Thuyết minh tỉnh Khánh Hoà


Bác sĩ Alexande Yersin (1863-1943)



tải về 276.01 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích276.01 Kb.
#12965
1   2   3   4   5

Bác sĩ Alexande Yersin (1863-1943)

Ngày 22/9/1863 Alexandre Yersin đã ra đời tại một vùng quê miền núi ở Navanux – thuộc tổng Vaud – nước Thụy Sĩ .

Năm 1865 vua Louis XIV hủy bỏ chỉ dụ Nantes không còn đối xử bình đẳng với những người theo giáo phái Calvin như trước. Tổ tiên Yersin bị khủng bố phải rời bỏ vùng quê cha đất tổ vùng Languedoc (miền nam nước pháp) di cư sang Thụy Sĩ.

Cha của Yersin là một giáo viên sinh học. Mẹ quê ở Paris. Yersin là em trai trong gia đình có hai chị em.

Với tính khiêm tốn trầm lặng thích sống ẩn dật, ông ít nói về đời mình nên hiện nay người ta ít biết về những ngày thơ ấu của ông .

Năm 20 tuổi (1883) Yersin học ngành y tại Lausanne (Thuỵ Sĩ). Sau đó tiếp tục học tại Marbuorg (Đức) và tốt nghiệp đại học Paris (Pháp).

Từ năm 1886 ông làm việc tại viện Pasteur Paris và cộng tác với bác sĩ Roux- tìm độc tố vi khuẩn bạch cầu.

Năm 1890 ông được chuyển lại quốc tịch pháp.

Trong những năm miệt mài nghiên cứu tại viện Pasteur Paris Ông đã chứng tỏ là một thiên tài hiếm có một con người giàu nghị lực ham tìm tòi học hỏi. Tương lai sáng mở ra trước mắt ông. Nhưng Yersin lại hướng về chân trời mới muốn tìm ra lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại “tôi luôn luôn mơ ước khám phá đất lạ, thám hiểm khi còn trẻ ta luôn tưởng tượng những đều kì lạ sẽ đến, không có gì là không có thể làm được”.

Bác sĩ Vallerey – Radot cháu nội của nhà bác học Pasteur, đã nhận xét về Yessin: “từ nhà ông nội tôi, tôi thấy ông ấy nhìn bản đồ hàng giờ”.

Thế rồi Yersin bất ngờ rời bỏ ngành vi trùng học- sống đời thủy thủ và nhà thám hiểm- mở đầu một cuộc đời khác kéo dài 50 năm .

Trước hết Yersin nhận lời làm bác sĩ cho một con tàu của công ty vận tải đường biển đến Viễn Đông. Sau 6 tháng hoạt động trên tuyến đường Sài Gòn-Manila (Philippin, Yersin chuyển sang làm việc trên tàu Sài Gòn chạy từ Sài Gòn đến Hải Phòng và ngược lại.

Những tháng đầu tiên trong nghề hàng hải đối với Yersin thật quyến rũ! Yersin chưa từng tiếp xúc với biển cả nhưng trong thời thanh niên, Yersin đã quen với hồ Léman. Khi thuyền lênh đênh trên đại dương, Yersin nhìn lên bầu trời và học cách xác định tọa độ. Khi tàu cập bến, Yersin tập sự cùng kính thiên văn. Trong những năm sau, Yersin say mê thiên văn học và về sau tìm hiểu cả điện khí quyển, quang phổ mặt trời.

Tàu chạy trên tuyến đường Hải Phòng-Sài Gòn, khi tiến lại gần bờ biển, lúc vượt sóng ra ngoài khơi. Dãy Trường Sơn hùng vĩ ở phía Tây hiện ra trước mắt Yersin gợi lên kỷ niệm tuổi học trò. Ngày ấy, Yersin đã cùng các bạn leo lên sườn núi Valais. Dãy Trường Sơn tuy không có những đường nét và màu sắc giống như dãy Alpes nhưng có những hấp dẫn kỳ lạ. Yersin muốn tìm lại những cảm giác thành thực và thân thiết khi khám phá được những điều bí ẩn, đặt chân lên miền đất lạ.

Tháng 7-1891, Yersin cập bến Nha Trang. Ông lên bờ, đi dọc miền duyên hải đến Phan Rí và theo các con đường mòn vượt qua một ngọn đèo cao 1200 m gần Di Linh. Từ Di Linh ông định băng rừng đến Sài Gòn tìm ra con đường bộ nối liền Nha Trang với Sài Gòn, nhưng không kịp chuyến tàu đi Hải Phòng nên ông đành bỏ cuộc hành trình, xuống Phan Thiết dùng thuyền buồm ra Nha Trang.

Chuyến thám hiểm đầu tiên ngắn ngủi này đã giúp nhà thám hiểm 30 tuổi làm quen với những khó khăn trên miền núi vùng nhiệt đới-với gió núi-mưa rừng- chịu đựng những con vắt hút máu người- vượt qua những con suối nước chảy như thác đổ… lần tiếp xúc đầu tiên với núi rừng Tây Nguyên cũng đã kích thích Yersin ham muốn thực hiện những chuyến thám hiểm khác.

Ngày 29-3-1892, từ Nha Trang ra Ninh Hòa, tiến thẳng về hướng Tây đến Stung-treng trên bờ sông MêKông.

Nhờ sự giúp sức của Pasteur và bộ trưởng giáo dục Pháp; năm 1893, Yersin thực hiện nhiệm vụ thám hiểm vùng núi nằm giữa bờ biển miền trung và sông Mêkông, vùng thượng nguồn sông Đồng Nai và Sêbangcan mà trước nay ít người biết đến. Rời Sài Gòn ông đã vượt qua thác Trị An đến Tánh Linh, vượt qua sông La Ngà đến Di Linh. Men theo một con đường mòn gần giống như con đường QL20 hiện nay. Ngày 21-6-1893, ông đến thác Prenn và sau đó đặt chân lên LangBiang.

“Trên đường đi, cao nguyên nhấp nhô cao từ 900-1200 khoảng 15->20 km trước khi đến chân núi. Tôi đứng trên một vùng hoàng toàn tơ trụi và cây cỏ. Đất đồi mấp mô khiến tôi cảm giác như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Langbiang đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như ngày càng xa dần khi tôi đến gần. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho chúng tôi đến gần vài trăm mét. Đàn nai vụt chạy ra xa rồi ngoái cổ lại tò mò nhìn chúng tôi”.

Cuối năm 1893, Yersin lại lên cao nguyên Langbiang, thám hiểm cao nguyên Đắc Lắk-A Tô Pơ (Lào) và ngày 7-5-1894 về Đà Nẵng.


Năm 1890, bác sĩ Albelt Calmette thiết lập chi nhánh viện Pasteur ở Sài Gòn.

Năm 1894, bệnh dịch hạch lan tràn trên khắp miền Đông Trung Quốc. Bác sĩ Calmette đề nghị Yersin đi Trung Quốc nghiên cứu tại chỗ bệnh dịch hạch.


Ngày 15-6-1894, Yersin đến Hồng Kông và gặp một đối thủ-bác sĩ Kitasatô đã đến Hồng Kông trước Yersin 3 ngày. Bác sĩ người Nhật này nổi tiếng về công trình khoa học tìm ra vi trùng uốn ván.
Yersin dựng một túp lều tranh bên cạnh bệnh viện và làm việc trong điều kiện thiếu thốn. Chỉ sau 5 ngày làm việc, ngày 20-6-1894, ông đã tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch. Qua hệ thống bưu điện của Anh, ông đã gửi những ống nghiệm trực trùng sang Pháp. Trực trùng bệnh dịch hạch đến Pasteur Paris nguyên vẹn và được xác minh, mang tên Yersin (Yersins Pestis).

Năm 1895, Yersin thành lập viện Pasteur ở Nha Trang và điều chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch.

Một năm sau, bệnh dịch tái phát ở Trung Quốc, Yersin lại sang Trung Quốc và cứu được nhiều người thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo đã giết 50 triệu người ở thượng cổ.

Yersin trở về Nha Trang. Một cuộc đời bắt đầu, nhiều vấn đề đặt ra. Nhận thấy thành phố Nha Trang xây dựng trên một vùng cát trắng không tiện mở rộng những cánh đồng cỏ để nuôi ngựa dùng cho việc điều chế huyết thanh, ông khai phá vùng Suối Dầu- cách Nha Trang 10 km về hướng nam, thành lập một trại chăn nuôi và trồng trọt.

Theo gương các bậc tiền bối, ông lao vào nghiên cứu huyết thanh trị bệnh dịch hạch cho trâu bò. Từ đó, viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu vi trùng động vật và cả bệnh nhiễm trùng gia súc.

Trong một chuyến dừng chân tại Malaixia và Inđônêxia, Yersin rất chú ý đến trồng cao su. Năm 1897, ông bắt đầu trồng cao su ở Suối Sầu và 8 năm sau (1905), hãng Michelia (Pháp) nhận được 1316kg mủ cao su đầu tiên. Quan tâm đến phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su, ông đã thiết lập một phòng thí nghiệm nông hóa. Tại đây, những biện pháp chọn giống, cạo mủ và làm đông mủ cao su được nghiên cứu có hệ thống đã giúp rất nhiều cho những người trồng cao su ở Đông Dương.

Thời gian trôi qua… tại trại chăn nuôi và trồng trọt tại Suối Dầu ngày càng mở rộng, Yersin nhận chức viện trưởng 2 viện Pasteur ở Sài Gòn và Nha Trang.

Năm 1902-1903, ông ra Hà Nội để thành lập trường đại học Yersin Đông Dương và làm hiệu trưởng đầu tiên.

Năm 1924, ông giữ chức vụ Tổng Thanh Tra Các Viện Pasteur ở Đông Dương.

Năm 1933, ông làm viện trưởng danh dự viện Pasteur ở Paris.

Trong thời gian sống ở xóm Cồn (Nha Trang), ông là một người hàng xóm đôn hậu, thường giúp những cụ già và những người chài lưới, thương yêu trẻ con. Ông sống rất giản dị, giàu lòng nhân ái.

Sau chuyến công du ở Ấn Độ, toàn quyền pháp Paul Doumer muốn xây dựng một nơi nghỉ dưỡng cho Pháp kiều như những nơi nghỉ dưỡng ở Ấn Độ. Yersin đề nghị nên chọn Đankia-cách Đà Lạt hơn 10km về phía tây bắc.

Năm 1899, ông đã tháp tùng Paul Doumer lên Đà Lạt. Sau khi quan sát tại chỗ, Paul Doumer không chọn Đankia làm nơi nghỉ dưỡng nhưng chọn vị trí Đà Lạt hiện nay theo đề nghị của bác sĩ Emile Tardif vì :

Đà Lạt ở độ cao hơn Đankia.

Độ dốc của Đà Lạt thoai thoải-không khí của Đà Lạt hợp vệ sinh hơn ở Đankia-có những ngọn đồi nhỏ cách nhau bằng những thung lũng lầy lội.

Không khí ở Đà Lạt mát lạnh và ít ẩm hơn ở Đankia vì Đankia nằm gần đỉnh langbian-sườn núi hứng gió ẩm-nhận lượng mưa nhiều hơn-sương muối nhiều hơn (đến 10g sáng sương mới tan).

Về thực vật: Đankia chỉ toàn đồi nhỏ, trong khi Đà Lạt gần rừng thông, không khí vừa mát mẻ vừa thơm ngát hương thông.

Về giao thông vận tải: Đà Lạt thuận tiện hơn Đankia.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Lúc bấy giờ, Hà Lan chiếm độc quyền sản xuất Quinine-phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét. Yersin gieo thử hạt Canh Ki Na ở Suối Dầu và Đankia. Ông gặp thất bại hoàn toàn ở Suối Dầu, nhưng Đankia cần tốn thêm nhiều công sức.

Năm 1917, Yersin trồng cây Canh Ki Na ở Hòn Bà-một ngọn núi gần Suối Dầu. Lúc đầu cây tăng trưởng tốt nhưng chết vì đất đai không thích hợp.

Tháng 7-1923 những cây Canh Ki Na tốt nhất ở Hòn Bà được đem lên trồng ờ Đrăn và thu được kết quả tốt. Ông tiếp tục trồng trên cao nguyên Langbiang nhỏ và Di Linh.

Năm 1936, cây Canh Ki Na được trồng quy mô lớn ở Lán Tranh và Di Linh-thu hoạch được 30 tấn vỏ với tỷ lệ Quinine Sunfat 7,42%.

Năm 1938, thu được 21 tấn vỏ với tỷ lệ Quinine Sunfat cao hơn (8,5%).
Ngày 28-6-1935, trường trung học Yersin được khánh thành ở Đà Lạt. Yersin trở về Đà Lạt lần cuối cùng trước khi mất. Nhân dịp này, đáp lại lời phát biểu của một học sinh, ông đã trình bày cảm tưởng khi đặt chân lên cao nguyên Lanbiang: “không khí mát mẻ đã làm tôi quên đi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy hết tốc lực lên xuống những ngọn đồi như một học sinh trung học trẻ tuổi”.

Trong những năm cuối đời, Yersin vẫn say mê nghiên cứu khoa học-Ngành Thiên Văn-Vô Tuyến Điện. Vài tuần trước khi mất, tuy bệnh ngày cành tăng, ông vẫn theo dõi mực thủy triều.


Ngày 1-3-1943, Yersin thanh thản qua đời, hưởng thọ 80 tuổi để lại niềm thương tiếc sâu sắc. Hàng ngàn người dân Nha Trang đã đưa linh cửu ông đến nơi an nghỉ cuối cùng ở Suối Dầu.

Đến Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 19 và nửa đầu 20, Yersin đã làm việc trong bộ máy cai trị của thực dân pháp. Tuy nhiên, những công trình khoa học đa dạng-cuộc sống giản dị-lòng nhân ái và tình yêu Việt Nam của ông vẫn sống mãi trong tâm tư, tình cảm của người Đà Lạt-Nha Trang và trên hành tinh của chúng ta. Thủ đô Hà Nội-Thành Phố Hồ Chí Minh-Nha Trang đã đặt tên Yersin cho một con đường trong thành phố. Ở Đà Lạt, con đường dẫn đến trường trung học Yersin cũ hiện nay là (trường Cao Đẳng Sư Phạm) được mang tên nhà bác học Pháp-người đã mang nặng nghĩa tình Việt Nam và để lại những kỷ niệm khó quên ở Đà Lạt: Alexandre Yersin !



Ba khu tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin:

- Thư viện của Bác sĩ Yersin tại viện Pasteur Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

- Chùa Linh Sơn, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (phòng làm việc của Bác sĩ ở Suối Dầu trước đây).

- Phần mộ của Bác sĩ Yersin, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Sau hơn 50 năm sống và làm việc vì khoa học ở Viện Pasteur Nha Trang (1891 - 1943) Yersin đã cống hiến cho khoa học 55 công trình nghiên cứu có giá trị.

Các chức vụ ông đã đảm nhận:

- Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang.


- Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương.
- Hiệu trưởng Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội.
- Tổng thanh tra các Viện Pasteur Đông Dương.
- Viện sỹ Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp.
- Chủ tịch danh dự Hội Đồng Y Khoa Viện Pasteur Paris.

Viện Hải Dương Học

Nằm trên đường Trần Phú, trên một khu đất cao ráo, rộng rãi, ngay cạnh cảng Cầu Đá, cách trung tâm thành phố 6km theo hướng Đông Nam, Viện Hải Dương Học được thành lập vào năm 1923, đồng thời với bảo tàng Hải Dương Học Nha Trang, là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu tiềm năng biển nhiệt đới, ra đời sớm nhất ở Việt Nam.

Viện Hải Dương học Nha Trang được xem là cơ quan lưu giữ hiện vật và nghiên cứu biển lớn nhất Đông Nam Á với trên 11.000 tiêu bản về hải sản. Ngày 14 tháng 9 năm 1922, Sở Nghề Cá Đông Dương - tiền thân của Viện Hải Dương Học ngày nay đã được thành lập. Do nằm trên khu đất cao ráo, có vị trí rất thuận lợi để hình thành một viện nghiên cứu biển ở Việt Nam, bởi bờ biển Nha Trang thuộc loại sâu nhất, chứa đựng đầy đủ các tầng, các lớp và các loài động thực vật biển của vùng Đông Nam Á nên nơi đây được xem như là viện bảo tàng sinh vật biển, là nơi lưu trữ lớn nhất và đầy đủ nhất về các sinh vật biển ở Việt Nam. Tại đây có trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và nước ngọt được sưu tầm, gìn giữ từ bao năm qua bên cạnh những sinh vật điển hình được nuôi thả trong bể kính.

Trải qua hơn 80 năm hoạt động và phát triển, Viện Hải Dương Học đã đóng góp được một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông, bao gồm 1100 ấn phẩm đã được công bố, trong đó nghiên cứu về tính đa dạng sinh học chiếm 62,6%, về vật lý hải dương chiếm 11,6%, về sinh thái môi trường chiếm 7,6%, về địa chất địa mạo biển chiếm 5,4%, về hóa học biển và về hóa sinh chiếm 4,4%. Qua đó, có thể thấy được Viện Hải Dương Học Nha Trang đã góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu khoa học của đất nước.

Viện Hải Dương học có một bộ xương cá voi khổng lồ dài tới khoảng 26m, cao 3m, với 48 đốt sống được phục chế nhằm mục đích nghiên cứu khoa học và phục vụ du khách tới thăm viếng. Bộ xương này được tìm thấy ngày 8/12/1994 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam trong lúc đào mương làm thủy lợi và được đưa về trưng bày tại đây năm 1995. Bên cạnh đó, Viện còn trưng bày bộ xương bò biển (dugon) chết ngày 22/1/1997 tại bãi Lò Vôi (Côn Đảo) và được vườn quốc gia Côn Đảo chôn cất, bảo quản. Bộ xương dài 273cm, nặng 300kg, được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và vườn quốc gia Côn Đảo tặng tháng 11/1997.

BỘ SƯU TẬP NHỮNG SINH VẬT SỐNG

Cá ngát: phân bố ở châu Phi, Ấn Độ, Hồng Hải, Malaysia, Philipin, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam. Kích thước tối đa là 32 cm. Cá tìm thức ăn trong nền đáy nhờ những gai xúc giác nhỏ trên râu. Trên vây lưng và vây ngực cá còn có những chiếc gai rất nhọn mang độc tố, khi chích sẽ gây ra vết thương sưng tấy và đau nhức. Cá sống thành đàn. Khi gặp nguy hiểm, đàn cá cuộn lại thành một khối cầu to.

Cá sơn đá: gặp ở tất cả các vùng biển nhiệt đới, kích thước tối đa là 32 cm. Đặc điểm: loài cá này chỉ hoạt động vào ban đêm, ban ngày cá ẩn nấp trong những khe đá, hang hốc. Cá có thể phát ra những tiếng “click” rất rõ (có lẽ để liên lạc với nhau).

Cá chình: phân bố ở các vùng nhiệt đới và ôn đới, kích thước tối đa là 3m. Đặc điểm: cá hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng chui rúc trong các hang hốc hay vùi mình trong cát. Những con lớn có răng rất sắc nhọn, có thể tấn công người.

Cá vệ sinh: phân bố ở Úc, Ấn Độ-Thái Bình Dương, kích thước tối đa 14cm. Đặc điểm: những loài cá dù to lớn hay hung dữ thế nào đi nữa thì đứng trước cá vệ sinh đều tỏ ra rất hiền lành, ngoan ngoãn. Chúng chuyên ăn các phần thịt thối rữa, làm sạch vết thương và ăn các loại ký sinh trùng bám trên mang, da, trong miệng các loài cá khác.

Cá bò hỏa tiễn: phân bố ở Úc, Ấn Độ-Thái Bình Dương, kích thước tối đa là 60 cm. Đặc điểm: lớp da cá rất dày, miệng nhỏ nhưng có những chiếc răng rất khỏe nhờ đó có thể ăn được những sinh vật có vỏ cứng như cua, sò, cầu gai, vẹm… Lớp da dưới ngực cá có khả năng giãn ra làm cho kích thước cá tăng đáng kể để hăm dọa kẻ thù.

Cá nó : phân bố ở biển Đỏ, Ấn Độ-Thái Bình Dương, kích thước tối đa là 90 cm. Đây là nguyên liệu chính để làm món “sushi fugu” rất được ưa thích tại Nhật. Tuy nhiên một số loài cá nóc mang độc tố tetrodotoxin cực mạnh, chỉ cần ăn phải một lượng rất nhỏ cũng có thể tử vong. Cá có thể phình to khi gặp nguy hiểm.

Cá mặt quỷ: phân bố ở Úc, Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cá có hình thức ngụy trang đặc biệt nên còn gọi là cá đá. Những chiếc gai trên lưng và hậu môn gây độc tố cực mạnh gây hôn mê thậm chí tử vong. Tuy nhiên thịt cá không có độc và lại rất ngon được xem là đặc sản.

Hải sâm: rất rộng, có thể tìm thấy ở tất cả các vùng biển, ở mọi độ sâu. Khi bị tấn công nó phun ra hầu hết các phần nội tạng làm thức ăn cho kẻ thù, phần đã mất sẽ được tái tạo lại sau 20 ngày. Một số loài là thức ăn tốt.

Tuy vậy, với nhiệm vụ nghiên cứu biển trong tương lai, Viện Hải Dương Học Nha Trang luôn luôn tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học và cán bộ quản lý khoa học cả về hai mặt lượng lẫn chất với những trang thiết bị hiện đại nhất, để đáp ứng được nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước.

Viện Hải Dương Học được thành lập từ ngày 14 tháng 09 năm 1922 cho tới nay, qua gần một thế kỷ hoạt động và phát triển, Viện Hải Dương Học đã đóng góp được một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục, khai thác và bảo vệ biển. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các giai đoạn hoạt động và phát triển viện có thể được chia như sau:

Giai đoạn từ năm 1922 -1930

Sở Hải Dương Học Nghề Cá Đông Dương: (Service Océanographique des Pêches de l'Indochine) là cơ quan tiền thân của Viện Hải Dương Học Đông Dương được thành lập theo quyết định của Ngài Baudoin, Toàn quyền Đông Dương ký ngày 14/09/1922.

Phương hướng nghiên cứu: nghiên cứu khảo sát các điều kiện tự nhiên và nguồn lợi cá để phục vụ cho nghề cá Đông Dương.

Giám đốc: Tiến sĩ Armand Krempf, nhà nghiên cứu sinh học.

Cán bộ nghiên cứu khoa học chính :

Tiến sĩ Paul Chabanaud, nhà nghiên cứu ngư học.


Tiến sĩ Constantin Nikolaevitch Dawydoff (người Nga) nhà nghiên cứu động vật không xương sống ở biển.

Tiến sĩ Pierre Chevey nhà nghiên cứu ngư học.


Tiến sĩ Henri Marcelet, nhà nghiên cứu hóa sinh học.

Ông Nguyễn Công Tiêu, nhà nghiên cứu động vật giun nhiều tơ.


Giai đoạn từ năm 1930 – 1952

Viện Hải Dương Học Đông Dương (L'Institut Océanographique de l'Indochine) được thành lập theo sắc lệnh của ngài Gaston Doumergue, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp ký vào ngày 01/12/1929.



Giai đoạn từ năm 1952 -1975

Từ năm 1952, Viện Hải Dương Học Đông Dương được đổi tên là Viện Hải Dương Học Nha Trang (L'Institut Océanographique de Nha Trang), về sau đổi thành Hải Học Viện Nha Trang khi có quyết định của Chính phủ Pháp bàn giao cho Chính quyền miền Nam đương thời (1954). Tiến sĩ Raoul Sérène giữ nhiệm vụ vai trò cố vấn kỹ thuật cho đến tháng 03/1961. Thời gian này, đất nước chưa thống nhất, việc nghiên cứu biển mang tính chất khu vực. Viện Hải Dương Học Nha Trang hoạt động khó khăn trong điều kiện có chiến tranh nên phương hướng nhiệm vụ của viện chú trọng vào việc đào tạo cán bộ nghiên cứu biển có trình độ trên đại học và đại học cộng đồng và tổ chức những chuyến khảo sát biển ven bờ, cù lao gần và tập trung vào cộng tác xác định mẫu vật sắp xếp lại theo bộ môn, viết báo cáo về các khảo sát có tính ứng dụng.

Tham gia khảo cứu vùng biển vịnh Thái Lan và miền Nam Việt Nam với Viện Scripps (Institution of Oceanography California) Hoa Kỳ trên tàu Stranger trong chương trình NAGA (1959-1960) và tham gia chương trình CSK (Cooper ative Study of Kuro shivo) (1965-1977) nghiên cứu ảnh hưởng của dòng Kuroshio.

Giai đoạn từ năm 1959 – 1975

Trong khi đất nước chưa thống nhất, để khảo sát khu vực biển vịnh Bắc Bộ Chính phủ Việt Nam DCCH quyết định thành lập các tổ chức nghiên cứu biển:

1959 thành lập Đoàn Khảo sát Biển vịnh Bắc Bộ (điều kiện tự nhiên và nguồn lợi cá tầng đáy và gần đáy).

1961 thành lập Trạm Nghiên cứu Biển Hải Phòng trên cơ sở của Đoàn Khảo sát Biển.

1967 thành lập Viện Nghiên Cứu Biển Hải Phòng trên cơ sở Trạm Nghiên cứu Biển Hải Phòng.

Từ 1975- đến nay:


Sau khi Việt Nam thống nhất, Viện Hải Dương Học Nha Trang, Viện Nghiên Cứu Biển Hải Phòng được sát nhập thành một Viện thống nhất lấy tên là Viện Nghiên Cứu Biển Nha Trang, trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam, nay là Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia.

Đến năm 1993, Viện Hải Dương Học (L'Institut Océanographique) bao gồm tất cả các cơ quan nghiên cứu biển trên toàn quốc, viện được tổ chức thành một viện chính ở Nha Trang và hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội.



Chùa Long Sơn

Tọa lạc trên đường 23/10, thuộc làng Phước Hải, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, chùa Long Sơn là ngôi chùa có quy mô lớn nhất trong số hơn 20 ngôi chùa ở Nha Trang. Chùa nằm ngay trong nội thành Nha Trang, bên quốc lộ 1A, dưới chân hòn Trại Thủy.

Chùa được hòa thượng Ngộ Chí, người Phú Yên, cho xây dựng năm Bính Tuất 1886 tại đỉnh đồi Trại Thủy, có tên là Đằng Long Tự. Ban đầu chùa được kiến tạo bằng vật liệu nhẹ, mái lợp tranh vách đất. Đến năm Canh Tý 1900, chùa bị bão sập, hòa thượng Ngộ Chí dời chùa xuống chân núi, tại vị trí hiện nay, sửa sang và lợp bằng ngói âm dương, rồi đổi tên là Long Sơn Tự. Cũng trong thời gian này, chùa được sắc phong “Sắc Tứ Long Sơn Tự”.

Về núi Trại Thủy, dân gian gọi là Hòn Xưởng. Sách cũ ghi là Khố Sơn, tục danh là Hòn Kho. Những tên này biểu hiện mối liên hệ đến lịch sử. Núi Trại Thủy là một hòn đơn độc nằm ở địa đầu thành phố Nha Trang về phía Tây. Hòn núi này chỉ cao chừng 35m, dài 600m, giống một ngọn đồi dọc theo quốc lộ 1A, ở phía Bắc. Hình dáng giống như con dơi nằm xoè cánh, đầu hướng về phía Tây Nam. Người xưa gọi là “Ngọc bức hàm hoàn”. Triền phía sau có dốc ngược, toàn là đá hoa cương. Triền phía trước hơi lài, cũng bằng đá hoa cương nhưng có lẫn đất điệp. Trên núi không có cổ thụ và bàn thạch. Cảnh tượng khô khan, trơ trụi. Quang cảnh chung quanh núi rất đặc sắc. Đặc biệt là cảnh quan những vườn dừa nối liền nhau tưởng chừng như bất tận của các làng Lư Cấm, Ngọc Hội, Vĩnh Hội, Vĩnh Điền nổi bật dưới chân núi, trải một màu xanh mượt mà.

Hòn Trại Thủy đứng giữa đất bằng nhưng không đơn độc. Theo các nhà địa lý, núi này thuộc hệ thống dãy Trường Sơn Tây nguyên. Còn các thầy phong thủy xưa cho rằng đây là Trấn Thủy khẩu của dãy núi Tây Diên Khánh. Long mạch phát khởi từ hòn Thị ở Diên Khánh, chạy ngầm dưới đất gần cửa sông Cù, đồi khởi thành cột trụ giữ linh khí cho cuộc đất Diên Khánh Vĩnh Xương.

Khoảng giữa thế kỷ 18, nhà Tây Sơn thắng chúa Nguyễn, dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Đô đốc Trần Quang Diệu vào trấn Bình Hòa và nhận thấy Ninh Hòa không thể dụng binh bèn dời dinh Tổng trấn vào Diên Khánh, xây thành đắp lũy để chống với quân chúa Nguyễn ở mặt Nam, về đường bộ. Để chống giữ về mặt biển, Trần Quang Diệu lại cắt một đạo thủy binh xuống trấn miền duyên hải. Xét thấy Hoàng Mai Sơn (núi Trại Thủy) vị thế hiểm trở, bèn dùng làm căn cứ quân sự. Trên núi thì cất trại lính, dưới núi về mặt Bắc gần sông lại đóng xưởng cất thuyền, đóng kho chứa lương thực. Vì vậy, núi mới có tên là Trại Thủy hay Hòn Xưởng, Hòn Kho.

Hòn Trại Thủy trước thời thực dân Pháp chiếm đóng là một hòn núi mọc toàn mai. Những khóm mai cổ thụ, cội cao tàng cả, mọc chen vào những tảng đá hoa cương to lớn. Mỗi lần xuân đến, hoa mai nở vàng cả mùa. Hết mùa, lá mai đậm và láng trùm lên núi một màu xanh lục lìa và anh ánh. Sang đông, lá mai rụng hết, núi trở thành một hòn trọc màu xám in những nét đen nhạt của những cảnh khúc khuỷu, những cội u nần của những khóm mai già rắn rỏi.
Năm Canh Thìn 1940, chùa được đại trùng tu lại theo kiểu Á Đông gồm: tiền đường, hậu sảnh, Đông lan, Tây lan, tăng khách, tăng phòng, nhà bếp… Công trình này do đạo hữu Tôn Thất Quyền, hội trưởng Hội Phật học Khánh Hòa lúc bấy giờ chủ trương tổ chức. Năm Tân Hợi 1971, chùa tiến hành cuộc đại trùng tu lần 2 do Thượng tọa Thích Thiện Bình, Chánh đại diện Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa lúc bấy giờ chủ trương tổ chức theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Võ Đình Diệp. Đến năm 1975, công trình đã thực hiện được 60% so với đồ án đã thiết kế. Chiều ngang tiền đường chùa Long Sơn dài 44.5m, chiều dài từ tiền đường đến chân núi là 37.5m, chiều cao chánh điện là 17.5m.

Trong điện thờ uy nghiêm bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn, nặng 700kg, cao 1.6m. Sau bức tượng là tấm gương lớn tượng trưng cho ánh sáng hào quang nhà Phật, và bức tượng Quan Âm Chuẩn Đề có nhiều tay, mỗi tay cầm một vật mà các vị Phật hay cầm.

Bên hông trái chùa có đường lên núi Trại Thủy. Nơi đây, có tôn trí Kim Thân Phật Tổ là tượng Đức Phật Thích Ca tại đỉnh núi Trại Thủy. Tượng do Thượng tọa Thích Đức Minh và điêu khắc gia Bùi Văn Thêm, hiệu Phúc Điền, thực hiện vào 2 năm 1964 – 1965. Tượng quay về hướng Đông, có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, phần tượng cao 14m, tư thế tọa thiền, uy nghi giữa nền trời. Từ đỉnh tượng đến sân trước cửa chùa cao chênh lệch 50m, nếu lên đến nơi tôn trí Kim Thân Phật Tổ phải leo 150 bậc thang ở sau chùa.

Năm Bính Tý 1936, chùa được cúng cho Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa để làm Hội quán Tỉnh hội. Liên tiếp từ đó đến nay, chùa là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Trong khuôn viên chùa có sự phối hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên góp phần tạo nên cho Nha Trang một danh lam thắng cảnh nổi tiếng.




tải về 276.01 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương