THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á



tải về 215.35 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích215.35 Kb.
#31279
1   2   3

III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Trung Quốc đưa giàn khoan Khải Hoàn 1 vào hoạt động tại biển Hoa Đông

Đài RFI (đêm 3/9) - Theo tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) của Hong Kong ngày 3/9, Bắc Kinh đã đưa một giàn khoan mới đến thăm dò tại biển Hoa Đông, khu vực bao gồm cả vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Trang web của chính phủ Trung Quốc cũng đưa tin “Giàn khoan Khải Hoàn 1 đi vào hoạt động tại biển Hoa Đông”.

Công ty đóng giàn khoan này là Cosco Shipyard (Tập đoàn Viễn dương Trung Quốc) không muốn tiết lộ vị trí chính xác của giàn khoan Khải Hoàn 1 (Kaixuan-1). South China Morning Post nói rằng không thể biết được khu vực đặt giàn khoan Khải Hoàn 1 có gần vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản hay không. Trang china.org.cn, khi loan tin giàn khoan này đi vào hoạt động tại biển Hoa Đông, đã khoe rằng đây là giàn khoan tự nâng, tiêu biểu cho công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Theo trang mạng chính phủ Trung Quốc, tuy trước đây có thông tin cho rằng Khải Hoàn 1 hướng về vùng biển Điếu Ngư (tức quần đảo Senkaku hiện do Nhật quản lý) để tiến hành hoạt động, nhưng nay chưa có chứng cớ nào củng cố cho cáo buộc này. Cũng theo trang web trên, Khải Hoàn 1 do tập đoàn Cosco Shipyard đặt ở Nam Thông (Nantong) tự thiết kế, là giàn khoan tự hành hiện đại nhất được đóng tại Trung Quốc. Giàn khoan này có khả năng khoan đến độ sâu 5.200m, có khu vực lưu trú cho 150 nhân viên sống và làm việc tại chỗ. Ban đầu, Khải Hoàn 1 được đóng cho công ty KS Energy của Singapore, nhưng sau ICBC Financial Leasing mua và cho China Oilfield Service thuê lại theo hợp đồng ký ngày 17/7.

Theo thông cáo của Cosco Shipyard, Khải Hoàn 1 đã khởi đầu hoạt động khoan thăm dò suôn sẻ mặc cho các cơn bão đe dọa. China Oilfield Service và China National Offshore Oil không trả lời các câu hỏi của tờ South China Morning Post về giàn khoan này. Tờ báo Hong Kong nói thêm, bên cạnh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản còn tranh chấp kịch liệt vùng đặc quyền kinh tế tại vùng biển này. Bắc Kinh, vào năm 1995, loan báo phát hiện được một mỏ khí dưới đáy biển được đặt tên là Xuân Hiểu (Chunxiao), được cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, nhưng Tokyo tuyên bố Nhật cũng có thể khai thác các mỏ dầu khí trải dài theo khu vực tranh chấp. Hai nước đã ký một thỏa thuận năm 2008 để cùng khai thác mỏ Xuân Hiểu, nhưng từ đó đến nay chưa có tiến triển gì.

Học giả Indonesia đề xuất giải pháp cùng thắng cho tranh chấp Biển Đông

TTXVN (Jakarta 4/9) - Tranh chấp ở Biển Đông đem đến một số tính năng chính trị hấp dẫn giữa các thành viên ASEAN và Nhật Bản trong khi đây cũng là một trong những mặt trận chính trị - kinh tế mang tính toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thậm chí một số nhà phân tích còn cho rằng các mối quan hệ đối đầu lẫn nhau ở Đông Nam Á hiện nay là mô hình thu nhỏ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những tiền đề này đặt ra những thách thức không chỉ đối với Trung Quốc và Mỹ, mà còn cho cả Indonesia. Xung quanh vấn đề này, báo Bưu điện Jakarta số ra mới đây có bài “Giải pháp cùng thắng cho tranh chấp Biển Đông” của nhà nghiên cứu Rizvi Shihab, thuộc tổ chức Bina Bangsa Foundation. Nội dung bài viết như sau:

Tác giả cho rằng các cuộc tranh cãi lâu đời ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Philippines và Malaysia liên quan đến các tuyên bố chủ quyền các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa đã trở nên nghiêm trọng hơn sau khi LHQ trong một tài liệu công bố vào năm 1969 đánh giá khu vực này rất giàu trữ lượng dầu khí. Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cũng ước tính trữ lượng dầu khí chưa được khai thác ở Biển Đông lên tới 120 tỷ thùng dầu, 500 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên. Trị giá thương mại quốc tế đi qua Biển Đông mỗi năm khoảng 5,3 nghìn tỷ USD. Indonesia không phải quốc gia có yêu sách nhưng ổn định ở Biển Đông rất quan trọng cho phát triển kinh tế, xung đột vũ trang khu vực sẽ cản trở giao thương, gây ra các vấn đề về hậu cần. Gần đây, Nhật Bản xem xét cung cấp viện trợ quân sự cho các nước ASEAN để đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Xu hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan mới ở trong nước cũng như sự cảnh giác trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu đã góp phần thúc đẩy Nhật Bản theo đuổi chính sách ngoại giao và quân sự tích cực hơn.

Mặc dù một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông khó xảy ra vào thời điểm này nhưng những diễn biến gần đây là đáng lo ngại, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết vào năm 2002, các nước cam kết sẽ tiến hành các cuộc đàm phán song phương, đa phương trong tương lai về Biển Đông, hay các nguyên tắc trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).

Tuy nhiên, Trung Quốc đang chần chừ với Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với một số lý do: thứ nhất là dù có tín hiệu cho thấy Trung Quốc chấp nhận đàm phán đa phương nhưng nước này vẫn ưu tiên đàm phán song phương với từng quốc gia có yêu sách, việc ký kết COC sẽ đặt nước này trước khả năng phải ra tóa án trọng tài quốc tế nếu có tranh chấp.



Thứ hai, về mặt kỹ thuật, Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền tại vùng nước trong “đường chín đoạn”, mâu thuẫn với bản đồ mà nước này đã nộp cho UNCLOS năm 2009, nên nếu ký COC Trung Quốc sẽ không thể tự do áp đặt các quy định đơn phương ở Biển Đông. Ngoài ra, COC có thể sẽ tạo cơ hội để Hoa Kỳ can sự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông, điều rõ ràng Trung Quốc không bao giờ mong muốn. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ thái độ không hài lòng với Mỹ tại Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) ở Myanmar vào tháng trước, khi cho rằng sự can dự của các nước bên ngoài không cần thiết trong tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cũng tin rằng Việt Nam và Philippines đã ngày càng trở nên tích cực hơn với sự tham gia của Washington trong khi Mỹ cảm thấy các nước này là lực lượng ổn định để ngăn chặn Trung Quốc "bắt nạt" các nước láng giềng ở Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đã gây áp lực kinh tế đối với Trung Quốc ở châu Phi, châu lục mà cả hai đang cạnh tranh khốc liệt để trở thành đối tác kinh tế hàng đầu nhằm khai thác tiềm năng to lớn ở đây. Trung Quốc tự hào với quan hệ thương mại trị giá 200 tỷ USD mỗi năm với các quốc gia châu Phi, nhiều hơn hẳn so với mức 85 tỷ USD của Mỹ, điều giải thích cho sự cạnh tranh gây hấn của Mỹ ở châu Phi.

Tương tự như vậy, sức mạnh đang lên của Trung Quốc đã biến nước này thành đối tác kinh tế quan trọng nhất với nhiều thành viên ASEAN (Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN). Với lợi ích đáng kể về kinh tế - văn hóa trong quan hệ với Trung Quốc nên không có gì khó hiểu khi một số nước thành viên ASEAN do dự công khai phản đối Trung Quốc, ủng hộ Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia và Brunei là ví dụ điển hình. Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức bắt nguồn từ cuộc đấu tay đôi của hai cường quốc do nước này có quan hệ mạnh mẽ với Mỹ nhưng cũng đang thúc đẩy quan hệ cùng có lợi với Trung Quốc. Tuy nhiên, Jakarta có thể đóng một vai trò tích cực hơn ở Biển Đông trong khi vẫn cân bằng được quan hệ song phương với Washington và Bắc Kinh. Indonesia cần tiếp cận vấn đề Biển Đông một cách linh hoạt, các quyết định trong quan hệ song phương hoặc đa phương không nhất thiết dẫn đến phương án thắng hoặc thua mà có thể đi đến một giải pháp cùng thắng, chẳng hạn như xây dựng các hiệp ước giải trừ quân bị bổ sung ở Biển Đông, tạo điều kiện thông tin liên lạc quân sự nhiều hơn giữa các quốc gia.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện thúc đẩy “ngoại giao kênh hai” và tận dụng các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên, các bên ở Biển Đông cần tìm giải pháp thay đổi trọng tâm từ tranh cãi về ranh giới biển sang hợp tác chung cùng và phát triển. Quá trình này nên được thúc đẩy và bắt đầu với các biện pháp xây dựng lòng tin, “ngoại giao kênh hai” với tính chất ít chính thức hơn sẽ giúp duy trì đối thoại liên tục, xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia. Tiến trình hội nhập kinh tế khu vực cũng có thể tăng cường quan hệ giữa các bên tranh chấp bằng cách quản lý cạnh tranh nguồn lực giữa các quốc gia và giúp tăng trưởng kinh tế lẫn nhau. Chia sẻ lợi ích kinh tế sẽ giúp giảm nguy cơ xung đột vì quan hệ kinh tế sẽ không dựa trên chủ nghĩa trọng thương, một trật tự như vậy sẽ ít có khả năng đưa đến các hành động quân sự. Dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Indonesia cần phải khẳng định vị thế của mình với đường lối ngoại giao thích hợp ở Biển Đông để tối đa hóa lợi ích chính trị, kinh tế và văn hóa.
Lợi thế bất ngờ của Trung Quốc trên bàn cờ quân sự mới

TTXVN (Ottawa 3/9) - Mạng tin ipolitics.ca ngày 3/9 đã đăng bài phân tích của Thượng nghị sĩ Colin Kenny, cựu Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia thuộc Thượng viện Canada, về lợi thế bất ngờ của Trung Quốc trên bàn cờ quân sự thế giới mới.

Theo ông Kenny, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đây làm thay đổi cán cân quyền lực tài chính toàn cầu. Đó là một thách thức đối với các nước phương Tây. Nhưng nỗ lực của Trung Quốc hướng tới uy lực quân sự có thể trở thành một thách thức lớn hơn. Trong lịch sử, Trung Quốc không phải là một cường quốc quân sự lớn của thế giới như Anh, Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng điều đó đang thay đổi khi Trung Quốc đang phát triển. Sức mạnh của các cường quốc bậc trung có thể tăng nhanh chóng nếu họ có tiền, quyết tâm và kỹ năng kỹ thuật, cả ba thứ Trung Quốc đều đang có.

Nói chung, hiện nay cán cân quyền lực vẫn đang nghiêng về phía Mỹ, nhất là tại các vùng biển quốc tế. Mười nhóm tàu sân bay tác chiến lớn của Mỹ đang tuần tra các vùng biển quốc tế, gieo rắc nỗi sợ hãi cho những kẻ có ý định phá hoại trật tự quốc tế. Mỗi nhóm tàu sân bay này được trang bị hỏa lực nhiều hơn các lực lượng vũ trang của hầu hết các quốc gia khác.

Vào cuối thế kỷ XX, chính phủ Trung Quốc đã thức tỉnh trước thực tế rằng việc các loại hỏa lực của Mỹ được tùy ý di chuyển tại các vùng biển gần Trung Quốc là không có lợi cho ý định của Bắc Kinh trong việc thực thi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Kết quả là Trung Quốc đang lặng lẽ phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo đầu tiên của thế giới là Đông Phong 21D (DF-21D), có khả năng đánh chìm các tàu sân bay ở cự ly hơn 1.500 km. Hệ thống này khó bị đe dọa do chúng có các bệ phóng di động và Trung Quốc đã xây dựng một loạt đường hầm dưới lòng đất. Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ cho phép các quả tên lửa đổi hướng khi các tàu sân bay tìm cách chuyển hướng để tránh tên lửa.

Tính năng nhiều đầu đạn của DF-21D có thể mang các loại vũ khí hạt nhân hoặc thông thường, có khả năng tiếp cận mục tiêu ở xa trong vòng 12 phút, khiến đối phương khó có khả năng đánh chặn. Người Mỹ đang buộc phải nỗ lực tìm cách phát hiện hoặc lảng tránh DF-21D, nếu không Trung Quốc đang có khá nhiều các hệ thống vũ khí chỉ trị giá 10 triệu USD nhưng có khả năng tấn công các tàu sân bay có trị giá 3-4 tỷ USD/chiếc. Kiểu trao đổi này là thực sự hời cho Trung Quốc.

Sự tồn tại hiện hữu của loại tên lửa DF-21D đang làm thay đổi cán cân quyền lực tại các vùng biển mà Tổng thống Mỹ Barack Obama công nhận rằng Thái Bình Dương sẽ là chiến trường chính của cuộc chiến hải quân trong thế kỷ này. Nhưng rắc rối hơn là những tác động của chúng đối với bức tranh lớn là cán cân răn đe hạt nhân mà Mỹ và Nga đang thận trọng duy trì. Việc phát triển và thử nghiệm các tên lửa DF-21D là không được phép theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev ký năm 1987. Nhưng Trung Quốc không ký hiệp ước này và cũng không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào khi quyết định thiết kế những loại tên lửa có khả năng tiêu diệt tàu chiến Mỹ tại các vùng biển duyên hải của họ.

Trong tương lai gần, Mỹ vẫn chiếm ưu thế quân sự so với Trung Quốc, và cho dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng lên đến 200 tỷ USD/năm, mức này cũng chỉ bằng 1/3 ngân sách quốc phòng của Mỹ. Nhưng tên lửa DF-21D phù hợp với sự phát triển chung của thế hệ tên lửa mới của Trung Quốc, có thể được phóng trên tàu ngầm lẫn liên lục địa, là một lĩnh vực mà Trung Quốc đang có lợi thế.

Một hiệp ước Mỹ-Trung, giống INF, có thể giúp tháo gỡ tình hình. Trung Quốc chắc chắn sẽ yêu cầu một số đảm bảo về việc triển khai tàu chiến Mỹ tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, có thể làm suy yếu khả năng hành động của Mỹ như một trọng tài giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Nhưng nếu DF-21D thực sự có khả năng xé lẻ các nhóm tàu sân bay chiến đấu của Mỹ, và nếu Washington không tìm được cách vô hiệu hóa hệ thống tên lửa này, việc trọng tài ở các vùng biển châu Á sẽ trở thành một công việc nguy hiểm trong những năm tới.


Xung quanh triển vọng công nghệ “supercaviation” của Trung Quốc

TTXVN (Hong Kong 3/9) - Gần đây có tin nói rằng Trung Quốc đã đạt được một bước đột phá trong công nghệ di chuyển dưới nước, theo đó có thể cho phép các tàu ngầm hoặc ngư lôi di chuyển với tốc độ cực kỳ cao. Tuy nhiên, báo mạng wantchinatimes của Đài Loan ngày 3/9, dẫn nhận định của chuyên gia Nga trên Đài Tiếng nói nước Nga cho rằng về mặt bản chất, công nghệ này chẳng khác nào chuyện “hoang đường”.

Tháng trước, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong đã đăng tin nói rằng các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc đã tìm được một phương pháp để tạo ra một “bong bóng không khí” giúp giảm ma sát hay lực cản ở dưới nước. Theo báo này, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Công nghệ Cáp Nhĩ Tân đã thành công trong thí nghiệm đưa một chiếc tàu ngầm nhỏ đạt được tốc độ rất cao trong môi trường nước. Giáo sư Lý Phong Thần, một chuyên gia về chuyển động của máy móc ở dưới nước thuộc viện nghiên cứu trên cho biết, đây là công nghệ “bong bóng” (Supercavitation). Có nghĩa là các túi bong bóng khí sẽ bao phủ gần như toàn bộ con tàu để nó tiếp xúc với nước ít nhất, qua đó giảm được lực cản và lực ma sát với nước.

Theo wantchinatimes, về mặt lý thuyết, một tàu ngầm hay một quả ngư lôi sử dụng công nghệ này có thể đạt đến tốc độ siêu thanh vào khoảng 5.800 km/giờ, một tốc độ có thể cắt ngắn hành trình xuyên Đại Tây Dương ở dưới nước xuống còn chưa đầy một giờ và một hành trình xuyên Thái Bình Dương trong khoảng 100 phút. Công trình nghiên cứu nói trên của Trung Quốc được tiến hành dựa trên một công nghệ quân sự từ thời kỳ Xôviết trước đây, được coi là supercavitation, một công nghệ đã được sử dụng ở các quả ngư lôi Shakval của Nga để giúp chúng có khả năng di chuyển với tốc độ lên tới 370 km/giờ.

Theo báo này, chuyên gia Vassily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Moskva đã nói với Đài Tiếng nói Nước Nga rằng Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu supercavitation như một phần của dự án hiện nay, điều mà ông Vassily Kasshin nói là gần như “hoang đường” về mặt bản chất.



Đài Tiếng nói Nước Nga cũng cho biết, Trung Quốc đã mua 40 quả ngư lôi VA-111 Shakval của Nga từ Kazakhstan trong những năm 90 của thế kỷ trước, và Bắc Kinh cũng đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giành được công nghệ liên quan trong cùng khoảng thời gian đó, qua đó tạo lập những nền tảng cho dự án mà báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã đưa tin.

Trung Quốc đã có thể thành công trong việc tạo ra những quả ngư lôi kiểu Shakval của riêng họ vào năm 2006, những quả ngư lôi được nói là đã vượt qua những quả ngư lôi nguyên bản cùng loại của Nga về mặt những chỉ số kỹ thuật.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, vẫn có nhiều trở ngại khác nhau đối với việc ứng dụng thực tiễn công nghệ supercavitation, trong đó có việc tìm kiếm các biện pháp để kéo dài đáng kể loại vật thể dưới nước và cho phép người ta lái nó để nó không bị hạn chế ở việc chỉ di chuyển theo một đường thẳng. Đội chuyên gia nghiên cứu của Trung Quốc đã nói rằng họ đã phát hiện một biện pháp sáng tạo để giải quyết cả hai vấn đề này, mặc dù có các vấn đề khác cần phải giải quyết trước khi việc tàu ngầm di chuyển với tốc độ của công nghệ supercavitation trở thành một khả năng triển vọng.

Mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố đã đạt được bước đột phá như đã nêu ở trên, nhưng theo Đài Tiếng nói Nước Nga, những cơ hội để sử dụng công nghệ supercavitation vào các mục đích quân sự là rất hạn chế. Trong hải quân Nga, ngư lôi Shakval chỉ được trang bị các đầu đạn hạt nhân, đồng nghĩa với việc nó thực chất là một loại vũ khí theo kiểu “cơ hội cuối cùng”, theo đó sẽ chỉ được triển khai trong những tình huống khốc liệt. Theo Đài Tiếng nói Nước Nga, dù sao thì hải quân Nga cũng đã dỡ bỏ các quả ngư lôi này ra khỏi các con tàu của họ, và do những giới hạn của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ khó có thể triển khai chúng.

Giáo sư Lý Phong Thần đã nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng công nghệ supercavitation không bị hạn chế trong những ứng dụng quân sự và cũng có thể có lợi cho hoạt động vận tải dưới nước hoặc các môn thể thao dưới nước như bơi.

Ngoài Trung Quốc và Nga, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ cũng đang nghiên cứu công nghệ supercavitation, trong khi Đức đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ này để phát triển các quả ngư lôi.


IV. PHẦN QUỐC TẾ
ĐÔNG NAM Á
Nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á

TTXVN (New York 2/9) - Theo mạng The National Interest, gần đây đã xuất hiện một số chính trị gia Hồi giáo ở Indonesia bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức khủng bố cực đoan mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Trong số này có Abu Bakar Bashir, người sáng lập ra tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah ở Indonesia. Đây là tổ chức đã gây ra một loạt vụ tấn công khủng bố vào thập kỷ trước như vụ đánh bom một câu lạc bộ đêm ở Bali năm 2002, hay vụ đánh bom khách sạn Marriott năm 2003, rồi đánh bom Đại sứ quán Australia năm 2005 và nhiều vụ tấn công khác nhằm vào các khách sạn ở thủ đô Jakarta hồi 2009.

Đông Nam Á vốn là căn cứ của nhiều tổ chức khủng bố, và hiện nay người ta đặc biệt lo ngại trước việc ảnh hưởng của IS đang dần lan rộng sang khu vực này. Ngay chính đặc điểm nhân khẩu học của khu vực cũng tạo thuận lợi cho sự phát triển của các tay súng Hồi giáo: có đến 62% số người Hồi giáo trên toàn thế giới sống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và Indonesia hiện là nước có đông người Hồi giáo nhất, với 209 triệu người. Mặc dù số công dân Indonesia tham gia các chiến dịch của IS ở nước ngoài không nhiều, nhưng khi những người này về nước, họ sẽ tạo ra những mối đe dọa rất nghiêm trọng về an ninh. Theo một chuyên gia của Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, những chiến binh này sẽ dễ dàng kết nối với các tổ chức khủng bố được trang bị vũ khí và cung cấp tài chính một cách dồi dào ở Trung Đông, và sau đó tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở trong lãnh thổ Indonesia. Vì thế, tân Tổng thống Joko Widodo cần nhận thức rõ những mối đe dọa về an ninh và coi việc đối phó với những mối đe dọa này như một trong những vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới.

Mặc dù chưa có nhiều thông tin về ảnh hưởng của IS lan sang các nước Đông Nam Á, nhưng hiện nay nhiều nước trong khu vực đã có chung mối lo ngại với Indonesia. Sau khi Lực lượng tác chiến đặc biệt chung Mỹ - Philippines bị cắt giảm biên chế, Manila hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khủng bố hơn. Cũng giống như Indonesia, nếu như các thành viên của Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ở Phillipines, một tổ chức có quan hệ với Tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda, đến chiến đấu ở Iraq và Syria rồi sau đó quay trở về, khi đó MILF sẽ một lần nữa đe dọa đến an ninh của Philippines. Mặc dù vào tháng 3/2014, Chính phủ Philippines và MILF đã ký thỏa thuận chấm dứt 45 năm xung đột, nhưng hòa bình vẫn rất mong manh.

Không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á, mối đe dọa khủng bố còn lan đến tận Australia, và chủ đề này đã bao trùm cuộc họp tham vấn cấp Bộ trưởng Mỹ - Australia vừa qua. Hình ảnh con trai của Khaled Sharrouf, một tên khủng bố người Australia, cầm một loạt thủ cấp của các binh lính Syria đã một lần nữa cho thấy nạn khủng bố đã vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, và một lần nữa, mối đe dọa từ sự trở lại của các phần tử thánh chiến lại đe dọa Australia. Trong các năm 1990 và 2000, đã có khoảng 30 công dân Australia đến Afghanistan và Pakistan để tham gia các đợt huấn luyện của Al-Qaeda. Ít nhất 1/3 trong số này đã bị bắt sau khi về nước vì các cáo buộc liên quan đến khủng bố.

Chưa hết, khu vực Đông Á cũng đang phải đối mặt với nỗi lo ngại khủng bố. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang điều tra một đoạn băng video, mới được tung lên mạng cho thấy một công dân Nhật Bản bị các tay súng IS bắt giữ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình Trung Đông và lo ngại về ảnh hưởng của IS đối với quốc gia này, đặc biệt là khu vực Tân Cương.

Mặc dù không thể xem nhẹ các biện pháp chống khủng bố của từng quốc gia, song một chính sách mang tính tập thể của cả khu vực cũng không kém phần quan trọng. Dự kiến vào cuối năm 2015, ASEAN sẽ thành lập Cộng đồng Chính trị - An ninh chung (APSC) và khi đó sự hợp tác trên hai lĩnh vực này sẽ được thắt chặt hơn nữa. Năm 2015 cũng là năm Malaysia đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, và cũng đã có nhiều nguồn tin cho rằng IS đang trực tiếp tuyển mộ các tay súng tại Malaysia. Hy vọng ASEAN sẽ thật sự hành động để thực hiện chiến dịch chống khủng bố.

Đúng là đã từ lâu khái niệm "cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu" đã phần nào mất đi ý nghĩa ban đầu, nhưng cuộc chiến chống khủng bố không thể thiếu đi sự hợp tác của toàn thế giới. Cùng với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq, sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á cho thấy tính toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố. Ngoài tập trung vào khu vực Trung Đông, Mỹ cũng cần lưu ý đến những tác động của IS đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với xu thế toàn cầu hóa, bên cạnh mặt tích cực là những thuận lợi về trao đổi thương mại thì những hiện tượng tiêu cực, trong đó có nạn khủng bố cũng sẽ dễ dàng lây lan giữa các khu vực. Trong khuôn khổ chiến lược tái cân bằng của mình, Mỹ đang tiếp tục tăng cường quan hệ cả về ngoại giao lẫn quân sự với các nước đồng minh và đối tác ở châu Á. Trong nhiệm kỳ của ông Bush, hợp tác an ninh giữa Mỹ và các nước châu Á luôn tập trung vào lĩnh vực chống khủng bố, và nay với sự trỗi dậy của IS, thì chống khủng bố vẫn sẽ là ưu tiên trong các chính sách của Mỹ tại châu Á.

Trên bình diện khu vực, Mỹ cần tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận song phương cũng như đa phương với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiếp tục ủng hộ sự hợp tác khu vực thông qua các diễn đàn của ASEAN như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM+), Diễn đàn an khu vực (ARF)...

Nhiều người đã dự đoán rằng trong thời gian tới, IS sẽ tạo ra một thời kỳ Hồi giáo cực đoan mới, và khi đó nhiều nước Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với mối đe doạ này, bởi vậy Mỹ cần có những chính sách hiệu quả và phù hợp trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" xâm nhập Đông Nam Á?

Đài Bắc Kinh (đêm 2/9) - Trợ lý Tư lệnh An ninh và Tình báo Quân khu Jakarta của Indonesia mới đây cho biết, theo ghi chép của quân đội, chỉ riêng thủ đô Jakarta đã có hàng nghìn cư dân tuyên thệ ủng hộ tổ chức vũ trang cực đoan tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS). IS vì sao lại có thể truyền bá rộng rãi tại Indonesia cách xa nghìn dặm như vậy? Các nước Hồi giáo khác ở Đông Nam Á có bị ảnh hưởng của chúng không?

Tuy Indonesia chưa coi Hồi giáo là tôn giáo Nhà nước, nhưng họ quả thực là nước có dân số Hồi giáo đông nhất trên thế giới. Hơn nữa, tổ chức cực đoan luôn tồn tại ở Indonesia. Ví như vụ đánh bom khách sạn Marriott Bali Indonesia năm 2002, chính là do tổ chức cực đoan địa phương Indonesia mang tên Jemaah Islamiyah thực thi. Thủ lĩnh tinh thần của tổ chức cực đoan này Abu Bakar Bashir tháng trước trong nhà tù ngang nhiên tuyên bố ủng hộ IS. Điều này chắc chắn sẽ lôi kéo thêm nhiều người Indonesia ủng hộ IS.

Ngoài ra, IS khác với tổ chức khủng bố trước đó, chúng rất biết lợi dụng mạng xã hội quảng bá mở rộng sức ảnh hưởng cho mình. Hơn nữa, sau khi đã khống chế nhiều mỏ dầu, IS đã trở thành tổ chức khủng bố giàu có nhất trong lịch sử, chúng công khai tuyển dụng chiến binh Thánh chiến tại Indonesia thông qua tin nhắn di động, còn trả lương mỗi tháng 4 triệu Rupiah (gần 400 USD/tháng). Cơ quan tình báo quân đội Indonesia cho biết ít nhất có 60-80 người Indonesia tham gia cái gọi là “Thánh chiến” tại Syria. Nhưng báo giới địa phương đưa tin cho biết đã có hơn 30 nghìn người Indonesia tham gia “Thánh chiến” tại khu vực Trung Đông, trong đó một số người sau khi về nước thành lập chi nhánh IS.

Indonesia từng nhiều lần bị tấn công khủng bố, bởi vậy trong hơn 10 năm qua, Chính phủ Indonesia có thể nói là dốc hết sức tấn công chủ nghĩa khủng bố và cũng đã giành được một số thành quả. Indonesia nhiều lần áp dụng hành động bắt giữ những người ủng hộ IS và đã xóa bỏ quốc tịch Indonesia đối với 34 người Indonesia được xác nhận là đã tham gia IS tại Iraq và Syria. Nhưng hiện nay Indonesia cũng đối mặt với vấn đề không có pháp luật để khép tội những người ủng hộ IS ở trong nước mình. Cảnh sát chỉ có thể theo dõi chặt chẽ những người liên quan trong phạm vi quyền hạn của mình.

Qua mạng xã hội, tư tưởng cực đoan của IS đã lan truyền rất nhanh ra toàn thế giới, nhất là trong thế giới Hồi giáo. Tại Đông Nam Á, Malaysia là nước Hồi giáo quan trọng. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, Malaysia hiện nay cũng đã xác nhận có khoảng 20 người đến Iraq và Syria tham gia Thánh chiến của IS.

Qua đó có thể thấy, IS và tư tưởng cực đoan của chúng có thể nói là lợi dụng tất cả mọi dịp, trở thành kẻ thù chung của an ninh khu vực thậm chí an ninh toàn cầu, kể cả rất nhiều nước Hồi giáo. Cộng đồng quốc tế quả thực cần tăng cường hợp tác, cùng tấn công.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 215.35 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương