THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)


Lý do không xuất hiện liên minh Trung-Nga mới



tải về 220.26 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích220.26 Kb.
#29352
1   2   3   4   5

Lý do không xuất hiện liên minh Trung-Nga mới

TTXVN (Ottawa 15/1) - Theo mạng tin Project syndicate ngày 12/1, năm 2014, Nga và Trung Quốc đạt được những tiến bộ lớn trong việc thúc đẩy sự hợp tác kinh tế và ngoại giao, dẫn đến những dự đoán về sự hồi sinh của một liên minh kiểu Chiến tranh Lạnh vào giữa thế kỷ 21. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc khó có thể hình thành một liên minh thực sự.

Nhiều nhà phân tích tin rằng năm 2014 báo hiệu một kỷ nguyên mới của thời Chiến tranh Lạnh. Quan hệ Nga-phương Tây suy yếu do cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Kremlin nóng lòng tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Vấn đề là liệu Nga có xây dựng một liên minh thực sự với Trung Quốc hay không?

Nhìn lại thời kỳ những năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô lúc đó đã từng liên minh chống Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ và Trung Quốc khai thông quan hệ năm 1972, quan hệ hai nước đã có sự thay đổi đáng kể khi Mỹ và Trung Quốc hợp tác để ngăn chặn sự trỗi dậy của Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc thiết lập quan hệ với Nga. Trong những năm gần đây, hai nước hợp tác chặt chẽ tại Hội đồng Bảo an LHQ, cùng tham gia Nhóm các nền kinh tế đang nổi BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)... Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Quan hệ kinh tế Nga-Trung đạt nhiều tiến bộ. Tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng khí đốt lớn trị giá 400 tỷ USD, theo đó Nga cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc trong vòng 30 năm, bắt đầu từ năm 2019. Tháng 11/2014, công ty khí đốt Gazprom đã công bố một hiệp định khung nhằm cung cấp thêm 30 tỷ m3 khí đốt/năm cho tỉnh Tân Cương của Trung Quốc từ phía Tây Siberia trong 30 năm thông qua một hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới khác. Nếu 2 hợp đồng này được thực hiện, số khí đốt hàng năm của Nga bán cho Trung Quốc là 68 tỷ m3, cao hơn mức 40 tỷ m3 khối/năm xuất khẩu cho khách hàng lớn nhất của Nga là Đức. Tuy nhiên, các hợp đồng khí đốt nói trên không thể bù đắp việc Nga mất khả năng tiếp cận công nghệ phương Tây mà họ cần để khai thác các mỏ dầu và khí đốt tại Bắc Cực để trở thành một siêu cường năng lượng, chứ không phải là một "trạm xăng" của Trung Quốc.

Trên thực tế, việc hình thành liên minh Trung-Nga không hề đơn giản. Với sức mạnh kinh tế, quân sự ngày một lớn mạnh và dân số đông, Trung Quốc đang khiến Nga khó chịu. Ví dụ, khi xem xét tình hình dân số sinh sống tại Đông Siberia, khoảng 6 triệu người Nga trong khi có tới 120 triệu người Trung Quốc. Hơn nữa, sức mạnh kinh tế và quân sự của Nga có phần suy giảm trong khi sức mạnh của Trung Quốc ngày một tăng. Sự mất cân bằng này cho thấy Nga có thể "không mặn mà" khi gắn bó kiểu liên minh quân sự với Trung Quốc mặc dù hai nước đang theo đuổi sự phối hợp ngoại giao chiến lược cùng có lợi.

Về phía Trung Quốc, nước này muốn hợp tác với Nga cũng có những hạn chế. Chiến lược phát triển của Trung Quốc phụ thuộc vào sự tiếp tục hợp nhất với nền kinh tế thế giới, nhất là sự tiếp cận các thị trường và công nghệ Mỹ. Tính hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc đang phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh và họ sẽ không "hy sinh" chiến lược này vì một liên minh với Nga.

Liên minh Trung-Nga trong thế kỷ 20 xuất phát từ sự suy yếu của Trung Quốc sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và chỉ kéo dài hơn một thập kỷ. Trung Quốc hiện đang hùng mạnh và dường như không muốn xích quá gần với Nga. Có thể nói, lịch sử không lặp lại và năm 2014 không phải là một năm thành công của chính sách đối ngoại Nga.

TÌNH HÌNH BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN NĂM 2014
TTXVN (Seoul 15/1)

I. Tình hình Hàn Quốc

1. Chính trị

Chính quyền của Tổng thống Park Geun Hye đề xuất Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế 3 năm - kế hoạch tầm nhìn 474 - với mục tiêu tăng trưởng đạt 4%, 70% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm và thu nhập bình quân đầu người đạt 40.000 USD/năm. Về mặt thể chế, chính quyền của Tổng thống Park tiến hành các bước cắt giảm đến mức tối đa các qui định, thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp, kêu gọi và thu hút đầu tư nước ngoài thông qua chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, nới lỏng điều kiện chuyển lợi nhuận về nước.

Quan hệ giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập cũng có bước cải thiện. Hai đảng nhất trí về nguyên tắc việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng thống, từ 5 năm xuống còn 4 năm, song có thể được tái cử thêm một nhiệm kỳ, phân định rõ ràng quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng theo hướng Tổng thống chịu trách nhiệm các vấn đề an ninh, đối ngoại; Thủ tướng phụ trách các vấn đề đối nội...

2. Kinh tế

Năm 2014, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm hơn so với dự báo ban đầu, khả năng đạt ở mức 3,4% - 3,5%, thấp hơn mục tiêu ban đầu là 3,9%; tỷ lệ lạm phát ở mức 1,9%. Cho đến hết tháng 11, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc đã đạt trên 1.000 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 520,1 tỷ USD và nhập khẩu là 480 tỷ USD. Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng đã có dấu hiệu chững lại do nhu cầu tăng chậm của thị trường Trung Quốc, hợp tác kinh tế với Nhật Bản bị suy giảm trong 3 năm liên tiếp và cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường sản phẩm công nghệ cũng như thị trường ô tô toàn cầu trong bối cảnh đồng won tăng giá.

Tháng 7/2014, chính phủ đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 40 tỷ USD, trong đó 11 tỷ USD dành cho chi tiêu mở rộng và 29 tỷ USD dành trợ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và hiện đang thuyết phục Quốc hội để phê chuẩn dự toán ngân sách cho năm 2015 mà dự kiến sẽ khiến thâm hụt tài khóa lớn hơn nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước.

3. Đối ngoại

Năm 2014, Hàn Quốc đã chính thức ký Thỏa thuận Tự do Thương mại (FTA) với Australia và Canada, kết thúc đàm phán FTA với Trung Quốc và Việt Nam.

Đường lối, quan điểm xử lý vấn đề Triều Tiên, sáng kiến xây dựng lòng tin ở Đông Bắc Á và Tuyên bố Dresden về chính sách thống nhất 2 miền của Tổng thống Park tiếp tục nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế; vai trò và vị thế của Hàn Quốc ngày càng được nâng cao.

Quan hệ đồng minh Hàn Quốc - Mỹ: Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận liên quan đến việc chia sẻ chi phí cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc; nhất trí lùi thời hạn chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến (OPCON) cho Hàn Quốc, tăng cường hợp tác đối phó với các khiêu khích từ Triều Tiên, triển khai hiệu quả KORUS FTA... Tuy nhiên, do các tính toán về mặt chiến lược, nhất là nhân tố Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn không chấp nhận tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chung do Mỹ lãnh đạo mà tiếp tục nâng cấp hệ thống phòng thủ riêng của mình (KAMD) và để ngỏ khả năng cho phép Mỹ tự triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại các căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Hai bên tiến gần tới việc đạt được thỏa thuận Hiệp định hạt nhân dân dụng mới.

Quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc: Đoàn 44 nghị sĩ Hàn Quốc thăm Trung Quốc (tháng 4/2014) là một sự kiện chưa từng có trong quan hệ 2 nước, thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ của Quốc hội Hàn Quốc đối với chủ trương, chính sách của chính quyền Tổng thống Park trong thúc đẩy quan hệ hai nước. Chủ tịch đảng cầm quyền cũng dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao của đảng thăm Trung Quốc (tháng 10/2014) nhằm thúc đẩy quan hệ hai đảng và hai nước.

Trong 2 năm cầm quyền, Tổng thống Park đã 5 lần gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và 1 lần gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường (nhiều hơn gặp Obama), đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước kết thúc đàm phán FTA ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Trung bên lề APEC. Chủ tịch Tập Cận Bình phá thông lệ, tiến hành thăm Hàn Quốc trước khi thăm Triều Tiên và trong chuyến thăm này, hai bên đã ký 12 hiệp định hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc hoán đổi tiền tệ mà theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp của hai bên tiết kiệm được 5% chi phí so với việc thanh toán qua đồng USD. Hai bên nhất trí hình thành cơ chế tuần tra chung trên biển, nhằm hạn chế tình trạng ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm thủy hải sản trong vùng biển của Hàn Quốc.



Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản: Hàn Quốc tiếp tục tỏ lập trường cứng rắn, đưa ra điều kiện cho việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản, cho rằng phía Nhật Bản cần phải thay đổi thái độ và nhận thức về các vấn đề quá khứ lịch sử giữa hai nước; lo ngại Nhật Bản giải thích lại Tuyên bố Kono, song tỏ thái độ không tin cậy vào các cam kết của chính giới Nhạt Bản về vấn đề này.

Hai bên cũng tiến hành một số cuộc đối thoại cấp Cục trưởng khu vực nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ mua vui nhưng không đạt tiến triển do cách tiếp cận còn quá khác nhau. Cả chính phủ lẫn truyền thông Hàn Quốc đều tỏ khó chịu khi Nhật Bản chủ động tiếp cận Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc, lo sợ Nhật Bản giải quyết vấn đề này sẽ dẫn tới nới lỏng trừng phạt kinh tế khiến Triều Tiên không quan tâm tới cải thiện quan hệ liên Triều cũng như đàm phán 6 bên. Đồng thời lo ngại việc Nhật Bản chấp nhận giải thích lại Hiến pháp về vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể tác động đến an ninh trong khu vực Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên.



Quan hệ Hàn Quốc – Nga: Nga tiếp tục là đối tác quan trọng của Hàn Quốc về kinh tế và hỗ trợ Hàn Quốc trong quan hệ với Triều Tiên. Gần đây, phía Nga thúc giục Hàn Quốc tích cực phối hợp triển khai các thỏa thuận hợp tác đạt được trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Putin (2013), nhất là các thỏa thuận về hợp tác kinh tế với sự tham gia của Triều Tiên.

II. Tình hình bán đảo Triều Tiên và quan hệ liên Triều

Năm 2014, Triều Tiên cử đoàn cấp cao tiến hành chuyến thăm bất ngờ tới Hàn Quốc nhân dịp ASIAD; tổ chức 2 cuộc gặp cấp cao, cuộc gặp giữa 2 Bộ Quốc phòng và 2 cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán...

Hàn Quốc tiếp tục duy trì chính sách “cứng rắn-tương xứng” đối với Triều Tiên: Đáp trả một cách cứng rắn và không khoan nhượng ở mức độ tương xứng đối với các hành vi khiêu khích của Triều Tiên; mở cửa cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở qui mô vừa phải, luôn khẳng định sẵn sàng hỗ trợ về mặt kinh tế, nhân đạo nếu Triều Tiên “đi đúng hướng”, từ bỏ chương trình hạt nhân.

Hàn Quốc cũng thúc đẩy mạnh chính sách thống nhất như thành lập Ủy ban trù bị thống nhất, tăng cường các diễn đàn, hội nghị trao đổi kinh nghiệm, mô hình thống nhất.

Triển vọng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục bế tắc, do cách tiếp cận của các bên còn có sự khác biệt; Mỹ, Nhật Bản khăng khăng yêu cầu Triều Tiên phải có các bước đi thực chất, thể hiện quyết tâm và cam kết phi hạt nhân hóa; Trung Quốc, Nga mong muốn sớm nối lại đàm phán 6 bên mà không kèm điều kiện cụ thể; Hàn Quốc một mặt ủng hộ quan điểm của Mỹ, song mặt khác cũng muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy việc sớm nối lại đàm phán 6 bên. Gần đây, Choe Ryong Hae, Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư BCH Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Đặc phái viên của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong chuyến thăm Nga (tháng 11/2014) đã nói Triều Tiên có thể chấp nhận nối lại đàm phán 6 bên vô điều kiện. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn duy trì quan điểm chủ đạo rằng hạt nhân là vấn đề không thể mặc cả, đánh đổi.

III. Tình hình người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc

Theo số liệu do phía Hàn Quốc công bố, tỷ lệ lao động Việt Nam không về nước đúng hạn sau khi kết thúc hợp đồng trong những tháng qua vẫn ở mức cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của 14 quốc gia phái cử khác. Đặc biệt, tỷ lệ này còn có xu hướng tăng lên trong cuối quý III/2014 so với 2 quý đầu năm (33,83% so với 31,5%).

Công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập do phía Hàn Quốc không phối hợp cung cấp danh sách lao động bỏ trốn cũng như các thông tin liên quan đến số lao động chuyển đổi công ty sau khi nhập cảnh Hàn Quốc.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với những lao động không về nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động từ tháng 3/2014. Như vậy, trong tổng số 16.731 lao động của Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chỉ có thể áp dụng Quy định về xử phạt đối với khoảng 1.300 lao động; số còn lại (trên 15.000 lao động) là không thể xử phạt.

Các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc hết sức quan tâm và mong muốn phía Việt Nam thực hiện có kết quả việc cưỡng chế đối với lao động bị xử phạt để mang tính răn đe, góp phần giảm số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng như số lượng lao động không về nước đúng thời hạn sau khi kết thúc hợp đồng.
TÌNH HÌNH CUBA, MỸ LATINH QUÝ IV/2014
TTXVN (La Habana 14/1) -

I. Tình hình Cuba:

1. Chính trị, an ninh-quốc phòng:

Năm 2014, quá trình triển khai Đường lối kinh tế xã hội của Đảng và Cách mạng được thông qua tại Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba vẫn đang tiến bước và đã chuyển sang một giai đoạn cao hơn về chất trong lĩnh vực này, trong đó những vấn đề phức tạp nhất đang được xử lý và sẽ có tác động đến mọi mặt đời sống xã hội trong nước. Đa phần các chính sách kinh tế xã hội mà chính phủ Cuba ban hành trong thời gian qua đã và đang phát huy tác dụng, đem lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ và tạo ra những bước chuyển biến trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội đất nước. Gắn liền với cập nhật hóa mô hình kinh tế là quá trình phi tập trung hóa dần dần quyền lực từ các bộ xuống hệ thống doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều mà đòi hỏi thời gian đủ để chuẩn bị và tập huấn cho các lớp cán bộ các cấp, thay đổi tư duy lỗi thời và từ bỏ những thói quen cũ, cũng như xây dựng và tạo lập khung pháp lý, phương thức tiến hành phù hợp để mọi cán bộ có thể kiểm soát việc thực hiện đúng đắn, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, và như vậy nhằm tránh những bước lùi không cần thiết.

Việc chính phủ Cuba và Mỹ quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ đã tạo ra một bầu không khí lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn, phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn đối với hòn đảo này. Tuy nhiên, như Chủ tịch Raul Castro đã khẳng định tại kỳ họp Quốc hội mới đây rằng mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ “là nguyện vọng chính đáng, song không vì thế mà Cuba sẽ từ bỏ những lý tưởng đã phải đấu tranh hơn một thế kỷ qua, những lý tưởng mà nhân dân đã phải đổ rất nhiều máu và phải trải qua nhiều hiểm nguy”. Ông nhấn mạnh rằng Cuba luôn sẵn sàng đối thoại một cách tôn trọng, trên cơ sở bình đẳng để thảo luận về mọi vấn đề một cách có đi có lại, song không ảnh hưởng tới độc lập dân tộc và quyền tự quyết, cũng như những nguyên tắc của cách mạng.

Trong khi đó, tình hình an ninh quốc phòng ở Cuba vẫn tiếp tục ổn định cho dù các nhóm chống đối trong nước không ngừng xúc tiến các hoạt động gây thanh thế cả trong nước và đối với dư luận quốc tế. Từ bên ngoài, các nhóm phản động gốc Cuba, cùng với các thế lực cực hữu trong quốc hội Mỹ, chính phủ cánh hữu một số nước khác, cũng vẫn thường xuyên gây sức ép đối với Cuba trong vấn đề dân chủ nhân quyền. Tuy nhiên, chính phủ Cuba luôn kiên định và kiên quyết vạch trần mọi âm mưu bóp méo sự thật, kích động gây bạo loạn trong nước của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

2. Kinh tế-xã hội:

Trước tình hình khó khăn chung và biến động của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Cuba tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do sản xuất trong nước chưa phát triển và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngoại thương. Mặc dù Chính phủ đã kiên quyết thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nhẹ để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, giảm nhập khẩu, nhưng điều kiện sản xuất thực tế đến nay và trong ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Theo thông báo của chính phủ Cuba, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 chỉ đạt mức tăng trưởng 1,3%, thấp hơn so với mức đặt ra ban đầu là 2,2%, do tình hình thực hiện kế hoạch trong 6 tháng đầu năm có những khó khăn, trong đó có vấn đề nguồn tài chính hạn chế ở mức độ lớn bởi tình hình thu ngoại tệ không đạt chỉ tiêu, các điều kiện khí hậu bất lợi và những khiếm khuyết nội bộ trong việc quản lý kinh tế.

Chính phủ Cuba cũng đặt ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng trên 4% cho năm 2015, củng cố và tăng cường chiều hướng tăng trưởng bền vững hơn của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy nguồn nội lực sao cho đạt hiệu quả tốt hơn, khích lệ các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng và nguồn đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng cũng như ngành sản xuất vật liệu, đồng thời duy trì các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, đảm bảo đời sống nhân dân.

Một điểm đáng chú ý khác trong các biện pháp kinh tế mà chính phủ Cuba là lộ trình hợp nhất hai đồng tiền peso chuyển đổi (CUC) và đồng nội tệ (CUP), bài toán hóc búa nhất đối với Cuba trong quá trình triển khai lộ trình cập nhật mô hình kinh tế-xã hội và cũng là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của quốc đảo này.

Cùng với đó, chính phủ Cuba đã giới thiệu gói 246 dự án đầu tư trị giá lên tới gần 9 tỷ USD nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các đối tác nước ngoài, trong đó các dự án bao trùm hầu hết các lĩnh vực then chốt của Cuba như nông nghiệp thực phẩm, xây dựng, năng lượng tái tạo, công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học … Ngoài ra, các dự án có trị giá 8,71 tỷ USD này được phân bổ đều ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Trong năm 2014 chính phủ Cuba cũng đã quyết định điều chỉnh tăng lương tối thiểu trong các lĩnh vực y tế và thể thao, song Chủ tịch Raul Castro cũng cảnh báo nguyện vọng chính đáng được hưởng mức lương cao hơn là một vấn đề rất nhạy cảm nên không được phép phạm sai lầm, cũng không được để bị cuốn theo ý thích hay sự tùy hứng.

3. Đối ngoại:

Quan hệ Cuba-Mỹ: Nổi bật trong hoạt động đối ngoại của Cuba trong quí IV vừa qua là việc chính phủ nước này và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc xúc tiến đàm phán tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới.

Quyết định trên là kết quả của một loạt các cuộc đàm phán bí mật ở cấp cao, trong đó có cuộc điện đàm trực tiếp giữa ông và Tổng thống Barack Obama, cùng với sự trung gian của Tòa thánh Vatican và Giáo hoàng Francis. Quyết định này cũng cho thấy cả Cuba và Mỹ đã sẵn sàng cho một mối quan hệ cùng chung sống trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và quyết tâm giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán.

Chủ tịch Raul Castro cũng kêu gọi chính phủ Mỹ sớm dỡ bỏ những rào cản đối với mối liên kết giữa nhân dân hai nước.

Về phần mình, Tổng thống Obama cho biết sẽ thảo luận với Quốc hội để tìm cách dỡ bỏ chính sách bao vây cấm vận, đồng thời chỉ đạo Ngoại trưởng John Kerry sớm xúc tiến các cuộc đối thoại để chuẩn bị cho tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, đồng thời xem xét việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, một yếu tố quan trọng để Mỹ có thể chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với quốc đảo này….

Có thể nói, bước tiến quan trọng trong việc làm tan băng mối quan hệ sóng gió giữa Cuba và Mỹ đã đạt được, song vẫn còn phải giải quyết vấn đề then chốt là việc dỡ bỏ lệnh bao vây kinh tế, thương mại và tài chính chống Cuba, chính sách đã được tăng cường trong những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch tài chính với việc áp dụng những khoản tiền phạt lớn và phi lý đối với các ngân hàng của nhiều nước.

Quan hệ Cuba-EU: Hai bên đã nhất trí sẽ thảo luận các vấn đề có tính chất “nhạy cảm” là nhân quyền và xã hội dân sự tại vòng đàm phán thứ ba sẽ được tổ chức ở La Habana trong tháng 1/2015 nhằm hướng tới việc ký kết một Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác song phương. Đại sứ EU tại Cuba Herman Portocarero khẳng định hai bên đã thảo luận được nhiều vấn đề liên quan tới các lĩnh vực hợp tác, song tới đây sẽ là các vấn đề chính trị trọng tâm và đó là những vấn đề khá nhạy cảm đối với cả hai phía. Cả hai bên đều hy vọng vào sự thành công của tiến trình đàm phán qua đó giúp dỡ bỏ cái gọi là chính sách “Lập trường chung” được EU áp dụng từ năm 1996 trong quan hệ với quốc đảo này.

Quan hệ Cuba-Trung Quốc: Mối quan hệ giữa Cuba và Trung Quốc vẫn tiếp tục được củng cố trong bối cảnh cường quốc châu Á này tiếp là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cuba, sau Venezuela. Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Cuba Leopoldo Cintra Frias đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Rodrigo Malmierca cũng đã tới Bắc Kinh để tham dự hội nghị bộ trưởng CELAC-Trung Quốc, cũng như tiếp tục chương trình quảng bá và kêu gọi các công ty của Trung Quốc tham gia đầu tư vào khu công nghiệp tại cảng Mariel.

Quan hệ giữa Cuba với các nước đồng minh trong khu vực như Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Ecuador, vẫn tiếp tục được củng cố. Các nước đều đánh giá cao vai trò của Cuba trong tiến trình thúc đẩy xu hướng cánh tả phát triển tại khu vực.



II. Quan hệ với Việt Nam:

Mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam và Cuba vẫn tiếp tục được tăng cường với việc tổ chức thành công hội thảo lý luận lần thứ hai giữa hai Đảng Cộng sản tại thủ đô La Habana. Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương, dẫn đầu và đoàn ĐCS Cuba do đồng chí Salvador Valdes Mesa, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước làm trưởng đoàn, đã thảo luận và chia sẻ quan điểm, cả về lý luận và thực tiễn, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình hoàn thiện chủ nghĩa xã hội ở hai nước. Cả hai bên đều nhất trí cho rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình lâu dài với nhiệm vụ rõ ràng và được thường xuyên hoàn thiện và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản là lãnh đạo sự nghiệp cao cả này dựa trên mối quan hệ chặt chẽ và tôn trọng quyền lợi của nhân dân, qua đó biến những thách thức thành cơ hội.

Ngoài ra, trong tháng 12/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Cuba Leopoldo Cintra Frias cũng đã tới thăm chính thức Việt Nam, và qua chuyến thăm này ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, ca ngợi những thành tựu và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ mới.

Về quan hệ thương mại, trong năm 2014, kim ngạch hai chiều đạt 205,4 triệu USD, tăng khoảng 1,01% so với năm trước đó, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba 199,5 triệu và nhập khẩu từ Cuba 5,9 triệu USD. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn duy trì ổn định. Việt Nam xuất sang Cuba chủ yếu là gạo (chiếm 66%) và ngoài ra là một số mặt hàng khác như ngũ cốc, bánh kẹo, vật liệu xây dựng, gốm sứ, dệt may, giày dép… Ngược lại Việt Nam đã nhập của Cuba chủ yếu là các mặt hàng tân dược và thực phẩm chức năng.



III. Tình hình khu vực Mỹ Latinh:

Nhìn chung, tình hình chính trị khu vực trong năm 2014 vẫn cơ bản ổn định; hòa bình, hợp tác và liên kết vẫn là xu thế chủ đạo; kết quả các cuộc bầu cử đã diễn ra tại Brasil, Bolivia, El Salvador, Uruguay… cho thấy vai trò cầm quyền của các đảng cánh tả, tiến bộ tại khu vực tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn tại một số nước vẫn luôn tiềm ẩn và sự chống phá gây mất ổn định của các lực lượng cực hữu tiếp tục là một vấn đề đặt ra với các chính phủ cánh tả, tiến bộ cầm quyền hiện nay.

Đáng chú nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế mà Venezuela, một trong những đầu tàu của phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh, đang phải đối mặt trong bối cảnh lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao, hàng hóa nhu yếu phẩm vẫn tiếp tục khan hiếm và dự trữ ngoại tệ liên tục giảm, gây ra tình trạng bất bình trong một bộ phận lớn dân chúng.

Tại Brazil, chiến thắng ở vòng hai cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10 của bà Dilma Rousseff đảm bảo sự tiếp nối quá trình hội nhập khu vực và của các chương trình xã hội mang lại lợi ích cho hàng triệu người nghèo trong một thập kỷ qua.

Trong khi đó, với hơn 61% phiếu bầu giành được trong cuộc bầu cử hồi tháng 10, ông Evo Morales đã bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 ở Bolivia. Thắng lợi của Tổng thống E. Morales cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với các chính sách phát triển các chương trình kinh tế-xã hội, các đạo luật quốc hữu hóa, củng cố sự quản lý trực tiếp của Nhà nước đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ cơ bản.

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Uruguay cũng đem lại thắng lợi cho ứng cử viên Tabare Vazquez của Đảng Mặt trận Rộng rãi (FA) cầm quyền. Có thể nói đây là một chiến thắng tất yếu khi mà uy tín của FA nói chung và cá nhân ông Vazquez nói riêng vẫn rất cao tại quốc gia Nam Mỹ này, đặc biệt là những kết quả trong phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội mà FA đã đem lại cho Uruguay kể từ nhiệm kỳ đầu tiên (2005-2009) của ông Vazquez.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 220.26 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương