Thành Phố Đà Nẵng



tải về 223.89 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích223.89 Kb.
#10743
1   2   3   4

Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn cách Đà Nẵng 7km, thuộc huyện Hòa Vang. Lộ trình: đi vào đường Trưng Nữ Vương, qua núi Thành đến ngã tư Quân Đoàn, có nhà lưu niệm Bác Hồ. Quẹo trái qua cầu Nguyễn Văn Trỗi (400m), đường Nguyễn Văn Trỗi. Sông Hàn bên trái, sông Cẩm Lệ bên phải. Bên phải ta thấy có cây cầu sắt, trước đây có đường xe lửa đến cảng Tiên Sa, nhưng bây giờ không còn nữa. Nếu từ ngã tư Quân Đoàn đi thẳng ra quốc lộ 1 là đường đi Mỹ Sơn và Hội An. Sau khi qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, chúng ta đến ngã ba Quận ba, quẹo trái là đường đi bán đảo Sơn Trà và Suối Đá, đi thẳng 10km sẽ đến cảng Tiên Sa, quẹo phải là đường đi Ngũ Hành Sơn.

Bên trái là trường Đại học Kinh tế khoa Quản trị Kinh doanh trước đây, bây giờ là trường Đại Học Đà Nẵng.

Bên trái là đường vào khu du lịch Bắc Mỹ An, một liên doanh với HongKong với tên gọi Furama Resort. Trong đó có khách sạn bốn sao, gồm 298 phòng, hoàn thành năm 1997. Giá phòng cao nhất là 400USD, rẻ nhất 100USD.


Bên trái là nhà máy cao su sản xuất săm lốp nổi tiếng.

Bên trái là sân bay Nước Mặn-từng là khu căn cứ không quân của quân đội Mỹ trong tương lai sẽ được cải thiện thành khu công nghiệp.


Ngũ Hành Sơn từng là những đảo, sau khi có hiện tượng lùi dần của biển thì những hòn đảo đó trở thành những ngọn núi có nhiều hang động đẹp như ngày nay. Đi từ Đà Nẵng lên chúng ta sẽ đến đường lên núi trước và nhắc xe chờ ở đường xuống. Vào đây chúng ta phải mua vé 40000 VND/pax đối với người nước ngoài.

Đường lên Ngũ Hành Sơn-núi Thủy-tổng cộng là 157 bậc. Ngôi chùa đầu tiên chúng ta gặp là chùa Non Nước hay còn có tên gọi là Tam Thai Tự. Tên gọi Ngũ Hành Sơn đã có từ đời Minh Mạng. Sở dĩ có tên gọi chùa Non Nước là vì ở đây một bên là núi, một bên là biển, non nước hữu tình. (Vua Minh Mạng đã đặt tên núi: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ. Nơi đây có 16 điểm tham quan gồm: 3 chùa, 5 động, 6 hang và 2 vọng. Tham quan hết mất ít nhất là 2 tiếng).



Vọng Giang Đài: Vọng Giang Đài là một vọng cao, từ đây chúng ta sẽ có cái nhìn khái quát về 5 ngọn núi ở bốn hướng. Trên vọng có một ghế đá-vốn là một tảng đá thiên nhiên được gọi đẽo chút đỉnh mà thành-vua Minh Mạng mỗi lần đến đây đều ngồi để ngắm nhìn phong cảnh. Có tấm bia khắc cách đây gần 200 năm, đề 3 chữ: “Vọng Giang Đài”. Trên bia đá có đề những chữ nho nhỏ: “Minh Mạng Thập Bát Niên, Thất nguyệt các ngật” nghĩa là “Năm Minh Mạng thứ 18 vào một ngày đẹp trời, ta đã đến đây ngắm cảnh”. Vua Minh Mạng đến Ngũ Hành Sơn ngoài ngắm cảnh còn là để ngắm em họ xuất gia quy y ở chùa Non Nước và cúng để lễ Phật. Vọng là đỉnh cao, giang ý chỉ con sông Cẩm Lệ. Thật chất có cả thảy 6 ngọn núi. Hóa Sơn có hai ngọn tượng trưng cho âm dương. Đỉnh cao nhất 100m so với mực nước biển. Trong Ngũ Hành Sơn, Thủy Sơn là ngọn núi xa và đẹp nhất. Thủy Sơn có diện tích 15ha. Đây là một khối đá dựng đứng có chóp núi kéo dài chia thành 3 ngọn: Thượng Thai, Trung Thai, Hạ Thai tạo thành hình sao Tam Thai. Trong Ngũ Hành Sơn ngọn lớn và đẹp nhất là Thủy Sơn nhưng ngọn cao nhất là Kim Sơn. Phía Tây giáp với sông Cẩm Lệ hoặc sông Hàn, hướng Đông giáp Thái Bình Dương, hướng Nam cách phố cổ Hội An 17km, hướng Bắc giáp bán đảo Sơn Trà khoảng 15km.

Non Nước Tự (Tam Thai Tự):

Chùa cổ được phong sắc từ thời Minh Mạng.


“Tam” là ý chỉ 3 dãy núi sau chùa, “Thai” là cảnh thiên thai đẹp của núi rừng ở đây. Chùa được xây dựng vào thời Minh Mạng, năm 1825. Vào năm này Minh Mạng có một người em cùng cha khác mẹ đi tu ở đây. Chùa đã qua 14 đời hòa thượng chủ trì. Người cuối cùng là Thích Trí Giác, đã hơn 80 tuổi, ông hiện đang tu tại một chùa ở Hội An. Năm 1901 chùa được trùng tu. Năm 1946 có đợt trùng tu lớn. Năm 1995 là lần trùng tu gần đây nhất. Nét cổ của chùa chỉ còn Đại Hồng Chung và tượng A Di Đà trong chùa. Cổng tam quan, bức tường thành có từ đời Minh Mạng. Hành cung phía bên phải là nơi vua săn bắn, Hoàng cung bên trái để vua nghỉ ngơi.

Trong chính điện, ở giữa là tượng Phật A Di Đà làm bằng đất sét nung đã có trên 100 năm, bên phải thờ tượng Quan Âm bằng thạch cao, bên trái là Đại Thế Chí.


Phía sau chánh điện là nơi thờ tổ, gồm 13 bài vị của các vị chủ trì. Có cả bút chỉ hình quạt màu vàng của vua Minh Mạng phong cho chùa là “Quốc Tự”.

Động Hoa Nghiêm - Động Huyền Không
Động Hoa Nghiêm nằm trên mặt đất còn động Huyền Không nằm lõm sâu dưới mặt đất 5-6m. Động Huyền Không là động lớn nhất ở đây. Năm 1825, cổng tam quan được xây dựng, có 3 chữ “Huyền Không Quan” viết bằng chữ nho. Động Hoa Nghiêm có pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát được làm bằng bê tông vào năm 1960, do nghệ nhân Nguyễn Chất-người quê ở Non Nước, Hòa Hải thực hiện.
Ba chữ nho vàng trên vách: “Huyền Không Động” được khắc từ thời Minh Mạng. “Huyền” có nghĩa là sự huyền ảo, “Không” ý chỉ ánh sáng mặt trời lọt vào động cộng với khói hương trong động. Ở vách đá trên cao có tượng Phật Thích Ca lớn được điêu khắc từ năm 1960, tượng bằng bê tông.
Cửa động có bốn vị Kim Cang hộ pháp canh giữ. Động nằm ở mé sườn núi, cao 18m, dài 17m. Vua Gia Long đến đây và đã gặp vị đạo sĩ tu thiền Huệ Đao Minh.
Bàn thờ chính giữa thờ Địa Tạng Vương.
Đền thờ bên phải thờ Phật và Phổ Hiền. Bồ Tát ở giữa; bên trái thờ Ông Tơ Bà Nguyệt; Ông “nhịn mặc để ăn”, Ông “nhịn ăn để mặc”; bên phải thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương.
Đền thờ bên trái thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, để bá tánh thập phương đến cầu hạnh phúc, may mắn.
Đối diện bên phải là đền thờ Bà Bát Bộ Kim Cương-em ruột Bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Bá tánh đến thắp hương cầu đi đường may mắn và cầu lộc tài.
Miếu nhỏ bên trái thờ Quan Công phía trên và Hộ Pháp phía dưới. Những pho tượng này đều được làm bằng xi măng và được làm trong vòng 50 năm trở lại đây.
Bên trái có trống đá, dùng để đánh lên khi cúng.
Nhũ vú trong vú đục sát bên đền thờ lớn.
Trên trần bên phải, ta có thể thấy những hình ảnh như: 2 vòi voi, khuôn mặt người thượng cổ, con cóc đang ngoạm một con cò… và nhiều hình ảnh khác tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người.
Nơi đây có xảy ra một trận đánh vào năm 1968. Đại đội trưởng Phan Hiệp hay còn được gọi là Phan Hành Sơn đã chỉ huy đánh Mỹ giành chiến thắng lớn. Bộ đội chọn nơi đây làm trạm cứu thương X2. Quân đội Mỹ biết được điều này nên đã điều máy bay từ sân bay Nước Mặn đến đây để nã bom. Chính nhờ những quả bom đó mà ánh sáng vào động được mở thêm ra. Phan Hành SƠn đã kéo pháo lên đình núi nhờ vào lỗ hỏng phía trên đông, bắn rơi 19 máy bay Mỹ (21/8/1968). Hiện nay chúng ta còn có thể thấy sợi dây dùng để kéo pháo lên núi năm nào.

Cổng Trời-Hang Gió Tây

Bước ra khỏi Huyền Không Đông, ta đến cửa Hang Gió Tây-tức Cổng Trời. Nhiều đoàn làm phím đến đây để quay ngoại cảnh vì cảnh đẹp của nơi này. Sở dĩ có gọi hang Gió Tây vì từ cổng này gió thổi từ đồng ruộng phía Tây qua.

Động Vân Thông
Ở bên phải,t rong động có đường “lên trời” ý chỉ lên đỉnh núi cao. Đường rất khó đi và khá nguy hiểm, hoàn toàn là một con đường thiên nhiên. Lên tới đó ta lại có một con đường khác để đi xuống. Từ đây lên đó phải mất một giờ.

Thiên Long Cốc
Bên trái Hang Gió là động Thiên Long Cốc-Rồng của trời. Miện hang như mồm một con rồng đang há to. Độ sâu khoảng 15m, thông với động Tàng Chơn. Các nhà địa chất phân tích mẫu đá và cho biết rằng đá ở trong cốc vào khoảng 100 năm nữa sẽ là đá rất quý và hiếm.

Hang Gió Đông
Tiếp theo Thiên Long Cốc là miện hang Gió Đông, ý nói gió từ biển ở phía Đông thổi vào:

“Ngũ Hành năm cụm ngắm trùng khơi


Thiên nhiên một bức không mờ nhạt
Nhân tạo một ngàn năm khó đổi dời
Khách viếng chùa thiên say lễ đạo
Người xem cảnh lạ thắm duyên dời
Mới hay trời đất từ nguyên thủy
Đã có bàn tay khéo tuyệt vời”
(Hoài Thu)

Từ cửa hang Gió Đông đến chùa Linh Ứng ta phải qua 118 bậc thềm đá. Từ nơi đây, nếu thời tiết tốt, ta có thể thấy cù lao Chàm ngoài biển Đông và làng chạm khắc đá….



Vọng Hải Đài
Xây dựng cùng năm với Vọng Giang Đài. Cũng có ghế đá cho vua ngắm nhìn cảnh trời biển mênh mông và hứng gió Đông từ biển thổi vào.
Đường xuống thăm Linh Ứng tự và động Tàng Chơn bên phải có mộ tháp của hòa thượng Thích Hương Sơn (sinh năm 1912), người đã có công lớn với chùa Linh Ứng. Ông tịch năm 1975. Tháp đã được trùng tu vào năm 1995.

Chùa Linh Ứng
Thoạt đầu lúc chùa mới xây được mang tên Dưỡng Chơn Am. Sau đó chùa được xây dựng lớn ra và mang tên Dưỡng Chơn Đường. Sau đổi tên là Ứng Chơn Tự và cuối cùng là Linh Sơn Tự. Đây là một ngôi chùa lớn, được xây dựng từ trước đời Gia Long và đến đời Minh Mạng lại được xây lại bằng đá mô tả cảnh Phật, bên trái có nhà Quan Âm hình lục giác cũng được xây dựng vào năm 1992.
Trong chùa ở giữa thờ Bốn Sư Mâu Ni Thích Ca, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Động Tàng Chơn
“Tàng” có nghĩa là bảo tàng, kho tàng quý. “Chơn” nghĩa là chơn lý. Đi vòng ra sau chùa Linh Ứng là ta đến động Tàng Chơn. Động gồm 5 động nhỏ:
• Động Bàn Cờ Tiên: Trước đây trong động có một bàn cờ đá và ghế đá tự nhiên nhưng vì chiến tranh năm 1968 động bị hư hỏng nặng. Hiện nay người ta ghép vào một bàn đá. Chuyện kể rằng xưa kia đây là nơi các vị tiên ông họp mặt đánh cờ.
• Động Phật A Di Đà (Động Dơi): có tượng Phật bằng bê tông do Nguyễn Nhật Minh điêu khắc năm 1992.
• Động Chiêm Thành: 1000 năm trước là nơi sinh sống của người Chăm. Trong động còn lưu lại các tượng đá của người Chăm.
• Động Tam Thanh: có tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi và nhập niết bàn. Bên phải thờ 13 vị La Hán. Bên trái thờ Linh Sơn Thánh Mẫu cầu lộc tài,hạnh phúc và đi đường may mắn. Có hai vị thần bằng đá dã 100 năm.
• Hang Gió:thông với Thiên Long Cốc. Tới đây ta không nên đi tiếp vì nguy hiểm. Trong hang Gió có tượng Phật A Di Đà ở trên cao và tượng Thích Ca Mâu Ni ở dưới.

Bãi Biển Non Nước
Bãi tắm Non Nước nằm cách Ngũ Hành Sơn khoảng 2 km. Đây là một trong những bãi tắm đẹp nhất nước. Nơi đây quanh năm chan hòa ánh nắng. Nước biển ấm áp suốt năm. Bãi biển trải dài hơn 1km, cát trắng, mịn, sóng êm nhẹ. Trên bãi biển có khách sạn Non Nước tiện nghi.
Đứng trên chùa Linh ứng hay Vọng Hải Đài nhìn về phía Đông sẽ thấy bãi biển Non Nước. Năm 1993, giải trượt sóng chuyên nghiệp quốc tế được tổ chức ở đây. Chính quyền có kế hoạch xây dựng một khu du lịch nghỉ mát lớn tại đây.
Làng Khắc Chạm Đá Non Nước
Đến thành phố Đà Nẵng, hoặc tham quan Ngũ Hành Sơn chúng ta thấy người ta bày bán nhiều sản phẩm bằng đá như: tượng Phật, sư tử, hổ… các vật chế tác khá khéo léo do các cư dân xã Hòa Hải thực hiện.
Nghề chế tác đá ở đây được lưu truyền nhiều đời và có tính cha truyền con nối. Nghề liệu đá dùng để chế tác phải đào sâu xuống đất. Người có kinh nghiệm có thể nhận biết mạch đá, chất lượng đá và cách khai thác đá. Việc đào hầm đá như vậy khá công phu. Gặp được vỉa đá, thợ đá chọn cắt ra từng tảng. Đá đào dưới đất mới đềm lên tương đối dễ mềm. Dùng đục sắt có thể cắt ra từng miếng hoặc đẽo phát các vật định chế tác. Sau một thời gian ra ngoài không khí, đá dần dần rắn lại. Người thợ đá phải tranh thủ lúc mới đào lên để đục gọt, như vậy đỡ tốn công sức.
Người thợ khi đã có được tảng đá phải xem xét kỹ các vân đá để quyết định xử lý cũng như chế tạo sản phẩm gì có lợi nhất. Các vân đá quyết định đẹp hay chất lượng của sản phẩm. Thường đá có vân đẹp thợ đá tạo nên các mảng hình trang trí hoặc những bức tranh phong cảnh thiên nhiên đẹp. Những dụng cụ tạc đá như đục, dao… được làm bằng một loại thép đặc biệt và được rèn một cách đặc biệt để tăng độ cứng. Người thợ tạc đá ngoài tài năng, óc mỹ thuật còn đòi hỏi phải tỉ mỉ và có lòng kiên trì. Đá ở Non Nước là loại đá hoa cương có nhiều vân đẹp, vừa cứng lại vừa bền. Vì vậy người thợ đá phải kiên nhẫn, thận trọng từng nhát đục sao cho sức mạnh vừa phải khi giáng búa, nhưng phải dứt khoát để đường nét được thẳng nhưng có nét mềm mại…. Trong quá trình đẽo, tạc, người ta dùng máy phun nước để giảm bớt nhiệt và đá ít bị bể, mẻ. Sản phẩm sau khi hoàn thành được đánh bóng mịn vừa làm láng, vừa làm cho các vân đá nổi rõ hơn.

Bán đảo Sơn Trà
Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo lớn trấn ngự ngoài biển. Đó là một khối núi gồm ba hòn nhô lên. Hòn phía Nam như hình con nghê chồm ra biển gọi là hòn Nghệ. Hòn phía Tây hình dạng như mỏ diều hâu gọi là hòn Mỏ Diều. Hòn phía Bắc vươn dài ra như cổ một con ngựa gọi là núi Cổ Ngựa. Với thời gian, những dòng nước ven biển Đông tải phù sa của nhiều sông bồi dần Trà đảo, chính đảo vào bờ, thành một bán đảo hình như một chiếc nấm gọi là bán đảo Sơn Trà

Bán đảo này cùng với núi Hải Vân vây biển lại thành một cái vũng rộng và kín, mặt nước phẳng lặng trong xanh, gọi là vũng Đà Nẵng. Núi Sơn Trà nằm ở độ cao 693m. Rừng mọc xanh um, trong rừng nhiều khỉ, hươu, nai và một số loài động vật khác. Bán đảo Sơn Trà được liệt vào danh sách rừng cấm với cảnh trí đẹp như thiên đường. Tục truyền rằng tiên hạ xuống vùng này nên người xưa còn gọi núi này là núi “Tiên Sa”. Núi Sơn Trà nhô ra biển khống chế cả một dải bờ biển dài của miền Trung Trung Bộ, đãtạo cho Đà Nẵng một vai trò quan trọng về mặt quân sự lẫn kinh tế.

Từ chân núi Sơn Trà chạy dài về phía Nam là dải cát dài 15 km có đoạn hình cong như lưỡi liềm (bãi cát Nam Ô), có đoạn kéo dài 8km thẳng tấp như Mỹ Khê bắc, Mỹ An, đến Ngũ Hành Sơn mới chếch ra biển. Nét đặc biển là chỗ nào bãi tắm cũng tốt, sau bãi tắm là rừng phi lao xanh tốt, phía trước là biển mênh mông, thấp thoáng trong sương mù buổi sớm là cù lao như hình chiếc mai rùa nằm giữa biển khơi.

Công Viên 29/3


Công viên 29/3 là tụ điểm vui chơi lớn nhất của thành phố Đà Nẵng. Công viên rộng 21ha trong đó một nửa là diện tích mặt nước. Không gian thoáng đãng, những bồn hoa, vườn cây, thảm cỏ đan xen vào nhau được chăm sóc thường xuyên. Hồ nước trong công viên là nơi du thuyền, xe đạp nước, thuyền rồng. Trong công viên còn có khu vực trò chơi dân gian, trò chơi điện tử, nhà hàng thủy tạ.
Hàng năm tại công viên tổ chức hội hoa xuân vào dịp Tết Nguyên đán.

Ngã ba Huế

Cách thánh phố Đà Nẵng 5km, quẹo trái là đường về Tp.HCM đi thẳng là tiếp tục quốc lộ 1 tiến ra Bắc. Từ đây đi Huế khoảng 110 km, Sài Gòn là 960 km. Sau khi qua khỏi quảng trường đại học bách khoa Đà Nẵng nhìn về phía bên phải ta thấy 1 dãi cát trắng và dọc theo là những hàng dương. Đó từng là doanh trại đóng quân của sư đoàn 3 bộ binh Mỹ. Ngày nay sử dụng làm khu cảng, kho hàng hóa quá cảnh cho nước bạn Lào. Lào xuất và nhập hàng qua đường biển này và đi bằng đường 9 về Nam Lào.

Tượng mẹ Nhu

Trên đường Điện Biên Phủ– trục lộ chính dẫn đến trung tâm thành phố Đà Nẵng, người ta dựng tượng mẹ Nhu bằng đồng. Mẹ là bà mẹ anh hùng của vùng đất Quảng. Mẹ có 4 người con, trong chiến tranh Mẹ tham gia công tác dân vận ở phường Thanh Khê. Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã phát hiện ra Mẹ nuôi dấu cán bộ chiến sĩ cách mạng. Chúng bắt Mẹ, tra tấn Mẹ giã man, buộc Mẹ phải khai tên các đồng chí và cơ sở nhưng Mẹ thà chết chứ nhất định không chịu khai nửa lời. Cuối cùng do không chịu nổi những cực hình tra tấn Mẹ đã anh dũng hi sinh. Các người xung quanh tượng Mẹ là các con của Mẹ ,chất liệu đồng lấy từ vỏ bom đạn, nòng pháo.




Cầu Nam Ô
Phía Nam từng nổi tiếng với làng làm pháo mà hiện nay sau khi có lệnh cấm đốt pháo thì dân đã chuyển sang làm nghề khác. Còn ở phía Bắc thì nổi tiếng với làng chế biến đặc sản–nước mắm. “Nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều”. Chưa biết cá rô Xuân Thiều ngon đến mức nào nhưng nước mắm Nam Ô nổi tiếng từ trước đến nay. Nơi đây xưa kia chính là nơi đổ bộ của lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vào những ngày 8/3/1965. Bãi biển này giờ đây là khu du lịch Xuân Thiều, ta sắp qua cầu Nam Ô, bãi biển ở bên phải .

Cầu Nam Ô là ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên–Huế

Huế là nơi có 3 con sông chảy qua, ba con sông lớn là sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lau đổ ra phá Tam Giang. Sau khi đi hết Đà Nẵng ta qua thêm 1 con đèo Kiết Tượng. Người ta nói là đi bộ thì sợ Hải Vân, đi biển thì sợ sóng thần Hang Dơi. Bên tay phải chúng ta là đầm Cầu Hai. Vịnh, đầm, phá đều là phần ăn sâu vào đất liền. Vịnh là phần ăn sâu vào, có độ sâu lớn, chung quanh là vách núi. Còn đầm hay phá cạn hơn. Như chúng ta biết do vị trí của đèo Hải Vân nằm, do đó ở đây con đường đang đi thì đèo cao cắt ngang, phải lên đỉnh rồi xuống. Đèo Hải Vân là nguyên nhân chính làm cho luồng gió Đông Bắc và Tây Nam một phần nó bị ngăn lại. Mùa gió Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 3, 4 thì nó từ Đông Bắc thổi vào nhưng gặp Hải Vân thì bị chắn lại cho nên hơi lạnh đổ xuống chỉ ảnh hưởng từ Hải Vân đổ ra Bắc thôi. Còn trong Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Ở trong Nam gió Tây Nam thổi ra hoặc một phần gió thổi qua Lào gặp dãy Trường Sơn chắn lại làm khí hậu khác nhau. Hải Vân cao nhất khoảng trên 1100m, không cao lắm, chính điều này làm 2 bên khác nhau nên người ta hay nói là đường đi ở Huế thế này, trời đang mưa trên đỉnh đèo qua Đà Nẵng là hết mưa ngay. Do đó dân gian vẫn thường nói :



“Đi bộ thì sợ Hải Vân,
Đi biển thì sợ sóng thần Hang Dơi
Hải Vân đèo lớn vừa qua,
Mưa xuân ai bỗng chuyển sang nắng hè
Thương em anh chẳng dám vô
Sợ chuông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang,
Phá Tam Giang ngày đã cạn
Chuông nhà Hồ nội tán cấm em”

“Đi bộ thì sợ Hải Vân, đi biển thì sợ sóng thần Hang Dơi”, thiệt sự người ta sợ Hải Vân kinh hoàng không phải bây giờ mà từ ngày xưa. Ngày xưa chúng ta có con đường thiên lý Bắc Nam nhưng đường bộ thì chỉ đến đèo Hải Vân là hết. Còn từ Hải Vân vào trong nữa thì phải đi thuyền. Trước khi Pháp làm đường đây chỉ là con đường bình thường vào thời phong kiến ngày xưa đặc biệt là chỉ phát triển miền Nam thời chúa Nguyễn. Có 3 con đường qua Hải Vân: một là đường Thượng Đạo, 2 là đường Trung Đạo và 3 là đường Hạ Đạo. Ngày xưa qua đường đèo rất là cực, rừng thiêng nước độc, thú dữ, lục lâm khảo khấu nên một số người không qua được. Một số người giàu có người ta thuê thuyền đi, người giàu có đi thuyền lớn không sao, nếu đi thuyền nhỏ phải đi sát vách núi. Mà ngày xưa ở Việt Nam người giàu không nhiều, thuyền bè cũng không như bây giờ. Địa hình của chúng ta, do ảnh hưởng bởi luồng gió Đông Bắc và hệ thống núi phía Bắc Hải Vân là đá vôi, cho nên nó nạo khoét phía Bắc Hải Vân tạo thành một hang rộng và sâu, dơi sống rất nhiều nên người ta gọi là Hang Dơi. Chính Hang Dơi này khi sóng đánh vào tạo thành dòng xoáy thành sóng thần cho nên thuyền bè người dân đi qua là bị đánh úp. Tới năm 1826 vua Minh Mạng, một trong những vị vua tài giỏi tề gia trị quốc bình thiên hạ đã ý thức được tầm quang trọng của Quảng Nam- Đà Nẵng. Quảng là vùng trải rộng lớn phía nam nên gọi là Quảng Nam. Đà Nẵng thuộc Quảng Nam. Vua Minh Mạng từ khi lên ngôi cho mang thần công đến bán đảo Sơn Trà là vùng cửa ngõ vì sau đó năm 1858 người Pháp thấy rõ tầm quan trọng ở đây nên họ đánh chiếm nhưng do Triều đình và đặc biệt là tướng Nguyễn Tri Phương có sự chuẩn bị trước nên ít nhiều gay khó khăn và thực dân Pháp đã phải chuyển hướng tấn công về phía Sài Gòn. Hiện nay ở Sơn Trà có nghĩa địa người Tây Ban Nha và Pháp ở trên này có ngôi mộ William Cook, ông tổ du lịch tàu biển ngày truớc lập ra con tàu đưa khách du lịch và trong một lần đến Sơn Trà ông bị bệnh (dưới thời vua Thiệu Trị). Tàu của ông xuất phát từ cảng Botton Mỹ. Vua cho ngự y cứu chữa nhưng không được. Hiện tàu của ông vẫn còn lưu giữ. Như vậy đèo Hải Vân quan trọng, Quảng Nam Đà Nẵng cũng quan trọng nên vua Minh Mạng đã xây dựng đường đèo Hải Vân. Nếu lúc đầu có 3 đường Thượng Đạo, Trung Đạo và Hạ Đạo thì vua Minh Mạng cho nâng cấp và xây dựng đường Trung Đạo dưới hình thức làm bậc tam cấp và ở ngay trên đỉnh ông cho xây 1 tường thành chắn ngang lập 1 cổng và có một đồn gọi là Đồn 1 án ngữ ở đó, có một cái cổng và người ta gọi nó là Hải Vân Quan. Tất cả người qua lại phải qua Hải Vân Quan và người ta ghi 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” năm 1826 ở phía Bắc. Sau này khi Pháp vào xâm lược Việt Nam thì đường xe lửa được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và sau đó xây dựng tiếp đường hầm. Và khi Pháp xây dựng đường hầm đèo Hải Vân, người Pháp đã dùng con đường trung đạo mà Minh Mạng xây dựng mở rộng và chỉ có một làn xe qua lại. Ví dụ, buổi sáng hướng Đà Nẵng ra thì buổi chiều hướng Huế vô, đường rất nguy hiểm, mãi về sau, người Mỹ vào và mở rộng gấp đôi nên xe qua lại cùng lúc dễ dàng.
Ngày xưa tại khu vực này người ta cũng hay nhắc đến đến câu:

“ Thăm em anh chẳng dám vô- Sợ Truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang”

Truông nhà Hồ, hồ là Hồ Xá ở Quảng Trị, qua khỏi cầu Hiền Lương. Truông là những đụn cát, cồn cát ở Hồ Xá. Tam Giang tức là nơi đổ ra 3 con sông Trung, Tả, Hữu hay còn gọi là sông Hương, Ô Lau, và Bồ. Ngày xưa phá Tam Giang có sóng thần, chúa Nguyễn Phúc Chu thấy dân chết nhiều nên sai tướng giỏi là Nguyễn Khoa Đăng vào giúp dân. Nguyễn Khoa Đăng sinh 1691 mất 1725 là vị quan tài giỏi, sinh đúng năm chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi. Do có tài nên ông bị nhiều kẻ gian hãm hại. Chúa Nguyễn Phúc Chu sai ông đến phá Tam Giang nghiên cứu xem tại sao bị vậy. Ông tới nghiên cứu biết được vì có sóng thần do nước hợp nhau của 3 con sông ra biển mang cát và phù sa lắng đọng nhiều nên dễ tạo ra sóng thần khi gặp gió. Ông nghĩ cách làm sao uốn nắn lại dòng chảy, và ông mang súng thần công bắn vào điểm đó. Còn đường thiên lý Bắc Nam ngày xưa phải đi ngang qua Hồ Xá. Nơi đây không có người qua lại mà chỉ có lục lâm thảo khấu chuyên cướp của giết người. Nguyễn Khoa Đăng giả làm dân buôn để bọn lục lâm ra cướp hàng hóa. Sau khi cướp được hàng hoá, chúng đem về hang ổ rồi cùng nhau nhậu nhẹt. Nhân lúc bọn cướp say xỉn ông đã sai quân đánh phá và tiêu diệt. Ông được thăng chức nội táng. Tuy vậy do Nguyễn Khoa Đăng giỏi giang và quá thẳng thắn trung trực mà bị người hãm hại khiến ông bị chết oan. Có vị quan tham trong triều nhân năm 1725 chúa Nguyễn Phúc Chu băng hà nên mới bày ra nói rằng Nguyễn Khoa Đăng đem cất ấn tích của Chúa nhằm mưu đồ tạo phản, nên mọi người trong triều đều tin theo và tên quan này mạo chiếu chỉ cho Nguyễn Khoa Đăng (lúc này chưa biết chúa Nguyễn Phúc Chu băng hà) triệu về. Trên đường về gặp quân mai phục nên ông bị giết chết. Sau khi ông mất đến 5 năm sau mới được minh oan.

Sau khi ta qua trạm thu phí sẽ rẽ vào đường vành đai, vào địa danh mang tên Phú Bài, bên phải ngang qua phà Tuần bắt ngang sông Hương thấy lăng Khải Định. Sân bay Huế chỉ đáp được Airbus, không đáp được Boeing. Lúc đầu người ta định xây dựng sân bay Phú Bài thành sân bay quốc tế nhưng không được vì diện tích nhỏ.



Đèo Hải Vân

Nằm giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Vua Lê Thánh Tông từng đến đây, ngưỡng mộ trước phong cảnh hùng vĩ, hữu tình đã gọi nơi đây là “Đệ Nhất Hùng Quan”. Xưa kia khi vua Chiêm Thành là Quế Mân dâng hai ô Châu và Lý (Rí) cho vua Trần Anh Tông (1306) để làm lễ cưới Công chúa Huyền Trân thì đèo Hải Vân đứng làm ranh giới cho Đại Việt và Chiêm Thành gần một thế kỷ . Đến năm 1402 nhà Hồ đem quân đi đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm là Ba Đích Lai phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Luỹ để cầu hòa. Từ ấy Hải Vân mới thuộc về Việt Nam.

Đèo Hải Vân cao 496m, dài 21Km, lưng tựa vào dãy núi Bạch Mã cao 1.172m. Đèo án ngữ con đường thiên lý Bắc Nam. Có đường xe lửa chạy xuyên qua lòng núi. Đỉnh đèo có Hải Vân Quan được xây dựng từ thời nhà Trần và trùng tu năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Chân đèo phía Nam có kho xăng dầu của Mỹ, bây giờ là kho xăng dầu Liên Chiểu đang được xây dựng. Lên đèo ta có thể thấy làng cùi. Từ đỉnh đèo còn 80Km là đến thành phố Huế. Từ đây giọng nói của người dân địa phương và khí hậu đã khác hẳn với khu vực phía Nam đèo.

Năm 1996 khảo sát đèo Hải Vân,Ngày 27/8/2000 chính phủ Việt Nam đã khởi công xây dựng đường hầm xuyên đèo Hải Vân và dự kiến trong vòng 48 tháng thì hoàn tất. 2 đường hầm thông nhau vào năm 2003. Khánh thành vào ngày 5-6-2005.Với vốn đầu tư 251,042 triệu USD. Đèo Hải Vân được đào bằng cách phía Bắc đào vào phía Nam đào ra và thông nhau ở giữa. Chúng ta sẽ chỉ mất 10 phút xuyên qua đèo Hải Vân , thay vì 45 phút leo đèo như trước đây. Sau 5 năm thi công, hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân nối thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là một trong 30 hần đường bộ dài và hiện đại nhất Đông Nam Á sẽ được chính thức đưa vào sử dụng.

Hệ thống đường hầm Hải Vân gồm: hầm chính (hầm giao thông) và hầm phụ (hầm lánh nạn), hầm chính có chiều dài 6280m, rộng 11,9m, cao 7,5m, tính không thông xe 4,95 m. Trong hầm có hai làn xe, mỗi làn rộng 3,75 m được ngăn cách bởi hàng cọc cao su. Phía Tây của hầm có đường đi bộ dành cho người đi bộ rộng 1 m, cao 1m. Dọc theo đường hầm có 18 điểm mở rộng dành cho mục đích đổ xe khẩn cấp.

Hầm phụ rộng 4,7m, cao 3,8m, nằm về phía Đông chạy song song hầm chính, cách hầm chính 30m, mỗi hầm cách nhau cách nhau 400m. Có 15 hầm ngang nối hầm chính và hầm phụ, mỗi hầm cách nhau 400m. Trong đó 11 hầm ngang dành cho người đi bộ có kích thước cửa vào là 2,25m, cao 2m, và 4 hầm dành cho cứu hộ (và cả người đi bộ) có cửa vào rộng 45m, cao 3m. Trong trường hợp vận hành bình thường các hầm ngang được đóng kín bằng cửa kéo. Trong trường hợp khẩn cấp (có tai nạn) người tham gia giao thông rời ôtô chạy bộ đến hầm ngang, tự kéo cửa để vào hầm thoát hiểm theo biển chỉ dẫn ở ngoài. Sau khi thả tay ra cửa này sẽ tự động đóng lại để ngăn khói từ hầm chính lan sang.




tải về 223.89 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương