Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thầy giê-su trong tin mừng mác-cô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.46 Mb.
trang4/21
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.46 Mb.
#33087
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21


I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta học Đề Tài III của Khóa «Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.» Tựa bài là «Thầy Giê-su mạc khải Cha và rao giảng Nước Thiên Chúa.»

Nhiều người trong chúng ta tưởng lầm rằng Con Thiên Chúa xuống thế làm người là để thiết lập Hội Thánh. Thật ra thì Thầy Giê-su đã thiết lập Hội Thánh, nhưng đó không phải là mục đích của Ngôi Lời Thiên Chúa khi đến trần gian. Mục đích của Người là mặc khải Cha và rao giảng Nước của Cha mà chúng ta quen gọi là Nước Trời hay Nước Thiên Chúa hay Vương Quốc hay Triều Đại của Thiên Chúa. Hiểu như thế chúng ta sẽ thấy là việc mạc khải Cha và Nước Thiên Chúa là điều quan trọng số một đối với Thầy Giê-su của chúng ta.

Chúng ta hãy cùng hát bài «Cám ơn Cha», để cảm tạ Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta biết về Người và đã ban Nước của Người cho chúng ta và như gia nghiệp vĩnh cửu. Chúng ta hãy cầu xin Thánh Thần ơn hiểu biết sâu sắc về Nước Thiên Chúa mà Thầy Giê-su đã mạc khải cho dân riêng Thiên Chúa và mời gọi chúng ta trở thành công dân của Nước ấy.



1.2 Cùng hát 

CÁM ƠN CHA
1- Cảm ơn Cha với lòng kính mến vô bờ. Cảm ơn Cha trong tình yêu dấu Cha ban. Đời con đây xin được phó thác nơi Ngài. Con sợ chi, trên đường nguy khốn gian nan. Tạ ơn Cha, con đường Cha đã an bài. Tạ ơn Cha, một lòng con cúi xin vâng. Hồn con đây, xin Ngài nhận lấy con cùng. Thanh tẩy con, biến đổi theo Thánh Ý Cha.
ĐK: Cha ơi! Xin hãy thương ban, soi sáng vạn nẻo đường đời. Cha ơi! Con cất tiếng ca, vinh danh vạn tuế Thánh Linh đổi đời (2 lần).
2- Cảm ơn Cha, tháng ngày Cha vẫn đi cùng. Cảm ơn Cha, ban đầy thần khí Thánh Linh. Để con đây kêu gọi cùng khắp địa cầu. Chúc tụng Cha, với lòng kính mến biết ơn. Tạ ơn Cha, mở rộng lòng chúng con rồi. Tạ ơn Cha, cuộc đời con đã đổi thay. Niềm hân hoan, những giọt nước mắt tuôn trào. Kết hợp con, nên một thân xác trong Cha.
1.3 Lắng nghe Lời Chúa

Về Chúa Cha :

- « Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.

Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.» (Mc 1,10-11).

- « Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.’ » (Mc 9,2-7 ; Mt 17,1-8; Lc 9,28 -36).

Về Nước Thiên Chúa :

« Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.» (Mc 1,14-15).
1.4 Thinh lặng một phút để Lời Chúa thấm sâu vào lòng trí chúng ta.
1.5 Cầu nguyện 

Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì Cha đã tỏ mình ra cho chúng con và đã ban Nước Trời cho chúng ta và như gia nghiệp vĩnh cửu. Chúng con cũng cảm tạ Cha vì Chúa Giê-su đã mạc khải Cha cho chúng con và đã rao giảng Nước Thiên Chúa để chúng con gia nhập Nước ấy và kêu mời nhiều người gia nhập Nước ấy.



II. CHIA SẺ

Liên quan tới Đề Tài II là “Thầy Giê-su quy tụ các môn đệ để mưu chuyện lớn” anh/chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ hay CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ, TÌM HIỂU ĐỀ TÀI III

3.1 Thầy Giê-su mạc khải Thiên Chúa Cha như thế nào ?
3.2 Thầy Giê-su mạc khải về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Vậy Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là gì ?
3.3 Tại sao bài giảng trên núi lại được xem là Bản Hiến Chương Nước Trời?
3.4 Đối với Thầy Giê-su, Nước Thiên Chúa hay Nước Trời quan trọng như thế nào?
3.5 Thế nào là dụ ngôn và tại sao Thầy Giê-su đã dùng các dụ ngôn để trình bày về Nước Trời?
3.6 Thầy Giê-su đã dùng những dụ ngôn nào để trình bày về Nước Trời?
3.7 Chúng ta rút được những bài học gì việc Thầy Giê-su mạc khải Cha và rao giảng Nước Trời bằng các dụ ngôn?
IV. HỌC HỎI

Sách Thánh cần đọc: Mc chương 4 và các đoạn song song trong các Sách Tin Mừng khác.

4.1 Thầy Giê-su mạc khải Thiên Chúa Cha như thế nào?

Trong Tin Mừng Mác-cô chúng ta không tìm thấy những đoạn văn dài tường thuật lại những lời nói của Đức Giê-su trực tiếp về Chúa Cha như trong các Sách Tin Mừng khác. Nhưng chỉ cần hai lời của Thiên Chúa Cha trong biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa trong dòng sông Gióc-đan và trong biến cố Đức Giê-su biến hình trên núi Ta-bo:



"Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con» (Mc 1,11)

"Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người" (Mc 9,7)

cũng đủ cho chúng ta biết về Chúa Cha:

- Chúa Cha có mối tương quan mật thiết với Đức Giê-su Na-da-rét là Con của Ngài,

- Chúa Cha hết sức hài lòng về Con của Ngài là Đức Giê-su Na-da-rét và

- Chúa Cha muốn các môn đệ (và chúng ta) vâng nghe lời Đức Giê-su Na-da-rét là Con của Ngài.

4.2 Thầy Giê-su mạc khải về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Vậy Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là gì?

Trong Thánh Kinh, thực tại hay huyền nhiệm Nước Thiên Chúa còn được diễn tả bằng nhiều khái niệm khác như Vương Quốc hoặc Triều Đại của Thiên Chúa hay Nước Trời. Điều cốt yếu là sự “hiện diện” và “cai trị” (nghĩa tốt) của Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu Nước Thiên Chúa là thế giới của Thiên Chúa, bao hàm cả nghĩa không gian (Nước, Vương quốc) lẫn nghĩa thời gian (triều đại, giai đoạn, thời kỳ) và cả nghĩa tinh thần. Nhưng Nước Thiên Chúa không thuộc về trần thế này và không bị đồng hóa với bất kỳ quốc gia, cộng đồng con người nào. Chúng ta có thể nói: Nơi nào và khi nào con người sống theo tinh thần Phúc Âm, nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao dựng nên vũ trụ vạn vật, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha yêu thương và sống yêu thương nhau thì nơi đó, lúc đó Nước Thiên Chúa hiện diện.


4.3 Tại sao bài giảng trên núi lại được xem là Bản Hiến Chương Nước Trời?

 Xưa nay các nhà chú giải Thánh Kinh vẫn xem bài giảng trên núi là Bản Hiến Chương Nước Trời, vì bài giảng ấy tóm kết đầy đủ tinh thần và cung cách sống của các thần dân của Nước/Triều Đại Thiên Chúa. Trên thực tế, có lẽ các tác giả Phúc Âm đã tập hợp những lời Đức Giê-su đã giảng ở chỗ này chỗ kia thành một bài giảng mang tính hiến chương. Cũng có nhà chú giải cho rằng bài giảng trên núi là bức chân dung đầy đủ của chính Đức Giê-su. Vì vậy mà gọi bài giảng ấy là Tám Mối Phúc Thật (Bát Phúc) tức tám cách sống đem lại hạnh phúc vĩnh cửu:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hòa bình,

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,,

vì Nước Trời là của ho.

Phúc thay anh em khi vì Thầy,

mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.» (Mt 5,3-12).

Vậy chúng ta có thể khẳng định: ai sống theo tinh thần Bát Phúc thì người ấy là công dân Nước Trời. Hoăc chúng ta cũng có thể nói: bất cứ ở nơi nào con người sống theo tinh thần Bát Phúc thì ở đấy Nước Trời hiện diện.


4.4 Đối với Thầy Giê-su, Nước Thiên Chúa hay Nước Trời quan trọng như thế nào?

 Đối với Thầy Giê-su, Nước Thiên Chúa hay Nước Trời

rất quan trọng vì khai mở, rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa chính là mục đích của đời Ngài, là công trình mà Ngài có sứ mạng thực hiện trong trần gian này.

Vì thế mà Thầy Giê-su đã dùng rất nhiều dụ ngôn để làm cho các môn đệ và dân chúng hiểu thề nào là Nước Thiên Chúa. Và Thầy Giê-su đã lặn lội hết các làng mạc, thị trấn, thành phố xứ Pa-lét-tin để xây dựng Nước Thiên Chúa. Thậm chí Thầy Giê-su đã chịu mọi cực hình và chết trên thập giá để đưa nhân loại vào Vương Quốc của Tình Yêu và Ơn Cứu Độ.


4.5 Thế nào là dụ ngôn và tại sao Thầy Giê-su đã dùng các dụ ngôn để trình bày về Nước Trời?

 Dụ ngôn là một thể văn kể chuyện vừa đơn sơ bình dị vừa giầu ý nghĩa và rất được các bậc hiền triết, các nhà thông thái, các ông thầy xưa sử dụng, để trình bày những thực tại cao siêu, khó hiểu. Thường các dữ kiện của dụ ngôn là những thứ, những chuyện, những con người rất gần gũi với người nghe (ruộng lúa, vườn rau, men, thúng bột, chiếc lưới thả cả, người nội trợ, người gieo hạt, lái buôn, người chăn chiên, con chiên v.v..).

 Không phải chỉ có chúng ta thắc mắc tại sao Thầy Giê-su lại dùng dụ ngôn để trình bày về Nước Trời mà chính các môn đệ cũng đã thắc mắc và đặt câu hỏi:

Sao Thầy lại dùng dụ ngôn?” (Mt 13,10).

Và Thầy Giê-su đã giải thích lý do tại sao Người dùng dụ ngôn:

Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn (thấy), nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng:



Các ngươi có tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, mà lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy mà không thấy được, nghe điều anh em nghe, mà không được nghe.” (Mt 13,11-17).


4.6 Thầy Giê-su đã dùng các dụ ngôn nào để trình bày về Nước Thiên Chúa hay Nước Trời?

Trong Tin Mừng Mác-cô, chúng ta chỉ có bốn (năm) dụ ngôn về Nước Trời sau đây :



(a) Dụ ngôn người gieo giống (Mc 4, 1-9): Lời Thiên Chúa là hạt giống Nước Trời được gieo vào tâm hồn con người cũng như được gieo vào lòng xã hội và thế giới. Hạt giống ấy sẽ đâm hoa kết trái tùy vào tình trạng của nơi/người tiếp nhận, thích hợp hay không thích hợp, thích hợp ít hay thích hợp nhiều.

(b) Dụ ngôn cái đèn (Mc 4, 21-23), đấu đong (Mc 4,24-25): Nhiệm vụ của đèn là thắp/soi sáng, là hướng dẫn đường đi nước bước, là chỉ cho biết đúng sai.

Đấu đong là đơn vị đo lường, nhưng cách đo lường của Thiên Chúa thì vượt xa cách đo lường của loài người.



(c) Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (Mc 4, 26-29): Nước Thiên Chúa hay Nước Trời tự phát triển một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ.

(d) Dụ ngôn hạt cải (Mc 4,30-32): Nước Thiên Chúa hay Nước Trời chứa đựng một sự sự lớn mạnh phi thường

Trong Tin Mừng Mát-thêu chúng ta có 11 dụ ngôn về Nước Trời sau đây :



(a) Dụ ngôn người gieo giống (Mt 13, 3-9.18-23): giải thích giống như trong Tin Mừng Mác-cô.

(b) Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13, 24-30.36-43): sự pha trộn giữa cái tốt và cái không tốt trong giai đoạn Nước Trời phát triển và chưa hoàn thành, nên không thể có thái độ nóng vội muốn giải quyết ngay mọi vướng mắc mà phải biết kiên nhẫn chờ đợi.

(c) Dụ ngôn hạt cải (Mt 13, 31-32): sự lớn mạnh phi thường của hạt giống Nước Trời.

(d) Dụ ngôn men trong bột (Mt 13,33): sức biến đổi kỳ diệu của Nước Trời.

(đ) Dụ ngôn kho báu và ngọc quí (Mt 13, 44-46): giá trị cao quí của Nước Trời, khiến người nào khám phá ra sẽ sẵn sàng bán hết tất cả tài sản của mình để có được Nước Trời.

(e) Dụ ngôn chiếc lưới (Mt 13, 47-50): Nước Trời bao trùm hết mọi lãnh vực, thu tập hết mọi con người và bao gồm mọi thực tại cuộc sống (tính phổ quát).

(g) Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót (Mt 18,23-35): tinh thần tha thứ của những người thuộc về Nước Trời, vì Thiên Chúa là Đấng thứ tha và đòi con người phải tha thứ cho nhau để được Người thứ tha.

(h) Dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16): Mọi người - không phận biệt già trẻ, nam nữ, giầu nghèo, cũng không phân biệt giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân- đều được Thiên Chúa mời gọi góp công góp sức vào việc phát triển Nước Trời.

(i) Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32): Trong Nước Trời hoặc để vào Nước Trời, thì hành động mới quan trọng chứ không phải lời nói xuông.

(k) Dụ ngôn những tá điền sát nhân (Mt 21,33-46): Mọi người đều có phần có chỗ trong Nước Trời, nhưng có những người (lãnh đạo Do Thái thời Đức Giêsu) từ chối kế hoạch của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ mở rộng Nước Trời đón nhận những người khác.

(l) Dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-14): Nước Trời là niềm vui, là nguồn hạnh phúc cho mọi người và ai nấy đều được mời tận hưởng niềm vui và nguồn hạnh phúc ấy. Điều kiện tối thiểu là phải biết đối xứ cho tương xứng với vinh dự lớn lao của mình.
4.7 Chúng ta rút được những bài học gì việc Thầy Giê-su mạc khải Cha và rao giảng Nước Trời bằng các dụ ngôn?

[Xem phần ứng dụng]
V. ỨNG DỤNG [SỐNG LINH ĐẠO]

 Từ Đề Tài III chúng ta có thể rút ra ba bài học sau đây cho bản thân và cộng đoàn :

5.1 Bài học thứ nhất là về căn tính của Đức Giê-su: Chúa Cha là Cha thật của Thầy Giê-su nên Thầy Giê-su là Thiên Chúa thật. Chúa Cha yêu quý, tin tưởng Con Một Ngài. Chúa Cha muốn chúng ta vâng nghe lời Con Một Ngài là Thầy Giê-su.

 Chúng ta phải có tâm tình cảm tạ biết ơn đối với Cha. Chúng ta cũng phải có thái độ tuân phục và thực thi thánh ý Cha, làm hài lòng Cha, bằng cách học cùng Thầy Giê-su.


5.2 Bài học thứ hai là về Nước Trời mở rộng đón nhận mọi người: “Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Vương Triều của Đấng Mê-si-a trước tiên được loan báo cho con cái Ít-ra-en (x.Mt 10,5-7), nhưng cũng để tiếp nhận nọi dân tộc (x. Mt 8, 11;28,19). Để được vào Nước Thiên Chúa, con người phải đón nhận lời của Thầy Giê-su:

Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai tin nghe Lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Ki-tô thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt (x. Ánh sáng muôn dân, 5)” (GLHTCG, 543).

 Chúng ta phải ra sức trở thành công dân ưu tú của Nước Thiên Chúa bằng cách đón nhận và thực thi Lời Thầy Giê-su.
5.3 Bài học thứ ba là trách nhiệm mở rộng Nước Trời của mọi Ki-tô hữu: Chẳng những mọi người được đón nhận vào Nước Trời, mà mọi người còn được mời gọi làm việc cho là vườn nho, tức lo việc phát triển Nước Trời nữa (x.dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16). Làm phát triển Nước Trời là giúp cho con người và xã hội sống theo tinh thần Bát Phúc.

 Chúng ta phải tích cực làm cho Nước Thiên Chúa mỗi ngày một mở rộng chung quanh chúng ta, bằng cách thăng tiến con người và các gía trị nhân bản, tinh thần và tâm linh.




VI. CHUẨN BỊ ĐỀ TÀI IV: THÀY GIÊ-SU CHẠNH LÒNG THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ VÀ CỨU CHỮA NHỮNG NGƯỜI ẤY [Các câu chuyện chữa lành và trừ quỷ]

6.1 Câu hỏi gợi ý chia sẻ: Liên quan tới Đề Tài III:

Thầy Giê-su mạc khải Cha và rao giảng Nước Thiên



Chúa” anh/chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc]

muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không?

Nếu có, xin mời chia sẻ.
6.2 Câu hỏi gợi ý tìm tòi học hỏi:

(1o) Tại sao Thầy Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ ?

(2o) Thầy Giê-su làm gì để cứu chữa những người khốn khổ ấy ?

(3°) Chúng ta rút ra được bài học nào từ các câu chuyện chữa lành và trừ quỷ ?
6.3 Sách Thánh cần đọc: Mc 1,23-34.40-45; 2,1-12; 3,1-6; 5,1-43; 6,53-56; 7,24-37; 8,22-26; 9,14-29; 10,46-52 và các đoạn song song trong Tin Mừng Nhất Lãm.



VII. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

7.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Chúng ta vừa học Đề tài III: “Thầy Giê-su mạc khải Cha và rao giảng Nước Thiên Chúa.” Chúng ta được Thầy Giê-su dẫn đến với Cha của Người. Đồng thời chúng ta cũng được Thầy dẫn vào một thế giới vừa cao vừa rộng, vừa siêu việt vừa gần gũi, trong đó chúng ta được làm con Thiên Chúa và làm công dân Nước Trời.

Tư cách và phẩm giá chúng ta được nâng lên. Trách nhiệm và sứ mạng của chúng ta cũng nặng nề trọng đại hơn, nhưng cũng vinh quang rực rỡ hơn.

Chúng ta hãy nói với Cha một lời tâm tình.

Chúng ta hãy nói với Thầy Giê-su một lời tạ ơn.

Chúng ta hãy nói với Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa một lời quyết tâm sống xứng đáng tư cách và phẩm giá làm con (Thiên Chúa) và góp sức xây dựng Nước Thiên Chúa trong các môi trường sống của chúng ta.


7.2 Cùng cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ Cha vì Cha đã cho chúng con biết về Cha và được làm con của Cha.

Lạy Thầy Giê-su, chúng con tạ ơn Thầy vì Thầy đã dậy chúng con về Cha và đã khai mở Nước Trời để chúng con được vào trong đó.

Lạy Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa, xin Chúa giúp chúng con sống xứng đáng tư cách làm con và biết góp sức xây dựng Nước Thiên Chúa trong môi trường gia đình, khu xóm, công ty, xí nghiệp, giáo xứ và xã hội trong đó chúng con đang sống!


7.3 Cùng hát 

TRONG TIM CHÚA
1. Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, như nước mưa tan trong biển khơi. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, những ước mơ con có trong đời, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi là tình con trong khối tình Người.
ĐK: Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim Người CHA. Mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa. Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca. Có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.
2. Trong trái tim Chúa như nôi hồng, con xin được như bé ngủ mơ, một giấc mơ, nghìn giấc mơ, những giấc mơ ấm êm tuổi thơ. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, những giấc mơ con có trong đời, là sống vui, là hát vui, là trẻ thơ trong mái nhà Người.
3. Trong trái tim Chúa bao ân cần, con xin được say nếm hồng ân, là trái ngon, là trái ngon, những trái ngon dưỡng nuôi đời con. Là bánh thơm, là sữa thơm giúp con mau chân bước lên trời, là đóa hoa, là tiếng ca, gọi lòng con mau bước về nhà.
4. Trong trái tim Chúa bao dịu dàng, con xin được nghe Chúa bảo ban, dậy dỗ con, dậy dỗ con, dậy dỗ con biết sống thắm tươi tình son. Tìm bước theo đường mến yêu, biết dâng trao, biết thứ tha nhiều. Cùng Chúa đi, cùng Chúa đi, hòa niềm vui chung với mọi người.


ĐỀ TÀI IV

THẦY GIÊ-SU CHẠNH LÒNG THƯƠNG NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

VÀ CỨU CHỮA HỌ

[Các câu chuyện chữa lành và trừ quỷ của

Thầy Giê-su]



I. CẦU NGUYỆN MỞ ĐẦU

1.1 Gợi ý của người hướng dẫn

Hôm nay chúng ta học Đề Tài IV của Khóa«Lãnh Đạo theo Phong Cách Thầy Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.» Tựa bài là «Thầy Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ và cứu chữa họ.»

Đây là đề tài rất hấp dẫn trong các giới công giáo, nhất là khi phong trào tôn kính lòng Chúa thương xót đang phát triển mạnh mẽ trong lòng Giáo Hội Việt Nam cũng như trong các Giáo Hội khác trên thế giới. Đúng là nhờ có thánh nữ Faustina và Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II mà phong trào sùng kính lòng Chúa thương xót được nhiều người hưởng ứng. Nhưng đối với các Ki-tô hữu đã làm quen với Thánh Kinh thì từ Cựu Ước nói chung, từ biến cố Xuất Hành nói riêng, mầu nhiệm lòng Chúa từ bi thương xót đã là một trong những mạc khải quan trọng. Trong Tin Mừng Mác-cô, tác giả trình bày Đức Giê-su là Đấng «chạnh lòng thương» trước những con người khốn khổ vì bệnh tật phần hồn phấn xác, bị quỷ ám hay bị bỏ rơi.

Chúng ta hãy học với Thầy và mặc lấy tâm tình của Thầy cũng là tâm tình của Thiên Chúa Cha mà sống bác ái, vị tha và quan tâm giúp đỡ những người kém may mắn và khốn khó sống chung quanh.


1.2 Cùng hát 

ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

ĐK.- Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui.

1. Nài xin tha thiết Thượng đế muôn tình lân ái. Xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn. Cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.

2. Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù, chia rẽ, oán hờn, ghét ghen. Gìn giữ Đức Ái: yêu Chúa mến thương anh em.



1.3 Lắng nghe Lời Chúa

- «Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi !" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.» (Mc 1,40-42).

- « Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6,34).

1.4 Thinh lặng một phút để Lời Chúa thấm sâu vào lòng trí chúng ta.
1.5 Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su chí thánh, Thầy đã đến thế gian để bộc lộ (mạc khải) Tình Thương của Cha cho loài người chúng con, chúng con cảm tạ ơn Thầy!

Chúng con xin Thầy ban cho chúng con một tâm hồn nhạy cảm, một tình thương dạt dào, một cách hành xử thiết thực nhằm cứu giúp những con người khốn khổ mà chúng con gặp trong đời.


II. CHIA SẺ

Liên quan tới Đề Tài III: “Thầy Giê-su mạc khải Cha và rao giảng Nước Thiên Chúa” anh/chị có gì [cảm nghiệm, liên hệ, thắc mắc, thay đổi] muốn chia sẻ với giảng viên và các bạn cùng học không? Nếu có, xin mời chia sẻ.


III. ĐẶT VẤN ĐỀ hay CÂU HỎI GỢI Ý SUY NGHĨ, TÌM TÒI ĐỀ TÀI IV

3.1 Tại sao Thày Giê-su chạnh lòng thương những người khốn khổ ?
3.2 Thầy Giê-su làm gì để cứu chữa những người khốn khổ?
3.3 Chúng ta rút ra được bài học nào từ các câu chuyện chữa lành và trừ quỷ ?

tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương