THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)


Mỹ: Cuộc chiến phe phái sẽ tiếp tục sau Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama?



tải về 163.02 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích163.02 Kb.
#30918
1   2   3

Mỹ: Cuộc chiến phe phái sẽ tiếp tục sau Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama?

TTXVN (London 21/1) - Khi Tổng thống Bill Clinton mất quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện năm 1994, Thông điệp Liên bang ngay sau đó của ông có cách tiếp cận mang tính hòa giải, tập trung vào những lĩnh vực có cùng lợi ích mà nhà lãnh đạo này và đảng Cộng hòa đối lập ít nhất có thể thực hiện dần từng bước. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama lại có cách tiếp cận ngược lại. Thay vì tìm kiếm sự hòa giải với phe đối lập, ông lại "tuyên chiến" với chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House), mặc dù cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều kêu gọi hợp tác với nhau nhưng chắc chắn không bên nào thực hiện điều này, trừ khi đó là vấn đề mà cả hai đảng đều muốn giải quyết. Cách tiếp cận trái ngược của Tổng thống Obama sẽ cản trở tiến trình thực hiện các vấn đề trong nước, từ kinh tế cho tới sự bất bình đẳng, giáo dục, cơ sở hạ tầng, nhập cư và môi trường.

Ông Obama có cách tiếp cận quyết đoán hơn vì 3 lí do cơ bản. Thứ nhất, ông muốn để lại di sản. Với 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, Obama đang hướng về tương lai. Rõ ràng, Obama đang hy vọng rằng di sản của ông được thể hiện thông qua sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và việc đảm bảo sự phân phối công bằng sự thịnh vượng này tới tầng lớp trung lưu. Obama đã tận dụng cơ hội này để xác định câu chuyện về sự thành công của nhiệm kỳ tổng thống và đặt ra những ưu tiên trong 2 năm cuối của mình.

Thứ hai, Obama cảm thấy rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã luôn cố gắng chìa tay ra với các đảng viên Cộng hòa và muốn tìm được một nền tảng chung. Bất chấp nỗ lực này, ông liên tục bị từ chối và lên án. Do đó, theo đánh giá của Obama, bất cứ sự cố gắng nào từ phía ông cũng sẽ bị đảng Cộng hòa coi là sự nhượng bộ hơn là bắt đầu một tiến trình thỏa hiệp. Trong tình thế này, sự cố gắng cũng sẽ không mang lại bất cứ lợi ích gì cho ông.

Thứ ba, Thông điệp Liên bang cho phép Tổng thống Obama tác động đến người dân Mỹ và tạo ra một câu chuyện mà không chỉ các thành viên đảng Cộng hòa mà ngay cả ứng cử viên tổng thống tiếp theo của đảng Dân chủ cũng sẽ phải hưởng ứng. Trong vòng hai tuần qua, Tổng thống Obama đã xem xét lại những sáng kiến của mình. Bằng cách thuyết phục người dân Mỹ về những ý tưởng này và tìm kiếm sự ủng hộ của họ, Obama hy vọng rằng phe đối lập khó có thể cản trở tiến trình thực hiện những kế hoạch mà ông đưa ra. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tin tưởng rằng cách này có thể buộc đảng Dân chủ phải giải quyết những ưu tiên mà ông đề ra ngay cả khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Thông điệp Liên bang đề cập tới một số mục tiêu trong nước có thể nhận được sự ủng hộ của người dân, nhưng đã bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội bác bỏ. Tổng thống Obama nêu rõ ưu tiên đầu tiên và cao nhất trong thời gian tới vẫn là đảm bảo sự bình đẳng về kinh tế (thông qua việc tăng thuế đối với giới nhà giàu và các thể chế lớn, miễn phí cho sinh viên theo học tại các trường đại học công lập và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn). Tiếp đến là các vấn đề liên quan đến môi trường và an ninh (đặc biệt là an ninh mạng và chống khủng bố).

Việc vạch ra những ưu tiên trong nước cũng cho phép Tổng thống Obama đặt trách nhiệm lên vai những thành viên đảng Cộng hòa. Sau khi nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, đảng Cộng hòa thừa hiểu rằng người dân Mỹ sẽ theo dõi sát sao xem đảng này có hoạt động hiệu quả hay không. Tổng thống Obama từng tuyên bố rằng ông sẽ phủ quyết các ưu tiên của đảng Cộng hòa (như thông qua dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, bãi bỏ đạo luật Obamacare và xây dựng các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn) và thay vào đó là kêu gọi đảng Cộng hòa hưởng ứng chương trình nghị sự của ông. Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa ở Thượng viện và Hạ viện sẽ phải quyết định xem họ có thể nhượng bộ một số ưu tiên của Obama hay chấp nhận rủi ro bị đánh giá là "đảng cản trở" trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.

Tuy nhiên, có một số khía cạnh trong Thông điệp Liên bang mà hai đảng có thể cùng nhau thực hiện, đặc biệt trong chính sách đối ngoại. Tổng thống Obama mong muốn Quốc hội cho ông "Quyền xúc tiến thương mại", tạo điều kiện cho ông đàm phán một cách hiệu quả hơn TPP và TTIP. Nếu không có quyền này, cả hai hiệp định kể trên, vốn được xem là ưu tiên chiến lược của Chính phủ Mỹ, gần như không thể đạt được.

Ông Obama cũng yêu cầu Quốc hội Mỹ trao quyền mới để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mặc dù ông tuyên bố rằng mình không cần phải đòi hỏi quyền này (ông tiếp tục sử dụng đặc quyền trao cho tổng thống ngay sau ngày 9/11). Động thái này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ tiếp tục đối phó với mối đe dọa từ IS bất chấp những chia rẽ chính trị. Đây là hai lĩnh vực mà đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể và nên hợp tác với nhau. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến trong phần lớn Thông điệp Liên bang, nhiều khả năng điều duy nhất mà hai đảng nhất trí với nhau đó là sự không khoan nhượng.

Hai năm tới sẽ tiếp tục chịu sự tác động từ tư tưởng đảng phái cùng với chiến dịch tranh cử tổng thống. Tổng thống Obama sẽ tập trung vào chương trình nghị sự lâu nay là giảm sự bất bình đẳng, ủng hộ các mục tiêu liên quan đến môi trường và tìm cách thức mới để lãnh đạo thế giới. Với một đảng Cộng hòa bảo thủ và nhiều ứng cử viên của đảng này muốn ra tranh cử tổng thống vào năm 2016, phe đối lập ít có khả năng hưởng ứng chương trình nghị sự của ông Obama.


VENEZUELA
Một vài kịch bản thay đổi chính quyền tại Venezuela

TTXVN (La Habana 20/1) - Theo mạng tin Infolatam, với nhiều khó khăn chồng chất, hiện tại câu hỏi thường gặp nhất tại Venezuela giờ đây là làm thế nào thoát khỏi khủng hoảng, hay liệu chính quyền của Tổng thống Nicolás Maduro có thể cầm cự thêm bao lâu?

Thiếu vắng khả năng lôi cuốn của cố Tổng thống Chávez, Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền hiện như con rắn hai đầu, khi ông Maduro phải chia sẻ quyền lực với Chủ tịch Quốc hội Diosdado Cabello và đã xuất hiện nhiều rạn nứt nội bộ khi các bè phái khác nhau muốn thực hiện ưu tiên của mình.

Quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ càng làm phức tạp tình hình, khiến các nhà lãnh đạo Venezuela lúng túng trong các bài diễn văn “chống chủ nghĩa đế quốc” và làm suy yếu các tổ chức Petrocaribe và ALBA do liên minh La Habana – Caracas làm nòng cốt.

Trong bối cảnh đó, không phải vô cớ mà mạng tin tình báo Stratfor cảnh báo khả năng đảo chính trong chuyến công du dài ngày của Tổng thống Maduro vừa qua và lần này xuất phát từ nội bộ PSUV. Theo họ, trong khi các sĩ quan chuyên nghiệp ủng hộ ông Cabello, thì nhiều đảng viên PSUV và các tổ chức xã hội vẫn còn khá trung thành với Tổng thống.

Chỉ trong năm nay, một khi đã cạn kiệt các nguồn tài chính, kể cả các nguồn tín dụng nào đó mà ông Maduro đã giành được trong chuyến công du nhiều nước vừa qua, chính quyền sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp cứng rắn rất mất lòng dân nếu không muốn sụp đổ: phá giá đồng tiền, cắt giảm chi tiêu công và giúp đỡ nước ngoài, chấm dứt trợ giá xăng dầu và nhu yếu phẩm. Nếu các khó khăn hiện tại tiếp tục, thì không loại trừ khả năng Venezuela không tổ chức nổi cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới - một điều sẽ chỉ có lợi cho phe đối lập.

Tại thời điểm này, các phe phái trong PSUV đang thận trọng khi một cuộc đảo chính quân sự hay ép buộc Tổng thống từ chức sẽ càng làm chia rẽ nội bộ và khiến đảng này đánh mất quyền lực. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Maduro vẫn tiếp tục thụ động, thì không loại trừ khả năng các thành phần thân ông Cabello sẽ ép buộc Tổng thống từ chức. Trong kịch bản này, cũng không loại trừ khả năng nổi lên của các nhân vật mới, trong đó có thể kể tới Thiếu tướng Miguel Rodríguez Torres, cha đẻ của cơ quan tình báo quyền lực SEBIN và là Bộ trưởng Nội vụ tới tháng 10/2014.

Cũng trong kịch bản thay đổi chính quyền này, nhiều khả năng các cố vấn an ninh của Cuba tại Caracas sẽ đóng một vai trò khiêm tốn hơn vị thế chiến lược của họ, do điều La Habana muốn đơn giản là duy trì nguồn viện trợ dầu khí và sẽ tránh những căng thẳng không cần thiết.

Phản ứng của giới quân sự không thân PSUV có phần khó dự đoán hơn, nhưng nếu một ai đó trong giới sĩ quan có tiềm lực và tham vọng vị trí cầm quyền, thì nhiều khả năng họ sẽ chờ đợi và chỉ hành động sau khi người kế vị bất thường của ông Maduro cũng thất bại và các phong trào phản đối trên đường phố trở nên không thể kiểm soát. Đơn giản là nếu tồn tại một nhân vật như vậy, người đó cũng không muốn trở thành người đầu tiên đưa ra các chính sách khắc nghiệt và là “đao phủ” trực tiếp của trường phái Chávez.

Tất nhiên, không thể bỏ qua phe đối lập, đặc biệt là cựu ứng cử viên Tổng thống Henrique Capriles. Tuy nhiên, với uy tín đang xuống thấp của chính quyền, nhiều khả năng là họ sẽ chờ đợi tới cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính quyền vào năm 2016 và tiếp tục các lời kêu gọi xuống đường phản đối, hơn là thúc đẩy một cuộc đảo chính đầy rủi ro.

Như trên đã nói, một cuộc đảo chính sẽ làm phức tạp hơn cuộc khủng hoảng tại Venezuela hiện tại, nhưng nếu trong những tháng tới, nếu chính quyền không có những sáng kiến kinh tế và xã hội thực sự mạnh mẽ, khả năng này càng trở nên hiện hữu. Tổng thống Maduro vẫn còn cơ hội để hành động, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy ông sẽ lại thất bại, khi mà ông vẫn chưa có chuyển biến gì, thậm chí ngay cả trong các bài diễn văn.


Trung Quốc nghi ngờ về khả năng trả nợ của Venezuela

TTXVN (Buenos Aires 21/1) - Trả lời phỏng vấn hãng tin Notimex (Mexico), cựu Vụ trưởng quan hệ đối ngoại Bộ ngoại giao Venezuela Rafael Enrique Mujica cho biết, Trung Quốc đã từ chối cấp cho quốc gia Nam Mỹ này khoản vay khẩn cấp 16 tỷ USD vì nghi ngờ khả năng trả nợ của Caracas.

Theo ông Mujica, hiện là giảng viên Trường Đại học Tổng hợp trung tâm Venezuela, trong tháng 3 tới, Venezuela phải thanh toán nợ gốc và lãi trị giá trên 2 tỷ USD cho các chủ nợ quốc tế. Trung Quốc chờ tới lúc đó để biết liệu Caracas có hoàn thành cam kết trên hay không trong bối cảnh nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ giảm mạnh do rớt giá.

Ông Mujica cho rằng Trung Quốc không dám mạo hiểm cho Venezuela vay vốn, vì vậy đã từ chối khoản vay khẩn cấp 16 tỷ USD do Tổng thống Nicolás Maduro đề nghị trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của ông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cam kết tài trợ các dự án dài hạn tại Venezuela. Một phái đoàn các lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc sẽ thăm quốc gia Nam Mỹ này để tìm hiểu tiềm năng hợp tác kinh tế.

Theo ông Mujica, việc Trung Quốc cam kết tài trợ các dự án công nghiệp và năng lượng tại Venezuela trị giá 20 tỷ USD, trong chuyến thăm của các lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc tới Venezuela, sẽ giúp nước này rất ít trong giải quyết những vấn đề kinh tế mà Caracas phải đối đầu do thiếu khả năng thanh khoản.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngày 21/1 dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela sẽ giảm 7% trong năm nay, giảm mạnh so với dự báo giảm 1% được đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, do giá dầu rơi tự do trên thị trường quốc tế trong thời gian vừa qua.

Dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất của Venezuela. Theo IMF, tại Mỹ Latinh, Venezuela là nước bị ảnh hưởng nhất bởi tình trạng dầu trượt giá.

TÌNH HÌNH ALGERIA QUÝ IV/2014
TTXVN (Algiers 19/1) -

I.Tình hình trong nước

1. Chính trị-xã hội

Trong quý IV/2014, tình hình kinh tế chính trị Algeria nhìn chung không có xáo trộn lớn. Algeria tiếp tục theo đuổi chính sách đa phương hóa quan hệ qua chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Abdelmalek Sellal, qua đó góp phần tăng cường quan hệ giữa Algeria với Pháp, với Tây Ban Nha...

Sau một thời gian gần như vắng mặt trên chính trường vì lý do sức khỏe, trong những tháng cuối năm, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã xuất hiện trở lại, đồng thời để xóa bỏ những tin đồn về sức khỏe yếu của Tổng thống mà phe đối lập đưa ra. Ông Bouteflika đã có một số hoạt động đối ngoại như chủ trì hội đàm với Thủ tướng Italy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, và tiếp một loạt đại sứ các nước đến trình quốc thư, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Algeria.

Liên quan đến sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống khẳng định Algeria đang chuẩn bị nghiêm túc cho việc sửa đổi Hiến pháp dựa trên những kết quả tham vấn rộng rãi về vấn đề này, nhằm tập hợp mọi tầng lớp xã hội. Mục đích là tạo ra sự đồng thuận xung quanh các vấn đề cơ bản và bảo đảm tính hiệu quả của những quy định mới cho Hiến pháp sửa đổi. Ông Bouteflika cho biết mục tiêu đề ra nhằm hướng tới tạo thuận lợi hóa cho tiến trình mở cửa của xã hội Algeria, đồng thời duy trì sự ổn định của đất nước, giúp đất nước tránh được những rối loạn mà nhiều nước khác trên thế giới đang vấp phải ở thời đại này. Tổng thống Bouteflika khẳng định sửa đổi Hiến pháp thể hiện ý chí chính trị biến luật pháp tối cao của đất nước phù hợp với những thay đổi của xã hội, cũng như có một công cụ pháp lý cần thiết.



2. Kinh tế

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt 3,84%. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 9,8%. Doanh thu từ dầu mỏ đạt 60 tỷ USD, thấp hơn 2 tỷ USD so với năm 2013. Thặng dư thương mại của Algeria trong năm 2014 sẽ ở mức 5 tỷ USD, giảm hơn 50% so với năm 2013. Xuất khẩu của nước này trong năm 2014 sẽ đạt 64 tỷ USD, trong khi nhập khẩu sẽ đạt 59 tỷ USD. Trong bối cảnh giá dầu tiếp tục đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm, Tổng thống Bouteflika đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng. Tại cuộc họp này, ông Bouteflika cũng đã loại bỏ khả năng xem lại chính sách đầu tư công, được xem như là động lực của sự tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân. Tổng thống Bouteflika cũng bảo đảm rằng chương trình phát triển kinh tế 5 năm (2015-2019), với tổng trị giá 250 tỷ USD vẫn sẽ được duy trì.



Vào ngày cuối cùng của năm 2014, Tổng thống Bouteflika đã ký phê chuẩn Dự thảo ngân sách, theo đó, quốc gia này có thể bị thâm hụt ngân sách 41,7 tỷ euro (51,2 tỷ USD) vào năm 2015 do sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Dự báo nhịp độ tăng trưởng Tổng sản phẩm (GDP) của Algeria chỉ đạt 3,4% trong năm 2015, và nếu không tính tới yếu tố giá dầu mỏ giảm thì có thể đạt mức tăng trưởng 4,3%.

Dự kiến, thu ngân sách và chi ngân sách của Algeria sẽ đạt lần lượt 46,9 tỷ euro (55,4 tỷ USD) và 88,6 tỷ euro (104,7 tỷ USD), khiến thâm hụt ngân sách sẽ ở mức tương đương 22,1% GDP.

II. Quan hệ Algeria-Việt Nam

Về kinh tế: Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, trao đổi thương mại Việt Nam-Algeria trong năm 2014 tiếp tục tăng mạnh khi kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2014 dự báo đạt 370 triệu USD, tăng 30% so với năm 2013. Đây là kim ngạch đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó Việt Nam xuất siêu gần 100%. Kim ngạch nhập khẩu không đáng kể, chỉ trên 800 nghìn USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là cà phê hạt (135 triệu), gạo (28 triệu), điện thoại và linh kiện (95 triệu).

Về đầu tư: Liên doanh dầu khí của Petrovietnam dự kiến cuối năm 2014 sẽ bắt đầu khai thác, tuy nhiên, thời gian bắt đầu chính thức phải dời sang quý I/2015, sản lượng khoảng 20.000 thùng/ngày. Các đối tác Algeria mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, nhà ở, sản xuất hàng tiêu dùng (chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép…).

Về xuất khẩu lao động: Nhiều công nhân Việt Nam đang làm việc trên các công trường xây dựng đường cao tốc Đông-Tây và hạ tầng, nhà ở của Algeria. Trong năm 2014, hơn 500 người Việt Nam tham gia các dự án do nhà thầu Nhật Bản và Trung Quốc thực hiện./.




Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 163.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương