Thuyết minh tỉnh Khánh Hoà



tải về 276.01 Kb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích276.01 Kb.
#12965
1   2   3   4   5

Tháp Bà Pônaga

Tọa lạc trên một quả đồi khá cao tại làng Cù Lao, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa xưa (nay thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), là khu di tích quan trọng của người Chăm – Tháp Pô Nagar. Khi người Chăm rút khỏi vùng Khauthara (tức vùng Khánh Hòa), ngôi đền thờ chính này của người Chăm được chuyển giao cho người Việt và trở thành tháp Bà hay tháp Thiên Yana Thánh Mẫu. Cho đến nay, người Việt quanh vùng, cứ đến ngày rằm, mồng một hoặc khi có chuyện riêng từ gì đó đều lên tháp Bà thắp hương, cầu xin Bà phù hộ độ trì. Tại chân núi Tháp Bà, bên bờ sông Nha Trang (sông Cái), có hẳn một xóm của những người làm nghề cung văn, nhạc công, múa bóng chuyên nghiệp thường xuyên phục vụ các nghi lễ dân gian tại Tháp Bà. Xóm đó được gọi là xóm Bóng “Ai về xóm Bóng Hà Ra / Hỏi thăm điệu hát dâng Bà còn không?”.

Đối với người Chăm, tháp PôNagar là đền thờ vị nữ thần đáng kính nhất và quan trọng nhất của dân tộc mình: thần mẹ xứ sở – Pô Inư Nagar (Pô: Ngài, Bà; Inư: Mẹ; Nagar: xứ sở, đất nước, đô thị). Vì vậy, sau khi rút khỏi vùng Nha Trang, người Chăm đem nữ thần của mình về thờ tại một ngôi đền nhỏ ở làng Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Hiện nay, cứ vào ngày thứ năm và thứ sáu của tuần đầu tháng giêng theo lịch Chăm hằng năm, người Chăm lại làm lễ Rija – Nugar để cầu xin thần Mẹ xứ sở giúp những điều kiện tốt lành, mưa thuận gió hòa. Nữ thần PôNagar là nữ thần bản địa có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của người Chăm.

PôNagar không chỉ đầy huyền tích mà còn là một trong những tổng thể kiến trúc vào loại lớn nhất của vương quốc Chămpa xưa. Toàn bộ khu đền Pô Nagar nằm trên đồi Cù Lao, hướng mặt về phía biển, hướng về phía Đông, chếch Bắc 7 độ và có cả 3 tầng kiến trúc. Ở tầng trên cùng là hai dãy tháp, xung quanh có tường bao (hiện chỉ còn dấu tích tường xưa ở mé tây và nam). Dãy tháp thứ nhất, từ Bắc xuống Nam, gồm ngôi tháp chính (theo truyền thuyết là tháp thờ thái tử Bắc Hải), ngôi miếu nhỏ (nơi thờ ông bà trồng dưa). Trên dãy tháp thứ hai phía sau, hiện chỉ còn một ngôi tháp mái dài hình cong như yên ngựa (mà truyền thuyết cho là nơi thờ hai người con của Thiên Yana). Thế nhưng có thể nhận thấy ở dãy tháp thứ hai dấu tích nền móng của hai ngôi tháp nữa. Đối diện với tháp thờ chính, hiện còn dấu vết của những tam cấp bằng gạch rất dốc nối liền tầng kiến trúc phía dưới (tầng thứ hai từ dưới lên) với tầng kiến trúc trên cùng. Trên mặt tầng thứ hai hiện còn hai dãy cột chính gồm 10 cột, mỗi dãy 5 cột, bằng gạch hình bát giác, rất lớn và cao, đường kính hơn 1m và cao khoảng 3m. Bao quanh 10 cột lớn, hiện còn hai hàng gồm 14 cột nhỏ và thấp hơn cũng bằng gạch và có hình bát giác như các cột lớn. Toàn bộ hệ thống cột đó dựng trên một nền gạch chữ nhật cao hơn 1m. Trên cơ sở những chiếc cột và tầng nền còn lại, các nhà nghiên cứu đã giải thiết rằng xưa kia, nơi đây là một toà nhà dài lớn, mái ngói, dùng làm nơi để mọi người chuẩn bị đồ lễ trước khi lên các tháp thờ ở phía trên. Ngôi nhà cột dài có cầu thang phía đông dẫn xuống tầng cuối cùng, nơi có ngôi tháp cổng. Thế nhưng, hiện nay, ngôi tháp cổng không còn nữa.

Tháp thờ chính là một kiến trúc tháp bốn tầng kiểu truyền thống của Chămpa khá lớn (cao chừng 25m). Các mặt tường phía ngoài của thân tháp (trừ mặt đông là nơi có cửa ra vào) được trang trí bằng hệ thống các cột ốp, cửa giả và các đường gờ nằm giữa các cột ốp. Mỗi mặt tường có năm cột ốp cao thon thả và trang nhã. Tính thanh thoát của các cột ốp còn được nhấn bởi một đường rãnh dọc chạy giữa suốt cả thân cột. Thân các cột ốp đều có một hình áp có hai thân và hai trán hình ngọn lửa. Khoảng tường nằm giữa các cột ốp cũng được chạm khắc thành một đường rãnh lõm hình chữ nhật đứng để làm nổi lên đường gờ dài ở chính giữa. Cũng như các hình áp chân cột, các cửa giả nằm chính giữa các mặt tường là một cấu trúc lớn có hai thân nhô ra và vút cao như hình mũi giáo. Trên đỉnh của phần thân, nằm ngay trên đầu các cột ốp ở góc, là bốn hình tháp nhỏ; còn ở khoảng trống giữa các tháp góc đó nhấp nhô những hình trang trí giống các hình áp chân cột ốp. Ba tầng phía trên là những khối kiến trúc mô phỏng phần thân của tháp, lại có bố cục như hình lăng trụ tám mặt. Một trong những nét đặc trưng nhất của ngôi tháp thờ chính là sự có mặt của những con vật bằng đá trên mái: những con chim lớn trên mái bằng của thân chính, những con dê trên mái tầng một, những con hạc đang dang cánh trên mái tầng hai, những con voi đang bước, đầu quay lại ở tầng ba. Cửa ra vào phía đông là cả một cấu trúc hình tháp gắn vào mặt tường. Tháp cửa có hình dáng và cấu trúc hệt như tháp chính, nhưng chỉ có ba tầng, không có hình người đứng. Cửa ra vào tách khỏi tháp cửa thành một tiền sảnh. Ở lối vào có hai trục cửa bằng đá hình chữ nhật, khắc đầy bia ký, đỡ một mi cửa trơn. Bên trên là một trán cửa bằng gạch, hai thân, ôm lấy một phiến đá hình cung nhọn có hình nữ thần Durga múa giữa hai nhạc công. Đáng tiếc là mặt tiền của tháp chính đã hư hại nhiều và tuy được tu sửa, nhưng lại sửa không đúng. Do đó, muốn thấy rõ hình dáng và vẻ đẹp thực của ngôi tháp, phải đứng nhìn từ phía sau của tháp.

Nằm ngay bên cạnh, về phía Nam của tháp chính là ngôi tháp lớn thứ hai, cao chừng 12m, trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở PôNagar. Mặc dầu phần thân tháp mang sắc thái của một tháp Chăm truyền thống – nghĩa là mặt tường bên ngoài được trang trí bằng các cột ốp – nhưng toàn bộ phần đỉnh lại không phải là các tầng thu nhỏ dần về phía chóp mà là một khối hình tháp hình cung nhọn được tạo bởi bốn mặt cong từ bốn mép tường khép vào với nhau. Điều đặc biệt nữa ở ngôi tháp lớn thứ hai tại PôNagar là khối chóp tháp bằng đá hình linga nhô lên từ một khối bệ hình củ hành bốn múi được trang trí bằng bốn hình đầu bò thần Namđin ở bốn góc. Cũng như ngôi tháp chính, cửa ra vào phía đông của tháp nhô hẳn ra thành một cấu trúc gồm gian tiểu sảnh ở phía trong và cửa ở phía ngoài, nhưng trán cửa là khối đá trơn chứ không có hình chạm khắc như của tháp chính.


Nằm trên dãy thứ nhất, ở phía nam của ngôi tháp hình chóp nhọn vừa mô tả trên đây, là một kiến trúc vừa nhỏ, vừa đặc biệt. Thân dưới của kiến trúc hình chữ nhật gồm ba mặt tường và cửa vào phía đông như mọi tháp Chăm khác, nhưng không có các tháp nhỏ ở bốn góc mái. Tầng thứ nhất có cấu trúc và hình dáng đơn giản như phần thân của kiến trúc. Phía trên tầng một, không còn cấu trúc theo kiểu tầng nữa, mà là một bệ mái cong hình yên ngựa phô ra hai đầu hồi hai hình cung nhọn có hai thân. Bên trong tháp chứa một linga không có bệ làm tượng thờ.
Ngôi tháp thứ tư và là ngôi tháp còn nguyên vẹn nhất của PôNagar nằm về phía tây – bắc trên dãy kiến trúc thứ hai. Xét về loại hình thì toà kiến trúc này là một tháp tầng, nhưng số tầng chỉ có một và đỉnh nhọn được thay bằng bộ mái dài hình yên ngựa. Toàn bộ phần thân hình chữ nhật kéo dài theo hướng Bắc – Nam của tháp có cấu trúc và hình dáng như các tháp Chăm truyền thống khác, nhưng trong các ô cửa giả lại nổi lên các hình chạm khắc đặc biệt bằng gạch: hình chim thần Garuda ở mặt nam, hình con sư tử trong tư thế tấn công với các móng vuốt của hai chân trước co lại sát thân ở mặt bắc, một người cầm lao ở tay phải, cầm các góc, trên đầu các cột ốp ở góc tường nhô ra những hình trang trí thể hiện các tiên nữ Apsara như ở tháp chính (hình phía ngoài bằng đá, hình phía trong bằng đất nung). Các cột ốp góc tường đội bốn trang trí góc có hình như quả chuông bằng gạch, còn phần diềm mái nằm giữa các quả chuông gạch được trang trí bằng các hình áp lô nhô như răng cưa. Tầng trên là một khối kiến trúc mô phỏng phần thân và cũng chạy dài theo hướng Bắc – Nam. Mỗi mặt tường đều được trang trí bằng các cột ốp (mặt dài 3 cột, mặt ngắn 2 cột) và cửa giả ở chính giữa mỗi mặt. Toàn bộ đường diềm (phía trên) nhô ra, khá mạnh của tầng một có chức năng làm bệ cho bộ mái gạch hình yên ngựa phía trên. Hai mặt hồi hình vòm cung nhọn uốn vào phía trong phô ra hai trán nhà có chạm khách hình một vị thần nào đó đang ngồi dưới tán các đầu rắn Naga; còn hai chân mái phía đông và tây được tô điểm bằng các hình vòm nhấp nhô – mỗi mặt 5 hình. Cửa tách ra khỏi mặt đông của thân thành một tiền sảnh ngắn có mái hình cung nhọn và một trán cửa kép. Chính phía dưới nền của tháp Tây – Bắc, vào những năm đầu thế kỷ 20, trong khi tu sửa, người Pháp đã tìm thấy kho báu thiêng gồm những đồ cúng tiến bằng vàng bạc.

Việc thờ phụng nữ thần Yan PôNagar đã có từ lâu và tồn tại liên tục trong nhiều thế kỷ ở tháp PôNagar. Điều lý thú và rất có ý nghĩa là: nếu bia ký được ghi bằng chữ Phạn thì nữ thần mang tên nữ thần của Ấn Độ Bhagavati (Sakti hay vợ của thần Siva), còn bia ký ghi bằng chữ Chăm cổ thì nữ thần được gọi là Yan Pô Nagar (Thần mẹ xứ sở). Rõ ràng, cái vỏ hay hình thức của Ấn Độ giáo đã trùm lên hay đã nhập vào việc phụng thờ Nữ thần mẹ Yan Pô Nagar. Điều này cũng được phản ánh rõ qua hình ảnh bức tượng đá nữ thần hiện còn được thờ trong ngôi tháp chính ở Pô Nagar.

Bức tượng thờ bằng đá khá lớn, cao 2.6m, được tạc bằng đá hoa cương nguyên khối màu đen, ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen thể hiện một nữ thần ngồi xếp bằng trước một tấm tựa hình chữ U ngược được chạm cả hai mặt: mặt trước là một vòng cung dạng Kala – Makara – Tôrana (đầu Kala nhìn thẳng ở chính giữa, hai đầu Makara nhìn nghiêng ở hai bên), mặt sau là kiểu trang trí hình lá nhọn to uốn ngược đầu lên (mỗi bên hai lá) hướng về hình lá đề to ở chính giữa. Nữ thần chỉ mặc chiếc váy ở phía dưới, còn toàn bộ phần trên để trần phô ra cặp vú to căng tròn, những nếp nhăn lớn ở bụng chứng tỏ đã trải qua nhiều lần sinh nở, bên dưới mặc một chiếc xà rông. Nữ thần có mười tay: hai bàn tay dưới đặt lên hai đầu gối và không cầm gì cả, bàn tay phải để ngửa, còn bàn tay trái cũng mở nhưng dựng đứng và hướng về phía trước. Các bàn tay khác đầu cầm các vật phụ thuộc: đoản kiếm, mũi tên, trùy và lao ở bên phải; chuông nhỏ, đĩa, cung và tù và ở bên trái. Đáng tiếc là đầu tượng đã mất, cái đầu hiện nay là đầu được gắn vào về sau. Tất cả các dấu hiệu, đặc biệt là các vật cầm tay cho biết tượng thờ chính ở Pô Nagar là tượng Mahisamardini – Nữ thần diệt trừ quỷ ác Drga – Sakti, hay vợ của thần Siva. Dựa trên các yếu tố phong cách, các nhà nghiên cứu xác định tượng thờ ở Pô Nagar có niên đại thế kỷ 10. Do đó, có thể cho rằng pho tượng hiện nay đang được thờ ở tháp chính Pô Nagar là pho tượng bằng đá do vua Jaya Indravaman dựng lên vào năm 965 mà bia ký tại tháp đã nhắc tới. Hình tượng nữ thần cũng được thể hiện trên hình khắc trán cửa của ngôi tháp chính. Toàn bộ được đặt trên một Yoni lớn, gồm nhiều lớp đá chồng khích lên nhau, được đẽo gọt từ nguyên khối.

Hình khắc đá trang trí trán cửa thể hiện một nữ thần bốn tay đang đứng trên lưng một con trâu con. Nữ thần cầm trong ba tay những vật phụ thuộc sau: tầm sét, bông sen, trùy, còn một tay dưới đưa lên ngực làm ấn quyết. Có thể dễ dàng xác định nữ thần trên trán cửa ở Pô Nagar cũng chính là Mahisamardini. Thế nhưng, tác phẩm điêu khắc này lại có niên đại muộn hơn – giữa thế kỷ 11.

Ngoài tượng và hình khắc thể hiện nữ thần – đối tượng thờ phụng chính – ở khu vực tháp Pô Nagar còn có những tác phẩm điêu khắc bằng đá và bằng gỗ khác như: hai con voi gỗ, các linga nhỏ- vật thờ trong các tháp phụ, tượng một phụ nữ quỳ, tượng Visnu và nhiều mảnh điêu khắc đá khác. Trong số đó, có những tác phẩm điêu khắc như tượng Visnu, tượng người phụ nữ có niên đại thế kỷ 8 – 9 thời Hoàn Vương.

Mặc dầu không còn lại những dấu tích vật chất, nhưng các truyền thuyết, các địa danh mang tính thánh tích lại cho ta biết tục thờ nữ thần mẹ Yan Pô Nagar mà về sau, người Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu có mặt gần như trên khắp lãnh thổ Chămpa xưa. Theo bài hát ca ngợi tại lễ cúng ở lăng Pô Inư Nagar thì “Thần có tên là Pô Yan Inư Nugar Taha, nữ thần vĩ đại của xứ sở. Thần còn có tên nữa là Muk Juk (Bà đen), là Patao Kumây (Chúa tể của phụ nữ). Thần sinh ra từ mây và bọt biển. Thần có 97 người chồng, mà nổi tiếng nhất là Pô Yan Amư (Ngài thần Cha). Thần sinh ra 38 cô con gái, trong đó có những cô con gái nổi tiếng như: Pô Nưga, Jạrạ, Pô Bia Tikuk, Pô Jạrạ Nai Anéthơ (Bà Jạrạ Nàng Nhỏ), Pô Sah Anethơ và Pô Nưgar Gahơlâu (Bà xứ Trầm)”.

Về sau, từ thế kỷ 10, khi Hồi giáo du nhập vào đất Chămpa, huyền thoại về nữ thần mẹ xứ sở Yan Pô Inư Nagar lại khoác lên bộ áo mới – bộ áo đạo Hồi, nhưng cốt lõi xưa vẫn không mất đi. Trong các sách cổ ít nhiều chịu ảnh hưởng của Hồi giáo thì nữ thần Pô Nagar của người Chăm, dù có bị gắn với đạo Hồi, vẫn hiện ra như trong những câu chuyện dân gian. Khi giải thích sự hình thành của thế giới, các bộ sách cổ đều nói tới bốn thời kỳ sáng thế lớn: Lần đầu tiên, thế giới do Đại nữ thần Atmưhekat tạo ra vũ trụ từ hư không với 12 mặt trời và 12 mặt trăng. Ông thần phò tá Đại nữ thần là Mơmaisahaicadông đã dùng tên bắn vỡ hết mặt trời, mặt trăng để cho khí hậu bớt nóng. Thế là xảy ra tận thế lần đầu. Lần thứ hai, Đại nữ thần sai vị thần thân tín của mình là Ông Cú đi tạo thiên lập địa. Nhưng khai thấy trời đất quá tối tăm, con người còn mông muội, ông Cú đành trở về. Lần thứ ba, Đại nữ thần lại sai ông Cú đi. Lần này, đi cùng ông Cú có thần Aulahú (Alla), thần Mưhamach (Môhamét) và nhiều thần Hồi giáo khác. Sau khi làm cho trời đất sáng sủa, vạn vật sinh sôi, ông Cú về trời nghỉ ngơi. Lần thứ tư, ông Cú sai con gái đầu của mình là Pô Inư Nagar xuống trần. Nữ thần Pô Inư Nagar lập ra nước Chămpa và tất cả các nước khác, sinh ra các vị giáo chủ (Nabi) cho người Chăm, sinh ra các vị vua đầu tiên của nước Chămpa… Tất cả các tinh tú, mặt trời, mặt trăng trên vòm trời là hình tượng cụ thể của Bà. Bà là mẹ sáng tạo ra muôn vật, sáng tạo ra văn hóa…
Đến thế kỷ 17, vùng đất Chămpa, trong khu vực tỉnh Khánh Hòa hiện nay, trở thành đất của người Việt. Từ thời điểm đó đến nay, khu tháp Pô Nagar trên đỉnh Cù Lao ở vùng Khauthara xưa trở thành đền thờ của người Việt dưới tên gọi: Tháp Bà hay Tháp Thiên Y Thánh Mẫu. Để Việt hóa ngôi đền của người Chăm, những người chủ mới, dựa trên những huyền thoại và truyền thuyết xưa của người Chăm, đã sáng tạo ra một huyền thoại mới cho Tháp Bà. Năm 1856, theo lời kể của dân địa phương (người Việt) quanh vùng Tháp Bà, Phan Thanh Giản đã ghi lại truyền thuyết về ngôi tháp. Sau này, các quan địa phương đã khắc truyền thuyết đó lên bia đá, rồi dựng ở Tháp Bà. Nội dung truyền thuyết Tháp cổ Thiên Y như sau:

Tục truyền Thiên Y là một nàng tiên, nguyên sơ giáng xuống núi Đại Điền. Thuở ấy, có hai vợ chồng ông già ở trên núi, trồng dưa để sinh sống. Khi dưa chín, kẻ lạ thường đến hái. Ông già để ý rình. Một đêm, ông thấy một cô gái độ 13, 14 tuổi theo bóng cây, lần đến, lấy dưa vần chơi dưới bóng trăng. Ông đón cô gái, gạn hỏi thì ra chính cô gái này đã hái trộm dưa từ lâu. Nhưng thấy cô gái còn nhỏ, yếu ớt, ông bèn đem về nuôi. Cô gái, rõ ra là một người trời sinh, nên được vợ chồng ông rất yêu thương. Một ngày, mưa lụt bỗng tràn đến. Cô gái sực nhớ phong cảnh cũ ở Tam Thần Sơn, liền kiếm cây hoa, chất mảnh đá làm núi giả để chơi. Ông già thấy cô gái chơi như vậy nên nổi giận, rầy la. Trong lúc bị rầy la, thì cô gái thấy một cây già nam trôi theo nước lụt đến. Cô bèn biến hình, nhập vào thân cây ấy. Rồi cây ấy trôi theo nước lụt, dạt vào bờ biển phương Bắc. Người phương ấy thấy cây thơm lạ, rủ nhau khuân về nhà, nhưng nặng quá không nhấc lên nổi. Một vị thái tử nghe chuyện bèn đến bờ biển xem, rồi xuống vớt cây, nâng lên tay, đem về để nơi điện các.

Thái tử khi ấy vừa 20 tuổi, chưa vợ. Chàng thường ngày vỗ về cây già nam kia, lòng bồi hồi vơ vẩn. Có khi chàng chợt thấy dưới bóng trăng lờ mờ dường như có người thoảng đi đến, thái tử lấy làm lạ. Một đêm nọ, sau khi mọi người đều yên giấc, chàng tới chỗ từng thấy bóng người thì thấy một cô gái đẹp. Bị giữ lại gặng hỏi, cô gái đành phải nói rõ tông tích. Thái tử nửa mừng, nửa sợ, bèn tâu lên vua cha. Vua cha cho gieo quẻ và được quẻ tốt, bèn cho thái tử và cô gái kết hôn. Vợ chồng thái tử ăn ở với nhau được ít lâu thì sinh được một trai, đặt tên là Trí, và một gái, đặt tên là Quý.

Một hôm, nhớ chốn cũ, nàng bèn dắt hai con nhập vào cây già nam, vượt biển về phương Nam, thẳng đến cửa Cù Huân, rồi tìm về chốn cũ tại triền núi Đại Điền. Khi ấy, vợ chồng người trồng dưa đã mất. Nàng bèn lập đền để phụng tự.

Thấy dân vùng vợ chồng người trồng dưa từng sống khờ dại, thật thà, không biết việc làm ăn và phòng hoạn nạn, nàng bèn dạy bảo. Bà lại cho đục đá ở núi Cù Lao làm tượng truyền thần, rồi giữa ban ngày, bà phi thăng đi mất.

Sau khi vợ về nam, thái tử không biết vợ đi đâu, bèn sai người đáp thuyền đi tìm. Khi đến Cù Huân, những kẻ tùy tùng theo lệnh thái tử đi tìm vợ hách dịch, hà hiếp dân sở tại và không kính trọng thần tượng. Bất thình lình, một trận cuồng phong nổi lên. Chiếc thuyền chở bọn người xấu kia bị lập úp xuống, hóa thành một cụm đá to.

Từ đấy về sau, Bà hiển linh. Bà có khi cỡi voi trắng đi dạo trên đỉnh núi. Khi Bà xuất hiện, trong núi có ba tiếng nổ vang như súng lớn. Có khi Bà hiện thành dải lụa bay giữa không trung. Có khi Bà cỡi cá sấu trong vùng đảo Yến, núi Cù. Dân địa phương ngưỡng vọng, cho là thần, có cầu khẩn việc gì thì thường ứng nghiệm, bèn xây hai tháp trên núi Cù Lao: tháp phía tả thờ Chúa Tiên (Thần Thiên Y), tháp phía hữu thờ Thái Tử. Phía sau tháp dựng đền nhỏ thờ hai người con của Bà. Phía tả tháp lại xây một đền nhỏ nữa để thờ hai vợ chồng ông già trồng dưa.

Mặc dầu là truyền thuyết của người Việt và mang tính thần kỳ và sự tích, truyền thuyết Tháp Cổ Thiên Y vẫn còn giữ lại hạt nhân thần thoại của người Chăm: Nữ thần Thiên Y – anh hùng văn hóa và là nữ thần của cây trầm hương. Cái cốt lõi huyền tích đó còn là cơ sở để người Việt sáng tạo ra nhiều truyền thuyết về Thiên Y thánh mẫu cũng như những sự tích khác. Rất có thể truyền thuyết mà Phan Thanh Giản ghi lại được của người Việt là dị bản đã Việt hóa của truyền thuyết Nàng Mưjưk hiện còn được lưu truyền trong người Chăm ở Ninh Thuận – Bình Thuận. Nội dung truyền thuyết về Nàng Mưjưk như sau:

Ngày xưa, tại núi Lănggari thuộc xứ Nha Trang có vợ chồng nhà nọ, ăn ở phúc đức, nhưng hiềm một nỗi đến cuối đời vẫn không sinh được mụn con cho vui cửa nhà. Năm ấy, vợ chồng già trồng được một rẫy dưa cho rất nhiều trái. Đêm rằm tháng bảy, một cô gái, nhan sắc tuyệt trần, tuổi chừng 16, không biết từ đâu đến, đi vào rẫy dưa. Nàng điềm nhiên hái những trái dưa tốt rồi tung lên trời làm trò chơi. Sáng hôm sau, vộ chồng ông già vào thăm rẫy thì thấy dấu chân người và những trái dưa rơi rớt lung tung. Ông bà ngạc nhiên. Liền ba đêm đều như vậy. Đến đêm thứ tư, ông bà quyết định bắt cho được kẻ phá dưa. Vào khoảng nửa đêm, bỗng họ thấy một nàng tiên trên trời bay xuống hái dưa tung chơi. Vợ chồng ông già vừa sợ, vừa mừng. Họ nhủ thần rằng có lẽ trời thương cảnh già hiu quạnh nên cho tiên nữ xuống đây. Thế rồi ông bà cùng chạy ra ôm cô gái và nói cho cô biết ý muốn của mình. Cô gái vui lòng ở lại và nhận ông bà làm cha mẹ nuôi. Ông bà yêu cô gái như con đẻ và đặt tên nàng là Mưjưk.

Phía nam nhà ông bà già có một con sông lớn chảy ra biển. Ngày ngày nàng Mưjưk thường ra sông tắm. Một hôm nàng thấy một cây trầm hương lớn độ một ôm, dài chừng ba sải đang lập lờ trôi theo dòng sông. Nàng liền bám vào cây trầm để tập bơi. Đột nhiên, một ngọn sóng lớn ập tới, kéo cây trầm cùng nàng ra biển.

Tại một xứ nọ, dân chúng đang làm ăn yên ổn, bỗng dưng bị hạn hán liên miên. Đồng ruộng trở nên khô cằn, xóm làng tiêu điều. Nhà vua và triều đình cho lập đền cầu mưa, nhưng vẫn không có mưa. Các nhà thông thái cũng đành bó tay, không hiểu vì sao mà suốt bảy năm trời hạn hán liên miên như vậy. Bỗng có một đạo sĩ tâu với vua rằng ngoài cửa biển có một cây trầm hương từ phương xa dạt vào, muốn hết hạn thì phải vớt cây trầm hương đó lên.
Lập tức, cả ngàn người được gọi ra cửa biển. Nhưng họ không tài nào kéo được cây trầm hương lên. Chuyện cây trầm kỳ lạ lọt đến tai thái tử. Chàng tới bờ biển và thử kéo cây trầm lên. Lạ thay, cây trầm trở nên nhẹ bỗng, và chàng vác cây trầm về cung. Từ khi cây trầm được vớt lên thì mưa thuận, gió hòa, nhân dân no đủ. Nhưng thái tử thì lại đổ bệnh, quên ăn, mất ngủ. Đêm đên, chàng ra ngồi cạnh cây trầm, và lập tức từ trong cây trầm phát ra tiếng kèn, tiếng sáo du dương.
Một đêm trăng sáng, như thường lệ, chàng lại một mình ngồi bên cây trầm. Bỗng một nàng tiên xinh đẹp từ cây trầm bước ra. Chàng hỏi nàng là ai thì nàng e lệ cho biết “Nhà em ở xa lắm, vì mải chơi nên trôi dạt tới đây. Cha mẹ vẫn gọi em là Mưjuk”. Từ hôm đó, chàng không còn u sầu nữa. Một hôm, thái tử ướm lời muốn được cùng nàng kết tóc se tơ. Nàng lắc đầu “Em chẳng dám nhận lời, vì xa quê, xa cha mẹ, chàng lại là hoàng tử. Nếu chàng thật lòng yêu em thì phải được vua cha và mẫu hậu thuận tình”. Hoàng tử vô cùng vui sướng, gặp ngay vua cha. Nghe hoàng tử nói, nhà vua vô cùng phẫn nộ và truyền rằng “Ta đường đường là một bậc vương giả, há lại đi cưới cho con ta một đứa con gái không cha không mẹ ư?”. Lời của vua cha làm chàng rất buồn. Từ đó, chàng như người mất trí, cứ đêm đến, chàng lại lén ra cây trầm âu sầu than thở. Thấy vậy, nhà vua và hoàng hậu cho mời các danh y tới chữa bệnh cho hoàng tử. Nhưng bệnh của chàng ngày một nặng thêm. Sực nhớ tới vị đạo sĩ, người đã phát hiện ra cây trầm dạo nào, vua cho đón ông ta tới và hỏi nguyên nhân bệnh tật của hoàng tử. Vị đạo sĩ tâu “Bệnh của hoàng tử không có thuốc gì chữa khỏi. Số là hoàng tử và nàng tiên cây trầm hương có duyên nợ từ kiếp trước. Nàng tiên ấy chính là con của thượng đế, được sai xuống nước Chiêm Thành. Muốn cho hoàng tử khỏi bệnh, chỉ có cách cho hai người được kết duyên”.

Không còn cách nào khác, vua và hoàng hậu thuận tình cho hoàng tử và nàng tiên trầm hương lấy nhau. Tiệc cưới được tiến hành suốt một trăm ngày liền. Sau sáu năm chung sống, nàng Mưjưk sinh được hai người con trai khôi ngô, tuấn tú.

Thấy chồng luôn đem quân đi cướp phá các nơi, nàng Mưjưk cố can ngăn nhưng không được. Một đêm, nàng biến mình vào cây trầm rồi bay về quê hương xứ sở. Về tới nơi, nàng dạy dân cày bừa, dệt vải, xây thành đắp lũy, rồi tự xưng là Pô Inư Nưgar.
Được tin nàng Mưjưk đã bỏ về quê cũ và làm vua nơi ấy, hoàng tử vô cùng tức giận và quyết định cùng hai con đi gọi nàng về. Hôm đó, nhìn thấy một chiếc thuyền lạ tiến vào cửa biển Nha Trang, nàng Mưjưk biết ngay là người chồng tàn bạo của mình đã đến. Lập tức, nàng làm cho giông tố nổi lên, nhấn chìm chiếc thuyền xuống đáy biển. Hoàng tử và hai người con biến thành ba tảng đá. Ngày nay, tại cửa biển Nha Trang vẫn còn dấu vết của nhũng tảng đá đó.

Trên cơ sở những thần thoại nguyên sơ về Nữ Thần Mẹ, người Chăm Bani (người Chăm theo đạo Hồi cũ) ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận lại sáng tác ra một câu chuyện mang tính pha trộn khá đặc biệt về Pô Nagar như sau:

Thuở khai sơ, vũ trụ có mười hai mặt trăng, mười mặt trời. Trời thì thấp, đất còn mỏng manh và chưa có người. Mãi tới giờ thứ ba, ngày thứ hai, tháng sáu, năm con Chuột theo lịch Chăm, bà Atmêhưcắt mới bắt đầu trông coi vạn vật. Vì nóng quá do nhiều mặt trời gây ra nên vạn vật không sinh nở được. Thánh Nơmaisơbaicadong bèn giương cung bắn tan tác các mặt trời. Thế là vũ trụ trở nên u ám, tối tăm.

Đến ngày thứ hai, mồng sáu tháng năm, năm con Chuột, ông Auhahú thụ sắc của bà Atmêhưcắt, từ trong cõi hư tối ra đời. Sau mười năm tu luyện, ông đã thành công trong việc tạo thiên lập địa lại cho sáng sủa hơn. Ông hóa ra ông Mưhămmách. Ông Mưhămmách sinh ra ông Đibraiel. Ông Đibraiel lại sinh ra Ibarmamimbư trị vì đất đai của Auloahu. Lúc ấy, ông A Tầm và bà Hao Oa vì mắc tội, nên bị trời đày xuống trần gian. Hai ông bà sinh con đẻ cái, tạo ra loài người. Khi ông bà mất, thì tất cả tiêu tan hết, chỉ còn lại một cây Môsi vời vợi, cao lớn.

Ngày thứ ba, mồng sáu, tháng hai, năm con Trâu, Auloahú, tức ông Cú, lại từ trong cây Môsi ra đời. Ông lại lo khai quang trời đất và tái tạo muôn vật. Trước hết, ông làm ra loài cá và các loài vật sống dưới nước. Tiếp đến, ông làm ra cây cỏ và thú vật. Kế đến, ông làm ra ma quỷ và con người. Bấy giờ, vật và người sống lẫn lộn, có xác mà không hồn. Đến năm con Dê, ông Cú sai con gái đầu lòng tên là Mụ Dụ xuống trần gian thay ông cai quản vạn vật. Mụ Dụ chính là bà Nagar.

Khi xuống trần (ngày 19 tháng 7 năm con Chuột), bà Nagar có các thần Aulóa, Giamư và Têpatathor phò tá. Lúc đầu, bà xuống hạt Hạ Ngâu, thuộc vùng Brama xứ Tuy Hòa ngày nay. Ở đó, bà dựng một xóm, đặt tên là Pallaisarioana (tức xóm Bà Lài ngày nay). Sau đó, bà lập đền đài ở xóm Palhucmarasam tại Pandaran (Phan Rang). Ít lâu sau, bà dời đến Chơcalâu (tức núi Đại An ở Diên Khánh, Khánh Hoà).

Thấy vũ trụ xếp đặt chưa yên, bà Nagar sửa lại. Bà lấy một cái cân mà bầu trời là đĩa cây, đất là quả cân, các vì tinh tú là hoa cân giao cho các vị thánh. Sau đó, bà sắp xếp vũ trụ theo hình thân thể của bà: đầu là phương tây, chân là phương đông, mặt trời - mặt trăng là hai mắt, sao Mai là trái tim, vòng sao Mỏ Cáy là cánh tay, vòng sao Bắc Đẩu là ống chân, sao Đế Thích là đầu gối. Khi bà hắng giọng lần đầu thì trời đất mở rộng ra một khoảnh. Bà liền hóa ra nắm gạo hồn, một thúng lúa và giao cho ông Giamư đem gieo ở chân trời. Rồi bà truyền cho ông săngcala (con ốc có hình như cái loa, để thổi báo hiệu) đem thổi. Trời đất, nhờ đó mà ngày càng sáng tỏ. Bà sai ông Aulóa làm ra thánh tự và sai hai vị thầy tu là Imun và Catíp lo việc thờ cúng. Đạo Islam từ đó ra đời. Bà lại sai ông Tepatathor lập một Pơcanơrai và tìm hai vị tu sĩ Pôthia và Paxê trông coi đạo Acaphiar (đạo Bàlamôn). Từ đó, tục hỏa táng ra đời.

Bà Nagar hắng giọng lần thứ hai, trời đất nổi sấm sét. Lần thứ ba, đất gầm thét. Lần thứ tư, biển động, rừng rung. Tiếp đó, bà và ba vị thần thổi ra bốn luồng hơi: hơi của bà thành gió Bắc, của ông Aulóa thành gió Nam, của ông Giamư thành gió Tây, của ông Têpatathor thành gió Đông. Xong việc, ba vị thần phò tá bà được giao những việc khác. Ông Aulóa trông coi nước Nôrơrioan ati chana - gồm các nước Chân Lạp, Chà Và, Chiêm Thành, Cao Miên và Việt Nam. Ông lập ra một thánh tự, giao cho hai vị thầy tu Imun và Catip lo việc truyền đạo Islam, lập nhiều chùa chiền để có nơi lễ bái, viết kinh sách để truyền dạy, lập ra lịch để mọi người biết tuổi tác, dạy dân cạo đầu và cử người đi truyền đạo khắp nơi. Ông Giamư thì ở xứ Brama và lập đền đài ở vùng Chămrai (thượng du Phú Yên). Ông được bà Nagr giao cho cái săngcala để tạo ra vạn vật. Ông thổi săngcala lần đầu, làm cho trời đất quang đãng; thổi lần thứ hai, làm cho loài người sinh nở, cây cối đơm hoa, kết quả; thổi lần thứ ba, loài người biết cảm xúc, các vật biết kêu và chim biết bay; thổi lần thứ tư, trời sinh ra bốn phương; thổi lần thứ năm thì đủ tám hướng. Ông Giamư giao thóc cho loài người, dạy dân cách trồng lúa, lấy lá cây làm thuốc, đánh đá lấy lửa. Ông lại đặt ra tục lệ hàng năm. Ông sang Mơ Cá (thành La Méc) kết duyên với bà tiên, sinh ra các con: 50 người con gái cho xuống đồng bằng, 50 người con trai cho lên vùng thượng du. Ông Têpatathor thì ở vùng Pandurang. Ông lĩnh thánh tự của bà Nagar, giao cho hai thầy tu Pôthia và Paxe trông coi thờ phụng và truyền đạo Acaphiar. Sau đó, ông qua Trung Quốc dạy người Tàu cách kết tóc.

Ông Aulóa truyền ngôi cho con là Nưpiloahu để sang Ả Rập tu hành. Vì Nưpiloahu có tội nên đất nước gặp nhiều tai ách, ma quỷ quấy phá, dân tình khổ cực. Bà Nagar động lòng, phải giáng trần, truất ngơi Nưpiloahu, bắt loài ma quỷ đày xuống âm ti và ban phước cho Nưpiloahu trấn áp chúng. Từ đó, âm dương cách biệt. Sau đó, bà Nagar cho Patao Patô lên làm vua. Được bà Smư, sứ giả của bà Nagar giúp, Patao Patô cho sửa sang mọi việc và phân chia thành hai giống khác nhau. Ông Patao Patô trị vì được bảy mươi năm thì về trời. Bà Nagar bèn truyền cho ông Aulóa về làm vua. Các ông Giamư và Têpatathor cũng trở về phò tá. Ông Giamư coi về nghề nông và nghề cá. Ông Têpatathor coi về số mạng và sinh tử của loài người. Ông Aulóa chỉnh đốn lại lịch: mỗi năm chia làm 12 tháng, mỗi tháng chia làm 30 ngày, mỗi ngày chia làm 5 giờ - 2 giờ tốt và 3 giờ xấu.

Trong lúc mọi việc đang tiến hành thì xảy ra sự bất hòa giữa bà Nagar và ông Giamư, nên ông Giamư xây được cái gì thì bà Nagar lại thổi đi cho hỏng. Bà Nagar lại xoay chiều ánh sáng khiến trời đất mờ dần, đem vận mệnh nước Nơsơrinan Chanachá thắt làm ba nút. Ông Giamư chán nản, còn ông Aulóa, bà Smư và ông Giamư sang Mơ Cá tu hành. Ông Têpatathor sang Trung Hoa một thời gian rồi trở về Panchorang. Bà Nagar lại lên ngôi, trị nước. Bà lo xây dựng đất nước, dạy dân đóng cày cày ruộng, dùng xe trâu chuyên chở. Bà cũng đem thuần phong mỹ tục dạy bảo mọi người.

Mặc dù Bà Nagar tận tình, nhưng vì bà lấy chồng trần nên phải chịu đọa đày, khiến dân chúng bị khổ lây. Thấy thế, ông Cú ra lệnh cho Patao Patô sai bốn vị thái tử con bà là Athun, Aly, Thun Prang và Pither xuống thay bà.

Do làm được nhiều việc tốt cho dân, cho nước, nên bà Nagar được người Chăm đời đời sùng kính và thờ phụng. Hằng năm, vào dịp tế Katê và các dịp tế lễ khác, dân chúng đều mang nhang, đèn, hoa quả, cỗ bàn dến cúng lễ nơi đền của bà rất đông.


Tất cả những tài liệu bia ký và điêu khắc đều cho chúng ta biết về lịch sử lâu đời cũng như tính phức hợp của đền Pô Nagar. Thế nhưng, bao giờ Pô Nagar cũng là đền thờ Nữ thần Mẹ Yan Pô Nagar của người Chăm. Người Chiêm Thành tôn hiệu Bà là Ana Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi. Triều Nguyễn ngay buổi đầu đã phong tặng Bà là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần và cắt dân làng Cù Lao ba người sung làm Từ Phu.

Khu tháp Pô Nagar còn là nơi sau thánh địa Mỹ Sơn, giữ lại được nhiều bia ký cổ của Chămpa nhất. Các bia ký ở PôNagar không chỉ cho chúng ta biết về lịch sử và vai trò của ngôi đền mà còn là những tài liệu vô giá và phong phú về vương quốc cổ Chămpa. Với tất cả những gì còn lại, từ kiến trúc tới điêu khắc, từ bia ký tới truyền thuyết, khu tháp cổ Pô Nagar hay tháp Bà ở Nha Trang quả là một di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và danh thắng quan trọng mà người Chăm đã để lại cho đất nước ta.



tải về 276.01 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương