THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 181.82 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích181.82 Kb.
#29999
1   2   3   4

Vấn đề nợ công ở Việt Nam


Đài RFA (đêm 15/8) - Phát biểu tại Đà Nẵng ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ”. Thực tế, gánh nợ quốc gia của Việt Nam nguy ngập đến thế nào mà Thủ tướng lại phải lên tiếng như vậy.

Trả lời Nam Nguyên, ông Bùi Kiến Thành một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính quốc tế từ Hà Nội nhận định: “Thủ tướng nói như vậy nhưng lấy điều gì để bảo đảm Việt Nam không vỡ nợ công. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục đi vay nợ như thế này trong tình hình kinh tế không sáng sủa thì doanh nghiệp sẽ chết hàng loạt. Kinh tế Việt Nam khó khăn mà chúng ta cứ đi vay như vậy thì lấy gì bảo đảm sẽ không vỡ nợ”.

Ngay từ đầu năm nay, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội đã bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về tình trạng nợ công của Việt Nam. Ông nói: “Theo tôi, vấn đề nợ công rất phức tạp, hiện nay, cứ ba tháng một lần, ngân sách Nhà nước lại phải trả nợ nước ngoài khoảng 1 tỷ USD. Đó là một khoản nợ không nhỏ và số nợ công trong những năm gần đây đã tăng lên một cách nhanh chóng. Đấy cũng là một yếu tố rất đáng chú ý và đáng lo ngại”.

Ngày 31/7 vừa qua, Argentina, một quốc gia Nam Mỹ đã vỡ nợ lần thứ hai, sau khi mất khả năng thanh toán 1,5 tỷ USD trái phiếu quốc gia cho cho hai quỹ đầu tư của Mỹ. Một trong các tổ chức đánh giá tín nhiệm là Fitch Ratings đã định giá trái phiếu Argentina xuống hạng Junk bond tức không khác gì giấy lộn. Như vậy, Argentina không thể vay tiền được nữa kể cả từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho đến khi khả năng trả nợ của họ được phục hồi.

Với giả thiết trường hợp Việt Nam rơi vào tình trạng vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra, chuyên gia Bùi Kiến Thành phát biểu: “Nếu Việt Nam vỡ nợ, tất nhiên hệ số tín nhiệm của tín dụng đối với Việt Nam sẽ rất thê thảm, trong trường hợp nhà nước muốn vay tiền chỉ số tín dụng từ BB sẽ rơi xuống B- và xuống hơn nữa, như vậy làm sao Việt Nam có thể tồn tại trên thị trường tài chính quốc tế. Những chuyện ấy sẽ kéo theo làm cho một nước không thể ngóc đầu lên nổi. Chúng ta đã thấy chuyện đó xảy ra rồi, thí dụ bên Argentina vỡ nợ lần thứ hai kéo theo bao nhiêu hệ lụy của nền kinh tế”.

Từ hai năm qua, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã lên tiếng báo động về tình trạng nợ công của Việt Nam. Báo động không những về cách tính nhằm giảm nhẹ tổng nợ công thực tế mà còn về tình trạng lãng phí nợ vay nước ngoài thực hiện tràn lan các dự án. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định: “Phải tìm cách hãm lại gánh nợ công, đầu tư công, những thứ được gọi là phí phạm trong vấn đề quản lý nhà nước, những sự rút ruột công trình và vấn đề cán bộ nhà nước không kiểm tra đầy đủ chi tiêu nợ công”.

Theo báo điện tử VnEconomy, tại Hội nghị ngành kế hoạch đầu tư tổ chức tại Đà Nẵng ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo xin trích nguyên văn “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ, phải bố trí đủ để trả nợ, chủ yếu là trả nợ phần đầu tư xây dựng trước. Trái phiếu cũng phải tính 5 năm. Tổng trái phiếu chính phủ và địa phương sẽ được tính kỹ, căn cứ vào bảo đảm nợ công rồi mới tính phát hành trái phiếu thế nào để có nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển nhưng đồng thời vẫn phải giữ vững an toàn cho nền tài chính quốc gia”.

Tính nợ công mập mờ?

Báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra tại hội nghị Đà Nẵng cho thấy tổng số nợ công tính đến cuối năm 2013 chỉ là 41,5% GDP. Đây là một chỉ số đẹp hoàn hảo nhưng bị các chuyên gia ngoài chính phủ cho là một con số ảo. Theo các chuyên gia độc lập, cách tiếp cận vấn đề nợ công của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn khác với thông lệ quốc tế.

Cách tính nợ công mập mờ tách rời những món nợ lớn của doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định: “Chúng ta thấy tỷ lệ nợ công không rõ ràng, có thể nói nhà nước không thực sự công bố hết nợ công, phần nợ công nào đi vay nước ngoài, nợ công nào đi vay trong nước; nợ công nào trực tiếp của Trung ương; nợ công nào của địa phương; nợ công nào nhà nước bảo lãnh cho các tập đoàn nhà nước, nếu cộng hết những cái đó lại thì không phải là 50%-60% GDP như công bố mà có nhiều chuyên gia nói là có thể hơn 100% GDP. Vấn đề ở đây là nợ công và sự an toàn của nó là khả năng trả nợ. Phải có nền kinh tế phát triển tốt, lúc đó mới có tiền vào ngân sách để trả nợ. Trong khi 3-4 năm nay, nền kinh tế Việt Nam có nhiều doanh nghiệp chết hàng loạt, vậy làm sao có khả năng trả nợ được”.

Báo chí Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đó là tiền đề cho sự thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng ổn định vĩ mô, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy vậy, trên các diễn đàn, chuyên gia ngoài chính phủ trong ngoài nước nhiều lần kêu gọi Việt Nam cải cách thể chế, công khai minh bạch và dân chủ trong kinh tế mới có thể phát triển kinh tế bền vững. Tham nhũng đi đôi với lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định: “Thanh tra, kiểm tra không đủ, cho nên bao nhiêu công trình bị rút ruột. Tất cả các vấn đề phải được giải quyết chứ không thể để nhà nước bỏ ra 100 đồng nhưng đầu tư vào công trình chỉ có 40-50 đồng còn lại là bị bớt xén hết, tạo ra những công trình không có chất lượng, rồi phải đầu tư thêm để sửa chữa chính những công trình ấy. Có những công trình không sửa chữa được, một con đường làm chưa xong đã bị hỏng như Đại lộ Thăng Long đi Láng Hòa Lạc, cái nền ở dưới nó hỏng nên phải đào hết lên để làm lại 2,3 lần. Ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư nói là chi phí làm đường ở Việt Nam cao hơn bên Mỹ tới 2,3 lần, như vậy là sao? Không phải chỉ nói nợ công đó là bao nhiêu mà phải nói nợ công đó có ích lợi gì, tồn tại bao lâu. Cái nợ công đó lại tạo ra nợ công khác. Phải có những biện pháp khống chế vấn đề tiêu xài của nhà nước như thế nào để đừng gây ra lãng phí”.

Không riêng nợ công và cách tính nợ công khác thường của Bộ Tài chính Việt Nam cho ra một con số đẹp, cách tính GDP tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam cũng gây cho giới chuyên môn một trận cười bất tận. Thời báo kinh tế Việt Nam trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 7/8 tại Hội nghị Đà Nẵng, xin trích nguyên văn: “Cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay là không xác thực và so với quốc tế thì không giống ai”. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành từ nay phải tính toán xác thực, không tô hồng hay làm sai lệch, vì trong những năm qua, tỉnh thành nào cũng báo cáo GDP tăng trưởng từ 10% tới 15%, nhưng GDP cả nước chỉ tăng từ 5% đến 7%.

Theo các chuyên gia, cách tính GDP không xác thực dẫn tới sai lầm dây chuyền trong nền kinh tế, từ kế hoạch phát triển cho đến đầu tư sai lệch và dàn trải kém hiệu quả. Lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận phương pháp tính GDP của Việt Nam không xác thực và phải mau chóng cải cách. Các kế hoạch kinh tế của 63 tỉnh thành ở Việt Nam dựa trên những con số tô hồng chuốt lục dẫn tới những sai lệch cho cả quốc gia.

Một đất nước với các chỉ số ảo về tăng trưởng GDP, nợ công không được công bố một cách đầy đủ và minh bạch thì khó có thể đảm bảo việc không có ngày vỡ nợ. Những khoản nợ công bị phung phí ngày hôm nay chính là gánh nặng cho các thế hệ Việt Nam mai sau.




  1. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á


Đại kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông

TTXVN (Hong Kong 15/8) - Sau một loạt hành động hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là vụ Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thế giới đang hết sức quan tâm đến những mưu đồ và hành động tiếp theo của Trung Quốc ở vùng biển này. Thời báo châu Á Trực tuyến mới đây đăng bài viết của Billy Tea về những mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bài viết nhan đề “Đại Kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông”, vị chuyên gia nghiên cứu thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ, cho rằng sẽ là sai lầm khi đánh giá rằng sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 là điều chỉ xảy ra một lần. Đây là bài viết có nhiều thông tin hữu ích, thể hiện sự hiểu biết và nắm rõ vấn đề của Billy Tea, một người chuyên nghiên cứu các vấn đề: ngăn chặn xung đột, xử lý xung đột và hợp tác khu vực; chính sách ngoại giao của Trung Quốc ở châu Á; các mối quan hệ an ninh và quốc phòng giữa châu Á, châu Âu và Mỹ. Dưới đây là nội dung bài viết:

Cho dù quyết định của Trung Quốc về việc rút một giàn khoan thăm dò dầu khí ra khỏi các vùng nước tranh chấp nóng bỏng với nước láng giềng Việt Nam có phải là bị thúc đẩy bởi lý do thời tiết xấu, một nhiệm vụ đã hoàn thành, hay sức ép ngoại giao gia tăng từ phía Mỹ hay không, thì động thái này cũng là giai đoạn mới nhất trong Đại kế hoạch của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có kế hoạch kêu gọi “một sự đóng băng tự nguyện” đối với toàn bộ những hành động có thể làm leo thang những tranh chấp ở vùng biển này tại một cuộc họp an ninh Đông Nam Á vào cuối tuần này, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ ý tưởng đó, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ vẫn duy trì quyền của mình về việc xây dựng những cấu trúc ở những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền. Bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc yêu sách hơn 90% trên tổng số 3,5 triệu km2 diện tích Biển Đông.

Có một lý do địa chính trị cơ bản “ăn sâu bám rễ” trong những chính sách ngoại giao thực tế cho sự quyết liệt ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở vùng biển này. Để hiểu được hiện tại và đánh giá tương lai, cần xem xét vượt ra ngoài những sự kiện hiện nay, coi đó là những vụ việc riêng, đồng thời hãy chờ xem tham vọng lâu dài của Bắc Kinh đối với vùng biển có giá trị chiến lược cao và giàu dầu khí này.

Trung Quốc và một loạt quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã tranh chấp và thỉnh thoảng xung đột với nhau xung quanh những khu vực khác nhau ở Biển Đông. Tuy nhiên, chỉ đến khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại một cuộc họp tháng 7/2010 (khi bà Hillary vẫn đương chức - PV) của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội, rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở Biển Đông, thì tình hình mới bắt đầu lao dốc theo đường xoáy trôn ốc.

Lời tuyên bố chính thức của bà Hillary Clinton đã bị Bắc Kinh coi là một hành động khiêu khích và thúc đẩy việc quốc tế hóa tình hình Biển Đông. Trung Quốc, quốc gia đã tuyên bố rằng vùng biển này là một “lợi ích cốt lõi” trong chủ quyền của họ, mong muốn giải quyết những tranh chấp ở đó bằng hình thức song phương với từng bên có tuyên bố chủ quyền, đồng thời phản đối việc giải quyết theo hình thức đa phương cũng như là các giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế. Sự bác bỏ ngay lập tức của Bắc Kinh đối với đề xuất “đóng băng tự nguyện” của Ngoại trưởng John Kerry là chỉ dấu cho thấy lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề này.

Kể từ bài phát biểu của bà Hillary Clinton, Biển Đông đã xảy ra một loạt tranh cãi leo thang theo kiểu hành động dẫn đến phản ứng xung quanh những thực thể riêng giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines và Việt Nam. Vụ đối đầu năm 2012 giữa Trung Quốc với Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough tranh chấp (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag – PV) đã đánh dấu sự khởi đầu trong cách tiếp cận mang tính khiêu khích hơn của Bắc Kinh đối với những tranh chấp này.

Những cuộc xung đột trong năm nay giữa các tàu của Trung Quốc và Việt Nam ở gần giàn khoan thăm dò Hải Dương-981 của Trung Quốc, được hạ đặt hồi tháng 5 ở gần quần đảo Paracel (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm năm 1974 và gọi là Tây Sa), đã có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột lớn. Động thái này của Trung Quốc nhiều khả năng là một phần phản ứng đối với việc Việt Nam gần đây đưa ra lời mời thầu các hợp đồng thăm dò dành cho các doanh nghiệp năng lượng nước ngoài. tháng 11/2013 Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt Tự nhiên (ONGC) của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với PetroVietnam, một doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước Việt Nam, về việc hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.

Đến tháng 5/2014, Việt Nam đã đề nghị trao cho Ấn Độ 7 lô dầu khí để thăm dò ngoài khơi ở Biển Đông mà không phải đấu thầu cạnh tranh. Khi Ấn Độ công bố các kế hoạch từ bỏ lô dầu mỏ 128 vào năm 2012, Hà Nội đã yêu cầu New Delhi giữ nguyên cho đến năm 2014, qua đó thể hiện mong muốn của Hà Nội về việc duy trì sự hiện diện của Ấn Độ làm đối trọng trong khu vực. Hà Nội cũng đã mở đường cho các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn với Mỹ để chống lại sự quyết liệt ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Chắc chắn là các cuộc xung đột ở Biển Đông đang bị chi phối một phần bởi trữ lượng lớn tiềm năng dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này. Giàn khoan Hải Dương-981 là một phần của cái gọi là Chương trình 863 của Trung Quốc, một sáng kiến được công bố vào tháng 3/1986 nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến nhất của thế giới. Các cơ quan Chính phủ Trung Quốc, bao gồm cả Bộ Khoa học Công nghệ và Ủy ban Phát triển & Cải cách Quốc gia đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển giàn khoan này.

Giàn khoan này đã giúp Trung Quốc có được khả năng độc lập trong việc khoan dầu và khí thiên nhiên ở những phần tranh chấp trên Biển Đông mà các công ty nước ngoài có thể không sẵn sàng hoạt động do những nguy cơ chính trị. Sau động thái di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 (đến vùng biển Việt Nam – PV) vào tháng 5/2014, tháng 6 vừa qua Trung Quốc đã triển khai thêm 4 giàn khoan dầu (Nam Hải 2, Nam Hải 4, Nam Hải 5 và Nam Hải 9) ở Biển Đông với những nhiệm vụ thăm dò tương tự dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Những động thái này đã đã làm dấy lên nhiều tranh cãi ngoại giao và kinh tế hơn giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Vậy thì Đại kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông là gì? Những chính sách đối ngoại chiến lược “bất xuất đầu” và “thao quang dưỡng hối” – được dịch một cách văn vẻ là “không xuất đầu lộ diện” và “giấu mình chờ thời” – vẫn còn chút liên quan, nhưng đồng thời đang thay đổi sang một thái độ ngày càng quyết liệt hơn.

Trung Quốc không còn “giấu mình chờ thời” trong bóng tối về các khả năng của họ và đang ngày càng sẵn sàng “lên cơ bắp” sức mạnh quân sự và các kỹ năng công nghệ của họ, trong đó có việc triển khai một lực lượng hải cảnh đã được cải thiện nhiều để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 khỏi sự quấy nhiễu của các tàu Việt Nam.

Giờ đây, Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng của họ trong việc đối đầu với các bên có tuyên bố chủ quyền đối địch ở Biển Đông. Chắc chắn là giờ đây họ “không xuất đầu lộ diện” trong khi đánh giá Việt Nam và phản ứng đầy đủ của cộng đồng quốc tế đối với vụ việc giàn khoan Hải Dương-981. Đằng sau sự tương tác của chuỗi “hành động - phản ứng” xung quanh những vùng nước tranh chấp, Trung Quốc tiếp tục hành động nhanh chóng theo kế hoạch lâu dài và nhiều giai đoạn của họ để cuối cùng khẳng định sự thống trị đối với khu vực Biển Đông. Kế hoạch này bao gồm 3 bộ phận hợp thành rõ ràng, cụ thể là:



1. Tăng cường các năng lực quân sự, đặc biệt là hải quân và không quân:

Hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc gia giai đoạn 2014-2015, với 132 tỷ USD được phân bổ cho chi tiêu quân sự, tăng khoảng 12% so với năm trước đó. Sự phát triển quân sự của Trung Quốc có nhiều mục đích, và sẽ không chỉ nhằm khẳng định hay bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, mà còn được sử dụng làm một sự răn đe đối với tình hình Đài Loan và “hất cẳng” ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Theo Ronald O'Rourke, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề Hải quân ở Mỹ, những nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc bao gồm: Các tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM); các tên lửa hành trình chống hạm; (ASCM); các tàu ngầm; các tàu mặt nước; máy bay, và sự hỗ trợ của các hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, các máy tính, tình báo, giám sát và do thám); bảo trì và hậu cần; học thuyết hải quân; chất lượng nhân sự; giáo dục và huấn luyện.

2. Cải thiện hình ảnh quốc tế:

Trung Quốc đã bị chỉ trích rộng rãi vì họ thiếu bằng chức pháp lý để ủng hộ tấm bản đồ đường 9 đoạn (còn gọi là đường “lưỡi bò” hay đường chữ U – PV) tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Trong quá khứ, sự chỉ trích quốc tế như vậy hẳn sẽ có ảnh hưởng hạn chế đối với chính sách của Bắc Kinh, như đã thể hiện bởi việc họ thiếu phản ứng với sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế sau khi Bắc Kinh tiến hành cuộc đàn áp chết người nhằm vào các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây đang phải lo lắng hơn nhiều về hình ảnh toàn cầu của họ. Điều đó đã được kiểm chứng bởi những nỗ lực của các cơ quan chính quyền Trung Quốc nhằm kiểm duyệt bất kỳ sự miêu tả tiêu cực nào về nước này trong thời gian diễn ra Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh (Olimpic Bắc Kinh). Khi vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây về những hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã cố gắng tìm cách củng cố những tuyên bố của họ thông qua những kháng cáo ngược lên Liên hợp quốc (LHQ). Chiến thuật mới này, mặc dù không kêu gọi một sự can thiệp đa phương vào những tranh chấp này, nhưng được coi là một sự phản ứng đối với việc Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để khẳng định chủ quyền của họ đối với các khu vực tranh chấp.

3. Củng cố các tuyên bố pháp lý:

Tiếp đó, Bộ ngoại giao Trung Quốc gần đây đã đưa ra một báo cáo gửi lên LHQ, với nhan đề “Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”, trong đó chỉ trích những hành động bị cho là khiêu khích của Việt Nam xung quanh giàn khoan này và cung cấp một phác thảo toàn diện về những yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Paracel, trong đó có một tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc được ban hành ngày 4/9/1958. Hơn nữa, bản báo cáo này cũng bao gồm những trang phôtô từ một cuốn sách giáo khoa địa lý dành cho học sinh lớp 9 của Việt Nam được xuất bản cách đây 40 năm, và một tấm bìa của một tập bản đồ thế giới (World Atlats).

Một phương pháp khác mà Trung Quốc đang sử dụng để hỗ trợ những tuyên bố chủ quyền của họ là vận chuyển cát tới những bãi đá ngầm và bãi cạn mà họ đã kiểm soát ở Biển Đông. Tiến trình này, được gọi là “xây dựng đảo”, được thực hiện nhằm hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền của họ theo định nghĩa về lãnh thổ như đã được quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc dường như lên kế hoạch di chuyển những cộng đồng dân cư lâu dài tới những vùng lãnh thổ đã được tạo ra, qua đó tăng cường sự khẳng định về mặt pháp lý của họ đối với các thực thể và các hòn đảo nhất định.

Để dự đoán trước những hành động tiềm tàng của Trung Quốc sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, cần phải hiểu được Đại kế hoạch của họ cho việc khẳng định sự thống trị cuối cùng ở Biển Đông. Vấn đề không phải là tại sao Trung Quốc lại rút giàn khoan Hải Dương-981 (ra khỏi vùng biển Việt Nam - PV) mà là những chính sách thích ứng nào nhiều khả năng họ sẽ thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Cuộc xung đột leo thang, dù có hay không có những lời kêu gọi kiềm chế của Mỹ, cũng sẽ không được giải quyết sớm. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất mà bất kỳ kẻ bàng quan nào có thể phạm phải sẽ là coi sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 là chuyện chỉ xảy ra một lần. Thay vào đó, nó là một hành động đã được tính toán cẩn thận và là một phần của một chiến lược lớn hơn.


Khuyến nghị về chiến lược biển của Mỹ ở Biển Đông

TTXVN (Washington 16/8) - Ngày 15/8, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington đăng bài phân tích của tiến sĩ Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia. Tác giả đã đưa ra khuyến nghị về chiến lược biển của Mỹ ở Biển Đông. Nội dung cụ thể như sau:

Mục tiêu chính của chiến lược biển của Mỹ ở Biển Đông nên là tạo ra các trường hợp (sự lựa chọn) cho Trung Quốc trong việc phải chấp nhận nguyên trạng hay leo thang (căng thẳng). Mỹ cần phải theo đuổi một chiến lược gián tiếp thông qua các đòn bẩy liên minh của mình với Philippines và quan hệ an ninh với Việt Nam, đồng thời can dự trong việc theo đuổi tìm kiếm (việc giải quyết tranh chấp) hàng hải một cách hòa bình với mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ không nên trực tiếp đối đầu với các lực lượng hải quân của Trung Quốc.

Trước cuộc khủng hoảng giàn khoan, Việt Nam đã đề xuất một cuộc đối thoại an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Điều này dường như đã nhận được một phản ứng thận trọng từ Nhật Bản, song nó vẫn đang còn đó. Một cuộc gặp ba bên kênh 2 của giới học giả đang được lên kế hoạch tổ chức ở thủ đô Washington dự kiến vào cuối năm nay.

Trong hoàn cảnh hiện tại, một sự dàn xếp cuộc gặp 3 bên chính thức kênh 1 nên được đàm phán và sử dụng như là một kênh nhằm tìm ra một chiến lược đa phương để ngăn chặn Trung Quốc. Một chiến lược như vậy nên bao gồm Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Mỹ, cũng như việc đẩy nhanh hợp tác giữa lực lượng tuần duyên của các nước này. Nhật Bản đã (thực sự) vươn tới (các đối tác) Philippines và Việt Nam.

Mỹ và Việt Nam cần đẩy nhanh thỏa thuận hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước. Đến nay, việc đào tạo đã được triển khai trên đất liền dưới hình thức các khóa học ngắn hạn. Lực lượng Tuần duyên của Mỹ (US Coast Guard) nên được triển khai đến các vùng biển Việt Nam cho các hoạt động đào tạo hỗn hợp và tham gia vào việc trao đổi các quan sát viên trên tàu của mỗi nước. Việt Nam gần đây đã tham gia vào Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Điều này tạo điều kiện cho Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nhằm phát triển năng lực nhận thức trong lĩnh vực hàng hải của nước này.

Dường như đã là thời điểm chín muồi cho Mỹ để bắt đầu nới lỏng các hạn chế của Mỹ trong việc bán các thiết bị và dịch vụ quân sự cho Việt Nam. Được biết, Việt Nam đã bày tỏ quan tâm đến việc mua máy bay giám sát hàng hải và radar ven biển của Mỹ. Mỹ có thể triển khai một mẫu máy bay mà Việt Nam đang cân nhắc, đồng thời thực hiện các chuyến bay trình diễn với các nhân viên quân sự Việt Nam trên khoang lái.

Ngoài ra, máy bay giám sát hàng hải của Hải quân Mỹ đang đậu ở Philippines theo Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường gần đây (giữa hai nước), có thể được triển khai tới Việt Nam trên cơ sở tạm thời. Họ có thể thực hiện các nhiệm vụ giám sát hàng hải hỗn hợp với các đối tác Việt Nam. Nhân viên quân đội Mỹ có thể bay trên các máy bay trinh sát của Việt Nam với tư cách quan sát viên và ngược lại.

Các nhà phân tích an ninh khu vực dự báo Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sự hiện diện hải quân hung hăng ở Biển Đông hàng năm trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 8. Đây là cơ hội cho Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tổ chức một loạt cuộc tập trận hàng hải và thực hiện các các chuyến bay giám sát với Việt Nam và Philippines ngay trước khi xuất hiện của lực lượng của Trung Quốc và diễn ra trong suốt thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Mọi hoạt động phải hoàn toàn minh bạch cho tất cả các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc.

Một chiến lược gián tiếp mang lại cách thức cho Mỹ trong việc thể hiện (bằng hành động) thực tế đối với chính sách tuyên bố của mình phản đối sự đe dọa và cưỡng ép để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Một chiến lược gián tiếp không đòi hỏi Mỹ phải trực tiếp đối đầu với Trung Quốc. Chiến lược này đặt trách nhiệm lên phía Trung Quốc trong việc (tự) quyết định lấy nguy cơ phải đối mặt với sự hình thành (một lực lượng) hỗn hợp các tàu hải quân và máy bay của các nước Mỹ Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Các lực lượng hải quân và không quân này sẽ hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế cắt ngang “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm duy trì một sự hiện diện hải quân và không quân liên tục để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng (các biện pháp) đe dọa và cưỡng ép đối với Việt Nam và Philippines. Sự ngăn chặn có thể được tăng cường thông qua việc trao đổi phi công và thủy thủ trong tất cả các bài diễn tập. Phạm vi và cường độ của các bài diễn tập này có thể được thay đổi để phù hợp với mức độ căng thẳng.



Phán quyết của PCA về tranh chấp hàng hải Bangladesh-Ấn Độ: Mô hình cho tranh chấp Biển Đông?

TTXVN (Washington 15/8) - Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ngày 7/8 đăng bài phân tích với tựa đề “Nghị quyết CO14158 về biên giới trên biển giữa Bangladesh - Ấn Độ: Mô hình cho các tranh chấp Biển Đông?” của tác giả Sam Bateman, cố vấn Chương trình an ninh hàng hải tại RSIS. Nội dung cụ thể như sau:

Ngày 7/7, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA, gọi tắt là Tòa án) ở Hague, Hà Lan đã ra phán quyết về biên giới trên biển giữa Bangladesh và Ấn Độ trong vịnh Bengal. Điều này đã giúp giải quyết một tranh chấp kéo dài giữa hai bên và sẽ giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý mang tính hợp tác về vịnh này cũng như các nguồn tài nguyên của nó. Phán quyết này là quan trọng do bên cạnh sự phụ thuộc của quốc gia ven biển vào nguồn cá của vịnh, khu vực này được cho là có trữ lượng phong phú về dầu mỏ và khí tự nhiên.



Kết quả “hai bên cùng thắng” hay “hai bên cùng mất”?

Sau các cân nhắc phức tạp liên quan đến bằng chứng lịch sử và bản đồ, Tòa án đã xác định vị trí điểm cuối của ranh giới trên đất liền giữa hai nước, và sau đó phân định ranh giới giữa hai nước về vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa trong và ngoài 200 hải lý của họ. Bangladesh đã được trao 19.467 km2 trong tổng số 25.602 km2 của vùng biển tranh chấp, mặc dù Ấn Độ vẫn có một khu vực thềm lục địa rộng lớn về phía Nam của vịnh.

Phán quyết này đã được mô tả khác nhau. Có người gọi đó là một kết quả "hai bên cùng thắng". Người khác lại nói đó là kết quả có "bên thắng, bên thua". Với Bangladesh, việc giành được khoảng 4/5 diện tích khu vực tranh chấp được một số phương tiện truyền thông ca ngợi nước này là "người chiến thắng". Tuy nhiên, cả hai nước đã công khai xem phán quyết này như là một kết quả mà "hai bên cùng thắng".

Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh gọi đó là "một chiến thắng cho tình hữu nghị giữa Bangladesh và Ấn Độ”, trong khi Ấn Độ cũng hoan nghênh phán quyết này. Một tuyên bố từ Bộ ngoại giao của Ấn Độ nói rằng việc giải quyết vấn đề biên giới sẽ "tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thiện chí giữa Ấn Độ và Bangladesh bằng cách đóng lại một vấn đề bị trì hoãn từ lâu”. Việc Ấn Độ chào đón quyết định này là một minh chứng vững chắc về sự chú trọng của Thủ tướng mới Modi vào việc xây dựng các liên kết chặt chẽ hơn với các nước láng giềng của Ấn Độ.



Các cân nhắc chủ yếu

Trong các đệ trình của mình lên Tòa án, Ấn Độ yêu sách một đường biên giới dựa trên nguyên tắc trung tuyến, tuy nhiên Bangladesh đòi hỏi chủ quyền dựa trên sự phân định công bằng (theo luật pháp quốc tế). Điều này đồng nghĩa với việc một diện tích khá lớn tranh chấp có sự chồng lấn về tuyên bố chủ quyền giữa Ấn Độ và Bangladesh.

Đòi hỏi của Bangladesh là điều dễ hiểu. Bangladesh được mô tả giống như một đất nước bị “khóa chặn vùng biển”. Nằm ở phần đầu của Vịnh Bengal, nước này bị khóa chặt bởi các vùng biển của Ấn Độ và Myanmar. Nếu không được xét xử công bằng có lợi cho mình, Bangladesh sẽ chỉ có một đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhỏ.

Về cơ bản Tòa án đã chấp nhận lập luận đó của Bangladesh. Tòa án công nhận rằng phần lõm của Vịnh Bengal tạo ra các điều kiện không công bằng cho Bangladesh. Kết quả là, Tòa án đã điều chỉnh các đường trung tuyến giả định về phía Tây nhằm mang lại cho Bangladesh một diện tích lớn hơn để có được một kết quả phán quyết công bằng.

Trong việc phân định biên giới thềm lục địa, Tòa án đã công nhận rằng ranh giới này mở rộng đến một khu vực nằm ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển của Bangladesh và trong vòng 200 hải lý từ bờ biển của Ấn Độ nằm ở phía Đông của đường ranh giới. Phán quyết do đó đã tạo ra một "vùng xám" nơi mà Bangladesh có các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa, trong khi Ấn Độ có các quyền đối với vùng EEZ cũng như với các nguồn tài nguyên trong vùng nước này.

“Vùng xám” này chồng lấn với một vùng trước đó được xác lập khi Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) phân định ranh giới trên biển giữa Bangladesh và Myanmar. Trong khi phần nằm dưới đáy biển và lòng đất ở khu vực này thuộc về Bangladesh, một ranh giới cột nước hiện nay là đòi hỏi (cần phân định) giữa Ấn Độ và Myanmar.

Một ranh giới thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế riêng biệt không phải là duy nhất. Nó vẫn đang chờ đợi cách thức các bên sẽ chấp nhận phần phán quyết này như thế nào. Các thỏa thuận bổ sung là đòi hỏi giữa ba bên.

Công việc còn dang dở

Ngoài vấn đề "vùng xám" còn có vấn đề khác chưa hoàn tất về các đường biên giới trên biển trong Vịnh Bengal. Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Sri Lanka đều nộp bản đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) liên quan đến các thềm lục địa mở rộng trong vịnh chồng lấn với các khu vực tuyên bố chủ quyền bởi một bên khác. Đệ trình của Ấn Độ bao gồm hai phần. Một phần mở rộng về phía Đông từ lục địa Ấn Độ và một phần về phía Tây của quần đảo Andaman.

Bằng cách mở rộng ranh giới thềm lục địa giữa Ấn Độ và Bangladesh đến điểm giao nhau với ranh giới thềm lục địa được phân định trước đó giữa Bangladesh và Myanmar, Tòa án đã xác định một điểm giao nhau về biên giới giữa 3 nước một cách hiệu quả. Vẫn còn một phần nhỏ ranh giới thềm lục địa giữa Ấn Độ và Myanmar cần được phân định trong khu vực này cũng như một khu vực ở phía Đông giữa Myanmar và quần đảo Andaman.

Tương tự như vậy, các đường ranh giới thềm lục địa vẫn cần được phân định giữa Ấn Độ và Sri Lanka, nơi mà đòi hỏi về thềm lục địa mở rộng của Sri Lanka chồng lấn với yêu sách ngoài khơi của Ấn Độ đại lục và ngoài khơi quần đảo Andaman.



Các ý nghĩa đối với khu vực

Phán quyết của Tòa án là diễn biến tích cực đối với an ninh hàng hải ở khu vực. Nó đã giải quyết một nguồn căng thẳng chính trong Vịnh Bengal và mở đường cho sự hợp tác hiệu quả hơn trong việc quản lý vịnh cũng như các nguồn tài nguyên của nó. Phán quyết này đưa đến một kết quả “cùng thắng” cho tất cả các bên.

Thiện chí giải quyết vấn đề một cách hòa bình và sẵn sàng chấp nhận quyết định của Tòa án đã nâng cao uy tín về đạo đức của Ấn Độ với tư cách là cường quốc ở Nam Á. Đây là một ví dụ mà Trung Quốc có thể học hỏi (trong việc giải quyết các tranh chấp của mình) ở Đông Á. Thay vì phủ nhận tồn tại tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc có thể mang các tranh chấp này tới trọng tài, thậm chí có nguy cơ một kết quả bất lợi hay nước này có thể giành chiến thắng.

Phán quyết của Tòa án cho thấy một minh chứng có giá trị rằng với ý chí chính trị, các tranh chấp hàng hải có thể được giải quyết một cách hòa bình. Tuy nhiên, phán quyết này có thể không cung cấp một tiền lệ cho các tranh chấp biên giới ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông. Các đảo tranh chấp ở những vùng biển đó làm tình hình biên giới trở nên đặc biệt phức tạp. Giải quyết các tranh chấp chủ quyền là một điều kiện tiên quyết của các cuộc đàm phán về biên giới.

Đó cũng là trường hợp mà không một quốc gia nào có thể bị bắt buộc phải tham gia vào cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp biên giới trên biển. Ở giai đoạn này, có rất ít dấu hiệu cho thấy các nước Đông Á đã sẵn sàng đệ trình các đường biên giới trên biển đang tranh chấp của mình ra trọng tài quốc tế.’
IV. TIN QUỐC TẾ
ĐÔNG NAM Á


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 181.82 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương