Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang22/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   28

Lục Hòa

Lục hòa là sáu pháp hòa kính mà Thế Tôn luôn ân cần nhắc nhở cho hàng đệ tử Phật, nhất là đệ tử xuất gia. Sáu pháp Lục Hòa là: Thân hòa đồng trụ, Khẩu hòa vô tránh, Ý hòa đồng duyệt, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải và Lợi hòa đồng quân.


Thân hòa đồng trụ
Hình ảnh Thế Tôn hiện hữu sống động, đi lại hoằng pháp bấy giờ, là một thời kỳ chánh pháp rực rỡ khiến cả Phạm Thiên Đế Thích ở những cảnh trời sung sướng khoái lạc, còn phải ao ước được gần gũi với Ngài. Những vị trời như vậy đã gieo duyên Phật pháp từ lâu, nhưng chưa chứng đạo, đành phải hưởng quả báo cõi thiên, nay nhờ chút duyên lành tìm lại gặp Thế Tôn quả là đại phước. Thế thì chư đệ tử trong hình tướng cõi người đang sống và thực hành gần Đấng Đại Giác phải sung sướng thế nào?
Câu trả lời là Thánh quả A La Hán đã đến với chư vị như một tặng phẩm tất nhiên, sau khi được Thế Tôn chấp nhận cho vào hàng đệ tử. Niềm vui an lạc, an định, tịch tỉnh của quả vị A La Hán, thiết nghĩ không còn gì để nói! Và có muốn nói cũng chẳng biết sao, bởi chẳng lẽ bằng ý thức phiền não phân biệt mà có thể giải thích được niềm vui giải thoát? Thế chẳng lạ gì Phạm thiên cõi trời còn mơ ước là phải rồi.
Thân hòa đồng trụ trong thời Thế Tôn, không nói cũng tất thành, bởi ai lại chẳng muốn nương theo hình bóng Thế Tôn mà sống, dù chính ngay chư vị đệ tử đã đắc quả vị A La Hán vẫn còn thích sống gần Ngài. Nhưng tại sao đã là điều tất nhiên mà Thế Tôn phải nhắc nhở, dạy bảo Thân Hòa Đồng Trụ?
Vì đó là lực chúng, lực Tam Bảo tồn tại cho mai sau. Cái nhìn của Đấng Đại Giác không phải hoàn toàn chỉ cho thời bấy giờ; điều đó chỉ làm phát điểm cho thời tượng pháp, mạt pháp ngày sau.
Nếu cứ mỗi một Tăng, Ni sống riêng rẽ, vậy ai có thể chứng minh giới luật của Phật đang còn hiện hữu, ít ra hiện hữu theo hình tướng bên ngoài. Cho nên Tăng Bảo thật đúng với ý nghĩa và danh từ, buộc phải từ bốn người trở lên. Phật lại dạy, ngày nào các đệ tử ta còn hội họp, còn ngồi chung nhau bàn về chánh pháp, ngày đó Phật pháp còn hiện hữu ở thế gian, điều này chính là Thân Hòa Đồng Trụ. Vì sống chung nhau mới có nhiều cơ hội ngồi chung nhau, lo Phật pháp với nhau.
Ngày nay chúng ta những người xuất gia tại gia, những người đã và đang học Phật còn hiểu thêm, Thân Hòa Đồng Trụ vẫn có thể áp dụng cho những vị học Phật tu một mình dù tu sĩ hay cư sĩ. Tất nhiên tu sĩ, là điều bất đắc dĩ mới tu một mình; hoặc vì hạnh duyên, hạnh tu phương tiện có thể độ chúng bằng lối cách ly chúng; nhưng không thể khuyến khích người tu một mình, cho những vị hạ căn, những vị Phật pháp chỉ hiểu căn bản.
Nếu có thể hiểu Thân Hòa Đồng Trụ, là thân tiếp xúc với trần cảnh vẫn an nhiên hài hòa mà trụ định trong chánh pháp, chẳng sanh vọng động, chẳng mất hạnh tu giải thoát, nghĩa là vẫn đủ oai nghi, tế hạnh của người học Phật, vậy vẫn được gọi thực hành Thân Hòa Đồng Trụ dù chỉ sống một mình. Đương nhiên đây không phải chuyện dễ cho người học Phật ngày nay. Nhưng ít ra cũng hiểu để chuẩn bị cho những hoàn cảnh mà người tu sĩ phải lâm vào.
Trong giáo đoàn Thế Tôn, Thánh Tăng Ca Diếp nổi danh đầu đà đệ nhất, Ngài có thể an nhiên thân hòa đồng trụ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều đó cho thấy Ngài đã giữ được thân trụ, tâm hòa trong mọi tình huống, do đó sinh hoạt thường cách ly Tăng chúng của Ngài vẫn được Thế Tôn ca ngợi.
Trải hơn ngàn năm sau cho đến bây giờ, các vị tu sĩ nhập thất nơi rừng sâu, núi cao, hang động từ Tây tạng đến Trung Hoa cũng nói lên được ý nghĩa thân cảnh hòa nhau như một. Các Ngài nhập thất, an thân một mình, nhưng tâm lại hòa nhập vào tâm chúng sanh không khác, tức là khởi đại bi tâm sống chịu đựng và hoan hỷ như hiện cảnh chúng sanh sống. Nghĩa là không khởi vọng khi tâm chúng sanh móng lên, và không động tâm khi tâm giác ngộ hiện khởi; sống như lời Phật dạy mà chẳng tiếp một bóng hình nào; và sống như bỏ lại thế gian mà không bao giờ quên thế gian đang phiền não. Những cảnh giới và tâm cảnh của chư vị như vậy, ta không thể cho là tiểu thừa, hay ly chúng được.
Với người học Phật không phải là xuất gia, tuy hình tướng Pháp Lục Hòa không giống như tu sĩ, nhưng trên thâm nghĩa giải thoát, người tại gia có thể thực hiện được con đường Bồ Tát, là sống trong sự dung hòa với mọi người để thực hiện phần nào chánh pháp đã học.
Khẩu hòa vô tránh
Từ thân sống với đại chúng, sống gần Thế Tôn nên chư vị Đại Thánh không thể lìa khỏi chánh ngôn pháp ngữ. Có lẽ chư Thánh không có thời gian hý luận, hay đúng hơn là không bao giờ có hý luận xảy ra với bậc La Hán. Ngôn ngữ các Ngài là ngôn ngữ xuất thế gian, chỉ nhất quán với ngôn từ giải thoát.
Sinh hoạt đại chúng bấy giờ lại được che chở bằng bóng mát giải thoát của Như Lai, nên chỉ có thiền tọa, quán niệm tư duy, tư duy làm thế nào để đưa pháp giải thoát vào thế gian đang đau khổ. Nhưng bạn và tôi vẫn nghe, chuyện đệ tử Như Lai vẫn không tránh được bất đồng quan điểm, bất hòa vài chuyện không đáng xảy ra. Nghĩ ra, đây là việc đương nhiên trong một Tăng đoàn nhiều người sống cùng nhau một chỗ, và người sai kẻ đúng đó cũng là cách học, việc tu, chỉnh đốn Tăng đoàn hoàn hảo hơn.
Việc tranh cãi bất hòa nhau, hầu hết sinh ra từ những người mới học, Thế Tôn hẳn từ bi đón nhận việc này; điều này cho thấy khẩu hòa chỉ có thể làm được bao giờ quả Thánh được xong; bằng chưa được, thì đây là điều tu nhẫn mà ai cũng phải nỗ lực hành trì. Cho nên Thế Tôn dạy, nên im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp. Lời dạy này, trong thập đại đệ tử của Phật, Ngài La Hầu La phải là người làm mô phạm cho tất cả học theo; tiếc rằng tuổi thọ của Ngài không được sống lâu trong chúng, nên mật hạnh thể hiện im lặng nói năng như chánh pháp của Ngài đã không được truyền tụng nhiều hơn.
Ngược với Thánh Tăng, người học Phật ngày nay, khó thể im lặng như chánh pháp, nên đã xảy ra không ít việc nói năng ra ngoài chánh pháp. Nói năng ra ngoài chánh pháp là nói không đoàn kết, không hài hòa thông cảm tha thứ. Phật dạy khẩu hòa vô tránh, nhắm vào đời sống cộng đồng Tăng lữ, vì nơi đông người là nhân dễ gây tranh cãi; nhất là những vị chưa đạt quả Thánh, khó thể kiềm chế ngữ hòa chân thiện được. Ngày nay người học Phật thấy rõ việc này là chân lý; và đến cả thế gian không học Phật, cũng phải dè dặt lo sợ hậu quả phản ứng từ ngôn từ ác khẩu mà ra. Hay nói một cách thực tế rằng, bao giờ chưa thể đạt được giới định huệ, chưa liễu đạo chứng quả, tất khó thể tránh được ít nhiều ngôn từ xúc phạm đến người khác. Kết luận rằng, đời nào, nơi đâu con người cũng phải giữ gìn ngôn ngữ lời nói.
Ý hòa đồng duyệt
Thân đã hòa cùng sống, khẩu không phiền tranh cãi, điều đó bắt buộc thể hiện sự hoan hỷ bằng cách nuôi dưỡng ý tưởng vui vẻ, vậy mới thật điều phục được ba nghiệp thân khẩu ý.
Bạn và tôi tuyệt đối tin rằng, một vị toàn giác sống tuyệt đối hỷ lạc như Thế Tôn, thì những người sống chung nơi Ngài nhất định phải hoan hỷ. Có lẽ trong hàng đệ tử, người hoan hỷ nhất là Ngài A Nan thị giả cho Phật. Nhưng niềm hoan hỷ nào bằng niềm hoan hỷ chứng đắc Thánh quả; điểm này khiến không ít người ngoại đạo ngạc nhiên, tại sao cuộc sống của đức Phật và các vị đệ tử của Ngài có thể hỷ lạc an vui được, khi đời sống thật buồn tẻ, ngày ngày thọ trai một bửa, ăn uống trong im lặng, sinh hoạt chẳng có gì vui quyến rũ!
Chúng ta dùng tiếng ngoại đạo ở đây, có nghĩa những đạo giáo hướng về bên ngoài chỉ lo cầu nguyện, ngược với đạo giải thoát hướng vào bên trong nỗ lực tu hành dung hòa cả ngoài lẫn trong. Chúng ta không có ý phân biệt thương ghét với người, chỉ nói khác biệt phương pháp hành trì tu đạo mà thôi; và rồi tương lai xa, tùy thuộc vào hành nghiệp của mỗi người, để rồi tất cả đồng nhất trở về giải thoát.
Trở lại việc hỷ lạc phát sinh từ ý, đó là điều phải có của một người học Phật. Thật là nhân duyên thù thắng cho những chúng sanh sống thời chánh pháp được gần gũi Như Lai. Niềm hỷ lạc của Thế Tôn khiến ai lại chẳng ảnh hưởng vui mừng hoan hỷ. Trừ người nghiệp nặng trong quá khứ, do đó xa lạ hoảng sợ với chánh pháp, khó cảm xúc được nét hỷ lạc Như Lai.
Học Phật ngày nay hay tương lai bao xa chẳng khác, phải sinh tâm hoan hỷ, phải sống với ý lạc niềm vui; niềm vui đó là niềm vui từ thân hòa đồng trú và khẩu hòa vô tranh. Nếu thân không cùng nhau hòa sống, nếu những lời khiếm nhã chẳng dứt trừ, thì niềm vui từ ý chẳng bao giờ có được, hay chỉ là những ý vui ác tâm làm nhân cho luân hồi đau khổ.
Chư Thánh Bồ Tát đời nào cũng tạo cho mình ý hòa đồng duyệt; thậm chí sống nơi thâm sơn cùng cốc các Ngài cũng vui; vui hồi hướng muôn loài chúng sanh sẽ được sống hòa vui vẻ. Đọc chuyện Tế Điên Tăng bên Trung Hoa dù dựa theo truyện sử của một vị tăng hư thật thế nào không rõ, nhưng ít ra câu chuyện cũng cho người học Phật thấy, Tế Điên Hòa thượng là hình ảnh mang đầy sự hoan hỷ đến mọi người; tuy rằng thân Hòa Thượng không đồng trụ với chúng, và khẩu Hòa Thượng là những ngôn ngữ dị kỳ, nhưng niềm vui qua ý của Ngài phải là đại hoan hỷ, đại xả ly. Gặp ai Ngài cũng ý hòa cùng vui, gặp ai Ngài cũng lấy cái vui để đưa người về chánh pháp. Thế giới hôm nay, có Ngài Đạt Lai Lạt Ma người Tây Tạng đang sống lưu vong, Ngài chính là hình ảnh ý hòa đồng duyệt, luôn luôn hiện lên khuôn mặt Ngài.
Như vậy trong đạo tràng, trong đại chúng, ý hòa đồng duyệt phải là quan trọng nhất, mới thể hiện được cùng vui cùng sống cùng học cùng tu.
Giới hòa đồng tu
Trong một Tăng đoàn hơn ngàn người sống chung nhau không tranh cãi, không bạo động, đó có phải là nhờ Giới Hòa Đồng Tu.
Không phải chỉ có một hình ảnh Thế Tôn trang nghiêm thanh tịnh, mà chư vị Thánh Tăng đệ tử Ngài chẳng khác Như Lai. Đạo giải thoát có vậy mới thuyết phục được các vị vua háo chiến háo thắng thời bấy giờ.
Vua phải dùng vũ khí, uy quyền, hình phạt... mới mong người tuân thủ nể sợ; nhưng nếu hà khắc cưỡng bức bóc lột người dân quá đáng, thì uy vũ gươm đao thế nào, cũng khó khiến người quy phục.
Với Đấng Đại Giác, không có gì anh dũng anh hùng khi thắng được chính mình, thắng được tự tâm, đó chính là chiến công oanh liệt nhất. Vị vua cai trị được dân, khiến dân kính phục nể vì, là vị vua chánh trực anh minh, sống vì dân hơn vì mình, lo cho dân hơn lo cho triều nội. Làm vua được vậy đã thắng được tham vọng, tham lam xứng đáng được lưu danh muôn thuở; và điều đó cũng là điều Đức Phật dạy nên sống vị tha hơn vị kỷ.
Các vị Thánh Tăng phải tự mình tu, tự mình luôn luôn nghiêm túc hành trì mới có thể hòa nhau an lạc được. Thế Tôn chỉ là người dẫn đường, chứ không thể là mắc xích kéo được những người trầm trệ giải đãi không phấn đấu vươn lên. Như vậy mỗi vị hành giả dù đã là Thánh Tăng, cũng phải tuân thủ giới luật, sống đúng quy luật Tăng đoàn, đúng theo đoàn thể giải thoát của Như Lai. Phải nói rằng sự hòa hợp là sự giữ giới vĩ đại, và sự vĩ đại của Tăng đoàn lại đến từ mỗi cá nhân. Ngay ở thế gian cũng vậy, sự đoàn kết của mọi người có được thành công, thành tựu là do đồng tình nhất trí, tán thành luật lệ, giữ gìn quy ước quốc gia. Một công trình tác phẩm vĩ đại lại càng có sự thống nhất ý chí, giữ theo quy tắc, và tất cả phải cùng nhau nhất trí chung lo, thì tác phẩm đó mới trở thành kỳ quan thế giới được.
Nhưng bạn và tôi cũng phải biết, dù sống một mình độc lập, giới tu của người học Phật vẫn phải được tuân thủ tôn trọng mới có thể giữ được tính chất giải thoát, cho dù việc giữ giới như thế hoặc khó, hoặc dễ, hoặc bị người hiểu lầm hay chính hành giả nghi ngại. Hiểu lầm ngộ nhận, nghi ngờ, đúng giới hay không đúng giới, dù sao vẫn phải giữ được giới, đó mới là cách cụ thể hành trì tu niệm. Và tất nhiên sống độc lập một mình vẫn khó hơn cùng chung hòa hợp.
Chư vị Thánh Tăng Bồ Tát khi nhập thất tránh xa phố thị, hạn chế tiếp xúc thế gian, nên giữ giới có thể không bị ngộ nhận; nhưng phàm Tăng ngay giữa hoàn cảnh chung đụng mọi người, lại sống cô lập một mình thì sự giữ giới nơi đây không đúng với tinh thần giới hòa đồng tu. Giới hòa đồng tu, chỉ thành tựu là sống trong một tập thể của người xuất gia. Đối với chư vị sống một mình thanh tịnh lánh xa phố thị, dù hình thức không hòa hợp tăng, cùng giới đồng tu, nhưng đã đề cập trên, chư vị là những vị hiểu được điều này, và nhất định đã chuẩn bị cho mình một đời sống đúng chánh pháp; hay nói đúng hơn hầu hết chư vị phải là Thánh Tăng mới có thể làm được.
Kiến hòa đồng giải
Kiến thức của chư vị đắc quả A La Hán, là kiến thức vượt ngoài hiểu biết của thế gian; các Ngài cũng còn gọi là bậc vô học, nghĩa là không còn phải chạy theo vọng động pháp trần thế gian, bất kể là pháp gì. Không còn vọng động coi như không màng, không có gì để học. Tuy nhiên các Ngài vẫn có cái học, học trong vô học, học trong nguyện thành Đại Bồ Tát, bước lên con đường Phật quả. Nói một cách khác, các Ngài vẫn chưa thể xem mình đã xong, vì Phật quả chưa thành. Tất nhiên đối với kẻ đang học đang tu, thì quả vị A La Hán của các Ngài được xem hoàn mãn trên bước đường tu ở tại thế giới này, và cũng tất nhiên không thể thành Phật được trong khi giáo pháp giải thoát của Thế Tôn, và hình bóng của Ngài đang còn hiện hữu. Và chẳng những các Ngài A La Hán không được, mà chư vị Bồ Tát lớn cũng vậy. Nguyên vì một chu kỳ Phật chưa chấm dứt, phải đợi không còn một kinh pháp nào của Phật, kể cả danh từ Phật cũng không còn, chừng ấy một sự đản sanh khác của một Bồ Tát sẽ bắt đầu vòng quay mới, khởi lên đón mừng một vị Phật tương lai.
Trở lại việc tu học của chư vị A La Hán, đối với thế gian sự học các Ngài xem như đã xong, tuy nhiên việc hành hoạt vẫn như một tu sĩ bình thường. Các Ngài phải chia xẻ những kiến giải, dù hiểu biết kiến giải bấy giờ đối với quý Ngài chẳng làm lay động, chẳng làm dính mắc, hoặc tăng hoặc giảm trong sự chứng đắc. Tuy vậy các Ngài vẫn giảng giải để giữ chánh pháp, và nhất là gây cho hàng sơ cơ chưa đạt quả A La Hán có nhân duyên học hỏi thực hành.
Nhưng nếu ta hỏi, vậy chư vị A La Hán khi nghe Phật dạy thì các Ngài vẫn gọi là học chứ? Vâng chắc chắn là vậy, Bồ Tát lớn đối với Phật còn học huống gì chư vị A La Hán, nhưng sự thành tựu tại thế của chư vị vẫn đã viên mãn với quả vị A La Hán này. Và việc học hiểu chỉ tiếp tục theo lời nguyện trong tâm để được thành tựu ở thế giới tương lai, chẳng hạn thực hiện hạnh Bồ Tát tương lai, và sẽ được thọ ký thành Phật tương lai. Nhưng nếu chư vị A La Hán muốn hành Bồ Tát đạo giải thoát ngay hiện thế; điều đó vẫn được, không khó đối với quý Ngài, tuy nhiên chỉ chứng đạo thành Bồ Tát lớn, chứ không thể thành được quả Phật hiện tiền.
Thế thì kiến thức của chư vị A La Hán vẫn phải được san sẻ, và ít ra tạo được nhân duyên cho lời lập nguyện thành Phật của chư vị; lại lấy đó tạo duyên học Phật cho người sơ cơ tu học.
Ngày nay người học Phật như chúng ta, lại càng nên phát huy cùng nhau học hỏi kiến giải giáo lý của Như Lai hơn lúc nào hết. Với nền văn minh khoa học vật chất ngày càng rầm rộ không ngừng, việc chia xẻ học hỏi áp dụng giáo lý giải thoát, nhằm quân bình đời sống vật chất, tâm linh quả thật là cấp thiết. Dù vậy, điều có lợi cho việc kiến giải là giải để hành, chứ không giải để thỏa mãn; nếu giải để thỏa mãn chỉ tạo tánh tham sân, vậy thà không giải còn hơn, chứ đừng hý luận bàn thảo hóa thành tạo nghiệp.
Người giải đúng nhất là người phải hành, vì ngôn từ phải được ứng dụng mới thật là chân ngôn, không thôi chỉ là ngôn từ sáo ngữ. Bạn và tôi vẫn luôn hy vọng tất cả người học Phật chúng ta ngày nay sẽ nỗ lực duy trì và phát huy giáo lý giải thoát, bằng sự tha thiết kiến hòa đồng giải, để giáo lý Như Lai vừa có thể giúp được chính mình, vừa đi vào đời sống nhân gian, để giúp được vô số người đang không duyên học Phật.
Lợi hòa đồng quân
Chư vị đệ tử của Như Lai sống trong thời chánh pháp, hầu hết là những bậc Ứng Cúng, đã đắc quả A La Hán, xứng đáng thọ nhận cúng dường của trời người đúng như danh hiệu Ứng Cúng. Dù biết như vậy các Ngài vẫn điềm nhiên tự tại, xem sự thọ nhận là thể hiện từ bi, tạo gây nhân duyên phước điền cho người cung dưỡng. Các Ngài vẫn bình đẳng thực hành khất thực gieo duyên từng nhà, chứ không chỉ ở một nơi thọ nhận cho người mang đến, ngoại trừ mùa an cư hay duyên sự khác.
Thật ra các Ngài khi chứng quả A La Hán, sự thọ nhận phẩm thực, ăn uống chỉ vì muốn nán giữ uẩn thân hoằng pháp lợi sanh, chứ chẳng còn gì tha thiết, so với niềm an định lạc pháp chứng đạo Niết Bàn. Vậy việc lợi hòa đồng quân, phải là tuyệt đối nhắm dạy cho người học Phật ngày sau. Tuy nhiên vẫn có trường hợp răn dạy cho những vị sơ cơ mới vào đạo. Chẳng hạn một nơi không có Thế Tôn, nơi chư vị chưa đắc quả cùng sống với nhau, thì Lợi Hòa Đồng Quân, sẽ được lưu tâm thực hiện. Phải được chia xẻ nghĩ tưởng đến đồng đạo của mình. Và dù sao, trong thời chánh pháp sự thọ nhận chỉ bằng phương tiện khất thực đơn sơ, trong một dung lượng không gian của một bình bát, nên sự chứa giữ cũng chẳng thể qua một ngày. Nên phải hiểu rằng, điều Phật dạy, Lợi Hòa Đồng Quân là cho thế hệ sau này nhiều hơn, nhất là thời kỳ vắng bóng Thế Tôn quá xa.
Nhưng ta lại nghĩ thêm, lợi phẩm không phải đơn giản ý nghĩa ẩm thực, tứ sự cúng dường, mà lợi còn là những hạnh phúc thấy đạo và sống đạo, cần phải chia sớt đồng đều đến tất cả; đó là đời sống giải thoát an lạc của một tu sĩ được ban rải đến khắp chúng sanh. Đó là việc hoằng pháp lợi sanh vậy; nhưng việc lợi sanh này chỉ có được bằng sự tu hành mà ra, chứ không phải là kiến thức sách vở.
Ngày nay người học Phật thực hành Lợi Hòa Đồng Quân, tất nhiên trước tiên ít nhiều thể hiện bằng vật chất, sau phải đem cái lợi quan trọng nhất, là việc học Phật để chia xẻ san sớt cho người. Chỉ có Phật học mới là cái lợi nhất trong mọi cái lợi; vì thực tế người học Phật làm gì có vật chất hơn người khác được, nhưng dù có nhiều cũng chẳng thể chia xẻ cho người hết khổ.
Thế gian chìm đắm say mê với vật chất, lại đem vật chất chồng chất lên, càng làm con người sinh tham hưởng thụ. Đời sống đã cho ta thấy người càng tham càng thêm đau khổ, chỉ có tham sống đời tâm linh hòa ái, biết sống vừa phải với vật chất hiện thời, đó mới an được tâm, mới vui với hạnh phúc như lời Phật dạy. Cho nên lợi ở đây cần phải lấy bằng tình thương, nhất là chân lý giải thoát của Như Lai, và nếu được cộng vào một ít vật chất mà người nghèo khổ đang cần, điều này càng đầy đủ ý nghĩa nghĩ tưởng thương nhớ đến tất cả chúng sanh. Tinh thần và việc làm như vậy là tối thiểu của người học đạo xuất thế, không phân biệt tại gia hay xuất gia.
Đối với tu sĩ xuất gia, lợi hòa đồng quân, lại còn hiện rõ lên tâm không phân biệt, tâm bình đẳng, tâm vô ngã, vô chấp, thành tựu pháp Như Lai.
*
Đó là sáu pháp Lục hòa Phật dạy cho người học Phật xuất gia, cũng như khéo nhắc chừng mực nào đó người tại gia cũng nên học hỏi và thực hành theo. Và chư Thánh, chư Tổ từ thời Phật đến nay và mãi ngàn sau vẫn không thay đổi chân lý Lục hòa muôn thuở.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương