Tìm Hiểu SÁu phái triết họC ẤN ĐỘ ht. Mãn Giác



tải về 1.03 Mb.
trang12/37
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích1.03 Mb.
#33722
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   37

IX.GIẢI THOÁT LUẬN


Thuyết 12 nhân duyên của Phật giáo quán sát tiến trình quan hệ nhân quả trên hai chiều hướng, hoặc thuận lưu, xuôi theo dòng sinh tử, từ vô minh cho đến già và chết; hoặc theo chiều nghịch lưu, ngược dòng khảo sát đi từ cảnh khổ bức bách hiện tại của già và chết để cuối cùng hủy diệt vô minh. Cũng tương tợ như vậy, lịch trình hiện tượng hóa của Sàmïkhya được khảo sát từ prakrïti sinh khởi mahat, từ đó thứ tự sinh khởi ahamïkàra.

Nếu theo chiều ngược, lịch trình diễn ra như sự rút lui, co lại của hiện tượng giới để trở về nguyên tính của prakrïti, từ nhận thức về những sai lầm của hiện tượng chuyển biến, từ sự giả ảo, vô thường trong tốc độ choáng váng của 5 bhùta, là những hiện tượng vật chất cụ thể nhất, nhiều tính chất đau khổ của tamas nhất, cho đến nhận thức chân thật về prakrïti là nguyên lý vật chất nguyên sơ, thường trụ, phổ biến với 9 đặc tính đã thấy.

Cả hai công tác, hoặc tung ra hoặc thu lại, không phải là công tác mà prakrïti tự thực hiện cho chính mình, nhưng là hành sự cho người bạn què của nó. Prakrïti được mô tả như một người bạn tốt, đầy ân đức, trong khi purusïa là một người vị kỷ, vô ân, vô đức. Vô ân, vì từ khi xuôi dòng sống chết cho đến ngược dòng giải thoát, prakrïti luôn luôn chiều theo ý muốn của bạn purusïa mà không nhận lãnh một báo đáp nào cả. Vô đức, vì kẻ thụ hưởng ân huệ chẳng có tài năng gì, không có ba phẩm tính hỉ, ưu và ám40.

Khi purusïa phản chiếu ý muốn của mình trên ba đức tính ưu, hỉ và ám và prakrïti sẵn sàng tác động chúng, và do đó khởi lên lịch trình hiện tượng hóa. Trái lại, khi purusïa chỉ ưa thích những tính chất ẩn mật, bí nhiệm, nhu nhuyến, thường trụ, v.v... của prakrïti, hay muốn đơn độc, thong dong tự tại, thì prakrïti cũng vì đó mà tác động chính trí phân biệt, do sự phản ảnh ý chí của purusïa nơi buddhi, phân biệt những sai lầm xấu xa ở hiện tượng giới để ngược dòng tiến về giải thoát. Thái độ của purusïa được mô tả như một người lần đầu thấy một cô gái và cho rằng đẹp, sinh lòng ưa thích, nhưng sau đó thấy cô khác đẹp hơn và lại sinh lòng ưa thích cô gái sau này hơn. Đó là cô gái có ba đức tính của prakrïti41.

Kàrikà mở đầu cho triết thuyết Sàmïkhya bằng nhận định về ba nỗi khổ bức bách của thế gian, và muốn diệt trừ sự khổ ấy, phải bắt đầu từ ý chí “muốn biết” (jijnõàsà). Muốn biết những gì? Đó là muốn biết tại sao sắc thân được cấu tạo bởi năm đại (bhùta) này lại phải chịu đựng quá nhiều đau khổ42. Sàmïkhya phân biệt có ba loại khổ: đau khổ từ bên trong (àdhyàmika), đau khổ từ bên ngoài (àdhibhautika) và đau khổ bởi thiên mệnh (àdhidaivavika)43.

Dù có thác sinh lên trời (svarga) thì chỉ khác có trình độ hưởng lạc mà thôi, và hậu quả vẫn trở lại nguyên trạng sự khổ trước kia. Bởi vì, loài trời, loài người và loài vật chỉ khác nhau về sự nổi bật của một trong ba gunïa. Ở trời, là sự nổi bật của hỉ hay sattva. Ở người, ưu hay rajas, và vật, ám hay tamas. Cả ba, hỉ, ưu và ám, đều dẫn khởi hiện hữu của một vũ trụ toàn là khổ.

Khi nhận thức về sự khổ như vậy rồi, ta mới bắt đầu quan sát từ hiện hữu cụ thể nhất, 5 bhùtas và 11 indriyas, nhận ra những sai lầm mê hoặc của chúng, do đó ta sinh tâm nhàm tởm. Đó là ta lần lượt quan sát đi từ quả đến nhân, phăng lần cho đến prakrïti, để vươn tới giải thoát cứu cánh (apavarga).

Lịch trình tu tập như vậy diễn ra qua sáu giai đoạn:

1. Tư lượng vị: giai đoạn đầu tiên, khởi sự tư duy về những quá thất của 5 bhùtas, không còn ham muốn chúng, nhàm tởm và tìm cách xa lìa.

2. Trì vị: giai đoạn kế, quán sát những quá thất của 11 căn.

3. Như vị: giai đoạn bước vào như thật, bởi vì do quán sát sự quá thất của 5 tanmàtras mà từ đó hé thấy prakrïti.

4. Chí vị: giai đoạn đã đến đích. Đích ở đây là sự nhận thức về những hệ phược, do quán sát sự quá thất của ahamïkàra.

5. Xúc vị: giai đoạn cú rút, thu hồi hoạt động của 3 gunïa do quán sát sự quá thất của buddhi.

6. Độc tồn vị: giai đoạn cuối cùng, sau khi quán sát và thấy rõ những quá thất của prakrïti, purusïa được tách rời khỏi prakrïti để tự độc lập, riêng rẽ.

Đến đây, màn kịch chuyển biến coi như đã xong. Có thể nói đó là một vở kịch có hai màn. Khán giả là purusïa, và diễn viên là prakrïti. Bấy giờ, khi màn kịch đã dứt, diễn viên lui vào hậu trường, và khán giả cũng tự động giải tán. Thế là, purusïa hoàn toàn giải thoát44.

Theo nghĩa này, giải thoát đối với Sàmïkhya tức là chấm dứt lịch trình hiện tượng hóa, dù xuôi dòng hay ngược dòng. Bởi vì purusïa không hề bị trói buộc (badhyate) và cũng không hề được cởi trói (mucyate), và cũng không có luân hồi sinh tử. Luân hồi sinh tử, bị trói và được cởi trói, tất cả đều có sở y (àsùrayà) nơi prakrïti45.

---o0o---


Chương III - Triết thuyết Yoga (Du Già)

I.YOGA TRONG UPANISHAD


Yoga gồm đủ hai phương diện. Về mặt triết lý, nó phối hợp với hệ phái Sàmïkhya, và có những tư tưởng căn bản như một hệ thống triết hay một hệ phái hẳn hoi, xứng đáng liệt ngang hàng với các hệ phái khác. Về phương diện thực hành, nó là một pháp môn tu dưỡng mà các hệ phái khác, ngoại trừ Nyàya, đều phải có. Cũng như Nyàya cống hiến căn bản lý luận cho các hệ phái, Yoga cống hiến đường lối thực hiện những tư tưởng triết lý của chúng.

Nếu tư tưởng của Sàmïkhya chỉ được coi như là có mầm mống, hay có những dấu hiệu hàm ngụ trong các Upanishads, thì trái lại Yoga không những được định nghĩa mà còn được hướng dẫn bằng các đường lối hành trì trong đó. Katïha Upanishad định nghĩa Yoga46: Những kiểm soát các giác quan năng (indriya) một cách chặt chẽ, chúng được gọi là yoga”. Đây là định nghĩa khá sít sao về yoga, nếu chúng ta biết rằng từ ngữ này có động từ là yuj, có nghĩa là cột, trói. Nghĩa rộng của động từ này là phối hợp, thích hợp, như chúng ta thấy trong động từ yujyate, vừa có nghĩa xứng hợp, thích hợp, mà cũng có nghĩa rộng rãi nữa là thành tựu. Một luận chứng hợp lý, nó là yujyate.

Những danh từ xuất phát từ động từ căn này thảy đều có nghĩa là thích hợp, tương quan, liên hệ. Thí dụ, samyoga, với tiếp đầu ngữ nhấn mạnh, chỉ cho sự giao tiếp, giao thiệp, hiệp nhất hay hiệp tác, mà chúng ta gặp trong Sàmïkhya, về sự giao tiếp hay hiệp nhất giữa purusïa và prakrïti. Các nhà Phật học Trung Hoa thường dịch nghĩa chữ này là tương ưng. Ý nghĩa của tương ưng có thể hiểu theo sự kiện thông thường nơi một nhà tu thiền, đó là sự tương ưng giữa tâm và cảnh. Nó cũng mang một ý nghĩa thần bí, như sự tương ưng giữa cá thể và tuyệt đối.

Maitrì Upanishad47 đưa ra một định nghĩa có tính cách thần bí: “Người đó tương ưng với hơi thở, với chữ aum và với tất cả thế giới sai biệt này, đó là yoga. Sự nhất thông (ekatvam) của hơi thở, tâm ý, và, cũng vậy, các căn (indriyas), và sự xả trừ tất cả những điều kiện của sự hữu, đó là yoga”.

Theo những định nghĩa dẫn chứng đó, yoga là sự tương ưng và hiệp nhất giữa chủ thể và đối tượng, mà thuật ngữ của các nhà Phật học Trung Hoa gọi là “tâm nhất tánh cảnh”, tâm và cảnh trở thành một. Sự tương ưng này đòi hỏi phải thu thúc các quan năng, bởi vì hoạt động của các quan năng thường phân tán, không bao giờ chuyên chú trên một đối tượng. Người yêu nhớ tưởng tình nhân, thấy trọn tất cả sinh thể của mình nằm trong lòng của tình nhân. Tín đồ cầu nguyện, thấy tất cả tâm trí, tất cả đời sống của mình dâng hiến trọn vẹn cho đấng Tối cao. Những sự kiện đó đều có ý nghĩa trong từ ngữ yoga.

Các Upanishads, như đã nói, không những định nghĩa yoga là gì, mà còn chỉ thị các phương pháp tu luyện để đạt đến trạng thái tuyệt đối tương ưng của nó. SÙvetasùvatàra Upanishad48 trình bày khá chi tiết các phương pháp làm thế nào để có thể chiêm nghiệm và khám phá hiện hữu của đấng tuyệt đối. Trước hết, phải giữ vững tư thế của thân thể, các bộ phận trên, gồm ngực, vai và đầu phải thẳng tắp, rồi hướng các giác quan (indriyas) và tâm ý (manas) vào trái tim (hrïdi); và nhờ đó mà nương con thuyền của Brahman mà vượt qua những dòng sông gieo rắc sợ hãi. Con thuyền của Brahman tức là chữ aum. Kế đó là sự kiểm soát hơi thở (prànàyàma); thực tập cho đến khi nào các hơi thở thành trầm tĩnh, nhẹ nhàng, qua các lỗ mũi. Nhờ đó mà thu thúc tâm ý, như buộc chặt con ngựa chứng vào cỗ xe.

Hành giả được khuyến cáo là nên thực tập yoga trong một hang đá cản được gió cao, hay tại một nơi cao ráo, trong sạch, không bị gây trở ngại bởi các tiếng động, của nước chẳng hạn, và nơi mà tâm trí có thể dễ dàng thơ thới, con mắt không bị gây khó chịu. Sương mù, khói, mặt trời, gió, lửa, ánh sáng, ánh trăng, đấy là những hình thái sơ khởi tạo ra sự biểu hiện của Brahman trong yoga. Khi năm đặc tính của yoga được tạo ra, như đất, nước, lửa, gió và không khí, bấy giờ không còn tật bệnh, không còn tuổi già, không còn sự chết, bởi vì người đó đã đạt được một thân thể làm bằng lửa của yoga. Kết quả đầu tiên của tiến bộ của yoga là sự khinh an và sảng khoái, tráng kiện của thân thể, vắng bặt ham muốn, da tươi nhuận, âm thanh êm tai, hương vị dịu ngọt.

Maitrì Upanishad49 chỉ thị phương pháp yoga gồm có sáu phần: điều hòa hơi thở (prànàyàma), chế ngự cảm quan (pratyàhàra), tĩnh lự hay tư duy (dhyàna), tập trung tư tưởng hay chấp trì (dhàranïà), suy lý hay quán huệ (tarka), và đẳng trì (samàdhi). Bằng phương pháp yoga này, người ta có thể bắt được nguồn mạch của Brahman, tống khứ mọi tội lỗi, xấu ác. Cũng như thú vật và chim chóc không lai vãng nơi hòn núi đang bốc cháy, cũng vậy, tội cấu không lay động nổi những ai biết Brahman.

Nếu xét từ thời đại Veda trở xuống cho đến Upanishad, chúng ta thấy phương pháp tu luyện yoga đã đạt đến mức chi tiết. Ngay trong thời đại Veda, tư tưởng khổ tu thường có giá trị khá nổi bật. Tapas hay khổ hạnh, và brahmacarya, tịnh hạnh hay đời sống ly dục, là những đức lý được tán thưởng, không những chỉ giới hạn trong thời Veda sơ khởi với Rïg Veda, mà mãi về sau này, vẫn là những đức lý được ca ngợi nhất trong đời sống tôn giáo và đạo đức của Ấn Độ.

---o0o---




tải về 1.03 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   37




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương