UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII



tải về 3.4 Mb.
trang13/43
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích3.4 Mb.
#1536
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   43
BỘ NỘI VỤ


1. Cử tri tỉnh Nghệ An và thành phố Hà Nội kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ trong quá trình điều chỉnh chính sách tiền lương cần nghiên cứu lấy hệ số trượt giá nhân với hệ số điều chỉnh tăng lương để tính tăng lương nói chung và lương hưu trí. Đối với lương đối tượng là công chức thì nên quy định tiền lương tách làm 2 phần: tiền lương theo ngạch bậc và tiền lương theo năng lực hiệu quả công việc”.



Trả lời: (Tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

1. Về mức tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và người hưởng lương hưu.

Điều 56 Bộ Luật Lao động về tiền lương tối thiểu có quy định: khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo tiền lương thực tế. Trong quá trình điều chỉnh chính sách tiền lương, khi thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu, Chính phủ đã xem xét trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, mức tăng trưởng kinh tế, cung cầu lao động và khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội về điều chỉnh lương hưu quy định: lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Trong thực tế tiền lương hưu thường được Chính phủ cân nhắc ưu tiên điều chỉnh với mức cao hơn hoặc thực hiện trước khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung của công chức.

Như vậy trong quá trình điều chỉnh chính sách tiền lương Chính phủ đã tính đến hệ số trượt giá và mức tăng trưởng của nền kinh tế.

2. Về tiền lương theo năng lực hiệu quả đối với công chức:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc chức danh được xét nâng bậc lương trước thời hạn; đồng thời tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP đã quy định “chế độ trả lương gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; nguồn trả lương và theo quy chế trả lương của cơ quan, đơn vị”. Mặt khác, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước thì trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc của từng bộ phận trực thuộc). Theo đó, tiền lương của công chức gắn với hiệu quả công việc được thực hiện theo các quy định nêu trên của Chính phủ.

2. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ tính thời gian giữ các chức danh cấp xã do tỉnh quy định: Thống kê, Kế hoạch, Giao thông, Thuỷ lợi, Quản lý ruộng đất, Thuế, Nông nghiệp, Văn phòng UBND, Văn phòng thống nhất, Thương binh xã hội, Văn hoá thông tin (từ năm 1975- đến trước 01/01/1998) là thời gian liên tục để được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả”.



Trả lời: (Tại Công văn số 2789/BNV – VP ngày 28/8/2009)

Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn có quy định chức danh “ khác” thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Nghị định số 09/1998/NĐ-CP giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể một số chức danh “khác” thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã, dẫn tới không thống nhất các chức danh “khác” ở các địa phương trong toàn quốc nên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa công nhận thời gian cán bộ xã đảm nhiệm chức danh “ khác” ở Uỷ ban nhân dân cấp xã khi nghỉ việc.

Bộ Nội vụ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ- CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ vê chế độ, chính sách đối với công chức ở xó, phường, thị trấn. Tại khoản 2, điều 17 dự thảo Nghị định này quy định: Cán bộ xã, phường, thị trấn có thời gian đảm nhiệm chức danh “khác” thuộc Uỷ ban nhân dân theo quy định tại khoản 5, điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ- CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã đóng bảo hiểm xã hội theo chức danh này mà chưa được hưởng trợ cấp một lần thì được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội.



3. Cử tri tỉnh Lạng Sơn, Ninh Thuận, Bình Định, Lai Châu, Hòa Bình, Gia Lai kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban, ngành xem xét ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với cán bộ xã thuộc đối tượng Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ không đủ điều kiện để bố trí công việc theo các chức danh của Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ đã nghỉ việc và dừng đóng bảo hiểm xã hội (chưa đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí, mà chỉ đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ một lần)”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV – VP ngày 28/8/2009)

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23/9/2008 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; trong đó, hướng dẫn việc giải quyết đối với cán bộ xã thuộc đối tượng Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ không đủ điều kiện để bố trí công việc theo các chức danh của Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ đã nghỉ việc và dừng đóng bảo hiểm xã hội.



4. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi, Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Bình kiến nghị:

Đề nghị nghiên cứu thay đổi chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã là Phó trưởng Công an và Phó chỉ huy trưởng Quân sự để tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mà họ đảm nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hai chức danh phải thực hiện nhiệm vụ nặng nề, có khi ảnh hưởng cả tính mạng vì phải đối đầu với bọn tội phạm, nhưng hiện nay chỉ được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách địa phương và không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc là chưa phù hợp”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV – VP ngày 28/8/2009)

Luật Cán bộ, công chức đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khoá XII quy định cán bộ, công chức cấp xã có 11 chức vụ bầu cử và 7 chức danh công chức (không có chức danh Phó trưởng Công an và Phó chỉ huy trưởng Quân sự).

Theo khoản 4 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức: "Chính phủ quy định khung số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã".

Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã tăng thêm so với trước đây (Cấp xã loại 1: không quá 25 người; cấp xã loại 2: không quá 23 người; cấp xã loại 3: không quá 21 người); đồng thời dự thảo Nghị định cũng quy định số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã; cụ thể là: Cấp xã loại 1: không quá 23 người; cấp xã loại 2: không quá 21 người; cấp xã loại 3: không quá 19 người; mức phụ cấp mỗi người không quá 1,0 hệ số mức lương tối thiểu chung (trong đó ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 2/3 hệ số 1,0 mức lương tối thiểu); các địa phương thực hiện khoán phụ cấp và hoạt động phí.

Khi Nghị định được ban hành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có điều kiện để quyết định việc bố trí công chức chuyên môn cấp xã (có thể bố trí hai đến ba người giữ cùng một chức danh công chức), nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, cũng như nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương; đồng thời, tạo điều kiện giải quyết chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội bắt buộc cho một số cán bộ, trong đó có Phó Trưởng Công an và Phó Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã.

5. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị:

Đề nghị nghiên cứu quy định chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ không chuyên trách cấp xã vì theo quy định hiện hành, đối tượng dù có thâm niên hay không vẫn được hưởng một mức phụ cấp như nhau là chưa hợp lý”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Chế độ phụ cấp thâm niên nghề hiện nay mới chỉ áp dụng đối với sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sỹ quan và hạ sỹ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, công chức hải quan và người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

Chế độ phụ cấp thâm niên nhằm đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ở những ngành có tính chuyên sâu cao.

Như vậy, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã không thuộc đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên.

Chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó có chế độ đối với những người hoạt động không chuyên trách theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khoá X: “Cán bộ không chuyên trách thì thực hiện theo hướng khoán kinh phí hoạt động và đóng bảo hiểm tự nguyện. Chính phủ quy định khung số lượng và khung mức phụ cấp để các địa phương thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể”.

6. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị:

Hiện nay, cán bộ phục vụ trong lực lượng vũ trang được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên công tác trong khi cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước thì không có. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến sự cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, có chế độ phụ cấp thâm niên công tác cho cán bộ, công chức như lực lượng vũ trang”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Kết luận số 20-KL/TW ngày 28/01/2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá X về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012, đã nêu “nghiên cứu áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên nghề cho phù hợp đối với một số ngành, nghề”.

Kết luận số 40/KL/TW ngày 06/3/2009 của Bộ chính trị đã nêu “từ ngày 01/01/2009, thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức của các ngành: toà án, kiểm toán, kiểm tra Đảng, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm”. Đến nay Chính phủ đang thể chế hoá kết luận này để cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành toà án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề.

Chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với các ngành, nghề khác mà trước hết là đối với những ngành, nghề có tính chuyên sâu cao đang được triển khai nghiên cứu theo chỉ đạo của Chính phủ.



7. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị:

"Trong thực tế, các cơ quan hành chính nhà nước tuyển dụng lao động vào làm việc tại các cơ quan theo hình thức hợp đồng dài hạn trong chỉ tiêu biên chế nhà nước, được xếp lương cũ theo quy định Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ, đã thực hiện chế độ công chức dự bị (hưởng 85% lương bậc 1 ngạch tuyển dụng) và được xét nâng bậc lương thường xuyên theo quy định Nghị định 204 ngày 14/12/2004. Nhưng khi được tuyển vào biên chế nhà nước theo quy định tại Nghị định 115/2003/NĐ-CP và Nghị định 08/2007/NĐ-CP thì đối với công chức hợp đồng và đóng BHXH trước ngày 01/7/2003 trở về sau thì chỉ được hưởng 85% hệ số lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng, không bảo lưu hệ số lương đang hưởng, quy định như trên là không công bằng, rất nhiều cử tri bức xúc kiến nghị. Đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ quan tâm xem xét".

Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ quan hành chính nhà nước không được phép ký hợp đồng dài hạn trong chỉ tiêu biên chế để làm các công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan. Tuy nhiên, do thực tế công tác quản lý cán bộ, công chức tại các Bộ, ngành, địa phương, nhiều cơ quan vẫn ký hợp đồng dài hạn trong chỉ tiêu biên chế, có đóng bảo hiểm xã hội. Khi các đối tượng này tuyển dụng vào công chức trong các cơ quan nhà nước, nếu xếp lương từ đầu theo quy định chung thì sẽ thiệt thòi, gây ra nhiều bức xúc, kiến nghị.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 06/2007/TT-BNV ngày 04/7/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2007/NĐ-CP ngày 15/01/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị và hướng dẫn bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về chế độ công chức dự bị, theo đó, đối với các trường hợp khi được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước mà đã có thời gian làm hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian làm hợp đồng được tính vào thời gian thực hiện chế độ công chức dự bị và xét nâng bậc lương thường xuyên trên nguyên tắc:

- Phải được tuyển dụng theo đúng quy trình, thẩm quyền và tiêu chuẩn ngạch công chức.

- Có thời gian liên tục thực hiện chế độ hợp đồng, có đóng bảo hiểm xã hội tại chính các cơ quan này từ trước ngày 01/7/2003 (thời điểm Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành).

- Công việc trong thời gian làm hợp đồng phải phù hợp với ngạch công chức đăng ký dự tuyển và đã đạt đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại thời điểm hợp đồng lần đầu.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng này, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức.

8. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị:

Quy định mức phụ cấp đặc biệt đối với một số xã thuộc tỉnh Điện Biên theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ còn một số bất cập. Một số xã biên giới đặc biệt khó khăn chỉ được hưởng phụ cấp 30%, trong khi các xã có điều kiện kinh tế – xã hội tương đương được hưởng mức phụ cấp đặc biệt 70% và 100%. Đề nghị điều chỉnh mức phụ cấp đặc biệt cho 3 xã Nà Hỷ, Nà Bung, Nà Khoa, huyện Mường Nhé đang hưởng phụ cấp 30% cho phù hợp với tình hình thực tế”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện số 09/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 và Thông tư số 83/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005, trong đó tại điểm c khoản 3 mục III Thông tư số 83/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương và các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định: “Trường hợp Bộ, ngành hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung địa bàn hưởng phụ cấp đặc biệt hoặc đề nghị thay đổi (tăng hoặc giảm) mức phụ cấp đặc biệt đối với các địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt, thì Thủ trưởng bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ (trong văn bản giải trình rõ lý do đề nghị; tính toán kinh phí tăng thêm do việc đề nghị này; tên địa bàn đề nghị thêm, tên địa bàn đề nghị thay đổi mức phụ cấp; mức phụ cấp của các địa bàn giáp ranh đã được hưởng, nếu có).

Căn cứ đề nghị của Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để xem xét, trả lời”.

Theo quy định nêu trên, khi nhận được văn bản đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Nội vụ sẽ trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để xem xét, trả lời.



9. Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị:

Cử tri tiếp tục kiến nghị cấp xã, phường là một trong 4 cấp của hệ thống chính quyền, công chức đã được hưởng lương theo bằng cấp, tuy nhiên hiện nay chưa có quy định chế độ nghỉ phép cho cán bộ cấp xã, phường”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Khoản 1, điều 10 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, quy định:

“Được nghỉ lễ, nghỉ hàng năm và nghỉ việc riêng theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong trường hợp có lý do chính đáng được nghỉ không hưởng lương, sau khi có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng cán bộ, công chức cấp xã”.

Bộ Nội vụ xin ghi nhận vấn đề cử tri nêu trên để nghiên cứu, trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.



10. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị:

"Hiện quy chế thi nâng ngạch bác sỹ, dược sỹ lên bác sỹ chính, dược sỹ chính còn bất cập so với quy chế thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính của các ngành khác. Cụ thể, bên cạnh các quy định như chuyên viên về hệ số lương, thời gian công tác... thì đối với bác sỹ, dược sỹ phải có trình độ sau đại học, trong khi ngành khác tiêu chuẩn này không bắt buộc. Mặt khác, thời gian đào tạo đại học ngành y, dược cao hơn ngành khác nhưng tiêu chuẩn để thi nâng ngạch lại cao hơn là chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho cán bộ ngành y nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng, nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp".

Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Việc thi nâng ngạch công chức, viên chức nói chung và việc thi nâng ngạch lên bác sỹ chính, dược sỹ chính nói riêng phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức. Do vậy, yêu cầu về trình độ đào tạo trong các kỳ thi nâng ngạch công chức, viên chức chuyên ngành khác nhau có thể khác nhau tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức.

Căn cứ vào Quyết định số 415/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức ngành Y tế (trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế) thì đối với ngạch bác sỹ chính và dược sỹ chính yêu cầu trình độ đào tạo của ngạch bác sỹ chính, dược sỹ chính phải có trình độ sau đại học. Do vậy, yêu cầu về trình độ đào tạo đối với viên chức tham dự kỳ thi nâng ngạch bác sỹ chính, dược sỹ chính phải là sau đại học (tương tự đối với một số ngạch viên chức khác như nghiên cứu viên chính, giảng viên chính cũng phải có yêu cầu trình độ sau đại học).

Hiện nay, theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ thì việc quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức ngành Y tế sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ. Do vậy, trong thời gian tới, căn cứ vào yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức ngành Y tế, Bộ Nội vụ sẽ tham gia, phối hợp với Bộ Y tế để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức ngành Y tế cho phù hợp với yêu cầu của ngành Y tế.



11. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị:

Đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ quy định phụ cấp kiêm nhiệm cho Uỷ viên Uỷ ban nhân dân các cấp, vì theo quy định của pháp luật thì các đồng chí này phải chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Theo quy định tại Điều 119 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì Uỷ ban nhân dân gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch và Uỷ viên; đồng thời Điều 126 quy định: “Mỗi thành viên Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm cá nhân về phần công tác của mình trước Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp và cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Uỷ ban nhân dân trước hội đồng nhân dân cấp mình và trước cơ quan nhà nước cấp trên”. Theo đó, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cũng chính là thành viên Uỷ ban nhân dân. Nếu quy định phụ cấp kiêm nhiệm đối với Uỷ viên Uỷ ban nhân dân thì cũng sẽ phải quy định phụ cấp kiêm nhiệm đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, dẫn đến phát sinh bất hợp lý đối với chức danh kiêm nhiệm theo cơ cấu này. Mặt khác, trong hệ thống các cơ quan nhà nước, ngoài chức danh Uỷ viên Uỷ ban nhân dân còn có nhiều tổ chức cũng quy định kiêm nhiệm theo cơ cấu như Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội là Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội…Vì vậy, việc quy định phụ cấp kiêm nhiệm đối với các chức danh kiêm nhiệm theo cơ cấu sẽ rất phức tạp, dễ phát sinh các mâu thuẫn, bất hợp lý mới.

Hiện nay theo quy định Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo áp dụng đối với các đối tượng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

12. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị:

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có thông báo số 178/ĐBQH ngày 20/8/2008 về việc thông báo ý kiến của Bộ Nội vụ trả lời ý kiến của cử tri. Theo đó, tại công văn số 2368/BNV-TL ngày 05/8/2008 của Bộ Nội vụ trả lời hệ số khu vực xã Châu Nga là 0,4 là trên cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005 ngày 05/01/2005 và cân đối tương quan với các địa bàn xung quanh, cụ thể là: xã Châu Bình có hệ số phụ cấp khu vực là 0,4 và xã Châu Hội là 0,5. Tuy nhiên cử tri và nhân dân huyện Quỳ Châu không đồng tình với việc trả lời trên. Xã Châu Nga là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, chưa có điện nước sinh hoạt, đường giao thông đi lại khó khăn. Từ Châu Hội vào Châu Nga còn 14,3 Km đường rừng. Đề nghị sửa đổi Thông tư liên tịch trên để quy định nâng phụ cấp cho xã Châu Nga từ 0,4 lên 0,5 hoặc 0,6 để cán bộ, công chức xã Châu Nga không quá thiệt thòi”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009 của Bộ Nội vụ)

Vấn đề cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị đã được Bộ Nội vụ trả lời tại công văn số 2368/BNV-TL ngày 05/8/2008 (kèm theo). Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực, thì đối với trường hợp cần điều chỉnh tăng, giảm hoặc bổ sung phụ cấp khu vực, trên nguyên tắc quản lý theo lãnh thổ, các cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân huyện), Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, cân đối tổng hợp, sau đó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ xem xét, quyết định.

Theo quy định nêu trên, khi nhận được văn bản đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Bộ Nội vụ sẽ trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc để trả lời.

13. Cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị:

Về quy định nghỉ chế độ theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ đối với cán bộ, công chức hiện nay, đề nghị Chính phủ cho thực hiện thành một chế độ thường xuyên, không nên hạn định về mặt thời gian đến năm 2011 như hiện nay, như vậy mới đảm bảo thực hiện triệt để vấn đề giảm biên chế và cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”.



Trả lời: (tại Công văn số 2789/BNV–VP ngày 28/8/2009)

Chính sách tinh giản biên chế là một trong những giải pháp của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính của Nhà nước. Cụ thể, chính sách tinh giản biên chế theo Nghị quyết 16/2000/NQ-CP ngày 18/10/2000, Nghị quyết 09/2003/NQ-CP ngày 28/7/2003 và Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ để giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc cán bộ, công chức, viên chức do năng lực chuyên môn yếu hoặc sức khỏe yếu, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Mặt khác, công cuộc cải cách hành chính được thực hiện theo từng giai đoạn, việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước cũng có lộ trình theo từng giai đoạn cụ thể, nên việc thực hiện tinh giản biên chế cũng được thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn nhất định.

Sau khi nghiên cứu lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và thời gian tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ đã hạn định về thời gian áp dụng chính sách tinh giản biên chế lần này đến hết ngày 31/12/2011, sau đó tổng kết đánh giá và đề xuất giải pháp những năm tiếp theo cho thích hợp.


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học
files -> ĐỀ ÁN ĐỔi mới cơ chế TÀi chính giáo dục giai đOẠN 2009-2014

tải về 3.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   43




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương