VỀ việc ban hành tài liệu chuyên môN “HƯỚng dẫn chẩN ĐOÁn và ĐIỀu trị CÁc bệnh sản phụ khoa”



tải về 2.92 Mb.
trang6/21
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích2.92 Mb.
#37181
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

1. KHÁI NIỆM

Ngôi mông là một ngôi có khả năng đẻ đường dưới nhưng dễ mắc đầu hậu vì vậy nếu không được chẩn đoán sớm, tiên lượng tốt và xử lý thích hợp thì nguy cơ cho mẹ và thai sẽ rất cao, có thể làm tăng tỷ lệ tử vong đối với thai nhi và tăng tai biến đối với mẹ.



1.1. Định nghĩa: Ngôi mông là ngôi dọc mà cực đầu ở đáy tử cung, cực mông trình diện trước eo trên của khung chậu người mẹ.

1.2. Phân loại: có 2 loại ngôi mông

- Ngôi mông hoàn toàn: mông và 2 chân trình diện trước eo trên.

- Ngôi mông không hoàn toàn (ngôi mông thiếu): có 3 kiểu (kiểu mông, kiểu đầu gối, kiểu bàn chân)

1.3. Mốc ngôi và đường kính lọt

- Mốc ngôi mông là đỉnh xương cùng.

- Đường kính lớn nhất của ngôi lưỡng ụ đùi - 9 cm, hiện nay được cho là đường kính lọt của ngôi.

2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Trong thời kỳ có thai (3 tháng cuối)

2.1.1. Lâm sàng:

Có thể đau tức hạ sườn phải do đầu ấn vào gan, thai đạp nhiều phía dưới. Tử cung hình trụ, hay lệch một bên.

Sờ: cực dưới mềm, to, không liên tục, lưng là một diện phẳng, cực trên là đầu tròn, đều, rắn.

Nghe tim thai: nghe rõ trên rốn.

Thăm âm đạo: sờ được mông, đỉnh xương cùng, hậu môn, bộ phận sinh dục, chân thai (nếu mông hoàn toàn hay mông không hoàn toàn kiểu bàn chân).

2.1.2. Cận lâm sàng:

Siêu âm: có giá trị chẩn đoán và đánh giá tiên lượng, hiện nay siêu âm được trang bị tới tuyến cơ sở, dễ sử dụng, không độc hại. Siêu âm có thể đánh giá được tình trạng đầu, tình trạng thai, trọng lượng thai, rau, ối.

X quang: đánh giá đầu cúi hay ngửa, chỉ làm khi thật cần thiết.

2.2. Khi chuyển dạ

2.2.1. Lâm sàng

Triệu chứng như khi có thai. Khó sờ hơn vì có cơn co tử cung do đó xác định được các cực của thai khó hơn.

Khi thăm trong: khó khi ối còn, khi ối vỡ thì dễ hơn. Có thể sờ thấy mông, xương cùng, hậu môn, bộ phận sinh dục, chân.

2.2.2. Cận lâm sàng: siêu âm, X quang.

2.2.3. Chẩn đoán thế, kiểu thế: lưng bên nào thế bên đó.Tìm mốc ngôi là đỉnh xương cùng để xác định kiểu thế. Cùng - chậu - trái - trước: gặp 60% (CgCTT). Cùng - chậu - phải - sau: gặp 30% (CgCFS). Cùng - chậu - trái - sau: gặp 10% (CgCTS). Cùng - chậu - phải - trước: rất hiếm gặp (CgCFT). Cùng- chậu- trái- ngang (CgCTN). Cùng- chậu- phải- ngang (CgCFN)



2.3. Chẩn đoán phân biệt

Ngôi chỏm: dễ nhầm với ngôi mông không hoàn toàn kiểu mông khi ối chưa vỡ nếu chỉ nắn ngoài. Cần xác định rõ ngôi chỏm có các thóp và đường khớp khi thăm trong. Đặc biệt cần phân biệt rõ với ngôi chỏm sa chi.

Ngôi mặt: có thể nhầm với ngôi ngược không hoàn toàn kiểu mông, khó khi bướu huyết thanh to không sờ thấy xương. Nhầm mồm với hậu môn, hai mông với hai gò má, mũi với xương cùng. Ngôi mặt có thể sờ thấy mũi to và mềm, hố mắt ở hai bên.

Ngôi ngang: cần khám kỹ có thể nhầm với ngôi ngược hoàn toàn do đó cần xác định rõ cực đầu. Phân biệt chân và tay thai nhi.



3. HƯỚNG XỬ TRÍ

3.1. Trong thời kỳ có thai (trong 3 tháng cuối)

Quản lý thai nghén tốt tại cơ sở có đủ điều kiện trang thiết bị, chuyên môn. Đánh giá tình hình thai mẹ. Tìm các yếu tố không thuận lợi: con so lớn tuổi, thai to, sẹo tử cung, tiền sử sản khoa khó khăn. Đối với trường hợp khó khăn cần theo dõi ở các cơ sở có đủ điều kiện trang thiết bị, chuyên môn tốt. Có thể mổ lấy thai khi đủ tháng hay khi bắt đầu chuyển dạ.



3.2. Khi chuyển dạ

Đánh giá tình trạng mẹ, thai, rau, tình trạng ối. Xác định ngôi, thế kiểu thế của ngôi. Nếu các yếu tố không thuận lợi: thai to, con so lớn tuổi, sẹo mổ tử cung, tiền sử đẻ khó, hiếm con, có thể mổ lấy thai.

Trong quá trình chuyển dạ nếu không thấy có suy thai, ối vỡ non, ối vỡ sớm. Tiến triển ngôi và cơn co tử cung bình thường thì theo dõi đẻ đường dưới. Nếu có các yếu tố không thuận lợi có thể mổ lấy thai.
3.3. Khi xổ thai theo dõi chuyển dạ tích cực. Chuẩn bị người bệnh tốt theo dõi, tư tưởng sản phụ, truyền oxytocin, chuẩn bị đỡ đầu hậu.

- Ngôi ngược không hoàn toàn kiểu mông

Tránh mọi can thiệp, tôn trọng tiến triển tự nhiên, mông sẽ nong giãn tầng sinh môn và thai sổ dần, khi xổ gần hết chi dưới thì đỡ mông, nới dây rốn, khi góc dưới xương bả vai qua âm hộ thì cho xổ tay hay hạ tay.

- Ngôi ngược hoàn toàn

Tránh lôi kéo thai. Giữ tầng sinh môn theo phương pháp Tschovianop mục đích làm cho ngôi lọt xuống tiểu khung nong giãn từ từ cổ tử cung, âm đạo và tầng sinh môn, khi tầng sinh môn nong giãn tốt thì cho xổ mông, đợi mông sổ, khuyến khích phụ sản rặn khi sổ hết chi dưới thì đỡ mông, nới dây rốn khi sổ thân, góc dưới xương bả vai qua âm hộ cho xổ tay hoặc hạ tay.

- Sổ đầu hậu

Chung cho cả ngôi mông hoàn toàn và không hoàn toàn. Đầu hậu ra nhanh khi cơn co tốt, sản phụ rặn tốt, tầng sinh môn giãn nở tốt. Đầu hậu xuống tốt: cắt tầng sinh môn đỡ đầu hậu nhẹ nhàng theo phương pháp Bracht.

Đầu hậu đỡ khó không đỡ được bằng phương pháp Bracht thì áp dụng phương pháp Mauriceau, Forceps đầu hậu

-Tóm lại:

Vấn đề khó khăn trong ngôi ngược là đầu hậu, cần theo dõi tích cực, chờ đợi, tránh can thiệp có thể gây sa dây rau, duỗi ngược tay, mắc đầu thai nhi. Điều quan trọng là tiên lượng tốt và xử lý thích hợp cho từng trường hợp.


NGÔI VAI

1. KHÁI NIỆM

Ngôi vai là ngôi mà thai không nằm theo trục dọc mà nằm ngang trong tử cung. Trong ngôi vai, không phải lúc nào hai cực đầu và cực mông cũng đều ngang nhau mà một cực ở hố chậu còn cực kia ở vùng hạ sườn. Khi chuyển dạ thực sự, vai sẽ trình diện trước eo trên. Mốc của ngôi vai là mỏm vai. Ngôi vai không thể đẻ được khi thai sống đủ tháng, nên không có cơ chế đẻ.



2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Khi chưa chuyển dạ

- Tiền sử sản khoa: chửa đẻ nhiều lần, đã có lần thai trước có ngôi vai

- Nhìn tử cung bè ngang

- Nắn cực dưới tiểu khung rỗng không thấy cực đầu hay mông. Nắn hai bên một bên thấy đầu (khối tròn, cứng, bập bềnh), ở mạng sườn hoặc hố chậu bên kia nắn thấy cực mông (khối tròn không đều, to hơn đầu, chỗ cứng chỗ mềm). Nắn giữa hai cực đầu và mông sẽ thấy lưng là một diện phẳng (nếu lưng ở phía trước) hoặc thấy lổn nhổn các chi (nếu lưng ở phía sau)

- Nghe tim thai: vị trí nghe tim thai tùy thuộc vào vị trí cực đầu, là nơi sờ thấy mỏm vai. Tim thai sẽ nghe rất rõ nếu lưng nằm ở phía trước

- Thăm âm đạo thấy tiểu khung rỗng

- Siêu âm thấy thai nằm ngang

2.2. Khi chuyển dạ

- Hỏi tiền sử, nhìn, sờ nắn như trong khi có thai, nhưng sờ nắn khó hơn do đã có cơn co tử cung.

- Thăm âm đạo:

+ Khi ối chưa vỡ thấy ối phồng, tiểu khung rỗng, cần thăm khám nhẹ nhàng tránh làm ối vỡ sớm

+ Khi ối đã vỡ, sờ thấy mỏm vai, các xương sườn và hố nách, vai ở bên nào tức đầu ở bên đó.

2.3. Chẩn đoán kiểu thế: Vai - chậu - trái - trước. Vai - chậu - phải - trước. Vai - chậu - phải - sau. Vai - chậu - trái - sau.

- Chẩn đoán kiểu thế dựa vào hai yếu tố: đầu và lưng hay vai và lưng.Ví dụ đầu trái lưng trước thì kiểu thế là vai - chậu - trái - trước

- Trong trường hợp tay thai nhi sa ra ngoài âm đạo hay ngoài âm hộ, lúc đó dựa vào bàn tay để xác định kiểu thế. Dấu hiệu ngón tay cái: đặt bàn tay thai nhi ngửa, ngón tay cái chỉ vào đùi mẹ, nếu đùi mẹ là đùi trái thì tay thai nhi là tay trái, nếu đùi mẹ là đùi phải thì tay thai nhi là tay phải

2.4. Chẩn đoán phân biệt

- Ngôi đầu sa chi: ngôi đầu thường cao, khi sờ thấy tay thai nhi bị sa, phải tìm xem ở eo trên có đầu không. Với ngôi vai, không sờ thấy đầu thai nhi ở eo trên

- Ngôi ngược hoàn toàn: sờ thấy đỉnh xương cùng dễ nhầm với mỏm vai, nhưng không tìm thấy hỏm nách và các xương sườn như trong ngôi vai.

3. XỬ TRÍ

3.1. Trong khi có thai

Thai phụ phải được khám định kỳ trong 3 tháng cuối, khi phát hiện ngôi vai, cần khuyên thai phụ nằm nghỉ ngơi vào tháng cuối để đề phòng ối vỡ non, ối vở sớm.



3.2. Trong khi chuyển dạ

- Thai đủ tháng hoặc gần đủ tháng, còn sống: mổ lấy thai ngay để đề phòng vỡ ối sa dây rau, sa tay

- Nội xoay thai chỉ thực hiện ở những thai nhỏ, ngôi thứ hai của song thai

- Nếu thai đã chết: ngày nay chủ yếu là mổ lấy thai, chỉ cắt thai trong những trường hợp điều kiện thủ thuật thuận lợi.



4. PHÒNG BỆNH

- Khám thai và quản lý thai nghén tốt. Khi phát hiện ngôi vai phải chuyển thai phụ đến trung tâm sản khoa có thể mổ lấy thai được

- Khi thai đủ tháng nên mổ lấy thai chủ động để đề phòng các biến chứng cho mẹ và cho thai

- Những bác sỹ có kinh nghiệm mới nên mổ lấy thai trong ngôi ngang để tránh tai biến gãy tay, gãy chân thai nhi


ỐI VỠ SỚM, ỐI VỠ NON

1. KHÁI NIỆM

- Ối vỡ sớm là ối vỡ xảy ra sau hoặc cùng lúc với chuyển dạ, trước khi cổ tử cung mở hết. Vì không có nhiều ý nghĩa trên lâm sàng nên hiện nay thuật ngữ này không còn được nhắc đến trong y văn ở nước ngoài.

- Vỡ ối non là vỡ tự nhiên của màng ối và màng đệm tại bất kì thời điểm nào trước khi có chuyển dạ

2. CHẨN ĐOÁN ỐI VỠ NON

2.1. Lâm sàng

- Xác định tuổi thai

Xác định tuổi thai dựa vào ngày kinh cuối cùng nếu vòng kinh đều và sản phụ nhớ ngày kinh. Dựa vào siêu âm chẩn đoán tuần thai lúc 3 tháng đầu với sản phụ kinh nguyệt không đều hay không nhớ ngày kinh cuối cùng.

- Xác định ối vỡ, thời điểm và thời gian vỡ ối. Hỏi kỹ tiền sử ra nước âm đạo đột ngột ra nước lượng nhiều, loãng, màu trong hoặc lợn cợn đục, thời gian ra nước. Tiền sử viêm nhiễm đường sinh dục dưới. Đóng khố theo dõi

- Đặt mỏ vịt theo dõi dịch ÂĐ, viêm nhiễm CTC-ÂĐ.



2.2. Cận lâm sàng: xác định nước ối:

2.2.1. Nghiệm pháp Valsalva hoặc ho: khi đặt mỏ vịt, cho sản phụ rặn hoặc ho sẽ quan sát thấy có nước ối chảy ra từ lỗ trong cổ tử cung.

2.2.2. Nitrazine test:

- Thực hiện khi quan sát không thấy rõ có nước ối chảy ra hay không khi thực hiện nghiệm pháp nói trên.

- Đặt mỏ vịt, lau sạch âm đạo, cho sản phụ rặn hoặc ho sau đó dùng tăm bông vô trùng nhúng vào dịch đọng ở túi cùng sau âm đạo rồi phết lên giấy thử Nitrazine.

- pH của dịch âm đạo có tính acid (pH= 4,4 - 5,5) khác với pH nước ối mang tính kiềm (pH= 7 - 7,5). Nếu có ối vỡ, nước ối chảy vào âm đạo sẽ làm pH của dịch âm đạo trở nên kiềm hóa và sẽ làm đổi màu giấy thử từ màu vàng sang màu xanh.

- (+) giả trong trường hợp có lẫn máu, tinh dịch, Trichomonas, dịch nhầy ở cổ tử cung, các dung dịch sát khuẩn có tính kiềm và nước tiểu.

2.2.3. Chứng nghiệm kết tinh hình lá dương xỉ:

- Dùng que nhỏ quệt vào túi cùng sau âm đạo rồi phết lên một phiến kính, để khô rồi quan sát dưới kính hiển vi.

- Sự hiện diện của hình ảnh dương xỉ giúp chẩn đoán xác định ối vỡ non với độ nhạy khoảng 96%.

- (-) giả (+) giả: phết dịch nhầy ở cổ ngoài hoặc có lẫn tinh dịch

2.2.4. Siêu âm:

- Chẩn đoán (+) theo dõi lượng ối thông qua chỉ số ối→ thiểu ối hoặc hết ối.

- Ước lượng cân nặng, xác định ngôi thai, vị trí dây rốn và những bất thường

2.3. Chẩn đoán xác định

Chỉ cần hỏi bệnh sử, khám lâm sàng, nghiệm pháp Valsalva, thử nghiệm Nitrazine, chứng nghiệm kết tinh lá dương xỉ thì chẩn đoán chính xác lên đến 93,1%



2.4. Chẩn đoán phân biệt

- Són tiểu: thường thì không ra nước nhiều và cũng không rỉ rả liên tục như trong vỡ ối. Ngoài ra nước tiểu có mùi khai và có pH acid.

- Khí hư: đôi khi nhiều và loãng làm dễ lầm với vỡ ối. Phân biệt bằng cách hỏi bệnh sử kỹ và khám lâm sàng cẩn thận.

- Chất nhầy cổ tử cung: ở giai đoạn cuối thai kỳ hoặc bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung hé mở sẽ tống nút nhầy ở lỗ cổ tử cung ra ngoài: nhầy, dai và thường có lẫn ít máu hồng.



3. XỬ TRÍ

3.1. Thai 22 - 31 tuần: cố gắng dưỡng thai

3.1.1. Thuốc trưởng thành phổi thai: Tiêm bắp Betamethasone 12mg/24 giờ x 2 ngày hoặc Dexamethasone 6mg/12 giờ x 2 ngày.

Sử dụng trên 2 đợt có thể gây giảm cân nặng thai nhi, giảm chu vi vòng đầu và chiều dài cơ thể

3.1.2. Quản lý nhiễm khuẩn

- Hạn chế thăm khám bằng tay → có thể theo dõi bằng khám mỏ vịt

- Cấy dịch cổ tử cung, âm đạo, hậu môn

- Sử dụng kháng sinh phổ rộng ngăn ngừa nhiễm trùng cho cả mẹ và thai, ngoài ra còn làm giảm tỉ lệ chuyển dạ do đó được khuyến cáo sử dụng thường quy trong trường hợp cần kéo dài thai kì khi ối vỡ non để kích thích trưởng thành phổi thai.

Hiện nay các nghiên cứu đều đồng thuận sử dụng kháng sinh không nên quá 7 ngày, vì việc kéo dài thời gian sử dụng kháng sinh ở những thai kỳ này là không cần thiết, mà còn làm tăng kháng thuốc của vi khuẩn

- Theo dõi mẹ: Nghỉ ngơi, đóng băng vệ sinh sạch. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn 4 lần/ngày, công thức máu, công thức bạch cầu, CRP. Cấy dịch âm đạo1 - 3 lần/tuần.

- Theo dõi thai: monitor sản khoa 3 lần/ngày. Siêu âm đánh giá thai, rau, nước ối

3.1.3. Sử dụng thuốc giảm co.

3.2. Thai 32 - 33 tuần

3.2.1. Xác định tình trạng sức khỏe của thai nhi tại thời điểm tiếp nhận. Theo dõi monitor tim thai lúc nhập viện. Xác định thai chậm phát triển trong tử cung.

3.2.2. Corticoid trưởng thành phổi thai nhi

3.2.3. Quản lý nhiễm trùng. Hạn chế thăm khám bằng tay, nên khám bằng mỏ vịt để tránh nhiễm trùng. Kháng sinh dự phòng.

3.2.4. Thuốc giảm co

3.2.5. Khởi phát chuyển dạ khi có đủ bằng chứng trưởng thành phổi, nhiễm khuẩn, thai suy.



3.3. Thai 34 - 36 tuần

3.3.1. Xác định tình trạng sức khỏe của thai nhi tại thời điểm tiếp nhận

3.3.2.Corticoid: không khuyến cáo.

3.3.3. Chấm dứt thai kỳ:

Hầu hết người bệnh (90%) sẽ chuyển dạ tự nhiên trong vòng 24 giờ sau khi vỡ ối. Chờ chuyển dạ tự nhiên hay khởi phát chuyển dạ tùy tình trạng ối, thai và nhiễm khuẩn. Nên tư vấn với người bệnh việc kéo dài thai kỳ có nguy cơ nhiễm trùng tử cung và viêm màng ối, thiểu ối, nhau bong non, suy thai, thiểu sản phổi, biến dạng chi. Nếu có đủ bằng chứng trưởng thành phổi thì chấm dứt thai kỳ ngay.

3.3.4. Nếu giữ thai → quản lý nhiễm trùng (tương tự như trên)

3.3.5. Thuốc giảm co: không có chỉ định đối với thai kỳ > 36 tuần

3.4. Thai 37 tuần

- ACOG 2009 khuyến cáo chấm dứt thai kỳ đối với thai >37 tuần bị vỡ ối sớm, không đợi 12 - 24 giờ nhằm giảm biến chứng cho mẹ và thai. Nên khởi phát chuyển dạ ngay trong 6 - 12 giờ hoặc nếu thuận lợi thì nên chấm dứt thai kỳ càng sớm càng tốt.

Chấm dứt thai kỳ tùy tình trạng cổ tử cung, ngôi thai, tình trạng thai, có nhiễm trùng hay không.

+ Ngôi bất thường hoặc có những bằng chứng cho thấy thai nhi không chịu nổi cuộc chuyển dạ → mổ lấy thai

+ Nếu có bằng chứng nhiễm trùng trên lâm sàng và không có chống chỉ định đẻ đường âm đạo, cho kháng sinh và khởi phát chuyển dạ ngay lập tức.

+ Khi cổ tử cung thuận lợi → gây chuyển dạ bằng truyền oxytocin.

+ Khi cổ tử cung không thuận lợi → làm chín muồi cổ tử cung

- Đề phòng nhiễm trùng:

+ Chuyển lên tuyến có đơn vị chăm sóc trẻ non tháng nhẹ cân.

+ Kháng sinh thường quy khi ối vỡ ở những thai > 37 tuần: dùng kháng sinh làm giảm có ý nghĩa tỉ lệ viêm màng ối và nhiễm trùng hậu sản ở mẹ nhưng không hiệu quả cải thiện kết cục nhiễm trùng chu sinh.

= > Một số tác giả khuyến cáo chỉ sử dụng kháng sinh để phòng ngừa tác nhân streptococcus nhóm B nếu có bằng chứng cấy (+) ở tuần 35 - 37 thai kì, hoặc vỡ màng ối > 18 giờ ở những người bệnh không có kết quả cấy.

4. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG

4.1. Chuyển dạ tự nhiên: thai càng non tháng càng kéo dài thời gian tiềm tàng, phần lớn các thai trưởng thành sẽ chuyển dạ tự nhiên trong vòng 24 giờ. 50% trường hợp vỡ ối sau 37 tuần sẽ tự chuyển dạ trong vòng 5 giờ.Vỡ ối ở tuổi thai từ 32 - 34 tuần trung bình 4 ngày sau sẽ chuyển dạ và 93% trường hợp đẻ trong vòng 1 tuần.

4.2. Nguy cơ của ối vỡ non kéo dài:

+ Nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn hậu sản, suy hô hấp sơ sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh.

+ Thiểu ối → thiểu sản phổi, biến dạng chi, chèn ép dây rốn.

+ Rau bong non, thai chết trong tử cung



5. PHÒNG BỆNH

- Nhanh chóng chuyển thai phụ lên tuyến có đơn vị chăm sóc trẻ non tháng nhẹ cân.

- Sử dụng kháng sinh đúng chỉ định

- Khởi phát chuyển dạ đúng thời điểm.


SUY THAI TRONG TỬ CUNG

1. KHÁI NIỆM

Tuần hoàn tử cung - rau - thai đảm nhiệm việc cung cấp oxy cho thai, nếu vì một nguyên nhân nào đó ảnh hưởng đến tuần hoàn tử cung - rau - thai làm giảm lưu lượng máu đến hồ huyết, hoặc từ gai rau đến thai, sẽ làm giảm lượng oxy đến thai và gây suy thai. Hiện tượng này có thể xảy ra trong quá trình thai nghén và đặc biệt là khi chuyển dạ. Mức độ thiếu oxy nhiều hay ít, trường diễn hay cấp tính, sẽ ảnh hưởng đến mức độ thai suy và dẫn đến tử vong.



2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Suy thai trong thời kỳ có thai

Triệu chứng:

- Chiều cao tử cung phát triển chậm (biểu hiện thai kém phát triển)

- Giảm cử động thai (từ 23 giờ trở đi cử động thai dưới 12 lần trong 2 giờ) hay thay đổi cử động thai

- Nhịp tim thai thay đổi (trên 160 lần/phút hay dưới 120 lần/phút)

Xét nghiệm:

- Ối: nước ối có màu xanh (cần soi ối nhiều lần)

- Monitor sản khoa, truyền ocytocin hay vê núm vú có xuất hiện Dip I, Dip II, tim thai không đáp ứng test không đả kích

- Siêu âm xác định chỉ số nước ối (có giá trị trong thai già tháng).

2.2. Suy thai trong chuyển dạ

- Nước ối có màu xanh (khi vỡ ối hoặc bấm ối)

- Nghe nhịp tim thai (bằng ống gỗ) thay đổi trên 160 lần/phút hay dưới 120 lần/phút

- Theo dõi liên tục nhịp tim thai bằng máy monitor sản khoa thấy xuất hiện nhịp tim thai chậm muộn (DipII) hoặc nhịp tim thai biến đổi hoặc nhịp tim thai dao động ít dưới 5 nhịp

- Siêu âm: xác định lượng nước ối giảm (chỉ số nước ối giảm)

- pH máu đầu thai nhi và máu rốn ngay sau đẻ



3. TIẾN TRIỂN

- Thiếu oxy ban đầu thai còn có đáp ứng bù trừ: điều chỉnh sự phân bổ máu cung cấp oxy đầy đủ cho não, tim, gan; giảm cung cấp oxy tới ruột, da.

- Thiếu oxy nhiều hoặc kéo dài, thai không còn khả năng đáp ứng bù trừ thiếu oxy ở não, tim, thiếu oxy ở tổ chức, chuyển hóa năng lượng giảm trong điều kiện yếm khí, pH sẽ giảm, thai nhiễm toan và chết trong tử cung, hoặc chết sau khi đẻ ra.

4. XỬ TRÍ

4.1. Trong khi có thai: khám thai và theo dõi, đặc biệt những thai nhi có nguy cơ để phát hiện suy thai

- Theo dõi nhịp tim thai (ống nghe) sau khi vê núm vú trong và sau cơn co để phát hiện nhịp tim thay đổi

- Soi ối nhiều lần phát hiện nước ối xanh

- Thử nghiệm ocytocin hay vê núm vú theo dõi bằng máy monitor sản khoa nếu có.

- Xác định độ trưởng thành của thai để đình chỉ thai trong trường hợp có chỉ định

Siêu âm: đường kính lưỡng đỉnh (trên 90mm, thai trên 38 tuần), đường kính trung bình bụng (trên 94mm, thai nặng trên 2500g), độ canci hóa bánh rau độ 3, chỉ số nước ối (nước ối giảm) trên thai ≥ 42 tuần.

- Chỉ số nước ối: ≤ 28mm thường phải mổ lấy thai, 28-40mm thì phải đình chỉ thai nghén (gây chuyển dạ đẻ, nếu thất bại thì mổ lấy thai), 40-60mm theo dõi sát, trên 60mm là bình thường

4.2. Khi chuyển dạ

- Phát hiện suy thai để lấy thai ra kịp thời. Theo dõi thể trạng, bệnh lý người mẹ, đo nhịp tim thai 10-15 phút/lần, theo dõi cơn co tử cung phù hợp với giai đoạn chuyển dạ, nếu tăng cường độ, nhịp độ phải dùng thuốc giảm co.

- Theo dõi nhịp tim thai liên tục bằng máy monitor sản khoa để phát hiện DipII, Dip biến đổi, nhịp tim thai dao động ít hơn 5 nhịp. Nếu có Dip II, Dip biến đổi, tim thai dao động ít đủ điều kiện thì chỉ định làm Forceps, không đủ điều kiện làm Forceps thì mổ lấy thai.

- Đo lượng nước ối ở các trường hợp thai nghén quá ngày sinh, lượng nước ối giảm, có phân su sánh đặc thì nên mổ lấy thai, không nên thử thách để đẻ đường dưới.


TẮC MẠCH ỐI

1. KHÁI NIỆM

- Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng được.

- Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.

- Yếu tố nguy cơ:



+ Sản phụ trên 35 tuổi, con rạ nguy cơ cao hơn con so.

+ Mổ lấy thai, đẻ có can thiệp thủ thuật Forcep, giác hút, chọc ối.

+ Đa ối, đa thai, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật....

+Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung.



- Thời điểm tắc mạch ối: rất khác nhau 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra trong chuyển dạ, 11% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo. 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.

2. CHẨN ĐOÁN

2.1. Hình ảnh lâm sàng đặc trưng:

Xuất hiện đột ngột với các dấu hiệu theo trình tự thời gian. Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật. Trên 80% số trường hợp người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên. Có đến 50% số trường hợp tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.

Nếu người bệnh thoát qua được giai đoạn này (khoảng 40% số trường hợp) sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Chảy máu từ tử cung không thể cầm được. Số trường hợp có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng cao.

2.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán:

Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ và Anh khuyến cáo 4 tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối như sau (phải đồng thời có đủ cả 4 tiêu chuẩn): tụt huyết áp hay ngừng tim. Thiếu ô xy cấp tính. Bệnh lý đông máu hay chảy máu nặng mà không có các lý giải khác. Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có các lý giải khác cho các dấu hiệu này.



2.3. Cận lâm sàng: xét nghiệm khí trong máu; công thức máu; đông máu. X quang phổi: thường không thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể có dấu hiệu phù phổi. Điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và sóng T thay đổi.

2.4. Chẩn đoán phân biệt: chẩn đoán phân biệt với rất nhiều hội chứng khác: tắc mạch do huyết khối, tắc mạch do khí, choáng nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cấp tính, choáng phản vệ do các nguyên nhân khác nhau, rau bong non hay phản ứng của gây tê vùng.

2.5. Chẩn đoán xác định: dựa vào kết quả mổ tử thi tìm thấy tế bào của thai và thành phần nước ối trong động mạch phổi mẹ.

3. XỬ TRÍ

- Duy trì cung cấp oxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy).

- Đặt hơn 2 đường truyền tĩnh mạch, nâng huyết áp bằng dung dịch cao phân tử.

- Hồi sức tim nếu ngừng tim: Adrénaline tiêm tĩnh mạch 1 mg, hoặc qua đường nội khí quản 3 mg, hoặc Xylocaine 1 mg/kg tiêm tĩnh mạch chậm (trong 2 phút). Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 3 - 5 phút. Tuy nhiên, liều tổng cộng của xylocaine không được quá 3 mg/kg.

- Làm các xét nghiệm cấp cứu: khí trong máu, công thức máu, đông máu

- Theo dõi bằng monitor.

- Truyền máu và các chế phẩm của máu nếu kết quả đông máu không tốt kèm chảy máu dữ dội: truyền máu toàn phần hay khối hồng cầu và huyết tương,…

Tuy nhiên trên đây chỉ là những xử trí triệu chứng nhằm hồi phục dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, không xử lý được căn nguyên.Vì tai biến này hay xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh nên hầu hết người bệnh đều tử vong. Nếu thai chưa xổ thì hầu hết thai nhi không được cứu kịp, người ta có thể mổ ngay để cứu thai nhưng tính may rủi cũng rất lớn.



4. HẬU QUẢ VÀ BIẾN CHỨNG:

4.1. Tử vong mẹ, con.

4.2. Hậu quả về tinh thần và vận động cho mẹ và con do thiếu oxy não.


tải về 2.92 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương