Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang6/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28

Luân hồi

Qua vấn đề học Phật của thế gian trong ba thời, đến đây bạn và tôi nhận ra một dòng luân chuyển của pháp giải thoát kéo dài mãi hơn mấy ngàn năm, và trong thời gian như thế, chúng sanh có duyên hoặc không duyên cũng phải trôi theo vòng luân chuyển này.


Nói đúng hơn đó là tất nhiên, có con người là có pháp, không con người không có pháp, không có pháp nghĩa là không có vọng động, không vọng động tức không còn nói gì cả. Như vậy ta hiện hữu trên cuộc đời này bởi vì ta vọng động, và mầm vọng động này gọi là cuộc luân hồi bất tận.
Bạn và tôi phải tin luân hồi một cách thực tế, và phải vừa tin vừa phải sợ nữa!
Vì sao? Vì nó đã đưa đẩy chúng ta từ thời trước Phật đến bây giờ. Thật ra từ thời Phật đến nay chỉ gần ba ngàn năm; còn chúng ta chết đi sanh lại, sanh lại chết đi từ vô thỉ đến nay làm sao tính biết được. Nhưng không phải trong vô thỉ kiếp đó không có Phật ra đời. Chắc chắn phải có, nhưng ngay trong thời chánh pháp lại có biết bao nhiêu người không duyên gặp Phật!
Đến bây giờ cũng vậy, vẫn có vô số chúng sanh nào đâu hay biết giáo pháp Như Lai đang còn hiện hữu ở thế gian, cho nên lại tiếp tục luân hồi trôi qua, trôi qua đến thời không còn một lời kinh tiếng kệ, rồi lại luân hồi tiếp nữa, cho đến thời Phật kế tiếp đản sanh cũng chẳng hay chẳng biết.
Bạn thấy đó, thật là khủng khiếp!
Bàn chuyện Phật pháp mà không nói luân hồi, xem như không nói gì cả.
Bạn và tôi không nhớ sao, chính đấng Đại Giác vẫn thường nói về luân hồi, bằng cách kể về tiền thân của Ngài và các đệ tử. Vậy huống gì chúng ta là những người sơ cơ học Phật không tìm hiểu luân hồi sao!
Nào ta hãy thử bàn việc thực tế gần nhứt của luân hồi trong sự thương yêu tham ái của con người ra sao!
Trước hết chúng ta thấy, gia đình là một đơn vị người thân gần gũi nhất. Sự hình thành gia đình, bắt nguồn từ hai con người khác phái thương yêu nhau; rồi từ đó sanh ra con cái tạo thành một đơn vị lớn nhỏ tùy theo mỗi gia đình. Gia đình càng đông con cái, chi nhánh gia đình tương lai càng đâm chồi phát khởi cứ thế mà tăng lên. Nếu như có thể quay lại cuộc đời của một cụ già đông con cháu, trở lại thành anh thanh niên, hay cô thanh nữ, thì tình cảm thương yêu phải nói rất chênh lệch khác biệt vô cùng.
Anh thanh niên, cô thanh nữ đó của thời xưa chỉ có đặt tình thương, tình yêu đến vài người; còn bây giờ cụ già đầy đủ con cháu, đã đầy ấp tình cảm, tình thương, không chỗ nào đặt hết, và trong đủ thứ tình thương đó, chắc chắn phải đặt ưu tiên hàng đầu tình yêu của thời quá khứ chồng vợ đến ngày hôm nay.
Như thế, mà động cơ nghiệp lực phải tái diễn tìm nhau thương yêu. Nếu như cụ bà, cụ ông sống đến ngày ra đi, vẫn còn kỷ niệm đẹp, vẫn thuận ý vừa lòng, thì tình yêu này sẽ còn tìm nhau sống lại. Như thế dù bà sống ở Hoa Kỳ, ông sống ở Việt Nam cũng tìm cho được; thậm chí ông là người Hoa Kỳ, bà không phải cùng chủng tộc cũng nhất định tìm lấy nhau. Chính vậy mà ta thấy nhiều cặp vợ chồng chẳng cùng sắc tộc, mà vẫn thương yêu sống đến già đến chết.
Trường hợp cụ ông, cụ bà không vừa lòng, không muốn gặp nhau nữa, vì quá sợ, quá chán ghét, bấy giờ tình cảm, tình thương lại quay qua con cháu, để trở lại gần gũi tiếp tục thương yêu. Nhưng thật oái oăm, vì nôn nóng trở lại quá sớm, nên trở thành người yêu của nó, bởi chỉ có người yêu nó mới sống gần nó, mới thể hiện tình cảm đậm đà nhất, thế là hóa ra làm chồng hay làm vợ con cháu của mình. Lại cũng có lý do nào đó, trở lại trễ, thấy nó đã lập gia đình, thế là cắn răng chịu đựng, sanh làm con nó, điều này còn oái oăm hơn!
Khi được trở lại để tiếp tục thương yêu, rồi lại gặp người khác thương mình, rồi mình thương lại, thương qua thương lại tới hết cuộc đời, rồi đời sau lại đi tìm, tìm người khác nữa, rồi lại tìm nữa, rồi, rôài không biết bao nhiêu mà tính.
Trên đây chỉ lược nói trở lại tìm người thương. Vậy còn người ghét, người không ưa, người thù địch chưa trả thù chưa thanh toán thì sao?
Thưa, cũng trở lại đi tìm, gần giống như tìm người thương vậy.
Nếu nói rằng, người dưng kẻ lạ lại đem lòng nhớ thương, thì ngược lại trong chiến tranh đẫm máu, những kẻ bắn giết nhau, nào đâu quen biết đời này, sao lại tàn nhẫn giết hại mà không thương nhau?
Đừng nói là chiến tranh chính nghĩa hay không chính nghĩa, khi hai người bắn giết nhau, tất phải có nhân duyên gì đó trong quá khứ. Nhưng vẫn không đau đớn và lạ lùng, bằng kẻ thù sanh ra ngay trong gia đình chúng ta. Cách trả thù này quả là lợi hại, tinh vi, vì chỉ sanh ra làm người thân, kẻ thù mới không ngờ được!
Chắc bạn và tôi không lạ gì những gia đình giàu có, sanh ra đứa con hư hỏng, sống chỉ làm phiền muộn gia đình, nhưng gia đình lại cắn răng chịu đựng vì thương nó hơn những đứa con khác.
Thế nó là ai vậy? Bạn dư biết!
Nhưng thưa bạn, đôi khi nó cũng là ân nhân; vì chính nó phá sản gia tài của ta, khiến ta phải thức tỉnh cuộc đời là khổ, mà nghĩ về tâm linh tín ngưỡng. Chỉ có một điều, dù ân nhân hay kẻ thù, ngay trong lúc thử thách đó ta phải khổ sở lắm; và việc tỉnh thức lại là một nhân duyên nữa.
Riêng đối với người sanh ra phải chịu cảnh cô đơn, vắng lạnh thì sao? Họ đâu có kẻ thù, cũng đâu có người thương!
Thưa bạn, vẫn có đó bạn. Trước tiên hãy nói về kẻ thù.
Kẻ thù của họ hữu hình nhưng cũng vô hình, do vì trong tiền kiếp họ sống hạnh phúc đông đủ người thân mà không biết quý, lại gây ly tán chia rẻ mọi người, khiến vợ xa chồng, con xa cha mẹ, anh xa em, bạn hữu không được gần gũi ... hành động độc ác đó là nguyên nhân tạo ra kẻ thù báo oán, họ phải chịu quả báo cô độc ngày nay.
Về thương yêu, thì khiến họ phải đau khổ khi thương người ta, mà người ta không thương lại họ, cho nên phải chịu đau khổ chứng kiến cảnh người mình yêu, mình thương, sống hạnh phúc với người khác. Sự thể này còn đau khổ hơn quả báo của kẻ thù báo oán ở trên.
Hãy nghĩ xem họ cũng như mình, tất nhiên họ phải biết ăn, biết uống, và biết thương yêu chẳng khác. Vậy biết thương yêu mà không được thương yêu, hoặc bị người yêu chối bỏ, thì còn đau đớn nào hơn. Do đó họ phải chịu quả báo là thương rất nhiều mà chẳng bao giờ được thương.
Xét như thế ta thấy, thương hay ghét, yêu hay oán, đều là động cơ trở lại. Tiếc rằng con người chúng ta lại sống bằng thương yêu, oán ghét, thành ra phải trở lại hoài.
Như vậy bạn và tôi tạm hiểu, việc tái sanh đầu thai trở lại phức tạp như thế; nhưng còn phức tạp và đau buồn hơn nữa là điều tôi sắp nêu đây; điều mà nói ra khó có người tin, hoặc có thể tin nhưng chẳng dám nói, hay chẳng muốn nghe, muốn tìm hiểu... Đó là việc trở lại của chúng ta lắm khi không được mang kiếp người, để thay vào đó là hình dạng súc sanh, thú vật. Chắc bạn còn nhớ việc những con vật có phước báo sung sướng không thua người, như chó, mèo chẳng hạn.
Chính đây là sự trở lại đau buồn của chúng ta, dù ta có phải là những con vật sung sướng nhất cũng vậy.
Có một câu chuyện do một Đại sư người Hoa lược kể, thiết nghĩ xin phép được kể ra, dù biết rằng chuyện này rất đau lòng cho người trong cuộc, đó là bà lão chứng kiến quả báo trong gia đình hiện nay. Mong rằng bà vì mọi người học Phật, vì giáo lý giải thoát, xin cho phổ biến để phần nào cảnh giác nhắc nhở đến tha nhân.
Chuyện kể cách đây chỉ vài năm; một bà lão người Tân Gia Ba, có người con trai lớn, do cuộc sống không tốt thế nào của người con trai này, khiến không sống thọ phải chết sớm bỏ bà ở lại. Khi mất đi được hai năm, một hôm bà nằm mộng, thấy con hiện về báo với bà rằng, con đang ở chùa và buồn khổ lắm. Bà bàng hoàng hốt hoảng hỏi, sao con lại ở chùa, và ở chùa làm gì; con bà trả lời, ở chùa giữ cổng. Bà sững sốt giựt mình tỉnh ngủ.
Thời gian trôi qua chưa được bao lâu, có một phái đoàn hành hương ghé ngang thị trấn nơi bà ở. Nhân duyên thế nào đó, bà biết được phái đoàn này cư trú ở địa phương có ngôi chùa mà bà mộng thấy con bà. Hỏi ra đúng tên ngôi chùa, bà liền xin họ giúp đỡ đến đó để xem hư thực ra sao.
Đến nơi, gặp Hòa Thượng trụ trì, bà liền thưa hỏi vào đề ngay, rằng ở chùa Hòa Thượng có ai giữ cửa không. Vị Hòa Thượng bảo, chùa đâu có cửa gì để mà giữ, và nếu nói giữ cửa thì chỉ có Tiểu Hổ mà thôi. Nhưng Tiểu Hổ nó là con chó! Vừa nghe tên Tiểu Hổ bà đã điếng hồn, vì con của bà hồi còn nhỏ, bà gọi nó là Tiểu Hổ.
Khi bà xin được gặp Tiểu Hổ, thì một cảnh tượng đau buồn bi ai diễn ra, người và chó đều cảm động đến rơi lệ; con chó nhận mẹ mình trong tiền kiếp, còn bà chỉ biết ôm nó mà khóc.
Đó là câu chuyện có thật, và bà lão có lẽ vẫn còn sống ở Tân Gia Ba. Đại sư kể lại chuyện này còn thêm rằng, con chó có linh tính thật lạ, nó hiểu biết và cảm thấy được sự đau buồn về thân phận nó; nên khi biết những người viếng chùa ở địa phương của nó ngày xưa, nó cố tránh đi không xuất hiện cho thấy. Còn người lạ không phải địa phương nó, thì vẫn đối xử như bao nhiêu con chó khác.
Chuyện này đối với người học Phật chẳng phải là lạ, nhưng vẫn thương tâm, và hãi hùng cho thân phận người trong cuộc. Tuy nhiên với người chưa tin hiểu luân hồi, chuyện này khó thể làm người ta tin, cho dù chứng kiến. Việc bà lão cảm động ôm con chó xa lạ rồi khóc, và chính con chó cũng ứa nước mắt; người không tin sẽ biện minh, rằng đó là sự trùng hợp, con chó mến người quá, hay nó bệnh, hoặc bà lão không được bình thường. Còn giấc mơ của bà lại càng không dễ tin nữa, vì bà già lẫm cẫm thương con quá nói gì chẳng được. Đến cả đời sống khi sanh tiền của con bà có hung dữ hay thế nào, cũng là chuyện thường thôi, bởi trên đời này biết bao người dữ đâu phải một mình con bà!
Thưa bạn dù tin hay không tin, chẳng thể sai khác một mảy may nào đối với đạo lý luân hồi nghiệp quả. Sự luân hồi là một chu kỳ tất nhiên của dòng nghiệp lực mà tự đương sự phải trải qua.
Nhưng câu chuyện trên vì quá đau thương lạ lùng, nên khiến người nghe cũng khó chấp nhận, nghĩ cũng phải! Người sanh trở lại người còn có thể hiểu, có thể thấy, nhưng người trở lại thú, thật quá khủng khiếp khó tin!
Nhưng rốt lại phải nói rằng, tại vì người ta không duyên học Phật, không buồn để ý hiện tượng mọi vật chung quanh thôi, chứ luân hồi có gì đâu lạ. Nếu người ta chỉ tin có người luân hồi, thì tại sao không nghi vấn, thắc mắc cái gì lại đưa người đi luân hồi?
Nếu câu trả lời là thần thức tánh linh, bản thể hồn phách đưa người đầu thai, thì bản thể tánh linh đó có phải là linh tánh của con người chăng? Và nếu bản tánh đúng là tinh thần diệu dụng của người thì con vật nó lại chẳng khác gì chúng ta.
Căn cứ nguyên lý chung, bệnh của chúng sanh là tham sân si; vì tham sân si, nên chúng sanh nào cũng ham sống sợ chết. Vậy con vật chẳng có con nào lại ham chết sợ sống cả, và con người cũng y như con vật, hay còn hơn nữa là khác, đó là sự ham sống vô cùng, và sợ chết kinh khiếp. Sự thật như vậy mà người ta chỉ nghe đến chết là sợ rồi, chứ đừng nói là mong chết; và nếu có người dám mong chết, là vì cái sống đau đớn quá nên muốn chết thôi, chứ như hết đau đớn, hết khổ sở, người ta lại bám vào sống ngay.
Thế là tánh thể, tánh linh, của một chúng sanh đã đưa chúng sanh đi vào dòng sống đời này qua đời khác. Chỉ có khác là tánh thể, tánh linh trong sáng sẽ đưa người về vùng trong sáng, và tánh thể đen tối đưa người vào vùng đen tối. Sự tái sanh đi vào hình dáng thân thể nào đó có khó gì với tánh thể, nghiệp thức kia; như vậy ta cũng đoán ra, chư Bồ Tát vì lòng từ bi, cũng thường thị hiện sanh vào thân thú để độ người hay độ thú chẳng hạn, việc này chẳng có lạ gì.
Và nếu người tái sanh thú, thì thú tái sanh người cũng chỉ là dòng thức nghiệp chuyển lưu ngược đi ngược lại mà thôi.
Bạn và tôi vẫn thường nghe nhân gian nói rằng, người chi tàn ác hung dữ như thú, và con thú đó sao lại khôn ngoan như người vậy! Thật ra quả đúng như vậy. Đừng nói là con thú nó dữ nó tàn ác, con người mới là hung dữ và tàn ác hơn gấp triệu lần. Người như Hitler như Tần Thủy Hoàng là điển hình đó. Và đến ngày nay, hay cả tương lai, nếu ngày nào thời nào còn chiến tranh, giết chóc, điều đó vẫn còn chứng minh được con người hãy còn hung dữ. Nếu kể ra hung ác của con người lại càng đau lòng thêm.
Chắc chắn bạn còn rõ biết hơn tôi nhiều; bạn thấy không, con người không những giết hại loài vật để ăn, mà từ hành động giết ăn đó, lại gây ảnh hưởng hư hại môi trường hoàn cảnh, làm biết bao nhiêu loài vật khác phải chết. Đến khi con người với con người chiến tranh bạo động với nhau, bom đạn vũ khí lại gây hủy hoại cả môi sinh trái đất, là nơi dung chứa sự sống của vô số chúng sanh.
Như thế bằng hành động bạo động của con người như vậy, có thể đoán ra tâm thức, tánh linh phải như thế nào một khi chuyển qua một thế giới khác. Tất nhiên không thể nào một tâm thức bạo động lại sanh vào thế giới yên nhàn thanh tịnh, và ngược lại một tâm thức thanh tịnh trong sáng, lại sanh vào thế giới tối tăm của loài vật được.
Có lẽ cũng cần thắc mắc rằng, thế giới con người hay bạo động như vậy, thì chiến tranh chính nghĩa sẽ thế nào? Và những Bồ Tát thị hiện vào những thời kỳ chiến tranh bạo động, khi ấy người theo Bồ tát tham gia trong cuộc chiến chính nghĩa kết quả ra sao?
Thưa bạn trong kinh Niết Bàn có kể câu chuyện Bồ Tát hộ pháp, phò hộ một vị Tăng, phải dùng bạo động chống trả cứu nguy chánh pháp, cuối cùng bỏ mạng. Dù vậy Bồ Tát đó được sanh vào cõi Phật, lại được công đức hơn cả vị Tăng mà Bồ Tát bảo vệ.
Những hành nghiệp riêng của chúng sanh nào, chúng sanh đó mới rõ biết, rõ biết là chịu đựng quả báo của mình, phải chấp nhận mọi hoàn cảnh thuận nghịch mà người đứng ngoài nhìn vào phải thương xót hay nể phục. Nhưng dù thế nào đi nữa, ngày nào chúng sanh chưa chứng đạo ngày đó chúng sanh vẫn khổ. Chẳng hạn vừa tỉ dụ, chúng sanh đi theo Bồ Tát làm việc chính nghĩa, nhưng vì tánh chất tham sân si vẫn còn, cho nên nghiệp báo phải còn luân hồi, cho đến khi hành động làm thiện không còn ẩn chứa tham sân si, nghĩa là phải tu đạo chứng đạo, thì tất cả hành động bình thường hay chính nghĩa mới đủ sức vươn lên, thoát khỏi lục đạo luân hồi. Như thế trong chiến tranh chính nghĩa, các quân nhân dù không phải bị nghiệp gây sự tạo ác giết người, nhưng không vì thế mà có thể sanh phước báo giải thoát được, trừ khi chiến tranh chánh nghĩa mang tính phát huy bảo hộ chánh pháp. Hiểu thêm rằng ngay cả thời Phật, số người theo Ngài rất đông, nhưng đâu phải ai cũng chứng đạo trong một đời, đó là vì tính chất tham sân si vẫn chưa gột sạch. Tuy nhiên nhân duyên được cộng sự với chư vị Bồ Tát bậc liễu đạo, tất đã gieo duyên đến gần đạo giải thoát trong tương lai.
Vậy ra mọi hành động của thế nhân, nếu còn kết chặt tánh chất tham sân si, thì sự luân hồi trở lại sẽ là mãi mãi.
Thật sự luân hồi không phải chỉ để nói đến sự vận hành sinh tử của chúng sanh, mà luân hồi là một quy trình tất nhiên của tất cả; sở dĩ chư Phật không còn luân hồi là vì các Ngài đã vượt khỏi mọi ý niệm đối đãi, vượt khỏi sự tạo tác móng niệm dục ái, cho nên tất cả đối với các Ngài không còn vấn đề để gọi là trở lại hay không trở lại, cho nên danh xưng của Phật là Như Lai, nghĩa là đến và đi tự tại.
Thế thì nếu ta không thấy ta luân hồi, thì ta hãy nhìn sự vật chung quanh có cái gì mà không luân hồi? Chính sự vật luân hồi, nên ta mới tồn tại, và chính ta luân hồi ta mới thức tỉnh để tự tại luân hồi, và vượt lên luân hồi đạt được quả vị Phật.
Sự vật luân hồi như nước uống chẳng hạn; nước được uống vào có mất không? Thưa không; chúng chỉ biến dạng rồi lại trở về làm nước của thuở ban đầu. Nhưng vì quá trình biến dạng phức tạp khó hình dung được, nên ta tưởng rằng mất, chứ thật ra vẫn còn đó. Cả con người chúng ta chỉ là những nguyên tử, những dạng chất hữu cơ tạo thành, và những dạng chất như vậy rồi cũng quay về như thuở ban đầu của nó.
Người chết tất cả thành tro bụi, vậy thì nước uống vào trong cái tro bụi tương lai, cũng chỉ giống như nước gởi tạm vào không gian, để sẽ trở về một ngày đẹp trời nào đó mà thôi.
Nhưng không phải chỉ nhắm vào những vật chất mềm mại, lưu chuyển như thân thể con người, như nước uống, mà ngay thứ vật chất mệnh danh bền cứng như kim cương, cũng chẳng khác, tức nó cũng luân hồi chẳng sai chạy. Chỉ có điều thời gian luân hồi của nó hơi lâu một tí, nhưng hơi lâu là nói theo tuổi thọ loài người, hay niên đại nhận thức của thế gian, chứ đối với tuổi trái đất nó chẳng ra gì; cho nên triệu năm, hay tỉ năm kim cương cũng theo áp suất không gian thời gian mà bị nghiền nát trở về với dạng ban đầu là những nguyên tử phân tán khắp nơi. Như vậy tất cả hình ảnh vật chất mà chúng ta thấy đều là luân hồi, trong sự nhân tạo, hay luật duyên sinh tạo mà thành, và rồi nó lại từ giả, để khứ hồi một thời kỳ nào đó, lại được tái tạo.
Lẽ này mà thế giới bây giờ đã biết áp dụng phương pháp tái dụng những nhu liệu vật phẩm phế thải, làm lại vật mới, đó là cách hiểu biết xử dụng luật luân hồi thật khôn khéo.
Đó là chuyện luân hồi trong cái vật chất bé tí trên quả đất của con người, nếu nhìn xa ra khỏi thế giới ta đang sống thì sao?
Thì cũng là một sự luân hồi thôi, nhưng luân hồi có phần vĩ đại hơn! Đó là nguyên chất của quả địa cầu hành tinh nơi ta đang ở, hành tinh này cũng đã luân hồi từ vô số tỉ năm, trước khi cả vụ nổ lớn (Big Bang) trong vũ trụ. Bấy giờ chúng cũng chỉ là những nguyên tử lang thang, như gió bụi rồi duyên tụ duyên thành, rồi duyên hình, duyên ảnh và duyên cảm chúng sanh. Hay nói ngược lại là do chúng sanh chiêu cảm.
Như vậy nếu hai tỉ năm nữa trái đất nổ tung, vỡ thành từng mảnh nhỏ, mảnh nhỏ cở lục địa Úc Đại Lợi, rồi tiếp tục vỡ, vỡ đến lúc những mảnh nhỏ bằng trái cam, lại tiếp tục vỡ, cho đến lúc thành những hạt nguyên tử lang thang hòa mờ vào vũ trụ. Đến đây không còn tên để gọi, nhưng không phải không có, và rồi một nhân duyên chu kỳ phi thường nào đó nữa, những nguyên tử có lịch sử đã từng là thân thể của một hành tinh xanh trong giải ngân hà Milky Way, lại kết mắc trở lại thành một hành tinh xanh khác, để rồi một lần nữa, một vòng luân hồi vĩ đại xảy ra. Thế là tất cả chẳng có mất!
Đối với chúng sanh, đối với những người chưa giác ngộ chứng đạo, cuộc luân hồi sẽ là bất tận, nó còn dài lâu hơn cả thời gian trái đất nổ tung, và cả thời gian tái sanh tụ lại làm một thế giới mới. Như thế chúng sanh nào hiểu biết như vậy mà vẫn không tin việc đó chỉ là luân hồi, tức tự mình chấp nhận quay theo cái khổ triền miên của sinh tử.
Những điều vừa kể, chỉ có bàn qua về hai loại chúng sanh có thể thấy được trong cuộc luân hồi, và những hình ảnh vật chất môi trường chung quanh con người, kể cả quả đất hành tinh này. Nhưng còn tới bốn cõi, con người không thể dùng mắt thường thấy được. Bốn cõi còn lại là Trời, Thần A Tu La, Địa ngục, Ngạ quỷ; cảnh giới của những chúng sanh này tất nhiên khác xa chúng ta nhiều lắm; và chúng sanh đó vẫn hiện hữu ở thế giới của họ như chúng ta đang hiện hữu nơi đây.
Về hình tướng và cách sống tất nhiên phải khác chúng ta; căn cứ theo lời Phật dạy, cũng như suy ngẫm ta có thể hiểu rằng họ không thể như con người được. Nhà Phật thường nói chánh báo thế nào sinh ra y báo thế đó.
Chánh báo là hình thù thân thể của chúng sanh, y báo là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng sinh. Hễ chúng sinh hình sắc vi tế, nhẹ nhàng, chánh báo phải trong sáng thuận theo, chứ không thể gồ ghề đen tối được.
Lấy thí dụ con bướm là loài chúng sinh sống hút nhụy hoa, cho nên tự nó hay sinh hoạt những vùng hoa cỏ tươi đẹp chứ ít khi lạc vào đống rác hôi tanh. Và những con trùng, giun, cảnh của nó phải là những nơi hôi thối, hay ẩm thấp tối đen, chứ không thể sống lộ ra trước ánh nắng mặt trời.
Tất cả chúng sinh ta thấy ở thế giới loài người, mỗi loài đều có cảnh riêng của chúng. Và trong tất cả loài, thì loài người là có hoàn cảnh cao đẹp nhất; điều này không sai, kể cả những người nghèo khổ vẫn sống cao hơn loài vật rất nhiều. Do vì không một ai lại không muốn nơi mình xinh đẹp to lớn; khi tư tưởng nghĩ như thế tất nhiên đã hơn loài vật khác. Như thế cảnh trí con người cứ vậy phát triển càng đẹp ra, và người dù nghèo thế nào, người ta vẫn nuôi trong tâm có một nơi sinh sống dễ nhìn dễ xem.
Loài vật không được như thế, vì nghiệp thức nặng nề, nên tư tưởng suy tư không được như người, cho nên chỉ đón nhận theo bản năng từ nghiệp báo mà ra, không thể tiến bộ hơn được. Như vậy loại vật dù sống đến triệu năm tỉ kiếp cũng chẳng thay đổi được hoàn cảnh.
Con người tính từ khi sống đời bộ lạc sơ khai đến nay thời gian chỉ vài chục ngàn năm, mà nay đã tiến bộ đến mức tuyệt hảo. Gần nhất của nền văn minh thế kỷ hai mươi và hai mươi mốt, cách nhau chỉ vài chục năm đã cho thấy sự khác biệt về tiến bộ kỹ thuật điện năng cơ khí một cách chênh lệch rồi. Việc này không cần kể ra nữa.
Con người được như vậy là do chánh báo hoàn toàn khác xa loài vật, nghĩa là mang được tính chất thông minh, và trí huệ siêu thoát. Tuy nhiên hình thù con người vẫn là thô kệch chướng ngại so với chúng sanh ở cõi trời, và Thần A Tu La.
Dù vậy tâm thức của cảnh giới Thần A Tu La, lại không được như cõi người về mặt phát triển tâm linh hướng đến chân thiện tuyệt đối, như tu hành chứng đạo giải thoát. Trở ngại này bởi do tánh chất sân giận nơi tâm họ, nên việc tiến bộ tâm linh thật khó. Tuy nhiên về cảnh giới, họ không bị khó khăn trở ngại trong việc di chuyển, bởi thân hình không nặng nề trì trệ như chúng ta.
Với cảnh trời, một cảnh giới mà năm cõi còn lại đều mơ ước được tái sanh, vì hình tướng xinh đẹp, tự tại nhẹ nhàng, có thể vân du biến hóa. Cảnh trí của họ tất nhiên không thể nghĩ bàn được so với cảnh giới con người. Tuy nhiên đứng về mặt học đạo giải thoát, tuyệt đối họ ít có cơ hội như chúng ta, vì một lý do đáng tiếc là an lạc sung sướng quá, nên khó thể định tâm nhận ra chân lý vô thường.
Hãy xét ngay cảnh thế gian này, sẽ thông cảm việc khó khăn học đạo của chư Thiên. Thế gian vui ít khổ nhiều, vậy mà có bao nhiêu người muốn tu vì khổ! Cho nên làm sao chư Thiên nghĩ đến việc tu, khi nhiều vui ít khổ!
Còn cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, tương xứng với chánh báo của họ; họ mang thân hình xấu ác thế nào, cảnh giới biến ra thế đó.
Do vậy những chúng sanh có hành động giết chóc, đao binh, tất cảnh giới phải là máu lửa, đen tối hiện ra. Và ngay đây ta hiểu, chẳng có cảnh giới nào cả, mà chính tâm chúng sinh chiêu cảm, biến hóa ra vậy.
*
Như thế mà cuộc luân hồi sanh đi sanh mãi tùy theo sự vận hành tâm niệm của chúng sanh.
Nếu thế gian này có thể làm người say đắm, thì tâm thức, hành nghiệp của chúng sanh đó sẽ tái sanh trở lại trong tương lai.
Nếu thế gian này đã làm một chúng sanh nào đó, mệt mỏi, chán chường, ghê tởm... nhưng vẫn không biết cách nào để lìa xa, họ vẫn phải bị nghiệp lực tái sanh trở lại, bởi vì sự chán chường của họ vẫn là nhân không lành trong đời hiện tại, cho nên vẫn làm duyên trở lại. Huống nữa không một chúng sanh nào lại không tạo nghiệp ân oán khi xuất hiện ở thế gian. Cho nên thế gian, cõi người là cơ hội duy nhất cho chúng sanh tiến lên cảnh giới thanh cao, giải thoát, và sự ghét chán thế gian chỉ tự làm mình luân hồi thêm thôi.
Nhưng người chán ghét thế gian, so với người say đắm thế gian tất phải may mắn hơn, khi họ được gặp pháp tu giải thoát, hay vị chân tu giảng đạo; họ sẽ dễ tỉnh ngộ, học tu giải thoát, cơ hội này khó đến với người say đắm thế gian.
Tới đây bạn và tôi nhận thấy, để chấm dứt luân hồi chỉ có việc học đạo giải thoát, ngoài ra không còn con đường nào khác. Và việc luân hồi của chúng ta rõ ràng là do ta quyết định. Nhưng cái quyết định này phải được quyết định ngay khi còn sống, nếu không ta chỉ phó thác cho lời chú nguyện của người sống, khi thân trung ấm vất vơ, vất vưởng chẳng biết đường đi.
Chẳng biết đường đi, ta phải đi theo hành động khi sống của mình, tức nghiệp lực thế gian đã tạo; và lời kinh tiếng kệ bây giờ chẳng thể trì kéo lại được nghiệp lực quá mạnh, quá sợ hãi mà ta đã hành động khi còn ở thế gian. Chính điểm này mà Kinh dạy, công đức người cầu siêu cho một người chết thường nghiêng về người tụng rất nhiều, kẻ chết chỉ rất ít. Tuy vậy ta vẫn nên trì tụng cho người chết nghe, bởi vì thân trung ấm dù đau khổ lúc bấy giờ, vẫn còn nghe được lời kinh, để làm duyên gặp lại đời sau. Thật may mắn cho người chết nào, lúc sống thường trì kinh học pháp, nên thân trung ấm bấy giờ tỉnh thức tụng niệm theo, và rồi sẽ nương theo lực tu của chính mình mà được vãng sanh, hay tái sanh trở lại gặp đầy đủ thắng duyên hơn. Thành ra ta có thể đoán biết, nếu người chết hiểu đạo có tu mà không được về cảnh Phật, họ phải trở về cảnh người; nhất định cảnh người mà họ trở lại phải được phước báo gấp trăm lần cảnh mà họ vừa bỏ thân ra đi. Vì cũng dễ hiểu, đáng lẽ phải vào cảnh Thánh, cảnh Phật, nay lại đổi cảnh nhân thiên, tất nhiên phải được phước báo đầy đủ. Nhưng rồi hãy cẩn thận, không thôi lại chết lần nữa, rôài lại nghe kinh, tiếp tục sinh đi sinh lại cảnh giới khổ đau này; và cứ mỗi lần sinh đi hưởng phước thế gian, ai lại chắc rằng mình không tạo ác? Tốt nhất hãy suy nghĩ thật kỹ, và nguyện hành cho được để đời sau sinh về đất Thánh.
Đến đây chắc bạn còn nhớ những chuyện đến đi tự tại của các vị Lạt Ma Tây Tạng.
Sự đến đi của các Ngài, không phải gọi là luân hồi; do các Ngài trở lại bằng bi nguyện độ sanh. Sự kiện này đã chứng minh vấn đề tái sanh thật phi thường, cũng như phương tiện xiển dương giáo pháp giải thoát thật sống động.
Một vài bằng chứng cụ thể tái sanh do bi nguyện, như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn, Ngài đã trở lại thế gian bằng tâm nguyện, và sự tìm kiếm hậu thân của Ngài, sau khi tiền thân Ngài rời khỏi xác phàm, đã chứng minh sự nhiệm mầu kỳ diệu qua cuộc trắc nghiệm con người trở lại đó.
Một đứa bé như bao nhiêu đứa bé. Nhưng tâm thức tư tưởng của đứa bé đó, lại không phải là một chú bé bình thường phàm tục thế nhân. Đứa bé đó đã làm sống lại hình ảnh của một vị Lạt Ma trong quá khứ mà cả phái đoàn tìm kiếm phải quỳ mọp đảnh lễ. Hơn thế nữa đứa bé chỉ cần ôn lại kinh điển đã học đã biết trong kiếp qua, chứ không phải ê a học hỏi từng mẫu tự trong đời này.
Nhưng độc đáo hơn hết những hoạt cảnh phương tiện nhiệm mầu đó, là tính chất một Thánh Tăng hiện bày ra đúng như một vị Thánh, nghĩa là vị Thánh Tăng đó lúc nào cũng xem mình là một con người bình thường như tất cả, và chẳng buồn để ý, quan sát người khác có kính nể mình không! Đây mới đúng là bậc chân nhân Bồ Tát.
Thân tái sanh và sinh hoạt của Ngài (Đạt Lai Lạt Ma thứ 14) vẫn còn hiện hữu, chúng ta có thể tìm hiểu trắc nghiệm lại, chẳng sao cả.
Tôi lại xin kể tiếp một vị tái sanh nữa thật nhiệm mầu kỳ lạ. Vị tái sanh này đã làm không ít người kinh ngạc, dù các người này thông hiểu chuyện tái sinh trở lại của các vị Lạt Ma.
Thường các Ngài Lạt Ma chỉ trở lại trong phạm vi đất nước của mình, hay hơn lắm cũng không khác đi sắc thái chủng dân của mình. Ở đây vị Lạt Ma này đã diễn cuộc tái sanh thật kỳ thú, là trở lại với hình ảnh một người Tây Phương da trắng tóc vàng. Và cũng như truyền thống truy tìm tung tích Thánh Tăng, qua các cuộc khảo nghiệm linh ứng, chú bé da trắng này đã làm đúng như điều vị Lạt Ma tiền thân thầm tiết lộ.
Thật ra chư vị Thánh Tăng chứng đạo, tự tại sinh tử, với bi nguyện sâu dày, nên phương tiện tùy duyên hóa hiện, thì đi vào thân hình nào chẳng được; các Ngài còn có thêå đi vào cảnh thú, cảnh địa ngục, hà huống là cảnh người, có trở ngại điều chi.
Vị Lạt Ma nói đây là Ngài Lama Yeshe viên tịch tại California – Hoa Kỳ tháng 3 năm 1984, và tái sanh trở lại làm thân chú bé người Tây Ban Nha tên Osel. Hậu thân của Ngài đã được Dalai Lama thứ XIV xác nhận chính là tiền thân của Lama Yeshe.
Cuộc đời của vị Lama Yeshe ra đi rất sớm, Ngài chỉ có 49 tuổi, lại mang bệnh nan y khi lìa bỏ xác, điều này chắc chắn là phương tiện, nhắc nhở những người đang hăng say sống chung quanh Ngài rằng: đời là vô thường bệnh khổ, nhưng quý nhất phải làm sao sống được an lạc tự tại đến giờ phút cuối. Và quả thật Ngài đã tự tại an lạc với công tác Phật sự khi mang bệnh nan y.
Hiểu như vậy để tôi và bạn khỏi ngạc nhiên tại sao một vị Lạt Ma liễu đạo lại ra đi như vậy.
Thưa vâng, phải ra đi như vậy để mới thức tỉnh chúng ta, chứ ra đi như các vị thượng thọ, lại không bệnh, thì quá khó cho người thế gian tỉnh ngộ luân hồi.
Đề tài luân hồi thiết nghĩ có thể dừng tại đây, bây giờ tiếp theo câu chuyện khác.

---o0o---




tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương