Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang27/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   28

Tứ y

Thưa bạn! Trước khi chúng ta có thể tạm ngưng cuộc chuyện trò nơi đây, và để kết thúc vài chuyện học Phật, thiết nghĩ cũng cần nêu ra vấn đề trọng tâm là việc nhìn lại những gì mình đã học.


Vấn đề trọng yếu như vậy là trong giáo lý giải thoát còn đưa ra một pháp tu, nhắc nhỡ tế nhị người học Phật có sự nhận định cảm tri, khi phải đối diện vấn đề học và hành trong khi tu niệm, đó là Pháp tứ y; và pháp tu này đến đây sẽ là đề tài kết thúc buổi chuyện bàn cũng là vừa phải.
Vậy mời bạn và tôi, chúng ta hãy tìm hiểu đề tài này trước khi tạm chia tay dừng chuyện.
Tứ y: là bốn điều nương theo để ứng dụng tránh việc hiểu lầm sai lời Phật dạy. Bốn điều là: thứ nhất, nương theo pháp để học tuyệt đối không dính mắc nơi người. Thứ hai, nương theo nghĩa lý tuyệt đối không dính mắc nơi ngôn ngữ. Thứ ba, nương theo trí không theo thức phân biệt. Và thứ tư, nương theo kinh liễu nghĩa tức kinh theo tinh thần giải thoát rốt ráo, không theo kinh điển còn dính mắc nhị biên đối đãi.
Trước hết xin thưa bạn, Đấng Đại Giác thật là Đấng từ bi, Ngài đã thấy rõ việc sẽ xảy ra thế nào cho tương lai, nhằm thức tỉnh tánh phàm phu hay ngộ nhận thiên vị, là điều chướng ngại học Phật cho nên mới ra đời pháp Tứ y.
Y pháp bất y nhân
Khi La Hầu La được xuất gia theo Phật, Phật chẳng lấy tình thương theo thế gian như là một người cha để dạy con mình; kể cả chẳng lấy tình thầy trò bậc trưởng thượng, bậc thầy của nhân thiên để hướng dẫn La Hầu La học đạo. Không phải Ngài e ngại người đời hiểu lầm, Tăng đoàn dị nghị, rằng Thế Tôn còn thiên vị còn sâu nặng chuyện thế gian. Tuyệt đối là không, vì Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc siêu việt tất cả, mà từ vua quan đến dân giả đều nghe biết, thậm chí các tôn giáo khác phải công nhận. Thế thì Ngài đâu có gì bận tâm khởi niệm các pháp sinh diệt thế gian. Từ khi còn là Bồ Tát Ngài đã có lập trường cương quyết, đeo đuổi chân lý giải thoát vượt qua bất cứ điều gì, huống gì ngày nay Ngài là vua trong muôn loài thì còn gì lo sợ.
Vậy chỉ có một điều là Ngài dùng cách khai thị cho mọi người thấy, giáo lý Ngài tìm ra là một chân lý bất di bất dịch, để ai thực hành liễu tri, sẽ làm chủ chân lý này mà chẳng kể hoàn cảnh địa vị người thực hành ra sao, do đó Ngài giao La Hầu La cho Tôn giả Xá Lợi Phất.
La Hầu La khi được học pháp giải thoát nơi tôn giả Xá Lợi Phất, vẫn có thể nương tựa đúng chánh pháp, đó là một cách hiểu thực tế Y Pháp bất y nhân. Đây là một hình ảnh đẹp, và đây nói lên giáo pháp giải thoát không phân biệt bất cứ một con người nào, miễn con người đó hiểu và hành theo giáo lý.
Ngày nay chúng ta học Phật, không được thắng duyên nên khó tìm được Thánh tăng để vừa học được kinh pháp, vừa chứng kiến thân hành của vị bổn sư dạy đạo, ôi thật là một điều rất tiếc cho ta. Tuy vậy ta hãy nhìn lại giáo lý giải thoát, để làm tâm điểm vượt qua hàng rào chướng ngại theo tư duy định kiến hẹp hòi, mong tìm được pháp học nơi tâm.
Y Pháp bất y nhân, còn cho ta cái nhìn tổng thể, tất cả chúng sanh đã và đang học Phật đều là con của Như Lai, tức đang làm sống dậy tánh giác bên trong, và tánh giác đó chỉ là một, chỉ có khác nó được chứa đựng trong nhiều hình thức của con người này sắc tộc kia.
Nhưng bạn và tôi vẫn còn là phàm phu vẫn đang từng bước học Phật, vẫn chưa thể nhìn hết thảy pháp qua cái nhìn nhất thể tất cả duy tâm tạo. Vì không nhìn được nhất thể khó tránh phân biệt, khó sinh được tâm bình đẳng với mọi người.
Học đạo giải thoát, ta phải tìm cho được một bậc chân nhân thật học thật tu. Ít ra người hướng đạo cho ta phải tối thiểu hình tướng oai nghi dung mạo tươi sáng, nếu không được, thì kiến thức Phật học phải là uyên thâm; đó là mong ước của người học Phật ngày nay.
Nhưng giả sử, chẳng tìm được thì sao? Không lẽ giận buồn, không học không tu! Không tu vậy ai lỗ! Rốt cuộc ta cũng phải học! Bạn định cho là tự học phải không? Học một mình có lợi chứ, vì không ai gây ta phiền não, nhưng sẽ trở thành bất lợi đó! Vì trốn phiền não cho nên không hiểu rõ phiền não; và nếu bị phải đối phó với phiền não coi chừng phiền não lớn hơn.
Tuy nhiên phiền não nguy hiểm nhất, không phải cái ta chạy trốn; mà chính là tự cao ngã mạn bên trong. Ta có thể móng tâm cho rằng tự học, chẳng cần tìm ai làm Thầy cho đáng. Ta thiết lập tự ngã hơn người quá cao, và cuối cùng đang sống trong vọng niệm, vọng thức, chẳng thấy được tất cả là nhứt thể, là nhân duyên hòa hợp. Kết quả như vậy đã rõ ràng không cần phải nói ra.
Phật dạy y pháp bất y nhân, không phải đơn giản chỉ theo pháp bỏ người, hoặc là nhìn người theo tự ngã lầm tưởng là phương tiện tầm thường. Nếu người là phương tiện tầm thường theo cách nghĩ như vậy, thì pháp cũng vậy mà thôi. Tất cả chỉ là phương tiện.
Không người dạy đạo ta chẳng có cơ hội biết pháp học pháp; và dù có pháp nhưng không người hướng dẫn, chưa chắc ta hiểu được phương tiện tu. Một quyển kinh quyển luận giải thoát để trong hộc tủ, hay cả trên bàn thờ, nó vẫn là một cuốn sách tầm thường không hơn không kém, nếu không có một vị Thầy chỉ dạy, hay một người nói lên giá trị của nó. Ngược lại cũng vậy, một vị tu sĩ chân thiện, trên tay không một cuốn kinh, miệng không nói một bài pháp, nhưng sự đi lại hành động của Thầy, sẽ lần hồi đưa bạn và tôi vào nơi kinh pháp, nơi tâm kinh tự chứng của mình.
Bạn và tôi còn hiểu thêm, sự xuất hiện của Thế Tôn, là do chúng sanh phiền não, là do có đối tượng, có con người, vậy con người là chính nhân, và pháp chỉ là phương tiện mà thôi.
Tất nhiên ta vẫn biết giá trị kinh pháp và ý nghĩa giải thoát phải đồng nhất tối thiểu với người tu Phật.
Thế thì y pháp bất y nhân đương nhiên là nương tựa căn cứ theo giáo pháp giải thoát của Như Lai, chứ không phải đòi hỏi người giảng pháp phải sống y như pháp. Tuy nhiên nếu ta vượt qua sự phân biệt, thấy người hướng dẫn chỉ là người giúp ta hiểu rõ chân lý, chứ họ đâu phải là chân lý, điều này đã quá tốt, ta sẽ bỏ đi được phiền não, đi thẳng mục tiêu hướng đi tìm cầu giải thoát của mình.
Nếu ta lại hiểu thêm, người đó cũng là một pháp để cho ta nhận định rõ hơn về đối tượng nhân duyên giải thoát; vì cũng chính nghịch đảo này mà Phật mới nói ra chánh pháp phá tan vô minh, và vô minh lại hiện lên nơi người đang dạy ta hay ta đang học. Như thế Y pháp bất y nhân, sẽ được hiểu hai mặt, người không hành, là do người chứ không do pháp; và một mặt người không hành cũng là pháp, để người học thấy rõ giáo pháp Như Lai phải được hành chứ chẳng phải nói.
Y nghĩa bất y ngữ:
Bạn và tôi dư biết ngôn ngữ chỉ là công cụ phương tiện chuyển tải tâm tư, tư tưởng, mà cứu cánh mục đích làm sao để mưu sinh tồn tại đưa con người ngồi gần lại nhau. Rồi từ đó, ngôn ngữ được hiện đại hóa phù hợp theo trào lưu tư tưởng của mỗi thời đại. Tỉ dụ thực tế ngôn ngữ Trung Hoa ngày xưa từ chữ viết đến âm vận phức tạp, nhưng sau đã được thống nhất, giản lược, để người ta có thể mau hiểu, có thể viết gọn, và nhất là phổ cập quần chúng rộng rãi hơn. Như trên thế giới dù có đến mấy ngàn ngôn ngữ tiếng nói khác nhau, nhưng mục tiêu chỉ là làm sao diễn tả tâm tư đời sống của con người. Cho nên nguyên thủy, nguyên bản của con người là tâm, là ý, và do vậy bất cứ người nào cũng có thể học được ít nhất một ngôn ngữ khác, nếu thật tâm thật ý muốn học.
Việc học Phật chẳng khác một chút nào; học Phật là học tâm, học ý; vậy bạn có học Phật qua hành động, ngôn từ, hay hình ảnh nào đi nữa, cũng chỉ học điều phục cái tâm không còn phiền não.
Ngày xưa đức Phật còn tại thế có lẽ Ngài dùng tâm để nói nhiều hơn là dùng ngôn từ, và vì tâm Phật thanh tịnh tuyệt đối, nên người nghe cảm nhận hiểu ngay. Nói bằng tâm, là nói bằng việc làm và hành động chứ không phải văn tự ngôn ngữ; tuy nhiên có những chúng sanh buộc phải dùng ngôn từ. Chẳng hạn các nhà trí thức, các vị học giả với tâm phân biệt, tâm hướng ngoại cố chấp; bấy giờ Phật phải dùng ngôn từ thuận theo sự ham biết của họ. Tất nhiên ngôn từ này, không thể làm cho giai cấp cùng đinh là hàng người hạ tiện khốn khổ nhất có thể hiểu được. Rồi đến ngay các đệ tử xuất gia của Như Lai, thì ngôn từ của Thế Tôn lại có phần khác hơn nữa. Cuối cùng ngay trong hàng Thánh chúng giữa Thanh Văn và Bồ Tát, tức là hàng còn chấp pháp và hàng đã vượt lên khỏi ý niệm ngã pháp, Như Lai lại dùng ngôn từ văn ngữ khác hơn.
Lấy thực tế trong bối cảnh hiện đại ngày nay, sẽ thấy vấn đề rõ hơn về ý nghĩa giải thoát không phải vin theo văn ngữ. Đó là kinh Phật hiện giờ đã được lưu thông dịch ra nhiều ngôn ngữ; nếu không phải thế, thì lời Phật dạy được ghi lại bằng Phạn ngữ ngày xưa, sẽ không thể chuyển thành văn ngữ Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Tích Lan, Miến Điện, Đại Hàn, Việt Nam v.v... Và hơn thế nữa là dù được dịch ra thế nào cũng chẳng có người chứng đắc!
Nhưng rồi thưa bạn cũng là phương tiện, cũng chỉ nói lên Y nghĩa bất y ngữ. Ngữ là ngôn ngữ Như Lai phải xử dụng trong hoàn cảnh và ngữ cảnh, tâm cảnh của từng hạng người; nhưng Nghĩa lại chỉ có một, là làm sao đưa tất cả ra ngoài ba cõi đạt đến giải thoát hoàn toàn. Đương nhiên ra ngoài ba cõi lâu hay mau, là do trình độ của người học Phật, đức Phật chỉ có phương tiện chuyển tâm thành ngữ.
Từ ý này ta lại suy ra, Tâm là quan trọng để chuyển thành lời; Phật thanh tịnh tâm nên Ngài hiện ra sinh hoạt oai nghi tự tại để diễn ý cho chúng sanh, còn người chưa chứng đạo phải dùng đủ thứ ngôn từ, mà người ta chưa chắc đã hiểu. Đôi khi càng dùng nhiều văn tự, càng bị kẹt quá đà, đi xa thực tại; nhưng cũng khổ, vì không vay mượn ngôn từ tỏ bày cho rõ, cho nhiều, làm sao người ta hiểu được! Đó mới thấy tại ta thiếu dụng công tu hành, thiếu công phu thiền định, nên không thể dùng tâm nói được, đành phải mượn dùng ngôn từ văn ngữ vậy.
Thời nay người học Phật như chúng ta nhất định phải dùng tâm cầu học, và còn thanh tịnh nữa mới hiểu được nghĩa, mới quên được lời; nếu không ta chẳng hiểu được nghĩa, lại vin vào văn tự, sinh ra phân biệt, trở thành học Phật bằng tính hiếu kỳ nghi ngờ chánh pháp.
Trí giả Huệ Năng khi xưa cầu tìm chánh pháp, đón nhận dễ dàng thâm ý nghĩa lý của Tổ sư Hoằng Nhẫn, mà quên đi ngôn từ khinh khi thử thách ban đầu của Ngũ Tổ, đó là nhờ tâm cầu đạo thanh tịnh; nếu đổi lại phàm phu chúng ta, bằng tâm ô nhiễm làm sao nhận ra được tâm ý của Hoằng Nhẫn tổ sư.
Ngày nay chúng ta nghe pháp đọc kinh, đã không đạt được nghĩa, lại còn muốn lược bớt câu văn; đâu ngờ câu văn trùng lập là để chuyển tải thâm lý nhiệm mầu mà kết quả chỉ thấy được bằng tâm đọc tụng thanh tịnh kiên nhẫn mới mong đắc tâm thấy pháp.
Đại sư Huyền Trang, vị Thánh tăng lưu danh thỉnh kinh phiên dịch Phật điển, đã tôn trọng kinh pháp, trung thành với nguyên bản mà không dám lược giản, đó cũng là mong giữ gìn thâm nghĩa sâu xa trong đó; chúng ta há đã hơn Ngài sao? Tóm lại Y nghĩa bất y ngữ cảnh tỉnh người học Phật rằng nghĩa lý thâm sâu giải thoát của Như Lai chỉ mượn bằng hình ảnh pháp trần qua bóng dáng ngôn ngữ, chứ không phải văn từ thế gian có thể chứa đựng được. Người học Phật hiểu ý này nên tránh chấp vào văn tự, tránh hý luận văn chương mà phí đi một đời học Phật.
Y trí bất y thức:
Trí thức của thế gian được đánh giá bằng kiến thức hiểu biết trường lớp, học vị, cũng như khả năng ngoại hạng, phi thường được gọi là thần đồng hay thiên tài dị nhân xuất chúng. Kiến thức được đào tạo học hành còn có thể được bình phẩm nhận xét, nhưng kiến thức tự nhiên như thần đồng, thì thật là một chuyện vượt ra ngoài kiến thức thế gian. Tuy vậy kiến thức tự nhiên không học hay học rất ít mà biết, chẳng ngoài cái biết đối đãi thông thường thế gian, như là kiến thức văn chương hay khoa học.
Tất nhiên nơi đây bạn và tôi sẽ nhận định vấn đề này theo giáo lý giải thoát của Như Lai. Với cả hai loại kiến thức vừa nêu chỉ là vấn đề hiểu biết theo nhân nghiệp chúng sanh hiện tại và quá khứ. Nhân nghiệp hiện tại, là việc học trong đời này tạo ra kiến thức hiểu biết, và nhân nghiệp quá khứ là việc học trong tiền kiếp sanh ra đời này được thông minh xuất chúng. Nhưng kiến thức thế gian chung cuộc vẫn không hài lòng với cuộc sống mong ước của nhân sinh, là hòa bình toàn diện, mang lại hạnh phúc yên vui.
Tất nhiên trả lời vấn đề này đã quá rõ ràng, mà bạn và tôi đã chuyện bàn qua cũng khá nhiều từ bắt đầu vào chuyện đến nay. Vấn đề chỉ là do con người chưa tìm được nguyên lý nhân sinh là khổ, và khổ là nhân tham, sân, si ái mà ra; đành phải nói rằng kiến thức thế gian sẽ chẳng giải quyết được gì ngoài cơm áo, cũng như tiện nghi hưởng thụ vật chất, nhưng chẳng thể giải quyết được chiến tranh, bạo động đã và đang tiếp diễn.
Thưa bạn chúng ta đã chuyện bàn đến đây, đã hiểu được một đoạn đường Phật học, nên đâu còn gì chẳng nói thật, nên không có gì gọi là bi quan, hay yếm thế, để xác nhận rằng, kiến thức bao giờ cũng là kiến thức phân biệt mà thôi! Chỉ có kiến thức Phật học, rồi thực hành tu học giới định, mới phát huy được kiến thức không phân biệt gọi là trí huệ vượt khỏi thế gian.
Như vậy kinh dạy Y trí bất y thức, rõ ràng cho người học Phật thấy, không thể dùng kiến thức phân biệt của thế gian mà tìm vào được chánh pháp. Nhưng kiến thức thế gian vẫn là phương tiện hữu hiệu giúp người học Phật sưu tầm giáo điển trước khi kết duyên tu hành đạt trí vô phân biệt. Chẳng hạn chư đệ tử của Phật, những vị công tôn vương tử đều là những người có trí thức cao thời bấy giờ, cũng như những vị luận gia nổi tiếng, các vị này sau khi xuất gia, đã tiếp thu giáo lý Như Lai, và sớm đạt thành Thánh quả dễ hơn chư đệ tử khác. Tuy nhiên vẫn không tránh được trường hợp ngược lại, bị kiến thức thế gian ngăn chặn con đường giải thoát. Và đây chính là vấn đề mà bạn và tôi đang tìm hiểu.
Sở dĩ ta không thể dùng thức để tìm hiểu giáo lý nhà Phật, hay để tư duy thực hành, điều đó đã quá rõ ràng vì thức là hiểu biết phân biệt. Nó là một trong ngũ ấm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hình thành tạo nên thân thể này; sự hình thành đó kết mắc nối duyên với nhau, cho nên sự hiểu biết phân biệt của kiến thức con người hoàn toàn ảnh hưởng xuất phát không ra ngoài cảm thọ y báo và chánh báo của chúng. Bạn và tôi chắc hẳn còn nhớ, Chánh báo là con người, Y báo là hoàn cảnh sống của con người. Như vậy bằng tư duy bằng hiểu biết, theo cảm thọ để lưu xuất sự hiểu biết chẳng ngoài tánh nghiệp của một phàm nhân, đã và đang chịu quả báo vui buồn đau khổ ở thế gian. Trong khi đó pháp học giải thoát mệnh danh là lội ngược dòng đời, không chìu theo dục vọng ham muốn thế gian, vậy thì làm sao dùng cái thức ô nhiễm phân biệt kia để hiểu được Phật đạo!
Người ta có thể là một tiến sĩ văn chương, cả đến tiến sĩ khoa học chẳng hạn, nhưng người ta vẫn không thể nào hiểu được Phật học nếu chưa bao giờ lưu tâm để ý. Phật học là một môn học dù không khó, nhưng cũng không phải dễ, nếu không muốn nói là khó vô cùng, vì nếu học cho đến tiến sĩ Phật học mà không hành cũng vẫn chưa gọi là hiểu bởi kết quả vẫn là luân hồi. Như vậy thì làm sao người không biết đạo Phật, có thể hiểu được giáo lý Như Lai; thế là kiến thức tiến sĩ văn chương hay khoa học, đó chỉ là dành cho thế gian, chứ đối với pháp giải thoát có gì để nói! Và ngược lại, nếu để tâm học hỏi suy niệm thì kiến thức kia lại là phương tiện trợ duyên đắc lực nhất, để đạt được trí huệ giải thoát.
Phật dạy phải nương theo trí, trí đây cũng là kiến thức hiểu biết, nhưng nó khác kiến thức thế gian là không thuận theo tánh tham sân si, tánh còn phân biệt tưởng rằng ngã và pháp là có thật. Trí đó là nhìn các pháp trong một sự hiểu biết do duyên sinh duyên khởi, chứ không thật có; và con người này là một vòng mắc xích quay mãi tít mù theo mười hai nhân duyên, mà bạn và tôi đã chuyện bàn qua. Trí đó đúng là trí mà Ngài Xá Lợi Phất tình cờ được nghe lần đầu tiên trong đời của Ngài khi gặp Tôn Giả A Thị Thuyết và rồi chợt nhận ra xưa nay sự uyên bác học thức của Ngài chỉ là đối đãi phân biệt theo tánh nghiệp si mê của thế gian mà thôi. Do đó hiểu được rồi Ngài đã trở thành bậc đại Thánh trí huệ bậc nhất của Như Lai.
Thưa bạn đó là lý do không nên dùng thức phân biệt, hay cũng gọi là tâm phân biệt mà tìm hiểu giáo lý giải thoát. Nếu ta dùng tâm ô nhiễm phân biệt, thì giáo lý giải thoát cũng được ta hiểu theo tâm lượng hẹp hòi của ta, như thế làm sao ta có thể khiến người hiểu được mình! Cuối cùng việc học Phật mà dùng thức biết phân biệt như vậy, chẳng khác gì học hỏi theo tánh nghiệp tham sân si, và chẳng bao giờ nhận thấy các pháp như thật.
Nhưng bạn và tôi lại biết, khi đạt được thật trí vô phân biệt, bấy giờ cả đến cái trí không phân biệt cũng không còn, vì nếu còn nếu có, vẫn là vô thường là hữu lậu, không thể tuyệt đối giải thoát được. Đó là trình độ của chư Bồ Tát lớn, đã đi gần đến quả Phật. Nhìn lại chúng ta, chỉ xin mong rằng bỏ bớt tâm phân biệt để bớt đi phiền não, rồi mong dần tiến đến thật trí vô phân biệt vậy.
Y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa Kinh.
Kinh liễu nghĩa là kinh diễn đúng điều Như Lai nói, kinh vạch ra sự giải thoát tuyệt đối, kinh nói lên sự thật trên sự thật, và kinh nói vượt lên lời kinh nói, tức là kinh vô năng thuyết không thể nghĩ bàn, rốt ráo tuyệt đối đưa người đạt đến chứng quả giải thoát.
Cần hiểu như thế chúng ta mới hiểu chân kinh giải thoát của Như Lai phải được xiển dương, phải đươc trì tụng. Và hiểu như thế ta sẽ không bị rơi vào việc trì tụng kinh Như Lai để thành chẳng hiểu Như Lai tức không đạt được giải thoát. Tuy nhiên đại khái bạn và tôi cũng phải tìm hiểu thế nào về kinh không liễu nghĩa.
Kinh không liễu nghĩa tất cũng là kinh, cũng là lời Phật dạy, chứ không phải là tà kinh, tà pháp, nhưng trên tinh thần giải thoát cứu độ chúng sanh, kinh không liễu nghĩa chỉ là phước báo hữu lậu gieo duyên nhân thiên còn trong ba cõi mà thôi. Dù vậy trên đường học Phật, căn bản trước tiên phải học hiểu nhân quả, phải trồng duyên làm thiện gieo phước, rồi sau đó từng bước thể nhập đi vào kinh liễu nghĩa. Nếu không như vậy, đừng nói là người học Phật tại gia, mà chính người xuất gia, mang tiếng là hành trì tụng kinh liễu nghĩa, nhưng trên thực tế vẫn rơi vào quả báo nhân thiên, vẫn chưa thể hành trì đúng như kinh liễu nghĩa.
Thật ra đã là lời Như Lai, Đấng Đại Giác nói ra, kinh nào cũng là liễu nghĩa, vì một người đã liễu nghĩa nhân quả, sinh tử là khổ, Niết Bàn là an vui, tất nhiên họ sẽ đạt đến giải thoát trong tương lai. Nhưng một điều, học kinh là để đạt đến giải thoát, ngoài mục đích giải thoát, không còn nói kinh liễu nghĩa hay không liễu nghĩa gì cả, bởi nói cũng bằng thừa. Vì ngay cái liễu nghĩa cũng là giả danh, giả thuyết, chỉ tạm phân biệt cái ngược lại mà thôi. Thế thì ta phải hiểu tất cả kinh Phật, đều khiến người phát được tâm bồ đề là tâm làm Phật, tâm cứu độ chúng sanh; nếu không như vậy đó là kinh bất liễu nghĩa, kinh chỉ hướng dẫn cho mình mà không hướng đến tha nhân, mà ta đặt cho là kinh tiểu thừa, tức chiếc xe nhỏ chỉ chở được một người, không thể chở nhiều người, như chiếc xe lớn gọi là đại thừa vậy. Nhưng gọi là xe lớn mà không chở người, thì cũng chẳng khác xe nhỏ, thành ra gọi đại thừa cũng là sáo ngữ.
Xe thật đúng nghĩa của xe, là xe có thể đón nhận chở được tất cả chúng sanh, chở luôn cả hai hạng người tu Đại thừa và Tiểu thừa; là xe Nhất thừa xe không còn phân biệt bao hết tất cả chúng sanh cho đến hàng Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, xe đó mới là xe Phật, xe mà chẳng phải xe mới là xe.
Học Phật ngày nay như chúng ta, đã cách xa hơn hai ngàn năm từ thời đức Phật, nên sự ngộ nhận thắc mắc về kinh điển, cũng không gì đáng trách, nhưng may mắn và thắng duyên là vẫn còn rất nhiều người chứng đạo kể từ khi kinh điển được lưu truyền ứng dụng từ thời tượng pháp đến nay. Điều này minh chứng cho thấy, kinh Phật vẫn là chân pháp, mà thế gian không thể trước tác chế đặt ra được; tuy nhiên lời Phật được ghi lại sau khi Ngài tịch hơn vài trăm năm, do đó không thể tránh được việc diễn ý họa lời; tuy nhiên ta vẫn thấy ý kinh nội dung chỉ là nhất quán. Vẫn phải giữ giới tu định, trừ diệt tham, sân, si, mạn, nghi là năm độn sử kết tập từ vô thỉ kiếp đến nay, đó là nền tảng không thể sai khác. Vậy thì trước sau từ lúc còn Phật, cho đến ngày nay nội dung Phật dạy chẳng có gì sai; như thế điều diễn tả trong kinh cũng chỉ là những lời chư Thánh đại Tăng đã sám hối mà nêu rõ nghĩa lý Phật dạy, điều đó cũng là thâm ý Phật mà ra. Rõ ràng cụ thể nhất là xưa nay bất cứ chư Thánh Tăng nào khi chứng đạo, rồi tuyên thuyết chánh pháp, đều vẫn nương vào lời dạy của Thế Tôn, chứ các Ngài chưa bao giờ bảo mình hiểu chánh Pháp ngoài lời Thế Tôn dạy. Cho nên nhà Phật thường nghe câu: Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết. Có nghĩa, bám víu sát nghĩa kinh điển mà giảng điều này là nói oan cho ba đời chư Phật, nhưng lại lìa kinh dù một chữ thì chẳng khác gì lời ma nói.
Vì sao? Vì như bạn và tôi hiểu, cũng đã bàn qua; Phật diễn pháp giải thoát tùy theo hoàn cảnh, căn tánh của chúng sanh, như trong năm hạng cầu học: Nhân, Thiên, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát; Phật phải diễn nói phương tiện khác nhau; và dù trăm sông cũng chảy xuôi ra biển, nhưng không thể lấy pháp Bồ Tát, Duyên Giác mà dạy cho hàng sơ cơ vừa thọ trì năm giới. Cũng như không thể thuyết giảng Trì giới là huyễn không, cho người mới bước chân vào nhân thừa tu phước.
Như thế pháp là tùy người khởi, duyên là tùy theo căn tánh của mỗi người, chứ không thể cố chấp đặt định, bắt tất cả mọi trình độ căn tánh phải y như người liễu đạo. Thế thì nói theo lời Phật nói, mà không hiểu Phật nói trong nhân duyên nào, hoàn cảnh chi, như vậy có phải nói oan cho Phật không! Nhất là thời nay thời nguyên tử, thế kỷ 21, nếu bắt buộc cố định vào lời Phật mà chấp hành, thì quả càng oan cho ba đời chư Phật nữa.
Riêng việc ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết, đây quả tuyệt đối là vậy, bởi vì tôi và bạn có biết gì mà nói, mà thuyết, nếu thế gian này không có Phật! Không có Phật thì đúng là ma nói chứ còn gì! Cho nên không thể lìa khỏi chân lý giải thoát của Như Lai; nếu không chúng ta lại quên mất, tất cả ngôn ngữ kiến thức thế gian đều là vọng niệm phân biệt có gì chân thật. Thế thì mặc dù câu nói đầu, không nên y bám vào kinh, sẽ oan cho Phật nhưng câu sau cảnh tỉnh cho ta, chớ dùng kiến thức phàm phu mà lìa trí vô phân biệt là tánh giác, tức chân kinh của Như Lai, điều này lại càng sai chánh pháp. Cho nên nhất định không được lìa kinh dù là một chữ; một chữ đây là chữ tâm chữ trí, chữ Phật, chữ không chấp, không dính, không lìa xa tánh giác vậy.
Tóm lại chúng ta đã hiểu thế nào là kinh liễu nghĩa, và không liễu nghĩa. Điều này căn bản giúp người vào đạo phân biệt được việc học Phật phải hướng đến giải thoát là cứu cánh, là liễu nghĩa của Như Lai, để rồi sẽ không còn phân biệt trong phân biệt.
Thưa bạn, vậy chúng ta đã tạm xong phần tứ y, phần quan trọng có thể tóm lược, kết ý lại chuyện học Phật của chúng ta. Vì đây là vấn đề nhìn lại việc học và pháp học chính mình, cũng như đối tượng nhân duyên tiếp xúc. Như thế mọi sự tác động chung quanh với người học Phật, cần phải hiểu rằng tất cả là những pháp duyên mang nhiều hình thức, hoặc thuận hoặc nghịch, nhưng thế nào cũng đều giúp ta liễu tri được con đường chánh pháp hiện ta đã và đang đi. Như thế pháp Tứ Y là pháp mà người học Phật cần phải quán sát nhiều hơn để sinh ra năng lực phát sanh trí tuệ nơi tâm.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương