trước; bấy giờ người có Chánh định sẽ có thể làm được mọi việc nhưng không mất Chánh định.
Tóm lại người học Phật hay không học Phật, nhất quyết phải có tâm định tập trung, mới có thể thành công trong các công việc. Riêng Chánh định chỉ là chuyển vấn đề tập trung định tâm của thế gian, thành pháp giải thoát, biến mình thành Bồ Tát nhập đạo, làm nhân làm duyên cho người học Phật, và tự chính mình mới dễ tích tụ công đức thành đạo tương lai.
Thưa bạn, đó là tóm lược ý nghĩa Chánh định, chính thức tạm hiểu phần Bát Thánh Đạo, cũng như xong việc lạm bàn 37 phẩm trợ đạo. Mong rằng bạn cũng ít nhiều hài lòng những điều cơ bản nhất. Tuy nhiên đường học Phật còn dài, còn nhiều đề mục khác, bạn và tôi thong thả sẽ chuyện trò sau.
Trước khi qua đề mục khác theo nhân duyên khởi, tôi lại xin giới thiệu với bạn một pháp học nữa, lại quan trọng không kém gì 37 phẩm trợ đạo. Đó là pháp tu Lục Độ Ba La Mật, là pháp tu tối quan trọng của chư vị Bồ Tát buộc phải thực hành trong tiến trình hành đạo tu tập.
Như bạn đã nghe qua những gì được gọi nhập thế độ sanh, nhập đời hoằng đạo, tất cả đó là hạnh tu của chư Bồ tát mà căn bản là sáu pháp độ sanh đưa người đến giác ngộ.
Bây giờ mời bạn, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương