THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)


Trung Quốc tiếp tục điều tra thân tín của Từ Tài Hậu



tải về 163.02 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích163.02 Kb.
#30918
1   2   3

Trung Quốc tiếp tục điều tra thân tín của Từ Tài Hậu

TTXVN (Hong Kong 21/1) - Theo mạng Đa chiều, trang tin của người Hoa ở Hải Ngoại, việc quyền lực của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Vương Kiến Bình, người vừa được điều chuyển từ vị trí Tư lệnh Bộ đội vũ trang Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị giảm sút đã thu hút sự chú ý của dư luận. Mới đây, một số phương tiện truyền thông nước ngoài dẫn nguồn thạo tin Bắc Kinh cho biết, Thượng tướng Vương Kiện Bình hiện đang bị điều tra. Được biết, Vương Kiện Bình xuất thân từ Đại Quân khu Thẩm Dương, là nhân vật đã được Từ Tài Hậu (Xu Cai Hou), nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hiện cũng đang bị điều tra vì cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật” (cụm từ thường dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng), đề bạt. Bên cạnh đó, nguồn tin của Đa chiều còn cho biết, tại hội nghị của Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu được tổ chức hôm 15/1, không thấy sự xuất hiện của tướng Vương Kiện Bình, trong khi, Tổng Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy cùng các quan chức cấp cao khác thuộc Bộ Tổng tham mưu đều tham dự hội nghị.

Theo mạng trên, cuối năm 2014, Tư lệnh Bộ đội vũ trang Vương Kiến Bình được điều động làm Phó Tổng tham mưu trưởng PLA và Chính ủy Bộ đội vũ trang Từ Diệu Nguyên được điều động làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Việc cả tư lệnh và chính ủy cùng được điều động trong cùng một năm, vốn không phải năm kết thúc nhiệm kỳ, là sự việc hiếm thấy từ trước đến nay. Lúc đó, đã có chuyên gia quan sát tình hình chính trị tiết lộ với Đa chiều rằng việc Vương Kiến Bình chuyển đến Bộ Tổng tham mưu thực tế là điều động ngang cấp. Nếu so sánh với chức vụ Tư lệnh Bộ đội vũ trang, thì chức vụ mới này của Vương Kiến Bình không có thực quyền. Đây có thể là điềm báo trước về việc Vương Kiến Bình bị điều tra.

Thêm vào đó, được sự phê chuẩn của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ đầu tháng 2 đến 20/4/2014, Tổ tuần thị Quân ủy Trung ương đã tiến hành tuần tra đối với lãnh đạo và các đảng ủy viên của Đảng ủy Bộ đội vũ trang.Tuy nhiên, dư luận dẫn nguồn tin Bắc Kinh tiết lộ, trên thực tế, Tổ tuần thị chủ yếu điều tra Vương Kiến Bình và các vấn đề liên quan đến nhân vật này.

Trang Đa chiều cho biết, Bộ Tổng tham mưu ngày 15/1 đã tổ chức Hội nghị Đảng ủy, tập trung truyền đạt và học tập những phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị toàn thể lần thứ V Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Khóa XVIII cũng như tinh thần Hội nghị công tác kiểm tra kỷ luật toàn quân; tổng hợp nghiên cứu thực tế của Bộ Tổng tham mưu và quán triệt các biện pháp thực hiện. Tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy tham dự hội nghị và có bài phát biểu quan trọng. Các Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung, Thích Kiến Quốc, Ất Hiểu Quang cùng Trợ lý Tổng tham mưu trưởng Trần Dũng và Mã Nghi Minh đã tham dự hội nghị, trong khi không thấy sự xuất hiện của Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Kiến Bình.

Vương Kiến Bình sinh năm 1953, là tướng lĩnh cấp cao đầu tiên của lực lượng Bộ đội vũ trang được điều động sang giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng PLA. Vương Kiến Bình từng tham gia lực lượng lục quân, sau đợt giải trừ quân bị lớn vào năm 1996, 15 sư đoàn lục quân được chuyển thành sư đoàn vũ trang cơ động. Thời điểm đó, Vương Kiến Bình đang giữ chức Sư trưởng Sư 120 trực thuộc Tập đoàn quân 40, Quân khu Thẩm Dương đã chuyển sang phục vụ trong lực lượng Bộ đội vũ trang, đồng thời, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tây Tạng, Phó Tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh bộ đội vũ trang và thăng chức Tư lệnh bộ đội vũ trang vào năm 2009. Ngày 30/7/2012, Vương Kiến Bình được thăng hàm Thượng tướng trong lực lượng này.

Tháng 12/2014, Vương Kiến Bình được điều chuyển giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng PLA, thay thế vị trí Tư lệnh bộ đội vũ trang của Vương Kiến Bình là nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Ninh. Vương Ninh lại trở thành Tư lệnh đầu tiên trong lịch sử bộ đội vũ trang được thuyên chuyển từ bên ngoài cấp đại quân khu. Trước Vương Ninh, các Tư lệnh tiền nhiệm của Bộ đội vũ trang đều được thăng chức từ cấp Phó đại quân khu.

Từ trước đến nay, lực lượng Bộ đội vũ trang chịu sự lãnh đạo song trùng của Quân ủy trung ương và Ủy ban Chính pháp trung ương. Sau vụ án Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, giới truyền thông cho biết, Quân ủy trung ương điều chỉnh quan hệ chỉ huy vũ trang, lực lượng vũ trang không tiếp tục chịu sự điều hành của Ủy ban Chính pháp trung ương và Quân ủy trung ương cũng không thụ lý đơn xin điều động binh sĩ của Ủy ban Chính pháp trung ương với danh nghĩa duy trì ổn định. Sau này, khi các địa phương sử dụng lực lượng vũ trang sẽ do Ủy ban Động viên quốc phòng các tỉnh, thành phố trực tiếp xin Ủy ban Động viên quốc phòng quốc gia, đồng thời, báo cáo Ủy ban Động viên quốc phòng Đại quân khu sở tại lập hồ sơ.

Cùng với chiến dịch chống tham nhũng, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó, đứng đầu là Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng đã tiến hành điều chỉnh lớn đối với vấn đề nhân sự của PLA, hàng loạt con cháu các cán bộ lão thành cách mạng được thăng chức. Bố của Vương Ninh, Tư lệnh Bộ đội vũ trang mới lên nhậm chức thay thế Vương Kiến Bình trước khi nghỉ hưu là quan chức cấp phó của Quân khu Nam Kinh. Bố vợ của Vương Ninh là Đỗ Bình, Trung tướng thời kỳ Đảng Cộng sản Trung Quốc mới thành lập, nguyên Chính ủy đại Quân khu Nam Kinh; cậu của Vương Ninh là Thượng tướng Cố Huy, nguyên Tư lệnh đại Quân khu Nam Kinh. Bố của Tần Vệ Giang, người sẽ được thăng chức làm Phó Tổng tham mưu trưởng là Trung tướng Tần Cơ Vĩ từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vương Ninh và Tần Vệ Giang đều chưa đến 60 tuổi, ngoài ưu thế về tuổi tác, lý lịch của hai nhân vật này cũng tương đối đẹp. Hơn nữa, cả hai đều từng là lãnh đạo của Tập đoàn quân và Đại Quân khu. Do đó, có thể thấy, Vương Ninh và Tần Vệ Giang vẫn còn nhiều cơ hội thăng tiến.

Tuy nhiên, việc nhiều con cháu của các cán bộ lão thành cách mạng được trọng dụng cũng gây ra nhiều tranh luận. Gần đây, ông La Viện, con trai của La Trường Thanh - nguyên Bộ trưởng Bộ Điều tra trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân vật đại diện phát ngôn cho phía quân đội trong các lần trả lời phỏng vấn giới truyền thông, đã bày tỏ sự bất bình trước sự “kỳ thị” của dư luận đối với con em cán bộ lão thành cách mạng. Có phân tích cho rằng, trái ngược với các nhân vật chính giới như Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn, Bạc Hi Lai…, con cháu của các cán bộ lão thành cách mạng trong quân đội thường rất “thấp giọng”, song không thể phủ nhận, quân đội là lĩnh vực tập trung đông đúc những nhân vật trên.

Tăng trưởng Trung Quốc thấp nhất từ 25 năm nay

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos quan tâm đến vấn đề tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó cảnh báo nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay và sẽ kéo theo những hệ lụy cho hoạt động kinh tế toàn cầu. Les Echos cho biết, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 7,4% năm 2014, thấp hơn so với mục tiêu mà chính phủ đề ra.

Nền kinh tế thứ hai thế giới đang phải đối đầu với nạn khủng hoảng địa ốc, lĩnh vực chiếm đến 15% kinh tế Trung Quốc. Cùng lúc ấy, nhiều ngành công nghiệp sản xuất dư thừa, ảnh hưởng đến giá cả và gây ra nạn giảm phát. Về phía giới đầu tư nước ngoài, họ tỏ ra khá thận trọng hơn trước: vốn đầu tư vào Trung Quốc trong những dự án công nghiệp chỉ tăng 1,7% vào năm ngoái, một sự sụt giảm rõ nét. 

Tờ báo phân tích: “Ba vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế Trung Quốc”. Theo bài viết, thứ nhất, chiến dịch bài trừ tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Các nhà đầu tư toàn cầu đều lo ngại trước nguồn tài chính của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc. Kaisa hay một số tập đoàn môi giới nhà đất đã bị sập bẫy trong chiến dịch bàn tay sạch của Tập Cận Bình. Theo đánh giá của một kinh tế gia làm việc cho Bank of America, chiến dịch chống tham nhũng đã cướp đi từ 0,6 đến 1,5 điểm tăng trưởng GDP của nước này.



Thứ hai, Trung Quốc đang đau đầu về ngân sách. Theo một nghiên cứu của Deutsche Bank, thu nhập từ thuế khóa sẽ tăng vào năm 2015 nhưng chỉ là 1%, một kết quả tệ nhất từ năm 1981 đến nay. Chính quyền địa phương thì cho rằng nguồn thu từ thuế giảm đi 2%. Đối với tác giả của bản báo cáo trên, “đây chính là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc”.

Khủng hoảng bất động sản phần nào là nguyên nhân của tình trạng u ám trên. Từ giữa những thập niên 2000, các vụ bán đất chiếm khoảng 1/3 ngân sách của các chính quyền địa phương. Tuy nhiên ngày nay, giá đất giảm kéo theo việc các địa phương thất thu đến 20% vào năm 2015, trong khi các đơn vị này vốn đã mang nợ chồng chất. Ngân sách mà Bắc Kinh dùng để hỗ trợ kinh tế cũng không quá lớn.

Theo Les Echos, vấn đề thứ ba là vốn lần lượt bị tuồn đi nơi khác. Mới đây, các kinh tế gia của ngân hàng Goldman Sachs đã tính toán số chênh lệch giữa vốn vào và vốn ra lên tới 300 tỉ USD từ năm 2010. Hiện tượng này một phần là kết quả từ chiến dịch chống tham nhũng khiến một số thành phần lo tuồn khối tài sản bất chính đi nơi khác. Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư ngoại quốc bớt hào hứng với việc đầu tư vào Hoa lục. Nếu tình trạng trên kéo dài từ năm này qua năm khác thì Trung Quốc sẽ thất thu và không còn lượng tiền mặt dự trữ dồi dào trong tương lai. 

* Đài Tiếng nói nước Nga đêm 21/1 đưa tin Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố các số liệu chính thức của nền kinh tế đất nước trong năm 2014 vừa qua. Đúng như giới chuyên gia dự đoán, mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 7,5% và chỉ số của năm 2014 dừng lại ở mức 7,4%.

Việc kế hoạch tăng trưởng GDP khó có thể thực hiện được là điều gần như đã rõ từ trước. Vào quý III, Trung Quốc có tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thấp nhất trong vòng 5 năm-7,3%. Trong quý cuối của năm 2014, tình hình đã phần nào được cải thiện và tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,4%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức phát triển thấp nhất trong suốt 24 năm qua.

Ông Andrey Vinogradov, Giám đốc Trung tâm các nghiên cứu và dự báo chính trị viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận xét xu hướng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán từ lâu. Theo ông, xu hướng này gắn liền với ảnh hưởng của các thị trường đối ngoại đặc biệt là khu vực đồng euro, cũng như những nỗ lực điều chỉnh chính sách kinh tế trước kia vốn dựa vào sự phát triển bề rộng và ưu tiên các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Ông Andrey Vinogradov nói: “Những thành tựu kinh tế mà Trung Quốc thu được trong 30 năm qua gắn liền với mô hình tăng trưởng theo bề rộng. Mặc dù bắt đầu bộc lộ yếu tố không hiệu quả, nhưng Trung Quốc khó lập tức từ bỏ mô hình này. Mô hình quan trọng nhất bởi nó liên quan đến các nghĩa vụ xã hội của nhà nước, tới nhu cầu duy trì ổn định nội bộ. Do đó, Trung Quốc sẽ thực hiện một loạt biện pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển hướng kinh tế phục vụ nhu cầu trong nước, làm dịu dần thị trường bất động sản “bị hâm nóng”. Hạ tốc tăng trưởng là hiện tượng không tránh khỏi trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển. Câu hỏi ở đây là làm sao có thể hạ cánh nhẹ êm. Hiện thời, chúng ta mới quan sát sự chậm lại của nền kinh tế, nhưng đã có thể nhận định rằng mục tiêu kế hoạch 12 năm (tăng trưởng GDP- 7,5%) sẽ không được thực thi”.

Dường như Trung Quốc không hề bi quan trước tình hình này. Như Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Mã Kiến Đường nói khi ông bình luận về kết quả của năm 2014, nền kinh tế đang hoạt động ổn định trong những điều kiện “tiêu chuẩn mới”. Ông cho rằng xu hướng được quan sát là tích cực, tăng trưởng ổn định, tối ưu hóa cơ cấu, nâng cấp chất lượng phát triển và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Theo nhà chức trách Trung Quốc, tất cả sẽ góp phần duy trì sự ổn định xã hội và niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù thay đổi mô hình kinh tế, nhưng vẫn như trước, Trung Quốc cần đến vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài.

Các thị trường có phản ứng tích cực ban đầu trước số liệu thống kê được công bố. Sau tín hiệu từ Cục Thống kê nhà nước, cả hai chỉ số quan trọng của Trung Quốc đã tăng điểm: Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải và chỉ số Hang Seng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hoan nghênh sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanshard cho rằng kết quả này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc làm cho nền kinh tế trở nên cân bằng hơn. Năm nay, IMF dự đoán chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ vào khoảng 6,3%, có nghĩa là giảm tốc đáng kể. Theo ông Blanchard, IMF tin rằng đây sẽ là sự tốc độ phù hợp. Tuy nhiên, báo cáo phân tích của tổ chức cũng xác nhận sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng mạnh đến các nền kinh tế châu Á đang phát triển.

Không chỉ châu Á mà cả thế giới đều đang quan tâm dõi theo chính sách kinh tế của Trung Quốc. Đặc biệt là việc thực hiện nhất quán chương trình cải cách kinh tế đã được thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ III vào cuối năm 2013. Trung Quốc hội nhập chặt chẽ vào nền kinh tế thế giới, do đó, nhiều yếu tố kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào sức khỏe kinh tế Trung Quốc mà hiện có không ít các vấn đề. Theo IMF, kinh tế thế giới có mức tăng trưởng trung bình 3,5%. Đó là 0,3% thấp hơn so với dự báo của Quỹ công bố hồi tháng 10 năm ngoái. IMF cho rằng dầu thô hạ giá sẽ đẩy lên các yếu tố tiêu cực, trước hết là làm nguội lạnh các hoạt động đầu tư.
Năm 2015, kinh tế Trung Quốc tập trung vào ba mũi nhọn

TTXVN (Bắc Kinh 21/1) - Mới đây, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vừa công bố tình hình vận hành kinh tế quốc dân năm 2014. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đạt 63.646,3 tỉ NDT (tương đương 10.416,7 tỉ USD), tăng 7,4%.

Theo chuyên gia kinh tế học, Phó Tổng thư ký Diễn đàn hợp tác Toàn cầu hóa Trương Kỳ Tá, hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang ở vào giai đoạn leo dốc, áp lực kinh tế đi xuống khá lớn, về tổng thể, tốc độ tăng trưởng đạt 7,4% vẫn nằm trong mức hợp lý.

Ông Trương Kỳ Tá cho rằng kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 7%, vì vậy, mục tiêu đặt ra cho từng năm phải phù hợp với kế hoạch tổng thể. Mục tiêu 7% là phù hợp, tốc độ phát triển không thấp hơn 7% thì chưa cần áp dụng chính sách tiền tệ và các chính sách kích thích kinh tế khác thái quá. Hiện phát triển kinh tế trong mức hợp lý, tuy áp lực giảm tốc khá lớn, song chính sách tiền tệ vẫn cần đề phòng kinh tế lên xuống bất ổn lớn, cũng cần tránh kích thích thái quá, chỉ khi giải quyết tốt quan hệ của hai vấn đề này, kinh tế mới có thể phát triển lành mạnh.

Điều chỉnh tiền tệ vừa cần ngăn không để kinh tế giảm tốc mất phanh, vừa ngăn chặn lãi suất tăng cao. Tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 năm 2014 là 12%, thuộc mức hợp lý, phù hợp với quy luật khi GDP tăng trưởng 7,4% và lạm phát 2%, cộng thêm 3 điểm phần trăm là 12,4%, đồng thời vốn cho vay năm 2014 gần 10 nghìn tỉ, cho thấy hiện này “không phải quá thiếu tiền”.

Hiện nay, kinh tế Trung Quốc bước vào thời kỳ giảm tốc tăng trưởng do quy luật khách quan quyết định, điều chỉnh kết cấu đẩy nhanh tính lựa chọn chủ động trong chuyển đổi phương thức phát triển và giải quyết mâu thuẫn sau khi thực thi chính sách kích thích kinh tế của giai đoạn trước, chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng trung bình cao. Mức tăng trưởng 7,4% thấp hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm 2014, song vẫn ở mức hợp lý. Trong bối cảnh áp lực kinh tế giảm tốc khá lớn, nếu điều chỉnh chính sách tài chính và chính sách tiền tệ có chút không hợp lý, rất có khả năng khiến kinh tế giảm tốc mất phanh, chính sách tiền tệ cần điều chỉnh đúng mức. Số lượng và giá cả phải linh hoạt đa dạng, định hướng điều tiết, tránh để biện pháp kích thích thái quá theo kiểu “nước nhiều tưới chậm”, như thế chỉ gia tăng rủi ro, các rủi ro như sản lượng dư thừa, bong bóng bất động sản, nợ địa phương, tài chính…, tiền tệ đầu tư quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản, ngành chế tạo truyền thống và dư thừa đều gia tăng rủi ro.

Về điều tiết vĩ mô, ông Trương Kỳ Tá bày tỏ, Trung Quốc cần tập trung vào ba mũi nhọn, một là ổn định tăng trưởng. Dưới áp lực kinh tế tăng trưởng chậm lại, chính sách tiền tệ muốn thuận theo xu hướng tăng trưởng ổn định phải dựa vào tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Hiện xuất khẩu ở vào trạng thái tăng trưởng thấp, hy vọng tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu là không lớn. Như vậy, chỉ có thể trông chờ vào nhu cầu trong nước, đầu tư và tiêu dùng. Đến nay, đầu tư chiếm tới phân nửa GDP, tỷ trọng lớn hơn sẽ khó duy trì. Đầu tư ngành chế tạo, bất động sản và hạ tầng cơ sở đều đạt ngưỡng, cần tìm ra điểm tăng trưởng mới, trong đó, bao gồm bảo hiểm hưu trí, y tế và an sinh xã hội, vừa trông chờ vào đầu tư của chính phủ, mặt khác cũng cần xã hội hóa đầu tư. Mọi biện pháp điều tiết nâng cao hiệu quả, tăng tốc, mọi cách thức đầu tư để nâng cao thu nhập, tăng việc làm, có lợi cho an sinh xã hội đều có thể áp dụng. Có thể thấy cách thức đầu tư kiểu “nước nhiều tưới chậm” bây giờ là không thích hợp; hai là điều chỉnh kết cấu. Nhiệm vụ trước mắt cần giải quyết tốt quan hệ cân bằng giữa ổn định tăng trưởng và điều chỉnh kết cấu. Điều chỉnh kết cấu nhu cầu trong nước theo hướng lấy tiêu dùng làm chính, thúc đẩy nhu cầu tích cực. Trong điều chỉnh kết cấu, then chốt là điều chỉnh kết cấu ngành nghề, đặc biệt là phát triển ngành dịch vụ và ngành nghề chiến lược mới; ba là cải cách toàn diện. Cải cách là con đường giải quyết khó khăn với việc hạn chế rủi ro lớn nhất, nếu không cải cách sẽ không ổn định được kinh tế tăng trưởng nhanh, cũng không thể điều chỉnh kết cấu. Muốn ổn định tăng trưởng và điều chỉnh kết cấu nhất định cần quán triệt cải cách mở cửa. Hiện cải cách đang ở giai đoạn khó khăn nhất, cấp bách nhất và cần thiết nhất, quan trọng là phải coi trọng cách thức thực hiện, mọi vấn đề cần được giải quyết trong quá trình cải cách. Duy trì định hướng chiến lược tăng trưởng ổn định, điều chỉnh kết cấu, thúc đẩy cải cách, đảm bảo an sinh xã hội, phòng ngừa rủi ro.


XUNG QUANH THÔNG ĐIỆP CỦA TỔNG THỐNG MỸ B.OBAMA
Thông điệp trái chiều từ người dân Mỹ đối với Tổng thống Obama

TTXVN (London 21/1) - Theo bình luận của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về những vấn đề quốc tế (Chatham House) ngày 21/1, Thông điệp Liên bang hàng năm của Tổng thống Mỹ Barack Obama được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán, cả trong và ngoài nước, về sự hợp tác mới giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa trên nhiều vấn đề có tác động đến quan hệ giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, phản ứng ngay lập tức của đảng Cộng hòa trước Thông điệp Liên bang cho thấy những kỳ vọng này không dễ trở thành hiện thực, khi mà giữa 2 đảng vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng và nhiều câu hỏi cũng được đặt ra về định hướng tương lai trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Có lí do để vừa lạc quan và bi quan về điều này với kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Quan điểm ủng hộ chủ nghĩa biệt lập của người Mỹ, vốn tăng lên mức cao chưa từng thấy ở thời điểm cách đây một năm, dường như đã dịu bớt trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Nga. Mặc dù vậy, người Mỹ vẫn thận trọng với việc Washington can dự quá sâu vào các vấn đề thế giới và hoài nghi về những ảnh hưởng từ quá trình toàn cầu hóa đối với việc làm và tiền lương của họ. Hơn nữa, người Mỹ cũng bị phân cực về mặt chính trị đối với những vấn đề kinh tế và chiến lược liên quan đến Nga, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, biến đổi khí hậu và thương mại.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama trong các cuộc thăm dò dư luận là 47%, cao hơn 5 điểm phần trăm so với hồi tháng 9/2014, và cao hơn tỷ lệ ủng hộ dành cho cựu Tổng thống George W. Bush cùng thời điểm này năm 2007. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama vẫn gắn liền với sự thiên vị đảng phái, với 80% thành viên đảng Dân chủ và 10% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông. Bất chấp những đồn đoán về sự hợp tác giữa 2 đảng, việc ông Obama quá lạm dụng quyền hành pháp và đề cập nhiều ưu tiên chính sách của đảng Dân chủ trong Thông điệp Liên bang cho thấy ít có khả năng thay đổi thực tế này. Vậy Tổng thống Obama và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể nhất trí về vấn đề gì để thực hiện trên trường quốc tế trong năm nay?

Chủ nghĩa biệt lập đang quay trở lại thành một chủ đề được quan tâm trong đời sống chính trị ở Mỹ, mặc dù nó đã bớt "nóng" tại thời điểm hiện nay. Theo kết quả một cuộc khảo sát do hãng Pew Research công bố hồi tháng 11/2013, 51% số người Mỹ cho rằng Washington tham gia quá nhiều vào việc giải quyết những vấn đề thế giới. Tuy nhiên, đến tháng 8/2014, chỉ còn 39% số người Mỹ có quan điểm biệt lập như vậy. Trong khi đó, tỷ lệ người dân Mỹ cho rằng nước này can dự quá ít vào các vấn đề toàn cầu tăng từ 17% lên 31%. Kết quả này chủ yếu là do dân chúng Mỹ lo ngại về mối đe dọa từ IS và chủ nghĩa khủng bố. Có tới 57% số người Mỹ ủng hộ chính quyền Obama tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào IS ở Syria và Iraq, tạo tiền đề cho Quốc hội Mỹ chính thức thông qua đề nghị của ông Obama tấn công vào các mục tiêu của nhóm thánh chiến Hồi giáo này. Tuy nhiên, hiện người Mỹ vẫn đang chia rẽ về những tác động của chiến dịch này khi 47% số người được hỏi lo ngại nó sẽ đi quá xa.

Ngoài ra, người Mỹ cũng ngày càng lo ngại về Nga. Theo cuộc khảo sát do CNN vừa tiến hành, gần 2/3 (65%) số người Mỹ cho rằng Moskva là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ, tăng đáng kể so với tỷ lệ 44% năm 2012. Tuy nhiên, những gì mà người Mỹ sẵn sàng thực hiện đối với Nga là có giới hạn. Cuộc khảo sát Transatlantic Trends do Quỹ Ferman Marshall Fund thực hiện cho thấy, sau những hành động của Nga ở Ukraine, 68% số người Mỹ muốn Kiev được kết nạp vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 64% ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva, trong khi chỉ có 44% ủng hộ Washington cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.

Đáng chú ý là chủ nghĩa biệt lập Mỹ không song hành cùng với chủ nghĩa bảo hộ. Có tới 2/3 (66%) số người Mỹ được hỏi cho rằng việc nước này tham gia sâu hơn vào nền kinh tế thế giới là điều đáng làm và một tỷ lệ tương tự tin rằng thương mại mang lại lợi ích cho Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP - hiệp định có khả năng được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu trong năm nay) là 55%, trong khi tỷ lệ ủng hộ Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP - hiệp định mà cả Washington và Liên minh châu Âu -EU- hy vọng sẽ đàm phán xong trong năm 2015) là 53%.

Mặc dù vậy, nhiều người Mỹ vẫn hoài nghi về những lợi ích mà quá trình toàn cầu hóa mang lại cho bản thân họ. Chỉ có 20% số người Mỹ cho rằng thương mại tự do tạo ra nhiều việc làm hơn và 17% cho rằng tiến trình toàn cầu hóa sẽ giúp tăng tiền lương của người lao động. Với số liệu này, có thể thấy các luận cứ nhằm ủng hộ những thỏa thuận thương mại này của chính quyền Obama và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ chưa thực sự thuyết phục đối với người dân Mỹ.

Tư tưởng đảng phái trong tỷ lệ ủng hộ ông Obama cũng được thể hiện trong nhiều vấn đề quốc tế khác. Trong khi 57% thành viên đảng Dân chủ lo ngại rằng chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm vào các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ đi quá xa thì có tới 63% số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng chiến dịch này chưa đủ mạnh tay. Sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Pháp, 64% người Mỹ lo ngại các vụ tấn công tương tự sẽ sớm xảy ra ở Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả vấn đề này cũng có sự chia rẽ giữa 2 đảng, khi 77% thành viên đảng Cộng hòa và 59% thành viên đảng Dân chủ cho thấy họ lo ngại về một vụ tấn công như vậy. Trong khi đó, 64% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ Mỹ cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ cho Ukraine, nhưng chỉ có 54% thành viên đảng Dân chủ đồng ý với việc này. Đối với Hiệp định TTIP, có tới 60% thành viên đảng Dân chủ ủng hộ, trong khi tỷ lệ này trong số các thành viên đảng Cộng hòa chỉ là 44%.

Thúc đẩy việc thực hiện các kế hoạch đề ra với sự ủng hộ của cả 2 đảng là chủ đề đang được lãnh đạo đảng Cộng hòa ở cả Quốc hội và Nhà Trắng đề cập tới. Tổng thống Obama cũng nhắc lại điều này trong Thông điệp Liên bang vừa qua. Tuy nhiên, thông điệp của người dân Mỹ là trái chiều: họ ủng hộ sự can dự chiến lược và kinh tế của Mỹ với phần còn lại của thế giới, nhưng trong giới hạn nhất định. Cùng với bất đồng giữa 2 đảng, người dân Mỹ vẫn còn chia rẽ về nhiều vấn đề cho dù lãnh đạo đảng của họ ở Washington nói gì đi chăng nữa. Thực tế này có dẫn đến các giải pháp thỏa hiệp được cả 2 đảng ủng hộ, hoặc bất đồng lớn hơn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong định hướng chính sách đối ngoại hay không thì vẫn cần phải có thêm thời gian.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 163.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương