THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 215.35 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích215.35 Kb.
#31279
  1   2   3

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Vietnam News Agency (VNA)

Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Việt Nam


Tel: (84-4) 38255443; Fax (84-4) 38252984; E-mail : btk@vnanet.vn; http://news.vnanet.vn




Số 166/ TKNB-QT-TN Thứ Năm, ngày 4/9/2014

TIN THAM KHẢO NỘI BỘ

(Phần Quốc tế)


  1. PHẦN TIN LIÊN QUAN VIỆT NAM


Xung quanh việc Trung Quốc tiến hành cải tạo bãi Johnson South (Gạc Ma)

TTXVN (Hong Kong 4/9) - Trang tin Đa chiều dẫn nguồn Tạp chí Bình luận quốc phòng Hán Hòa (Kanwa Defense) của Canada ngày 2/9 cho biết Bộ Quốc phòng Đài Loan hồi tháng 5 nói rằng Trung Quốc Đại lục đang tiến hành các hoạt động cải tạo quy mô lớn ở bãi Johnson South (Việt Nam gọi là bãi Gạc Ma, Trung Quốc đã lấn chiếm vào năm 1988 và gọi là bãi Xích Qua Tiêu) ở quần đảo Spratly (Việt Nam gọi là Trường Sa, Trung Quốc gọi là Nam Sa) và hiện đã hoàn thành 17 sân bóng cỡ lớn. Các bức ảnh do phía Trung Quốc công bố còn cho thấy trên bãi đá ngầm này đang diễn ra các hoạt động tác nghiệp về thổ nhưỡng. Tổng chiều dài bãi đá ngầm này khoảng 5.000m và rộng khoảng 4.000m, có phân tích cho rằng với quy mô thi công lớn như vậy, Trung Quốc rất có khả năng lấp đầy toàn bộ bãi đá ngầm, biến nó trở thành đảo nhân tạo, đồng thời sẽ thi công một căn cứ không quân vào thời điểm thích hợp. Trong khi đó, từ những đặc điểm xây dựng đảo Woody (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm, Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) có thể thấy, một khi công trình lấp biển này hoàn thành, quân đội Trung Quốc sẽ xây dựng trên đảo này các trạm rađa thăm dò tầm xa, trạm vô tuyến điện và trạm nghe lén tín hiệu rađa. Đến lúc đó, tất cả các quốc gia xung quanh biển Nam Trung Hoa (Biển Đông - PV) đến khu vực duyên hải Singapore đều sẽ nằm trong phạm vi nghe lén tín hiệu vô tuyến điện của Trung Quốc.

Tạp chí Kanwa Defense cho biết, đối với quân đội Mỹ, cùng với việc hải quân Trung Quốc đưa những căn cứ tiên tiến ở biển Nam Trung Hoa tiến về phía Nam 850km, thì khi xảy ra sự cố ở vùng Viễn Đông, hạm đội hải quân Mỹ từ Bắc Ấn Độ Dương tiến vào eo biển Malacca sẽ nằm trong sự giám của máy bay trinh sát tầm xa và trạm nghe lén vô tuyến điện của hải quân Trung Quốc. Về mặt địa lý, bãi Gạc Ma cách Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam 830km, cách thủ đô Manila của Philippines 890km, cách miền Tây Malaysia 490 km, cách thủ đô Kuala Lumpur 1.500km và cách eo biển Malacca 1.500km. Như vậy, ta có thể thấy vị trí chiến lược quan trọng của bãi đá này. Một khi Trung Quốc xây dựng sân bay với đường băng dài 2.000m ở Gạc Ma sẽ có thể đáp ứng các hoạt động cất và hạ cánh của các máy bay chiến đấu cỡ lớn như Su-30, J-11, J-10, đồng thời toàn bộ eo biển Malacca sẽ nằm trong bán kính tác chiến của các loại máy bay trên. Thậm chí, miền Nam Việt Nam cũng nằm trong phạm vi tấn công của các chiến đấu cơ này.

Tại sao các chuyên gia phân tích của Philippines và Việt Nam đều cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng sân bay ở bãi Gạc Ma? Từ những bức ảnh được công bố, địa điểm thi công hiện nay tập trung ở phía Tây đảo Gạc Ma, với chiều dài lên tới 4,04km, ngoài ra, toàn bộ bãi này đều do các rạn san hô tạo thành, nên tương đối thuận lợi cho việc thi công. Trong khi, phía Đông Bắc của bãi Gạc Ma là bến tàu, dự kiến trong tương lai, nơi đây sẽ được xây dựng thành cảng biển, phục vụ việc neo đậu của các tàu khu trục cỡ lớn.

Phân tích cho biết, với cách tính chiều dài một sân bóng đá là 100m thì độ dài của 17 sân bóng sẽ lên đến 1.700m. Do đó, theo Kanwa Defense, đây không phải là công trình mở rộng bình thường, khả năng Trung Quốc đang xây dựng cảng quân sự. Đài Loan cũng sẽ trở thành một khu vực bị đe dọa nhất định. Công trình lấp biển mới này chỉ cách đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép của Việt Nam 72km, nơi Đài Loan đã từng xây dựng một sân bay. Tạp chí Kanwa Defense nhận định, dựa vào năng lực tác chiến biển xa của hải quân Trung Quốc, khi cần thiết, Bắc Kinh có thể dễ dàng chiếm lĩnh đảo Ba Bình, bắt giữ quân nhân Đài Loan làm con tin để tiến hành thương lượng với Đài Bắc.

Đáng chú ý, một khi bố trí rađa với cự ly thăm dò 500km ở Gạc Ma, hơn nửa không phận xung quanh, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Brunei, đều nằm trong phạm vi kiểm soát của rađa. Ở trên biển, rađa Trung Quốc có thể thăm dò được tình hình hoạt động của tàu sân bay của hải quân Mỹ, tàu chiến mặt nước của hải quân Việt Nam, Philippines, Malaysia ở phạm vi xa hơn.

Theo một nguồn tin uy tín của hải quân Đài Loan, họ (Đài Loan) biết rõ hải quân Trung Quốc đã tốn nhiều công sức trong mấy năm gần đây để cố gắng đặt máy định vị bằng sóng âm thanh (hệ thống sonar) dưới nước, thậm chí lắp đặt thiết bị sonar nghe lén cố định dưới nước ở eo biển Đài Loan, Philippines. Tiếp theo việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở các bãi san hô, nước này có khả năng sẽ lắp đặt thiết bị sonar để nghe lén hoạt động của tàu ngầm của hải quân Mỹ, Việt Nam, Malaysia trong phạm vi rộng lớn hơn.

Theo trang Đa chiều, công trình mở rộng bãi Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử, trong khi Philippines gọi là bãi Kagitingan) cũng đang được tiến hành. Hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo với diện tích 90m2 ở khu vực này. Trên đảo còn xây dựng và lắp đặt thêm 1 bến cảng quy mô 5.000 tấn, 1 bãi đáp trực thăng, hệ thống rađa và nghe lén vô tuyến điện và kho dự trữ nguyên liệu đủ để cung cấp cho tàu chiến hải quân cỡ vừa và nhỏ.

Tại bãi Cuarteron (Việt Nam gọi là Châu Viên, Trung Quốc gọi là Hoa Dương), Trung Quốc cũng xây dựng công trình theo mô hình lôcốt. Trong công trình này bố trí súng bắn cao xạ, ăngten cỡ lớn… Tại các bãi đá này, Trung Quốc từng bước xây dựng thêm cụm công trình, sau đó lần lượt nối liền các công trình này lại với nhau, dường như đây là chiến thuật của Trung Quốc. Song cho tới thời điểm hiện tại, công trình lấp biển lớn nhất của Trung Quốc là ở bãi Gạc Ma, các bãi đá đều bắt đầu được vũ trang hóa.



Những bài học Việt Nam có thể rút ra từ cuộc chiến Falkland để áp dụng ở Biển Đông

TTXVN (Hong Kong 3/9) - Theo báo mạng wantchinatimes của Đài Loan ngày 3/9, với sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây, Việt Nam đủ khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một cuộc chiến tranh tiềm tàng xung quanh khu vực Biển Đông tranh chấp. Wantchinatimes đã dẫn lại nhận định này từ bài phân tích mới được đăng trên Tạp chí Kanwa Defense Review, một tạp chí quốc phòng nổi tiếng do chuyên gia phân tích quân sự người Canada gốc Hoa Andrei Chang, (còn gọi là Pinkov) điều hành.

Trong bài viết này, chuyên gia Andrei Chang đã dẫn ra ví dụ về Cuộc chiến tranh Falkland năm 1982 giữa Anh và Argentina để minh họa cho quan điểm của ông. Chuyên gia phân tích quân sự này tuyên bố rằng trong cuộc chiến đó, Không quân Argentina đã đánh đắm thành công 6 tàu của Hải quân Hoàng gia Anh chỉ bằng 5 máy bay chiến đấu Super Etendard do Pháp chế tạo và 48 máy bay cường kích A-4 Skyhawk lỗi thời do Mỹ sản xuất, mặc dù Argentine cuối cùng đã bị đánh bại. Bài viết của ông Andrei Chang tuyên bố rằng 5 tên lửa chống hạm Exocet do Pháp sản xuất với tầm bắn hạn chế chỉ có 50km mà các máy bay Super Etendard của hải quân Argentina được trang bị, đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đánh đắm và gây thiệt hại cho các tàu của hải quân Anh trong cuộc xung đột xung quanh quần đảo của Anh ở Nam Đại Tây Dương, nơi Argentina cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Malvinas.

Quả tên lửa Exocet thứ hai được phóng đi từ một trong những chiếc máy bay Super Etendard đã đánh đắm HMS Sheffield, một tàu khu trục của hải quân Anh, trong khi các quả tên lửa thứ ba và thứ năm đã bắn trúng SS Atlantic Conveyor, một tàu buôn của hải quân Anh được trưng dụng cho chiến tranh, và tàu khu trục lớp County HMS Glamorgan. Không quân Argentina đã sử dụng số lượng lớn hơn của họ, có lúc triển khai tới 30 chiếc máy bay cường kích A-4 Skyhawk để tiến hành một cuộc tấn công đơn lẻ nhằm vào các lực lượng Anh. Tạp chí Kanwa Defense Review nhận định, với một đội tàu chiến hải quân yếu hơn, Argentina đã tiến hành một chiến dịch chiến tranh du kích thành công chống lại Hải quân Hoàng gia Anh bằng sức mạnh không quân hạn chế của họ.

Theo ông Andrei Chang, những kiểu chiến thuật tương tự cũng có thể được sử dụng bởi Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai với PLA. Việt Nam có tổng cộng 32 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK2, được đưa vào từ Nga. Những chiếc máy bay chiến đấu này có thể mang những quả tên lửa chống hạm Kh31, trong khi những chiếc máy bay Su-30MKK của Trung Quốc thì không thể làm được điều đó. Nếu như Trung Quốc muốn nâng cấp các máy bay Su-30MKK của mình, thì họ phải trả thêm một khoảng chi phí để mua hệ thống tên lửa này từ phía Nga.

Bài báo nói rằng các máy bay Su-30MK2 của Việt Nam đủ khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các căn cứ hải quân của PLA ở Vịnh Á Long tại tỉnh đảo Hải Nam, nơi các tàu khu trục loại 052D (Type 052D) và các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn Type 094 neo đậu, mà thậm chí không cần phải bay ra ngoài không phận Việt Nam. Bài báo tiếp tục nói rằng cùng với các máy bay chiến đấu Su-30MK2 và tên lửa Kh31, Việt Nam chỉ cần khoảng từ 2-3 quả tên lửa được bắn từ hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion để đánh đắm một tàu sân bay của Trung Quốc.

Bài báo của ông Andrei Chang nhấn mạnh, kinh nghiệm của Anh trong việc triển khai 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tới quần đảo Falklands có thể cung cấp cho Hải quân Việt Nam một bài học quan trọng trong việc đối đầu với một cụm tàu chiến sân bay của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Theo ông Andrei Chang, hải quân Hoàng gia Anh đủ khả năng ngăn chặn hải quân Argentina rời căn cứ của họ sau vụ tàu ngầm hạt nhân Conquerer của Hải quân Hoàng gia Anh đánh đắm tàu tuần tiễu General Belgrano của hải quân Argentina. Ông Andrei Chang cho rằng Hải quân Việt Nam, với các tàu ngầm tốt hơn các tàu ngầm của Trung Quốc, có thể đủ khả năng làm điều tương tự đối với Trung Quốc. Chuyên gia này cũng tuyên bố trong bài viết rằng Trung Quốc sẽ không nhận được sự ủng hộ ngoại giao từ các cường quốc phương Tây, như Anh đã nhận được trong chiến dịch Falkland.


Ấn Độ sẽ bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam?

Đài BBC (đêm 3/9) - Ấn Độ đang cân nhắc bán trang thiết bị quốc phòng, trước mắt là tên lửa BrahMos, cho một số quốc gia ‘bạn bè’ trong đó có Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới từ ngày 14-17/9 của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, hai nước dự tính sẽ ký một hiệp định về cung cấp trang thiết bị quốc phòng.

Báo India Times cho hay các nước Việt Nam, Indonesia và Venezuela đã bày tỏ nguyện vọng mua tên lửa siêu âm do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất.

Thực ra mong muốn mua khí tài của Ấn Độ đã được Việt Nam chuyển tải tới New Delhi từ nhiều năm trước, nhưng tiến trình này chưa được triển khai dưới thời chính phủ cũ.

Thủ tướng Narendra Modi mới thắng cử hồi tháng 5/2014. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã tuyên bố Ấn Độ cần phấn đấu tự sản xuất vũ khí và các hệ thống quốc phòng, đồng thời phải tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu chúng tới các quốc gia bạn bè.

Cần phải nói là cho tới nay, Ấn Độ vẫn là một trong các nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, với 65% nhu cầu của nền quốc phòng Ấn Độ đến từ nước ngoài.

Để đối trọng lại, Ấn Độ đang tính toán bán ra nước ngoài chiến đấu cơ loại nhẹ ‘Tejas’, hệ thống phòng không ‘Akash’ và tên lửa hạng ‘Prahar’, tất cả đều sản xuất trong nước. Tejas là loại máy bay nhẹ, một động cơ và nhiều tính năng.

Akash, tên lửa đất đối không, có tầm bắn 25km. Prahar là hệ thống tên lửa tầm bắn 150km.

Các mặt hàng trên đều đã thu hút chú ý của một số nước.

Các nguồn quốc phòng Ấn Độ khẳng định vũ khí của nước này sẽ rẻ hơn của Trung Quốc.

Trước đây, Ấn Độ đã bán súng trường cho Nepal và Oman, cũng như cung cấp vũ khí và xe tăng cho Myanmar, radar cho Sri Lanka, trang bị quốc phòng cho Maldives, tàu tuần tra cho Mauritius và các phụ tùng quốc phòng cho Việt Nam.
Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “hướng Đông”

TTXVN (New Delhi 3/9) - Mạng tin của Trung tâm Chennai về các nghiên cứu Trung Quốc (CCCS) của Ấn Độ vừa đăng bài viết của Tiến sĩ Rajaram Panda về chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ, nội dung chính như sau:

Trong chính sách đối ngoại láng giềng mở rộng, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj vừa có chuyến thăm Việt Nam 3 ngày. Việt Nam là một trong nhiều đối tác chiến lược của Ấn Độ và trong những năm gần đây quan hệ song phương đã được tăng cường trong lĩnh vực kinh tế, chiến lược. Chuyến thăm của bà Swaraj đã thể hiện quyết tâm của Ấn Độ trong đẩy mạnh và thực hiện chính sách “hướng Đông”. Sau khi giữ chức Ngoại trưởng, bà Swaraj đã tới thăm Singapore và Myanmar trong tháng 8. Với Việt Nam, ngoài những lĩnh vực khác, Ấn Độ đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và dầu mỏ. Về phần mình, Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng muốn Ấn Độ can dự và đầu tư lớn hơn nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông,Việt Nam cần bạn bè không chỉ Ấn Độ, mà cả các nước khác như Nhật Bản, Philippines và một số thành viên khác trong khối ASEAN. Có khoảng một chục nước trong khu vực có tranh chấp trên Biển Đông và bất đồng về vấn đề này đang tạo “hạt giống” cho cuộc xung đột tiềm tàng. Mặc dù không có tranh chấp ở khu vực này, Ấn Độ có lợi ích kinh tế tại khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trước đây, Việt Nam đã trao cho Công ty khai thác dầu khí ngoài khơi OVL của Ấn Độ 5 lô dầu khí để thăm dò, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. OVL kết luận ít có giá trị thương mại tại lô 128 và đã từ bỏ năm 2012, song Việt Nam thuyết phục Ấn Độ thăm dò thêm. Hợp đồng này hết hạn trong năm 2014 nhưng đã được gia hạn. Dù vẫn không tìm thấy nhiều giá trị thương mại, song Ấn Độ vẫn quyết định ở lại bởi New Delhi tin có các lợi ích chiến lược tại Biển Đông. Trên nguyên tắc, Ấn Độ ủng hộ tầm quan trọng của tự do hàng hải và tiếp cận tài nguyên trên Biển Đông. Điều này cũng tạo cơ hội cho Ấn Độ mở rộng sự hiện diện hải quân ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương và sự có mặt của tàu hải quân sẽ tạo điều kiện cho hải quân Ấn Độ kiểm soát tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Bởi lý do này, Việt Nam sẵn sàng đón tiếp tàu hải quân của Ấn Độ ghé thăm hữu nghị bất cứ lúc nào. Có vẻ do những cân nhắc chiến lược, ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Swaraj, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng thăm dò 2 lô dầu cho Ấn Độ thêm một năm nữa. Về phần mình, Ấn Độ tái khẳng định vị trí tiếp tục là một “cổ đông thương mại” trong một khu vực mà tranh chấp lãnh thổ đã bùng lên giữa Việt Nam và Philippines với Trung Quốc. Chuyến thăm của bà Swaraj cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee tới Việt Nam vào giữa tháng 9.

Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, chuyến thăm của Ngoại trưởng Swaraj là hướng đi đúng trong chiến lược can dự của Ấn Độ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm xây dựng sự đồng thuận để duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực. Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông cũng tương tự như chiến lược của họ tại Depsang và Demchok thuộc khu vực Ladakh của Ấn Độ (giáp Trung Quốc).

Việt Nam ngày nay có nhiều bạn bè hơn trước đây. Ngoài Ấn Độ, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Nhật Bản. Tokyo đã đồng ý cấp cho Việt Nam 6 tàu hải quân đã qua sử dụng để giúp nước này tăng cường khả năng tuần tra và giám sát trên Biển Đông. Việt Nam cũng mong muốn mua tên lửa Brahmos từ Ấn Độ và New Delhi không cần do dự trong việc ký hiệp định này để Việt Nam trở thành khách hàng đầu tiên mua tên lửa Brahmos. Trước sự quyết đoán của Trung Quốc, Ấn Độ có vai trò trong việc tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam nhằm chống lại những mối đe dọa tiềm tàng. Trước đây, Ấn Độ đã đồng ý cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD để mua 4 tàu tuần tra ngoài khơi. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mukherjeee vào giữa tháng 9, dự kiến thỏa thuận này sẽ được chính thức hóa và một số thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng sẽ được ký kết. Mặc dù khoản tín dụng 100 triệu USD là nhỏ, nhưng nó gửi một thông điệp lớn tới Bắc Kinh, vốn coi Đông Nam Á là khu vực ảnh hưởng của họ.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ thăm Ấn Độ trong tháng 10/2014. Nếu chuyến thăm được thực hiện thì ba nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tới thăm Ấn Độ trong vòng 12 tháng. Điều này khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đang tiến từ quan hệ chính trị đơn thuần tới mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh toàn diện trong những năm tới. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ hiện đã đạt 8 tỷ USD, dự kiến sẽ lên mức 12 tỷ USD vào năm 2016 và 20 tỷ vào năm 2020. Việt Nam ở vị trí lý tưởng để trở thành cửa ngõ kinh tế cho chiến lược hợp tác của Ấn Độ với ASEAN.
Tình hình người Việt tại Ukraine

Đài BBC (đêm 3/9) - “Ngay trong cộng đồng người Việt cũng có chia rẽ. Một bộ phận ngả sang thân Nga, một bộ phận ngả sang thân chính quyền mới, thân EU. Nhưng theo cảm nhận của cá nhân thì tôi thấy tâm lý của người Việt ở Ukraine nói chung và Kharkov nói riêng là hướng nhiều về châu Âu, theo chính quyền mới”.

Đó là nhận xét của ông Vũ Tuấn Hoàng, một người từng sống tại Nga nhiều năm rồi chuyển sang Ukraine, hiện đang định cư tại Kharkov.

Thành phố miền Đông này được cho là nơi có đông người Việt nhất Ukraine, khoảng 5.000-6.000 trong tổng số chừng 10.000 sinh sống tại nước này.

Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay khiến cuộc sống của người dân tại các vùng miền Đông, nhất là các nơi sát với vùng chiến sự như Kharkov, bị ảnh hưởng nặng nề cả về tâm lý, kinh tế và sinh hoạt hàng ngày.

“Dân ở đây thực sự thấy không yên ổn, sống trong tâm trạng luôn chờ đợi chiến tranh có thể lan rộng vào Kharkov,” ông Hoàng nói với BBC Tiếng Việt hôm 2/9.

Mọi người luôn trong tình trạng sẵn sàng sơ tán, kể cả người Ukraine lẫn người Việt, theo ông Hoàng. “Xe lúc nào cũng phải đầy bình xăng, bởi lúc nào cũng có khả năng Nga tấn công vào”.



Ảnh hưởng kinh tế

Người ta cũng tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu trong nhà và đóng gói quần áo, giấy tờ quan trọng sẵn vào vali, ông Hoàng cho biết thêm.

“Dân ở đây luôn chờ đợi chiến tranh có thể lan vào Kharkov, tâm lý luôn căng thẳng,” ông Hoàng nói.

Việc làm ăn, kinh doanh buôn bán tại Kharkov cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng đình trệ kinh tế khiến nhiều người chỉ duy trì hoạt động kinh doanh ở mức cầm chừng, hoặc thậm chí phải tạm đóng cửa, trong lúc giá cả sinh hoạt leo thang liên tục.

“Các công xưởng, cửa hàng, hay như chỗ tôi làm việc, mọi người làm việc không tập trung như trước nữa mà để nhiều thời gian bàn về chiến sự. Mọi người luôn thấp thỏm chờ đợi,” ông Hoàng nói.

Hồi tháng 3, quân đội Ukraine đã ra lệnh tuyển quân diện rộng đối với các thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.



Đi đâu lánh nạn?

Tin tức cộng đồng tại Kharkov cho biết con em người Việt tại thành phố này nhận được lệnh đăng ký tuyển quân là khoảng 200 người, trong đó có nhiều người đang là sinh viên, khiến một số gia đình quá lo lắng đã tìm cách đưa con về Việt Nam để ‘né’ nghĩa vụ tòng quân.

Thời gian gần đây, nhiều người dân từ các vùng chiến sự, nhất là vùng Donetsk và Lugansk, đã chạy về Kharkov sơ tán. Tuy nhiên, chính bản thân những người sống tại Kharkov nay cũng đang nghĩ tới chuyện phải rời đi. Theo ông Hoàng, một số người Việt chọn khả năng về Việt Nam lánh nạn, tuy nhiên đa số tính đến chuyện sang Nga.

Được biết, từ Kharkov hiện không thể đáp máy bay đi các nơi do vùng không phận đã bị đóng. Do vậy những ai muốn về Việt Nam sẽ cần đi đường bộ tới Kiev hoặc tới Moskva.

Với những người định sang Nga, việc đi lại có vẻ đơn giản hơn, bởi Kharkov khá sát biên giới với Nga. Đa số người Việt sống tại Kharkov nếu sang Nga sẽ tương đối thuận lợi về mặt giấy tờ, theo ông Hoàng.

“Người Việt mình, nhất là trẻ em, đa phần có hộ chiếu Ukraine nên có thể qua biên giới sang Nga một cách bình thường, không gặp vấn đề gì. Với những ai vẫn giữ hộ chiếu Việt Nam thì phải xin visa. Nhưng nếu chiến sự nổ ra thì họ có thể làm thủ tục để đi như người tỵ nạn”, ông Hoàng cho biết thêm.

Được biết, những người sinh sống tại đây đều đã ít nhiều có liên hệ với bạn bè, người quen ở Nga để tìm hiểu thông tin và sự trợ giúp một khi họ cần sơ tán khỏi Ukraine.Một trong các địa điểm được nhiều người cân nhắc là thành phố Belgorod của Nga, cách Kharkov chỉ khoảng 30km về phía Bắc và chừng 20 phút lái xe.

“Nếu có người quen ở Moskva hoặc các thành phố khác thì họ tới đó. Nếu không họ sẽ đi Belgorod. Họ sẽ thuê nhà ở Belgorod, tạm sống ở đó để lúc nào cũng có thể quay trở lại Kharkov, nơi người ta từng sinh sống hai, ba chục năm. Tài sản, cửa hàng, bao nhiêu thứ khác vẫn còn ở đây cho nên họ không muốn đi xa”.

Ông Hoàng nói, trong cộng đồng người Việt tại Kharkov, dường như đa số có thái độ ủng hộ chính quyền tại Kiev. Tuy nhiên, cũng có một số người ủng hộ cách xử lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
II. PHẦN BÌNH LUẬN VÀ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆT NAM
Những ý kiến xung quanh thông báo của chính phủ về việc phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Đài BBC (đêm 3/9) - Giới chuyên gia cảnh báo hậu quả việc lấy nợ mới để trả nợ cũ sau khi chính phủ Việt Nam thông báo có thể sẽ phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế.

Hôm 28/8, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên được các báo trong nước dẫn lời xác nhận rằng “chính phủ đang tính toán vay một khoản khác tương đương với lãi suất thấp hơn” do khoản vay khoảng 1 tỷ USD trước đây lãi cao”.

Nếu kế hoạch được thông qua, đây sẽ là lần thứ ba chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế.

Hồi năm 2005, chính phủ Việt Nam cũng đã phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu USD, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7,125%/năm, theo báo điện tử VnEconomy.

“Số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Tuy nhiên, do Chính phủ cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên và khoản vay đã không được sử dụng hiệu quả, nên Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho Chính phủ.

Trong năm 2010, chính phủ Việt Nam tiếp tục phát hành 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore với lãi suất 6,75%/năm, báo này cho biết thêm. Số tiền này sau đó được Chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Vinalines... vay lại”, báo này cho biết.



‘Kinh nghiệm cay đắng’

Trả lời BBC ngày 3/9, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng kế hoạch này đang làm dấy lên sự quan tâm rộng rãi của dư luận, trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang tăng với tốc độ cao nhất từ khi bắt đầu Đổi Mới đến nay và nghĩa vụ trả nợ cũng đạt tỷ lệ cao nhất trong chi ngân sách từ trước đến nay.

“Một mặt, việc chính phủ vay đảo nợ trên thị trường quốc tế khi lãi suất đang ở mức thấp được coi là một bước đi hợp lý và khôn ngoan để giảm bớt gánh nặng lãi suất cao trước đây. Hơn thế nữa, mới đây, Moody’s đã nâng xếp hạng tài chính của Việt Nam cũng là một tín hiệu thuận lợi”, ông Doanh nói.

“Mặt khác, việc sử dụng khoản vay này như thế nào, ngoài việc đảo nợ, là điều được quan tâm để tránh việc lặp lại kinh nghiệm cay đắng của khoản vay 750 triệu USD đã được trao hết cho Vinashin mà nay nhà nước đang phải trả nợ thay cho tập đoàn này”.

Toàn bộ 750 triệu USD trái phiếu hồi năm 2005 đã được Chính phủ Việt Nam chuyển sang cho Vinashin và tập đoàn này đã không có khả năng trả nợ cho chính phủ do làm ăn thua lỗ.

“Về mặt kỹ thuật, ngoài lãi suất, phí thu xếp khoản vay của các ngân hàng tham gia thu xếp khoản tín dụng này không phải thấp cũng cần phải được xem xét một cách cẩn trọng,” ông Doanh nói.

“Vai trò của Quốc hội trong khoản vay không hề nhỏ này cũng cần được làm rõ, cho đến nay chưa biết thông tin Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội hay chưa”.

‘Lỗi cực kỳ lớn’

Trả lời BBC cùng ngày 3/9, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng việc chính phủ giao toàn bộ tiền vào tay Vinashin mà không cần có các dự án cụ thể để giải ngân là “lỗi cực kỳ lớn”.

“Theo tôi, việc nhà nước vay 750 triệu USD về rồi đưa thẳng cho Vinashin mà không yêu cầu tập đoàn này giải trình các dự án kinh doanh sử dụng số tiền đó thì đó là một lỗi cực kỳ lớn trong quản lý tài chính quốc gia”, ông nói.

“Không thể nào đưa hết một số tiền như vậy cho một doanh nghiệp mà chưa có các dự án cụ thể để giải ngân. Vinashin sau khi nhận được số tiền đó không biết làm gì, dự án thì chưa có, mà phát triển thì theo kế hoạch 5-10 năm, nhận một đống tiền như thế rồi đi đầu tư dàn trải ngoài chức năng của mình. Đó là lỗi của chính phủ chứ không phải của riêng Vinashin”, ông Thành nhận định.

“Bộ Tài chính phải giữ số tiền đó và giải ngân theo tiến độ chứ không thể nào đưa hết một lần như vậy. Nhà nước phải quản lý chặt chẽ hơn vấn đề tài chính và chỉ giải ngân cho doanh nghiệp những dự án doanh nghiệp trình lên và phê duyệt theo tiến độ, không thể giải ngân bừa bãi như vậy được”.

‘Đảo nợ biểu hiện sự yếu kém’

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng việc lấy nợ mới để đắp vào nợ cũ là một bước đi thể hiện sự yếu kém về nguồn lực và sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trước quốc tế.

Ông Thành nói: “Nếu nhà nước Việt Nam phải đi vay tiền để trả nợ cũ thì nó thể hiện một yếu thế của nhà nước. Điều này cho thấy nhà nước không đủ phương tiện để thanh toán nợ khi đáo hạn mà phải lấy nợ mới để trả nợ cũ. Việc làm này không được thị trường tài chính quốc tế đánh giá cao và còn ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của Việt Nam khi đi vay trên thị trường quốc tế”.

Theo ông Thành, cách duy nhất để chấm dứt việc đảo nợ là thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh.

“Nếu nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp phát triển tốt, không phải chết hàng loạt như lúa sau cơn bão như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ có tiền trả thuế cho nhà nước, giúp nhà nước có khả năng thanh toán nợ, giúp nền kinh tế phát triển tốt, tăng dự trữ ngoại hối và giải quyết nợ”, ông nói.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 215.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương