Tìm Hiểu SÁu phái triết họC ẤN ĐỘ ht. Mãn Giác


II.CHÁNH TRÍ: HIỆU LỰC CỦA TRI THỨC (Tri thức luận)



tải về 1.03 Mb.
trang2/37
Chuyển đổi dữ liệu16.10.2017
Kích1.03 Mb.
#33722
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   37

II.CHÁNH TRÍ: HIỆU LỰC CỦA TRI THỨC (Tri thức luận)


Tri thức luận, hay Pramànïa, là sự khảo sát về nguồn gốc và giá trị của tri thức. Về phương diện này, Mìmàmïsà phần lớn chịu ảnh hưởng của Nyàya, dĩ nhiên với một vài chi tiết dị biệt. Ở đây chỉ nói những chi tiết đó.

Chúng ta biết rằng một nhận thức gồm có năng tri (pramàtà), sở tri (prameya); do tác động nhận thức (pramà), chúng đưa đến một hậu quả, và hậu quả này hoặc đúng hoặc sai. Trong trường hợp đúng, nhận thức được nói là có giá trị, hay chánh trí (pramànïya). Chúng ta cũng giả thiết rằng giá trị đúng của tri thức có thể được khảo sát dưới hai tiêu chuẩn. Thứ nhất, theo tiêu chuẩn phù hợp; nghĩa là sự phù hợp giữa năng tri và sở tri. Khi năng tri hướng ra ngoại giới, nó tiếp nhận đúng sự biểu hiện của sở tri, và giá trị sẽ được khảo sát như một phóng ảnh hay một bản sao. Những người theo chủ thuyết duy nhiên hay thực tại luận theo tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn thứ hai trái lại. Nhận thức đúng phải là sự nhất trí giữa những gì đã từng kinh nghiệm và cái đang được kinh nghiệm. Bởi vì, nhận thức bao hàm một phán đoán, và một phán đoán là một toàn thể nhất trí nội tại. Tiêu chuẩn thứ nhất gần giống với các nhà Nyàya, theo đó giá trị đúng của nhận thức là tha chánh tri lượng (paratahï-pramànya). Với thuyết này, hiệu lực hay chân lý của nhận thức phải được khảo nghiệm bằng tác dụng hữu hiệu (samïvàdi-pravrïtti). Như vậy, nhận thức chỉ có giá trị đúng khi nào nó cung cấp một hiểu biết thỏa mãn chủ đích, đưa đến hữu hiệu trí (arthakiryàjnõana). Tự thân của nhận thức không có vấn đề giá trị hay không giá trị. Hiệu lực của nó tùy thuộc các điều kiện ngoại tại. Các nhà Mìmàmïsà chỉ đồng ý với tiêu chuẩn của Nyàya trên phương diện nhận thức không có giá trị, phi chánh tri lượng (apramànya), vì cả hai phái cùng coi nhận thức này như là tùy thuộc các điều kiện ngoại tại.

Trên phương diện nhận thức có giá trị, chánh tri lượng (pramànïya), Mìmàmïsà chủ trương thuyết tự chánh tri lượng (svatahï-prapamànïya-vàda). Tất cả nhận thức, ngoại trừ tác dụng ký ức, (smrïti), đều tự chúng có giá trị, tự xác chứng chân lý, không lệ thuộc bất cứ điều kiện ngoại tại nào. Nhận thức không có giá trị, sai lầm, là do các nguyên nhân của nó bị thiếu sót, bất xác (dosïa). Sợi dây bị tưởng lầm là con rắn, ấy là do các nguyên nhân ngoại tại không cung cấp cho nhận thức những phương tiện chính xác. Hoặc khi nhìn vỏ sò mà thấy là vàng, không thấy đúng đó là vỏ sò, nguyên nhân có thể do con mắt kém. Như vậy, hiểu biết sai lầm chỉ xảy ra khi nào có sự can thiệp của trí năng suy luận. Nhận thức thuần túy, tri giác, luôn luôn đúng, kể từ khởi điểm của nhận thức (utpatti) cho đến thành tựu quyết trí (jnõàpti). Khi nhận thức phát khởi, đối tượng của nó tức thì trình diện, không có một trung gian gián cách nào giữa sự phát khởi và trình diện này.

Như vậy, nhận thức không tùy thuộc bất cứ điều kiện ngoại tại nào khác, mà chỉ khởi lên tùy thuộc vào chính tác dụng của nó: svakàryakaranïe svatahï pràmànyamï jnõànasya, trong điều kiện nhân quả nội tại, giá trị đúng của sự hiểu biết là do chính nó. Nói cách khác, giá trị đúng của sự hiểu biết (jnõanasya pràmànïyam) là do điều kiện nội tại, do chính nó (svatahï), và giá trị sai của sự hiểu biết (jnõànasya pràmànïyam) là do điều kiện ngoại tại, do cái khác (paratahï). Tác dụng ký ức không được kể là một tác dụng nhận thức, bởi vì ký ức chỉ khởi lên từ ấn tượng của một nhận thức quá khứ.

Giữa Mìmàmïsà và Nyàya có những bất đồng về giá trị của nhận thức là do thái độ của mỗi bên về thực tại luận. Trong các cú nghĩa (padàrtha) của Nyàya, và Mìmàmïsà chấp nhận, có hai cú nghĩa bị loại trừ: dị cú nghĩa (visùesïa) và hòa hiệp cú nghĩa (samavàya). Bởi vì, như Kumàrila đã nói, không phải có khái niệm về hai mà người ta có quyền xác nhận một sự dị biệt triệt để, và cũng không phải khi có khái niệm về một độc nhất mà người ta có quyền xác nhận một độc nhất tuyệt đối. Luôn luôn, đồng nhất tính có nghĩa là nhất thể của dị biệt (bhedàbheda). Nếu một sự vật được nhìn như một toàn thể, thì đó là toàn thể bao gồm các phần tử. Hay ngược lại, nhìn như một cá thể, thì đó là những phần tử rời của một toàn thể. Trong tác dụng của nhận thức, không phải người ta nhìn thấy những phần tử trước rồi mới nhận ra toàn thể của chúng. Toàn thể và thành phần cùng hiện hữu trong tương quan đồng nhất. Cả hai cùng nhìn nhận rằng nhận thức tri nhận đối tượng ngoại tại. Nhưng thực tại của Nyàya có thể là một dị biệt thể (visùesïa) mà cũng có thể là một nhất thể vô phân biệt (samavàya), trong khi đó Mìmàmïsà không chịu như vậy.

Do đó, với Mìmàmïsà, tính cách nhất trí của đối tượng nhận thức chỉ là một nhất trí giả, vì đó là nhất thể của dị biệt; nghĩa là, hoặc toàn thể của những thành phần, hay thành phần của một toàn thể. Trước một đối tượng nhất trí theo quan niệm đó, nhận thức không đòi hỏi sự khảo nghiệm nào ngoài tác dụng của chính nó. Nói cách khác, tiêu chuẩn hay chân lý nơi Mìmàmïsà là sự phi mâu thuẫn. Nói như vậy không có nghĩa rằng khi năng tri tiếp nhận đối tượng thì cùng lúc giải trừ mâu thuẫn nơi nó, nhưng thăng hoa và tổng hợp mâu thuẫn ấy thành một nhất trí giả.

Quan điểm thực tại luận của Niyàya và Mìmàmïsà đã không đưa cả hai đến một tiêu chuẩn chung về chân lý, nhưng lại đưa đến một phần tương đồng về tiêu chuẩn của nhận thức sai lầm. Nói là một phần tương đồng, vì đối với tiêu chuẩn này, hai nhà Mìmàmïsà là Kumàrila và Prabhàkara khảo sát nó dưới chiều hướng khác nhau. Khảo sát của Kumàrila gần với các nhà Naiyayika hơn. Cả hai, Kumàrila và các nhà Naiyayika cũng quan niệm như nhau rằng sự sai lầm nơi nhận thức chính là do tổng hợp sai lầm giữa đối tượng đang trình diện và một sự thể từ ký ức tái trình diện. Quan điểm của các nhà Naiyayika được gọi là anyathà-khyàti, biệt hiện. Anyàtha có nghĩa là “một cách khác”. Tức đối tượng trình diện được nhìn thấy “một cách khác”. Nói rõ hơn, vỏ sò và khối bạc là hai thực thể dị biệt. Khi vỏ sò trình diện cho nhận thức, thay vì nó được tiếp nhận đúng y bản thân của nó, nhận thức lại thấy “một cách khác”: đó là một thỏi bạc. Thế là vì, thỏi bạc như đã từng được kinh nghiệm trong quá khứ nào đó, bây giờ được hồi tưởng và tái trình diện như một đối tượng của nhận thức, mà kỳ thực chính nó lại hiện diện ở một nơi khác.

Nhận thức dù sai lầm như vậy, nhưng thực tại tính của đối tượng không hề bị ảnh hưởng. Vỏ sò vẫn là một thực tại ở ngoài tri thức. Cũng như một chú bé đang ngồi trên xe lửa, nhìn qua cửa sổ thấy cây cối đang chạy lùi lại; trong thực tế, cây vẫn đứng yên một chỗ. Nyàya giải thích sự sai lầm này, nói đó là do trí tướng hiện lượng (jnõanalaksïanïa), trí tướng (jnõànalaksïanïa) và định sinh tướng (yogajalaksïanïa). Kumàrila không nhận có một tri giác bất thường nào như vậy. Quan điểm của Kumàrila được gọi là Viparìta-khyàti, tợ hiện, không mấy khác Nyàya.

Prabhàkara bác bỏ cả hai tiêu chuẩn có tính cách tích cực về nhận thức sai lầm ấy. Tiêu chuẩn của ông mang danh là akhyàti, phi hiện. Kumàrila và Prabhàkara cùng đồng ý với nhau rằng trong tri giác sai lầm, thấy “đây là thỏi bạc”, thay vì vỏ sò, cả hai sự thể đều hiện diện. Nhưng tính chất “đây tương tợ ” đáng lẽ phải là tính chất của vỏ sò, lại không được nhận ra, và tính chất “kia” của thỏi bạc cũng không được nhận ra nốt. Sở dĩ như thế là vì vỏ sò và thỏi bạc cùng có tính chất trắng, tính chất sáng tương tợ nhau. Nhưng họ khác nhau ở chỗ, với Kumàrila, tính chất tương tợ của vỏ sò và thỏi bạc khiến chúng tạo thành một nhận thức đơn nhất; cho nên sai lầm không phải duy chỉ là sự vắng mặt của vỏ sò trong nhận thức mà còn là sự cộng tác của cả hai; trong khi đó, với Prabhàkara, sai lầm do sự vắng mặt của vỏ sò trong nhận thức, phi hiện, akhyàti.

Trong thực tế, có hai đối tượng riêng biệt và hai nhận thức về chúng cũng riêng biệt, không liên hệ nhau; thực tế này không được biết đến cho nên mới thành ra sai lầm. Ở đây Prabhàkara phân tích ba trường hợp sai lầm. Một lọ thủy tinh màu trắng lại được thấy là đỏ vì đặt sát cạnh hoa hồng. Trong trường hợp này, nhận thức về lọ thủy tinh bị thiếu mất màu trắng và nhận thức về màu đỏ bị thiếu mất hoa hồng. Cả hai đối tượng, mặc dù đều được nhận thức đúng, nhưng thảy đều thiếu sót một phần. Như vậy, sai lầm là do thiếu phân biệt giữa tri giác với tri giác, vivekàkhyàti.

Trường hợp thứ hai, khi một người ngồi nhớ lại rằng hôm qua y nhìn thấy một con rắn giữa đường mà thực tế lại chính là sợi dây. Ở đây cũng có hai nhận thức khiếm khuyết, và sai lầm như vậy là do thiếu phân biệt về các ảnh tượng ký ức, bhedàgraha. Sau hết, một người tưởng lầm vỏ sò là thỏi bạc, cũng có hai nhận thức khiếm khuyết. Tính chất trắng bạc của vỏ sò được nhận ra, nhưng bản thân của vỏ sò không được n hận ra; đó là một khiếm khuyết trong nhận thức. Thỏi bạc trong ký ức thay vì ở nơi khác, lại bị tước mất tính chất “nơi khác” của nó, và cũng là một nhận thức khiếm khuyết nữa. Đây là sự sai lầm do thiếu phân biệt giữa tri giác với ký ức, asamïsargàgraha.

Tóm tắt về giá trị của nhận thức, chúng ta cũng nên biết thêm rằng, Pàrthasàrathi, tác giả của Sùàstradipikà,Tantearatna và Nyàyaratna, khoảng thế kỷ IX sau Tây lịch, đề nghị có bốn điều kiện cần thỏa mãn cho một chánh tri lượng: thứ nhất, kàranïadosïarahita, nhận thức không khởi lên từ những nguyên nhân bất xác; thứ hai, badhakajnõànarahota, nó phải là nhất trí, không mâu thuẫn; thứ ba, agrïhìtagràhi, nó phải tiếp nhận mới mẻ chưa từng tiếp nhận, và vì vậy ký ức không được coi là chánh tri lượng; thứ tư, yathàrtha, như nghĩa, nó phải trình bày trung thực đối tượng.

---o0o---




tải về 1.03 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   37




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương