Thuyết minh tỉnh Khánh Hoà



tải về 276.01 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích276.01 Kb.
#12965
1   2   3   4   5

Hòn Chồng

Là một thắng cảnh nổi tiếng của TP. Nha Trang, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước.

Trong tác phẩm “Xứ Trầm Hương”, Quách Tấn đã viết: “Ở Nha Trang, muốn đến Hòn Chồng thì có hai đường. Hoặc đến xóm Bóng mướn con thuyền nhỏ bơi ra hướng Bắc, để khai vị thú trời biển bao la. Hoặc theo con đường quốc lộ 1 đi ra khỏi Tháp Bà chừng một cây số rưỡi, rồi quẹo xuống ngõ tẻ qua xóm dừa nước ngọt bóng xanh. Chỉ trong giây lát là đến Hòn Chồng. Cách Tháp Bà Pônagar khoảng 1.500m theo hướng Đông Bắc là một thắng cảnh thiên nhiên: Hòn Chồng – Hòn Vợ. Đó là hai khóm đá lớn, một nằm phía Bắc, nửa chìm nửa nổi được gọi là Hòn Chồng; một là nhóm nhỏ hơn, nằm dưới biển, ở chân đồi phía Đông là Hòn Vợ, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Hòn Chồng là một quần thể các khối đá lớn nhỏ, đa hình đa dạng xếp chồng lên nhau như có bàn tay tạo hóa sắp đặt, tạo dựng trong một trò chơi xếp hình tinh nghịch. Có những khối đá rất lớn trên những khối đá nhỏ hơn, trông rất chênh vênh, hờ hững. Đá một màu xanh xám, lớp chìm dưới nước, lớp nổi lên mặt sóng, lớp nằm giăng hàng, lớp chồng lên nhau. Từ trong bờ, đá chạy lúp xúp ra ngoài khơi, đồi đột khởi lên một tảng đá vừa cao vừa rộng, trông như một cái gò, dáng bằng phẳng. Lạ nhất là trên tảng đá này lại có một khối đá lớn như một ngôi nhà cao tầng nằm trên mỏm cao nhất, bề mặt tương đối bằng phẳng hướng ra biển có in dấu một bàn tay khổng lồ hằn sâu trong đá, như thuở mới tạo sơn, đã có một bàn tay khổng lồ nào bấu vịn vào để lại dấu vết đến ngày nay.

Trên đường xuống Hòn Chồng là một khối đá vuông ví như được ném xuống từ trời cao bị kẹt giữa hai khối đá khác, điều này vô tình tạo nên một chiếc cổng đá tựa như cổng thành cổ xưa và làm thành một lối đi lớn. Về dấu bàn tay khổng lồ có đủ 5 ngón ở mặt phía Đông của tảng đá, có một sự tích dân gian kể lại như sau:

Vào thời xa xưa, các tiên nữ trên trời thấy cảnh giới nơi này đẹp nên thường kéo nhau xuống chơi. Một lần, các tiên nữ xuống tắm ở suối, thích thú, đùa giỡn làm vang động cả một vùng. Khi ấy, có một người khổng lồ từ phương xa đến xứ này ngoại cảnh, ông dừng lại say sưa ngắm nhìn, vô tình trượt chân ngã, ông vội bám víu vào những mô đá bên sườn núi. Sườn núi không chịu nổi sức mạnh của ông khổng lồ nên đổ sụp cả sườn núi. Đá núi ào ào sụp lở và đổ văng ra tận cửa biển, tạo nên Hòn Chồng ngày nay. Khối đá lớn ông khổng lồ bám vào còn in hằn cả bàn tay. Dấu chân trượt ngã cũng với đủ năm ngón lún vào đá thì để lại dấu tích ở Suối Tiên.



Truyền thuyết khác nói về Hòn Chồng:

Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn. Tục truyền rằng, thuở xưa ông khổng lồ ngồi câu cá nơi đây, có một con cá cũng khổng lồ cắn câu lôi đi, ông phải kéo lại, tay cầm cần câu, tay tì vào tảng đá lấy đà khiến bàn tay ấn vào đá và để lại dấu như đã thấy.

Lại cũng có thêm một truyền thuyết khác nói về Hòn Chồng: Xưa kia, nơi đây vốn còn những vách đá cao và dựng đứng. Một ngày nọ, có một chiếc thuyền của đôi vợ chồng trẻ bị sóng to gió lớn đánh trôi dạt vào cửa biển này. Sóng xô thuyền đụng vào vách đá vỡ tung. Sóng lớn cuốn lôi người vợ ra xa. Người chồng vội lao ra kéo người vợ vào nhưng sóng càng lúc càng mạnh. Người chồng một tay dìu vợ, một tay bám được vào vách đá. Vốn đã chênh vênh muốn đổ, nay lại thêm sức mạnh của người chồng bám vào nên vách đá đổ ào xuống biển và nhấn chìm cả đôi vợ chồng trẻ bất hạnh. Họ chết đi nhưng dấu bàn tay của người chồng còn hằn sâu trong đá và giữ mãi với thời gian.

Những tảng đá nơi Hòn Vợ cũng lớn chồng lên nhau, lớp giăng hàng như cảnh Hòn Chồng. Tại Hòn Chồng, đá thường bị sóng cọ mài nên phần nhiều trơn liền, tròn trịa. Còn đá nơi Hòn Vợ nhiều góc cạnh và phần nhiều hình khối lăng trụ. Đá Hòn Chồng thường nằm chồng lên nhau. Còn đá tại Hòn Vợ lại nằm khắng khít bên nhau một cách âu yếm.



Chợ Đầm Nha Trang

Một khu chợ đông vui, lại có một công trình kiến trúc đẹp, khá độc đáo ở trung tâm chợ như chợ Đầm Nha Trang rất đáng được du khách bốn phương biết đến trước khi chia tay, tạm biệt thành phố biển xinh đẹp, mến khách này.


Gọi tên chợ Đầm vì chỗ đất dựng chợ ngày nay trước kia vốn là một cái đầm từ cửa sông Cái ăn sâu vào đất liền, phía dưới Hà Ra. Đầm rộng khoảng hơn 7 ha, hai bên bờ đầm là nhà ở của nhân dân, hầu hết là dân nghèo với những ngôi nhà lụp xụp, chen chúc nhau. Phía cuối đầm, giáp đầu đường Phan Bội Châu bây giờ là một ngôi chợ cũ được xây cất vào khoảng năm 1908, thường gọi là chợ Đầm hay chợ Cửa (chỉ nơi cửa sông). Dần dần với số dân gia tăng của thành phố, khuôn khổ chợ cũ không còn thích hợp, việc phát triển buôn bán và phát triển nhà ở ngày càng lộn xộn, chật hẹp kém mỹ quan và thiếu vệ sinh, thậm chí gây nhiều dịch bệnh cho thành phố. Trước tình hình đó, việc quy hoạch lại khu chợ này trở nên cấp thiết.
Năm 1961, Ty Kiến thiết Khánh Hòa lập một dự án đại cương về quy hoạch lại khu vực chợ này, xây một ngôi chợ hình tròn thay thế cho chợ cũ. Đồ án sơ bộ này do Kiến trúc sư Lê Anh Kim phác họa.
Năm 1964, Tổng nha Kiến thiết lập một đồ án khác do Kiến trúc sư Lê Quý Phong đề xuất, phần chính của đồ án là xây cất một ngôi chợ tròn có mái xếp và một nhánh hình cánh cung. Chính đồ án này được coi là cốt lõi cho việc xây cất ngôi chợ sau này.

Cả hai đồ án chưa được thực hiện thì đêm 16-9-1968 xảy ra vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có: 126 ngôi nhà bị cháy rụi. Tình thế trở nên cấp bách: Một đồ án xây dựng khu vực chợ với quy mô mới, toàn diện hơn được hình thành, có sự phối hợp của nhiều ngành hữu trách: lấp toàn bộ đầm, xây cất ngôi chợ mới cùng hai thương xá và chung cư, làm lại đường sá, hệ thống cống rãnh thoát nước.


Ngày 12-4-1969 được coi là ngày khởi sự đầu tiên của kế hoạch này với việc chiếc xáng Bassa của Nha Thủy vận Sài Gòn bắt đầu thổi cát lấp đầm. Sau 6 tháng, đầm đã bị lấp hoàn toàn với khối lượng cát đã thổi là 350.000m3. Tiếp theo là việc tạo móng, dựng nền và xây cất công trình, hàng nghìn cọc bê tông cốt sắt dài 20m đã được đóng xuống qua lớp sình lầy.

Dựa theo đồ án của kiến trúc sư Lê Quý Phong được thiết kế từ hơn 4 năm trước, các Kiến trúc sư Hồ Thăng, Võ Đình Hiệp, Kỹ sư Nguyễn Xuân Phương cải tiến và bổ sung thêm một số chi tiết. Ngôi nhà chính ở trung tâm chợ được xây cất theo hình tròn, mái xếp thành hình chữ V tượng trưng cho bông sen và những cánh sen, đường kính của ngôi nhà 66,5m, có một tầng lầu hình vành khăn, lệch tâm. Diện tích cả tầng trệt và tầng lầu rộng tới 5.270m2, có thể cùng lúc chứa được trên 3.000 khách ra vào mua bán. Hỗ trợ và phối cảnh với ngôi nhà tròn là hai tòa cao ốc 4 tầng A và B, tầng trệt là thương xá, các tầng trên là chung cư được xây cất theo đường lượn cong bao bọc vành ngoài ngôi nhà tròn, mỗi cao ốc đều có diện tích trên 2.500 tới trên 2.800m2, thiết kế thoáng, trang nhã. Hai cao ốc này được khởi công xây dựng đầu năm 1970 và hoàn thành vào cuối năm 1972. Ngôi nhà tròn và toàn bộ khu chợ được hoàn thành, đưa vào khai trương sử dụng năm 1974.

Tiếc thay, thời gian sử dụng chưa được bao lâu thì những ngày cuối tháng 3-1975, trước sức tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, bọn tàn quân ngụy rút chạy từ Tây Nguyên và các nơi khác đổ về đã ngang nhiên cướp phá chợ Đầm, phóng lửa đốt chợ. Ngôi nhà tròn như một bông sen lớn mới nở giữa lòng thành phố bị xám đen, sập đổ hư hỏng nặng, không sử dụng được nữa. Chợ Đầm vẫn tiếp tục nhóm họp nhưng mỹ quan và trật tự bị giảm sút nhiều. Một kế hoạch tu sửa lại toàn bộ ngôi nhà tròn và quy hoạch tổng thể khu chợ được xây dựng và triển khai với sự tham gia của Viện Thiết kế xây dựng và Ty Xây dựng tỉnh. Ngày 3-2-1980, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Canh Thân, lễ chính thức khai trương Cửa hàng Bách hóa tổng hợp Chợ Đầm với diện tích sử dụng là toàn bộ hai tầng của ngôi nhà tròn được sửa chữa lại khang trang và đẹp đẽ hơn xưa được tổ chức trọng thể với nhiều quan khách trong và ngoài tỉnh cùng hàng ngàn đồng bào tham dự.
Ngày nay, ai đã có dịp đi trên máy bay từ thủ đô Hà Nội vào Nha Trang, từ trên nhìn xuống, cả thành phố như một lẵng hoa lớn đặt bên bờ biển xanh sẽ nhận ra trong lẵng hoa đó có một bông sen đang nở, đó chính là chợ Đầm Tròn và vị trí bông sen là điểm gần giữa đầm mấy chục năm về trước. Năm 1985, trong một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật với đề tài Nha Trang - Huế - Cần Thơ, di tích và thắng cảnh do Hội Văn nghệ của 3 địa phương phối hợp tổ chức, một trong những bộ ảnh được đông đảo người xem, đặc biệt là những người dân Nha Trang rất chú ý và được tặng thưởng của Ban tổ chức là bộ ảnh 3 chiếc chụp cùng ở một vị trí, góc độ nhưng ở ba thời điểm cách xa nhau: 1960, 1980 và 1985 của một nhóm tác giả chụp về quang cảnh chợ Đầm xưa và nay.

Hòn Tằm

Vị trí: Phía Nam vịnh Nha Trang cách bờ 7km.

Vùng đảo biển Nha Trang thật hấp dẫn với một loạt các hòn đảo như hòn Tằm, hòn Mun, hòn Dung, hòn Tre, hòn Miếu, hòn Thị, hòn Hèo, hòn Chồng và các đảo khác… Nằm trong vùng vịnh thuộc dự án khu bảo tồn biển Hòn Mun, hòn Tằm có lợi thế là khá gần với trung tâm thành phố Nha Trang. Từ bến tàu dưới chân biệt điện Bảo Đại, để đến đảo chỉ cần khoảng chưa đầy 15 phút bằng thuyền máy, và khoảng 5 phút bằng canô cao tốc. Có thể đi Hòn Tằm và trở về bất cứ lúc nào, kể cả trong đêm.

Hòn Tằm có diện tích hơn 130ha. Tại đây không có dân cư sinh sống. Trong bất cứ mùa nào, hòn Tằm vẫn lặng gió, mặt nước biển êm như mặt hồ. Nơi đây còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ của thiên nhiên với thảm rừng nhiệt đới tươi xanh rợp mát bốn mùa. Bờ cát dài uốn lượn như nàng tiên cá đang phô diễn nét mịn màng của tạo hóa bên ngàn trùng sóng vỗ êm dịu suốt ngày đêm. Phía dưới, những ghềnh đá nhấp nhô là làn nước xanh như pha lê với hàng trăm loài cá tụ tập thành đàn tung tăng trẩy hội len lỏi trong những rặng san hô trăm hồng nghìn tía đua nhau khoe sắc. Tất cả đều huyền ảo và vô cùng thơ mộng.

Nhìn từ xa, Hòn Tằm tựa như một con tằm với “sân chơi” là cả một vùng biển được bao quanh bởi hòn Tre, hòn Một, hòn Miễu (có hồ cá Trí Nguyên) nên thuận gió và tương đối ít sóng, là nơi lý tưởng cho các loại hình vui chơi trên biển: dù bay, lướt ván, thuyền buồm, môtô nước, chèo thuyền, câu cá, phao chuối…

Hiện nay, trên đảo có cơ sở dịch vụ du lịch được xây dựng tập trung thành hai khu: Khu A – được xây dựng trước – với nhiều dịch vụ, kể cả phòng nghỉ, giá cả có phần “mềm” hơn; Khu B – mới đưa vào kinh doanh từ năm 2001 – với một nhà hàng và các nhà nghỉ độc lập nằm dưới chân đảo, gần bãi tắm với cảnh quan đẹp, yên tĩnh, thích hợp cho các nhu cầu nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.


Đến đây, du khách được lắng mình trong một không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng sóng biển ngày đêm rì rào ôm quanh bờ đảo, tiếng gió lướt trên các rặng cây và ghềnh đá cùng muôn vàn chim biển chao chát, chấp chới trong những buổi bình minh hay hoàng hôn. Thảm rừng nhiệt đới trên đảo xanh tươi bốn mùa không những phong phú về giống loài thực vật mà còn là nơi ẩn mình của khá nhiều loài chim muông. Dưới chân đảo là các bãi tắm đẹp có độ dốc thoai thoải, chạy dài 400 m và uốn lượn phô mình trong làn nước trong, xanh biếc một mầu.

Hòn Tằm còn kỳ thú, lôi cuốn du khách bởi hệ động, thực vật biển phong phú. Tại mũi đảo, nơi những ghềnh đá nhấp nhô là rặng san hô. Hàng trăm loài cá đã quy tụ về đây thành từng đàn, tung tăng, len lỏi trong rặng san hô và thảm thực vật đại dương, tạo nên một cảnh sắc thật thơ mộng.


Trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, các công trình kiến trúc du lịch được thiết kế hài hòa, phù hợp cảnh quan, chính là những điểm nhấn đặc sắc, làm tăng thêm vẻ đẹp của hòn đảo. Khuất dưới rặng cây xanh và những vườn hoa, hàng dừa là hệ thống nhà nghỉ cao cấp, hướng mặt ra biển đón gió trời và ánh sáng, đồng thời tạo tầm nhìn bao quát, giúp du khách chiêm ngưỡng phong cảnh bao la, bát ngát của biển, trời. Cạnh đó, dọc theo bờ biển là những chòi cá ẩn hiện, thấp thoáng cùng các nhà nghỉ được thiết kế bằng tre, nứa, lá cho du khách dừng chân và nếu thích thì có thể nghỉ lại qua đêm.
Ngoài việc tham quan, tắm biển, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, đến khu du lịch Hòn Tằm, du khách còn có dịp được tham gia những hoạt động thể thao bóng đá, bóng chuyền trên cát hoặc các loại hình giải trí như leo núi, thám hiểm rừng cây, đi xe đạp vòng quanh đảo, chèo xuồng, bơi thuyền buồm, câu cá và theo ngư dân tham gia những tour săn bắt dưới nước. Khu du lịch mới khai trương các môn thể thao cảm giác mạnh thể hiện lòng can đảm: lướt ván, bay dù, mô-tô nước và lặn biển khám phá thế giới đại dương. Khi hoàng hôn buông xuống, du khách có thể hòa mình trong thiên nhiên với tour "Đêm trên đỉnh Hòn Tằm". Sau một buổi leo núi, khách thật sự sảng khoái bên đống lửa trại bập bùng, được ca hát, vui chơi giữa lồng lộng gió trời và tiếng sóng biển, cùng nhau thưởng thức những món ăn đậm hương vị mặn mòi của biển và vui bên ché rượu cần, trong tiếng nhạc, lời ca, điệu múa cổ truyền dân tộc.

Trong mười năm trở lại đây, với vị trí thuận lợi, nằm giữa tuyến du lịch đảo của Khánh Hòa, lại được công ty cung ứng tàu biển thương mại và du lịch Nha Trang đầu tư xây dựng và tạo dựng các sản phẩm hấp dẫn, khu du lịch Hòn Tằm đã trở thành điểm dừng chân của hầu hết các tour thăm vịnh Nha Trang. Năm 2004, gần 300 nghìn lượt khách đã đến vui chơi tại đây, doanh thu đạt gần 12 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, khu du lịch đón hơn 100 nghìn lượt du khách và số lượng khách quay trở lại chiếm tỷ lệ rất cao. Đây là kết quả của quá trình khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh biển đảo và tạo dựng nhiều sản phẩm vui chơi, giải trí cùng các loại hình dịch vụ chất lượng cao.

Theo các nhà quản lý, sắp tới khu du lịch sẽ hoàn thiện một con đường vòng quanh núi để tạo một tour đạp xe địa hình bên cạnh tour leo núi đã có, đồng thời mở rộng mô hình chăn nuôi một số loài chim, thú để du khách săn bắn. Không ngừng sáng tạo và đổi mới, đó là phương châm để khu du lịch là điểm đến được du khách ưa thích nhất của Nha Trang - Khánh Hòa.

Đến với khu du lịch Hòn Tằm chúng tôi một trong những điểm đến được hài lòng nhất năm 2004; do người tiêu dùng bình chọn. Bạn sẽ được phục vụ tận tình chu đáo.

Chúng tôi có 3 nhà hàng đủ sức chứa 1.000 khách cùng một lúc với những món ăn từ dân dã đến hải đặc sản cao cấp. Bạn có thể lựa chọn cho mình 1 thực đơn hợp với khẩu vị với mức giá từ 25.000đ đến 200.000đ/khách. Nếu Bạn muốn tham gia trò chơi cảm giác mạnh - Chỉ với từ 120.000đ đến 200.000đ/người bạn sẽ được như ý cùng lặn thám hiểm biển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hòn Tằm từ trên cao trên những chiếc dù bay hoặc có thể đua tốc độ cùng với những con sóng trên chiếc Jestki. Bạn có thể chơi bóng chuyền bãi biển, đua xuồng Kayak, leo núi hoặc nằm dài trên những chiếc ghế ngắm mây trời và sóng biển.

Liên hệ:
Khu Du lịch Hòn Tằm


Địa chỉ : 72 Trần Phú - Nha Trang
Điện thoại : (84-58) 829100/ 821418; Fax: 829100/ 821418
E-mail: hontamresort@dng.vnn.vn
Website : http://www.hontamresort.com.vn

Con Sẻ Tre

Nằm trải dài ở phía Nam đảo Hòn Tre (Nha Trang), khu du lịch "Con Sẻ Tre" đang là nơi thu hút rất đông du khách đến tham quan nghỉ ngơi.

Dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư, những vật liệu thô sơ giản dị như tranh, tre nứa, lá đã trở thành những đường nét chấm phá độc đáo cho khu du lịch "Con Sẻ Tre". Từ quầy tiếp tân được thiết kế bằng nguyên liệu chính là tre đan xếp vào nhau, khu nhà trọ mái lợp lá cọ thoáng mát tới đường đi tất cả đều ẩn chứa nét thôn quê. Ngay lúc tàu du lịch cập bờ, chiêng trống đã dồn vang chào đón, các nhân viên trong trang phục mớ ba mớ bẩy, khăn xếp áo the niềm nở đón khách. Qua quầy lễ tân, men theo những con đường rải đá cuội, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một bãi tắm khá đặc biệt với những lều tắm thiết kế theo hình ảnh 12 con giáp. Trên mỗi vách lều là những bức tranh Đông Hồ màu sắc tươi tắn: Hứng dừa, Đánh Ghen, Đám cưới chuột...sinh động trên nền giấy điệp. Bên cạnh đó, Ban quản lý khu du lịch còn tổ chức các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, chọi gà, cờ tướng nhằm giới thiệu cho du khách nét sinh hoạt văn hóa của người Việt. Sau khi tắm biển, nghỉ ngơi thư giãn, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ăn dân dã như canh cua rau đay, cá kho tương, thịt kho tộ...điều đặc biệt là các món ăn này được trưng bày trong những chiếc bát, đĩa gốm Bát Tràng khiến bữa cơm của du khách thêm hấp dẫn.

Thăm khu du lịch "Con Sẻ Tre", bạn sẽ được tận hưởng khung cảnh thôn quê thanh bình như lạc vào một ngôi làng cổ kính nhưng lại mang hơi hướm hiện đại của gió, nắng, biển xanh mát.

Quả thật những thú vị liên tiếp diễn ra và không thể có những sự buồn chán tại thành phố biển này, bữa ăn tạo nên không khí ấm cúng với những tách trà nóng khiến cho chúng tôi quên đi cơn mưa vùa rồi, bữa ăn kết thúc cũng là lúc bọn tôi ùa ra tham quan chụp hình với những bụi tre trải dài dẹp như một giấc mơ. Sau đó chúng tôi rời đảo lên tàu trở lại bờ tham quan Viện Hải Dương Học với cái tên quen thuộc của người sáng lập bác sĩ Alexandre Yersin.

Đồng Đế: Một trung tâm huấn luyện miền Trung của quân đội miền Nam được thành lập vào năm 1956, chuyên đào tạo các hạ sĩ quan bộ binh. Sau năm 1975, Đồng Đế trở thành doanh trại Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Đồng Đế nằm sau núi Cô Tiên.

Đảo Khỉ: Trên đảo, trước kia người ta nuôi khỉ để thí nghiệm, điều chế vacxin hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan vỡ đàn khỉ bị bỏ hoang, không ai trông nom. Ngày nay, khỉ nuôi không còn dùng cho mục đích này nữa mà dành cho mục đích du lịch. Giờ khỉ sống trên đảo như một môi trường tự nhiên. Nếu có dịp tham quan trên Đảo khỉ hay Hòn Lao du khách sẽ thích thú với những màn xiếc thú vui nhộn, bãi biển sạch, không khí trong lành.

Đèo Ro Tượng
Qua cầu Suối Tre là tới đèo Ro Tượng. Đèo dài hơn 1km trước đây vua Quang Trung chọn nơi này làm nơi huấn luyện tượng binh trên đường tiến quân vào nam chinh phạt quân Nguyễn Ánh và bè lũ nên mới có tên là như vậy .
Ngay đèo Cổ Mã quẹo phải đi vào 18 cây số chúng ta sẽ vào trong rừng Văn Phong, nơi đây có bãi tắm Xuân Đình vịnh Văn Phong , KDL Đầm Môn rất nổi tiếng.

Ngã ba Ninh Hòa
Đây là khu vực vựa lúc chính của tỉnh Khánh Hòa, nhưng cũng chính là nơi dễ bị ngập lụt nhất, đoạn đường này thường hay bị tắt nghẽn vào mùa mưa lũ. Đặc sản nổi tiếng là nem Ninh Hòa với chất xúc tác lên men là lá cây chùm ruột. Nếu rẽ trái là QL29 đi Buôn Ma Thuột dài 146km.

Trường Sa

Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Đông Nam nước ta, ở giữa biển Đông trong khỏang từ kinh độ 111030’ đến 117020’ Đông và vĩ độ 605’ đến 120 Bắc. Toàn bộ quần đảo gồm trên dưới 100 hòn đảo và cồn, bãi trải rộng trên một vùng biển ước chừng 16 đến 18 vạn km2, trong đó có 23 hòn đảo và cồn, bãi thường xuyên nhô lên khỏi mặt nước.

Từ Nha Trang ra thăm quần đảo Trường Sa thì hòn đảo đầu tiên nên đến là Song Tử Tây.
Song Tử Tây cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 450 km, được hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng vào 4 giờ sáng ngày 14/4/1975. Đảo này dài khoảng 700m, rộng khoảng 300m.
Bề mặt đảo được phủ một lớp sâm nam xanh mượt. Sâm nam thì gần như đảo nào cũng có đó là một loại cây bò trên mặt đất, ngọn cất cao, hoa lấm tấm màu vàng, nhỏ hơn hoa cải hạt như hạt vừng, khi già tách ra bay theo gió, nhân giống ra kín đáo.
Củ sâm nam to, dài, phía cuối tẻ ra như đôi chân cắm vào lòng đất, thái móng, phơi khô, pha như nước chè. Tại trung tâm đảo có tấm bia chủ quyền mang cờ đỏ sao vàng cao hơn 2m.

Hòn đảo thứ hai nên đến thăm là đảo Nam Yết, dài gần 800m, rộng 200m. Trên đảo có nhiều cây cối quanh năm không có bóng dáng mùa đông, chỉ có mùa thu mát rượi ban đêm và mùa hè nóng bức ban ngày.


Đi giữa vùng cây trên đảo đâu đâu cũng gặp những cây cối quen thuộc. Đặc biệt có loài cây bàng biểu, tán xòe nhiều tầng như cái lọng, cành mọc ngang thường cao tới năm, bảy mét.

Từ đảo Nam Yết đi về phía Đông Bắc chừng 18 hải lý là đảo Sơn Ca. Đây là một đảo nhỏ, nhiều cát, nổi lên giữa bãi san hô lớn, nên còn có tên là đảo Cát trên đảo có nhiều cây cối xanh tốt nhưng tán thấp. Bờ đảo phía trên là những dải cát trắng, phía dưới là bãi san hô ăn lan từ bờ ra ngoài biển tới ba bốn trăm mét. Khi có sóng thì bãi san hô bao quanh đảo đều nổi bọt sóng trắng xóa như bông. Cũng như nhiều đảo khác ở Trường Sa, đảo Sơn Ca thường có nhiều con vích, một loại rùa biển, lên đẻ trứng; thịt vích ngon như thịt bò.


Nói đến chim thì trên đảo nào cũng có, nhưng không đâu nhiều bằng đảo Trường Sa. Đảo Trường Sa là một hòn đảo bằng phẳng dài gần 600m, rộng trên 200m và là hòn đảo nằm ở gần phía cực Tây của quần đảo Trường Sa. Trên đảo không có cây to, ven bờ đảo là bãi cát trắng, chung quanh đảo có những vành san hô, có nơi rộng tới gần ngàn mét.
Trên đảo Trường Sa, đúng là thế giới của các loài chim. Buổi sáng, bước ra khỏi nhà, nhìn lên trời, thấy chim bay rào rào như một đám mây, nhìn dưới đất chim non la liệt. Cả đảo như một chuồng chim khổng lồ. Phân chim tích tụ hàng bao nhiêu đời, dầy cộm, nước mưa cuốn theo chất phốt phát hòa với san hô phong hóa, tạo thành những mỏ phốt phát vôi thiên nhiên lộ thiên. Theo các nhà địa chất thì khoan xuống độ sâu 3m. Tỉ lệ phốt phát cũng vẫn khá cao.

Các thư tịch cổ ghi Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Thời thuộc Pháp, năm 1933 quần đảo này thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1956, chính quyền Sài Gòn đưa về tỉnh Phước Tuy. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1982 quần đảo Trường Sa được tổ chức thành huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Đến nay, huyện Trường Sa được đưa về tỉnh Khánh Hòa.



Đèo Rù Rì

Ở về phía bắc của thành phố Nha Trang chỉ dài hơn 1km nhưng lại có nhiều đoạn quẹo chữ Z rất nguy hiểm. Rù Rì là do tên Rủy của viên kỹ sư Pháp làm đèo này xưa kia hình thành, cũng nằm trên QL1A.



Bãi biển Đại Lãnh

Nói đến bờ biển Khánh Hòa, không thể không nói đến bờ biển Đại Lãnh. Đại Lãnh nằm giữa hai đèo, đèo Cổ Mã phía Nam và đèo Cả phía Bắc, bãi tắm Đại Lãnh được cấu tạo thuần khiết với một thứ cát trắng mịn, đầm nét chặt chẽ, không hề gợn một cảnh san hô hay đá sỏi vụn, lại có độ thoai thoải lớn. Bãi tắm Đại Lãnh còn có một ưu điểm là ngay giữa khu vực bãi tắm lại có một nguồn nước ngọt chảy ra từ chân núi hoà vào biển cả, nước quanh năm mát lạnh, tinh khiết.

Đại Lãnh từ xưa đã được vào hàng danh lam thắng cảnh của cả nước. Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho chạm trổ cảng Đại Lãnh vào một Cửu Đinh đồng trang trí trước sân Thế Miếu của đất đế đô. Năm 1853, dưới thời vua Tự Đức, Đại Lãnh lại được giới thiệu trong “Tự điển quốc gia” do triều đình biên soạn.

Đến Đại Lãnh, du khách có thể dọc theo dãy phố chính hoặc đi sâu vào làng chài, để tìm hiểu lối sống và cung cách sinh hoạt của người dân Đại Lãnh, hoặc mua hải sản khô làm quà. Ngoài ra du khách còn được thưởng thức các món hải sản tươi rói vừa được đánh bắt từ biển với cách chế biến phong phú và đâm đà hương vị địa phương.



Huyện Vạn Ninh

Huyện Vạn Ninh là một huyện địa đầu cực bắc của tỉnh Khánh Hòa, nằm phía ngang đèo Cả. Với diện tích tự nhiên là 550k2 trong đó ¾ diện tích là rừng, Vạn Ninh có 12 xã và 1 thị trấn với dân số là 125.118 người, mật độ dân số 229 người/ km2. Dân cư sống chủ yếu bằng nông nghiệp và lâm nghiệp. Thị trấn huyện lỵ là Vạn Giã cách Nha Trang 60km, có đường sắt xuyên việt chạy ngang huyện với các ga Đại Lãnh, Tu Bông … Vạn Ninh có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nổi tiếng nhất là bãi biển Đại Lãnh. Tại nơi đây vua Minh Mạng đã chọn là nơi được khắc vào một trong chín đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu. Phía nam Đại Lãnh có một vùng non nước kỳ thú được hiệp hội du lịch thế giới ( WTO ) và hiệp hội phát triển Liên hiệp quốc ( UNDP ) đánh giá là khu du lịch nhiệt đới phối hợp với bãi tắm Vân Phong là một trong những thắng cảnh quyến rũ nhất khu vực Châu Á và viễn đông. Vị trí nơi có phần đất vươn ra biển đông xa nhất nước. Có đặc tính của vùng vịnh kín, độ sâu trung bình khoảng 20 – 27 m, gần đường hàng hải quốc tế đã tạo ra một khả năng lớn để khai thác cảng biển, cảng chuyển tải quốc tế, dịch vụ thương mại. Vịnh Vân Phong còn là cảng biển lý tưởng của các cảng biển trên bán đảo Đông Dương và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ngoài ra ở Vạn Ninh còn có cảng Đầm Môn là cảng sâu nhất miền Trung ( tàu 30.000 tấn ) có thể ra vào.

Khoáng sản có cao lanh Xuân Tự, cát trắng Đầm Môn, sa khoáng imenit Vĩnh Yên, granit Tân Dân, vàng Xuân Sơn … trong đó cát trắng Đầm Môn và granit Tân Dân có trữ lượng khá lớn.



tải về 276.01 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương