Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thầy giê-su trong tin mừng mác-cô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.46 Mb.
trang2/21
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.46 Mb.
#33087
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

PHẦN THỨ NHẤT

CÁC ĐỀ TÀI


ĐỀ TÀI I

THÀY GIÊ-SU KHAI MỞ TRIỀU ĐẠI MỚI CỦA THIÊN CHÚA

[Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an dưới dòng sông Gióc-đan và chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng]





I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta khởi đầu Khóa “Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô». Đây là Khóa thứ hai trong Chương Trình Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất mở rộng. Khóa học này được dành cho tất cả các Ki-tô hữu muốn đào sâu Tin Mừng Mác-cô dưới góc độ lãnh đạo của Chúa Giê-su Ki-tô, là Thầy chí thánh của chúng ta.

Vì thế chúng ta hãy bước vào Khóa “Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô» với tâm tình của những người môn đệ khao khát muốn hiểu biết càng nhiều càng tốt về Thầy và muốn nên giống Thầy nên mới tìm đến mái trường của Thầy để học tập với Thầy.

Chúng ta bắt đầu Để Tài I của Khóa là THẦY GIÊ-SU KHAI MỞ TRIỀU ĐẠI MỚI CỦA THIÊN CHÚA, với tâm tình vui mừng, biết ơn và với tấm lòng khiêm tốn, rộng mở để đón nhận hồng ân Nước Trời.

Với bài hát «Xin Ngôi Ba Thiên Chúa», chúng ta hãy tha thiết cầu xin Thần Khí tác động trên tâm trí chúng ta bằng ơn soi sáng và sức mạnh canh tân, để chúng ta đến với Thầy Giê-su và học hỏi với Người.
1.2 Cùng hát 

XIN NGÔI BA THIÊN CHÚA
ĐK : Xin Ngôi Ba Thiên Chúa ngự xuống trên chúng con. Ban hồng ân chan chứa thắm nhuần hồn xác chúng con. Biến chúng con thành những dũng sĩ theo Chúa Ki-tô, thành nhân chứng Nước Trời cho muôn người trong khắp nơi.
PK 1: Nguyện Chúa Thánh Thần xin ngự đến. Lòng vạn lòng đợi trông Ngài soi sáng. Và luyện lọc hầu mong được xứng đáng với danh hiệu Đền Thánh Chúa cao quang.
PK 2: Nguyện Chúa Thánh Thần xin ngự đến. Ngài là niềm ủi an kẻ than khóc. Là nguồn mạch tràn lan mọi ơn phúc, suối êm dịu hàn gắn những thương đau.
1.3 Lắng nghe Lời Chúa

Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.



Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.

Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."

Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.

Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.» (Mc 1,9-13).
1.4 Thinh lặng một phút để Lời Chúa thấm sâu vào lòng trí chúng ta.
1.5 Cầu nguyện 

Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì Cha đã ban Con Một yêu dấu của Cha cho chúng con và vì Cha đã mời gọi chúng con đến với Khóa học này. Chúng con cám ơn Cha, ngợi khen Cha! Chúng con xin dâng Khóa học và buổi học đầu tiên này cho Cha để xin Cha chúc lành cho tất cả chúng con, người hướng dẫn cũng như các học viên. Chúng con cầu xin vì công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô, Con Cha/Chúa chúng con, Đấng đã chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sống Gióc-đan và bị ma quỉ cám dỗ trong hoang địa. Amen.


II. TỰ GIỚI THIỆU LÀM QUEN

2.1 Mỗi học viên tự giới thiệu về mình với các bạn đồng khóa: tên thánh, tên gọi, nơi sinh sống và làm việc, nghề nghiệp, hoạt động tông đồ và chức vụ v.v…


2.2 Mỗi học viên cho biết cơ duyên nào đưa mình tới với khóa học này?
2.3 Mỗi học viên cho biết mình mong đợi gì ở khóa học này?

III. ĐẶT VẤN ĐỀ hay CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ, TÌM HIỂU VỀ ĐỀ TÀI I

3.1 Thánh Mác-cô khởi đầu Tin Mừng của ngài như thế nào?
3.2 Đối với Tin Mừng Mác-cô thì biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc- đan quan trọng như thế nào?
3.3 Và biến cố/sự kiện Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng quan trọng như thế nào?
3.4 Hai biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc- đan và Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng có ý nghĩa gì trong mạc khải Tân Ước?
3.5 Chúng ta rút ra được bài học gì từ hai biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc- đan và Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng trong chương đầu của Tin Mừng Mác-cô?
IV. HỌC HỎI

Sách Thánh cần đọc: Mc 1,1-13; Mt 3,13 -17; 4,1-11; Lc 3,21-22; 4,1-13.
4.1 Thánh Mác-cô khởi đầu Tin Mừng của ngài như thế nào?

(1o) Thánh Mác-cô khởi đầu Tin Mừng của ngài bằng lời tuyên xưng/công bố hết sức long trọng và xác tín:

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa” (Mc 1,1).
(a) Chữ “khởi đầu” đưa thính/độc giả về với thời khởi nguyên của công trình tạo dựng trong Sáng thế ký:

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.” (St 1,1).

 Vậy chúng ta có thể hiểu rằng hàm ý của Thánh Mác-cô là Thiên Chúa đang thực hiện một công trình vĩ đại mới, cũng quan trọng như công trình tạo dựng: Đó là công trình cứu chuộc nhân loại nơi/qua Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét.
(b) Chữ “Tin Mừng” khiến thính/độc giả hồi hộp chờ đợi một điều gì đó đem lại niềm vui lớn như khi dân chúng Ít-ra-en chờ đón một tin vui, hoặc là tin thắng trận được đưa về từ tiền tuyến hoặc là tin vui về cuộc tấn phong của tân vương.
(c) Chữ “Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa” đưa thính/ độc giả vào trọng tâm của mạc khải Tân Ước Ki-tô giáo: Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng Ki-tô (có nghĩa là được xức dầu tấn phong và được Thiên Chúa sai đến), là Con Một Thiên Chúa. Chính Người là Tin Mừng vĩ đại được ban cho loài người.
(2o) Sau lời công bố trên, Thánh Mác-cô giới thiệu ông Gio-an Bao-ti-xi-ta (có biệt hiệu là Tẩy Giả và Tiền Hô), người sẽ làm phép rửa cho Đức Giê-su trong đoạn kế tiếp:

Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.



Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần." (Mc 1,2-8).
Trong đoạn văn trên chúng ta ghi nhận được mấy điều quan trọng sau đây:

- Một là việc Gio-an được cử làm sứ giả cho Con Thiên Chúa là Đức Giê-su đã được ghi chép trong Sách Ngôn Sứ (không phải là I-sai-a như Mác-cô đã viết) có nghĩa là nằm trong kế hoạch ngàn đời của Thiên Chúa.


- Hai là sứ vụ của Gio-an là dọn đường cho Chúa Cứu Thế hay chuẩn bị các tâm hồn đón rước Đức Giê-su là Chúa Cứu Thế.
- Ba là ông Gio-an hẳn nhiên không thể so sánh được với Đức Giê-su, vì căn tính hai vị quá khác nhau: một vị là Thiên Chúa làm người, là Con Thiên Chúa; một vị chỉ là một con người được chọn làm sứ giả, làm người dọn đường, là người đi trước, người loan báo và giới thiệu cho Con Thiên Chúa.
- Bốn là phép rửa của Gio-an cũng không thể so sánh được với phép rửa của Chúa Giê-su. Một phép rửa được thực hiện trong nước, thể hiện lòng sám hối ăn năn. Một phép rửa được thực hiện trong Thánh Thần, có sức tha tội và ban đức tin cho người lãnh nhận, biến người ấy thành con cái Thiên Chúa và thành chi thể Thân Mình Chúa Ki-tô.
4.2 Đối với Tin Mừng Mác-cô thì biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan quan trọng như thế nào?

 Đối với Tin Mừng Mác-cô thì biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan là biến cố/sự kiện rất quan trọng vì những ý nghĩa như sẽ được trình bày sau đây:

- Một là sự kiện/biến cố Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan là cơ hội để Đức Giê-su Na-da-rét chia sẻ nỗi khát khao và sự tìm kiếm Nước Thiên Chúa của những người thành tâm thiện chí trong dân Ít-ra-en và cũng là dịp để Đức Giê-su hòa mình vào dòng người ăn năn sám hối, tuy Người là Đấng vô tội.
- Hai là sự kiện/biến cố Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan là cơ hội để Thiên Chúa xác định một cách công khai và long trọng căn tính đích thực của Đức Giê-su Na-da-rét bằng tiếng phán từ trời và sự tỏ hiện của Thánh Thần trên Đức Giê-su.
- Ba là sự kiện/biến cố Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan là cơ hội để Gio-an Bao-ti-xi-ta nhận ra Đấng mà ngài có sứ mạng dọn đường và giới thiệu cho dân chúng đang khao khát Đấng Mê-si-a.
4.3 Và biến cố/sự kiện Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng quan trọng như thế nào?

 Đối với Tin Mừng Mác-cô thì biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng quan trọng với những ý nghĩa như sau:

- Một là sự kiện/biến cố Đức Giê-su Na-da-rét chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng là cơ hội tốt nhất để Đức Giê-su Na-da-rét khẳng định Người tự nguyện chọn lựa đường lối của Thiên Chúa.
- Hai là sự kiện/biến cố Đức Giê-su Na-da-rét chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng là cơ hội để Đức Giê-su Na-da-rét tỏ rõ sức mạnh và uy quyền trên các thế lực thù nghịch chống lại Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ nhân loại của Người, là ma quỷ.
4.4 Hai biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan và Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng có ý nghĩa gì trong hay đối với mạc khải Tân Ước Ki-tô giáo?

 Trong mạc khải Tân Ước Ki-tô giáo thì hai biến cố/sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan và Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng có ý nghĩa là Chúa Giê-su đã khai mở một triều đại mới, Triều Đại của Thiên Chúa, giữa lòng dân riêng của Thiên Chúa và giữa lòng nhân loại. Chính Người đã long trọng công bố:

Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “ (Mc 1,15).

Triều đại mới là triều đại của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì ở bên bờ sông Gióc-đan cùng lúc xuất hiện Thiên Chúa ba ngôi. Chúa Cha trong tiếng nói từ trời. Chúa Con là Đức Giê-su bằng xương bằng thịt, Chúa Thánh Thần dưới hình dáng chim bồ câu đậu xuống trên Đức Giê-su.

Triều Đại của Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa hay Nước Trời hay Vương Quốc của Thiên Chúa là những từ đồng nghĩa. Nhưng từ Triều Đại nhấn mạnh nhiều hơn đến tính thời gian, từ Nước hay Vương Quốc nhấn mạnh nhiều hơn đến tính không gian. Vậy chúng ta có thể hiểu đơn sơ thế này: Nước Trời, Nước hay Vương Quốc hay Triều Đại của Thiên Chúa hiện diện ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời gian nào khi mà ở đó và vào lúc ấy con người sống theo tinh thần và đường lối của Thiên Chúa.
4.5 Chúng ta rút ra được bài học gì từ sự kiện Đức Giê-su Na-da-rét chịu phép rửa bởi tay ông Gio-an trong dòng sông Gióc-đan và sự kiện Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa và đã chiến thắng chúng trong chương đầu của Tin Mừng Mác-cô?

[Xem phần ứng dụng]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

 Từ Đề Tài I này (với hai sự kiện đầu tiên của Tin Mừng Mác-cô), chúng ta có thể rút ra bốn bài học sau đây cho bản thân và cộng đoàn :

5.1 Bài học thứ nhất là về chân dung hay căn tính (identity) của Đức Giê-su Na-da-rét: Đức Giê-su Na-da-rét được Thiên Chúa Cha và Thánh Thần xác nhận Người là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa.

 Tin tưởng vào Chúa Giê-su Ki-tô và vâng nghe lời Người. Người đã chiến đấu và chiến thắng ma quỷ và các chước cám dỗ của chúng.



[“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1,11) và “Đây là Con Ta yêu dấu; hãy vâng nghe Lời Người” (Mc 9,7)].

5.2 Bài học thứ hai là về việc Đức Giê-su khai mở triều đại mới của Thiên Chúa: Đức Giê-su Na-da-rét đã khai mở triều đại mới của Thiên Chúa. Đó là khi Thiên Chúa thực hiện công cuộc cứu chuộc qua/nơi Con Yêu Dấu của ngài là Đức Giê-su Ki-tô.

 “Sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)]
5.3 Bài học thứ ba là về vai trò và sứ mạng của ông Gio-an Bao-ti-xi-ta: Ông Gio-an Bao-ti-xi-ta là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, chẳng những đáng được chúng ta tôn kính ngưỡng mộ, mà còn đáng chúng ta học tập và noi theo. Ngài đã chọn một nếp sống thanh bần, khổ hạnh và siêu thoát. Ngài đã chu toàn sứ mạng Thiên Chúa giao phó là dọn đường cho Chúa Cứu Thế.

 Học gương khiêm tốn và dũng cảm của Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta, Đấng đã bị giết chết vì lời ngay ý thẳng chống lại hành động gian tà của nhà cầm quyền.


5.4 Bài học thứ bốn là về ý nghĩa và tầm quan trọng của Phép Rửa: Chúng ta cũng nên đào sâu ý nghĩa của Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận (có thể là khi chúng ta còn rất nhỏ). Phép Rửa chẳng những xóa sạch mọi tội (tổ tông và tội riêng) mà còn làm cho chúng ta nên một với Chúa Giê-su Ki-tô và thành con Thiên Chúa. Tư cách và phẩm giá chúng ta được nâng cao. Trách nhiệm của chúng ta cũng được mở rộng, không chỉ đối với Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô là Giáo Hội mà đối với cả nhân loại.

[Liên hệ với câu chuyện con phượng hoàng con sống chung với bầy gà con. Nhưng một ngày kia nó nhận ra nó không phải là gà con mà là phượng hoàng con]

 Sống ý nghĩa của Phép Rửa trong đời sống cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội và xã hội: xa lánh tội lỗi – đấu tranh chống lại các dụ dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt - tích cực xây dựng Thân Mình Đức Ki-tô - làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu của Chúa.


VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI II: THÀY GIÊ-SU QUY TỤ CÁC MÔN ĐỆ ĐỂ MƯU CHUYỆN LỚN [Đức Giê-su gọi và chọn các môn đệ]
6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Liên quan tới Đề Tài I là “Thầy Giê-su khai mở Triều Đại Mới của Thiên Chúa” anh/chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.


6.2 Câu hỏi gợi ý tìm tòi học hỏi

(1o) Thày Giê-su gọi và chọn các môn đệ trong bối cảnh nào?

(2o) Thầy Giê-su gọi và chọn các môn đệ để làm gì?

(3°) Thầy Giê-su đào tạo huấn luyện các môn đệ như thế nào?

(4°) Thầy Giê-su gặp phải khó khăn và thất bại gì trong việc đào tạo huấn luyện các môn đệ?

(5°) Chúng ta rút ra được bài học gì từ việc Thầy Giê-su gọi và chọn các môn đệ?
6.3 Sách Thánh cần đọc

Mc 1,14 - 4,41 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.



VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học Đề Tài I là “Thầy Giê-su khai mở triều đại mới của Thiên Chúa”, triều đại hay Vương Quốc của Ơn Cứu Độ, triều đại hay Vương Quốc của Thiên Chúa đến trong dòng đời.

Chúng ta thật sự vinh dự được đón nhận trong triều đại hay Vương Quốc của Thiên Chúa. Chúng ta đã thật sự được thay đổi với tư cách và phẩm giá cũng như trách nhiệm mới. Tâm tình chúng ta phải có là tâm tình tạ ơn. Lời kinh mà chúng ta phải dâng lên là lời ca chúc tụng, ngợi khen và cảm ta. Quyết tâm mà chúng ta phải đưa ra là sống xứng đáng với tư cách, phẩm giá và trách nhiệm của các Ki-tô hữu là những kẻ thuộc về Chúa Ki-tô, Con yêu dấu của Cha là những người thừa kế Nước Trời.

7.2 Cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con. Chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Yêu Dấu của Cha cho chúng con. Người đã khai mở triều đại mới và cũng là Vương Quốc của Cha và đưa chúng con vào trong đó. Chúng con thật hạnh phúc vô cùng. Chúng con cảm tạ Cha, ngợi khen Cha và chúc tụng Cha, trong Danh Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con và trong Thánh Thần của Cha. Amen.


7.3 Cùng hát 

CẢM TẠ CHÚA

ĐK: Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa. Đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa (đến muôn đời), muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa, và mãi mãi con nhớ công ơn Người.

PK 1: Vì tình yêu bao la Chúa nâng đỡ con như phượng hoàng tung đôi cánh. Chúa dắt dìu con đi trong ánh sáng Người hạnh phúc nào hơn.

PK 2: Dù đời con thương đau sống bên Chúa con luôn cậy trông nơi Danh Chúa. Chúa đoái nhìn xem con trong lúc vui sầu an ủi nào hơn.




ĐỀ TÀI II

THÀY GIÊ-SU QUY TỤ CÁC MÔN ĐỆ

ĐỂ MƯU CHUYỆN LỚN

[Đức Giê-su gọi và chọn các môn đệ]





I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta đi vào Đề Tài II của Khóa “Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô”. Đề Tài II là «Thầy Giê-su quy tụ các môn đệ để mưu chuyện lớn.»

Chúng ta không chỉ nghiên cứu việc Đức Giê-su gọi và chọn các môn đệ được ghi lại trong các Sách Tin Mừng, mà chúng ta phải liên hệ câu chuyện của Phúc Âm với chính bản thân mình, vì chúng ta cũng được gọi và chọn làm môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô, để đi theo Người và tham gia vào chuyện lớn của Người.

Chúng ta hãy cùng hát bài «Xin chỉ cho con», để xin Chúa ban cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc về ơn gọi làm môn đệ Chúa Ki-tô mà sống ơn gọi ấy một cách ý thức mỗi phút mỗi giờ và mỗi ngày.


1.2 Cùng hát 

XIN CHỈ CHO CON

ĐK.- Xin chỉ cho con (xin chỉ cho con) đường đi của Chúa (đường đi của Chúa). Xin dạy bảo con (xin dạy bảo con) nước bước của Ngài (nước bước của Ngài). Xin hướng dẫn con trong chân lý. Xin dạy bảo con những điều cao quý, vì Chúa là Đấng cứu độ con, là Đấng ngày đêm con cậy trông.

1. Tất cả đường nẻo Chúa là Tình Yêu và Chân Lý dành cho những ai giữ trọn minh ước. Điều răn Chúa ra nghiêm chỉnh thực thi.

2. Xin mở lượng từ bi từ ngàn xưa Ngài vẫn có, mà quên hết những lỗi lầm con mắc, hồi niên thiếu vươn lên trong dại thơ.



1.3 Lắng nghe Lời Chúa

«Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.» (Mc 3,13-19).
1.4 Thinh lặng một phút để Lời Chúa thấm sâu vào lòng trí chúng ta.
1.5 Cầu nguyện 

Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì Cha đã ban Con Một yêu dấu của Cha cho chúng con và vì Cha đã giao phó cho Con Cha công trình cứu độ nhân loại. Chúa Giê-su đã chọn 12 Tông Đồ để các ngài tiếp tục cộng việc của Chúa! Chúa Giê-su cũng chọn chúng con chỉ là những người tầm thường để chúng con giới thiệu Chúa cho đồng bào Kinh Thượng của chúng con. Xin Cha ban Thánh Thần cho chúng con để chúng con vững bước vào cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.


II. CHIA SẺ

Liên quan tới Đề Tài I: “Thầy Giê-su khai mở triều đại mới của Thiên Chúa” anh chị có gì [cảm nghiệm, kinh nghiệm, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ hay CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ, TÌM TÒI ĐỀ TÀI II

3.1 Thày Giê-su gọi và chọn các môn đệ trong bối cảnh nào?
3.2 Thầy Giê-su gọi và chọn các môn đệ để làm gì?
3.3 Thầy Giê-su đào tạo huấn luyện các môn đệ như thế nào?
3.4 Thầy Giê-su gặp phải khó khăn và thất bại gì trong việc đào tạo huấn luyện các môn đệ?

3.5 Chúng ta rút ra được bài học gì từ việc Thầy Giê-su gọi, chọn và dầy công đào tạo huấn luyện các môn đệ?
IV. HỌC HỎI

Sách Thánh cần đọc: Mc 1,14 - 4,41; 8,31-38; 9,30-37; 10,32-34.41-45 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.

4.1 Thầy Giê-su gọi và chọn các môn đệ trong bối cảnh nào?

(1o) Trong Tin Mừng Mác-cô có nhiều tường thuật về những người được Chúa Giê-su gọi và chọn, mỗi người/ nhóm người trong một bối cảnh khác nhau.

- Bối cảnh của câu chuyện Chúa Giê-su gọi 4 môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20) là quang cảnh bên bờ hồ Ga-li-lê: hai anh em ông An-rê và ông Si-mon (Phê-rô) thì đang quăng lưới xuống biển bắt cá; còn hai anh em ông Gio-an và ông Gia-cô-bê thì đang vá lưới ở trong thuyền. Ba trong số bốn vị này (Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê) sẽ trở thành những môn đệ thân cận nhất của Đức Giê-su sau này.

- Bối cảnh của câu chuyện Chúa Giê-su gọi ông Lê-vi (Mc 2,13-14) là ông này đang làm việc tại phòng thu thuế. Thu thuế là một nghề bị người Do-thái khinh ghét, vì phục vụ đế quốc đô hộ là chính quyền Rô-ma và vì thường ăn bớt ăn xén tiền nộp thuế của người dân.

- Bối cảnh của sự việc Chúa Giê-su lập Nhóm Mười Hai được mô tả vắn gọn nhưng rất trang trọng:

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.” (Mc 3,13-19).


(2o) Nhìn vào thành phần xã hội của 12 Tông đồ, chúng ta không thể không ngạc nhiên: ít nhất có bốn người làm nghề đánh cá (các ông An-rê, Si-mon Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê), một người làm nghề thu thuế (Mát-thêu tức Lê-vi), một người thuộc nhóm quá khích (thích bạo động), một số ông lý lịch không được tiết lộ. Không thấy ông nào thuộc tầng lớp tư tế, luật sĩ, pha-ri-siêu.
4.2 Thầy Giê-su gọi và chọn các môn đệ để làm gì?

(1o) Khi gọi hai anh em An-rê và Si-mon Phê-rô, Đức Giê-su nêu rõ mục đích của việc Người gọi các ông: “Tôi sẽ làm cho anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17). Khi gọi hai anh em Gio-an và Gia-cô-bê cũng như khi gọi ông Lê-vi thì Tin Mừng Mác-cô không ghi lại mục đích. Nhưng trên thực tế, rất có thể Đức Giê-su cũng nêu mục đích. Với hai anh em Gio-an và Gia-cô-bê, có lẽ Đức Giê-su cũng nói lời đã nói với hai anh em An-rê và Si-mon Phê-rô. Nhưng Sách Thánh chỉ ghi: “Người liền gọi các ông” (Mc 1,20). Còn với ông Lê-vi có lẽ Chúa Giê-su không nói cùng một câu nói, vì ông Lê-vi không phải là dân chài mà là nhân viên thu thuế của Nhà Nước lúc bấy giờ. Nhưng Sách Thánh ghi rõ lời của chính Chúa: “Anh hãy theo tôi” (Mc 2,14).


(2o) Khi tường thuật việc Đức Giê-su lập Nhóm Mười Hai thành 12 Tông Đồ thì Tin Mừng Mác-cô nêu rất rõ mục đích của việc Chúa Giê-su chọn 12 ông :

Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14).


(3o) Chúng ta nên quan tâm đến bối cảnh của sự kiện này: Sau một đêm thức cầu nguyện, Đức Giê-su mới chọn 12 ông trong số những người đã theo Người từ một thời gian rồi.

tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương