Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn


Thế gian tu Phật - Thời chánh pháp



tải về 1.71 Mb.
trang5/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28

Thế gian tu Phật - Thời chánh pháp

Phật pháp vì phương tiện nhân duyên của mỗi quốc độ con người nên phân ra ba thời kỳ hoằng đạo. Không phải chỉ lấy hình bóng của Thế Tôn, cho rằng pháp Phật chỉ ảnh hưởng trong thời Ngài xuất hiện, mà chính Phật ngôn của Ngài đã đưa Phật pháp trải rộng đến khắp không gian thời gian nơi trần thế. Thế nhưng theo giáo lý giải thoát, các pháp có sinh tất có diệt, nên sự hoằng truyền chánh đạo chẳng thể ra khỏi quy luật tất nhiên này. Tuy nhiên tự chân lý giải thoát, Phật pháp không ảnh hưởng; sự kiện gọi là sinh diệt chỉ do con người chưa chứng đạo mà thôi.


Ngày còn Phật tại thế, Phật đã dùng không biết bao nhiêu phương tiện thiện xảo đem đạo giải thoát đến với mọi người. Cụ thể có ba phương pháp để dạy con người hiểu được đạo vàng, đó là cách dạy bằng hành động không qua ngôn ngữ, gọi là thân giáo; thứ hai dùng lời nói ngôn ngữ, gọi là khẩu giáo; và thứ ba là ý giáo, tức thâm trầm tinh vi thiện xảo hơn, nhưng cũng chẳng ngoài thân giáo và khẩu giáo.
Dùng thân giáo là hình ảnh xinh đẹp, là việc đi lại tự tại trong đời của Thế Tôn. Chớ hiểu lầm Thế Tôn chỉ đẹp khi còn trung trẻ, già rồi chẳng khác mọi người! Nhận xét như vậy là cách thường tình thế gian, nhất là đa số những người ham say sắc đẹp như chúng ta. Nhưng dù ham mê sắc đẹp bên ngoài cũng không hẳn đúng nếu được đối diện với Thế Tôn ngay trong lúc Ngài tám mươi tuổi. Nghĩa là chúng ta vẫn thấy Ngài đẹp lạ thường. Phàm nhân sống đời triền phược, vẫn có người già dễ nhìn, dễ kính, dễ thương, huống gì Thế Tôn là bậc vô nhiễm an trụ an lạc chẳng thể nghĩ bàn.
Vậy Ngài đẹp ra sao?
Ngài đẹp vì nơi khuôn mặt Ngài không có vết nhăn hiện lên nỗi đau phiền lo của trần thế, dù Ngài có già đi bao nhiêu tuổi; Ngài chỉ có vết nhăn theo thời gian, thuận theo hình hài vật chất thế gian sinh diệt; và trên khuôn mặt đổi thay theo thời gian hóa già đó ánh mắt phải là xinh đẹp nhất; chắc bạn cũng phải đồng ý, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhưng làm sao diễn tả ánh mắt của Ngài! Ánh mắt mà cả thiên nhãn, thần nhãn cũng không sánh được, đó là ánh mắt Phật nhãn từ bi. Chính ánh mắt từ bi vô lượng đó, mà vẽ đẹp của Ngài khiến muôn loài say đắm.
Chúng sanh trong thời chánh pháp, trừ khi bị nghiệp lực quá vô minh nên dững dưng với nét đẹp của Ngài, ngoài ra hầu như đều ngợi khen, tán thán. Việc mục kích thân tướng oai nghiêm, nét mặt an bình thanh tịnh, và ánh mắt từ dung giải thoát, giục thúc con người phải suy tư rằng: tại sao thế gian lại có con người như vậy - con người tuyệt đẹp như thế, nguyên nhân nào phải sống đời khất thực vô gia cư?
Rồi khi tìm hiểu con người khả ái này lại là một đông cung Thái tử, của một vương triều đang giàu có hùng mạnh, thì người ta bấy giờ còn dâng cao niềm tôn kính quý yêu. Tất nhiên một khi hiểu được quá khứ của vị thầy khả kính này, vẫn có một ít người khó tránh nghĩ ngợi bất kính Ngài; tưởng rằng Ngài chẳng thể bình thường, vì không biết hưởng thụ! Nhưng khi được nhìn kỹ, hoặc được thưa hỏi Ngài, đa số cảm thấy điều suy nghĩ của họ hoàn toàn sai, tuyệt đối không đúng với con người khả kính ấy.
Từ sự kiện trên, sau khi được thông suốt, một số người bấy giờ thay đổi tư duy và ảnh hưởng tốt đến đời sống của họ.
Họ phải thực tế nhìn lại con người và đời sống đang hưởng thụ. Chẳng hạn diện mạo của mình ra sao? Sống trong hoàn cảnh thế nào, và sự đi lại trong đời sống có tìm được những gì so sánh với con người tuyệt đẹp khả kính kia?
Từ trẻ đến già tùy theo kiến thức, mà bình phẩm chính họ, để khởi sự so sánh với Thế Tôn.
Nếu là người trí thức, quan quyền, cho đến quốc vương, sự nhận định còn thâm thúy hơn; bởi vì con người khả kính này chẳng thua họ bất cứ việc chi.
Riêng hàng đạo sĩ triết gia, sống đời tâm linh, cái nhìn còn sâu hơn nữa! Họ ngắm nhìn Phật không phải chỉ thấy hình tướng, mà thấy ẩn hiện trong thân tướng đó là một tinh thần vĩ đại, một từ lực siêu quần, không thể dùng ngôn ngữ thế gian diễn tả được. Từ đó cách nhìn của họ đã phần nào rõ nét hơn hình ảnh Thế Tôn.
Cuối cùng là hạng cùng đinh, người nộ lệ, sống trong đau khổ bị người sai khiến; hạng người này không thể dám nhìn Thế tôn, nhưng nếu được nhìn Thế Tôn, cuộc đời tất nhiên thay đổi, vì nếu họ biết và dám nhìn Thế Tôn, hẳn nhiên Thế Tôn đã biết họ rồi, hay nói đúng hơn đó là nhân duyên đã đến với họ. Cũng như câu chuyện Phật đến với người gánh phân, cuối cùng cứu độ được ông trở thành chứng đạo, đó là vì thắng duyên của ông đã đến. Do đó phải nói, chính ông cứu được ông nhiều hơn là nhờ Thế Tôn, bởi vì thời đó đâu phải chỉ có mình ông sống đời khổ đau như vậy. Như thế hình ảnh Thế Tôn qua thân tướng tuyệt đẹp đã là một phương tiện thù thắng mang đến cho chúng sanh.
Khi hàng chúng sanh ý thức được thân tướng Thế Tôn, là hình ảnh thắng duyên nương về giải thoát, thì bấy giờ số lượng tìm Ngài học đạo nghe pháp càng tăng lên; thiết nghĩ bạn và tôi kể ra không biết làm sao cho hết. Chắc chắn bạn nghe rằng, trong kinh Phật thường được miêu tả, mỗi một pháp hội Thế Tôn thuyết pháp, số lượng từ Thánh Tăng đến phàm Tăng tham dự quả thật khó biết được. Nếu số lượng mắt thường biết được, con số phải đến vạn người.
Ngày nay vị thế của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn, mỗi lần thuyết pháp người ta đến nghe vẫn được vạn người, có nơi còn đông hơn nữa. Chúng ta có thể tưởng tượng được oai nghi của Đức Phật ra sao khi Ngài thuyết pháp?
Ngày xưa chẳng có hội trường rộng lớn tiện nghi như hiện nay, chẳng có dinh thự giảng đường dành riêng cho công chúng nghe pháp, vì phần lớn Thế Tôn lưu ngụ nơi rừng, và Tịnh xá của Ngài chuyên tu chứ không phải chỉ dành tập trung nói pháp. Chỉ khi nào bài pháp có tính cách phổ cập quần chúng, đệ tử mới tìm chọn một nơi dung chứa thích hợp. Nhưng dù vậy, thời đó cũng không có hệ thống phát thanh, và nơi cảnh rừng thiên nhiên, loài chim thú khó mà để yên cho người yên tâm nghe được, thế mà Thế Tôn chẳng bị trở ngại; và tuyệt diệu hơn hết, là cứ mỗi thính giả nghe pháp, tưởng rằng Thế Tôn đang nhắc nhở dạy bảo cho riêng mình.
Hàng cư sĩ tại gia nếu lần đầu tiên được chiêm ngưỡng dung nhan Phật, lại được nghe Pháp, tức thời tâm Bồ Đề sẽ thành bất thối chuyển. Hàng cư sĩ nào thắng duyên nghe được, thấy được, hai lần, ba lần, cho đến nhiều lần, như Trưởng giả Cấp Cô Độc, thì quả giải thoát tưởng đã ngấm ngầm hiện nơi trần thế. Hàng cư sĩ đầy thắng duyên này, chỉ cần xuất gia là đắc quả vô sanh (A La Hán), còn không cũng chứng quả sơ Thánh, mà tự mình không hay biết. Nói không hay biết, vì các vị này không bao giờ cho mình chứng quả vì đó là chướng ngại cho quả cao hơn.
Như thế ta nghĩ thế nào về hàng xuất gia ?
Không cần suy nghĩ nhiều, câu trả lời rằng, tất cả đều chứng quả đều thành Phật tương lai.
Nếu như trong Tăng đoàn của Phật, có những vị không tu lại sống trà trộn chỉ để lợi dưỡng hay dụng tâm ác ý, họ vẫn tạo được nhân duyên chứng đạo. Chẳng hạn Đề Bà Đạt Đa, vị tu sĩ chẳng những không tu còn chống phá Phật; tuy nhiên Ông vẫn được Thế Tôn nhắc đến, là một thiện tri thức, giúp Ngài thành tựu trên đường hành Bồ Tát đạo, và tương lai Đề Bà Đạt Đa vẫn thành chánh giác. Dù thế trước khi thành đạo những vị như vậy phải chịu quả báo nặng nhẹ tùy hành nghiệp của mình.
Nhưng thưa bạn, số Tăng sĩ sống gần Phật mà không chịu tu, số này rất ít, rất hiếm; nhưng lại đôi khi họ là những vị Bồ Tát bí mật thị hiện, đóng vai nghịch duyên giúp cho hàng sơ cơ xuất gia gặp Phật lần đầu, luyện tâm, cấp tu chứng đạo; và quan trọng nữa để Phật lấy đó chế ra giới luật cho hạng đệ tử hậu lai tu học.
Chúng sanh tu Phật cả hai giới xuất gia tại gia trong thời chánh Pháp quả thật là thắng duyên; đến cả những người không có niềm tin Tam Bảo bấy giờ, vẫn tạo được duyên, nếu khu vực sống của họ được duyên cúng dường các vị Thánh Tăng khất thực. Một cử chỉ một hành động bố thí cúng dường, như là thí cơm sớt bát cho người khất thực dù không dụng tâm vẫn tạo duyên giải thoát. Họ sẽ giàu sang đời sau và tiếp tục được gặp hình dáng Tu sĩ Phật giáo, cho đến khi thức tỉnh hiểu được việc làm của mình không còn là cầu phước bình thường nhân thiên giàu có, từ đó tiến tu trở thành Phật tử.
Ngày nay ta cũng chẳng ngạc nhiên lắm, tại sao nhiều người trong chúng ta không sanh nơi đất Phật vẫn sống an nhàn hạnh phúc thú vui vật chất, và ngày nay chính tại linh địa Phật hiện, không tránh được số người nghèo khổ xin ăn. Xét lại như trên vừa nói, có lẽ ta đã có gieo duyên bố thí cúng dường, nhưng chẳng dụng tâm cầu giải thoát, nên được phước báo không nghèo, nhưng chẳng có duyên hiểu Phật. Và như có duyên hiểu Phật bây giờ, quả là việc đại duyên. Còn số người sống nơi đất Phật lại chẳng được như ta, chắc cũng có lẽ vì ngay thời Phật không duyên gặp Phật, lại chẳng hành bố thí cúng dường, nên vẫn còn lưu lại nơi đất mình sanh, mà quả thì khổ hơn trước.
Trong vòng sinh tử con người chết đây, sanh kia là lẽ thường, nhưng lại có khi tái sanh mãi vào một chỗ cũng chẳng phải lạ. Tất cả là do dòng tâm thức dục ái đẩy đưa, và chỉ có đương sự mang dòng nghiệp thức đó mới cảm nhận hơn ai hết.
Nhưng xin thưa bạn, dù sao sanh được nơi đất Thánh vẫn có một điều gì duyên phước. Dòng từ lực của các bậc Thánh Tăng của những người chứng đạo, chắc chắn vẫn còn ẩn hiện tỏa khắp nơi này. Và con người có thể sống cảnh khổ nơi đây, nhưng tâm thức họ ít nhiều cũng được ảnh hưởng ‘từ trường’ của âm hưởng từ bi trí tuệ từ nơi linh thiêng thánh địa này. Ta có thể nghĩ rằng, nếu chư Thánh nhân đã có ý xuất hiện một nơi nào đó làm cứ điểm khai dòng Thánh trí, thì khi hoàn mãn nguyện lực trở về, các Ngài lại không thể nào bỏ luôn chẳng đoái hoài nhìn lại, và chỉ cần cái nhìn lại của các Ngài thôi, chúng sanh nơi đây sẽ được ân hưởng từ lực Thánh nhân gia bị.
Về các loài chúng sanh không phải là người, là loài sinh vật sống ngay trong thời chánh pháp, sống những địa phương có thắng duyên được kim thân Phật và chư đệ tử của Ngài đi lại hóa duyên hoằng đạo. Chắc chắn chúng sanh này ít nhiều phải có nhân duyên lớn. Bạn và tôi thử tưởng tượng xem, giả như chúng sinh loài côn trùng ẩm thấp dưới đất mà bị chư Thánh Tăng dẫm đạp, việc này kết quả thế nào đối với chúng?
Trước hết nên nghĩ rằng, các vị Thánh Tăng không có lỗi sát sanh vì các Ngài hoàn toàn không cố ý, nói đúng hơn tuyệt đối mãi mãi không cố ý, ngược lại các Ngài luôn luôn trì chú hay dùng lòng từ ban rải đến tất cả chúng sanh mỗi khi động thân bước vào đời sống. Điều này cũng tự nhiên thôi, các Ngài đã có lục thông, nên thần nhãn thấy được vô số chúng sanh hiện hữu khắp nơi. Như thế nếu có sự dẫm đạp, đó là nghiệp duyên của chúng sanh đó phải trả nghiệp dưới chân các Ngài, nhưng được trả nghiệp từ tác lực của từ bi, của thanh tịnh thì sự bị trả nghiệp này kết quả lại được sanh lên, chứ chẳng bao giờ đi xuống, vì như đã nói các Ngài luôn luôn tâm niệm đem thân thanh tịnh hồi hướng cầu nguyện cho chúng sanh giải thoát khổ, qua cách trì chú trải lòng từ.
Riêng đối với những con vật có tâm sân giận khi chết dưới chân các Ngài, chúng vẫn thọ hưởng được từ lực gia hộ như thế mà tội nghiệp cũng giảm đi.
Nói về những chúng sanh nhỏ nhít hữu duyên Phật pháp như vậy, tới đây tôi lại suy nghĩ; thế tại sao Phật vẫn dạy mỗi năm phải an cư ba tháng mùa mưa, nhằm mùa côn trùng sinh sản, sự đi lại sẽ gây chết chóc cho chúng.
Chúng ta nên hiểu không một việc gì của Thế Tôn dạy bảo mà không hữu lý, mà không đem lại lợi lạc cho chúng sanh; vì đơn giản Ngài là Phật, là đấng Đại giác Từ bi, không còn như phàm nhân sống chết chỉ vì tự ngã. Sự việc Ngài dạy phải an cư, có lẽ không phải tuyệt đối chỉ vì côn trùng, mà nhất định còn nhiều ý nghĩa khác.
Xét lại việc trải lòng từ mỗi khi động thân của bậc thanh tịnh, việc đã bàn ở trên vẫn đúng như lời Phật dạy; nhưng bạn và tôi nên hiểu, không phải chúng sanh nào cũng đều dễ dàng kết duyên Phật pháp, vì chúng là loài sanh ra do nghiệp khổ đọa, sống ẩm thấp dưới chân người. Do đó bị dẫm đạp chết đi, phần lớn không tránh được mang tâm sân giận. Trong lúc sân giận mà chết, dù được từ lực gia bị của bậc thanh tịnh, chúng sanh này vẫn phải theo tánh sân mà đọa khổ ở mức độ tương xứng.
Việc nữa trong Tăng đoàn đệ tử Thế Tôn, vẫn còn những vị chưa chứng Thánh quả lỡ như các vị này, quên nhiếp tâm chánh niệm trong khi dẫm đạp côn trùng, thì thật tội nghiệp cho chúng sanh kia, chúng chẳng hưởng được sự gia trì nguyện lực từ bi nào cả.
Cuối cùng, có lẽ rằng, trong mùa an cư mỗi năm, là dịp để chư Tăng được nhiều nhân duyên gần Phật học hỏi. Cũng như tạo cơ hội rộng rãi cho chư vị thiện nam tín nữ gieo duyên cúng dường tạo phước, vì các Ngài không thể khất thực hóa duyên, mà trải lòng hết được tất cả mọi địa phương dân chúng.
Rồi từ việc lui tới cúng dường chư Tăng, quý cư sĩ Phật tử sẽ học được sinh hoạt Tăng đoàn, gieo duyên xuất gia giải thoát. Và một điều chắc chắn rằng, sự vắng mặt khất thực của chư Tăng vài tháng trong năm, tạo nên sự xuất hiện vừa phải của Tăng đoàn vào nhân gian, để hình bóng giải thoát không bị người ngộ nhận hiểu lầm, mà mang trọng tội.
Đó là điểm qua một vài nhân duyên học Phật của chúng sanh trong thời chánh pháp.
Thời Tượng pháp
Bây giờ thử nghĩ về thời tu học của chúng sanh sau khi Thế Tôn vắng bóng vài trăm năm.
Khi Thế Tôn nhập Niết Bàn tại rừng Sa La song thọ, Ngài ân cần nhắc nhở các đệ tử, hãy mạnh dạn nói ra những gì còn vướng mắc nếu thấy giáo pháp Thế Tôn có gì khó hiểu đáng nghi. Ngài lại từ bi tế nhị dạy bảo, như vì tôn kính Như Lai không dám thưa thỉnh làm phiền trong giờ phút này, thì thỉnh nhờ huynh đệ thưa hỏi, cũng chẳng có sao.
Cảnh vật bấy giờ vẫn im lặng và tuyệt nhiên thanh tịnh.
Rõ ràng là Bậc Toàn Giác siêu nhân, ngay lời ân cần dạy bảo từ bi của Ngài đủ chứng minh giáo lý giải thoát vượt lên tất cả, và đó chính là diệu pháp chân như lìa xa ngôn từ đối đãi của phàm nhân. Cho nên nơi đây không còn gì phải tra vấn thưa hỏi.
Duy có một điều ghi lại rằng, Phật có trả lời thắc mắc nghi vấn của A Nan, rằng khi Thế Tôn không còn trên đời này, thì Giới luật chính là sự có mặt của Thế Tôn. Thiết nghĩ, không phải Ngài A Nan chỉ thưa thỉnh ngay giờ phút Phật vào Niết Bàn, mà Ngài A Nan luôn luôn thưa hỏi, vì Ngài dư biết Thế Tôn không thể phương tiện sống hoài với chúng sanh. Việc nữa dù A Nan không thưa hỏi, chắc chắn Thế Tôn cũng dạy như vậy, bởi đó là tất nhiên của giáo pháp giải thoát, nếu không Phật pháp chỉ còn tên gọi, mà chẳng mang lại an lạc giải thoát cho chúng sanh.
Như vậy, Thế Tôn đã hài lòng tự tại đi vào Niết Bàn; chư vị Thánh Tăng đệ tử của Ngài cũng tiếp nhận lời di huấn cuối cùng làm hành trang hoằng pháp kế nghiệp Như Lai.
Phải nói, lúc bấy giờ là thời kỳ hoằng pháp thật tích cực, chư vị Thánh Tăng đệ tử hiểu rằng, nếu không xiển dương hoằng truyền giáo lý Như Lai, chánh pháp có thể sẽ bị mai một. Do đó một hội nghị triệu tập trùng tuyên lời Phật dạy ngay sau Thế Tôn nhập diệt không bao lâu; và mỗi lời nhắc lại Phật ngôn đều trở thành kinh tụng hằng ngày. Ngoài ra chư Thánh Tăng còn phải dụng công tinh tấn hơn nữa, để làm mô phạm cho người học Phật hiểu rằng, giáo pháp Thế Tôn vẫn mãi là chân lý, nghĩa là dòng pháp giải thoát của Như Lai, ai tu cũng đều chứng đắc, chứ không phải chỉ nương dựa hình bóng Thế Tôn mới có an lạc. Như thế, các Ngài phải nỗ lực tu, để mọi người nhìn các Ngài mà không quên Đấng giải thoát.
Trong bối cảnh tuy u buồn thương cảm vắng bóng Thế Tôn, nhưng mọi người lại tỉnh ngộ rằng, chính Thế tôn là bậc Đại giác, bậc tự tại sinh tử mà vẫn phải ra đi thuận theo định luật vô thường có sinh có diệt, vậy huống gì kẻ nhiều phiền não và chưa chứng đắc Thánh đạo như chúng ta. Và cứ theo trình độ tư duy, liễu tri giáo pháp, tất cả mọi người bấy giờ nhận ra biến cố vắng bóng của Thế Tôn là một bài học vô vàn cao quý.
Có người nghĩ xa hơn nữa; họ cảm thấy phải có trách nhiệm bổn phận tiếp tay cùng chư vị đệ tử lớn của Phật hoằng dương chánh pháp, đó là cách đền ân Phật tổ, hồi hướng công đức cho đạo quả chóng thành.
Họ nghĩ rằng, rồi đây thời gian trôi đi, chư vị Thánh Tăng cũng phải nhập diệt, vậy còn ai tiếp nối quý Ngài! Và rồi thế gian sẽ lui về như thời chưa có Phật, thì khổ cho chúng sanh biết chừng nào!
Nghĩ như thế, họ tự thân tu niệm, hoặc hoan hỷ khuyến khích tán thán người trẻ xuất gia.
Rồi thời gian cứ trôi, chánh pháp đã trở thành tượng pháp. Nhưng thế hệ đệ tử của chư vị Thánh Tăng vẫn còn, cho nên người học đạo thực hành giáo pháp vẫn chưa thoái thất. Vì gương sư phụ của họ vẫn là những Thánh Tăng; sư phụ của họ chỉ mới có vài đời tính từ Đức Phật, thế là họ vẫn tìm được sự an định nhất tâm khi hành đạo. Lại nữa những gì họ dạy cho người sau, chứng cớ đã quá rõ ràng khi nhắc lại chư vị tổ sư của mình là ai, đã tịch diệt thế nào trong giáo pháp giải thoát.
Với hàng cư sĩ tại gia, lần đầu nghe giáo pháp, nỗi mừng xúc động của họ đến tột cùng, vì những câu chuyện thật chẳng phải xảy ra mơ hồ không thực tế, bởi vì hơn hết, trước mặt họ là những Thánh Tăng đức độ, thanh tịnh tuyệt vời, đang nghiêm trang kể ra câu chuyện Phật. Niềm tin của cư sĩ càng hơn nữa khi nhận định rằng đệ tử Thế Tôn được như vậy, thì Ngài phải thế nào; do niềm tin kính ngưỡng như thế, khiến họ càng hộ trì Tam Bảo hơn, và cụ thể sống xứng đáng với danh nghĩa người đệ tử tại gia của Đức Phật.
Thế rồi thời gian tiếp tục trôi, thời tượng pháp dần lùi xa hơn; bấy giờ chư Thánh Tăng biết được việc này, nên hễ gặp nhân duyên thời tiết con người thế nào, các Ngài liền tùy thuận hóa độ chúng sanh thế ấy.
Từ đó chư vị đã mặc nhiên, chấp nhận hai khuynh hướng xiển dương chánh pháp, qua việc học và hành, trong cả hai mặt bản thể và hiện tượng, cốt miễn sao phương tiện đưa chúng sanh đồng về tánh giác.
Xét nghĩ rằng đây là điều tất nhiên của những người thật tâm học Phật trong thời xa chánh pháp.
Ngày còn Phật tại thế, thân tướng oai nghi của Thế Tôn cũng như vẽ đẹp trang nghiêm Tăng đoàn đệ tử, là một thật chất hình thức, có thể khơi tâm bồ đề cho chúng sanh nào có duyên gặp được, và sự thanh tịnh của chư đệ tử Thánh Tăng lại càng hiện rõ khi đạt được thánh quả tự tại trong sinh tử. Điều này hầu hết người học Phật bấy giờ đều cảm nhận được. Hay nói rõ hơn, kim thân Thế Tôn là tất cả, thể hiện sự chứng thực tuyệt vời cả hai mặt bản thể và hiện tượng; do vậy người học Phật ít rơi vào phân biệt.
Hiểu được điều này nên chư Thánh Tăng đệ tử của Ngài biết mình phải làm sao.
Chư vị Thánh Tăng nào tự hiểu được căn hạnh của mình tùy duyên với nghiệp hạnh độ sanh, nên theo đó giữ lập trường duy trì truyền thống sinh hoạt của Thế Tôn. Thế là các Ngài sống y như thời Phật, chẳng hạn: khất thực, ba y một bát, ngày dùng chỉ một bửa ăn trưa (ngọ trai); hạn chế giao tiếp với cư sĩ, ngoại trừ có duyên sự đáp lại lời thỉnh mời thuyết pháp, hay trở về thăm bệnh hóa duyên người thân thuộc. Tóm lại chư vị cố gắng giữ được hình ảnh sinh hoạt của Thế Tôn giống chừng nào tốt chừng ấy.
Thời nay chúng ta gọi chư vị theo đường hướng như vậy là Thượng Tọa bộ theo hệ phái truyền thống.
Riêng phái còn lại, chư vị Thánh Tăng có tư tưởng phóng đạt, nghĩ rằng duy trì hình thức của Thế Tôn không hẳn đúng thâm ý Đức Phật, mà phải bằng thật chất liễu nghĩa Thế Tôn dạy, nghĩa là giới hạnh mới là quan trọng; còn hình thức tùy duyên hiện cảnh. Thế là chư vị hội nhập vào thành thị tiếp cận quần chúng. Và tất nhiên như trên đề cập, chư vị Thánh Tăng có tinh thần phóng khoáng như vậy, nhất định phải hiểu căn hạnh và nghiệp hạnh của chính mình mới có thể thuận duyên làm được. Thời nay ta gọi phái tu này là Đại chúng bộ, hay phái cấp tiến.
Như thế sự phân chia hai hình thái hoằng pháp của Tăng đoàn đều nhất quán, phá mê khai ngộ cho chúng sanh. Tuy nhiên nếu không đúng với căn tánh hoàn cảnh mà gượng ép cố chấp hành đạo, e làm mất đi nét đẹp của giáo lý giải thoát, và còn hại ngược lại chính mình.
Thiết nghĩ thêm rằng, hai bộ phái bảo thủ và cấp tiến như vậy, tưởng đủ hài hòa được căn tánh phức tạp của chúng sanh cho đến ngày nay một cách cụ thể.
Nếu phái truyền thống không phải rời xa Tịnh Xá để sống đời an trụ, thanh bần giữ đạo qua hình ảnh Thế Tôn, tạo nên bài pháp sống động giúp hàng cư sĩ rõ biết chân dung đời sống Thế Tôn, thì phái cấp tiến lại đi vào quâàn chúng khơi dậy giáo điển Như Lai để chứng minh rằng, giáo lý giải thoát tự nó là vô nhiễm vô ngại giữa dòng đời ô trược nầy.
Và nếu phái truyền thống nhắc nhở người tu theo phái cấp tiến, chớ quá sa đà quên đi lịch sử ngày xưa hình ảnh của Thế Tôn, là bậc toàn giác cũng phải sống đời tri túc mới liễu đạo, thì phái cấp tiến cũng nhắc nhở chư vị tu theo truyền thống rằng, tinh thần từ bi và trí huệ của chư Phật không hạn cuộc với bất cứ hình thức nào, và tất nhiên cả hai phương diện cùng đi về cứu cánh giải thoát.
Như thế ta thấy cả hai phái hỗ trợ cho nhau, cùng giữ được dòng pháp giải thoát lưu lộ qua không gian thời gian biến đổi.
Thời Tượng pháp cách Phật trên năm trăm năm như vậy, nhưng con người vẫn còn tinh thần học đạo rất sâu; dù vậy không thể so với ngày còn Phật. Tuy nhiên giáo điển Như Lai trong thời Tượng pháp bắt đầu vượt ranh giới truyền đến các lãnh thổ quốc gia khác.
Các Thánh Tăng tùy phương tiện, nhân duyên và khả năng của mình mà du hành giáo hóa. Ngày nay chúng ta nghe qua các tông phái, gọi là Bắc tông, Nam tông, Nguyên thủy, Cấp tiến v.v... đều phát khởi từ lòng đại bi hoằng hóa lợi sanh của chư vị đệ tử Phật.
Cho đến hôm nay công cuộc hoằng truyền chánh pháp vẫn luôn tiếp diễn và sự truyền đạo giải thoát ngày nay được xem quá dễ dàng bằng nhiều phương tiện, như sách báo, truyền thanh, truyền hình và nhất là mạng lưới thông tin Internet; tuy nhiên chẳng thể so sánh bằng thời Tượng pháp, vì mỗi hình ảnh chư Tăng xuất hiện là mỗi hình ảnh giải thoát, do đó người học đạo tri nhận trực tiếp giáo điển Như Lai một cách chân thật cụ thể.
Chứng minh điều này là nhiều ảnh tượng chư Phật, Bồ Tát đã được dựng lên trong thời Tượng pháp, mỗi khi chư Tăng hội nhập đến một quốc gia nào. Thời ấy kỹ thuật thô sơ, đời sống chỉ chú trọng vấn đề ấm no là hơn hết. Nếu phải đề xướng, phát huy một tác phẩm nào, tất nhiên tác phẩm đó phải đủ tiêu chuẩn, đủ nét độc đáo nghệ thuật, hợp tính nhân sinh bấy giờ. Và muốn xây dựng một công trình nghệ thuật nào, nếu quy mô vĩ đại, tốn nhiều công sức tài vật, tất phải được sự chấp thuận của chính quyền sở tại, và nếu là văn hóa nghệ thuật nước ngoài lại càng được nghiệm xét nghiêm ngặt hơn.
Như thế ta thấy chư vị Tăng sĩ ngày xưa khi hoằng đạo, tại các quốc gia xa lạ các Ngài phải khó khăn thế nào. Nhưng rồi chẳng trở ngại chi, vì tự thân các Ngài đã chứng đắc đạo pháp, nên không những thành tựu truyền giáo, mà còn phát huy giáo pháp Như Lai một cách rực rỡ, bằng chứng đó là những hình ảnh tôn tượng Đấng Như Lai luôn được xây dựng không ngừng. Chúng ta hãy nhìn xem di tích còn lưu lại từ xưa sẽ biết. Có thể nói, tín ngưỡng của nhân loại, tính thời gian quá khứ từ hai ngàn năm trở lại đây, không có tượng ảnh nào nhiều và lớn hơn tượng Phật.
Thế thì người gieo chất liệu giải thoát thành tựu, thì người chiêm ngưỡng hưởng ứng tất phải ảnh hưởng theo.
Đa số chư Tăng lên đường hoằng đạo trong thời tượng pháp, hầu như đều cam khổ với sự phi thường xả thân vì đạo. Các Ngài từ bỏ quốc thổ của mình chỉ mong mọi người được duyên học Phật, điều này càng làm chúng sanh xúc động tri niệm ân đức nhiều hơn.
Người học Phật có lòng kính ngưỡng tri ân sâu xa thì việc thực hành mới tha thiết, như vạäy ta có thể đoán mười người học Phật thời tượng pháp có lẽ chắc được đến bảy người liễu đạo.
Thời mạt pháp
Bàn về thời mạt pháp, là nói chuyện tu học của chúng ta thời nay, nhưng nói mạt pháp cũng là tương đối! Thôi, để chuyện tương đối hay tuyệt đối sẽ bàn sau, việc quan trọng thực tế là đời nay so với thời chánh pháp và tượng pháp chúng sanh tu Phật phải thế nào?
Trước hết chúng ta hãy bàn về chúng sanh là loài người, sau sẽ nói một ít chúng sanh khác.
Hoàn cảnh thế gian hiện tại.
Tính đến bây giờ, chúng sanh đã cách thời Phật hơn hai ngàn năm trăm năm. Giả như tính theo tuổi thọ con người khoảng bảy mươi tuổi, thì thời gian cách Phật hơn ba mươi bảy lâàn đời người, nếu người đó vừa chết đi liền tái sanh lại.
Ba mươi bảy lần chết đi rồi sanh lại cho đến hôm nay vẫn chưa thấy xuất hiện một vị Phật khác, quả thật người này vô phước biết bao!
Nhưng người đó là ai? Chính tôi và bạn! Chính những người học Phật như chúng ta. Nhưng không! Chúng ta vẫn quá may mắn. Bởi vì có vô số chúng sanh, sanh ra trước Phật, rồi chết đi sống lại đến hơn ba mươi bẩy lần vẫn không hiểu biết về Phật, những người như thế còn vô phước hơn!
Nhưng cũng chưa đâu bạn, họ vẫn may mắn lắm, vì có vô số chúng sanh, sanh ra trước Phật không được mang lớp người chỉ mang lớp thú, rồi mãi đến đời nay vẫn còn làm thú đó mới là vô phước.
Nhưng lại còn một hạng chúng sanh đau khổ hơn nữa; đó là hàng chúng sanh, sống đời địa ngục từ thời Phật cho đến đời nay vẫn chưa thoát khổ, chúng sanh này mới đau khổ thống thiết hơn.
Như vậy chúng sanh nào mang được kiếp người, điều này quả là may mắn, cho dù chúng sanh đó chưa một lần có duyên học Phật. Bởi việc học Phật chỉ là nhân duyên, sớm hay muộn rồi cũng biết. Do vì mang quả báo làm được kiếp người, điều đó nói lên chúng sanh này đã trải qua một thời làm thiện, nếu không chẳng được thân người.
Nói như vậy, chắc bạn không thể không nhắc đến, những người phải chịu kiếp khổ, nghèo đau, bệnh tật, thì đâu có phước gì!
Thưa bạn, cũng vẫn có phước, vì họ đang trả nghiệp để rồi chuyển nghiệp, họ đang đau khổ để rồi thức tỉnh, để rồi chuyển hóa khá hơn trong đời sau.
Duy chỉ có một điều là thời gian thôi.
Bạn nghe tôi mới vừa nói là sớm muộn đó, nhưng trong sớm muộn là một đau khổ. Vậy vấn đề, là trong cái sớm muộn, xin đừng để khoảng giữa lạc vào kiếp chúng sanh không phải là người, đó mới là điều lo ngại nhất.
*
Bây giờ hãy phóng cái nhìn rõ hơn, với hoàn cảnh ngày nay trong thời không Phật.
Hoàn cảnh ngày nay gọi là thời kỳ nguyên tử, thời kỳ văn minh kỳ diệu của nhân loại trên thế gian. Thời nay một người tầm thường cũng có thể làm một việc kỳ diệu, mà người của ngày xưa phải gọi là phù thủy; đó là nói tới sản phẩm kỹ thuật văn minh nhân loại đang tiêu dùng. Và ngày nay, tất nhiên cũng hết sức nguy hiểm cho tánh mạng con người, phải bị đe dọa bởi những sản phẩm xuất phát cũng từ bộ não thông minh của nhân loại mà ra.
Ngày nay ta không thể kể hết những tiện nghi, thọ hưởng sung sướng khoái lạc so với ngày xưa. Nhưng rồi chính ngày nay cũng đã và đang phát sinh đủ thứ rắc rối khổ đau, do vô số tiện nghi mà con người cố công chế biến.
Vậy hoàn cảnh Phật pháp ngày nay tất cũng đi vào biến động này.
Ngày xưa từ thời Chánh pháp đến Tượng pháp, sự chướng ngại của việc học Phật không ngoài cơm áo, và một ít hưởng thụ thô sơ. Ngày nay sự chướng ngại đã đến mức kinh hoàng, vì những cám dỗ vật chất, những trò chơi giải trí chất ngất đầy dẫy ở thế gian. Chướng ngại như vậy làm sao con người có thể dũng tâm từ chối.
Dù rằng ngày nay chiến tranh chết chóc vẫn liên tục xảy ra, nhưng vẫn không thể làm người thức tỉnh nhận định đời là một tuồng cảnh khổ đau, do lòng tham lam ham muốn gây ra. Như vậy dù chết chóc khổ sở triền miên của ngày nay nhiều hơn ngày xưa, nhưng cũng không làm nãn lòng chặn đứng sự lôi kéo quyến rũ đam mê vật chất dục lạc.
Hoàn cảnh khó khăn như vậy của ngày nay, lại trở thành khó hơn, đó là Thánh Tăng không thấy xuất hiện. Do đó dù kinh sách phương tiện học Phật hôm nay thật nhiều, thật dễ tìm kiếm, nhưng cuối cùng giống như chữ nghĩa kiến thức thế gian. Vì học mà chẳng hành, và có hành đi nữa, cũng chẳng thể đúng như thâm ý Phật dạy. Tất nhiên kinh sách lời dạy của Phật vẫn như thuở nào, và lời Thánh Tăng cũng chẳng sai khác chân lý, nhưng vì người học Phật không phải của thời xưa, cho nên cũng chỉ nhất thời phát tâm rồi nhất thời thối chí! Đó có phải vì không gian hoàn cảnh đầy dục lạc chứ gì?
Vâng, chính vậy! Hoàn cảnh quá đầy dục lạc nên con người khó thể tiến tu.
Loài người và chúng sanh khác, trong đời sống hiện tại.
Thể chất con người ngày nay chẳng khác gì lắm ngày xưa; tuổi thọ trung bình cũng chỉ bảy mươi đến tám mươi tuổi. Như báo thân của đức Phật, thị hiện thọ tuổi tám mươi cũng là vừa phải; và hôm nay số người sống đến chừng ấy cũng không phải ít. Tuy nhiên vấn đề thọ mạng ra đi để sanh thân khác, chắc rằng phải là khác nhau.
Ngày xưa con người dù sống thiếu vật chất tiện nghi, nhưng tâm hồn có lẽ nhàn hạ tự tại hơn. Ngày nay con người đa số không đến nổi phải thiếu vật chất, nhưng tâm hồn lại thường buồn phiền lo lắng.
Đó là vì hoàn cảnh người nghèo ngày xưa ít bị tâm lý mặc cảm tự ty so sánh; ngày nay thế giới văn minh nên thông tin, báo chí, loan tải toàn cầu, do vậy người nghèo khổ của thời nay, ít nhiều đã nhận định được hoàn cảnh con người thế giới chung quanh, rồi từ đó kết thêm tủi hổ mặc cảm cho thân phận chính mình.
Nói đến người giàu hôm nay và ngày xưa lại càng dị biệt. Giàu ngày xưa ít sợ phập phòng như bây giờ, ít bị căng thẳng tâm lý xã hội như hôm nay. Giàu có ngày nay lo sợ đủ thứ, đó là vì xã hội quá văn minh tinh xảo nên sự việc xảy ra chẳng thể ngờ được; thậm chí đến thành viên trong gia đình đôi khi cũng trở thành lo ngại. Tất nhiên xưa nay lòng tham con người không khác, nhưng vì nhu cầu hưởng thụ vật chất ngày nay quá cao, thành ra lòng tham phải dâng cao không kiềm hãm được.
Vậy người học Phật thời nay, có thoát ra khỏi công lệ của thế gian vật chất hiện thời không? Tự đặt câu hỏi cho mình, tất phải hiểu được tại sao mình hỏi.
Tất nhiên không thể nào thoát khỏi công lệ thế gian, vì đó là luật sinh tồn tự nhiên của một cộng đồng chiêu cảm; nếu đi ngược lại lối sống cộng đồng, thì kẻ ấy chỉ âm thầm biệt lập sống thúc thủ bên trong, chứ bên ngoài phải hiện chung cộng nghiệp.
Như hiện nay thế giới đầy đủ vật chất, kẻ học Phật dư biết điều này nên vẫn sống tự tại như mọi người thọ hưởng, chứ không thể trốn bỏ tìm nơi thiếu thốn ép mình tu Phật. Nếu sống tách biệt mọi người thì vô tình đánh mất chân lý giải thoát của Như Lai.
Chân lý giải thoát là vẫn sống như mọi người mà tự mình không bị ràng buộc. Sống như mọi người không có nghĩa phải sống giống kẻ buông lung, dễ dãi; như mọi người là tùy thuận theo công lệ quy ước thế gian; tuy nhiên vẫn phải ý thức rằng đó chỉ là phương tiện, vì là phương tiện nên có thể thay đổi chuyển hóa mà không chấp chặt, để cuối cùng tiến tới giải thoát. Phải xác định như thế, để khi bị đặt vào một quốc thổ có những điều luật ngược với giáo pháp Như Lai, chừng đó ta phải biết tùy duyên đối phó.
Ngày nay có lẽ người học Phật đang đối đầu với vô số hoàn cảnh phức tạp khó tu! Chắc chắn như vậy, bạn và tôi không thể phủ nhận được.
Để tìm hiểu tổng quát hơn, thử bàn về những chúng sanh không phải là người trong đời Mạt pháp ngày nay.
Thời chánh pháp và tượng pháp tức thời cách đây hơn ngàn năm, bấy giờ ai cũng biết, hoàn cảnh thiên nhiên thế giới còn rất xanh tươi màu mỡ. Chúng sanh không phải loài người chắc chắn rất đông, và chúng phải tự do sung túc lắm. Sự sợ hãi loài người không đáng ngại với chúng, hay nói ngược lại con người đôi lúc phải sợ chúng. Nhất là loài thú dữ có thể rình rập tấn công con người một cách tự nhiên chứ không phải tấn công vì bị dồn vào chỗ chết. Và dù cảnh tượng săn bắn lũ lượt của cả đoàn kỵ mã, cũng không đến nổi hoàn toàn khiếp hãi bịt lối thoát thân của loài vật bị săn bắt, do vì núi rừng quá lớn, quá rậm rạp, chứ không như bây giờ.
Như vậy phải nói, dù kiếp chúng sanh là thú, nhưng thú của ngày xưa so với ngày nay hãy còn phước báo hơn.
Thú của ngày nay thì sao?
Ngày nay một số lớn thú được thuần hóa làm vui, hay phục dịch cho người, như loài chó, mèo, chim, két, bò ngựa v.v... Đa số những con thú như vậy phải là đau khổ. Những loài thú được thuần hóa đến mức chúng có thể hiểu được sự sai bảo của con người, như là loài thú trong các đoàn xiếc (circus). Những con thú này có lẽ cũng hiểu được một ít âm thanh vỗ tay, tán thưởng của khán giả, khi chúng thành công một trò múa xiếc; tuy nhiên dù thế nào chúng không thể tránh được buồn lo. Chúng phải chuẩn bị một ngày nào đó thân già kiệt sức, hay bệnh hoạn không thể theo ý của người điều khiển nữa. Bấy giờ những phần ăn mỗi ngày chỉ để câàm chừng chờ chết, chứ không phải là những phần thưởng! Ôi tội nghiệp làm sao! Và may thay cho những con vật ở trong đoàn xiếc của những quốc gia giàu có; nếu không tình huống cuối đời của chúng không biêát sẽ thế nào; cũng có thể trở thành món ăn cho người hay cho con vật khác.
Nói về những con thú phục dịch món ăn cho người thì sao? Việc này không cần phải nói ra, ai cũng hiểu, và có lẽ chúng sanh đó mới hiểu hơn ai hết.
Dù vậy vẫn có không ít một số con vật đời nay phước báo rất nhiều hơn những con vật ngày xưa. Cũng có thể nói, hạnh phúc của chúng lắm khi hơn cả một số người, những người đang đau khổ vì nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã đâu đó trên thế giới.
Con vật được nuôi như một người thân trong gia đình, chúng được đặt tên, được đăng ký với Hội Đồng thành phố. Được khám bệnh định kỳ, được thay thức ăn mỗi thời tiết, được đùa giởn với món đồ chơi riêng, có khi đùa giởn với người nữa. Và khi ở vào tuổi đẹp nhất của chúng, lại được sống một thời vàng son, đến nổi có khi được ngủ chung một giường với chủ. Không biết chúng có nhõng nhẽo hay không. Nhưng chắc thế nào cũng có giận dỗi, giận thì cũng gần giống làm õng làm eo rồi !
Những con vật như thế, thật sự phước báo rất nhiều. Nhưng rồi chúng cũng vẫn là thú chứ làm sao là người được, cho nên rồi cũng phải khổ. Cái khổ nhất của con vật này, là lo sợ một ngày người chủ của chúng chết đi trước chúng, vì như vậy chúng sẽ bị “shock” bị phải đối xử trở lại như con vật không chủ; không chủ kể như không còn phước báo.
Có một câu chuyện thật vừa xảy ra trong năm nay, tôi nghĩ tương tự chuyện này không phải là ít, đã và đang xảy ra đâu đó.
Người chủ nuôi chó chết đi, chết bất thường, trong tư thế nằm sóng soài sau sân nhà, có lẽ ông bị lên áp huyết, đứng tim, hay té nặng gì đó. Con chó ông rất đau khổ, nằm bên cạnh thi thể ông. Khi người láng giềng phát giác ra, mới biết ông đã chết mấy ngày rồi. Lúc đem xác ông đi giảo nghiệm, con chó cũng trong tình trạng kiệt sức vì thiếu ăn uống; nhưng dù vậy nó vẫn không chịu nuốt bất cứ vật gì vô miệng. Cuối cùng bác sĩ thú y đành phải thuận theo niềm đau của nó, mà tiêm thuốc chết, để cùng đi với chủ.
Câu chuyện nghe thật thương tâm, dù mang lớp thú nhưng tánh buồn thương, lo sợ nào đâu khác loài người. Nhưng sao lại phải mang kiếp thú, rồi mới sống bằng tánh biết trung thành vậy ? Hỏi như vậy chẳng biết trả lời sao ?
Trong vòng luân hồi sanh tử thay hình đổi lớp, nào biết rằng kiếp thú đó là ai, và ai hiện đã từng là thú. Con thú vừa kể, biết bày tỏ nỗi đau thương chủ, cho thấy tánh chất thiện ác của một chúng sanh chẳng mất đi dù nghiệp lực phải trả quả mang đủ kiếp hình. Con thú đã từng làm thiện đời trước, chứ không toàn ác, nên tánh thiện còn nhớ tỏ bày, cư xử như người không khác.
Người với thú, hai thế giới, hai hình thể, cách sống hoàn toàn khác nhau, vậy mà cảm được niềm đau thương xót, huống gì cùng loài cùng sống như nhau.
Câu chuyện có thật tiếp theo đây, tôi được nghe kể xảy ra cũng sáu bảy năm rồi. Một con mèo mẹ sanh được ba con; chủ nó lén lấy đi hai con để cho một người bạn. Hoảng hốt mất con, nó khóc suốt ngày không ngủ, chủ cứ tưởng một hai ngày nó sẽ nguôi ngoai, nào ngờ ba ngày trôi qua, nó vẫn loay quay khóc thương tìm kiếm. Chủ không chịu nổi phải mượn xin mèo con chỗ khác về cho nó, có lẽ cấp bách nên tạm mượn vậy; nhưng nó nhận ra không phải con mình, rồi vẫn buồn khóc tìm kiếm con ruột của nó. Đến một lúc vì quá đau buồn tuyệt vọng, lại bỏ ăn uống, mèo mẹ phải bệnh chết đi.
Tánh thương, tánh giận, tánh si mê, của chúng sanh là muôn thuở, cho nên kiếp loại chúng sanh nào vẫn không ra khỏi vòng biển nghiệp này, chỉ có chúng sanh giác ngộ, chúng sanh học được Phật tánh bên trong mới thoát vòng khổ ải.
Thật ra bản chất thương yêu của loài vật xưa nay đâu khác, nhưng phải nói rằng, loài vật ngày nay đa phần phải chịu khổ hơn. Ngày xưa thú vật có bị săn cũng chẳng bao nhiêu, và thú nuôi để làm thực phẩm cũng không có nhiều, vì lượng thú hoang dã ngày xưa dễ tìm dễ gặp, lại nữa phương tiện kỹ thuật chăn nuôi giữ thú, không được máy móc kỹ thuật tinh vi như ngày nay. Nhờ vậy thú ngày xưa ít đau khổ hơn. Ngày nay kỹ nghệ chăn nuôi tinh vi xảo thuật, và càng hiện đại hóa chừng nào thì con vật lại thấm nỗi đau chừng đó.
Không cần phải kể ra những cảnh tượng đau đớn của những con thú ngày nay, khi cung phụng làm thực phẩm cho con người; và cũng không phải lên án bất cứ một ai; nếu đổ thừa quy kết cho người giết, đó chẳng phải hoàn toàn, bởi có người ăn, người ta mới giết. Nhưng nếu nói người ăn là ác độc, thì tại có kẻ giết bán họ mới ăn, chứ họ nào bảo giết cho tôi ăn.
Vậy đổ thừa ai đây?
Có lẽ đổ thừa nghiệp quả vậy. Nghiệp quả của chúng sanh đó, và nghiệp quả của con người chứng kiến cảnh chúng sanh đó.
Nếu loài thú ngày nay đau khổ như vậy, ngẫm nghĩ suy ra ai làm chúng khổ? Tất nhiên câu trả lời đầu tiên là do chúng phần lớn, vì nghiệp nhân đã gieo từ quá khứ, chứ không thể nào vô cớ sanh ra đau khổ; bởi vì trong số loài vật sanh đời nay vẫn có những con được người chiếu cố thương yêu như đã kể.
Câu trả lời thứ hai nếu nhắm vào hoàn cảnh phải trả nghiệp báo, thì tác nhân gây đau khổ cho loài vật chính là con người, điều này không chối cãi được.
Lại suy ra, nếu con người làm chúng đau khổ, tự đánh mất lòng từ thương vật, chính ngay đây, thời này, tánh chất thiện của con người cũng giảm đi. Vì sao?
Vì bất cứ chúng sanh nào cũng ham sống sợ chết, nếu dững dưng với nỗi sợ hãi của chúng sanh khác, dù chúng sanh đó không phải loài người, thì tương lai con người cũng có thể dửng dưng với niềm đau của đồng loại. Nguyên nhân đó mà xưa nay chiến tranh trên thế giới chẳng bao giờ ngừng.
Bàn về loài vật đến đây tạm đủ, và ít nhiều vấn đề loài vật như vậy, chúng ta mới nhận định rõ ràng con người chúng ta.
Vậy thì thời gian ngày nay, người học Phật phải đối diện một cách thực tế với đời sống khó khăn này. Cái khó khăn là thế giới cứ mãi xảy ra cảnh chiến tranh giết chóc. Cảnh trạng như thế, nói lên lòng người đã quá xa đà, trong sân giận hơn thua. Và hoàn cảnh như vậy, việc học Phật chắc chắn không thể an ổn được. Nếu có học đi nữa, thì học với tâm niệm cầu khẩn lo sợ, van xin chư Phật gia hộ được yên lành, hay xin được che chở.
Tuy nhiên số người cầu khẩn van xin gia hộ, vẫn còn hơn hiện trạng có người hóa thành bất mãn, đổ vỡ niềm tin, vì cảm thấy học Phật đã không thực tế giải quyết được nỗi sợ hãi của chiến tranh, hay sự cạnh tranh quyền hạn mưu sinh trong đời sống. Như thế mà họ trở thành những người bất cần tín ngưỡng, sống hưởng thụ được ngày nào hay ngày đó.
Rơi vào cả hai trường hợp này, đạo Phật khó thể hoằng dương phát triển được, nếu có chăng, chỉ nghiêng về hình thức, chỉ giúp gieo duyên học Phật cho đời sau.
Tạm kết rằng, trong đời mạt pháp nghiệp tánh chúng sanh phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hoàn cảnh và tâm cảnh chung của cộng đồng thọ nghiệp. Tuy nhiên sự nỗ lực vươn lên của mỗi chúng sanh, vẫn có thể tạo được nhân duyên thù thắng ngay trong đời mạt pháp này, vì bản tánh thanh tịnh giác ngộ của chúng sanh trong ba thời Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp không gì sai khác.
Xin được dài dòng một ít nữa, bạn cho phép tôi có ý nghĩ thêm như vầy.
Đứng về mặt tướng, việc học Phật phải liên hệ thời gian không gian hoàn cảnh, nhưng đứng về mặt tánh thì vô ngại bất nhiễm vượt khỏi đối đãi thế gian. Chẳng hạn hoàn cảnh người ta có thể bắt ép người nào đó theo mình, như mặc y phục, ăn uống, nói năng, thậm chí nhốt người đó ở nhà như một nhà tù sang trọng. Tuy nhiên sự áp đặt chế phục người kia chỉ qua hình tướng, hình thức mà thôi chứ bên trong nào đâu áp đặt được. Người kia dù bị nhốt trong nhà không thể ra ngoài, nhưng tư tưởng của họ khó thể nghe theo. Người kia có thể sinh hoạt giống như người khác sai bảo, nhưng họ vẫn có cái suy tư mà người khác không thể nào sai khiến chế phục được, đó chính là tánh chất bản tánh bên trong.
Một cách tương đối thí dụ như trên, tướng là hiện ra hình ảnh rõ ràng, nhưng tánh không thấy không nắm bắt được.
Với một chúng sanh học Phật, tướng hiện ra đủ mọi hạng người, đủ mọi phương tiện, nhưng tánh đồng nhất vô ngại, nghĩa là cứu cánh giải thoát, xa lìa hết thảy, hoặc dung nạp tất cả phương tiện hiện bày.
Khi Như Lai xuất hiện ở thế gian để chúng sanh chứng kiến, đây gọi rằng Ngài hiện tướng; khi Như Lai nhập Niết Bàn tướng đó mất đi; nhưng cái mất đi lại lưu giữ được cái khác đến bây giờ, đó là giáo lý kinh điển của Như Lai, nhưng kinh điển Như Lai cũng là tướng mà thôi, vì còn hình còn ảnh. Cái mà giữ được kinh điển, giữ được hình ảnh hơn hai ngàn năm trăm năm, cái đó là Tánh giác của Như Lai, hay gọi khác hơn đó là pháp thân của Phật.
Chính cái tánh như vậy mà vô ngại với không gian, thời gian; và cho dù không còn đạo Phật trên đời này, cái tánh kia vẫn vô ngại.
Thế thì nói theo tánh, chẳng có gì để gọi là Chánh pháp, Tượng pháp, hay Mạt pháp, mà chỉ do tâm tánh của chúng sanh hiện khởi.
Thế nhưng có một điều, tánh với tướng hòa hợp nhân duyên để hiện sanh ra các pháp động tỉnh. Như tánh Phật tức bản thể của Ngài là thanh tịnh, nên sinh ra tướng đẹp thanh thoát cao siêu. Tánh chúng ta chưa thanh tịnh còn phiền não sinh tướng thô kệch, uế nhơ. Nhưng đã nói tánh là vô ngại, vậy thì bởi chúng ta chấp chặt các pháp nhiễm thế gian cho là có thật, nên tự tánh tưởng lầm là nhơ, mới sinh ra thô kệch, chứ tự tánh là bản thể chẳng nhơ chẳng tịnh.
Vậy thì Chánh, Tượng, Mạt pháp tự nó không có, chỉ do chúng sinh nhìn lầm; nhưng tại sao nhìn lầm? Lại lần nữa, không thấy pháp là giả, vì không thấy giả nên chấp chặt khổ đau trước thời Phật, rồi khi gặp Phật cũng chẳng chịu suy tư, nên lang thang mãi đến bây giờ mới chịu nhận. Bằng chứng điều này là trong thời Chánh pháp chẳng thiếu gì người không duyên gặp Phật, và có khi gặp Phật cũng chẳng thiếu gì người không hiểu lời dạy của Như Lai. Đối với người như vậy thì đây là Chánh pháp hay Mạt pháp?
Như người bây giờ nếu dụng công quyết tử tinh tấn tu hành, có thể chứng được Thánh quả Nhập Lưu, như vậy ai nói đây là thời Mạt pháp?
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương