Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn


Chuyện giải thoát của chư vị Thánh Tăng



tải về 1.71 Mb.
trang21/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   28

Chuyện giải thoát của chư vị Thánh Tăng

Nếu tính ngay thời đức Phật, tiêu biểu nhất là mười đại đệ tử của Ngài, như: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Ma Ha Ca Diếp, A Na Luật, Ưu Bà Ly, A Nan Đà và La Hầu La; thật biết vị nào cũng đều là bậc thị hiện sát cánh Như Lai làm rạng ngời giáo lý giải thoát. Nghĩ cũng nên nhắc lại toát yếu hành hoạt của từng vị để bạn và tôi hiểu thêm; và đó cũng là niệm nghĩ ghi ân chư vị Thánh Tăng đệ tử, đã cùng Phật hoằng truyền giáo pháp giải thoát, tạo nhân duyên nối dòng chánh pháp đến bây giờ.


Thật vậy nếu không nhờ chư vị đệ tử tiếp nối ra công hoằng truyền chánh pháp, ngày nay làm gì chúng ta hiểu biết được thế gian này có Đấng Toàn Giác đản sanh ở Aán Độ. Hay có biết cũng chỉ là lịch sử lờ mờ, và chắc chắn Đức Phật ngày nay chỉ được biết là một trong những vị thần theo quan niệm Aán Độ giáo; và điều quan trọng hơn hết, giáo lý của Ngài sẽ không phải như Ngài dạy, vì thời gian không có người tiếp nối.
Chúng ta nhất định phải ghi ân đê đầu đảnh lễ chư vị Thánh Tăng đệ tử của Như Lai có công hoằng truyền chánh pháp đến ngày nay. Trong những vị như thế vừa là người Thiên Trúc (Aán Độ) vừa là người Trung Hoa, và dĩ nhiên gần nhất còn là chư vị tôn túc người Việt chúng ta, để có thể phổ cập rộng rãi qua ngôn ngữ tiếng Việt cho đất nước Việt Nam.
Bây giờ bạn và tôi hãy tìm lại hình bóng chư Đại đệ tử trong thời đại Thế Tôn, để kính lễ tri ân quý Ngài đã làm hình ảnh nối truyền dòng pháp giải thoát; nhờ vậy từ đó, sinh ra hàng hàng lớp lớp đệ tử của Đấng Đại Giác nối tiếp nhau mãi đến bây giờ.
Xá Lợi Phất: trí huệ đệ nhất
Xá Lợi Phất được danh hiệu trí huệ đệ nhất, đây là lời tán thán khen tặng của Thế Tôn. Có thể so sánh hiện nay, người giỏi nhất thế nào Ngài phải giỏi như thế đó. Nhưng cái giỏi nhất của Ngài là chẳng bao giờ thấy mình giỏi, đó mới thật là giỏi; hay nói đúng hơn tất cả mười đại đệ tử của Thế Tôn, chẳng bao giờ thấy mình có gì hơn chư đệ tử khác của Phật. Nhưng điều Phật tán thán ngợi khen Ngài Xá Lợi Phất vẫn là một sự thật, điều đó được Thế Tôn dạy Xá Lợi Phất thay Ngài làm giáo thọ sư hướng đạo cho những người mới nhập môn.
Về nhân duyên vào đạo giải thoát của Xá Lợi Phất cũng thật kỳ đặc. Đó là việc nhận ra hình dáng thoát trần tự tại của Ngài A Thị Thuyết, vị đệ tử chứng quả Thánh của Phật; rồi thưa hỏi vài câu, trở thành nhân duyên cho Ngài khởi đầu niềm vui chân đạo, mà chưa đợi diện kiến Thế Tôn. Quả thật kiến thức thông minh của Ngài đã quá viên mãn, chỉ đợi thêm vài giọt nước giải thoát trở thành trí huệ. Câu kệ mà Ngài nghe nội dung như vầy: Các pháp đều do duyên sinh rồi cũng do duyên diệt. Đối với người bấy giờ câu nói ấy thật không phải dễ hiểu, nhưng nếu hiểu phải mất thời gian suy niệm, quán xét mới trân quý được, và chỉ quý mà thôi, lại cần được giảng giải, hoặc gặp Thế Tôn mới có thể vào đạo. Nhưng Ngài Xá Lợi Phất liền tức khắc liễu tri khi nghe kệ này. Nỗi mừng của Ngài còn được chia xẻ với người bạn thân là Mục Kiền Liên, thế là cả hai cùng vui như một. Mục Kiền Liên chẳng khác Xá Lợi Phất, cảm nhận tức thì khi nghe bạn kể.
Tìm hiểu ta thấy, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên chính là hai nhà thức giả lỗi lạc thời bấy giờ, nên trí căn lanh lợi, sớm muộn tất phải giác ngộ đạo vàng. Điều này nói lên chỉ có giáo pháp giải thoát mới vượt lên tất cả, giải tỏa hết thảy những trăn trở của thế gian. Nếu con người thời nay hay mượn kiến thức thế gian vào đạo giải thoát, hoặc đòi hỏi biện minh giáo nghĩa Như Lai phải phù hợp với văn minh nhân loại, thì hãy tìm hiểu về hình ảnh Thánh Tăng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên.
Chỉ một bài kệ nhỏ mà Ngài Xá Lợi Phất nghe, đủ chứng minh chân lý bất sinh bất diệt của đạo giải thoát, và chính người nghe là Xá Lợi Phất càng nói lên sự hợp lý của đối tượng khi quán sát giáo lý Như Lai. Bạn và tôi nghĩ sao về bài kệ đó? Vâng, đó là một chân lý, duy chỉ có bậc đại trí mới thấy thật rõ giá trị của nó; đó là sự thành lập giả tạm hư diệt của thế gian; để từ đó đưa người vượt qua sự giả tạm, tiến tới tuyệt đối hạnh phúc, mà thế gian chẳng thể nào tìm được nếu không hiểu biết điều này.
Nếu bạn và tôi hãy còn thắc mắc, bài kệ đã nói gì với nền văn minh khoa học của đời sống hôm nay? Thưa, bài kệ nói rằng tất cả sản phẩm của con người, kể cả con người đều là do vô số nhân duyên tạo thành, chứ không phải thật có, và nếu cái gì do nhân duyên tạo, tất phải giả tạm, hoài công gìn giữ! Không cần nói thêm nữa, vì nhớ lại chuyện từ ban đầu chúng ta đã bàn qua rồi về nhân quả luân hồi, cũng từ nghĩa này ra.
Cho nên phải nói, Xá Lợi Phất thật đúng biểu trưng cho kiến thức ngày nay; ngày nay người học Phật đã và đang được duyên nhập thế một cách phóng khoáng và tích cực, nên tạo được nhân duyên cho mọi người thấy, giáo lý Như Lai luôn luôn giữ được nền tảng chân lý Phật Đà trong mọi phạm trù kiến thức thế gian. Điều này há chẳng phải là việc mừng? Vâng phải như vậy; do đó người đến với đạo Phật càng có kiến thức càng có công đức thiện báo nhiều hơn, vì tự thân đã hoằng truyền được Phật pháp đến tầng lớp trí thức thế gian. Và nhất là phá đi sự mê tín dị đoan, mà thế gian thường lầm phải. Chúng ta nên tri ân sự thị hiện tuyệt đẹp của Ngài Xá Lợi Phất.

Mục Kiền Liên: thần thông đệ nhất.
Vâng đúng vậy, nhưng cũng như Ngài Xá Lợi Phất, cái đệ nhất của Mục Kiền Liên là chẳng thấy mình đệ nhất thần thông, đó chính mới là đệ nhất! Thật ra tất cả huynh đệ cùng là đệ tử Thế Tôn, khi đắc quả Thánh đều có thần thông, đều như Ngài Mục Kiền Liên không khác. Tuy nhiên Mục Kiền Liên được tôn xưng là thần thông vĩ đại, xuất chúng, vì Ngài ứng dụng được thần thông thành tựu hoằng pháp lợi sanh. Chính Đấng Điều Ngự cũng tán thán ngợi khen Ngài, và còn khuyến khích phương tiện độ sanh như vậy; ngược lại với chư vị đệ tử khác đức Phật rất hiếm đề cập việc thi triển thần thông, nếu không nói, còn quở trách những ai hiếu kỳ thi thố, dù là thi thố để xiển dương chánh pháp. Chính ngay bản thân Như Lai, Ngài cũng chẳng mấy nghĩ đến việc này, đó có phải mới là thần thông?
Vâng, thần thông thật đúng với đạo giải thoát là biến hóa được tam độc tham, sân, si; là diệt trừ được vô minh đạt đến giải thoát. Nghĩa đó mới thấy, trong thời Thế Tôn các đạo sĩ không theo Thế Tôn bấy giờ rất nhiều, họ có đủ thần thông, nhưng tuyệt đối không có lậu tận thông, tức là không thể phá được tam độc tham, sân, si, nên còn phiền não, còn sinh tử chìm mãi trong luân hồi đau khổ.
Riêng các đệ tử Như Lai, từ lúc vào đạo đến khi chứng quả, vẫn sống như người bình thường, chẳng hiện tướng gì thần bí, nhưng bình thường của các Ngài không phải là bình thường của thế gian, vì thân ở Ta Bà mà tâm nhập Niết Bàn tự tại.
Thần thông của Ngài Mục Kiền Liên hoàn toàn có nghĩa như vậy; nhưng bạn và tôi vẫn phải tin rằng, Ngài đã từng ứng hiện thần thông lên trời, xuống địa ngục, hay hóa hiện đủ thân, cả đến tiếp xúc độ loài ma quỷ. Như đã nói, việc làm của Ngài chỉ là chánh pháp, và còn có thể thay cho Thế Tôn, xiển dương chánh pháp bằng phương tiện cảm hóa người, trong việc hiển hiện thần thông nhiệm mầu huyền diệu của đạo xuất thế.
Ngày nay chúng ta so sánh nền khoa học kỹ thuật thế gian chẳng khác thần thông của Đại Thánh Mục Kiền Liên! Mục Kiền Liên có thể vân du không ngại khoảng cách, không ngại thời gian, bây giờ nghĩ ra cũng gần giống vậy. Ngày xưa cách đây vài trăm năm, không ai tưởng tượng người có thể bay, nhưng bây giờ khoa học đã làm tất cả mọi người biết bay, đến nổi em bé mới sinh cũng biết bay! Bạn không thấy mỗi ngày có hàng ngàn phi cơ cất cánh, hạ cánh sao. Trên phi cơ có đủ hạng người, thế là ai cũng biết bay. Bay mà còn được, thì còn biết bao nhiêu chuyện thần thông khác của ngày nay kể sao cho hết. Cho nên khoa học hôm nay chính là thần thông, nhưng nếu không biết dùng thần thông để sống như chánh pháp, thì thần thông có thế nào cũng chẳng mang lại giải thoát khổ đau. Việc rõ ràng như vậy, nên bạn thấy, người ta đã dùng thần thông gây tạo chiến tranh giết hại biết bao người. Lẽ này tại sao đức Phật đã ngăn cấm dùng thần thông, và chỉ dùng khi có lợi cho tha nhân chứ không phải cho mình. Nhưng tha nhân phải là số đông, hoặc thuận duyên chứ chẳng phải lúc nào cũng làm được, nếu không sẽ sai đi lý nhân quả nghiệp báo.
Nhắc đến nhân quả bạn và tôi liền nhớ, ngày ra đi vào Niết Bàn của Đại Thánh Mục Kiền Liên thật sự chứng minh nghiệp nhân quả báo là điều mà thần thông cũng phải bó tay. Đó là lẽ đương nhiên của chân lý, lại là bài pháp giải thoát cho hàng học Phật, phải tinh tấn trong việc đạt được thần thông tự tại nơi tâm, chứ không phải ngoài thân hướng đến các pháp sinh diệt.
Với chúng ta, những phàm nhân còn đầy cảm xúc luyến ái thế gian, nghe chuyện xả thân của Đại Thánh Mục Kiền Liên, ai lại không động lòng thương kính; nhưng dù thế nào nghiệp nhân quả báo vẫn là chân lý; chính cả Thế Tôn là Thầy Bổn Sư của Mục Kiền Liên không thương tưởng bằng chúng ta sao? Nhưng Thế Tôn dạy rằng Mục Kiền Liên vẫn đi vào Niết Bàn, chỉ khác hơn bằng hình thức ra đi phải chịu quả báo đền trả từ ác nghiệp kiếp xưa.
Như thế hiển ảnh của thần thông là biểu trưng cho nền văn minh khoa học thế gian của con người ngày nay, và những phương tiện của người học Phật hôm nay, đã đạt được một phần thần thông phước báo đó. Và tất nhiên phước báo đó cũng còn tùy vào nhân nghiệp hành động của ta hôm nay, để khi rời khỏi phước báo kia, vẫn hướng về con đường giải thoát.


Phú Lâu Na: thuyết pháp đệ nhất.
Lại cũng không khác chư vị Đại đệ tử lớn của Phật, và tất cả danh xưng đều do Đức Phật tán thán ngợi khen tạo phương tiện sách tấn cho hàng đệ tử sơ cơ vào đạo. Phú Lâu Na được Phật ngợi khen không ai có thể thuyết pháp độ sanh hơn Ngài. Điều đó tuyệt đối như vậy, vì lời Phật dạy không thể nghĩ bàn được, tuy nhiên quả vị cao nhất con đường giải thoát vẫn là quả Phật; do đó tất cả đệ tử của Như Lai mỗi người mỗi hạnh, mỗi phương tiện độ sanh rồi cũng quy về nhất quán. Thế thì phương tiện độ sanh dù thế nào cũng chỉ là phương tiện, để cứu cánh là làm sao tạo được chánh pháp lan xa cho chúng sanh học hiểu. Bậc đại Thánh như Ngài Phú Lâu Na tất nhiên hiểu điều này nên không bao giờ tự cho mình là đệ nhất, nếu không sẽ ngược lại lời Phật dạy.
Ý nghĩa thuyết pháp đệ nhất của Ngài, còn có nghĩa là giáo pháp Như Lai hiện đã và đang được thuyết giảng quảng bá khắp nơi. Người học Phật nào có công phát huy đạo giải thoát mà không chấp pháp, chấp tướng, không sanh tâm tự mãn, người đó đã làm sống dậy hình ảnh của Phú Lâu Na. Nhưng thế gian không phải đơn giản như chúng ta tưởng; ngay cả thời chánh pháp, thuyết pháp thành tựu như Ngài Phú Lâu Na, cũng đâu phải dễ dàng nhiếp phục người tin, nếu không nỗ lực dấn thân.
Ngày nay phương tiện hoằng pháp bằng nhiều cách truyền hình, truyền thanh, điện toán, cũng phải gặp biết bao trở ngại. Không phải cứ gom góp lời Phật, lời Thánh rồi tung rải giới thiệu cho mọi người, thì gọi là xiển dương chánh pháp! Ngày xưa bằng hình ảnh, bằng giới tướng trang nghiêm của chư vị Thánh Tăng, nên pháp ngữ có nơi y cứ chứng minh. Hơn nữa lại còn nhân duyên thù thắng, là hình bóng Thế Tôn luôn từ bi che chở, nếu không lại chẳng thể còn đến ngày nay. Cho nên hình ảnh Ngài Phú Lâu Na khi tuyên dương chánh pháp cũng là hình ảnh của Thế Tôn không khác; Phú Lâu Na không thể thuyết pháp đệ nhất mà không hiện tướng giống như Thế Tôn, nghĩa là phải thực hành sinh hoạt của một vị Thánh, mới có thể độ được kẻ sơ cơ và người trí thức. Người học Phật chúng ta thời nay cũng phải học theo hình ảnh Đại Thánh Phú Lâu Na, dùng tất cả phương tiện của thời đại, nhưng tinh thần tâm niệm hướng đến thanh tịnh trang nghiêm phải nên đặt hàng đầu. Phương tiện khoa học vận chuyển được tam tạng giáo điển Như Lai vào đời, đó là ý nghĩa thuyết pháp đệ nhất của Ngài Phú Lâu Na; nhưng phải biết phương tiện chỉ là phương tiện chứ không thể trở thành cứu cánh, khi thiếu hành động thể hiện từ phương tiện đó.
Có lẽ hình bóng Đại Thánh Phú Lâu Na sẽ đẹp mãi trong mười đại đệ tử Phật nói riêng, và tất cả những người con Phật nói chung. Và hiện nay cũng không phải ít, xuất hiện đâu đó chư vị Thánh Tăng cận đại, như là đệ tử của Ngài, đã và đang nỗ lực sống như chánh pháp, và ban những lời chánh pháp đến khắp thế gian.

Tu Bồ Đề: giải không đệ nhất.


Giải không, ý nghĩa là tự tại với các pháp, không một ý niệm dính mắc, kể cả ý niệm không dính mắc.
Hiểu về Đại Thánh Tu Bồ Đề không phải là chuyện dễ. Vì làm sao hiểu Ngài, khi danh xưng của Ngài là tuyệt đối Không! Tuy nhiên đó cũng chỉ là hình ảnh đẹp nhất trong các đệ tử của Phật; và như chúng ta biết, dù sao đi nữa cũng chỉ lấy hình ảnh Thế Tôn là chính yếu. Nhưng cũng lại nói, chính nơi Thế Tôn đã hiện ra những đệ tử tuyệt vời, để trực tiếp cho thế gian hiểu giáo pháp giải thoát của Như Lai nhiệm mầu và ứng hiện nơi chư đại đệ tử của Ngài.
Tích xưa kể khi Ngài Tu Bồ Đề sanh ra, đồ đạc vật chất trong nhà tự nhiên biến mất, hiện tượng như vậy kéo dài trong ba ngày mới hoàn lại. Sự kiện lạ này, đó là biểu hiện tánh không của Ngài khi lớn lên; và tánh không như vậy, đã được đức Phật làm sáng tỏ hơn để Ngài có thể đắc quả Giải không rốt ráo. Điều này chẳng lạ gì với pháp Như Lai, nhưng nếu chỉ dùng ngôn từ diễn nói vẫn chưa đủ ý nghĩa Không, như thế mà hình ảnh ra đời của Ngài Tu Bồ Đề hiện ra cảnh lạ vậy. Tuy nhiên nếu đời nay người học Phật cho chuyện đồ vật trong nhà biến mất trong ba ngày khi Tu Bồ Đề sanh ra, là chuyện khó tin, như thần thoại. Vậy có thể hiểu đồ đạc biến mất trong nhà, là ý nói người thân của Ngài lúc này, tự nhiên thấy rổng rang an lạc, nhẹ nhàng, trong tâm sinh ra hoan hỷ không có chấp trước người vật chung quanh.
Khi Tu Bồ Đề chính thức vào đạo giải thoát, Ngài được phát huy triệt để lý tánh về không, theo hạnh không của Ngài từ nhỏ. Từ đây là đại duyên cho chúng sanh để Phật thuyết giảng bộ kinh siêu tuyệt Kim Cang Bát Nhã, phá đi hết thảy mọi hý luận ngã pháp của thế gian, rốt ráo đưa người đi vào giải thoát tuyệt đối.
Vậy hình ảnh Tu Bồ Đề nhắc nhở người học Phật, trở về bản thể nhất như vô ngại, không sanh không diệt; và thế giới ngày nay chỉ là hoa đốm hư không, bóng trăng dưới nước, chẳng có gì chân thật. Hiểu biết tánh không để không nô lệ bám víu, không vô lý đấu tranh giành giựt vì những hình ảnh giả tạm kia. Cuối cùng hiểu tánh không để đạt được quả vị cao nhất là quả vị vượt lên phạm vi ngôn ngữ thế gian lẫn xuất thế gian, đó tạm gọi là quả giác ngộ toàn vẹn vậy.
Ca Diếp: đầu đà đệ nhất
Là vị đệ tử lớn của đức Phật, gọi đệ tử lớn ở đây không mang ý nghĩa tuổi tác ngang hàng Như Lai, mà lớn vì tánh hạnh lo cho Tăng đoàn, cho huynh đệ, bằng cách sống đúng như ý nghĩa đầu đà khất sĩ; giữ được tính thoát tục ly dục tuyệt đối. Trong giáo đoàn Như Lai thật sự cần có Ngài làm điển hình mô phạm đầu đà khổ hạnh, như thế mà Ngài được Thế Tôn tán thán là đầu đà đệ nhất. Hạnh đầu đà của Ngài chỉ có Thế Tôn hiểu rõ, vì ngoài hạnh tinh tấn dụng công cầu tu giải thoát, Ngài còn thể hiện thân giáo cho những vị mới gia nhập tăng đoàn, cũng như phương tiện nhắc nhở chư huynh đệ, chớ quên mục đích ly dục là mục tiêu chính của người xuất gia cầu giải thoát. Và hạnh đầu đà của Ngài còn để thay cho Thế Tôn thầm dạy bảo chư vị huynh đệ nào, có tâm giải đãi móng niệm hưởng thú an nhàn quên đi dụng công tu hành. Vì Thế Tôn bấy giờ khó thể thực hiện hạnh đầu đà, đó là do sự ngăn cản của hai hàng đệ tử không thể đành lòng để Thế Tôn khổ hạnh; hơn nữa tất cả một lòng mong muốn kim thân Ngài trụ thế càng lâu càng lợi cho chúng sanh. Như vậy trưởng lão Ca Diếp mặc nhiên buộc phải thay Ngài.
Việc khổ hạnh như bạn và tôi đã bàn qua, chính là phương pháp giữ được giới hạnh, giữ được nguyện lực của người tu. Và tất nhiên Ngài Ca Diếp trước và sau đắc quả, vẫn khổ hạnh như một; cho đến khi Thế Tôn vào Niết Bàn bấy giờ Ngài mới phương tiện hướng ngoại tiếp cận với Tăng đoàn một cách tích cực, để triệu tập trùng tuyên pháp ngữ Như Lai.
Như thế hình ảnh Đại Ca Diếp cho người học Phật thấy rằng, thời nào hạnh đầu đà (khổ hạnh) cũng cần phải được lưu tâm, để hạnh nguyện giới đức của người tu sĩ xuất thế còn mãi với thời gian. Ngược lại dù làu thông kinh điển, dù kiến thức Phật học cao đến thế nào, mà không cảm nhận được nỗi khổ của người, và thể hiện phần nào chia xẻ bằng sự thực hiện khổ tu chính mình, thì cả cuộc đời tu cũng chỉ như một học giả thế gian không hơn không kém. Vậy ta phải nên đảnh lễ ghi ân Đại Thánh Tăng Ca Diếp.
Ca Chiên Diên: luận nghị đệ nhất.
Trước khi Đại Thánh Ca Chiên Diên quay về Chánh đạo, Ngài là vị thức giả Bà La Môn với biện tài tranh luận không ai có thể qua được. Kiến văn thông bác của Ngài đến nổi có thể tra cứu đọc được cả một bản văn, được tin rằng đây là ngôn từ của phạm thiên, chứ không phải người thế gian viết. Nhưng Ngài chỉ đọc được mà không thể hiểu, từ nhân duyên này đã đưa Ngài gặp một người thông minh, thông bác, trí huệ hơn gấp vạn lần Ngài, đó là đức Phật; để giảng giải bài văn khó hiểu đó, và thế là Ngài phải chịu quy y xin được làm đệ tử. Đó là nhân duyên trở thành đại thánh.
Với sức học và sự hiểu biết uyên bác lại gặp đạo vàng, Ngài sớm đắc quả và được Phật tán thán là vị đệ tử luận nghị đệ nhất trong tăng đoàn. Con người của Ngài là hình ảnh dùng pháp xuất thế gian, chuyển hóa hết thảy pháp thế gian. Trước khi gặp Thế Tôn, Ngài giỏi về lý luận theo tôn giáo hướng ngoại cầu cạnh bên ngoài, bấy giờ sau khi giác ngộ giải thoát, Ngài lại giỏi hơn xưa gấp vạn lần, và điều giỏi đó tất cả đúng theo chánh pháp; nhưng giỏi nhất là có thể thuyết phục mọi người không phân biệt nếu được duyên gặp Ngài.
Thế giới ngày nay thường sống trong biện luận đấu tranh, từ trong gia đình đến xã hội, quốc gia thế giới, đó là vì chưa hiểu được chánh pháp Như Lai; nếu lấy hình ảnh Ca Chiên Diên, là lấy sự công bằng khách quan nhìn nhận giáo lý duyên sinh, nhân quả để quay lại soi sáng chính mình, thì sự nghị luận chẳng cần tranh cãi, vẫn có thể giải quyết được hòa bình, nói gì phải đổ máu hy sinh.
Hình ảnh của Ngài cũng nhắc nhở người học Phật phải tự khiêm hạ, luôn luôn nương tựa hình bóng Thế Tôn qua giáo lý giải thoát, để phá đi bản ngã chấp thủ định kiến của mình. Và tự rèn luyện cho chính mình sự nghị luận đúng với tinh thần từ bi và trí huệ.

A Na Luật: thiên nhãn đệ nhất.


Nghe qua danh xưng của Ngài, người chưa rõ câu chuyện sẽ không ngờ Đại Thánh là người khiếm thị, là vị Tỳ Kheo được chư huynh đệ thương lo vì không thể đi lại khất thực được. Chính đức Phật có lần đích thân khâu vá y áo cho Ngài, tình thầy trò ở đây khó thể diễn tả được; vì cương vị và tình thương của Phật, lại là Thầy chung của ba cõi, bốn loài. Cho nên khi biết Thế Tôn tự tay vá áo cho mình, Ngài đã xúc động không cầm được nước mắt. Việc này đối với đức Phật, tuyệt đối là tình thương không phân biệt, Ngài thương mến A Na Luật bao nhiêu, lại đối với tất cả chúng sanh khác cũng bấy nhiêu. Nghiệp quả mù lòa của Ngài đến từ nguyên do, khi Phật thuyết pháp Ngài đã lơ đãng rơi vào mê ngủ. Và khi bị Phật nhắc nhở ý thức, Ngài tự sám hối hứa rằng, sẽ không bao giờ ngủ nữa cho đến cuối cuộc đời.
Thế Tôn và các huynh đệ an ủi dạy Ngài không nên cố chấp lời hứa đó, vì biết lỗi sám hối là quý rồi, nhưng Ngài bạch thưa Thế Tôn, không thể mất lời khi đã hứa trước bậc tôn sư.
Bù lại, Thế Tôn thương xót Ngài, chỉ dạy pháp tu để có cái nhìn thấy xa hơn mà không qua nhục nhãn, thế là Ngài đạt được thiên nhãn thông. Từ đó được danh xưng là thiên nhãn đệ nhất, vì không cần phải dùng mắt thịt mà vẫn thấy xa vô ngại.
Qua hình ảnh A Na Luật, là một sự vươn lên từ lỗi lầm đổi lại được quả vị an định trong chánh pháp. Đây là hình ảnh cho người học Phật chúng ta nhận định, dù đang sống với niềm tin chánh pháp, đang chọn đi trên con đường giải thoát, chúng ta vẫn phải lầm lỗi thật nhiều. Ngài A Na Luật có phải vì chúng sanh mà thị hiện phạm lỗi ngờ ngạc này chăng? Bởi làm sao pháp âm của đức Phật cùng với số Thánh chúng đông đảo đang nhiếp tâm nghe pháp, mà A Na Luật có thể buồn ngủ được! Đây là một hành động, cảnh tỉnh người học Phật ngày nay, hãy cẩn trọng thức tỉnh trước muôn vàn cám dỗ của đời sống dục lạc, để không thôi giấc ngủ vô minh của ta sẽ không còn ai đánh thức được.
Ưu Bà Ly: Vị đại đệ tử trì giới đệ nhất
Tôn giả Ưu Bà Ly người nổi tiếng là trì giới đệ nhất, chứng minh điều này, chính Ngài đã được Tăng đoàn cử làm luật sư trùng tuyên lại tất cả giới luật Phật chế.
Dù vậy cuộc đời Ngài lại phải trải qua những thử thách của dư luận với sự dèm pha dò xét, đôi khi còn bị miệt thị, cũng vì Ngài sinh trưởng trong giai cấp Thủ Đà La, được xem là thấp hèn của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Tuy nhiên sự chứng Thánh quả của Ngài đã tạo được ấn tượng tốt cho một số người quá khích, và hơn hết nói lên giáo pháp giải thoát siêu việt của Thế Tôn là chân lý muôn thuở.
Ngày nay khi nhắc đến Phật ngôn, ‘Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, và giọt nước mắt cùng mặn’, chúng ta phải nhớ về Tôn giả Ưu Ba Ly, người đã thật chứng lời dạy của Như Lai. Cuộc đời của Ngài nếu không gặp giáo pháp giải thoát, sẽ phải về đâu? Điều này hẳn ai cũng biết, và đừng nói là người của giai cấp nghèo hèn, mà bất cứ giai cấp nào, con người nào, nếu không gặp Phật pháp, sẽ trôi lăn mãi trong vòng sinh tử; chừng ấy sáu nẻo luân hồi được sanh thân người đâu phải việc dễ, nói chi chọn lựa giai cấp này giai cấp nọ.
Như vậy sự xuất hiện hình ảnh của tôn giả Ưu Bà Ly trong Tăng đoàn Như Lai, nói lên giáo pháp giải thoát bình đẳng một cách tuyệt đối; hơn nữa địa vị chứng đạo và giới hạnh đệ nhất của Ngài, càng nâng cao tinh thần trong sáng của đạo giải thoát cho tất cả mọi người, mà không phải mặc cảm giai cấp dân tộc lãnh thổ nào.
Thật như thế, trải qua hơn hai thiên niên kỷ, giáo lý giải thoát bình đẳng vẫn hằng hữu vững bền không bị chướng ngại bởi một sắc thái dân tộc nào; như nếu có sự bất như ý đó là sự từ chối phủ nhận chân lý mà thôi. Và người học Phật đời nay hay mãi đến đời sau, bao giờ còn người học tu giới luật, thì hình ảnh Ưu Bà Ly đại biểu cho giới luật Như Lai sẽ sống mãi; ngược lại nếu không còn hành trì giới luật, không còn trì tụng lời Đại Thánh Ưu Bà Ly đã từng kết tập, thì Phật pháp chỉ còn là bóng dáng chết mang đầy tính chất mê tín dị đoan. Nhất là trong thời mạt pháp ngày nay, hình ảnh tôn danh của Ngài lại càng được nhắc đến, có nghĩa nhắc đến giới luật của người học Phật, nếu không Phật học sẽ bị đồng hóa trở thành kiến thức thế gian.
Chúng ta nên kính nguyện đảnh lễ tôn giả Ưu Bà Ly với công đức không thể nghĩ bàn này.
A Nan: đa văn đệ nhất.
Tôn giả A Nan Đà, chúng ta thường hay gọi tắc là A Nan, vị tôn giả có công vĩ đại nhất trong việc lưu truyền giáo lý Như Lai. Đúng như vậy nếu không có Ngài, thì ai lại có thể nhớ tất cả những lời Phật dạy. Chỉ có Đại Thánh A Nan mới làm được việc này. Đọc kinh Phật bạn hãy để ý, luôn luôn bắt đầu bằng câu ‘Tôi nghe như vầy...’. Và đại danh từ xưng hô Tôi, chính là của Ngài A Nan.
Nếu Ngài Ưu Ba Ly có công trùng tuyên giới luật, thì A Nan có công trùng tuyên tất cả nhân duyên pháp ngữ của Phật, trước và sau khi có giới luật. Thiết nghĩ dù luật giới là quan trọng, nhưng Ngài A Nan có phần quan trọng hơn. Vì nếu chỉ kết tập luật giới, chúng sanh sẽ không hiểu, sẽ khó tin, cho nên phải có kết tập lời dạy của Thế Tôn, lời khởi dẫn tại sao có luật giới. Hay nói tóm lại hai Ngài, A Nan và Ưu Ba Ly là hai vị đại Thánh, mà người học Phật khó thể nào trả ơn được; duy chỉ có hành trì theo lời Phật dạy mới xứng đáng với ân nghĩa của hai Ngài.
Thế kỷ hôm nay đã đi qua hơn hai mươi lăm lần thế kỷ, vậy mà pháp ngữ Thế Tôn vẫn còn đọc tụng, điều này không thể nghĩ bàn được, và điều này lại khiến người học Phật phải nghĩ đến Đại Thánh A Nan; Ngài không phải là một vị thị giả ngẫu nhiên, một vị thị giả chỉ có kiếp này!. Ngài phải là một vị Bồ Tát lớn, từng theo Phật đến vô số kiếp như Phật thường dạy, cho nên sự xuất hiện đời này của Ngài, chỉ là tiếp tục cùng Phật hoằng dương chánh pháp. Lẽ như vậy Ngài mới có một trí nhớ phi thường, trí nhớ của một vị Bồ Tát lớn, được che đậy bằng lớp hình của một thị giả khiêm cung cận kề đức Phật đến cuối cuộc đời.
Điều nữa cũng chẳng ngạc nhiên, khi A Nan có một tuổi thọ đến trên trăm tuổi, đó chỉ là lý do nán lại thế gian, để củng cố lời trùng tuyên giáo pháp Như Lai. Ngày nay pháp ngữ, luận ngữ, và giới luật của Thế Tôn cũng như của chư vị Bồ Tát Thánh Tăng đã được hệ thống hóa thành Tam Tạng kinh điển, và được đưa vào hệ thống điện toán lưu giữ, phổ biến phát hành một cách quy mô. Phương tiện kỹ thuật được tận dụng bằng tất cả khoa học, mong sao giáo lý giải thoát được phổ cập trong quần chúng. Tuy nhiên người học Phật ngày nay phải công nhận rằng dù thế nào đi nữa, vẫn không thể kéo lui được những ngày của thời Chánh pháp, Tượng pháp. Ngày đó dù lời Phật dạy rất giới hạn trong việc lưu truyền qua kinh sách, nhưng pháp ngữ của chư vị Đại sư truyền bá đến đâu, người nghe thấm nhuần đến đó, bởi họ trân quý kính tưởng thiết tha. Họ không được nghe nhiều nên ít phân tâm, ít so đo phân biệt. Ngày nay nói là kinh sách phổ cập quần chúng Phật tử rất nhiều, nhưng nhiều lại hóa thành nghiên cứu tìm hiểu phân biệt, có khi lại bình phẩm người dịch, thậm chí đến pháp tu. Như thế học Phật đã không đem lại thanh tịnh còn gây tạo thêm vọng ngôn đến chánh pháp. Do đó mạt pháp là mạt pháp lòng người ngày nay, chứ nội dung kinh điển giải thoát xưa nay vẫn là nhất quán.
Nhớ về Đại Thánh A Nan, chúng ta lại thấy Ngài vẫn còn xuất hiện qua phương tiện truyền tải pháp ngữ Như Lai đến ngày nay. Nhưng hình ảnh của Ngài lại dạy cho người học Phật ý thức rằng, kiến thức Phật học chỉ giúp chúng ta mới bước đầu gieo duyên, chứ chưa thể hưởng được pháp lạc. Thực tế việc này khi thời gian sưu tầm nghiên cứu kinh điển, ta cảm được hỷ lạc sinh ra nơi tâm, nhưng rồi biến mất vài giờ sau đó, nếu kéo dài lâu lắm chỉ đến hôm sau là cùng; bởi vì đây chưa phải là việc hành, nên chỉ cảm được bấy nhiêu.
Ngài A Nan suốt thời gian thị giả Phật, nghe không biết bao nhiêu pháp, và cảm nhận cũng không biết bao nhiêu hỷ lạc, nhưng vẫn chưa đắc Thánh quả, đó cũng là lý do đây. Do đó khi nghe Đại Thánh Ca Diếp nhắc nhở, chưa thể cùng chư Thánh Tăng kết tập kinh điển, vì A Nan chưa chứng quả, bấy giờ Ngài mới hiểu và ý thức, Thánh quả phải đến từ việc làm, từ hành đạo mà ra. Thế là chỉ có hôm sau Ngài đã đầy đủ dung nghi của một bậc chứng pháp Vô Sanh. Vậy hình ảnh Tôn giả A Nan, nhắc nhở chúng ta phải hành nhiều hơn là học .
La Hầu La: mật hạnh đệ nhất.
Theo truyện sử kể lại, Tôn giả La Hầu La là một trong mười đại đệ tử Phật, nhưng lại không thấy có gì kỳ đặc khác thường so với chín vị đệ tử lớn thường được xưng tán nêu danh. Tuy nhiên Ngài lại được đức Phật tán thán là vị tỳ kheo mật hạnh đệ nhất, điều này tuyệt đối La Hầu La đã thật chứng mật hạnh này, chúng ta phải tin lời của Thế Tôn muôn đời vẫn là chân ngữ. Không phải vì Thế Tôn trước khi thành đạo là cha của La Hầu La, nên La Hầu La được ân huệ này! Xin thưa, không bao giờ như thế; người thế gian chưa hiểu biết pháp giải thoát chỉ tu nhân đạo, còn biết xem trọng tính vô tư chân xác, như là quân pháp bất vị thân, mới có thể được nhân quần thiên hạ nể phục danh tiếng ngàn thu, huống gì là đấng Đại Giác vượt lên ba cõi.
Vậy thì Đại Thánh La Hầu La nhất định có mật hạnh, và mật hạnh này Thế Tôn biết rõ hơn ai hết! Vì chính Ngài đã tán thán. Ta lại suy nghĩ thêm, đối với chư vị Tỳ Kheo bấy giờ, quả vị A La Hán là điểm đích cuối cùng cam go thử thách của người tu đã được giải quyết. Và sự tiếp tục con đường thành Phật là những bước hành Bồ Tát đạo thành tựu cho kiếp tương lai. Do đó ngay lúc này quả A La Hán là một điều tuyệt đối hoan hỷ an lạc và an trụ. Thế có còn gì vui hơn nữa, và cũng chẳng có gì màng vui hay không vui, vì các Ngài bắt đầu vượt lên những dụng công vi tế, buông bỏ tất cả, chuẩn bị đi vào con đường khác mong đạt đến quả vị Như Lai. Thế thì như vậy, dù Phật có tán thán hay không tán thán, quả vị A La Hán đã nói lên sự thành tựu việc hành đạo của chư vị rồi; hơn nữa điều này còn làm Thế Tôn hài lòng hơn nữa. Bằng như không đắc quả, sự tán thán của Phật cũng chẳng đem lại một quả chứng nào cho chư vị, nếu chư vị không dụng công hành đạo.
Ta lại hiểu đã đắc quả A La Hán, thì vị nào cũng có niềm an lạc như nhau. Và mười đại đệ tử của đức Phật được quả A La Hán, cũng chẳng có gì hơn sự an lạc của các vị A La Hán khác. Như vậy sự đề cập đến công hạnh hành đạo, và hình ảnh dụng công kỳ đặc của chư vị nào đó, chỉ là nhắc nhở và phương tiện để sách tấn cho những hàng sơ cơ ghi nhớ, mà cuối cùng là làm sao rút ngắn đoạn đường tu, chứng quả mau hơn.
Như trường hợp Ngài A Nan được tán thán là Đa văn đệ nhất, được liệt vào mười đại đệ tử của Phật, tuy vậy Ngài chỉ đắc quả A La Hán sau khi Phật nhập Niết Bàn. Và việc này Phật có tán thán Ngài cũng chỉ là mong Ngài tu chứng quả cho mau, chứ chẳng ngoài gì cả!
Trở lại Tôn giả La Hầu La, thời gian khi vào đạo, tuổi còn quá trẻ lại bị ảnh hưởng sự nuông chìu kính thương của bậc vương giả, nên chẳng những khó tu cho mình, còn gây phiền não đến người không ít. Nhưng khi Ngài được Phật dạy, ý thức được việc tu hành lợi ích quan trọng cho mình và người thế nào, thì Ngài đã đổi tính hoàn toàn, cho đến dụng công thành tựu chứng quả A La Hán. Khi đã thành bậc Thánh giả, Ngài lại tiếp tục công phu, và có lẽ để đổi lại những hình ảnh không hay của ban đầu vào đạo, nên thường lặng thinh mặc niệm dụng công, khiêm hạ tuyệt đối; như ít giao tế với người, ít để duyên trần vào đời sống hành trì tu niệm. Và dù được hay không được hài lòng phương tiện hoằng hóa lợi sanh, Ngài chẳng thay đổi trầm tịch tu hành; nhưng đúng hơn hết, vẫn lấy việc hoằng pháp bằng thân giáo trong lối hành trì khiêm hạ tế nhị của Ngài nhiều hơn; cho nên Phật đã khen là mật hạnh, nghĩa là luôn hành trì tinh tấn mà không bao giờ để người khác biết; ngay cả chẳng chấp vào việc thầm lặng tinh tấn tu niệm.
Thiết nghĩ hình ảnh của Ngài quả thật được ca ngợi và hành theo. Sự trở ngại tu đạo lớn nhất là phô trương, tự cho mình hơn người, xem người khác thấp kém, cho nên Tôn giả La Hầu La, dù không phải có những tài hạnh nổi bật khi hoằng pháp lợi sanh, nhưng chính sự thầm lặng khiêm hạ trầm tư của Ngài, lại là bài pháp khó học và đáng ca ngợi tán thán.
Xã hội ngày nay hình thức sắc màu đa dạng, việc hoằng dương chánh pháp thầm lặng tiêu cực, lại chẳng phải là việc dễ độ sanh; vì đời sống khoa học văn minh, phương tiện học pháp đã khác rất nhiều, cho nên chư vị chứng quả, hay chân tu thạc đức, muốn độ sanh cũng đành xuất hiện mượn vào hình ảnh tiếng danh làm phương tiện. Dù thế người học Phật như chúng ta đôi khi lại hiểu lầm, nên chẳng hài lòng một ai. Người thầm lặng tịnh tu, ta cho là tiểu thừa, người phóng khoáng hướng ngoại trong tinh thần Đại Thừa Bồ Tát, ta cho quá đà sai pháp! Không biết người sai hay ta sai! Thôi thì tốt nhất, phải nói rằng ta sai! Chỉ có ta sai mới là đúng, vì xem ta đã tu thế nào rồi, mới quán xét người ta. Vậy còn cách là học hạnh Đại Thánh La Hầu La là đúng nhất.
Cuối cùng bạn và tôi phải thấy, nếu đây là sự sắp đặt thứ tự mười vị Đại Thánh chấm dứt bằng Ngài La Hầu La là người nhỏ tuổi nhất. Nhỏ nhất để kết thúc tất cả phẩm hạnh hiện ra trong mười vị Thánh nhân, và cũng rất hợp lý kết thúc chọn mật hạnh như Ngài La Hầu La bao gồm hết tất cả chín hạnh. Do vì chỉ có mật hạnh mới thật đúng ý nghĩa và tinh thần hành đạo vô chấp vô ngã vậy.
Thưa bạn đó là một vài hình ảnh sống thật và giải thoát của mười vị đại đệ tử tiêu biểu của Thế Tôn; tất nhiên câu chuyện kể về các Ngài chắc chắn không thể chính xác, vì lý do chỉ là truyền tụng trải qua nhiều thế kỷ, cũng như ảnh hưởng vào niềm tin, quan niệm của người thuật chuyện, và nhất là chẳng thể tránh được việc quá kính mộ quý Ngài, nên có thể thần thánh hóa vượt khỏi nhân cách bình dị của các Ngài. Thành ra vấn đề là hãy đón nhận những gì thực tế, những gì là bài học có thể hành xử được trong bối cảnh thời đại ngày nay. Việc nữa để hiểu mười vị đại đệ tử chỉ là tiêu biểu nổi bật, và tất cả đệ tử của Thế Tôn đều là những bậc tu hành mô phạm không sai khác, nhất là quả vị vô sanh (A La Hán) là điểm chứng đạo mà tất cả chư Thánh thể hiện xứng đáng nhất như lời Thế Tôn dạy bấy giờ.
À! Chúng ta lại quên mất trong Tăng đoàn Thế Tôn, chư vị Thánh Ni, vẫn đạt được quả vị giải thoát vô sanh không khác Thánh Tăng vậy, đó là chư Thánh Ni: Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Kế Ma, Liên Hoa Sắc v.v... Và tất nhiên chư vị Thánh Ni cũng có những hạnh tu tiêu biểu nổi bật như bên Tăng. Thật ra điều này bạn và tôi phải biết, tánh giác chỉ là một; khi chưa ngộ đạo còn mang lớp vỏ vô minh, dù nam hay nữ, nghèo hoặc giàu tất cả đều đau khổ; nhưng khi giác ngộ khơi dậy Phật tánh, thì bức tường hình tướng, kể cả bức tường kiên cố của ý thức chấp ngã cũng phải phá tiêu. Chỉ còn lại là sự chứng đắc thể tánh thanh tịnh tuyệt đối đi vào thế giới nhất như của chư Phật, và bấy giờ vượt khỏi sự hý luận thường tình. Cho nên một cách tương đối để hiểu về danh xưng hình ảnh của chư vị Tôn giả thời Phật, làm niềm tin gần gũi với những đệ tử Phật ngày nay đã cách Phật hơn hai ngàn năm trăm năm.
Như vậy lượt qua tìm hiểu mười vị đại đệ tử Thánh Tăng chứng đạo thời Phật, giúp bạn và tôi thấy được giáo lý giải thoát của Đấng Thế Tôn càng thêm rực rỡ sinh động, qua hình ảnh hành hoạt đa dạng ly kỳ của mười đại tử Phật nói riêng, và tất cả đệ tử Phật nói chung cho đến thời nay. Lại nữa dù hình ảnh mười vị Thánh Tăng chứng quả với trong những hoàn cảnh nhân duyên khác nhau, nhưng không tách rời sự hài hòa sống chung trong biển pháp; đó là điểm đẹp nhất mà người học Phật chúng ta cần suy niệm học hỏi. Như vậy ta có thể đoán biết chư vị Thánh Tăng được như thế, thứ nhất là vì chư vị đều là bậc Vô Sanh (A La Hán), và thứ hai đã thể hiện sống lục hòa như lời Phật dạy.
Vậy thì nhân đây tiếp theo mời bạn, chúng ta thử bàn về sáu pháp lục hòa xem sao.
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   17   18   19   20   21   22   23   24   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương