Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thầy giê-su trong tin mừng mác-cô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.46 Mb.
trang9/21
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.46 Mb.
#33087
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   21

* [Chúa Giê-su lên trời]:

Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?" Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất."



Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời." (Cv 1,6-11).
* [Bài giảng đầu tiên của Thánh Phê-rô]:

"Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

"Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe. Thật vậy, vua Đa-vít đã chẳng lên trời, thế mà lại nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô." (Cv 2,22-36).
- Trong Thư Thánh Phao-lô Tông Đồ Dân Ngoại:

Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.



Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.

Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.” (1 Cr 1-11).
4.2 Sự kiện Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết có ý nghĩa gì đối với các Ki-tô hữu chúng ta?

* Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo dậy rằng:

Cuộc Phục Sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Ki-tô. Với thập giá, cuộc Phục Sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt Qua.” (Sđd số 126).


* Với Thánh Phao-lô việc Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết là yếu tố quyết định đối với Đức Tin Ki-tô giáo:

Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.



Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô. Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

Chẳng vậy, những người chịu phép rửa thế cho kẻ chết thì được gì? Nếu tuyệt nhiên kẻ chết không trỗi dậy, thì tại sao người ta lại chịu phép rửa thế cho kẻ chết? Và chính chúng tôi, tại sao hằng giờ chúng tôi liều mình đương đầu với hiểm hoạ? Thưa anh em, mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết: tôi có hãnh diện về anh em trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, thì mới quả quyết như vậy. Nếu vì những lý do phàm trần mà tôi đã chiến đấu với thú dữ tại Ê-phê-xô, thì điều đó nào có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì chúng ta cứ ăn cứ uống đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết. Anh em chớ có lầm: Chơi với kẻ xấu, người tốt cũng ra xấu. Đừng say sưa nữa mới phải phép, và chớ phạm tội: một số người quả không biết gì về Thiên Chúa. Tôi nói như vậy để anh em phải xấu hổ.» (1 Cr 12-34).

 Nói tóm lại cơ sở vững chắc của Niềm Tin Phục Sinh là niềm tin và lời rao giảng cộng với các chứng từ của Hội Thánh Tiên Khởi (các Tông Đồ và các cộng đoàn). Chúng ta gọi là Đức Tin Tông Truyền.


4.3 Giữa sự kiện Đức Giê-su phục sinh và thăng thiên và sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ có mối tương quan nào? Và có ý nghĩa gì?

4.3.1 Câu chuyện của Đức Giê-su Ki-tô chưa kết thúc ở biến cố/sự kiện Phục Sinh và Thăng Thiên, mà còn được tiếp nối bằng câu chuyện Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông Đồ, được kể lại trong Sách Công Vụ Tông Đồ như sau:

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây; nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!" Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: "Thế nghĩa là gì ?" Nhưng người khác lại chế nhạo: "Mấy ông này say bứ rồi!" (Cv 2,1-13).
4.3.2 Biến Cố/Sự Kiện Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông Đồ làm cho các lời hứa trước kia [khi Người còn sống trong xác thể] của Đức Giê-su được thực hiện một cách trọn vẹn:

Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.



Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 7-15).
4.3.3 Và mở ra một trang sử mới của Ơn Cứu Độ cho loài người, trong và qua cộng đoàn Hội Thánh:

Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: "Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây. Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba. Nhưng đó là điều đã được ngôn sứ Giô-en nói đến: Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ. Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao, và những dấu lạ dưới đất thấp, đó là máu, lửa và những cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày vĩ đại, vinh quang. Bấy giờ hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa, sẽ được ơn cứu độ.” (Cv 2, 14-21).

 Vì thế có thể nói giữa các biến cố/sự kiện Đức Giê-su phục sinh và thăng thiên và biến cố/sự kiện Chúa Thánh Thần Hiện uống trên các Tông Đồ có mối tương quan mật thiết với nhau và mang một ý nghĩa vĩ đại. Ý nghĩa đó là Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần thực hiện công cuộc Cứu Độ nhân loại.
4.4 Chúng ta học được gì từ việc Thầy Giê-su đã phục sinh vinh hiển và ban ơn cứu độ cho nhân loại?

[Xem phần ứng dụng]

V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

Từ Đề Tài IX là “Thầy Giê-su đã phục sinh vinh hiển và ban ơn cứu độ”, chúng ta có thể rút ra ba bài học sau đây cho bản thân và cộng đoàn :

5.1 Bài học thứ nhất là những lời nói, việc làm và đau khổ của Đức Giê-su làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha nên được Thiên Chúa Cha suy tôn và tưởng thưởng:

Đức Giê-su Ki-tô / vốn dĩ là Thiên Chúa / mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì / địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, / nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang / mặc lấy thân nô lệ / trở nên giống phàm nhân / sống như người trần thế. / Người lại còn hạ mình, / vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, /



chết trên cây thập tự. / Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người / và tặng ban danh hiệu / trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. / Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, / cả trên trời dưới đất / và trong nơi âm phủ, / muôn vật phải bái quỳ; / và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, / mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : / "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa". (Pl 2,6-11)

 Vậy những lời nói việc làm và hy sinh đau khổ của chúng ta cũng có giá trị lớn trước mặt Thiên Chúa nếu chúng phù hợp với tinh thần Phúc Âm và được chúng ta liên kết với những lời nói việc làm hy sinh đau khổ của Chúa Giê-su.


5.2 Bài học thứ hai là Niềm Tin Phục Sinh của chúng ta có cơ sở vững chắc là truyền thống các Tông Đồ là những chứng nhân mắt thấy tai nghe của các sự kiện liên quan tới cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Hơn nữa hầu hết các Tông Đồ đã chết tử đạo vì lời rao giảng và lòng tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh của các ngài.

 Vậy chúng ta có sứ mạng phải củng cố và chia sẻ Niềm Tin Phục Sinh của mình với những người chung quanh bằng đời sống chứng tá, tức bằng những hy sinh phục vụ quên mình.


5.3 Bài học thứ ba là Ơn Cứu Độ của chúng ta là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải là kết quả của công lao của chúng ta.

 Vậy chúng ta có bổn phận phải thể hiện lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô về quà tặng quý giá mà chúng ta đã nhận được từ các Ngài.


VI. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

6.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học Đề Tài IX, Đề Tài cuối cùng của Khóa Lãnh đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô. Tin Mừng Mác-cô được các nhà chú giải Thánh Kinh coi là Sách Khai Tâm Ki-tô giáo, vì Sách dậy người tân tòng điều căn bản nhất, cốt yếu nhất của Đạo Ki-tô: đó là Đức Giê-su Na-da-rét là Ai? Và muốn theo Chúa (hay để làm môn đệ Người) thì phải sống làm sao, phải đi con đường nào? Tin Mừng Mác-cô cống hiến 2 lời đáp: Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng Ki-tô hay Mê-si-a, là Sứ giả của Thiên Chúa: để cứu chuộc nhân loại, Người đã chọn con đường thập giá và qua con đường ấy Người đã được phục sinh vinh hiển và đem Ơn Cứu Độ đến cho nhân loại.



6.2 Cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con. Chúng con tin Cha đã dùng quyền năng của Cha mà làm cho Con Cha là Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết. Cha cũng đã dùng quyền năng mà đem Người về Trời và cho Người ngự bên hữu Cha. Nhờ cái chết đau thương trên thập giá và những đau khổ Người đã chịu trong Cuộc Thương Khó mà chúng con được Cha thứ tha ban Ơn ứu Độ.

Chúng con xin dâng lời cảm tạ Cha.

Chúng con xin nói lời cảm ơn chân thành và sâu sắc lên Chúa Giê-su Ki-tô là Thầy và là Cứu Chúa của chúng con!


7.3 Cùng hát 

TÁN TỤNG HỒNG ÂN

ĐK 1: Xin dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la. Xin dâng lời cảm mến hòa theo tiếng hát dâng lên. Đôi bàn tay Chúa nâng đỡ con, xin dâng lời cảm ta. Cho đời con vững một niềm tin, xin dâng lời cảm mến. Đôi bàn tay Chúa dẫn con đi, xin dâng lời cảm tạ. Tay hồng ân Chúa đưa con về, xin dâng lời cảm mến. Chúa cho con Trời mới Đất mới, đường đời con (i) đổi mới. Con sẽ ca ngợi lòng thương xót Chúa muôn muôn đời.

1. Đời đời Người đã thương con. Đời đời Người vẫn thương con. Thương con như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh. Chúa thương yêu ấp ủ con đêm ngày.



ĐK 2: Xin chân thành cảm tạ tình thương Chúa thắng oan khiên. Xin chân thành cảm mến tình thương Chúa thắng nguy nan. Ca tụng danh Chúa bao lẫy lừng, xin chân thành cảm tạ. Cho toàn dân sống trong tình thương, xin chân thành cảm mến. Đôi bàn tay Chúa rất oai phong, xin chân thành cảm tạ. Đôi bàn tay Chúa bao nhân lành, xin chân thành cảm mến. Khắp muôn nơi bừng sức sống mới, người người vui đổi mới. Muôn (i) tấm lòng cùng chung nhịp sống trong thanh bình.

2. Nhiệm mầu tình Chúa sao siêu. Loài người được Chúa nâng niu. Nâng niu tựa con ngươi trong mắt Chúa. Chúa nâng niu gìn giữ luôn đêm ngày.


CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI TỔNG HỢP

KHÓA LÃNH ĐẠO TRONG SÁCH XUẤT HÀNH
I. SÁCH THÁNH CẦN ĐỌC

1.1 Nhìn lại toàn bộ Sách Xuất Hành


II. CÂU HỎI GIÚP SUY NGHĨ VÀ TÌM HIỂU

2.1 Trong Cuộc Giải Thoát Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập và đưa vào Đất Hứa, bạn khám phá được những nét đặc trưng nào trong cách Lãnh Đạo của Thiên Chúa? Bạn học được gì từ cách Lãnh Đạo ấy?


2.2 Trong Cuộc Xuất Hành của dân Ít-ra-en, bạn khám phá được những nét đặc trưng nào trong cách Lãnh Đạo của ông Mô-sê? Bạn học được gì từ cách Lãnh Đạo ấy?
2.3 Trong Cuộc Xuất Hành của dân Ít-ra-en, bạn khám phá được những nét đặc trưng nào trong cách Lãnh Đạo của ông A-ha-ron? Bạn học được gì từ cách Lãnh Đạo ấy?

ĐỀ TÀI TỔNG HỢP

KHÓA LÃNH ĐẠO THEO PHONG CÁCH THẦY GIÊ-SU TRONG TIN MỪNG MÁC-CÔ
PHẦN I : SÁCH THÁNH CẦN ĐỌC

1.1 Nhìn lại toàn bộ Sách Tin Mừng Mác-cô


PHẦN II: TRỌNG TÂM CỦA ĐỀ TÀI

- THÁNH KINH: Tập trung vào cách lãnh đạo của Thầy Giê-su.

- TÂM LINH : Học cùng Thầy Giê-su những Phẩm Chất tốt lành và Nghệ Thuật Lãnh Đạo của Người trong cuộc sống trần thế.

- HÀNH ĐỘNG: Đào luyện để có các phẩm chất của Thầy Giê-su và áp dụng Phong Cách Lãnh Đạo của Thầy Giê-su vào hoàn cảnh riêng của mình.
PHẦN III: CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ VÀ TÌM HIỂU

3.1 Trong Tin Mừng Mác-cô bạn khám phá nơi Thầy Gê-su những phẩm chất đặc biệt nào?


3.2 Trong Tin Mừng Mác-cô, bạn khám phá ra những nét đặc trưng nào trong Phong Cách Lãnh Đạo của Thầy Giê-su?
3.3 Bạn học được gì về những phẩm chất đặc biệt của Thầy Giê-su?

3.4 Bạn học được những gì từ Phong Cách Lãnh Đạo của Thầy Giê-su?


PHẦN IV: ĐÚC KẾT & ỨNG DỤNG NHỮNG PHẨM CHẤT ĐẶC BIỆT NƠI THẦY GIÊ-SU VÀ NÉT ĐẶC TRƯNG TRONG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO CỦA THẦY GIÊ-SU

4.1 Nơi Thầy Giê-su có những Phẩm Chất đặc biệt như:

(1º) Là Con Thiên Chúa,

(2º) Là Đấng Mê-si-a đau khổ,

(3º) Được Thánh Thần Thiên Chúa xức dầu tấn phong và đưa vào thế giới,

(4º) Xác tín về bản chất và sứ mạng của mình.

(5º) Tràn đầy tình yêu thương đối với dân chúng, nhất là với những người bé mọn, nghèo hèn, bị thiệt thòi, khinh khi trong xã hội.

(6º) Yêu thương, quý trọng và tận tâm đào luyện các môn đệ.

(7º) Khiêm nhường, hiền hành

(8º) Dũng cảm, tỉnh táo, nhẫn nại và kiên trì trước thử thách và trong cuộc Thương Khó.

(9º) Là Đấng Phục Sinh.
4.2 Trong Phong Cách Lãnh Đạo của Thầy Giê-su có những nét đặc trưng như:

(1º) Liên đới chặt chẽ với các con người nói chung, với các tội nhân nói riêng.

(2º) Luôn gương mẫu đi đầu và đi trước trong mọi công việc.

(3º) Lời nói việc làm đi đôi với nhau.

(4º) Bênh vực và che chở các môn đệ và những kẻ bé mọn, bị coi thường trong xã hội.
4.3 Về những phẩm chất đặc biệt của Thầy Giê-su, tôi có thể

(1º) Học cách sống làm con Thiên Chúa,

(2º) Sống theo sự hướng dẫn và thúc đầy của Chúa Thánh Thần,

(3º) Xác tín về bản chất và sứ mạng của mình.

(4º) Học yêu thương đối với mọi người, nhất là với những người bé mọn, nghèo hèn, bị thiệt thòi, khinh khi trong xã hội.

(5º) Yêu thương, quý trọng và tận tâm đào luyện các môn đệ.

(6º) Khiêm nhường, hiền hành

(7º) Dũng cảm, tỉnh táo, nhẫn nại và kiên trì trong gian truân thử thách.


4.4 Từ Phong Cách Lãnh Đạo của Thầy Giê-su, tôi có thề bắt chước mà

(1º) Thể hiện tình liên đới với các con người nói chung, với các tội nhân nói riêng.

(2º) Tập sống gương mẫu đi đầu và đi trước trong mọi công việc.

(3º) Có việc làm đi đôi với lời nói.

(4º) Bênh vực và che chở anh em, bạn bè và những người mình có trách nhiệm.

PHẦN THỨ HAI

CÁC BÀI ĐỌC THÊM
LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI I
BÀI ĐỌC THÊM (1)

SỨ VỤ CỦA GIOAN – KHỞI ĐẦU TIN MỪNG

(Máccô 1,1-8 – CN II MV - B)

  


1.- Ngữ cảnh                                          

Có thể theo G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: phần này đăt trọng tâm vào “Tin Mừng” (x. cấu trúc đóng khung với từ “Tin Mừng” ở đầu và cuối đoạn). Như thế, đoạn văn 1,1-8 là đoạn mở đầu của Lời tựa này liên hệ đến hoạt động của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa.

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Danh hiệu của Tin Mừng (1,1);

2) Hoạt động của Gioan (1,2-6):

a) Câu trích Isaia xác định vai trò của Gioan (cc. 2-3),

b) Giới thiệu tóm tắt bản thân và hoạt động của Gioan (cc. 4-6);

3) Lời loan báo của Gioan (1,7-8).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (1): Câu này là tiêu đề của cc. 1-8 nói về công việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả, hay là tiêu đề của phần Mở (cc. 1-15), hoặc của toàn tác phẩm? Phải chăng sứ vụ, cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu chỉ là khởi đầu của Tin Mừng, và Tin Mừng sẽ được tiếp tục loan truyền nhờ sứ vụ của Giáo Hội? Thật ra, không có gì cho thấy rằng Mc coi hoạt động của Giáo Hội như một phần của Tin Mừng cả, y như thể Giáo Hội phải tự rao giảng về chính mình. Cứ theo nội dung của tác phẩm, ta thấy Tin Mừng mà Giáo Hội phải công bố chính là biến cố cứu độ đã xảy ra trước khi có Giáo Hội và đã khai sinh ra Giáo Hội, đó là sứ vụ của Đức Giêsu và cuộc Vượt Qua của Người.

Có thể nói c. 1 này là tiêu đề của phần Mở của TM Mc: hoạt động của Gioan, vị Tiền Hô loan báo và ban phép rửa cho Đức Kitô, trong hoang địa, là phần mở cho biến cố cánh chung (sứ vụ, cuộc đời đau khổ và cuộc tôn vinh của Đức Giêsu).

Từ ngữ “Tin Mừng”, được vay mượn từ Cựu Ước (x. Is 40,9; 52,7; 61,1…), được hiểu tương đương với lời loan báo tiên khởi (kêrygma) được triển khai rộng ra (x. Công vụ). Thế mà kêrygma của các Tông đồ (x. Cv 1,21t; 10,37; 13,24) cũng như TM Mc bắt đầu với sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Vậy chính mầu nhiệm này là “khởi đầu Tin Mừng” (x. cùng một kiểu diễn tả: Hôsê 1,2 ).

- Tin Mừng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa: Phần Mở từ c. 1 đến c. 15: hai từ ngữ “Tin Mừng” đóng khung bản văn này. Kiểu nói “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” có thể hiểu là “Tin Mừng về [= có đối tượng là] Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách chỉ đối tượng, objective genitive), hoặc “Tin Mừng của [= đến từ] Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách chỉ chủ từ, subjective genitive), hoặc “Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô” (thuộc-cách giải thích, epexegetic genitive; xem sự song đối giữa “vì Đức Kitô” và “vì Tin Mừng”: 8,35; 10,29; 13,9).

Dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu đã hiểu Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, theo nghĩa là Người không còn phải là Đấng Mêsia trần thế và dân tộc mà người Do Thái từng mong đợi, nhưng là Đấng huyền nhiệm, đã tỏ mình ra là “Đức Chúa” (x. Cv 2,36) và “Đấng Kitô” (4,26t; 10,38), qua biến cố Phục Sinh, nay ở vào tư thế có thể giải thoát mọi người khỏi Satan, tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bây giờ khi đọc lại câu truyện trước Phục Sinh Mc viết ra, họ hiểu rằng tại hoang địa và qua cuộc sống công khai (với những cuộc trừ quỷ), Đức Giêsu đã khai mào chiến thắng bằng sức giải phóng ấy. Họ cũng hiểu rằng Đức Giêsu truyền lệnh giữ thinh lặng (“bí mật thiên sai”) là vì không muốn người ta hiểu lầm về tư cách và sứ vụ của Người: Phêrô đã hiểu sai nội dung danh hiệu Mêsia (x. 8,29-33); Người chỉ nhận là Con Thiên Chúa (14,61t) và kẻ đại diện cho thế giới ngoại giáo chỉ tuyên xưng Người như thế (15,39) vào lúc Người bị kết án và xử tử. Người ta chỉ có thể hiểu tất cả các danh hiệu của Đức Giêsu xuyên qua mầu nhiệm đau khổ của Người. Và các Kitô hữu cũng phải hiểu rằng họ chỉ có thể tuyên xưng Đức Giêsu thật là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, bằng cách bước theo Người trên con đường đau khổ (x. 8,34; 10,35-45).

- Câu 2-6:

Phân đoạn này có lược đồ A-B-B’-A’:

A = cc. 2-3: mở đầu, trích các ngôn sứ,

      B = c. 4 : Gioan rao giảng phép rửa tỏ lòng sám hối. 



(B)

Câu này song đối với câu  sau,

      B’= c. 5 : đám đông đến với Gioan để thú tội và nhận phép rửa,

A’= c. 6 : kết, nói đến kiểu sống của Gioan như là một ngôn sứ.

So sánh cc. 2-3 trích Ml 3,1 và Is 40,3 với Mt (3,3; 11,10), Lc (3,4-6; 7,27) và Ga (1,23), ta hiểu các tác giả Tin Mừng có chung một nguồn, nhưng Mc đã vừa thêm vừa tổng hợp câu truyện Gioan rao giảng với bài tường thuật của ngài về nhóm sứ giả, để làm nên một mở đầu long trọng và để có thể nêu bật ý tưởng này là khởi đầu Tin Mừng Cứu Độ đã được chính các ngôn sứ xác định nơi cuộc xuất hiện của Gioan Tẩy Giả.



Mc đã trích Ml 3,1a (… “mặt Ta”) dưới ảnh hưởng của Xh 23,20 LXX (“mặt Con”) để biến vị sứ giả thành tiền hô không phải của Thiên Chúa mà là của “Đức Chúa” (x. Ml 3,1b), là Đức Giêsu. Ngoài ra, hẳn là Mc cũng nghĩ đến đoạn cuối của sách Ml (3,23t): ngôn sứ Êlia có vai trò tiền hô.

Tác giả cũng sử dụng bản văn Is 40,3 (LXX) cùng với các tác giả Tin Mừng khác: “Đức Chúa” đây là Đức Giêsu Kitô, và “vạch lối cho thẳng để Thiên Chúa đi” được sửa thành “để Người đi”.



- đi trước mặt Con = đi trước Con.

- Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện (4): Câu này với các câu trích ở trên chỉ là một câu duy nhất, được ngắt bằng dấu phết: “Chiếu theo lời đã chép …, ông Gioan Tẩy Giả…”. Những gì bây giờ được nói về Gioan thì làm ứng nghiệm các sấm ngôn, đặc biệt sấm ngôn Is 40,3: ông ở “trong hoang địa”, và tại đó ông “hô” để kêu gọi người ta hoán cải, mà “dọn sẵn con đường của Đức Chúa” (Đức Giêsu).

Gioan “rao giảng thanh tẩy hối cải, để được tha thứ tội khiên” (NTT). Đấy là hai hành vi tách biệt nhưng liên hệ với nhau, vì thế đã được diễn tả trong một công thức duy nhất.

- sám hối,  metanoia: sự hoán cải, do động từ metanoeô, “suy tưởng sau”, “suy nghĩ tiếp đó”; “thay đổi ý kiến”; “hối tiếc”, “hối hận”, “hoán cải”. Đây là việc chuyển đi từ tình trạng này sang một tình trạng khác, tức là thay đổi trọn vẹn lối sống. Sự thay đổi này có một phương diện tiêu cực (bỏ [apo, from] con đường tội lỗi: x. Cv 8,22; Dt 6,1) và một phương diện tích cực (quay về [eis, epi, to] với Thiên Chúa: Cv  20,21; 26,20).

Trong TM Mc, danh từ metanoia được dùng 1 lần (1,4) và động từ metanoeô được dùng 2 lần (1,15; 6,12), như thế là ít hơn các TMNL khác (metanoia: Mt 2 lần, Lc 5x, Ga 0x, Cv 6x, Phaolô 4x, Dt 3x, 2 Pr 1x; metanoeô: Mt 5x, Lc 9x, Ga 0x, Cv 5x, Phaolô 1x, Kh 12x), nhưng lại có một cách áp dụng độc đáo. Tác giả áp dụng hai từ này cho hoạt động của Gioan Tẩy Giả (1,4), Đức Giêsu (1,15) và Nhóm Mười Hai (6,12), như vậy liên kết vị Tiền Hô, Đức Giêsu và các sứ giả của Người với nhau (xem một cách dùng tương tự cho hai động từ kêryssein [loan báo]: 1,4.7; 1,14.38t; 3,14 và 6,12; paradidonai [giao nộp]: 1,14; 9,31; 10,33; 13,9.11). Các từ đó lại luôn lệ thuộc động từ kêryssein, nghĩa là các từ đó chính là nội dung của sứ điệp các ông phải mang đi truyền bá.



- phép rửa tỏ lòng sám hối: Cụm từ Hy Lạp baptisma metanoias (thanh tẩy hối cải, x. Lc 3,3; Cv 13,24; 19,4): metanoias ở thuộc-cách (genitive) xác định đặc tính của phép rửa Gioan loan báo. Đây là một kiểu nói Sêmít, có nghĩa là “một phép rửa tượng trưng hoặc diễn tả sự hoán cải”. Cho dù Gioan có thuộc về phong trào Êxêni ở Qumrân hay không, phép rửa của ông tương tự phép rửa của người Êxêni, nhất là ở điểm cả hai phép rửa đều diễn tả một sự hoán cải nội tâm, sự hoán cải này vừa là hành vi của con người vừa là ân huệ của Thiên Chúa, cũng như chuẩn bị các tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Tuy nhiên, Gioan khác người Êxêni ở hai điểm: không nghĩ rằng tội lỗi gây nên một sự ô nhơ nơi thân xác; không buộc các hối nhân phải sống một năm thử thách; chỉ ban phép rửa một lần, vì đây là hành vi chuẩn bị cuối cùng để đón Đấng Mêsia ngự đến.

- Mọi người từ khắp miền Galilê và thành Giêrusalem (5): Mc nhắm cho thấy mục tiêu của sứ vụ Gioan Tẩy Giả là khai mạc giai đoạn cuối cùng của Chương trình Thiên Chúa cứu độ loài người. Như thế, kiểu nói phóng đại (“toàn thể”, “khắp”) về miền Giuđê và Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của Do Thái giáo, không phải là không có chủ ý, nhất là lại có quy chiếu về việc thanh tẩy Giuđa và Giêrusalem thể theo Ml 3,4 hoặc quy chiếu về sứ điệp vui tươi được ngỏ với Giêrusalem và các thành Giuđa thể theo Is 40,9t. Nay đã khởi sự biến cố cánh chung: câu hỏi phải đặt ra là không biết Dân Thiên Chúa có nhận biết chăng “Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (c. 1) chính là “Đấng quyền thế hơn” (c. 7), Đấng mà Gioan đang dọn đường đón tiếp.

- kéo đến: Thì vị hoàn (imperfect) exeporeueto diễn tả chuỗi người liên tục kéo đến để nghe Gioan giảng và nhận phép rửa. Giới từ ek (out, of) muốn nói là ra khỏi miền Giuđê và thành Giêrusalem.

- Gioan mặc áo lông lạc đà… (6): ên .. endedymenos: trợ động từ eimi ở thì vị hoàn cộng với phân từ quá khứ của động từ chính endyô nói lên cách thức ăn mặc quen thuộc của Gioan. Ông được giới thiệu có cách sống như một con người của hoang địa, một nhà khổ hạnh, một na-dia (x. Lc 1,15), tương tự ngôn sứ Êlia (x. 2 V 1,8; Dcr 13,4).

Trichas kamêlou, “lông lạc đà”, không có nghĩa là “da” lạc đà. Đây là cái áo dài và rộng dệt bằng lông lạc đà. Zônê, “girdle, waitsband; ceinture”, không phải là dây thắt lưng của người Tây phương, nhưng là một thứ như cái “ruột tượng” của ta (x. Mc 6,8).

- Ăn châu chấu: Châu chấu luộc trong nước muối rồi nướng trên than và mật ong rừng là hai thứ lương thực của dân cư sa mạc. Vì bản văn không kể ra thứ lương thực nào khác, ta hiểu ở đây tác giả muốn nêu bật nếp sống khắc khổ của vị Tẩy Giả.  

- Ông rao giảng (7): ekêryssen, do động từ Hy Lạp kêryssein, “công bố; loan báo”, ở thì vị hoàn, để diễn tả đây là một hoạt động thường xuyên của Gioan. Chúng ta đến đỉnh cao của đoạn văn này, bởi vì chỉ đến đây, Gioan mới lên tiếng mà chỉ cho thấy Đấng ông làm Tiền Hô cho.

- Đấng quyền thế hơn tôi: Có lẽ danh xưng này ám chỉ đến Is 40,10 (“Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng [= đến với sức mạnh], tay nắm trọn chủ quyền”). Sự tương phản giữa hai bên lớn đến nỗi Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người”, mà đây là công việc thấp hèn đến nỗi một nô lệ Do Thái cũng không buộc phải làm cho chủ (sách Mishna) (x. Mt 3,11; Lc 3,16; Ga 1,15.27.30; 3,30; Cv 13,25).

- trong Thánh Thần (8): Các bản văn Nhất Lãm song song (Mt 3,11; Lc 3,16) đọc là “trong Thánh Thần và lửa”. Có lẽ lúc đầu, câu này có hình thức là “gió và lửa” để mô tả biến cố Triều Đại cánh chung của Thiên Chúa ngự đến. Mc chỉ quan tâm đối lập nghi thức chuẩn bị của Gioan với việc thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ hoạt động của Đức Kitô, mà không nói đến phán xét. Nhờ đó, Người đưa lại cho “phép rửa trong Thánh Thần” ý nghĩa tích cực là một cuộc tái sinh bên trong.

 



tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương