Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thầy giê-su trong tin mừng mác-cô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.46 Mb.
trang5/21
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.46 Mb.
#33087
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

IV. HỌC HỎI

Sách Thánh cần đọc: Mc 1,23-34.40-45; 2,1-12; 3,1-6; 5,1-43; 6,53-56; 7,24-37; 8,22-26; 9,14-29; 10,46-52 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác

4.1 Tại sao Thầy Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ?

Trong Tin Mừng Mác-cô chúng ta khó mà tìm ra những lời nào giải đáp cho câu hỏi : “Tại sao Đức Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ” mà Người gặp trong những ngày tháng thi hành sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa.

Nhưng trong Tin Mừng Mác-cô, khi những người Pha-ri-sêu xầm xì trước cảnh Đức Giê-su dùng bữa trong nhà ông Lê-vi với nhiều người thu thuế và tội lỗi, thì Đức Giê-su nói thẳng với họ rằng :

Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17).

Lời tuyên bố trên của Đức Giê-su giúp chúng ta hiểu cách gián tiếp là : vì những người bệnh hoạn, tật nguyền cần đến Người nên Người có mặt và cứu chữa họ.

Nếu chúng ta dựa vào các Sách Tin Mừng khác, nhất là Tin Mừng Gio-an, để giải đáp thắc mắc nêu trên thì chúng ta tìm thấy ngay lý do tại sao Đức Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ : Đức Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ vì Chúa Cha chạnh lòng thương những người khốn khổ. Chúa Cha làm sao thì Chúa Giê-su làm nấy, vì Đức Giê-su là hiện thân, bóng dáng và hình ảnh của Thiên Chúa Cha:



* Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng : "Thật, tôi bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” (Ga 5,19-21).

- “Ai thấy Thầy thì thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9).


4.2 Thầy Giê-su làm gì để cứu chữa những người khốn khổ?

 Đọc những đoạn văn đã ghi ở mục Sách Thánh cần đọc, chúng ta thấy rõ Đức Giê-su đã làm nhiều việc, thậm chí cả phép lạ, để cứu chữa những người khốn khổ. Chi tiết hơn chúng ta có thể liệt kê như sau:

* Đức Giê-su truyền lệnh cho thần ô uế ra khỏi người bị nó ám hại (Mc 1,25).

* Đức Giê-su chữa nhạc mẫu ông Si-mon khỏi sốt (Mc 1,31)

* Đức Giê-su chữa lành nhiều người ốm đau, bệnh tật và trừ quỷ (Mc 1,32-34).

* Đức Giê-su chữa người bị phong hủi (Mc 1,41).

* Đức Giê-su chữa người bị bại liệt (Mc 2,5.11).

* Đức Giê-su chữa người bị bại tay (Mc 3,3-5).

* Đức Giê-su chữa người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20).

* Đức Giê-su làm cho con gái ông Gia-1a sống lại (Mc 3,21-24.35-43).

* Đức Giê-su chữa người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5,25-34).

* Đức Giê-su chữa con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri (Mc 7,24-30).

* Đức Giê-su chữa người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7,31-37).

* Đức Giê-su chữa người mù ở Bết xai-đa (Mc 8,22-26).

* Đức Giê-su chữa người mù ở Giê-ri-khô (Mc 10,46-62).

* Đức Giê-su dậy dỗ đám đông nhiều điều (Mc 6,34).

* Đức Giê-su hai lần làm cho bánh hóa nhiều để cho dân chúng khỏi bị đói (6,30-44; 8,1-10).
4.3 Chúng ta rút được những bài học gì từ các câu chuyện chữa lành và trừ quỷ?

[Xem phần ứng dụng]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

 Từ Đề Tài IV này, chúng ta có thể rút ra hai bài học sau đây cho bản thân và cộng đoàn :

5.1 Cuộc sống con người, xưa cũng như nay, đầy dẫy những đau khổ, bệnh tật, rất cần được những tấm lòng, những bàn tay ủi an, nâng đỡ và chữa lành. Trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa thì một tấm lòng và đôi bàn tay bác ái lại càng cần thiết. Đức Giê-su đã hiểu được nỗi lòng của người đương thời và đã đáp ứng nhu cầu và sự chờ mong của những người bệnh hoạn, tật nguyền, túng thiếu và bị ma quỷ ám hại. Người cứu chữa họ để họ bớt khổ và để họ dễ nhận ra một Đấng Thiên Chúa vô hình ẩn sau gương mặt, lời nói, việc làm của Con Người mang danh xưng là Giê-su nghĩa là Thiên Chúa cứu!

 Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình (xót thương) của Thầy Giê-su khi đứng trước những anh chị em khốn khổ của chúng ta. Chúng ta hãy hành động như Thầy đã hành động: cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, mặc áo mặc quần cho người rét lạnh, yêu thương quý trọng những người bị bỏ rơi, khinh khi, cứu chữa những người bệnh hoạn, tật nguyền. Chính Thầy Giê-su đã nói:

Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

5.2 Khi cứu chữa những người khốn khổ trong xã hội Do-thái đương thời chẳng những Thầy Giê-su muốn mạc khải tấm lòng của một Thiên Chúa xót thương mà Thầy còn muốn mọi người hiểu rằng Thầy đang khai mở Nước Thiên Chúa cho loài người nói chung và cho những người bé mọn, nghèo hèn và đau khổ nói riêng.

 Khi chúng ta hoạt động nhằm cứu giúp những người khốn khổ chính là lúc chúng ta mở rộng cửa Nước Thiên Chúa cho những con người ấy. Nói cách khác là chúng ta làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện nơi những người ấy.


VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI V : THẦY GIÊ-SU KHẲNG ĐỊNH LÀ ĐẤNG MÊ-SI-A ĐAU KHỔ CỦA THIÊN CHÚA VÀ MỜI GỌI CÁC MÔN ĐỆ ĐI THEO NGƯỜI [Ba lần loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh và ba lần giáo huấn về người môn đệ]

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ: Liên quan đến Đề Tài IV: “Thầy Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ và cứu chữa họ”, anh/chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm tòi học hỏi:

(1o) Người Do-thái nói chung và các môn đệ của Đức Giê-su nói riêng chờ đợi gì ở Người ?

(2o) Thầy Giê-su khẳng định căn tính và sứ mạng của Người như thế nào ?

(3o) Thầy Giê-su mời gọi các môn đệ đi theo Người như thế nào ?

(4°) Các môn đệ đáp lại lời mời của Thầy như thế nào?

(5°) Chúng ta rút ra được bài học nào từ ba lần loan báo Cuộc Thương Khó và Phục Sinh và ba lần giáo huấn về người môn -đệ trong Tin Mừng Mác-cô ?
6.3 Sách Thánh cần đọc: Mc 8,31-38; 9,30-37; 10,32-34.41-45 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.


VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học Đề tài IV: “Thầy Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ và cứu chữa họ.” Qua thái độ và hành động của Người, chúng ta nhìn ra thái độ và hành động của Thiên Chúa Cha, vì chính Người đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” (Ga 14,9).


7.2 Cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha đã ban Con Một Cha cho chúng con. Nhìn vào Người là chúng ta nhận ra Cha, vì Người là hiện thân sống động của Cha.

Xin Cha cho chúng con một lòng yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô, Con Cha, một cách nồng nàn, để chúng con học đòi noi gương bắt chước Người mà yêu thương và cứu giúp những người kém may mắn mà chúng con gặp trong xã hội.
7.3 Cùng hát 

CHÚA LÀ TÌNH YÊU

ĐK: Chúa là Tình Yêu, Ngài đã đến cứu thế giới khỏi chốn lưu đầy. Chúa là Tình Yêu, Ngài đã thương ban Con Một cho trần thế. Để đem muôn ơn lành, để loan tin vui mừng, khắp thế giới cho mọi người, Ngài đã chết trong đau thương để ta sống bình an.

PK 1: Còn tình yêu nào cao vời vợi bằng tình Chúa đã thương ta. Dù rằng đất trời mãi đổi thay, nhưng tình Chúa vẫn yêu ta đến muôn muôn đời.

PK 2: Ngài hằng mong chờ luôn mời gọi người người sống yêu thương nhau. Để tình yêu Ngài mãi tràn lan trong tình chúng ta yêu nhau sống vui an bình.



ĐỀ TÀI V

THẦY GIÊ-SU KHẲNG ĐỊNH LÀ ĐẤNG

MÊ-SI-A ĐAU KHỔ CỦA THIÊN CHÚA

VÀ MỜI GỌI CÁC MÔN ĐỆ ĐI THEO NGƯỜI

[Ba lần loan báo Cuộc Thương Khó và Phục Sinh và ba lần giáo huấn về người môn đệ]





I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta học Đề Tài V của Khóa «Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.» Tựa bài là «Thầy Giê-su khẳng định là Đấng Mê-si-a đau khổ của Thiên Chúa và mời gọi các môn đệ đi theo Người.»

Đây là đề tài trọng tâm của Tin Mừng Mác-cô : Các nhà chú giải Thánh Kinh xem Tin Mừng Mác-cô là Sách Giáo Lý khai tâm Ki-tô giáo, vì nội dung và mục đích chính của Tin Mừng này là làm cho các độc giả (là các tân tòng) biết hay nhận ra Đức Giê-su là Ai ? (hay là Đấng nào ?) và muốn đi theo Ngài thì phải đi con đường nào. Nhưng đây cũng là bài học khó nhớ, khó thuộc nhất của Thánh Kinh Tân Ước vì con đường người môn đệ phải đi cũng chính là con đường mà Thầy đã đi. Đó là con đường thập giá !

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha ban Thần Khí cho chúng ta để chúng ta hiểu và thuộc lòng bài học quan trọng này. Khi hát bải «Con đường Chúa đã đi qua», chúng ta xin Thần Khí ban ơn soi sáng và ơn sức mạnh để chúng ta dũng cảm bước theo Thầy.



1.2 Cùng hát 
CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA
1/ Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hẳn sâu trên trán. Lạy Chúa, Thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.
ĐK.- Lạy Chúa xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.
2/ Lạy Chúa, lưỡi đòng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, sỉ nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương, đường tình đó Ngài dành cho con.
3/ Lạy Chúa, ôi đường tình Chúa đã đi qua, con đường thập tự loang máu đào, ôi lưỡi đòng còn loang vết máu. Lạy Chúa, Thánh giá nào Ngài đóng đinh xưa, chén đắng nào ngài uống say sưa, đường tình đó Ngài dành cho con.
1.3 Lắng nghe Lời Chúa

« Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : "Người ta nói Thầy là ai ?" Các ông đáp : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Người lại hỏi các ông : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô trả lời : "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.» (Mc 8,27-30 ; Mt 16,13 -20 ; Lc 9,18 -21).
1.4 Thinh lặng một phút để Lời Chúa thấm sâu vào lòng trí chúng ta.
1.5 Cầu nguyện 

Lạy Chúa Giê-su là Thầy dậy của chúng con, chúng con xin làm môn sinh của Thầy, chúng con lắng nghe lời Thầy xin Thầy hãy dậy dỗ chúng con, cho chúng con biết Thầy là Ai và chúng con phải sống thế nào, phải đi con đường nào, để trở thành môn đệ Thầy?


II. CHIA SẺ

Liên quan tới Đề Tài IV: “Thầy Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ và cứu chữa họ” anh/ chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ hay CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ, TÌM HIỂU ĐỀ TÀI V

3.1 Người Do-thái nói chung và các môn đệ của Đức Giê- su nói riêng chờ đợi gì ở Người ?
3.2 Thầy Giê-su khẳng định căn tính và sứ mạng của Người như thế nào ?
3.3 Thầy Giê-su mời gọi các môn đệ đi theo Người như thế nào ?

3.4 Các môn đệ đáp lại lời mời của Thầy như thế nào?
3.5 Chúng ta rút ra được bài học nào từ ba lần loan báo Cuộc Thương Khó và Phục Sinh và ba lần giáo huấn về người môn -đệ trong Tin Mừng Mác-cô ?
IV. HỌC HỎI

Sách Thánh cần đọc: Mc 8,31-38; 9,30-37; 10,32-34.41-45 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.
4.1 Người Do-thái nói chung và các môn đệ của Đức Giê-su nói riêng chờ đợi gì ở Người?

 Chúng ta biết thời Đức Giê-su sinh ra và lớn lên, đất nước Pa-lét-tin ở dưới chế độ đô hộ của Đế Quốc Ro-ma. Các tín đồ sùng đạo coi đó là một nỗi nhục và là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Vì thế âm ỷ trong lòng mỗi người Do- thái là sự ước mong Thiên Chúa sớm cất đi nỗi nhục của cả một dân tộc và hình phạt của Thiên Chúa. Được nuôi dưỡng bởi những lời ngôn sứ tiên báo vị cứu tinh mà Thiên Chúa sẽ gửi đến cho dân. Vị cứu tinh đó sẽ là người được xức dầu (Mê-si-a = Ki-tô) và có sứ mạng phục hồi vương triều Ít-ra-en.

Khi Đức Giê-su xuất hiện công khai với dáng dấp của một nhà lãnh tụ, nhất là với việc tập hợp các môn đệ, lôi kéo quần chúng và thực hiện các phép lạ kinh thiên động địa, thì người Do-thái nói chung và các môn đệ của Đức Giê-su nói riêng đều âm thầm kỳ vọng và nghĩ rằng Đức Giê-su chính là Vị Mê-si-a ấy, hiểu theo nghĩa chính trị.

- Bằng chứng thứ nhất là câu hỏi/thắc mắc của các môn đệ:

Thưa Thẩy, có phải bây giờ là lúc Thầy lập vương quốc của Thiên Chúa không?”

- Bằng chứng thứ hai là lời cầu xin của hai anh em ông Gio-an và Gia-cô-bê:

Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi : "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?" Các ông thưa : "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." (Mc 10,35-37).

Chính vì thế mà Đức Giê-su đã lưu ý các môn đệ ngay khi cơ hội đầu tiên xuất hiện để họ không ngộ nhận (xem Mc 8,31-33 ở sau).


4.2 Thầy Giê-su khẳng định căn tính và sứ mạng của Người như thế nào?

 Đức Giê-su không chỉ loan báo một lần mà là ba lần Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người.



- Lần thứ nhất : “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô : "Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." (Mc 8,31-33; Mt 16,21 -23 ; Lc 9,22).

- Lần thứ hai: “Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.” (Mc 9,30-32; Mt 17,22 -23 ; Lc 9:43b-45 )

- Lần thứ ba: “Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình : "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." (Mc 10,32-34; Mt 20,17-19 ; Lc 18,31-34).

 Với ba lần loan báo Cuộc Thương Khó như trên, Đức Giê-su muốn mọi người hiểu rằng Người là Đấng Mê-si-a nhưng không phải như người Do-thái mong đợi và ngộ nhận, mà là Đấng Mê-si-a đau khổ của Thiên Chúa.


4.3 Thầy Giê-su mời gọi các môn đệ đi theo Người như thế nào ?

 Đức Giê-su cũng không chỉ giáo huấn một lần mà là ba lần về người môn đệ hay con đường người môn đệ phải đi nếu người ấy muốn theo Thầy.



- Lần thứ nhất: Thầy Giê-su công bố những điều kiện để theo Thầy:

Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người." (Mc 8,34-38; Mt 16,24 -28 ; Lc 9,23-27)



- Lần thứ hai: Thầy Giê-su dậy ai là người lớn hơn hết: “Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy." (Mc 9,33-37; Mt 18, 1-5; Lc 9,46-48),

- Lần thứ ba: Thầy Giê-su dậy người làm đầu phải hầu hạ:

Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : "Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10,41-45; Mt 20,24-28).


4.4 Chúng ta rút được những bài học gì từ ba lần loan báo Cuộc Thương Khó và Phục Sinh và ba lần giáo huấn về người môn đệ?

[Xem phần ứng dụng]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO] 

Từ Đề Tài V này, chúng ta có thể rút ra hai bài học sau đây cho bản thân và cộng đoàn :

5.1 Bài học đầu tiên là biết được chân dung đích thực của Đức Giê-su: Thiên Chúa Cha, vì yêu thương nhân loại đã sai Con Một đến trần gian để cứu chuộc và đem họ về với Người. Đức Giê-su Na-da-rét chính là Đấng Mê-si-a mà Thánh Kinh từng bao lần loan báo qua miệng các ngôn sứ. Nhưng chính Đức Giê-su khẳng định mình là Đấng Mê-si-a đau khổ chứ không phải Đấng Mê-si-a vinh quang (theo nghĩa thế tục). Người cứu độ chúng sinh bằng con đường thương khó và cái chết của Người trên thập giá. Nói cách khác Người đã hạ mình và bỏ mình

5.2 Bài học thứ hai là biết được con đường của người môn đệ muốn theo chân Thầy chí thánh. Thành ngữ ta cũng như tây đều có câu: “Cha nào con nấy” và “Thầy nào trò nấy.” Nếu chúng ta là con Thiên Chúa thì chúng ta phải sống theo khuôn mẫu của Thiên Chúa. Nếu chúng ta nhận Đức Giê-su làm Thầy thì chúng ta phải sống giống như Thầy, phải chọn con đường mà Thầy đã đi. Thế mà Thầy Giê-su đã chọn con đường thập giá thì chúng ta cũng không thể chọn con đường nào khác mà đi, ngoài con đường thập giá.




VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI VI : AI LÀ NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC CỦA THẦY GIÊ-SU? [So sánh anh chàng mù Bác-ti-mê là kẻ ăn xin bên lề đường với hai ông Gio-an và Gia-cô-bê là những môn đệ theo Chúa chuyên nghiệp].

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ: Liên quan tới Đề Tài V: “Thầy Giê-su khẳng định là Đấng Mê-si-a đau khổ của Thiên Chúa và mời gọi các môn đệ đi theo Người”, anh/chị có gì [cảm nghiệm, kinh nghiệm, thắc mắc] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.

6.2 Câu hỏi gợi ý tìm tòi học hỏi:

(1o) So sánh hai tường thuật Mc 10,35-41 và Mc 10,46-52 chúng ta thấy những gì đáng ghi nhận về tư thế và lời cầu xin của một bên là hai anh em nhà Giê-bê-đê (Gio-an và Gia-cô-bê) và một bên là anh chàng mù Bác-ti-mê?

(2°) Hai anh em Gio-an và Gia-cô-bê và anh chàng mù Bác-ti-mê nhận được sự đáp trả nào từ Đức Giê-su? Tại sao thế?

(3°) Chúng ta rút ra được bài học nào từ việc so sánh hai mẫu môn đệ là hai tông đồ Gio-an/Gia-cô-bê và anh mù Bác-ti-mê?
6.3 Sách Thánh cần đọc: Mc 10,35-41.46-52 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.



VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học Đề tài V là “ Thầy Giê-su khẳng định là Mê-si-a đau khổ của Thiên Chúa và mời gọi các môn đệ đi theo Người” là đề tài trọng tâm của Tin Mừng Mác-cô. Nhờ đó chúng ta biết chân dung, căn tính và sứ mạng của Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người. Đó là Đấng Mê-si-a đau khổ. Chúng ta cũng biết con đường và lối sống mà chúng ta phải đi, phải sống. Đó là con đường thập giá, là lối sống bỏ mình, vác thập giá mà theo Thầy Giê-su. Chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và Chúa Giê-su về ơn mạc khải mà chúng ta đã nhận được. Chúng ta cũng hãy dâng lên Thiên Chúa quyết tâm sống ơn gọi làm môn đệ bước đi theo Thầy Giê-su của chúng ta.



7.2 Cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con. Chúng con tin Cha là Đấng quyền năng và yêu thương. Cha đã chọn cho Con Một Cha một căn tính và giao cho Ngài một sứ mạng là làm Đấng Mê-si-a đau khổ để cứu chuộc nhân loại tội lỗi bằng con đường thập giá.

Chúng con cũng cảm tạ ơn Cha vì đã muốn chúng con làm môn đệ của Chúa Giê-su Con Cha. Xin Cha ban sức mạnh cho chúng con để chúng con dũng cảm chọn con đường hy sinh, từ bỏ, vác thập giá mà theo chân Người.

Chúng con chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa là Tình Yêu!


7.3 Cùng hát 

CHÚA LÀ TÌNH YÊU

ĐK: Chúa là Tình Yêu, Ngài đã đến cứu thế giới khỏi chốn lưu đầy. Chúa là Tình Yêu, Ngài đã thương ban Con Một cho trần thế. Để đem muôn ơn lành, để loan tin vui mừng, khắp thế giới cho mọi người, Ngài đã chết trong đau thương để ta sống bình an.

PK 1: Còn tình yêu nào cao vời vợi bằng tình Chúa đã thương ta. Dù rằng đất trời mãi đổi thay, nhưng tình Chúa vẫn yêu ta đến muôn muôn đời.

PK 2: Ngài hằng mong chờ luôn mời gọi người người sống yêu thương nhau. Để tình yêu Ngài mãi tràn lan trong tình chúng ta yêu nhau sống vui an bình.




ĐỀ TÀI VI

AI LÀ NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC

CỦA THẦY GIÊ-SU ?

[So sánh anh chàng mù Bác-ti-mê là kẻ ăn xin bên lề đường với hai ông Gio-an và Gia-cô-bê là những môn đệ theo Chúa chuyên nghiệp]





I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta học Đề Tài VI của Khóa «Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.» Tựa bài là «Ai là người môn đệ đích thực của Thầy Giê-su ?»

Trong đề tài trước chúng ta đã nghiên cứu về việc Đức Giê-su đã mời gọi các môn đệ đi theo chân Người, tức đi vào con đường thập giá cứu độ. Đọc Tin Mừng Mác-cô  chúng ta thấy ngay trước khi Thầy trò lên đường về Giê-ru-sa-lem, hai môn đệ thân tín là ông Gio-an và ông Gia-cô-bê còn mạnh miệng xin Thầy dành hai vị trí tốt nhất khi Đức Giê-su thành công trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ Đế quốc Ro-ma đang thống trị dân Ít-ra-en. Rõ ràng hai ông Gio-an và Gia-cô-bê, cho đến lúc này, chưa thể là mẫu người môn đệ đi theo Thầy trên con đường Thầy đi. Mười môn đệ khác cũng chẳng hơn gì hai ông Gio-an và Gia-cô-bê, vì dù các ông không dám nêu yêu cầu hay đề nghị gì với Thầy, nhưng các ông cũng đã tỏ ra ghen tức với hai ông Gio-an và Gia-cô-bê khi hai ông này xin hai vị trí tốt nhất bên cạnh Thầy. Vậy là ai ?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha ban ơn soi sáng cho chúng ta nắm bắt được chủ đích của tác giả Tin Mừng Mác-cô cũng là chủ đích của Thầy Giê-su khi làm nổi bật cách hành xử của anh chàng mù Bác-ti-mê ở Giê-ri-khô. Chúng ta cầu xin ơn trên qua/bằng bài hát « Xin chỉ cho con »



tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương