THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


ĐÔNG BẮC Á Trung Quốc và Hàn Quốc lần đầu tiên thảo luận về vấn đề ADIZ



tải về 215.35 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích215.35 Kb.
#31279
1   2   3

ĐÔNG BẮC Á
Trung Quốc và Hàn Quốc lần đầu tiên thảo luận về vấn đề ADIZ

TTXVN (Bắc Kinh 3/9) - Mạng China Daily ngày 3/9 dẫn thông tin từ Đài Tiếng nói Nước Nga cho biết đại diện của Ủy ban Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng vũ trang Hàn Quốc nói rằng quân đội Hàn Quốc và Trung Quốc ngày 3/9 đã tổ chức cuộc gặp làm việc tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên quân đội hai nước tổ chức cuộc gặp kiểu này.

Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận rộng rãi về nhiều vấn đề, trong đó có việc ngăn ngừa xảy ra sự kiện bất ngờ ở khu vực chồng lấn Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) giữa hai nước. Trưởng ban Quy hoạch chiến lược thuộc Ủy ban trên của Hàn Quốc và Trưởng ban Quy hoạch chiến lược Bộ Tổng tham mưu PLA trong đối thoại đã nhất trí tăng cường lòng tin song phương, triển khai hợp tác giữa hai quân đội. Hai bên còn thảo luận công tác liên lạc điện thoại trực tiếp giữa Không quân và Hải quân hai nước.

Ủy ban Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết căn cứ vào thành quả của cuộc gặp lần này, đại diện của hai bên nhất trí định kỳ tổ chức gặp gỡ.

Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc công bố giới tuyến mới của ADIZ. Đây được coi là phản ứng của nước này trước việc Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ ở Đông Hải và nhằm tăng cường chủ quyền đối với các đảo đá gần Tô Nham Tiêu của Trung Quốc ở Đông Hải.


QUAN HỆ TRUNG-ẤN
Vấn đề Trung Quốc của Ấn Độ

TTXVN (Ottawa 3/9) - Theo mạng tin Chinausfocus ngày 3/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt với thử nghiệm ngoại giao lớn đầu tiên khi tiến hành các cuộc gặp cấp cao song phương trong tháng 9 với 3 cường quốc trung tâm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Đầu tháng 9, ông Modi có chuyến công du Tokyo, trước khi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) tại New Delhi vào giữa tháng 9 và thăm Nhà Trắng vào ngày 30/9.

Trung Quốc hiện là thách thức khó khăn nhất đối với ông Modi, mặc dù ông Modi đã có cuộc gặp tốt đẹp với Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil mới đây. Sau khi nhậm chức, ông Modi đã nhanh chóng "chìa tay" với Trung Quốc vì coi Trung Quốc, với dự trữ ngoại tệ khổng lồ của họ, là một đối tác tiềm tàng trong sự phát triển của Ấn Độ. Nhưng tại thời điểm mối quan hệ thương mại Trung-Ấn đang chênh lệch, với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ cao gấp 3 lần kim ngạch nhập khẩu và Bắc Kinh đang đối xử với New Delhi như một nguồn cung cấp nguyên liệu thô giống như châu Phi, ông Modi phải tìm cách để giải quyết sự bất đối xứng rõ ràng này, trong khi biến Trung Quốc giàu tiền bạc trở thành một đối tác quan trọng trong các ưu tiên phát triển của Ấn Độ.

Một thách thức nữa của ông Modi là phải cân bằng sự can dự kinh tế sâu sắc này với các nhu cầu chiến lược của Ấn Độ, trong đó có việc tăng cường phòng thủ đối với Trung Quốc và kiềm chế những khiêu khích biên giới ngày càng tăng của Trung Quốc. Theo các số liệu mới nhất của chính phủ Ấn Độ, từ đầu năm 2014 đến ngày 14/8, Trung Quốc đã 334 lần vi phạm biên giới với Ấn Độ.

Mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này có những tác động lớn đối với an ninh quốc tế và động lực sức mạnh của châu Á. Khi Trung Quốc và Ấn Độ giành được sức mạnh kinh tế, họ ngày càng thu hút được thêm sự chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, sự bất hòa chiến lược cơ bản và sự đối địch trong các vấn đề từ đất đai, nguồn nước đến ảnh hưởng địa chính trị lại ít được lưu ý hơn.

Cao nguyên Tây Tạng đã chia tách các nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc trong suốt lịch sử, hạn chế sự tương tác của họ thành những tiếp xúc văn hóa và tôn giáo không thường xuyên, và hoàn toàn vắng mặt những quan hệ chính trị. Sau khi Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng đầu những năm 1950, các đơn vị quân sự Trung Quốc đã xuất hiện lần đầu tiên trên đường biên giới Himalaya của Ấn Độ, dẫn đến cuộc chiến tranh Trung-Ấn đẫm máu năm 1962. Hơn một nửa thế kỷ sau, các rạn nứt cũ giữa hai nước vẫn tồn tại ngay cả khi những vấn đề mới bắt đầu làm căng thẳng mối quan hệ, trong đó có lặp lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh từ năm 2006 đối với bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ, có diện tích lớn gấp 3 lần Đài Loan. Lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Ấn Độ cũng được thể hiện ở những diễn biến khác như các dự án chiến lược và sự hiện diện của Trung Quốc tại phần Kashmir do Pakistan chiếm giữ.

Trong các năm 2000-2010, kim ngạch thương mại hai chiều Trung-Ấn đã tăng 20 lần, khiến thương mại là lĩnh vực duy nhất trong các quan hệ song phương phát triển. Tuy nhiên, quan hệ thương mại phát triển cũng không làm giảm sự đối đầu của họ.

Gốc rễ của những căng thẳng biên giới hiện nay là những nỗ lực không mệt mỏi của Trung Quốc làm thay đổi thực trạng lãnh thổ. Chắc chắn rằng Ấn Độ không phải là mục tiêu duy nhất của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc cũng đang tìm cách thay đổi thực trạng lãnh thổ với một số nước láng giềng khác, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Thay vì xâm lược, Trung Quốc đang chọn việc tiến hành dần từng bước để đánh lừa những người phản đối và tạo ra thực tế mới trên thực địa, cho dù là tại Biển Đông, hay khu vực Himalaya của Ấn Độ. Bằng cách này, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi thực trạng mà không tạo ra xung đột công khai với các nước láng giềng.

Bất chấp sự hiếu chiến của Trung Quốc, ông Modi đã có những động thái để kết bạn với chính phủ của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, những động thái đó chỉ có thể che giấu sự lo lắng của Ấn Độ đối với sự phô trương sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh hay quyết tâm của ông Modi nhằm xây dựng các quan hệ chiến lược gần gũi với Nhật Bản để kiểm soát sự thực hiện tích lũy quyền lực nhanh chóng của Trung Quốc. Chiến lược liên tục gây sức ép tại các đường biên giới của Trung Quốc không chỉ đe dọa làm bất ổn thực trạng của châu Á, mà còn đẩy các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam phải cộng tác về chiến lược. Ưu tiên của ông Modi là đảm bảo sự cân bằng quyền lực ổn định tại châu Á.


KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Ba kịch bản xâm lược Ukraine của Putin?

Đài RFI (đêm 3/9) - Hồ sơ xung đột Ukraine của Libération vạch ra một số kịch bản mà Moskva dự định nhằm kiểm soát Ukraine. Theo kịch bản tối đa, nước Nga mới sẽ bao gồm toàn bộ miền Đông, tức tả ngạn sông Dniepr, xuyên đến tận Transnistria, một dẻo đất nằm lọt giữa Ukraine và Moldova.

Nếu như thời sự trong nước với bình luận về các tuyên bố mới của các thành viên trong chính phủ, gây chấn động công luận, là tâm điểm trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp ngày 3/9, thì cuộc khủng hoảng Ukraine đặt phương Tây và Nga vào thế đối đầu trực tiếp, là đề tài ám ảnh. “Ukraine: Cuộc chiến tranh chống lại châu Âu” là tựa lớn của tờ Libération với nhận định: “Cuộc phản công của Nga tại Ukraine và các lời lẽ khiêu khích của Vladimir Putin làm lộ ra những ý định thực sự của ông ta và sức ì của phương Tây”.

Xã luận Libération nhấn mạnh “chiến tranh tại một nước châu Âu chỉ cách thủ đô nước Pháp 3 giờ bay… Nước Nga khai chiến với Ukraine”, tương phản với “sự hung bạo của Nga” là “những trừng phạt kinh tế cho đến giờ không có hiệu quả của châu Âu”. Libération phàn nàn là châu Âu đã “không ý thức được cựu thành viên khối G8 giờ đây đã trở thành đối thủ”, “không ai ở châu Âu sẵn sàng chết vì Donetsk… Để kháng cự lại cuộc xâm lược của Nga, người Ukraine cần vũ khí. Độ tin cậy của châu Âu phụ thuộc vào việc Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là nước Pháp, lựa chọn trang bị vũ khí cho hải quân Nga” hay giúp đỡ người Ukraine.

Cũng về chủ đề khủng hoảng Ukraine, trang quốc tế báo Le Figaro có bài “Liên minh châu Âu bên bờ cắt đứt với Nga”, như lời cảnh báo của cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, một người vốn thường có một phong thái bình tĩnh. Cựu lãnh đạo châu Âu lưu ý EU cần phải tìm các biện pháp khác với Nga, ngoài giải pháp quân sự mà không ai muốn, bởi cho đến nay, thực tế cho thấy rõ Moskva “không có quyết tâm chính trị nào để giải quyết xung đột qua con đường thương thuyết”. Le Figaro đưa thông tin Nga sẽ “thích nghi” học thuyết quân sự của mình để đối đầu với việc NATO gia tăng lực lượng tại các vùng biên giới.


Phe thân Nga chọn Ngày Độc lập của Ukraine để phản công

Hồ sơ xung đột Ukraine của Libération vạch ra các kịch bản mà Moskva dự định nhằm kiểm soát Ukraine. Bài “Những lá bài của cuộc xâm lược Nga” mở đầu với câu nói mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu thuật lại sau cuộc hội kiến với Tổng thống Nga, theo đó, rất có thể ông Putin đã tuyên bố “Nếu tôi muốn, tôi sẽ lấy Kiev trong hai tuần”. Theo Libération, mưu đồ của Nga tại Ukraine được thể hiện qua nhiều kịch bản can thiệp, tất cả đều nhằm chứng minh cho Kiev rằng “chủ quyền của Ukraine đang và sẽ có giới hạn”. Không phải ngẫu nhiên mà phe nổi dậy chọn đúng ngày 24/8, khi Kiev mừng ngày độc lập lần thứ 23, làm ngày mở cuộc phản công ở miền Đông. Cũng vào ngày này, phe nổi dậy thân Nga cho ra mắt các thủ lĩnh tương lai của Nước Nga mới (tiếng Nga: Novorossiya).

Theo kịch bản tối đa, nước Nga mới sẽ bao gồm toàn bộ miền Đông, tức tả ngạn sông Dniepr, cho đến thành phố cảng Odessa, cũng như Crimea (bị sáp nhập hồi tháng 3), xuyên đến tận Transnistria, một dẻo đất với đa số cư dân là người Nga, nằm lọt giữa Ukraine và Moldova. Theo kịch bản tối thiểu, vùng đất mới chỉ bao gồm hai nước “cộng hòa” Donetsk và Lugansk. Ngoài ra, còn rất nhiều kịch bản trung gian khác có khả năng sẽ được thực hiện tùy theo điều kiện cụ thể, trong đó phải kể đến kịch bản trung gian là hình thành một đường hàng lang sát bờ biển kéo dài từ thành phố Rostov bên sông Đông (của Nga) đến bán đảo Crimea, để giải phóng khu vực này khỏi tình trạng cô lập hiện nay. Libération nhắc lại trong hiện tại, phe thân Nga vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn hai vùng Donetsk và Lugansk, nhưng mùa Đông, “bạn đồng minh tốt nhất của Moskva” sắp đến.

Bài “Từ chiến tranh che đậy đến cuộc chiến công khai” trên Le Figaro vạch rõ chiến thuật “chiến tranh kiềm chế”, được áp dụng từ khởi đầu xung đột tại Ukraine, cho phép Putin không trực tiếp đối đầu với một can thiệp cứng rắn từ phương Tây. Tuy nhiên, từ ít ngày nay, chiến thuật này dường như đang dần thay đổi, kể từ giờ, các hoạt động quân sự của Nga diễn ra công khai, với việc di chuyển quân đội Nga được hình ảnh vệ tinh của NATO ghi nhận. Một nhà ngoại giao bình luận, với ông Putin, “mọi kịch bản đều có thể”.



Nếu phương Tây gia tăng trừng phạt, có thể có đảo chính tại Nga

Hồ sơ Ukraine của Libération có bài phỏng vấn đáng chú ý nhà đối lập và nhà phân tích chính trị Nga Andrei Piontkovski, từ Moskva mang tựa đề “Vladimir Putin muốn thống trị Ukraine, hoặc giải thể quốc gia này”. Theo nhà phân tích, mục tiêu của Tổng thống Nga không phải là Donetsk hay Lugansk, mà chính là Kiev, ông ta muốn sử dụng các khu vực bất ổn bên trong Ukraine để thao túng quốc gia này, giống như đã từng làm với Moldova và Gruzia. Cũng theo nhà phân tích, Putin sẽ chỉ đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu xung đột bùng phát tại Estonia, vì tại đây, các đơn vị vũ trang quy ước của NATO mạnh hơn nhiều so với quân Nga. Nhà đối lập Nga tin tưởng, nếu phương Tây gia tăng trừng phạt, tại Nga có thể nổ ra cuộc đảo chính lật đổ Putin. Ngược lại, trong bài nhận định của thông tín viên Libération gửi về từ Moskva, mặc dù trừng phạt đã bắt đầu có những hệ quả rõ ràng đối với nền kinh tế Nga (chính quyền thông báo hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 1%, thay vì 2% GDP. Giá cả thực phẩm dự kiến sẽ tăng vọt vào khoảng tháng 2/2015), nhưng trong bối cảnh “chủ nghĩa yêu nước hy sinh được thổi bùng lên hiện nay, không chắc chắn rằng người Nga sẽ đòi ông Putin phải trả giá”.



EU bên bờ vực cắt đứt quan hệ với Nga?

TTXVN (Paris 3/9) – Quan hệ giữa EU và Nga “đã thay đổi đột ngột về bản chất”, đó là nhận định của Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp mãn nhiệm Herman Van Rompuy ngày 2/9, được báo Pháp Le Figaro trích dẫn. Ông Van Rompuy cho rằng châu Âu cần phải tìm kiếm các biện pháp khác, kể cả giải pháp quân sự mà không ai mong muốn, trên cơ sở thừa nhận “Nga không có thiện chí chính trị giải quyết thông qua thương lượng” vấn đề Ukraine. “Điều này có vẻ lạc hậu, nhưng là một thực tế đáng buồn”, ông nhận xét.

Trên thực tế, quan hệ Nga-EU chưa hoàn toàn cắt đứt, nhưng đã bị suy yếu nghiêm trọng. Cuối tuần này, EU sẽ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt tăng cường nhằm vào Moskva. Lãnh đạo nhiều nước thành viên liên tục phát ra thông điệp cảnh báo ông Putin đang chơi với lửa. Sau khi Thủ tướng Đức Agela Merkel bị điện Kremlin chơi xỏ vào cuối tuần trước, đến lượt Chủ tịch Hội đồng châu Âu phải cay đắng thốt lên “Đây là một cú sốc giữa các giá trị, châu Âu đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và nó phải bảo vệ một cách kiên quyết cách thức tồn tại của mình”. Thái độ bất lực của EU đã bao trùm hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua và chính chủ tịch Hội đồng châu Âu đã đứng ra công khai nói thẳng sự thất vọng của một bộ phận lớn lãnh đạo các nước thành viên.

Một tín hiệu khác cho thấy EU bắt đầu có xu hướng cứng rắn với Nga: tân đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu, bà Federica Mogherini, người Italy, trong lần xuất hiện trên cương vị mới đầu tiên trước Nghị viện châu Âu, đã thẳng thừng tuyên bố về nguy cơ đổ vỡ quan hệ song phương. “Với nước Nga, quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta đã thuộc về quá khứ (…) Hai bên đang ở trong tình trạng xung đột và đó là lựa chọn do Nga quyết định”, người hiện vẫn đảm nhiệm cương vị ngoại trưởng Italy nhấn mạnh. Cần lưu ý rằng chỉ trong tháng trước, chính bà Mogherini đã bị dư luận chỉ trích về thái độ “thông cảm” với Kremlin.

Cho tới nay, EU chưa tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với Nga, nhưng thái độ của Moskva và những lời hứa hẹn liên tục bị phá vỡ đã đẩy hai bên đến chỗ đối đầu với nhau. Một dấu hiện cho thấy EU không còn tin tưởng vào lời nói của Vladimir Putin: các cuộc điện thoại từ lãnh đạo châu Âu tới Kremlin cứ thưa dần, sau giai đoạn đầu nhộn nhịp. Cấp độ tiếp theo của cuộc khủng hoảng quan hệ song phương có thể sẽ được chính thức hóa vào cuối tuần này, khi 28 nước thành viên quyết định sẽ thông báo các biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự bổ sung nhằm vào Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây áp lực mạnh mẽ lên EU với việc giải thích rõ rằng việc Nga đưa quân vào Ukraine “không thể không gây phản ứng”, ngay cả khi kinh tế Đức bị ảnh hưởng.

Pháp có thể cũng sẽ phải trả giá cho sự cứng rắn của châu Âu: sau áp lực từ phía Mỹ, Ba Lan và các nước Baltic, đến lượt đảng cầm quyền ở Đức lên tiếng kêu gọi Paris xem xét lại quyết định giao 2 tàu đổ bộ cho Nga theo hợp đồng đã ký. Manfred Weber, chính trị gia đang lên của liên minh cầm quyền CDU-CSU, Chủ tịch nhóm nghị sỹ Đảng Nhân dân châu Âu (PPE) theo khuynh hướng cánh hữu bảo thủ, giữ đa số tại nghị viện châu Âu, tuyên bố: “Trong khi EU đang cố gắng xây dựng một mặt trận chung và cùng cất lên một tiếng nói duy nhất, không thể hiểu nổi việc Pháp tiếp tục thực hiện hợp đồng giao tàu chở trực thăng Mistral cho Nga và huấn luyện cho các binh sỹ Nga sử dụng”.

Các cuộc thảo luận tại Bruxelles hiện nay tập trung vào các biện pháp nhằm hạn chế các ngân hàng và tập đoàn nhà nước của Nga tiếp cận nguồn vốn trên thị trường tài chính châu Âu. Một hướng đi khác là mở rộng phạm vi trừng phạt tới tất cả các quan chức và thiết chế của nga có quan hệ với lực lượng ly khai Ukraine, không cần đưa ra một danh sách cụ thể như trước. EU cũng có thể từ chối cấp giấy phép xuất khẩu sang Nga trên lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao dùng trong công nghiệp dầu mỏ, khí đốt và các loại thiết bị lưỡng dụng, có thể sử dụng cả trong quân sự và dân sự.


Bầu không khí sợ Nga phủ bóng lên vùng Baltic và Đông Âu?

Đài RFI (đêm 2/9) - Cuộc khủng hoảng Ukraine cùng với thái độ hành động can thiệp của Moskva đang làm dấy lên bầu không khí sợ Nga trong nhiều nước vùng Baltic nói riêng và Đông Âu nói chung, những nước mà trong lịch sử gần đây từng có thời gian dài nằm trong vòng ảnh hưởng kiểm tỏa của Liên Xô. Đó có thể gọi là một nỗi sợ lịch sử.

Trước ngày Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Estonia trên đường tới dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 4/9 tại xứ Wales, phóng viên của AFP ghi nhận thấy bầu không khí sợ Nga đang bao trùm khắp nơi ở nhiều nước thuộc khối Xôviết trước đây. Có thể nói từ Talin thủ đô Estonia đến Warsaw của Ba Lan, người ta có thể dễ dàng cảm nhận trong dư luận người dân cũng như chính giới một tâm lý lo ngại nước Nga can thiệp. Hơn 150 chính khách của nhiều nước vùng Baltic, trong đó có các cựu lãnh đạo như ông Arnold Ruutel, từng là chủ tịch Estonia dưới thời Liên Xô trước đây (1983-1990) và sau đó trở thành Tổng thống của nước cộng hòa Estonia độc lập, hay ông Vytautas Landsbergis, nguyên thủ đầu tiên của cộng hòa Litva sau khi tách ra khỏi Liên Xô năm 1990, ngày 1/9, đã công bố một bức thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Obama “bảo đảm cho sự hiện diện thường xuyên của liên quân” phương Tây trong đất nước. Những người ký tên trong bức thư nhấn mạnh: “Chủ nghĩa đế quốc mới được Nga bộc lộ chỉ có thể làm chúng tôi lo sợ sẽ trở thành mục tiêu tiềm tàng trong giấc mơ bành trướng của người Nga” và họ khẩn thiết đề nghị Tổng thống Mỹ bảo đảm cho sự hiện diện thường trực quân đội đồng minh trên lãnh thổ các quốc gia của họ. Các chính khách vùng Baltic khẳng định: “An ninh tự do của cả châu Âu phụ thuộc vào điều đó”.

Trên đường phố, không khí lo sợ Nga can thiệp cũng hiển hiện trong dư luận dân chúng. Ông Janis Jason 47 tuổi, một người dân Latvia được phóng viên hỏi chuyện ở khu chợ của thủ đô Riga cho rằng nếu người Nga thành công ở Ukraine, thì sớm muộn rồi họ cũng sẽ tới Latvia. Ông khẳng định chỉ có tham gia vào NATO thì mới bảo đảm không bị Nga can thiệp.

Nỗi lo sợ của dư luận vùng Baltic không phải là vô cớ, bởi nó được nuôi dưỡng từ thực tế là trong những nước tách ra từ Liên Xô trước đây đều có những cộng đồng những người nói tiếng Nga mà phần đông trong họ ủng hộ Moskva. Riêng ở Estonia và Latvia, dân nói tiếng Nga chiếm tới 1/4 dân số, khoảng 1,3 triệu người ở mỗi nước này.

Ai cũng hiểu, cộng đồng người nói tiếng Nga trong các nước cộng hòa Liên Xô trước đây chỉ là thiểu số và không phải tất cả họ đều ủng hộ hành động của Moskva, nhưng để phục vụ mục đích của Moskva thì kiều dân Nga vẫn thường được sử dụng như lá bài lớn tạo cớ can thiệp. Bài học gần đây nhất là vụ sáp nhập Crimea vào Nga vẫn còn nguyên giá trị.

Ông Enn Toom, 75 tuổi, một nhà nghiên cứu toán học Estonia đã nghỉ hưu cho biết, rất lo ngại chiến dịch mà ông gọi là “tuyên truyền đen” của Moskva. Ông nói với AFP: “Cách đây 6 năm, tôi tin là Nga không phải là mối đe dọa. Nhưng sau các sự kiện ở Gruzia năm 2008 và bây giờ là Ukraine, tôi nghĩ là Nga thực sự là mối đe dọa. Tôi quan sát thấy ở đây một nỗi sợ lớn” trước nước Nga.

Ở một đất nước khác là Ba Lan. Không thuộc Liên Xô trước đây và đã là thành viên của NATO từ 15 năm nay, nhưng quốc gia Đông Âu thành viên cứng của EU này vẫn có những mối lo sợ tương đồng với nhiều quốc gia vùng Baltic. Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã từng tuyên bố ám chỉ hành động của Nga: “Dùng vũ lực quân sự để chống lại láng giềng, sáp nhập lãnh thổ của nước khác, ngăn chặn họ tự do lựa chọn chính sách quốc tế, những điều đó đang nhắc lại một cách đáng lo ngại những chương sử tồi tệ của châu Âu trong thế kỷ XX”.

Trong khi đó bà Sandra Kalniete, cựu ngoại trưởng Latvia và cựu ủy viên châu Âu nhận định: “Nếu chúng ta không ngăn nước Nga lại bây giờ, họ sẽ tiếp tục vào ngày mai và ngày sau nữa” và sự hiện diện thường trực lực lượng NATO ở các nước Vùng Baltic và Ba Lan có tầm quan trọng lớn “không chỉ cho an ninh của chúng ta mà cho an ninh cả châu Âu”, cựu lãnh đạo ngoại giao Latvia kết luận.

Phải mất cả máu và nước mắt các quốc gia Vùng Baltic và nhiều nước Đông Âu mới thoát ra khỏi vòng lệ thuộc tìm được con đường đi riêng cho mình, giờ đây cũng vì nỗi lo sợ cho độc lập chủ quyền bị xâm phạm các quốc gia này phải trông cậy vào mối quan hệ liên minh khác, với hy vọng có thể đối phó với “người láng giềng gần” muốn dùng sức mạnh áp đặt ảnh hưởng lên các nước nhỏ.

“Xuất khẩu dầu mỏ không cứu được nước Nga”?

TTXVN (Moskva 3/9) - Bà Anastasia Bashkatova, Phó Trưởng ban Kinh tế Báo Độc lập (Nga) đã viết bài báo trên, đăng ngày 27/8 vừa qua, trong đó phân tích, đánh giá về nền kinh tế Nga hiện nay và dự báo: Ngân sách Quốc gia Nga đang cạn kiệt, đồng Rúp ngày càng mất giá, và không bao lâu nữa nước Nga sẽ vấp phải những thách thức mới.

Bà Anastasia Bashkatova nhận định, chỉ trong vòng vài tháng tới nền kinh tế Nga sẽ vấp phải muôn vàn khó khăn, bất kể chính sách đối ngoại của đất nước sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào. Đây cũng chính là những điều mà các chuyên gia Trung tâm Phát triển Trường Đại học Kinh tế (Nga) cũng vừa cảnh báo. Lý do họ lo ngại trước hết là những chỉ tiêu xuất khẩu - với tình hình hiện nay thì đây gần như là động lực duy nhất của nền kinh tế Nga, song xuất khẩu lại đang bị thu hẹp do giá dầu mỏ giảm dần và việc cung cấp khí đốt cho Ukraine cũng đã bị đình chỉ. Giá trung bình dầu mỏ thực tế vẫn còn cao hơn giá dự định của chính phủ, hiện tại là 104 USD/thùng. Tuy nhiên, theo báo cáo hôm 26/8 của Thứ trưởng Bộ Tài chính Aleksei Moiseev, trong những năm sắp tới, giá dầu mỏ có thể sẽ giảm xuống dưới 100 USD/thùng. Điều đó, đương nhiên sẽ tác động tiêu cực đến tình trạng Ngân sách Liên bang và đồng Rúp.

Sự suy giảm các hoạt động xuất khẩu rõ ràng không hứa hẹn bất cứ điều gì tốt đẹp cho nước Nga. Công trình nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Phát triển “Tuy chưa phải là khủng hoảng, nhưng đã mất ổn định”, trong đó vạch rõ: “Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua lại có thêm một mũi nhọn kinh tế nữa lâm vào tình trạng kém hoạt động. Sự trì trệ trong xuất khẩu, điều mà chúng ta thường gọi là cơ hội xuất khẩu, nay đã trở thành như một thói quen cố hữu”.

Dẫn số liệu của Ngân hàng Trung ương, các chuyên gia kinh tế cho biết, trong tháng 6/2014, giá trị xuất khẩu của Nga đạt 41 tỷ USD, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái và ít hơn 8% so với tháng 5/2014. Và xu hướng tiếp tục giảm cũng là điều chắc chắn.

“Trong cơ cấu giá trị xuất khẩu, khoảng 2/3 khối lượng xuất khẩu là nhiên liệu, bao gồm dầu thô, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên”. Các nhà kinh tế cho biết khối lượng xuất khẩu dầu thô và khí đốt giảm chủ yếu là từ ngày 16/6 năm nay, do không còn xuất khẩu cho Ukraine nữa. Hơn nữa, giá dầu cũng đang từng bước giảm dần. Nếu vào tháng 6, giá dầu của Nga trung bình là 109,7 USD/thùng, thì tháng 7 chỉ còn 105,6 USD/thùng, giảm 3-4% mỗi tháng. Tuy nhiên, sự giảm giá hiện nay vẫn chưa vượt quá các giới hạn trong vòng 3,5 năm qua. Và giá trung bình (104 USD/thùng) thậm chí vẫn còn cao hơn giá định hướng của chính phủ. Tuy nhiên, việc duy trì giá hiện nay cho đến cuối năm, theo các chuyên gia kinh tế, thì tỷ suất lợi nhuận sẽ gần như cạn kiệt.

Tốc độ tăng trưởng khai thác dầu ngoài khu vực Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sự phục hồi sản xuất ở Iraq và Libya và việc giảm tốc độ tăng trưởng trong khu vực đồng euro… tất cả đã dẫn đến hậu quả mà chúng ta thấy rõ trong những tuần gần đây, thậm chí giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục giảm. Việc giảm giá dầu trên thế giới là một đòn giáng mạnh vào mức thu nhập của các công ty dầu lớn nhất của nước Nga, bao gồm cả “Rosneft” của Igor Sechin và “Gazprom” của Aleksei Miller.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Aleksei Moiseev, hôm 26/8, đã xác nhận những lo lắng đó. Ông cho rằng, trong những năm 2015-2017, giá dầu có thể sẽ giảm đáng kể, xuống dưới mức 100 USD/thùng.

Giám đốc Trung tâm Phát triển Natalia Akindinova bổ sung: “Các biện pháp trừng phạt, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ càng làm trầm trọng hơn nữa động lực tiêu cực xuất khẩu phi dầu mỏ của Nga”.

Kết quả là, như dự đoán của các nhà kinh tế, giá trị xuất khẩu của Nga vào cuối năm 2014 chỉ có thể đạt được khoảng hơn 500 tỷ USD, “chỉ số đó thấp hơn nhiều – khoảng hơn 3%, so với dự báo trước đó của chúng tôi, và dự báo của chính phủ”. Trung tâm Phát triển kết luận rằng, việc giảm xuất khẩu sẽ là một thách thức nặng nề cho Ngân sách Quốc gia và cho đồng Rúp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế của Báo Độc lập, khi được hỏi đều cho rằng, không nên lo ngại về tình trạng xáo động đặc biệt. Trưởng bộ phận phân tích của công ty AForex Artem Deev tin rằng ít có khả năng trong năm nay khối lượng xuất khẩu giảm quá nhiều. Hiện chính phủ đã dự đoán triển vọng xấu nhất trong xuất khẩu, chỉ giảm nhiều lắm là 4 tỉ USD, xuống còn khoảng 514 tỷ USD. Trong những dự đoán của chính phủ, giá dầu mỏ được cho rằng ở mức 103-104/USD thùng. Thậm chí có chuyên gia còn dự đoán giá thực tế có thể còn ở mức cao hơn thế. Như vậy, ngân sách có thể sẽ tăng thêm thu nhập.

Và điều đó có nghĩa là không có gì có thể đe dọa đồng tiền của Nga, nếu nói về mặt xuất khẩu. “Đối với đồng Rúp rủi ro lớn nhất là những căng thẳng địa - chính trị và tốc độ khổng lồ của dòng vốn chảy từ nước Nga ra ngoài" – chuyên gia kinh tế Deev nhận định.

Chuyên gia quản lý dịch vụ đầu tư của Ngân hàng Lanta, ông Roman Ermakov thì cho rằng: “Sự suy giảm hiện nay trong xuất khẩu 4% so với cùng kỳ không có gì quan trọng lắm đối với nền kinh tế quốc gia”. Theo ông, nhập khẩu giảm với tốc độ nhanh, giá dầu giảm có thể chỉ là một hiện tượng tạm thời. Giảm nhu cầu nguyên-nhiên liệu trong khu vực đồng euro cũng có thể được bù đắp bởi nhu cầu tăng về chính các mặt hàng này từ Trung Quốc và Ấn Độ, mà trong 3 năm vừa qua ở đấy tăng rất mạnh. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng phải thừa nhận, sự suy giảm trong xuất khẩu đã ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ của Nga: “Nếu bạn so sánh với đồng tiền các nước đang phát triển, thì rõ ràng không phải ai cũng ủng hộ đồng Rúp. Đồng thời, do lãi suất cao, nhu cầu dùng đồng Rúp làm công cụ thanh toán trong các điều kiện bình thường hóa, để có thể phát triển lâu dài, người ta thường ưu tiên lựa chọn dùng đồng tiền quốc gia”.

“Sự sụt giảm giá dầu có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế Nga, vì không có gì có thể thay thế khoản thu nhập bị mất đó. Giá dầu thô Brent giao trong 2 tháng vừa qua đã giảm 12%, xuống còn 102 USD/thùng. Ngân sách của Nga trong năm nay đã được hoạch định ở mức giá dầu 93 USD/thùng. Vì vậy, trong năm 2014 chúng ta có thể chấp nhận được ngay cả với sự suy giảm hơn nữa. Trong hai năm tiếp theo, ngân sách được hoạch định ở mức 95 USD/thùng, và có khả năng giá dầu còn có thể thấp hơn giá này. Khi đó chúng ta buộc phải cắt giảm các chương trình xã hội và các dự án cơ sở hạ tầng cũng sẽ không nhận được nguồn tài chính hào phóng” - Ông Alexander Pozdnyshev, Trưởng ban quản lý các dự án xã hội thuộc ngân sách nhà nước cảnh báo.

Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu dòng chảy của đồng USD từ nguồn xuất khẩu dầu mỏ chảy vào nền kinh tế bị chậm lại, trong khi đó các nhà đầu cơ lại thao túng phá giá đồng Rúp, thì không loại trừ khả năng đồng Rúp tiếp tục bị phá giá, đẩy lên đến 37-38 và thậm chí là 40 Rúp/USD. Tuy nhiên, theo lời ông Pozdnyshev, “Phần lớn hậu quả của sự sụp đổ giá dầu sẽ được cảm nhận rõ rệt ở những khu vực được ngân sách nhà nước Nga trợ cấp, ở đấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao và tình hình kinh tế xấu đi. Hầu hết những vùng đó đều có những khoản vay đáng kể trên thị trường trái phiếu, mà sự thiếu hụt ngân sách đã lên tới gần 700 tỷ Rúp. Nhiều nơi trong số đó chỉ đơn giản là không thể kiếm sống. Bị tác động tồi tệ nhất là các chương trình y tế và các dự án do ngân sách chi”.

Ông Sergay Eremenko, nhà phân tích tài chính dịch vụ đầu tư nhận định: “Những thiệt hại từ sự sụt giảm xuất khẩu của Nga chính là hậu quả trừng phạt nặng nề hơn rất nhiều, so với sự đáp trả của Nga hạn chế nhập thực phẩm của các nước phương Tây”. Thêm nữa, dòng chảy nguồn vốn từ nước Nga ra ngoài ngày càng tăng lên. Tất cả điều đó không thể không tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga, mà chúng ta sẽ ngày càng thấy rõ hơn trong thời gian tới.

Putin và giấc mộng Đại Nga

TTXVN (Roma 3/9) - Dưới đầu đề "Những người thiểu số được bảo vệ bởi Moskva", nhà bình luận người Nga Anna Zafesova đã khẳng định rằng, âm mưu thành lập một quốc gia độc lập ở phía Đông Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin hoàn toàn nằm trong những toan tính về việc biến nước Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây có cộng đồng nói tiếng Nga thành một đế chế Đại Nga. Dưới đây là nội dung bài viết:

"Vladimir Putin tiến về hướng Đông, nhưng cũng đã mở ra một mặt trận ở bên cạnh mình: Nursultan Nazarbaev, Tổng thống Kazakhstan, đã tuyên bố đất nước ông có thể sẽ rời khỏi cái Liên minh Âu-Á mà Moskva đã vất vả xây dựng lên từ đống tro tàn của Liên Xô để có được một thể chế đối trọng với EU. Tuyên bố của nhà lãnh đạo đã liên tục đứng đầu đất nước cộng hòa này kể từ năm 1989 được đưa ra sau khi Putin nói rằng ông muốn lập ra một nhà nước trước đây chưa từng tồn tại. Sau những gì xảy ra ở Ukraine, Kazakhstan, vừa có quan hệ tốt với Mỹ và cả Trung Quốc, lo sợ điều tương tự sẽ đến với mình. Ở một đất nước có 1/5 dân số nói tiếng Nga và tập trung chủ yếu ở phía Bắc Kazakhstan, giáp với Nga, thì nỗi lo ngại trên đã dấy lên không chỉ một lần trong chiều dài lịch sử hiện đại, bởi những người theo tư tưởng dân tộc Nga, bắt đầu từ những người như Solzhenitsyn.

Kazakhstan đơn giản chỉ là một trong rất nhiều những điểm nhạy cảm của một phương Đông đầy nỗi sợ hãi. Sự sụp đổ của Liên Xô đã để lại một bức tranh chằng chịt và rối rắm với các dân tộc thiểu số và quốc gia có bản sắc cũng như các đường biên giới không rõ ràng. Thế nên, khi Putin tuyên bố rằng Nga là dân tộc bị chia rẽ và tản mát nhiều nhất, do đó sứ mệnh của ông là phải bảo vệ "thế giới Nga", những nỗi lo sợ về các đòi hỏi và lí do của Moskva ngày càng tăng lên. Mấy tháng trước, Moskva phê chuẩn một đạo luật cho phép đơn giản hóa quyền công dân Nga của tất cả những ai có gốc Nga đang sống ở các nước Liên Xô trước đây hoặc thuộc Đế chế Nga ngày trước, một động thái đáng chú ý nhằm tạo ra một đế chế rộng lớn gồm nước Nga và các nước vệ tinh.

Các nước cộng hòa thuộc Baltic chính là những khu vực đầu tiên sợ hãi quá trình ấy sẽ diễn ra. Ở Litva và Estonia, người gốc Nga nói riêng và cộng đồng những người nói tiếng Nga, trong đó có cả người Do thái, chiếm 1/4 dân số và đóng những vai trò quan trọng về kinh tế và tài chính của quốc gia. Nhiều trong số họ chắc chắn không thích được ai đó nhắc nhở về việc lấy hộ chiếu Nga, và thế hệ trẻ muốn hưởng thụ quy chế công dân EU hơn, nhưng mối đe dọa đối với họ từ cái gọi là "đội quân thứ năm" của thế giới Nga luôn tồn tại. Có những vùng như Narva, vấn đề về đường biên giới có thể nhanh chóng trở thành một cuộc bàn cãi lớn.

Một rắc rối lớn mà không ai muốn đối đầu có tên Transnistria, vùng đất nói tiếng Nga đã chống lại chính phủ trung ương Moldova trong suốt 25 năm qua và bây giờ đang tích cực đưa người có vũ trang của họ đến phía Đông Ukraine để chiến đấu bên lực lượng thân Nga. Vào tháng 4/2014, sau khi Crimea bị sáp nhập vào Nga, Transnistria cũng yêu cầu được đoàn tụ với Nga, nhưng họ không nhận được câu trả lời từ Moskva. Nhưng hiện tại, sau khi hiểu được rằng, các lực lượng nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine muốn tạo ra một hành lang ở vùng Đông Nam Ukraine, họ hoàn toàn có thể ủng hộ một chính sách nước Nga mới mà Điện Kremlin đang muốn áp dụng cho khu vực này.

Không chỉ các nước thuộc Liên Xô trước đây cảm thấy lo lắng trước tình hình và đang vươn tay ra châu Âu xin cầu cứu, mà cả những kẻ trung thành với Moskva như Tổng thống Belarus Alexandr Lukashenko. "Nhà độc tài cuối cùng" của châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông ta đã từ chối chấp thuận lệnh cấm vận chống lại các sản phẩm của phương Tây mà Putin áp đặt và thậm chí đã cho phép buôn lậu hoành hành (gần đây, Moskva đã được cảnh báo về việc xuất hiện các sản phẩm giả là pho mát Belarus bị phát hiện là được dán nhãn mác ở Minsk). Những người gốc Nga ở Belarus chỉ chiếm 8% dân số, nhưng tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức và là bản sắc quốc gia. Thế nên, chẳng ngạc nhiên nếu như Belarus trở nên mong manh trước áp lực từ nước Nga.



Tuy nhiên, những người Nga ở khu vực Trung Á ít có khả năng bị lợi dụng như một đội quân thứ năm, dù chính họ là những người cần sự bảo vệ của Moskva. Họ là những người bị buộc phải di cư trong hơn 20 năm qua hoặc bị các nhà lãnh đạo hậu cộng sản bỏ rơi. Nhưng không có nhiều khả năng Moskva nhìn sang hướng Đông, phần vì sự đối đầu chính của họ là với châu Âu, phần vì các quốc gia dầu mỏ và khí đốt, từ Uzbekistan cho đến Turkmenistan, đang cảm thấy cái ô của Trung Quốc gần hơn là nước Nga"./.




Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 215.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương