Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang23/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   28

Khổ và nguyên nhân khổ

Thưa bạn chuyện học Phật của chúng ta cũng tạm được một đoạn đường, từ căn bản hiểu về nhân quả luân hồi, đến vài ý tưởng học Phật trong ba thời Chánh pháp, Tượng pháp và thời nay. Riêng trong phần nói chuyện về giáo lý của Như Lai, có giới thiệu đến bạn 37 phẩm trợ đạo, là 37 pháp học được chia thành bảy nhóm: Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bôà Đề Phần và Bát Chánh Đạo, tất cả nhóm này chỉ là hệ thống sắp xếp lại từ một pháp gọi là Đạo đế trong Tứ Diệu Đế, mà người Phật tử thường nghe. Bài pháp Tứ Diệu Đế, là bài pháp nổi tiếng nhất trong giáo lý Như Lai, do vì là nền tảng trước khi đi sâu vào biển pháp. Tứ Diệu Đế lại được ghi nhận là bài pháp đầu tiên cho nhân loại khi Đấng Giác Ngộ vừa thành đạo không bao lâu, cho nên nói đến Tứ Diệu Đế Phật tử ai cũng biết. Nhưng theo thiển ý, dù Phật có nói thật nhiều bài pháp nào trước đó, thì pháp Tứ Diệu Đế cũng là bài dễ nhớ và quan trọng nhất. Bởi vì sao? Vì tự bài pháp đó nói lên nguyên nhân xuất hiện đạo Phật. Hay nói đúng hơn, bài pháp đó là bài pháp mà đức Phật trước khi thành đạo đã trăn trở vì nó, và đã được khám phá, cho nên nó phải là trung tâm, yếu điểm tất nhiên vậy.


Nó là gì? Là khổ, nguyên nhân khổ, sự đạt đến tuyệt đối giải thoát khi chấm dứt khổ, và phương pháp để đạt được tuyệt đối an lạc giải thoát. Nói cho gọn là Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Như vậy câu chuyện học Phật tự ban đầu đến giờ, bạn và tôi đã mặc nhiên hay cố ý bàn qua phần Đạo rồi; và ta hãy còn ba phần nữa. À đúng ra chỉ còn hai phần thôi, vì phần Diệt, tức là cảnh giới giải thoát an lạc Niết Bàn sau khi diệt được khổ đã vô tình bàn qua rồi! Bạn còn nhớ không, chúng ta đã có tìm hiểu về Niết Bàn là quả chứng của chư vị Thánh Tăng đắc đạo ngay thời còn Phật.
Thưa với bạn lần nữa, chỉ là tạm hiểu thôi, chứ nào đâu mà biết. Niết Bàn mà còn bàn, còn biết tức là còn chấp đâu phải Niết Bàn! Sự thật chỉ căn cứ vào lời Phật dạy, rồi sám hối lạm bàn vậy thôi!
Thế thì còn hai phần Khổ và Tập cũng nên lượt qua cho xong.
Sở dĩ nói rằng lượt qua cho xong, vì chuyện học Phật đến đây cũng khá lắm chuyện, hơn nữa mọi người đều dư hiểu về khổ, nguyên nhân khổ; bởi chúng ta là nạn nhân đó mà! Có phải vậy không? Cho nên phải thưa những gì cần cụ thể chứ chẳng mới lạ gì hơn.
Khổ: Chẳng cần định nghĩa dài dòng, hễ cái gì làm con người bất an không hài lòng từ thân đến tâm cái đó gọi là khổ. Vậy cuộc đời có ai thoát được cái vừa nói đâu! Chính Thái Tử Tất Đạt Đa đã thấy được điều này, và không lẽ chúng ta nói chính Ngài là người khổ nhất?
Vì không khổ da diết, sầu bi thê thảm cho cuộc đời, thì làm gì Ngài phải quyết tâm thoát ly hoàng cung để lang thang tầm đạo! Nhưng đạo của Ngài tìm không phải để được sanh lên trời; nếu như vậy ta không thể định nghĩa khổ là một chân lý.
Đạo của Ngài tìm mục tiêu chính là diệt khổ, thoát ly sinh tử đạt đến tuyệt đối an vui giải thoát; cho nên đó là điều mà chúng ta phải nói, Ngài là người khổ nhất quả thật cũng có lý! Và hy vọng nói như vậy không quá đáng.
Nhưng rồi lại nghĩ, người thiếu ăn, lại sống trong đau bệnh, hay người đang tù đày chờ bị xử chết... cảnh đó mới khổ nhất, vậy sao gọi cảnh của một thái tử Tất Đạt Đa đang trong tự do hưởng thụ là khổ nhất?
Thật ra chúng ta chỉ dựa theo hiện tượng hoàn cảnh truyền thuyết kể lại, và căn cứ vào giáo lý giải thoát của Ngài sau khi chứng đạo, mà suy đoán, chứ cũng chẳng biết tâm tư của Thái Tử lúc bấy giờ thế nào. Dù vậy một điều phải thấy Ngài đã sợ cái khổ muôn đời của con người, là sanh già bệnh chết cứ bất tận như vậy. Cái khổ bất tận kéo dài từ bao lâu Ngài không biết được; và đau đớn thay, khi Ngài biết rằng cái sanh tử bệnh chết đó nó là một chân lý, nếu không phương giải thoát nó sẽ mãi mãi đến với con người. Cho dù người đó đang ở tù hay ở hoàng cung chẳng khác, chính điều này đã làm Thái tử bấn loạn tâm tư không thể hưởng thụ được gì, ngoài việc mong thoát khỏi nỗi khổ ám ảnh muôn đời vậy. Thế thì ta phải biết một vị thông minh trác tuyệt nhất trần gian như Ngài khi ý thức khổ, mà chưa tìm ra nguyên nhân thoát khổ, thì phải là khổ chẳng thua ai; hơn nữa ai cũng biết cái khổ tinh thần vẫn làm điên người và giết chết người được.
Thưa bạn chắc bạn đã đồng ý Ngài phải khổ lắm. Vậy thì không còn cách nào phủ nhận được, tuyệt đối đời là khổ. Nhưng giả như có người nói, thì mình đừng khổ được rồi, cứ để mọi việc trôi qua tự nhiên đi! Vâng, chẳng có sao, nếu ta có thể làm được vậy. Nhưng làm được vậy cũng đáng chúc mừng vì đã có tư tưởng gần giống như chư vị liễu đạo, tự tại với các pháp sinh diệt thế gian; chỉ sợ nói thế mà còn tham, sân, si thì làm sao thực hành tự tại được.
Giờ bạn và tôi thành thật nêu rõ ra cái khổ thực tế mà Phật dạy thế nào.
Căn bản có tám điều khổ: sanh, già, bệnh, chết, thương yêu ly biệt nhau; cầu muốn không được; thù ghét sống chung nhau; và năm thứ của thân thể suy thạnh.
Tám việc khó chịu này không ai mà không kinh nghiệm, không ai mà không đau khổ vì nó. Nhưng người ta ít khi quan tâm, xem chừng nó là một định mệnh an bày; khổ đến thì cố tránh hay cắn môi than thở, khi qua rồi bù lại tìm vui hưởng thụ như để trả thù!. Người trí lo tìm giải thoát không như chúng ta, họ ý thức ngay từ lúc vui hưởng thế gian; biết các pháp vô thường sinh diệt, vui rồi sẽ hết, hết là khổ đau.
Riêng ta chỉ vì ham vui không nhìn sự thật mà ta khác với người trí; người trí đề cập ở đây không phải trí thế gian, vì trí thế gian đã đau khổ từ lâu rồi!
Sanh, già, bệnh, chết là khổ về thân, xác thân vật chất này; tất nhiên trong thân có tâm, nếu không làm gì biết khổ. Nhưng phân biệt là để nhận định cụ thể hình ảnh vấn đề đang chịu đau khổ của một chúng sanh hiện sống cục mịch ở thế gian này.
Cái khổ về sanh, nói lên cả hai đối tượng, người mẹ sanh, và đứa con được sanh hay bị sanh. Có lẽ phải nói rằng bị sanh, vì đời có chân hạnh phúc đâu mà nói là được sanh, dù đứa bé được sanh trong nhà phú hộ cũng vậy. Nhưng đối với chư Bôà Tát chư Thánh nhân xuất hiện ra đời bằng đại nguyện, thì đây ra ngoài trường hợp được và bị; hay có thể nói đối tượng ngược lại, người mẹ đang mang vị Thánh nhân phải được nhiều hơn là bị. Dầu gì bà cũng khổ về thân khi mang, nhưng sẽ vui với phước đức sau này, được duyên học đạo từ vị Thánh đó.
Người ta nói mang nặng đẻ đau, hay nhất sinh thập tử, đó là nói lên nỗi đau của người mẹ khi sanh con; riêng đứa bé thì chỉ có nó mới biết. Đừng tưởng ta lớn, ta biết, ta cảm giác nhiều nên đau nhiều hơn, còn đứa bé mới sinh có biết gì mà đau! Chưa hẳn là đúng. Ta phải là đứa bé ta mới cảm thức được, cũng như sự đau qua rồi ta hay quên đi, cũng vậy đứa bé lúc đau phải là thật đau, nhưng rồi lớn lên tất phải quên chứ không phải cái đau không có, hay chuyện qua rồi ta tưởng chẳng có sao! Tỉ như nhìn người hấp hối đau đớn quằn quại trước khi lìa trần ta khó thể biết được cái đau đó, ngoại trừ nạn nhân trong cuộc; nhưng rồi khi người bệnh chết đi đầu thai trở lại; rồi đứng nhìn người khác sắp chết, lại đâu biết rằng nỗi đau đó chính mình đã từng trải qua, trải qua trong sự đau khổ kinh hoàng nhất. Đó là việc quên đi giống như nhìn đứa bé sinh ra vậy.
Nói về nỗi khổ già, bệnh, chết chẳng khác gì và nếu ta chưa già, chưa bệnh, chưa chết, ta cũng không thể biết rõ được; dù vậy bệnh hoạn thì ta đã từng kinh qua, vì ai lại chẳng bệnh, và bệnh thật đúng bệnh là bệnh đau trước khi chết. Nhưng cũng không đúng lắm, bởi có người bị bệnh hoành hành trên giường năm này qua tháng nọ, chẳng chịu chết, cái bệnh này còn đau hơn là chết nữa!
Già thì sao? Già thì tất cả đã không còn được hưởng thụ như còn trẻ, và nỗi khổ rõ nhất là hay nhìn lại quá khứ đau lòng thương tiếc! Rồi khổ càng tăng khi ý thức giờ đây thân thể chỉ là một thể xác khô cằn chậm lụt, ăn uống không ngon như xưa, ngủ không thể nhiều như trẻ; chỉ sống qua ngày chờ chết đến đón đi. Bạn và tôi không cần phải giải thích nhiều, cứ tìm người già yếu quan sát sẽ thấy rõ hơn.
Nói về khổ chết! Giây phút chết mới biết rõ nhất, bây giờ bạn và tôi chỉ là phỏng đoán mà thôi; tuy cũng có thể nhìn người khác chết suy ra vẫn được nhưng phải chết mới là rõ. Kinh Phật nói cái khổ trước khi chết giống như con vật bị bỏ vào nước sôi, đó là nói sự đau đớn trước khi tắt hơi. Thôi thì càng kể càng khổ, rồi lại cộng thêm khổ chết mà chẳng biết về đâu, đây còn khổ hơn nữa!
Tóm lược vài lời về khổ thân như vậy, bây giờ đến khổ tâm.
- Khổ vì thương yêu xa lìa nhau (Ái biệt ly khổ).
Nếu chúng ta khổ về thân bao nhiêu thì khổ tâm lại chẳng kém chút nào, có khi còn khổ hơn nữa! Sự thật điều này là những cuộc tình, những oan trái, những tiếng thơm danh dự, những luân lý gia đình... một khi đi đến bấn loạn không thể giải quyết, thì người ta thường tuyệt mạng để cho xong. Thế mới biết khổ tâm thật khổ vô cùng.
Thương yêu nhau nhưng không được gần nhau, đó là một thứ khổ tâm thường xảy ra với người trẻ, người đang lúc yêu đương. Rồi cũng không tuyệt đối như vậy, bởi thương yêu nào đâu có phân biệt, tình già tình trẻ! Sở dĩ tình trẻ bộc phát mạnh vì nhiệt huyết sinh lực, ý sống của họ nhiều nên cường độ như vậy, chứ người già chẳng khác gì. Nếu sức khoẻ người già còn đầy năng lực, thì nỗi niềm thương yêu của họ vẫn sống chẳng khác chi người trẻ. Như thế người trẻ đau buồn thế nào, thì người già đau buồn thế đó. Sự xa nhau giữa hai người thương yêu, ta không thể diễn tả được, ta chỉ biết qua hậu quả nói lên sức mạnh của nó. Sức mạnh tự giết chính mình, và có khi cả hai cùng nhau chịu chết. Người ta còn nói thà chết chứ không thể sống xa nhau. Ôi thật tội nghiệp! Nhưng làm sao biết chết rồi lại được chung nhau? Chết với sự đau buồn, với sự chưa giải quyết được thì tâm thức làm sao yên, và hành động tạo nghiệp tự sát đó gieo cho người thân còn lại đau thương hơn, tức phải chịu nhân quả khổ chứ làm sao an ổn được.
- Khổ vì mong muốn không được (Cầu bất đắc khổ).
Không ai lại không mong cầu, không ai lại không ước vọng, dù người đó là một vị vô cầu. Vì muốn vô cầu nên cầu cho được vô cầu cũng là cầu! Cho nên đạo giải thoát dạy vô cầu nhưng biết mình vô cầu, do đó không kẹt chấp với người cầu và pháp cầu. Thế gian khó tránh việc này, cũng như khi bạn và tôi đang bàn chuyện học Phật đây, mỗi bên đều cầu sao cho cả hai cùng giải tỏa được khúc mắc, cùng làm sao cho chuyện học Phật chúng ta mọi người đều hiểu. Tuy nhiên đó chỉ là cầu, chứ việc đến hay không là do nhân do duyên mới được. Nghĩa là phải nói sao ít ra cũng hợp lý, phải bàn sao ít ra cũng chừng mực khả năng mình, và nhất là phải khiêm hạ với kiến thức nhỏ nhoi của mình đang có, như vậy họa chăng việc cầu của mình mới được phần nào. Nhưng rồi thưa bạn cũng chẳng hoàn toàn, bởi vì đời là tương đối cũng như giáo lý Như Lai là tuyệt đối giải thoát, nhưng khi diễn giảng cho người, nó cũng tùy theo đối tượng mà trở thành tương đối để phương tiện hợp lý hợp cơ.
Thế có việc gì mà chìu ý mình được, khi mình chỉ là tương đối, dù bản thể của mình là tuyệt đối nhứt như, nhưng bản thể ấy được hiện sinh trong một tấm thân ngũ uẩn giả tạm, nên bản thể chỉ là một cách hiểu tương đối theo nghĩa của thế gian. Vậy thì có gì mà cầu được hoàn toàn đâu! Tiếc rằng chúng ta không chịu nhìn nhận vấn đề là do nhân duyên, là do sinh diệt, nên mong cầu không hợp lý rồi phải chịu đau khổ. Hãy nhìn đứa bé gái muốn được con búp bê, đứa bé trai muốn được con khủng long, cả hai thật muốn, mà ba má hai đứa nhất định không cho, nên hậu quả đau khổ hiện lên nét mặt của hai đứa thật là thảm. May mà con nít dễ quên, không thì chiến tranh lạnh với ba má nó làm khổ cả hai. Còn người lớn, ôi không biết làm sao nói cho hết sự mong cầu, mong ước, vì kiến thức nhận định quá nhiều, nên sự cầu mong tăng theo ý thức; và rồi nếu được thì vui, không thì đau khổ trầm trọng. Đau khổ còn nói ra được thì đở, ngược lại vì lý do gì không thể nói, đây có thể dẫn đến quyên sinh. Và rồi bạn à, tánh tham con người sẽ chẳng ngừng nghỉ nên dù cầu được điều chi, sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn, vì tâm vô thường nên rồi lại cầu việc khác thế là khổ chẳng cách nào dứt được. Chỉ có cầu giải thoát, vì cầu giải thoát rồi, thì còn đâu nữa mà dính mắc, kể cả dính mắc giải thoát.
-Khổ vì không thích nhau, không ưa nhau lại phải sống chung nhau. (Oán tắng hội khổ).
Khổ như thế này đã quá rõ ràng, bạn cứ nghĩ ngược lại xem, hễ thích nhau, thương nhau mà xa nhau, phải chịu khổ sở thế nào, thì không thích nhau, ghét nhau lại sống gần nhau cũng khó chịu bấn loạn như thế đó, đằng nào cũng chẳng vui mà sống được; nhưng chuyện đời lại hay xảy ra như vậy, và có lẽ xảy ra rất thường, xảy ra mãi mãi. Tại sao? Cũng tại tâm vô thường và nguồn gốc chính lại là tham ái mà ra. Khi chưa sống chung ai cũng thích, khi chung đụng rồi thì muốn xa nhau; trong lúc muốn xa nhau, tất nhiên tâm tư bấy giờ đặt vào một người khác, vì có ai lại để tâm ghét hết tất cả người, thành ra muốn xa người này để gần người kia. Nhưng đến khi gần được người kia lại tiếp tục thích người khác, vì tâm vô thường và tham ái không thể dừng một chỗ với ai. Thế là người mới đây tưởng rằng sẽ thích mãi, giờ đây đã trở thành người mình ghét nhất.
Nhưng nếu mình tạm gọi là may mắn sống chung ăn ở với người mình thương cũng khá lâu, thì cũng chẳng bao lâu trong gia đình sẽ xuất hiện một người khác để mình không thích, để sống gần mình cho mình đau khổ chơi!
Bạn thấy đời có ác không? Thưa không, đó là tất nhiên, vì cuộc đời là vô thường, và nhất là tâm của chúng ta vô thường nên chẳng bao giờ hài lòng với ai. Vậy lỗi là lỗi ở ta đừng gán cho người, ta không tu nên sanh mãi trong luân hồi của thương yêu thù ghét.
Đến đây là phần cuối trong tám điều khổ, đó là sự xung đột của năm thứ chánh nhân làm nên thân tâm, gọi là ngũ ấm xí thạnh khổ. Thật ra phần này bao gồm cả thân và tâm chứ không phải riêng tâm như ban đầu thưa với bạn.
Khổ vì thân xác tinh thần hành hạ. (Ngũ ấm xí thạnh khổ)
Ấm có nghĩa che đậy, năm thứ che đậy này là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là hình sắc thân thể, Thọ là cảm thọ, Tưởng là nghĩ tưởng, Hành là hành động việc làm, Thức là ý thức nhận định tư duy. Như vậy che đậy là che đi tánh giác, khiến không thấy được chân lý, không tin các pháp sinh diệt vô thường; và rõ ràng hơn, không thấy năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là nhân duyên giả hợp nên thân thể này, để tưởng thật có, từ đây sinh ra chấp thủ hóa thành đau khổ. Năm thứ xí thạnh nghĩa là biến động vô thường theo trần cảnh; như thân thể nóng lạnh vô thường, tâm ý vui buồn đột ngột. Nói chung là tâm sinh lý của con người phải khổ vì sự xung đột của năm ấm mà ra.
Điều này chẳng khác gì bảy điều khổ ở trên đã bàn qua; nó khổ do có thân, rồi lại do tâm nhận định sai, mà sai là nguyên nhân cảm thọ, tưởng nghĩ, hành động, ý thức lao theo trần cảnh vô thường, lao theo các pháp sinh diệt.
Thiết nghĩ, ngoài Phật pháp ra không còn cách nào để cứu chữa được, và dù chúng sanh đó có sống đến vô thỉ vô chung cũng không thoát khỏi đau khổ này.
Thưa bạn, chúng ta có thể xem như tạm xong vấn đề Khổ trong phần Tứ Diệu Đế, chỉ còn phần cuối cùng là Tập đế vậy.
Tập đế: Nguyên nhân sự thật của đau khổ.
Như chúng ta biết tập là chứa nhóm và đế là một chân lý, thì đây nói lên một chân lý chứa nhóm tích tụ thành khổ; nếu không có chân lý tích tụ chứa nhóm này thì Khổ chẳng thể có được. Như thế vấn đề tìm hiểu là chứa nhóm cái chi? Phật dạy, chính là phiền não. Phiền não từ những sai lầm do chúng ta tạo lấy, từ đó chịu đựng đau khổ hay diệt trừ cũng do từ ta mà ra.
Nếu bạn và tôi bảo rằng, thương người, giúp người, cứu người, hay hy sinh cho người để người không còn khổ. Thưa chẳng bao giờ, và muôn kiếp cũng chẳng giúp được, ngoại trừ chỉ đỡ khổ trong nhất thời thôi, do vì nguyên nhân chính là tất cả vẫn chưa ra khỏi biển khổ. Chỉ bao giờ bạn cho họ biết do đâu mà phiền não, đó mới chính là cách thương yêu chân thật nhất.
Nghĩ ra việc này mới thấy chẳng có ai thật sự thương ta. Có lẽ ta tưởng người thương ta nhất là cha mẹ hay chồng vợ, hay con cái, hoặc anh em, lại có thể là bạn bè thân nhứt chăng? Thưa hoàn toàn là không! Những người thân này, căn cứ theo giáo lý luân hồi nhà Phật toàn là ân oán, oan gia, đền trả, hay vay mượn mà thôi; và vì do ân oán, oan gia nặng nề trầm kha, kết thành quá nặng, nên dính chặt nhau trong tham ái, có như vậy mới sanh ra gần gũi để trả, để đền ân báo oán nhau.
Chỉ có những bậc đại Thánh, mới thật sự là mượn thân cha mẹ, làm phương tiện xuất hiện vào nhân gian độ đời. Ngoài ra tất cả là ân oán, chẳng hạn cha mẹ sanh đứa con hiếu, đâu ngờ chính đó là kẻ đã gây oán, trở lại đền lỗi trả ân cho ta! Và đứa con bất hiếu thì rõ ràng ta đã mang ân nghĩa của nó, nay lại phải đền trả; như vậy vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè là một chuỗi dây xích, mắc dính với nhau bằng những khoen của ái ân, thương ghét, thù hận mãi không thôi. Tất cả là sự thật như vậy, do đó nếu thật thương cha mẹ và tất cả người thân, tất không còn cách nào quý báu giá trị bằng chỉ rõ cho họ biết thế nào là phiền não là nguyên nhân khổ. Ngược lại nếu họ cũng chỉ cho ta biết phiền não ra sao, thế nào, thì đó chính là cái thương chân thật, đó là cách không còn vay trả nợ nần với nhau nữa, cho nên tỉnh thức mà nói chỉ có đức Phật là người thương ta nhất, thương cả hơn cha mẹ, vợ chồng... Và ta cũng phải bắt chước tình thương của Ngài để không còn phiền não nữa.
Nào bây giờ bạn và tôi tìm hiểu sơ lược phiền não là thế nào.
Phật dạy phiền não căn bản có mười thứ: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Tà kiến.
Trước hết là Tham:
Nói về tham, không còn lạ gì nữa, cả buổi trò chuyện học Phật đến giờ càng lúc càng hiểu rõ hơn. Người thế gian không học Phật còn dư biết; biết nó tác hại thế nào hậu quả ra sao; có khi thế gian còn chứng kiến nhiều hơn người học Phật, nhưng tiếc thay biết nhưng khó trừ. Và người học Phật là người thay mặt cho người thế gian thực tập cái việc lìa trừ tham ái. Nói như vậy cho thấy học Phật mà còn tham hóa ra còn tệ hơn người thế gian! Thế gian sinh tham vì chưa học Phật điều này không lạ, trong khi học Phật lại sinh tham điều này mới lạ vô cùng.
Nói vậy cũng phải thông cảm, tham đây không chỉ do đời này; nó đã có từ thời gian luân hồi không tính được, và mãi tận đến bây giờ. Trừ khi ta ra khỏi luân hồi mới chấm dứt; tất nhiên muốn được ra khỏi luân hồi phải chấm dứt từ đây. Tuy nhiên phải xét toàn diện, tham không tuyệt đối chỉ về mặt tạo nhân nghiệp ác, vì còn có cái tham đáng học; tham đó là tham học đạo tu hành giải thoát. Chỉ sợ không hiểu và không tin rằng đời sống là một vòng tham ái khổng lồ, trong đó mỗi cá nhân chúng ta là một nhân tố sinh tham.
Có lẽ không cần bàn luận nhiều nữa, bởi việc đã rõ ràng ai lại chẳng biết tham. Chúng ta hãy tiếp theo những phiền não khác.
Sân giận: Lại quá rõ ràng không kém gì tham; bạn và tôi cũng đã ít nhiều đề cập rồi. Nếu phải nói thêm chẳng ngoài đưa ra hậu quả của nó mà thôi; mà hậu quả của sân xưa nay đã quá chừng rõ ràng cụ thể; càng nhắc càng buồn, càng nhắc càng thấy mình thương mình nhiều hơn, vì quá si mê đến nỗi phải sân giận như vậy. Nói là thương mình có nghĩa là thương người, bởi biết thương mình để không sân giận, vậy cũng có nghĩa là không sân giận với người, tức là thương người.
Người học Phật trước tiên phải thương mình, khi nhận ra mình luân hồi xưa nay trong đau khổ; khi đã được thoát khổ mới thấy rõ người khác còn khổ hơn mình, bấy giờ tình thương người mãnh liệt hơn cả thương mình nữa.
Bạn nghĩ sao, chúng ta chẳng cần phải bàn thêm, vì sân đã quá rõ ràng, nó rõ ràng nhận thấy ngay từ trong gia đình đến ngoài xã hội, để cụ thể là hình ảnh đau thương quyên sinh, giết chóc. Cho nên bao lâu giữ được không sân giận, thì hạnh phúc thật sự sẽ kéo dài chừng ấy. Bạn và tôi rất mong thế giới người người luôn giữ được đời sống không sân giận để hòa bình sẽ mãi mãi dài lâu.
Si: Si có nghĩa ngược lại với tỉnh thức với chánh niệm hiểu biết chánh pháp, chứ không phải ngu ngơ, khờ khạo; vì người học thức cao nếu làm việc sai luân thường đạo lý vẫn bị gọi là si. Nghĩa của si như vậy, hẳn chẳng phải là việc dễ dàng; ngay chính người học Phật cũng lắm khi còn si, hay có thể nói còn si hơn nữa kìa, vì sao? Vì đang học Phật mà chẳng hiểu Phật, có phải si hơn người thế gian không?
Thế thì nhìn lại Tham và Sân, hai thứ nguy hiểm này lại chẳng phải từ si sinh ra? Thưa chính từ si sinh ra. Nhận định thêm nếu tham và sân từ si sinh ra, hóa ra si phải là nguồn gốc nguy hiểm hơn cả hai thứ trên! Cũng có lý đó bạn! Cho nên nhà Phật nói, thà sanh xuống địa ngục còn biết Phật pháp, chứ đừng sanh lên trời mà chẳng có chút duyên gì với pháp giải thoát.
Thưa bạn, xin nhắc lại, câu nói người học Phật mà si còn tệ hơn thế gian, câu này không có mâu thuẩn với câu, thà sanh xuống địa ngục còn biết Phật pháp. Nguyên vì đáng buồn cho người học Phật chúng ta, đã thấy nẻo sáng mà không gắng tu để tạo nghiệp ác, chứ không phải không khuyến tấn người thế gian học Phật.
Bao giờ bạn và tôi còn si là còn quay mãi trong luân hồi đau khổ, hay nói cụ thể bao lâu còn si mê không nhận định được chánh pháp, thì tham, sân vẫn vây bủa con người chúng ta.
Mạn: Vấn đề này thường xảy ra với người có kiến thức; càng cao kiến thức càng tự cho mình giỏi, càng nhìn người khác thấp kém hơn. Sự nguy hiểm của nó cũng không phải là ít, nó có thể là nhân dẫn đến những hành nghiệp ác không chừng. Thử xét xem, một người học thức cao, làm việc được, tự thấy mình giỏi hơn người và cứ giữ tâm tánh ngã mạn này đến lúc tưởng rằng đó là một sự thật, dù sự thật chỉ có giỏi ở một địa phương nhỏ hẹp, nhưng vẫn đủ làm cho người đó sống trong tự đắc tự mãn. Đến khi gặp người giỏi hơn, bổng bị thua kém, thua trước sự chứng kiến mọi người, bấy giờ tưởng tượng xem người này phải đau khổ tức giận ra sao. Ở đây, lúc này đừng nói rằng khuyên giải người này được, vì sao? Vì như đã nói tính ngã mạn đã được nuôi dưỡng đầy ắp trong người này rồi, cho nên sẽ chẳng còn biết gì nữa; thế là một sự trả thù, hay có thể khá hơn, tự ái tự trọng mà quyên sinh tự kết liễu mình; nhưng tất cả đều là tạo nghiệp khổ đau cho đời sau. Nghĩ thêm, nếu đặt tánh ngã mạn tự cao khinh người vào vị trí của quốc vương, tổng thống lãnh tụ quốc gia, hậu quả sẽ thế nào? Điển hình là nhà độc tài Hitler của thập niên bốn mươi, năm mươi thế kỷ 20, ông đã theo tánh ngã mạn độc tài, độc tôn, khinh thường tinh thần quốc gia các nước khác, nên xua quân xâm chiếm một cách ngang tàng, cao mạn, để phải chịu hậu quả không chỉ mình ông, mà hàng triệu người phải chết.
Tánh ngã mạn thật nguy hại không chỉ đời này còn đến đời sau; và không phải ngã mạn chỉ có ở người kiến thức mà tất cả bất cứ chúng sanh nào; vì hễ còn ngã thì còn mạn, vì mạn là sự nuôi dưỡng dung túng cái ngã quá cao mà ra. Chẳng hạn như ngay trẻ nhỏ vừa biết ý thức đã thích người khen, vì được người nói tốt về cái ngã của nó, và nếu nó giỏi hơn nữa thì ngã mạn tự cao của nó càng nhiều. Đứa bé mà còn vậy, người lớn phải ra sao?. Do điều này nhà Phật dạy đắc hay được cái gì mà cho mình đắc được, xem như không có gì cả. Ngược lại đắc được lại không cho mình đắc được mới thật là được đắc.
Nghi ngơø: Điều này thật khá quan trọng nguy hại cho việc học Phật, làm chặn đứng con đường giải thoát, chỉ vì không thể dứt khoát được vị trí tư tưởng hành động của mình. Chỉ đề cập đến thế gian đã thấy người sống hay hoài nghi chẳng thể tiến thân không mang lại lợi ích cho ai. Như người làm công nếu tự nghi ngờ khả năng chính mình, việc tiến thân sẽ không thể phát huy được; người làm chủ còn quan trọng hơn nữa nếu nghi ngờ mình thì làm sao tin được người làm việc cho mình.
Học Phật còn quan trọng hơn, phải lấy niềm tin làm nền tảng giải thoát, đương nhiên ta được quyền nghi ngờ hết tất cả những gì ta ý thức, nhưng phải nghi ngờ hợp lý, phải nghi trong sự phân minh nhận định sáng suốt theo chân lý một là một hai là hai, sáng là sáng tối là tối, chứ không thể nghi để thỏa mãn bảo người khác phải trả lời cho mình thỏa thích. Nghi như thế tới chết cũng chẳng giúp gì và sẽ mãi bị quả báo không gặp được chánh pháp vì mãi không tin. Như thế mà kinh Hoa Nghiêm dạy Tin là mẹ sanh ra công đức. Ta phải biết công đức là gì, công đức là nhân giải thoát đến từ công phu tu hành, phát xuất từ duyên khởi của niềm tin. Nếu không tin ta chẳng có công phu, và ngay cả tin mà chưa dứt khoát ta cũng chẳng có công phu, hoặc có chăng chỉ là gieo duyên, chết đi sống lại cho đến khi nào đạt được niềm tin dứt khoát.
Ngày xưa khi Phật còn tại thế, cũng có lắm người đến thưa hỏi Phật rồi lại bỏ đi; họï bỏ đi một nhân duyên thù thắng mà phải mất đi không biết bao nhiêu kiếp, biết chừng nào gặp lại, đó là do nghi ngờ chánh pháp. Đại khái họ xin Phật phải giải bày cho biết, vũ trụ thế giới có hạn cuộc biên tế không, và Như Lai sẽ thế nào khi nhập diệt? v.v.. Những câu hỏi có nghĩa hay vô nghĩa này, đều không giúp gì cho việc thực tế giải quyết vấn đề an lạc an định trong dòng sống đau khổ sinh tử hiện thời. Có nghĩa không giúp gì cụ thể làm thế nào diệt được tham lam, sân giận, si ái, là nguyên nhân đau khổ cấp bách cần được giải tỏa. Do đó Phật không trả lời và dù Phật có trả lời họ cũng chẳng biết, bởi vì với những thắc mắc nghi ngờ xuất phát từ tánh tham, làm sao hiểu nổi cảnh giới của vô tham, vô ngã, vô chấp.
Ngày nay chúng ta đôi lúc cũng rơi vào nghi ngờ chánh pháp, điều đó chứng minh ta đã nghi ngờ trong quá khứ, hay vì vẫn còn xa lạ với chánh pháp hiện thời. Tuy nhiên ta vẫn còn tin được điều căn bản nhất là dòng sống ngút ngàn của chúng sanh sẽ mãi khổ đau không ngừng và khổ như vậy là tự mình tạo ra, đó là những phiền não. Còn việc đi sâu vào chánh pháp là tùy vào khả năng căn tánh của mỗi người, ta chớ cho rằng việc đó không có, việc đó sai hay là tà pháp. Sự phá giải nghi ngờ là sự tự lực tin theo chân lý Phật dạy, chứ không phải tin hay không tin, nghi hay không nghi bằng lời nói mà được. Như vậy ta phải biết nghi mà không đúng chân lý, là một phiền não làm chướng đạo trên đường giải thoát.
Thân kiến: Sự quán sát nhìn nhận sai lầm về thân. Vấn đề này là một phiền não, mà thế gian thường hay vấp phải; tuy nhiên đôi khi người học Phật dù dư biết điều này, nhưng cũng dễ quên, lý do chưa thể hiện được việc thực hành lãnh hội về thân kiến. Nhìn nhận sai về thân là không tin thân này do đất, nước, gió, lửa được duyên thành qua năm ấm. Năm ấm chúng ta đã lược hiểu qua rồi. Việc không tin nên bám víu vào thân, phân biệt thân người thân ta, kết quả tạo nên bao nhiêu phiền não chấp ngã chấp pháp.
Khi còn tuổi thơ, không tin thân này là giả, là chuyện đương nhiên, nhưng lớn lên rồi, chẳng duyên học Phật lại khác gì tuổi thơ! Tức bám víu dành giựt chìu chuộng những gì thân thể đòi hỏi mong muốn. Vẫn có nhiều người chưa học Phật cũng tin thân này là phù du giả tạm, nhưng cái tin đó chưa thể là đúng, bởi dù nó giả tạm nhưng vẫn có nguyên nhân tạo thành, vẫn theo nghiệp lưu chuyển sinh ra đau khổ hay an lạc, chứ không phải phù du giả tạm tự nhiên mà có hay tạo hóa sinh ra. Nhìn từ lịch sử loài người xưa nay, bao cuộc đau thương chiến tranh giết chóc, nguyên nhân chính chẳng ngoài nhìn nhận sai lạc tấm thân thô kệch này. Có phải vì bảo vệ và hưởng thụ một cách thái quá về thân, nên người ta phải khai thác triệt để cái gì có thể làm được. Từ thoạt đầu ý tưởng lo cho thân mình, rồi sinh ra lo cho bà con dòng họ đến cả đất nước; phải chi cái lo cho thân, được chuyển thành cái lo ý thức, nhận ra thân là nguồn tội lỗi, là vô thường vô ngã, như thế đã tránh được biết bao phiền não rồi.
Tuy nhiên nhìn nhận đúng thân kiến, không có nghĩa khinh rẻ, hay có ý tưởng bi quan về thân thể. Do thân người là một công cụ duy nhất đưa đến quả vị giải thoát, mà tất cả muôn loài trong ba cõi khó thể có được. Ngày còn Phật tại thế, cũng có trường hợp một số Tỳ kheo vừa hiểu đạo cảm thấy thân thể là nguồn tội, liền có ý quyên sinh vì ghê tởm và nhàm chán, việc này đã bị quở trách, vì không hiểu được toàn diện vấn đề giải thoát của Như Lai.
Tóm lại người học Phật nhận xét về thân chỉ là một hợp duyên, khởi đi từ vô thỉ kiếp do từ dòng thức vọng động mà ra, nên phải thọ nhận, và chuyển xoay mãi, cho nên nó phải vô thường, và hễ vô thường tức chẳng có gì thật ngã để bám víu sanh ra đau khổ.
Biên kiến: Cũng là một thức ảnh sai lầm chấp về thân, hoặc chấp bên này hoặc chấp bên kia. Thứ nhất là thường kiến, thứ hai là đoạn kiến.
Thường kiến: Xem thân thể là một hợp thể trường tồn, chỉ chết phần xác chứ phần hồn sẽ sống hoài không đổi, như hồn người chết có sanh trở lại cũng là người, hay không trở lại cũng là hồn người, chẳng có thay đổi chi cả. Nghĩ như vậy tức không có luân hồi, không có sáu cõi, và các loài chúng sanh vẫn mãi sống theo nghiệp của chúng đến ngàn thu, chẳng có cơ hội tiến lên cõi người. Ngược lại, người cũng vậy, dù có tạo nghiệp gì chẳng bao giờ bị đọa lạc vào chúng sanh khác.
Bạn và tôi thử nghĩ như vậy có đúng không? Và chuyện các con vật sống như một đời sống con người, cũng như con người có khi sống như con vật, chuyện thật như vậy phải nghĩ thế nào? Không đợi phải luân hồi qua đời sau, ngay trong đời này, một người phàm khi được duyên gặp Thánh Tăng học đạo, nếu nỗ lực quyết tâm tu, người này nhất định sẽ đắc quả Thánh ngay tại đời này, và hiện tại tướng trạng của vị này tất phải nghiêm trang khác biệt hơn xưa rất nhiều. Ngược lại một người sống buông thả, với hành vi không còn nhân đạo, tức chẳng đợi đời sau, ngay đời này đã có hiện tượng khác biệt rồi. Hình ảnh con vật cũng thế, một con chó trong vai trò đưa dẫn người mù đi lại trong đời sống; nó sống trung thành cho đến người chủ mất đi, hay cho đến khả năng nó không còn giúp được nữa, con vật như vậy, ngay đời này sẽ được người thương mến chẳng khác một thành viên trong xã hội loài người.
Như thế qua hình ảnh người vật như vậy, đời sau chẳng thể nói là người chết làm người vật chết làm vật được. Và việc nguy hiểm hơn, nếu không nhìn nhận thường kiến là một sai lầm, thì đời này sẽ còn tạo ra những hành động chẳng còn sợ gì nhân quả.
Đoạn kiến: Xem thân thể vật chất, thần thức tâm linh là hư vô, là trống rỗng một khi bỏ mất thân này. Lối nhìn như vậy còn nguy hiểm hơn cả thường kiến, vì không tin một cái gì; hễ đã chết thì người hay vật, hay bất cứ cái gì cũng đều đoạn diệt biến mất. Thật là may, số người tin như kiểu đó chắc không chiếm hơn một phần mười dân số trên địa cầu, nếu không chắc là nguy hiểm, vì họ sẽ chẳng sợ nhân quả, chẳng sợ chết bị đọa địa ngục, hay chẳng cần được lên thiên đường chi cả.
Không sợ nên tự do hành động theo dục vọng ham muốn, theo sở thích tự do của mình, hoặc cố tìm cách hưởng thụ cho thỏa thích những gì làm được. Thưa bạn, nói như vậy chứ thật ra không có bao nhiêu người dám buông thả tự do; hoặc có đi nữa, cũng phải dè dặt với nhân quả, dù họ chẳng kể nhân quả. Nhưng nhân quả dù sợ hay không sợ, vẫn là nhân quả. Nếu nhân quả ở thế gian là một cái gì cụ thể hiện hữu, thì một thần thức nghiệp lực của một người mất đi, tất phải tiếp tục quay theo vòng nhân quả đã tạo, theo việc làm của mình. Chẳng hạn một ác nghiệp gây ra đời này sẽ bị tù đày theo mức độ hành động của họ, và tất nhiên người tạo nhân ác như vậy, đời sau không thể trở thành bậc Thánh được; không thành bậc Thánh tức là có sự cảm ứng quả báo nhân quả đời sau. Vậy thì xã hội hiện thời ta thấy chênh lệch giữa người này người kia, đó là cụ thể của đời sau còn tiếp diễn. Kết lại Đoạn kiến là lối nhìn nông nổi tự gây phiền não cho mình, và tất nhiên tạo nghiệp luân hồi đau khổ.
Kiến thủ: Đây là loại phiền não do chấp chặt ý kiến, hiểu biết kiến thức của mình. Đương nhiên ai cũng có tự do nhận xét, tự do độc lập bảo thủ ý kiến riêng mình, và hiểu như vậy nên mọi người tôn trọng ý kiến hiểu biết với nhau. Tuy nhiên sự thật phải công nhận, làm người chẳng ai không khuyết điểm lầm lỗi ít nhất là vài lần, điều đó nói lên nhận định hiểu biết của ta không phải lúc nào cũng đúng. Thế thì người cầu học cầu tiến, nên tham khảo ý kiến người khác và phải lắng nghe, không nên tự hào thông suốt một vấn đề gì, dù đó là đề tài chuyên môn của mình đi nữa. Bởi các pháp học không nhất định nằm trơ ra một chỗ; ngày hôm nay ta biết thế này, nhưng ngày mai đề tài có thể đổi mới đi, đó là do bước tiến của nhân loại, mà ta chỉ là một trong phần tử thật nhỏ nằm trong đời sống của nhân loại. Như chấp chặt không chịu cởi mở không chịu nhìn nhận, ta chỉ sanh ra phiền não, vì cố chấp bảo thủ điều dở của mình thôi.
Điều nữa có những sự thật hiển nhiên, mà ta vẫn cố chấp không tin, trường hợp này còn tệ hơn nữa. Chấp vào hiểu biết của mình là do tưởng rằng mình biết, lỗi đó có thể còn nhẹ, nhưng chẳng thể chấp nhận một điều hiển nhiên như là chân lý, thì đây cho thấy kiến thủ của người này phải đến từ chấp ngã quá lớn. Bảo thủ điều không đúng, như thế chỉ gây thêm phiền não, do vì chân lý vẫn là chân lý không thể thay đổi được. Người học Phật nhất định không thể dính vào định kiến này; ngay cả là chân lý, người học Phật còn phải không chấp, huống gì phải chấp những điều không phải chân lý! Cho nên Kinh Kim Cang dạy rằng, chánh pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp.
Giới cấm thủ: Nói về sự giữ giới sai trái không đúng với chánh pháp. Ta thấy, việc này thường xảy ra ở các bộ lạc xưa, họ tin tưởng thần linh, nên hành xác tuân thủ theo niềm tin, như phải làm thế này thế nọ, đôi khi phải hy sinh đến cả giết người họ vẫn làm được. Không biết ngày nay có còn hay không? Nhưng nếu ngày nay người ta giết vật để cúng, ý nghĩa lại chẳng khác là hại mạng chúng sanh! Giới cấm thủ, đã phân biệt rõ ràng với chánh pháp, khi phải tuân thủ những điều luật hướng vọng bên ngoài, trong khi chính con người là chánh nhân tự làm đau khổ tự mang hạnh phúc cho mình. Phải chi xuất hiện một vị thần linh cho ta thấy, đem lại hạnh phúc cho người, thì ta phải tin giữ theo điều vị thần sai bảo, nhưng sự thật ngược lại chỉ có ta mới đem cho ta hạnh phúc.
Bao cuộc đau thương giết chóc xảy ra từ chiến tranh thế giới thứ nhất, đến thứ hai, rõ ràng do con người chứ nào phải thần linh! Vậy ta phải cầu ai và giữ giới cho ai? Chỉ có quay về con người, cầu nơi con người bằng cách sống hợp với chân lý, không làm đau đớn mình, không tổn thương kẻ khác đó là cách giữ giới đúng với chân lý nhất.
Tà kiến: Cũng là cách nói về sự sai lầm khi hướng vọng bên ngoài bỏ đi tánh giác bên trong, để tin những hình ảnh, những ngôn từ mê tín. Tà kiến là những mê tín, tin tưởng vào những điều trái với chân lý, trái với nhân quả. Mê tín như vậy chẳng đem lợi ích cho mình, lại đi ngược với đời sống hiện đại đang trong buổi văn minh khoa học. Người học Phật chúng ta không những nhìn chánh pháp một cách sáng suốt, mà còn khai triển đem chánh pháp xóa đi mê tín dị đoan, đó là cách vừa giúp người mà cũng giúp được mình.
Thưa bạn, đó là mười phiền não căn bản, là nguyên nhân sinh ra khổ, được gọi là Tập Đế. Trong mười thứ này, năm thứ đầu Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi là những thứ khó trị hơn năm thứ sau, vì nó có mặt cùng lúc con người sanh ra; điều đó chứng minh khi vừa sanh ra chẳng ai dạy mà biết tham, sân, si, và rồi lớn lên tí nữa thì mạn, nghi xuất hiện cũng chẳng cần phải học hiểu ai. Năm thứ này còn gọi một danh từ là Độn sử, nghĩa là sự trói buộc trì trệ chậm lụt khó trừ. Riêng năm món sau: thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến, những thứ này do kiến thức va chạm với thế gian mới kẹt chấp, cho nên dễ trừ hơn còn gọi là Lợi sử, tức trói buộc nhẹ lỏng dễ tháo gỡ.
Tuy vậy người học Phật phải dè dặt hết thảy, vì nếu chưa đoạn diệt năm thứ trước thì một hai món phiền não sau cũng dễ phạm mà không hay biết, như là kiến thủ vậy.
Nói về phiền não chúng ta lại nghe về danh từ Tư hoặc và Kiến hoặc, đây cũng có nghĩa thẩm định mười phiền não căn bản qua việc dễ khó đoạn trừ. Như tham, sân, si, mạn, nghi là năm thứ phiền não khó trừ thì gọi là Tư hoặc, do vì nó đã đi với ta từ vô thỉ, nó là căn nguyên thuộc về sự nhiễm khởi từ năm căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tiếp xúc với năm trần là hình sắc, âm thanh, hương vị, và sự xúc chạm, vậy trừ diệt được nó phải là một việc tinh tấn sáng suốt trong sự liễu đạo và hành đạo. Với Kiến hoặc, thuộc phiền não sai lầm về lý, như thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến, năm thứ phiền não này dễ diệt trừ hơn vì chỉ cần học hiểu Phật pháp, thân cận thiện trí thức tức có thể diệt được.
Thưa bạn tạm thời chúng ta đã hiểu một cách giản lược về phiền não như vậy, đó là nguyên nhân sinh khổ; vậy xem như phần Tứ Diệu Đế bạn và tôi đã ổn định lược hiểu phần nào, giờ chúng ta lại tiếp theo đề tài khác.

---o0o---




tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương