Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thầy giê-su trong tin mừng mác-cô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội


Chúng ta học được gì từ việc Thầy Giê-su lấy Lời và Bánh để nuôi dân chúng?



tải về 1.46 Mb.
trang7/21
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.46 Mb.
#33087
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21

4.3 Chúng ta học được gì từ việc Thầy Giê-su lấy Lời và Bánh để nuôi dân chúng?

[Xem phần ứng dụng]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

 Từ Đề Tài VII là “Thầy Giê-su nuôi dân chúng bằng Lời và bằng Bánh” chúng ta có thể rút ra 3 bài học sau đây cho bản thân và cộng đoàn :

5.1 Bài học thứ nhất là Đức Giê-su đã chẳng những nhìn thấy các nhu cầu thể lý và tâm linh của đám đông dân chúng mà Người còn biết cách đáp ứng các nhu cầu của những người ấy nữa.

 Hai trong 10 phẩm chất cần có nơi người lãnh đạo nói chung và nơi người Ki-tô hữu lãnh đạo nói riêng là nhìn/nhận ra nhu cầu của những người mình có trách nhiệm phục vụ hay lãnh đạo và biết cách đáp ứng các nhu cầu ấy. Chính Thầy Giê-su đã nêu gương cho chúng ta. Người nhìn thấy nhu cầu tâm linh và vật chất của đám đông dân chúng: Họ không chỉ đói bụng (cần có bánh ăn để được no), mà họ còn đói cả tâm hồn (cần có Lời Chúa để được bổ dưỡng). Đức Giê-su đã giảng dậy và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông, tức Người đã đáp ứng cả nhu cầu thể xác cả nhu cầu tâm linh của con người.


5.2 Bài học thứ hai là Đức Giê-su vận động những người hiện diện góp bánh và cá cho phép lạ.

 Phẩm chất thứ 3 của Ki-tô hữu lãnh đạo là biết khai thác nguồn nhân lực vật lực của người khác cho cộng đoàn. Chính Thầy Giê-su đã nêu gương này cho chúng ta. Người đã vận động những người có bánh và cá trong giỏ/ túi/bịch lấy ra và trao cho Người để Người làm cho bánh và cá hóa ra nhiều, đủ cho một đám đông trên 5 ngàn người ăn no nê. Có người cho chính việc này cũng là một phép là, phép lạ của chia sẻ và cho đi.


5.3 Bài học thứ ba là Đức Giê-su không chỉ giảng bằng lời mà còn bằng những việc làm.

 Cha ông ta thường nói về tầm quan trọng của việc làm gương sáng của người Ki-tô hữu lãnh đạo: “Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn”. Chính Thầy Giê-su cũng đã nêu gương sáng cho các môn đệ. Thầy không chỉ giảng bằng lời nói, mà Thầy còn giảng bằng hành động cụ thể, thiết thực nữa.

Chúng ta hãy ghi lòng tạc dạ bài học quan trọng này. Nếu lời giảng của chúng ta không đi đôi với việc làm thì sẽ không đủ sức thuyết phục, vì chỉ là những lời nói xuông. Nếu việc làm đi ngược lại với lời giảng [nói một đàng làm một nẻo] thì chúng ta chỉ là những kẻ nói dối và lừa gạt đáng khinh bỉ. Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã nhấn mạnh: “Người thời nay cần các chứng nhân hơn các thầy dậy”


VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI VIII : THẦY GIÊ-SU ĐÃ HOÀN TẤT SỨ MẠNG ĐẤNG MÊ-SI-A ĐAU KHỔ TRÊN THẬP GIÁ [Tường thuật Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô]

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ: Liên quan tới Đề Tài VII là “Thầy Giê-su nuôi dân chúng bằng lời và bằng bánh” anh chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm tòi học hỏi:

(1o) Đức Giê-su đã 3 lần loan báo Cuộc Thương Khó nhằm mục đích gì?

(2°) Đức Chúa Giê-su đã bước vào Cuộc Thương Khó như thế nào?

(3°) Đức Giê-su đã hoàn tất sứ mạng của Đấng Mê-si-a đau khổ trên thập giá như thế nào?

(4°) Chúng ta học được gì từ việc Thầy Giê-su hoàn tất sứ mạng của Đấng Mê-si-a đau khổ trên thập giá?
6.3 Sách Thánh cần đọc: Mc 3,6; 14,1-15,47 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.



VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học Đề tài VII là “Thầy Giê-su nuôi dân chúng bằng lời và bằng bánh” Qua việc giảng dậy và các phép lạ làm cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi dân, chúng ta chẳng nhũng thấy được tấm lòng của Thiên Chúa mà còn học được cách phục vụ tha nhân khi đáp ứng và thỏa mãn cả nhu cầu vật chất cả nhu cầu tâm linh của người đến với chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ ơn Chúa và hãy quyết tâm áp dụng ba bài học trong phần ứng dụng của Đề Tài này.


7.2 Cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con. Chúng con cảm tạ ơn Cha vì qua Chúa Giê-su Con Một Cha, chúng con đã khám phá ra tấm lòng yêu thương của Cha và của Con Một Cha. Chúng con cũng học được cách phục vụ thiết thực, cụ thể của Con Một Cha. Chúng con quyết áp dụng những bài học ấy trong đời sống phục vụ của chúng con hôm nay!


7.3 Cùng hát 

LẠY ĐẤNG TÌNH QUÂN
ĐK. Lạy Đấng Tình Quân, con tôn thờ. Con nay thuộc về Chúa, Chúa nay thuộc về con, mũi tên nào say đắm, bắn trúng con tim hồng, để từ nay con sống là sống cho, cho tình yêu, và dầu cho con chết, là chết cho, cho tình yêu.
1. Con xin làm nô lệ của tình yêu. Con xin làm khí cụ của tình yêu. Cho mọi người nhận biết Chúa yêu thương, cho mọi người thức giấc sau đêm trường.

2. Chúa muốn gì trên bản thể đời con. Chúa muốn gì trên cuộc sống của con. Con chỉ là tay trắng với hư không. Con chỉ là tỳ nữ bao khốn cùng.

3. Con ước vọng theo Ngài suốt đời con. Xin dâng làm lễ vật cuộc đời con. Trong nguyện cầu thanh vắng với hy sinh, để nên lời ca hát khúc ân tình.

ĐỀ TÀI VIII

THẦY GIÊ-SU ĐÃ HOÀN TẤT SỨ MẠNG CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A ĐAU KHỔ TRONG CUỘC THƯƠNG KHÓ VÀ TRÊN THẬP GIÁ

[Tường thuật Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su

theo Tin Mừng Mác-cô]



I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta học Đề Tài VIII của Khóa «Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.» Tựa bài là «Thầy Giê-su chu toàn sứ mạng của Đấng Mê-si-a đau khổ trong cuộc Thương Khó và trên thập giá»

Trong Đề Tài V chúng ta đã nghiên cứu lời khẳng định là «Đấng Mê-si-a đau khổ» của Đức Giê-su. Đề Tài VIII tiếp nối Đề Tài V với mục đích giúp chúng ta biết Đức Giê-su đã chu toàn sứ mạng của «Đấng Mê-si-a đau khổ» như thế nào. Cuộc Thương Khó chính là «sân khấu» vĩ đại trong đó Đức Giê-su thực hiện cách hoàn hảo vai trò «Đấng Mê-si-a đau khổ» đúng như Người đã 3 lần loan báo với các tình tiết sống động và cụ thể (Mc 8,31-33; 9,30-32 và 10,32-34).

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở lòng mở trí chúng ta để chúng ta hiểu và sống theo chân Thầy chí thánh của chúng ta.


1.2 Cùng hát 
CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA
1/ Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hẳn sâu trên trán.

Lạy Chúa, Thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.


ĐK.- Lạy Chúa xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi.

Lạy Chúa xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.


2/ Lạy Chúa, lưỡi đòng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, sỉ nhục nào còn vương trên mắt.

Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương, đường tình đó Ngài dành cho con.


3/ Lạy Chúa, ôi đường tình Chúa đã đi qua, con đường thập tự loang máu đào, ôi lưỡi đòng còn loang vết máu.

Lạy Chúa, Thánh giá nào Ngài đóng đinh xưa, chén đắng nào ngài uống say sưa, đường tình đó Ngài dành cho con.


1.3 Lắng nghe Lời Chúa

"Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." (Mc 10,33-34).
1.4 Thinh lặng một phút để Lời Chúa thấm sâu vào lòng chúng ta.

1.5 Cầu nguyện 

Lạy Thầy Giê-su chí thánh, Thầy đã thấy/biết trước cuộc sống trần gian của Thầy sẽ được kết thúc như thế nào! Thầy bình thản chờ đợi giờ của Thầy và loan báo cho các môn đệ biết trước, để sau này các ông tin Thầy là Thiên Chúa.

Chúng con hết lòng ngưỡng mộ và bái phục Thầy. Chúng con xin Thầy ban ơn giúp sức cho chúng con.
II. CHIA SẺ

Liên quan tới Đề Tài VII: “Thầy Giê-su nuôi dân chúng bằng Lời và bằng Bánh” anh/chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ hay CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ, TÌM HIỂU ĐỀ TÀI VIII

3.1 Đức Giê-su đã 3 lần loan báo Cuộc Thương Khó nhằm mục đích gì?

3.2 Đức Chúa Giê-su đã bước vào Cuộc Thương Khó như thế nào?
3.3 Đức Giê-su đã hoàn tất sứ mạng của Đấng Mê-si-a đau khổ trong cuộc Thương Khó và trên thập giá như thế nào?
3.4 Chúng ta học được gì từ việc Thầy Giê-su hoàn tất sứ mạng của Đấng Mê-si-a đau khổ trong cuộc Thương Khó và trên thập giá?
IV. HỌC HỎI

Sách Thánh cần đọc: Mc 3,6; 14,1-15,47 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.
4.1 Đức Giê-su đã 3 lần loan báo Cuộc Thương Khó nhằm mục đích gì?

 Thông thường một việc gì được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì vừa có nghĩa đó là điều quan trọng vừa có nghĩa đó là điều khó nhớ và khó thực hành. Áp dụng nguyên tắc này vào việc Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại 3 lần Cuộc Thương Khó (và Phục Sinh) chúng ta có thể quả quyết rằng : Cuộc Thương Khó vừa là điều quan trọng, - thậm chí rất quan trọng,- đối với Đức Giê-su cũng như đối với các môn đệ vừa là điều các môn đệ rất khó nhớ, khó hiểu và khó chấp nhận.

Bằng chứng là khi vừa nghe Đức Giê-su nói đến Cuộc Thương Khó, “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.” (Mc 8,32).

Bằng chứng thứ hai cho thấy các ông không hiểu Thầy mình muốn nói gì khi Người loan báo Cuộc Thương Khó. Tin Mừng Mác-cô ghi lại: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.” (Mc 9,32).


4.2 Đức Giê-su đã bước vào Cuộc Thương Khó như thế nào?

 Trong Tin Mừng Mác-cô (và các Tin Mừng khác) chúng ta có thể tìm ra những bằng chứng cho thấy Đức Giê-su đã có thái độ nào trước Cuộc Thương Khó:

- Tin Mừng Mác-cô ghi lại lời Đức Giê-su bênh vực việc làm của người phụ nữ đổ dầu thơm trên đầu Người tại nhà ông Xi-mon Cùi ở làng Bê-ta-ni-a:

Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được ! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu ! Điều gì làm được thì cô ấy đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng...” (Mc 14,6-8).

- Tin Mừng Mác-cô còn ghi lại lời Đức Giê-su báo trước sự phản bội của Giu-đa:

Đang khi dùng bữa, Người nói : Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy mà lại là người đang cùng ăn với Thầy.” (Mc 14,18).

- Cũng trong Tin Mừng Mác-cô, trong tường thuật vể việc lập Bí Tích Thánh Thể, có ghi:

Thật Thầy bảo thật anh em : Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” (Mc 14,25).

- Trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su thể hiện lòng mong muốn, thậm chí sự khắc khoải, được trải qua Cuộc Thương Khó mà Người gọi là Phép Rửa:

"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! ” (Lc 12,49-50).

- Trong tường thuật sự kiện quân lính tìm bắt Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu, Tin Mừng Gio-an nêu bật sự chủ động của Đức Giê-su trong biến cố này như sau:

Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu ; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi : "Các anh tìm ai ?" Họ đáp : "Tìm Giê-su Na-da-rét." Người nói : "Chính tôi đây." Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói : "Chính tôi đây", thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa : "Các anh tìm ai ?" Họ đáp : "Tìm Giê-su Na-da-rét." Đức Giê-su nói : "Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi." (Ga 10,3-8).

 Những đoạn Thánh Kinh trên cho chúng ta thấy Đức Giê-su ý thức rất rõ về chuyện Người sắp bị giết chết. Người cũng hết sức bình thản trước cái kết cục đau thương của cuộc sống trần thế của mình.


4.3 Đức Giê-su đã chu toàn sứ mạng của Đấng Mê-si- a đau khổ như thế nào?

- Không khó để chúng ta liệt kê những chặng đường cũng là những cực hình mà Đức Giê-su đã chịu trong Cuộc Thương Khó cũng là những cách Đức Giê-su chu toàn sứ mạng Đấng Mê-si-a đau khổ:



- Trước hết Đức Giê-su đã bị bắt

Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến. Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng : "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận." Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói : "Thưa Thầy !", rồi hôn Người.” (Mc 14, 43-45).


- Kế đến Đức Giê-su đã bị xét xử và kết án bởi những người lãnh đạo đền thờ và tôn giáo:

Họ điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ.... Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng : "Chúng tôi có nghe ông ấy nói : Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm !" Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau.



Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su : "Ông không nói lại được một lời sao ? Mấy người này tố cáo ông gì đó ?" Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người : "Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không ?" Đức Giê-su trả lời : "Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến." Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói : "Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao ?" Tất cả đều kết án Người đáng chết” (Mc 14, 53.55-64).

- Sau đó Đức Giê-su đã bị xét xử, đánh đòn, xỉ nhục và kết án bởi quan tổng trấn Phi-la-tô là đại diện của chính quyền đô hộ:

Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô.



Ông Phi-la-tô hỏi Người : "Ông là vua dân Do-thái sao ?" Người trả lời : "Đúng như ngài nói đó." Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, nên ông Phi-la-tô lại hỏi Người : "Ông không trả lời gì sao ? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội !" Nhưng Đức Giê-su không trả lời gì nữa, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho dân một người tù, tuỳ ý họ xin. Khi ấy có một người tên là Ba-ra-ba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy. Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ. Đáp lời họ yêu cầu, ông Phi-la-tô hỏi : "Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Do-thái không ?" Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người. Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba thì hơn. Ông Phi-la-tô lại hỏi : "Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái ?" Họ la lên : "Đóng đinh nó vào thập giá !" Ông Phi-la-tô lại hỏi : "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?" Họ càng la to : "Đóng đinh nó vào thập giá !" Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Phi-la-tô phóng thích tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: "Vạn tuế đức vua dân Do-thái !" Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. (Mc 15,1-19).
- Tiếp theo là Đức Giê-su đã phải vác thập giá lên Núi Sọ

Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá. Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.” (Mc 15,20-22).


- Rồi Đức Giê-su đã bị đóng đinh vào thập giá và bị chế diễu khiêu khích

Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng : "Vua người Do-thái". Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. (Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.)



Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói : "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi !" Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau : "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.” (Mc 15,23-32).
- Sau cùng Đức Giê-su đã tắt thở trên thập giá

* “Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni !" Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói : "Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a." Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không." Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói : "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa." (Mc 15,33-39).
* Trong tường thuật của Tin Mừng Gio-an về những giây phút cuối cùng của Đức Giê-su trên thập giá, có lời này của chính Đức Giê-su:

Nhắm xong (miếng bọt biển thấm dấm), Người nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,30).

 Như vậy là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã hoàn tất sứ mạng của Đấng Mê-si-a đau khổ, sứ mạng của Đấng Cứu Thế trong cuộc Thương Khó và trên thập giá.
4.4 Chúng ta học được gì từ việc Thầy Giê-su hoàn tất sứ mạng Đấng Mê-si-a đau khổ trong cuộc Thương Khó và trên thập gía?

[Xem phần ứng dụng]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

 Từ Đề Tài VIII là “Thầy Giê-su hoàn tất sứ mạng Đấng Mê-si-a đau khổ trong cuộc Thương Khó và trên thập gía” chúng ta có thể rút ra bốn bài học sau đây cho bản thân và cộng đoàn:

5.1 Bài học đầu tiên mà chúng ta có thể học được từ Đề Tài VIII này là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô dành cho loài người nói chung và cho các môn đệ nói riêng.

 Tin Mừng Gio-an đã chép lại lời của chính Đức Giê-su: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 6).

Cũng Tin Mừng Gio-an đã cho chúng ta thấy tâm tư tình cảm của Đức Giê-su đối với các môn đệ trước khi Người bước vào Cuộc Thương Khó :

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1).

 Còn trong những chương đầu của Tin Mừng Mác-cô chúng ta thấy Đức Giê-su đã chữa lành bao người ốm đau, bệnh tật hay bị quỷ ám, vì trước những nỗi khốn khổ và thiếu thốn phần hồn phần xác thì Người “cầm lòng không đặng” mà “chạnh lòng thương họ” (Mc 6,34). Và ở cuối đời, Đức Giê-su đã chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.


5.2 Bài học thứ hai mà chúng ta có thể học được từ Đề Tài VIII này Sự Hy Sinh Cao Cả trong Tình Yêu:

 “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13). Đức Giê-su đã nói thế và đã thực hiện đúng như lời Người nói, trong Cuộc Thương Khó và nhất là trên thập giá.

Chúng ta hãy học cùng Thầy Giê-su mà hy sinh cho tha nhân. Hãy lấy mức độ hy sinh làm tiêu chuẩn đo lường mức độ tình yêu thương: càng hy sinh cho anh chị em là càng yêu thương anh chị em !
5.3 Bài học thứ ba mà chúng ta có thể học được từ Đề Tài VIII này là nỗi đau thể xác cũng như nỗi ô nhục và cô đơn trong tâm hồn mà Đức Giê-su phải chịu là vô cùng khủng khiếp nhưng không chiến thắng được sức mạnh của tình yêu (yêu Chúa Cha và yêu nhân loại) của Đức Giê-su.

 Muốn có cảm nghiệm về nhũng nỗi đau thể xác và nỗi ô nhục và cô đơn trong tâm hồn của Đức Giê-su trong Cuộc Thương Khó và đặc biệt trên thập giá, chỉ cần chúng ta xem lại một đoạn phim The Passion (Cuộc Thương Khó) của đạo diễn Mel Gibson là chúng ta sẽ có ngay cảm nghiệm ấy. Nhưng trong khi tâm hồn chúng ta xúc động trước nỗi KHỔ và nỗi ĐAU của Đức Giê-su thì chúng ta cũng thấy rằng nơi Đức Giê-su có một sức mạnh phi thường, nên Người kiên cường đứng vững. Đó chính là sức mạnh của Tình Yêu Thần Linh Cứu Độ của Con Một Thiên Chúa làm người!


5.4 Bài học thứ bốn mà chúng ta có thể học được từ Đề Tài VIII này là chính tội lỗi của con người nói chung và của mỗi người chúng ta nói riêng đã khiến Đức Giê-su phải gánh chịu bao cực hình và phải chết trên thập giá để đền tội thay cho chúng ta và chuộc chúng ta lại cho Thiên Chúa.

 Muốn thể hiện sự nhận thức về sự khủng khiếp của tội và lòng biết ơn đối với Đức Giê-su là Đấng đã chết cho chúng ta, thì chúng ta phải xa lánh tội và nỗ lực sống tốt lành, thánh thiện như Thầy Chí Thánh mong muốn.




VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI IX : THẦY GIÊ-SU ĐÃ PHỤC SINH VINH HIỂN VÀ BAN ƠN CỨU ĐỘ CHO NHÂN LOẠI [Các cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh]

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ: Liên quan tới Đề Tài VIII là “Thầy Giê-su đã hoàn tất sứ mạng Đấng Mê-si-a đau khổ trong cuộc Thương Khó và trên thập giá” anh/chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm tòi học hỏi Đề Tài IX: Thầy Giê-su đã phục sinh vinh hiển và ban ơn cứu độ cho nhân loại”

(1°) Có ai chứng kiến sự kiện Đức Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết không? Vậy niềm tin Phục Sinh đặt trên cơ sở nào?

(2°) Sự kiện Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết có ý nghĩa gì đối với các Ki-tô hữu chúng ta?

(3°) Giữa sự kiện Đức Giê-su phục sinh và thăng thiên và sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ có mối tương quan nào? Và có ý nghĩa gì?

(4°) Chúng ta học được gì từ việc Thầy Giê-su đã phục sinh vinh hiển và ban ơn cứu độ cho nhân loại?
6.3 Sách Thánh cần đọc Mc 16,1-20 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.




tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương